Mỹ và Việt Nam tổng kết dự án giúp Hà Nội nâng cao năng lực quản trị Nhà nước (RFA, 06/11/2018)
Hội nghị tổng kết Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) do cơ quan Phát Triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cho Việt Nam diễn ra tại Hà Nội hôm 6/11/2018. Đại diện các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đến tham dự.
Một góc Hà Nội từ trên cao vào ngày 27/6/2018. Reuters
Dự án trị giá 42 triệu đô la này là sự tiếp nối những thành công của chương trình hỗ trợ quản trị nhà nước và tăng trưởng kinh tế của USAID tại Việt Nam.
Mục tiêu của dự án từ năm 2014 được cho biết nhằm giúp Chính phủ Việt Nam cải thiện quy trình hoạch định chính sách qua việc tăng cường nguồn thông tin và sự tham gia của người dân, đồng thời minh bạch hóa để phát triển toàn diện.
Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan của Quốc hội là các cơ quan đối tác cùng phối hợp thực hiện dự án với USAID, trong đó Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản.
Trong 5 năm qua, dự án GIG đã cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật để cùng với các cơ quan đối tác của Việt Nam thực hiện hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và quy trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả của hệ thống pháp luật ; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước ; và tăng cường sự tham gia toàn diện của các nhóm đối tượng, trong đó chú trọng vào một số nhóm yếu thế trong xã hội, bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ.
****************
Anh phát hiện 15 trẻ em Việt trên xe đông lạnh từ Pháp (VOA, 07/11/2018)
21 người, trong đó có trẻ em chỉ 12 tuổi, đã bị phát hiện bên trong một xe tải đông lạnh chở hàng.
Nhóm người Việt trốn trong các thùng nước trên xe và họ bị giữ tại cảng Newhaven ở Sussex, Anh, hôm 1/11.
Một vụ bắt giữ người Việt vào Anh trái phép.
Nhưng theo BBC, chi tiết về vụ bắt giữ này chỉ mới được thông báo, và một cuộc điều tra hình sự đã được tiến hành.
Một tài xế Romania 29 tuổi đã bị truy tố tội hỗ trợ người vào Anh trái phép. Người đàn ông này đã phải ra tòa hôm 3/11, theo tờ Guardian.
Chiếc xe tải bị chặn sau hành trình từ Pháp. Trên xe có 15 trẻ em và sáu người lớn.
Những em nhỏ bị lạnh nhưng không cần được chăm sóc y tế. Các em sau đó đã được trao cho cơ quan bảo trợ xã hội địa phương.
Một nam thanh niên 18 tuổi và một phụ nữ 27 tuổi đã bị trục xuất khỏi Anh.
Bốn người lớn còn lại đang bị giữ tại trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép.
Trước đây, nhiều vụ đưa người Việt vào Anh trái phép cũng đã bị chặn bắt.
**********************
Hội đồng Liên tôn Việt Nam kêu gọi Mỹ tăng áp lực nhân quyền (Người Việt, 06/11/2018)
Hội đồng Liên tôn Việt Nam kêu gọi Mỹ tăng áp lực với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam để dân "được tự do hành đạo, các công nhân được tôn trọng nhân quyền, và toàn dân được hưởng tự do, dân chủ".
Hòa thượng Thích Không Tánh phát biểu trong cuộc họp với phái đoàn ngoại giao Mỹ chiều 5 Tháng Mười Một, 2018, tại chùa Giác Hoa, Sài Gòn. (Hình : Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất)
Hôm thứ Hai, 5 tháng Mười Một, 2018, phái đoàn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đến gặp các đại diện trong Hội đồng Liên tôn Việt Nam, một tổ chức quần chúng độc lập, tại chùa Giác Hoa ở Sài Gòn để hiểu biết những diễn biến mới nhất về tình hình nhân quyền nói chung và tự do tôn giáo nói riêng tại Việt Nam, không qua những lời tuyên truyền của nhà cầm quyền.
Theo bản tin tường thuật về cuộc tiếp xúc được thuật lại trên trang mạng của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (ghpgvntn.net), phái đoàn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có đoàn công tác Văn phòng Tự do Tôn giáo quốc tế thuộc Cục Dân Chủ, Nhân Quyền, Lao Động, Bộ Ngoại giao Mỹ, với ông Khashayar M Ghashyhai – phó giám đốc, và bà Mariah J Mercer – trưởng Bộ phận phụ trách Thái Bình Dương và Đông Á. Bên cạnh đó còn có bà Pamela Pontius thuộc Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn.
