Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chủ tịch nước, Tổng bí thư Tô Lâm đi Trung Quốc : chuyến thăm có ý nghĩa gì ?

BBC, 15/08/2024

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 18-20/8, theo thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

diplomacy1

Chuyến xuất ngoại đầu tiên trên cương vị Tổng bí thư của ông Tô Lâm là tới Trung Quốc gặp ông Tập Cận Bình

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị chủ tịch nước và Tổng bí thư.

Vào tháng 7, ông Tô Lâm đã có chuyến công du nước ngoài tới Lào và Campuchia, nhưng lúc bấy giờ ông chưa làm Tổng bí thư.

Chuyến thăm tới Trung Quốc được cho là để khẳng định mối quan hệ bền chặt giữa hai nước được coi là "anh em đồng chí cộng sản".

Là láng giềng, Trung Quốc và Việt Nam có nền chính trị với nhiều điểm tương đồng, là đối tác kinh tế quan trọng của nhau, nhưng cũng có nhiều mâu thuẫn không thể hóa giải về chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông.

Ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở ở Washington DC (Mỹ), nhận định với BBC vào ngày 15/8:

"Việc các nhà lãnh đạo Việt Nam đến thăm Trung Quốc và duy trì mối quan hệ hòa hảo nhất có thể mà không phải hy sinh chủ quyền hoặc lợi ích quốc gia là thực tế của việc ở gần kề một gã hàng xóm khổng lồ, đôi khi hung hãn như Trung Quốc.

"Điều đó không có nghĩa là ông Tô Lâm hay giới lãnh đạo Việt Nam ngả về phía Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào. Ngược lại, họ tìm cách tăng cường và đa dạng hóa mối quan hệ với càng nhiều đối tác bên ngoài càng tốt để đảm bảo rằng Việt Nam có thể tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc, điều sẽ làm hạn chế vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế".

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu khách mời cấp cao và nhà phân tích chính trị từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), bình luận với BBC News Tiếng Việt ngày 15/8 rằng trọng tâm chính của chuyến công du sẽ là "thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại, thảo luận sâu hơn về cách giải quyết các vấn đề trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế và thúc đẩy quan hệ giữa người dân hai nước".

'Đưa Việt Nam quay lại quỹ đạo Trung Quốc'

Ở nhiệm kỳ Tổng bí thư đầu tiên vào năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng cũng thực hiện chuyến công du đầu tiên đến Trung Quốc. Nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 2016, ông Trọng thăm Lào đầu tiên và ở nhiệm kỳ cuối, ông cũng đến Trung Quốc vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2022.

Việc ông Tô Lâm chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên, chỉ sau chưa đầy hai tuần được bổ nhiệm lên vị trí Tổng bí thư, có thể cho thấy rằng ông Tô Lâm muốn gửi thông điệp rằng Việt Nam luôn ưu tiên Trung Quốc trong quan hệ ngoại giao, với tư cách là người anh em cộng sản và quốc gia láng giềng, mà phía Trung Quốc gọi là quan hệ "vừa là anh em vừa là đồng chí" (đồng chí gia huynh đệ).

Nhận định với BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói rằng ông Tô Lâm là một nhà lãnh đạo thực dụng và ông ấy đã cam kết tiếp nối di sản của ông Trọng. Vì thế ông Tô Lâm sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại tương tự.

Về phía mình, Trung Quốc coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong công tác ngoại giao với các nước láng giềng (phương châm ngoại giao thân – thành – huệ - dung). Tuy nhiên, Trung Quốc có yêu sách hung hăng trên Biển Đông nên đây là vấn đề hai nước cần phải giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế.

Ông Wen-Ti Sung (Tống Văn Địch), nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu của Hội đồng Atlantic kiêm Giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Úc, nhận định với BBC tiếng Trung rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước, Tổng bí thư Việt Nam Tô Lâm là để củng cố quan hệ song phương Việt Nam – Trung Quốc.

"Trung Quốc đã tận dụng mọi biện pháp để củng cố quan hệ Việt-Trung sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời bằng việc cho bốn ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, gửi lời chia buồn tới Việt Nam. Trong đó, họ cử cả Vương Hỗ Ninh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc, nhân vật số 4, đến Việt Nam để viếng ông Trọng.

"Rõ ràng là Trung Quốc muốn tận dụng cơ hội khi mà sự thay đổi lãnh đạo ở Việt Nam có thể khiến Việt Nam quay trở lại quỹ đạo Trung Quốc, đặc biệt là hiện nay Việt Nam có thể có thêm lý do để thực hiện việc đi dây chiến lược và cải thiện quan hệ với Trung Quốc, trong bối cảnh ông Trump có thể quay lại làm tổng thống, tạo nên một viễn cảnh khó lường".

Ông Wen-Ti Sung cũng nói thêm rằng, cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước sẽ cho Trung Quốc một dịp để hâm nóng quan hệ với nhà lãnh đạo mới được bổ nhiệm của Việt Nam là ông Tô Lâm, người có hồ sơ lãnh đạo khá mỏng, nếu xét theo các chuẩn mực của lãnh đạo tối cao.

"Nghi thức tiếp đón cấp nhà nước có thể coi như là một lá phiếu tín nhiệm của Trung Quốc và giúp củng cố vị thế chính trị của ông Tô Lâm, điều mà ông ta có lẽ rất mong muốn", ông Sung nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Wen-Ti Sung, Trung Quốc cũng mong muốn xây dựng mặt trận thống nhất với Việt Nam để giảm bớt căng thẳng trong tranh chấp giữa các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc trên Biển Đông.