Phái đoàn Liên tôn gồm Hòa thượng Thích Không Tánh (Phật giáo), Chánh trị sự Hứa Phi, Chánh trị sự Nguyễn Kim Lân, Chánh trị sự Nguyễn Bạch Phụng và Chánh trị sự Lê Thị Nho (Cao đài), ông Lê Quang Hiển, ông Lê Văn Sóc (Phật giáo Hòa Hảo), Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa (Tin lành) và Linh mục Lê Xuân Lộc (Công giáo).
Trong cuộc gặp, bản tin ghpgvntn.net cho hay : "Hòa thượng Thích Không Tánh đại diện các chức sắc trình bày tình hình chung về những vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Hòa thượng nói lên khát vọng của Hội đồng Liên tôn cũng như 90 triệu người dân Việt (trừ các đảng viên cộng sản) là Việt Nam sớm thoát ách độc tài toàn trị cộng sản ; mong Việt Nam có được tự do dân chủ, đa đảng đa nguyên ; mong Hoa Kỳ và các nước trên thế giới giúp Việt Nam được bảo toàn lãnh thổ lãnh hải, không trở thành thuộc địa của Trung Quốc trong tương lai".
Đại diện Hội đồng Liên tôn Việt Nam phát biểu trong cuộc họp với phái đoàn ngoại giao Mỹ chiều 5 tháng Mười Một, 2018, tại chùa Giác Hoa, Sài Gòn. (Hình : Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất)
"Các đại diện các tôn giáo cũng lần lượt trình bày về những bách hại cũng như những vi phạm tự do tôn giáo mà nhà cầm quyền Việt Nam đang thực hiện đối với mỗi tôn giáo, với từng trường hợp cụ thể", bản tin ghpgvntn.net viết, và ông Khashayar – đại diện phái đoàn Hoa Kỳ – "mong muốn Hội đồng Liên tôn Việt Nam cập nhật thường xuyên những vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam cho Hoa Kỳ qua đại diện là viên chức chính trị của Tổng Lãnh sự quán tại Sài Gòn".
Theo nguồn tin trên Hội đồng Liên tôn Việt Nam kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ luôn đặt điều kiện về nhân quyền, khi bang giao với nhà nước Việt Nam dù trên phương diện kinh tế, văn hóa, thương mại, quân sự… ; và sẵn sàng có những biện pháp chế tài (danh sách CPC tại Hoa Kỳ chẳng hạn) khi Hà Nội có những vi phạm nhân quyền liên tục và nghiêm trọng.
"Thực ra thì đã có quá nhiều rồi. Đặc biệt, xin theo dõi xem Hà Nội có cho công đoàn độc lập được hoạt động tại Việt Nam hay không sau khi Việt Nam gia nhập CPTPP", theo bản tin.
Hội đồng Liên tôn Việt Nam thúc giục : "Quý vị giúp cho Phong trào Dân chủ Nhân quyền trên đất nước chúng tôi được thành công để các tín đồ được tự do hành đạo, các công nhân được tôn trọng nhân quyền, và toàn dân được hưởng tự do, dân chủ như quý quốc".
Cuộc họp giữa phái đoàn Hội đồng Liên tôn Việt Nam với phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ diễn ra trong lúc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang sửa soạn cưỡng chế phá hủy chùa An Cư, một chùa trong hệ thống Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Hành động không ngoài chủ trương triệt hạ từ từ các cơ sở của khối Phật giáo không nằm trong hệ thống "quốc doanh".
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 29 tháng Năm, 2018, công bố "Phúc trình tự do tôn giáo thế giới 2017", trong phần đề cập đến Việt Nam nói rằng chế độ Hà Nội tiếp tục kiểm soát, đàn áp những tổ chức tôn giáo không chịu sự kiểm soát của nhà nước dù hiến pháp của chế độ công nhận quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của người dân.
Chế độ Hà Nội luôn luôn phủ nhận các cáo buộc đàn áp tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam bất chấp những bằng chứng cụ thể với người thật việc thật. (TN)
*******************
Lộ diện Vingroup là nhà đăng cai cuộc đua Công thức 1 ở Hà Nội (VOA, 07/11/2018)
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng đã ký hợp đồng đưa giải đua Công thức 1 thế giới Grand Prix tới đường phố Hà Nội trong "nhiều năm".
Đường đua Công thức 1 trên phố ở Azerbaijan. Hà Nội đã trở thành thành phố thứ 4 trên thế giới sẽ tổ chức cuộc đua F1 trên phố.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc giải đua Công thức 1 thế giới Formula 1 (F1), Chase Carey, chính thức công bố hôm 7/11 rằng Hà Nội sẽ là thành phố đăng cai một giải đua của Formular 1 Grand Prix và Vingroup chính là nhà tài trợ của hợp đồng giữa F1 và Việt Nam.
Tuy nhiên giá trị hợp đồng không được tiết lộ.
Người đứng đầu F1 cho biết tại buổi họp báo tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long hôm 7/11 rằng giải đua ở Hà Nội sẽ đem lại chất lượng tuyệt vời cho Giải đua xe công thức 1 và thu hút sự quan tâm của người hâm mộ, theo cổng thông tin điện tử TP Hà Nội. Cũng theo ông Carey, việc tổ chức F1 tại thủ đô Việt Nam cũng nằm trong chiến lược phát triển của Tập đoàn tại Châu Á.
Công bố Hà Nội nhận quyền đăng cai Giải đua F1, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói thành phố tự hào được đăng cai Formula 1 Vietnam Grand Prix để cho thế giới thấy vẻ đẹp kết hợp giữa cổ kính và hiện đại của Hà Nội, theo trang web www.formula1.com.
Trang web chính thức của F1 trích lời Phó chủ tịch và CEO của tập đoàn Vingroup, Nguyễn Việt Quang, nói rằng ngoài việc quảng bá hình ảnh thành phố thủ đô của Việt Nam, Giải đua công thức 1 sẽ là cơ hội để Vingroup chính thức công bố với thế giới ô tô đầu tiên của Việt Nam do tập đoàn này sản xuất.
Đầu tháng trước, Vingroup đã cho ra mắt Vinfast, ô tô đầu tiên mang nhãn hiệu made-in-Vietnam, tại triển lãm ô tô thế giới ở Paris.
Để có thể giành quyền đăng cai giải đua F1, Vingroup đã thành lập Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix với số vốn 1.000 tỷ đồng và sở hữu 100% doanh nghiệp này vào tháng 8 vừa qua, theo thông tin từ VNExpress.
Tin cho hay, giải F1 tạo ra doanh thu còn cao hơn cả Liên đoàn Bóng đá Thế giới, FIFA, và Ủy ban Olympic Quốc tế.
Theo AP, tổ chức đăng cai giải đua sẽ phải trả phí khoảng từ 50 tới 60 triệu USD một năm, và giám đốc thương mại của F1 từng cho biết rằng 19 trong số 21 cuộc đua được chính phủ tài trợ đăng cai.
Vingroup hiện đang mở rộng hoạt động trên hầu khắp các lĩnh vực, từ các mảng sinh lời cho tới phi lợi nhuận, theo VNExpress.
Cũng theo ông Quang, với việc đưa giải đua F1 đến Hà Nội, Vingroup muốn tạo ra những lợi ích chung cho xã hội gồm việc làm, cơ sở hạ tầng của thủ đô sẽ được nâng cấp và các sự kiện lớn hơn của thế giới sẽ được tổ chức ở Việt Nam.
Đường đua ở Hà Nội sẽ trở thành một phần trong hệ thống Giải đua F1 vô địch thế giới và là đường đua thứ 4 trên phố, sau Monaco, Singapore và Azerbaijan, theo The Guardian. Đường đua có tổng chiều dài 5,565km sẽ nằm ở phía tây của trung tâm thành phố Hà Nội.
****************
Việt Nam chuẩn bị lập thêm một công đoàn ‘cuội’ (Người Việt, 06/11/2018)
Chế độ Hà Nội chuẩn bị lập ra một "tổ chức đại diện người lao động" như một thứ "bung xung" để giật dây, qua mặt các nước khác khi ký Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Một cuộc đình công của công nhân đòi tăng lương tại Việt Nam. (Hình : AFP/Getty Images)
Hôm Thứ Hai, 5 Tháng Mười Một, 2018, Quốc hội cộng sản Việt Nam thảo luận chiếu lệ để thông qua Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Hà Nội đã ký với 10 nước khác gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore hôm 8 Tháng Ba, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 30 Tháng Mười Hai tới đây khi đã có 50% các nước đối tác thông qua.