Nguồn : BBC, 15/08/224

*************************

Chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ thế nào dưới thời ông Tô Lâm ?

VOA, 15/08/2024

Cân bằng chiến lược của Việt Nam giữa các cường quốc toàn cầu khó có thể thay đổi sau khi ông Tô Lâm lên nắm quyền lãnh đạo tối cao trong lúc Hà Nội tìm cách tăng cường quan hệ với cả Washington và Bắc Kinh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia nói với VOA.

diplomacy2

Ông Tô Lâm lên làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam hôm 3/8/2024.

Ông Tô Lâm, vốn từng là ông trùm an ninh của Việt Nam, đã được Ban chấp hành trung ương Đảng nhất trí bầu giữ chức vụ Tổng bí thư một hội nghị bất thường hôm 3/8 sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng qua đời. Trước đó hai tháng rưỡi, ông đã được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước thay ông Võ Văn Thưởng. Việc nắm giữ cả hai vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước đã đưa ông Tô Lâm trở thành người quyền lực nhất Việt Nam.

Ngay sau khi có tin ông Lâm trở thành Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin là những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên chúc mừng ngay trong ngày 3/8. Ông Tập tuyên bố sẽ làm việc với ông Tô để tăng cường quan hệ song phương, trong khi ông Putin gọi ông Tô là ‘đồng chí’, theo các hãng tin Tân Hoa Xã và TASS.

Phải đến bốn ngày sau, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới gửi lời chúc mừng đến ông Tô Lâm, trong đó ông nói Phó Tổng thống Kamala Harris và bản thân ông ‘mong muốn được làm việc với Tổng bí thư Tô Lâm để tiếp tục thúc đẩy tiến bộ lịch sử (trong quan hệ giữa hai nước), vốn hỗ trợ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập, thịnh vượng và kiên cường’, trang web của Nhà Trắng cho biết.

Hà Nội có khuôn khổ quan hệ cao nhất với Washington, Bắc Kinh và Moscow sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 và ba tháng sau đó đã đồng ý xây dựng ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ với Trung Quốc.

Lựa chọn và ưu tiên

Tại cuộc họp báo ngay sau khi được bầu làm Tổng bí thư, ông Lâm được báo chí trong nước dẫn lời nói rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam nhìn chung không thay đổi, vẫn đi theo các nguyên tắc là ‘độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa’ – đường lối ngoại giao dưới thời ông Trọng được biết đến với tên gọi ‘ngoại giao cây tre’, tức là giữ cân bằng giữa các siêu cường.

Các phương hướng chính sách đối ngoại hiện tại của Việt Nam đã được định hình và ghi vào văn kiện tại Đại hội Đảng khóa 13 hồi năm 2021, vì vậy nó không thể thay đổi cho đến Đại hội Đảng tiếp theo vào năm 2026, ông Nguyễn Hồng Hải, giảng viên về Quan hệ Quốc tế tại Đại học VinUni ở Hà Nội, nhận định với VOA.

Ông giải thích chính sách đối ngoại của Việt Nam là sự lãnh đạo tập thể của Bộ Chính trị, cơ quan quyết định tối cao của Đảng, chứ không phải thuộc thẩm quyền của ông Lâm, mặc dù bản thân ông có thể có ảnh hưởng nhất định trong quyết định về phương hướng quan hệ giữa Việt Nam với các nước, như trong trường hợp của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Việt Nam sẽ tiếp tục giữ cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ", ông nhấn mạnh.

Ông Hải lưu ý Hà Nội mô tả mối quan hệ với Bắc Kinh là ‘lựa chọn chiến lược’ còn quan hệ với Washington tương ứng là ‘ưu tiên chiến lược’. "Lựa chọn về cơ bản là cao hơn ưu tiên", ông phân tích.

"Tuy nhiên, nếu Việt Nam có chú trọng quan hệ với Trung Quốc hơn thì cũng dễ hiểu vì vị trí địa chính trị cũng như mối liên hệ giữa hai nước trên nhiều phương diện", giảng viên này nói thêm.

Ông chỉ ra hệ thống phân cấp các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam từ cao xuống thấp là láng giềng, nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác truyền thống và các đối tác quan trọng khác. "Trung Quốc là hội tụ tất cả những ưu tiên này", ông cho biết.

Tuy nhiên, Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc hơn không có nghĩa là Việt Nam chọn phe. "Việt Nam không chọn đứng về phe Trung Quốc chống Mỹ, mà cũng không về phe Mỹ chống Trung Quốc", ông nhấn mạnh.

Ông Carlyle Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Canberra, nói với VOA rằng "Việt Nam sẽ hợp tác và đấu tranh với cả Trung Quốc và Mỹ để duy trì độc lập và tự chủ chiến lược của mình".

Ông lưu ý chính sách đối ngoại của Việt Nam về cơ bản phục vụ cho mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại với thu nhập cao vào năm 2045.

"Ông Tô Lâm sẽ theo đuổi các đường lối hành động song song trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc", ông nhận xét. "Cả hai đường lối này đều nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam".

Ông Lâm sẽ đến Bắc Kinh vào tuần tới trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi trở thành Tổng bí thư và hy vọng sẽ xây dựng mối quan hệ cá nhân với ông Tập Cận Bình giống như Trọng đã từng làm.