CPTPP là chữ viết tắt của Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership. Một trong những điều khoản của hiệp định là buộc các nước thành viên phải để cho giới công nhân được tự do thành lập nghiệp đoàn, một điều khó nuốt cho một chế độ độc tài đảng trị như tại Việt Nam. Nhưng vì nhu cầu cần giao thương để cứu sống chế độ, Hà Nội đành phải chấp nhận và tìm cách qua mặt như từng qua mặt tất cả các cam kết quốc tế khác đã ký từ trước đến nay.
CPTPP nguyên thủy là Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước được thỏa thuận nguyên tắc khi Tổng Thống Barack Obama còn đương quyền. Tuy nhiên khi ông Donald Trump lên cầm quyền thì tuyên bố nước Mỹ rút ra, 11 nước còn lại lập một hiệp ước khác thay thế, gọi là CPTPP.
Tại Việt Nam hiện đang có một tổ chức nghiệp đoàn lao động duy nhất gọi là "Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam". Tổ chức này do đảng cộng sản Việt Nam lập ra và do các đảng viên của đảng cộng sản Việt Nam đứng đầu, phục vụ nhu cầu chính trị của đảng nên đi ngược lại quyền lợi của giới công nhân.
Từ khi chế độ Hà Nội bắt đầu "đổi mới" để cứu sống chế độ, hàng ngàn cuộc đình công đã diễn ra khắp nơi nhưng không hề có cuộc đình công nào do "Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam" cầm đầu. Tất cả đều bị gán cho là "bất hợp pháp" do giới công nhân đứng lên đòi tăng lương và chống lại những quy định tàn ác, bất nhân của giới chủ nhân, đặc biệt là giới chủ nhân ngoại quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật cuộc họp ở Quốc hội ngày 5 Tháng Mười Một, 2018 : "Về việc thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong dự thảo Bộ Luật Lao Động, chính phủ cũng đang dự kiến cho thành lập tổ chức đại diện người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn. Đây là một tổ chức không mang màu sắc chính trị, chủ yếu bảo vệ quyền lợi hợp pháp về quan hệ lao động và không có các hành động khác liên quan đến chính trị".
Thông Tấn Xã Việt Nam và hệ thống báo đài của chế độ tránh né những từ ngữ như "tự do nghiệp đoàn" vốn rất nhạy cảm mà Hà Nội không muốn để xảy ra vì biết rất nguy hiểm cho sự tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam. Hãng tin này thuật lại lời đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu, cũng là phó chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, "thừa nhận sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn khiến công đoàn Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, chưa có tiền lệ".
Bởi vì, "theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, sau khi các điều khoản về lao động có hiệu lực, tổ chức công đoàn Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với tổ chức đại diện người lao động về thu hút, tập hợp, kết nạp đoàn viên, về thành lập tổ chức ở cơ sở và chia sẻ nguồn lực về tài chính".
Lo bị cạnh tranh và sợ tổ chức công đoàn độc lập biến thành các tổ chức chính trị đối lập là mối lo gan ruột của đảng cộng sản Việt Nam nên một thứ tự do nghiệp đoàn tại Việt Nam khó lòng xuất hiện suôn sẻ. Dù vậy, chế độ Hà Nội vẫn phải sửa lại Bộ Luật Lao Động để thỏa mãn điều kiện của hiệp định CPTPP. Còn những quy định về nghiệp đoàn, về đình công sẽ được sửa đổi, "luồn lách" thế nào vẫn còn nằm trong sự toan tính của đảng.
Một số bạn trẻ tại Việt Nam vận động và hậu thuẫn cho phong trào tự do nghiệp đoàn tại Việt Nam đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bỏ tù như Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Đoàn Quốc Hùng, Nguyễn Đặng Minh Mẫn. Hiện nay Quốc Hùng và Minh Mẫn còn đang bị tù, Đoàn Huy Chương thì phải trốn ở nước ngoài.
Trong cuộc biểu tình chống "Luật Đặc Khu" và "Luật An ninh mạng" hồi Tháng Sáu vừa qua, cũng có sự tham dự của hàng ngàn công nhân ở Sài Gòn, một số ít ở Biên Hòa, Tây Ninh, còn ở Bình Dương, Cần Thơ thì bị dập tắt trong trứng nước. Một số công nhân bị cho là cầm đầu đã bị bỏ tù. (TN)