Ông Trọng đã gặp ông Tập 8 lần ở Bắc Kinh và Hà Nội từ năm 2011 đến năm 2024, kể cả khi ông Tập còn là phó chủ tịch nước vào năm 2011. Cả hai nhà lãnh đạo đã cố gắng xây dựng mối quan hệ thân tình với các nghi thức đặc biệt trong các lần thăm viếng nhau như thưởng trà đàm đạo.

"Tất nhiên, mối quan hệ cá nhân của ông Tô Lâm với ông Tập Cận Bình không thể, hay chính xác hơn, là chưa thể so sánh về quan hệ cá nhân giữa ông Trọng và ông Tập ngay được", ông Hải nhận xét.

Trên cương vị chủ tịch nước, ông Lâm đã đón tiếp và hội đàm với Tổng thống Nga Putin hồi tháng 6 nhưng chưa bao giờ gặp Tổng thống Biden. Khi ông Biden thăm chính thức Hà Nội vào tháng 9 năm ngoái, ông Lâm vẫn đang là Bộ trưởng Công an.

Quan ngại nhân quyền

Là lãnh đạo công an từ năm 2016 cho đến năm 2024, ông Tô Lâm giám sát việc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến. Ông được cho là đã ra lệnh bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức vào năm 2017, vụ tai tiếng ngoại giao đã thổi bùng căng thẳng Hà Nội với Berlin.

"Là Bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm là người chỉ đạo việc sách nhiễu, đe dọa, bắt giữ và bỏ tù các nhà hoạt động chính trị và xã hội dân sự. Không có dấu hiệu nào cho thấy hồ sơ nhân quyền của Việt Nam sẽ có bất kỳ thay đổi nào theo hướng tốt hơn", Giáo sư Thayer nhận định với VOA.

Ông cho biết Mỹ đã thiết lập các kênh để truyền đạt mối quan tâm về nhân quyền với Việt Nam trong khi EU có thể viện dẫn các điều khoản về dân chủ và nhân quyền trong Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) nếu Hà Nội có vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.-Hồ sơ nhân quyền tệ hại của Việt Nam là sản phẩm của hệ thống chính trị độc đảng dưới sự lãnh đạo tập thể do cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo trong 13 năm qua, chứ không phải của một mình ông Tô Lâm, ông Thayer lưu ý. Trong thông điệp chúc mừng Tô Lâm, ông Tập Cận Bình bày tỏ sự ủng hộ đối với công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, một nước láng giềng gần gũi, và không đề cập gì đến vấn đề nhân quyền.

Khi được hỏi liệu hồ sơ nhân quyền của ông Tô Lâm có gây trở ngại cho việc tiếp cận Hà Nội của Washington và Brussels hay không, ông Thayer chỉ ra các cuộc gặp giữa ông Lâm với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và ông Josep Borrell Fontelles, đại điện cao cấp về đối ngoại và an ninh của Liên Hiệp Châu Âu (EU) khi họ đến Hà Nội vào tháng trước để tham dự tang lễ của ông Trọng.

Ông Blinken được cho là đã đảm bảo với ông Lâm rằng Mỹ trân trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, trong khi ông Fontelles nói EU mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên đối tác chiến lược toàn diện.

Khi ông Tô Lâm lên làm Chủ tịch nước hồi tháng 6, các nhà lãnh đạo Châu Âu trong đó có Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Vua Anh Charles Đệ Tam đều đã gửi điện chúc mừng, ông Hải ở Đại học VinUni chỉ ra.

"Nhìn chung, cách tiếp cận của Mỹ và EU đối với Việt Nam không thay đổi", ông Hải nói thêm.

"Mỹ và EU quan tâm đến chính sách và đường lối ngoại giao của Việt Nam, chứ vai trò của cá nhân không có ảnh hưởng nhiều".

Nguồn : VOA, 15/08/2024

*******************************

Vì sao chuyến đi Trung Quốc của Tô Tổng sẽ "lành ít dữ nhiều" ?

Trà My, Thoibao.de, 14/08/2024

Truyền thông quốc tế đã đồng loạt đưa tin, Tô Tổng sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 18 đến 20/8.

diplomacy3

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ảnh : Nam Trần

Theo nguồn tin quốc tế, trong ngày đầu tiên của chuyến thăm, ông Tô Lâm sẽ gặp người đồng cấp Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, và 2 ngày tiếp theo, Tô Tổng cùng đoàn sẽ có các hoạt động giao lưu, tiếp xúc với các thành viên Ban lãnh đạo Trung Quốc.

Đáng chú ý, hãng tin quốc tế cho biết, nhiều quan chức Việt Nam và nước ngoài tiết lộ, ông Tô Lâm có thể sẽ thôi chức Chủ tịch nước, khi Quốc hội họp thường kỳ vào tháng 10/2024.

Theo một số nhận định, có thể, phe thân Trung Quốc trong nội bộ Đảng không ủng hộ việc ông Tô Lâm ngồi ghế Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, theo mô hình nhất thể hóa của Trung Quốc.

Chưa hết, hiện tượng và thái độ khác thường của Trung Quốc trong thời gian gần đây, đối với Tô Tổng, cho thấy, có thể ông không được lòng Bắc Kinh. Cụ thể, mới đây, một máy bay quân sự không người lái của Trung Quốc, bật tín hiệu theo dõi, đã bay gần bờ biển Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong 5 năm, Bắc Kinh công khai các hoạt động như vậy.

Vụ việc vừa kể diễn ra vài ngày, sau khi Hà Nội tuyên bố sẽ tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên giữa lực lượng Cảnh sát Biển với Philippines. Trước đó, Việt Nam đã đệ trình yêu sách lên Liên Hiệp Quốc, về vấn đề mở rộng thềm lục địa ở Biển Đông. Đây là những quyết định được cho là xuất phát từ sự chỉ đạo, và ý chí của ông Tô Lâm.

Trong khi, có luồng dư luận cho rằng, Tô Tổng chịu áp lực của thế trận "nội công, ngoại kích", giữa các thế lực kình địch, gồm phe Nghệ An và các tướng lĩnh Quân đội, vốn có chủ trương bắt tay và cầu cứu "nước lạ".

Điều này phù hợp với các thông tin trước đây, cho rằng, ngày 26/5, đoàn lãnh đạo tỉnh Nghệ An do Chủ tịch – Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung dẫn đầu, bất ngờ "đi chơi" Quảng Châu, chỉ với mục đích viếng Liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Ngay sau đó, tàu Hải cảnh Trung Quốc lập tức xuất hiện, đe dọa chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.

Trước chuyến thăm của Tô Tổng sang Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara đã đến Hà Nội, để họp bàn với Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, liên quan đến việc Nhật Bản sẽ gia tăng hỗ trợ cho Việt Nam, trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Bộ trưởng Minoru loan báo, Chính phủ Nhật tặng cho Việt Nam "món quà nhỏ bé" là 2 xe vận tải quân sự. Đây là hành động ném đá dò đường của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, để chuyển giao những loại vũ khí tinh vi hơn trong tương lai. Đây là điều khiến Bắc kinh cảnh giác, vì một ngày không xa, Nhật Bản có thể chuyển giao vũ khí sát thương cho Hà Nội.

Có ý kiến cho rằng, các thông tin kể trên gây bất lợi cho chuyến đi Bắc Kinh của ông Tô Lâm. Đó là lý do, một số ý kiến cho rằng, chuyến đi Trung Quốc của Tô Tổng sẽ "lành ít dữ nhiều".

Trên mạng xã hội xuất hiện các ý kiến cho rằng, ông Tô Lâm cần hiểu rõ "Quốc sách tiếp Quốc khách" của Tàu : Đầu tiên tìm cách đánh bả để tạo "bệnh lạ" cho các yếu nhân, sau đó mặc cả với phương châm "theo thì được giải độc, nếu không theo thì cho đi luôn", mà bài học của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một ví dụ.

Ông Trần Đại Quang sau chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 5/2017, khi trở về đã đột nhiên mắc "bệnh lạ", sau đó qua đời vào tháng 9/2028. Ông Quang được phát hiện nhiễm "virus hiếm" từ tháng 7/2017, và phải đi Nhật chữa trị tới 6 lần, nhưng không qua khỏi.

Ngày 19/9/2018, 2 ngày trước khi ông Quang qua đời, tại Phủ Chủ tịch, ông Quang đã tiếp Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc Chu Cường. Theo đồn đoán, ông Chu Cường được cho là đã mặc cả với ông Quang về yêu cầu nhân nhượng ở Biển Đông, mà Bắc Kinh đã đặt vấn đề trước đó. Nếu đồng ý, ông Quang sẽ nhận được thuốc "giải độc".

Liên quan đến việc Tô Tổng lần lữa chuyện sang thăm Trung quốc, có ý kiến cho rằng, các lãnh đạo cấp cao, như ông Trần Đại Quang hay Nguyễn Chí Vịnh, vẫn bị Trung Quốc cho mắc "bệnh lạ" như ở chốn không người. Điều đó khiến nhiều người lo ngại về sự an toàn tính mạng của tân Tổng bí thư Tô Lâm.

Trà My

Additional Info

  • Author BBC, VOA, Trà My, Thoibao.de
Published in Việt Nam

Bản sắc ngoại giao Việt Nam : Một vài suy ngẫm nhìn từ lịch sử dân tộc

Trần Chí Trung [1], Nghiên cứu quốc tế,

Nhìn lại lịch sử nghìn năm của dân tộc, ngoại giao Việt Nam đồng hành cùng dân tộc dựng nước và giữ nước, thường xuyên chống thiên tai và phòng địch họa mà xây dựng nền văn hiến dài lâu. Bản sắc của dân tộc Việt Nam là bản lĩnh được tôi rèn qua trường kỳ vất vả và gian lao. Bản sắc đó đã giúp dân tộc Việt Nam vượt qua những thời khắc cam go nhất, để rồi "càn khôn đã bĩ mà lại thái, trời trăng mờ mà lại trong" – như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại cáo.

ngoaigiao0

Trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hà Nội - Ảnh minh họa

Một dân tộc muốn trường tồn, phát triển và khẳng định vị thế của mình cần phải có bản sắc. Bản sắc ấy được kết tụ qua hàng nghìn năm kế thừa và phát triển, được kiểm định bởi những thử thách khắc nghiệt của thực tiễn mà thành. Bản sắc ngoại giao Việt Nam là một phần của bản sắc dân tộc Việt Nam, hình thành theo lịch sử phát triển của triết lý và thuyền thống ngoại giao Việt Nam. Đó là những nhận thức, tư tưởng, tri thức được đúc kết, kế thừa, bổ sung và không ngừng hoàn thiện thông qua hoạt động ngoại giao của các thế hệ cha ông, với đỉnh cao là ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh.

Triết lý và truyền thống ngoại giao của dân tộc : Cội nguồn của bản sắc ngoại giao Việt Nam

Ngay từ thuở bình minh của lịch sử dân tộc, khi bắt đầu đặt nền móng xây dựng một quốc gia độc lập, ông cha ta đã sớm ý thức về mối quan hệ đối với các nước láng giềng. Tương truyền, từ năm thứ năm đời Vua Nghiêu ở Trung Quốc (năm 2353 trước công nguyên), sứ bộ nước ta đã được Vua Hùng cử sang phương Bắc, trải qua các lần thông dịch, tiếp xúc với nhiều dân tộc mới đến nơi. Món quà do Vua Hùng nước ta tặng Vua Nghiêu là một con rùa lớn, trên mai có khắc chữ, ghi lại sự việc từ khi trời, đất mới mở mang, với mong muốn gửi thông điệp của một nước Nam về sự thân thiện và trường tồn [2]. Ở các thời kỳ lịch sử về sau cũng như vậy.

Truyền thống ngoại giao Việt Nam có những đặc điểm rất đỗi tự hào kiên định chủ trương nội yên ngoại tĩnh, thể hiện tinh thần hòa bình, hữu nghị, nhân văn, thân thiện với láng giềng, ngoại giao tâm công, lấy lẽ phải, công lý và chính nghĩa để thuyết phục lòng người [3]. Các chính sách ngoại giao của nước ta được thực thi một cách thiên biến vạn hóa, đa dạng, phù hợp với từng thời kỳ lịch sử, mang đậm nét đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc, sắc thái chính trị của mỗi chế độ, triều đại phong kiến Việt Nam. Nhưng trên hết, tất cả đều luôn vì lợi ích quốc gia – dân tộc, nhằm giữ vững độc lập, tự chủ, ngăn chặn họa xâm lăng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, xây dựng nền hòa bình dài lâu cho dân tộc.

Trong bản sắc của ngoại giao Việt Nam, tinh thần độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc là nguyên tắc bất biến. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử, xuất phát từ tinh thần yêu nước của dân tộc – không trông đợi vào bên ngoài, mà phải dựa vào chính mình để bảo vệ lợi ích chân chính của đất nước, dân tộc.

Năm 1473 (Hồng Đức năm thứ tư), vua Lê Thánh Tông ra lời dụ với Thái bảo Lê Cảnh Huy khi chuẩn bị đi đàm phán giao bang biên giới : "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. […] Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di !" [4].

Trong thời kỳ Tây Sơn, sau khi đại phá quân Thanh, Quang Trung đã nhanh chóng cử sứ giả sang phương Bắc để làm hòa, làm rõ việc nước Nam chỉ bảo vệ bờ cõi của mình, rằng Tây Sơn "không lấn sang biên giới để phải tội với thượng quốc". Đồng thời, khẳng định nếu nhà Thanh động binh xâm lược lần nữa thì quân dân ta kiên quyết chống lại. Nhờ thực hiện tốt các hoạt động đấu tranh ngoại giao, nhà Thanh phải công nhận nền độc lập của nước Nam ; trả lại 7 châu xứ Hưng Hóa đã chiếm trước đó ; đồng thời, tôn trọng chủ quyền và văn hóa nước Nam trong quan hệ hai nước.

Lợi ích quốc gia – dân tộc chính là độc lập, chủ quyền của đất nước. Ông cha ta đã ứng xử hết sức linh hoạt, khéo léo, vừa khẳng định độc lập, chủ quyền, vị thế của đất nước, không để cho bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ, vừa giữ hòa khí với nước láng giềng để đất nước được yên bình và phát triển ổn định.

Đón tiếp sứ giả mang chiếu thư đến Kinh đô Hoa Lư, Vua Lê Đại Hành đã tổ chức đãi tiệc để cho sứ giả thấy sự chan hòa của nhà vua nước Việt. Nhưng khi bị yêu cầu phải quỳ lạy tiếp chiếu, Vua Lê Đại Hành đã kiên quyết và khéo léo từ chối. Vào đời nhà Trần, Vua Trần Thái Tông cũng tiếp nối nguyên tắc từ chối lạy chiếu thư. Nguyên sử ghi lại lý do rằng : "Phàm nhận chiếu, cứ để yên nơi chính điện, còn Vua thì lui tránh về điện riêng. Đó là điển lệ cũ của nước chúng tôi" ! [5].

Để bảo vệ được chủ quyền, độc lập dân tộc, ông cha ta đã phải nhẫn nại như thế. Đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết là nguyên tắc tạo nên sự đồng thuận giữa nhân dân và những người lãnh đạo, là kim chỉ nam dẫn dắt dân tộc Việt Nam xuyên suốt những thăng trầm của lịch sử.

Hòa mục bên trong, hòa hiếu bên ngoài là bản sắc của ngoại giao Việt Nam và "trong xưng đế, ngoài xưng vương" là một trong những phương cách mà ông cha ta đã vận dụng để xử lý quan hệ của đất nước với các nước láng giềng. Yêu chuộng hòa bình, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị vốn là những đức tính cao đẹp của người Việt Nam. Điều này được đúc kết thành thuật trị nước để bảo đảm "trong ấm, ngoài êm". Tương truyền, Trần Hưng Đạo đã viết trong Binh thư yếu lược : "Hòa mục là đạo rất hay trong việc trị nước hành binh. Hòa ở trong nước thì ít phải dùng binh, hòa ở ngoài biên thì không sợ báo động". Trần Hưng Đạo đã chủ động gạt bỏ hiềm khích gia đình để trọn đạo vua – tôi và hóa giải mâu thuẫn cá nhân với Trần Quang Khải để tạo sự đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Bàn về bài học sức mạnh Đại Việt sau ba lần chiến thắng chống giặc Nguyên Mông xâm lược, Trần Hưng Đạo đã nhận định, đó là "vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước ra sức".

Hòa mục không có nghĩa là khuất phục, mà là sự thức thời trong việc định vị nước Việt ở vị trí chiến lược trong khu vực, phù hợp với tương quan thế và lực mỗi thời kỳ. Muốn bảo vệ lợi ích của quốc gia thì phải hòa mục. Phan Huy Chú đã đúc kết từ trong lịch sử : "Trong việc trị nước, hòa hiếu với láng giềng là việc lớn". Do đó, các triều đại phong kiến Việt Nam trong lịch sử thường thực hiện chính sách "trong xưng đế, ngoài xưng vương". "Ngoài xưng vương" là thể hiện sự hòa hiếu với nước lớn phương Bắc, "trong xưng đế" là thể hiện ý thức độc lập, tự cường và bản lĩnh bất khuất của dân tộc. Đó được coi là chiến lược ngoại giao xuyên suốt của một nước Việt nhỏ, sát cạnh một nước phương Bắc lớn.

Đơn cử như, vào thời kỳ nhà Mạc, trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", Vua Mạc Đăng Dung đã chủ động thoái vị một cách mềm mỏng, khéo léo để tránh việc nhà Minh đem quân sang xâm lược nước Đại Việt : "Bỏ xưng tiếm hiệu (không xưng hoàng đế) ; xin theo lịch chính sóc (lịch của nhà Minh) ; trả lại đất bốn động đã chiếm ; xin nội thuộc xưng thần ; xin hàng năm ban lịch Đại Thống (lịch của nhà Minh) và bù đủ các lễ vật tiến cống hàng năm" [6]. Nhờ đó, quân thù không đặt chân đến đất nước, mà nhà Mạc vẫn xưng hoàng đế, vẫn làm chủ nước Đại Việt [7].

Trong truyền thống và bản sắc ngoại giao Việt Nam, chiến lược "dùng ngòi bút thay giáp binh"- ngoại giao tâm công, lấy lẽ phải, chính nghĩa để thuyết phục lòng người là một triết lý quan trọng, có giá trị quyết định. Cùng với tinh thần yêu nước và đoàn kết, chính nghĩa luôn là sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Ông cha ta hết sức coi trọng việc giương cao ngọn cờ chính nghĩa trong đấu tranh ngoại giao nhằm thu hút sự ủng hộ của nhân dân, chống những luận điệu sai trái của kẻ thù, để thế giới hiểu rõ về công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Anh hùng dân tộc, nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Trãi đã đúc kết đấu tranh sao cho "hợp trời, thuận người", nên có thể "lấy yếu chống mạnh", "lấy ít địch nhiều", "lấy đại nghĩa thắng hung tàn", "lấy chí nhân thay cường bạo".

Ông cha ta cũng sử dụng linh hoạt, khéo léo phương châm ngoại giao "dùng ngòi bút thay giáp binh". Với sứ thần có học thức, giỏi văn thơ như Lý Giác, Vua Lê Đại Hành có cách ứng xử rất văn hóa, dùng thơ đối thơ, dùng nghĩa tình đãi nghĩa tình. Với sứ thần có thái độ hống hách như Tống Cảo, ông dùng đối sách mạnh, biểu dương sức mạnh nước Đại Việt [8]. Tiếp nối truyền thống ấy, gần 300 năm sau, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải vẫn ân cần làm thơ tống tiễn Sài Thung – một viên sứ thần ngạo mạn của phương Bắc về nước, bằng những lời rất nhã nhặn : Biết đến khi nào cùng gặp lại/Cầm tay bày tỏ nỗi niềm tây ! [9]

Nguyễn Trãi đã gửi hàng chục bức thư khẳng định rõ tính chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427), tinh thần nhân đạo của nhân dân ta, khẳng định sự thất bại tất yếu của quân xâm lược, làm cho giặc hoang mang, tự biết con đường duy nhất là phải chịu hòa mà rút về. Đông Quan lấy được không mất một mũi tên. Đánh giá về Nguyễn Trãi, Phan Huy Chú viết : "Quân trung từ mệnh tập có sức mạnh của mười vạn quân" [10] .

Trước khi ra lệnh xuất quân ra Bắc, đại phá quân Thanh, Vua Quang Trung đã suy tính trước : "Quân Thanh sau khi thua, tất lấy làm xấu hổ, quyết không muốn hòa hiếu. Nhưng, hai nước đánh nhau, cũng không phải là phúc cho dân. Nên nay, chỉ có người nào khéo về giấy tờ (giỏi thương lượng, đàm phán), mới có thể ngăn được họa binh đao. Việc ấy, cần nhà ngươi (Ngô Thì Nhậm) chủ trương lấy" [11] ! Cuối cùng, sự việc diễn ra đúng như vậy.

Kiên quyết, kiên trì, vừa đánh vừa đàm, biết thắng từng bước để đạt thắng lợi cuối cùng, cũng là một trong những bản sắc truyền thống nổi bật của ngoại giao Việt Nam. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, do đặc điểm là quốc gia nhỏ, Việt Nam liên tục phải đấu tranh, đương đầu với các đế chế hùng mạnh nhiều lần, lăm le xâm chiếm… do đó, cần biết thắng từng bước để đạt thắng lợi cuối cùng.

Đánh kết hợp với đàm là một bài học lớn của ông cha ta. Cùng với đấu tranh quân sự, ông cha ta đã vận dụng hết sức linh hoạt, hiệu quả các chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo ; nhưng kiên quyết, khẳng định tư duy, trí tuệ, khí phách của một dân tộc không chịu khuất phục, không chịu làm chư hầu, lệ thuộc, giữ yên bờ cõi.

Tiêu biểu là thời kỳ nhà Lý. Để ngăn chặn mưu đồ mở rộng lãnh thổ của nhà Tống, Vua Lý Nhân Tông đề cao cảnh giác, kết hợp nhiều hình thức đấu tranh ngoại giao, như bang giao chính thức thông qua các sứ bộ, giao dịch buôn bán, trao đổi ở khu vực biên giới và tổ chức các hoạt động định biên, thống nhất biên giới ; chủ động cử sứ giả sang nhà Tống cầu phong, xin kinh Đại tạng, thậm chí chấp nhận cống nạp, làm phiên thần để đạt được mục đích quốc gia – dân tộc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ. Hoạt động đấu tranh ngoại giao trong thời kỳ nhà Lý, nhất là các chính sách bang giao mềm dẻo không chỉ làm giảm bớt căng thẳng, ngăn chặn ý định xâm lược Đại Việt của nhà Tống, mà còn đòi lại được vùng đất Quảng Nguyên (Thuận Châu) vào năm 1079 [12].

Đặc biệt, trong thời kỳ nhà Trần, mặc dù ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên – Mông, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc, vua Trần vẫn kiên trì thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với nhà Nguyên để ngăn ngừa âm mưu tái xâm lược nước ta, giữ vững chế độ nhà Trần trong 175 năm.

Tư duy "biết thắng" thể hiện qua tâm thế hành xử của ông cha ta đối với sự thất bại của kẻ xâm lược. Xác định mục tiêu bất biến là "Chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh" và "mở nền thái bình muôn thuở", Nguyễn Trãi khẳng định rõ đường lối của Đại Việt sau khi Lê Lợi đánh thắng quân Minh : "Nghĩ vì kế lâu dài của nhà nước ; Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh ; Sửa hòa hiếu cho hai nước ; Tắt muôn đời chiến tranh" [13].

Có thể thấy, những chính sách trên thể hiện sâu sắc văn hóa ứng xử nhân văn, nghệ thuật ngoại giao "kiên quyết, kiên trì", "biết người, biết ta", "biết thời, biết thế", "cương nhu kết hợp", "tiến lúc mạnh, thoái lúc yếu", "khoan hòa, linh hoạt" của cha ông ta trong lịch sử.

Ngoại giao Việt Nam luôn vì sự phát triển phồn vinh của dân tộc. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, các hoạt động ngoại giao không chỉ phục vụ mục đích chính trị, quân sự, đấu tranh giữ vững độc lập, tự chủ của dân tộc, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ đất nước, bảo toàn thể diện quốc gia, kiến tạo hòa bình cho dân tộc, mà còn góp phần mở rộng các mối quan hệ giao lưu thương mại, tiếp nhận những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Các sứ thần nước Đại Việt đã góp phần mở rộng các mối quan hệ giao lưu thương mại, văn hóa không chỉ với Trung Quốc mà còn với các quốc gia láng giềng khác, như Champa (Chiêm Thành), Java (Trảo Oa), Xiêm và các quốc gia láng giềng trên biển. Lịch sử ghi nhận ngay từ thời kỳ nhà Đinh, nước Đại Việt đã có các tàu, thuyền giao lưu buôn bán hàng hóa với nước ngoài ; nhà Tiền Lê đã lập chốt buôn bán hàng hóa với Trung Quốc. Hàng hóa của nước Đại Việt được giới thiệu ra nước ngoài không chỉ bằng buôn bán thuần túy, mà còn theo hình thức cống nạp trực tiếp của các sứ bộ hoặc các thương nhân đi tham gia các đoàn ngoại giao ra nước ngoài [14].

Các sứ thần Đại Việt đều là những người trí thức danh tiếng, các bậc hiền tài, được vua tuyển chọn cẩn thận và tin dùng. Tiêu biểu là Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích… Họ mang trên mình sứ mệnh ghi chép lại những kinh nghiệm hay, cách làm tốt của nước bạn, và cả những kiến thức về quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, những giá trị văn hóa tiến bộ của các quốc gia, mang về để tham khảo trong quá trình xây dựng nước Đại Việt.

Đó là những tấm gương như Lương Như Hộc (1420-1501), qua hai lần đi sứ phương Bắc đã tiếp thu nhiều kỹ thuật in khuôn bản gỗ về nước, giúp nghề in nước ta phát triển [15]. Hay như Lê Công Hành đi sứ năm 1646, đã truyền về nước nghề thêu và làm lọng. Tương truyền, khi đó ông bị nhốt trên lầu cao ở nước bạn, đã tỉ mẩn dỡ từng đường chỉ thêu trên tấm nghi mô mà học được nghề này [16]. Trạng Bùng Phùng Khắc Hoan được cử đi sứ hai lần vào các năm 1597 và 1606, khi đã gần 70 tuổi. Ông đã mang về nước Việt kỹ thuật dệt lụa và bí mật mang về hạt giống "ngọc mễ" (hạt ngô sau này).

Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh : Nền tảng cốt lõi của bản sắc ngoại giao Việt Nam hiện đại

Lịch sử Việt Nam thời hiện đại có bước chuyển giai đoạn quyết định vào năm 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Việt Nam chính thức trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất. Là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Nhà nước Việt Nam hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng, trực tiếp chỉ đạo và dẫn dắt sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng của nước Việt Nam hiện đại [17].

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại là một hệ thống quan điểm về các vấn đề quốc tế, chiến lược, sách lược cách mạng Việt Nam trong quan hệ với thế giới. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là một bộ phận hợp thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh, được hình thành trước hết từ con người Hồ Chí Minh, được hun đúc, kết tinh từ quá trình đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đến tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin như một "cẩm nang thần kỳ" để giải phóng dân tộc. Đó là bước ngoặt cơ bản tạo nên sự phát triển về chất của tư tưởng Hồ Chí Minh. Nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam trau dồi, học tập và phát triển, là kim chỉ nam cho đường lối đối ngoại Việt Nam, nhằm phục vụ đất nước trên con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Trong đó, quan trọng nhất là phương pháp luận và tư tưởng Mác-xít, chủ nghĩa duy vật lịch sử, phép duy vật biện chứng… cùng quan điểm toàn diện, hệ thống để tiếp cận quốc tế và giải quyết mối quan hệ giữa Việt Nam với quốc tế.

Có thể thấy rõ những nội hàm cơ bản của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha ta.[18] Trong đó, phải kể đến là mục tiêu độc lập dân tộc, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa những giá trị đó lên tầm cao mới khi gắn với thực tiễn của thế giới, để đưa Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy của thời đại. Người chủ trương độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tự lực, tự cường gắn với đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh của thời đại. Tư tưởng này được thể hiện rõ trong sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng dân tộc, trong ứng xử với các nước trên thế giới để bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.

Bên cạnh những nội hàm về tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, nội dung không kém phần quan trọng trong phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh, thể hiện phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là các bài học về dự báo thời cơ và nắm bắt thời cơ, "dĩ bất biến ứng vạn biến", "ngũ tri", "hòa để tiến", "phân hóa kẻ thù…". Tất cả đều bắt nguồn và được phát triển từ những triết lý, truyền thống và nghệ thuật ngoại giao của ông cha ta.

Lịch sử không chỉ xác nhận vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vận mệnh dân tộc Việt Nam, mà còn đối với cả phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chiến sĩ xuất sắc, đấu tranh suốt đời cho hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Năm 1987, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách "Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất". Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội [19].

Xuất phát từ tư tưởng, tầm nhìn chiến lược đến những sách lược, quyết sách táo bạo, khôn khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng cộng sản Việt Nam đã từng bước đưa cách mạng nước ta vượt qua nhiều tình huống khó khăn, hiểm nghèo, "ngàn cân treo sợi tóc", từ những ngày đầu giành chính quyền, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đến công cuộc kháng chiến thành công trước thực dân, đế quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng tầm bản sắc ngoại giao Việt Nam, giúp bản sắc ngoại giao Việt Nam có được hiệu ứng mới và sức mạnh mới. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nền tảng tư tưởng cho tư duy đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, là ngọn hải đăng và kim chỉ nam để Đảng ta dẫn dắt cách mạng Việt Nam giành thắng lợi, đồng thời đưa đất nước phát triển phồn vinh, hội nhập toàn diện, sâu rộng trong thời kỳ đổi mới.

Phát huy giá trị trường tồn của bản sắc ngoại giao Việt Nam trong bối cảnh chiến lược mới

Cùng với quá trình tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện ở trong nước trong 35 năm qua, Việt Nam luôn kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại ; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Đó là sự kết hợp, kế thừa và phát huy những triết lý truyền thống ngoại giao của tiền nhân về độc lập, tự chủ, hòa hiếu, chính nghĩa, vì lợi ích quốc gia – dân tộc… dưới ánh sáng mang tầm thời đại của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự đổi mới tư duy không ngừng của Đảng.

Đại hội XIII (tháng 1/2021) của Đảng đã định hướng cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Thông điệp chính của Đại hội XIII của Đảng là đất nước và dân tộc Việt Nam hiện có đủ điều kiện, tiền đề cần thiết để phát triển đất nước hùng cường và thịnh vượng. Đại hội nhấn mạnh tầm quan trọng của bản sắc Việt Nam, phát huy nhân tố con người và khát vọng đất nước. Đại hội đã đặt ra yêu cầu đối với nền ngoại giao Việt Nam đó là phải trở thành nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với sứ mệnh lịch sử là đi tiên phong trong việc mở ra vận hội phát triển mới cho đất nước [20].

Trong những nội hàm của nền ngoại giao toàn diện và hiện đại, bản sắc ngoại giao Việt Nam luôn là một bộ phận quan trọng. Để thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử được Đại hội XIII của Đảng giao phó, ngoại giao Việt Nam phải kế thừa truyền thống ngoại giao của ông cha và phát huy cao độ những bản sắc cốt lõi của ngoại giao Việt Nam. Ngoại giao Việt Nam luôn phục vụ lợi ích quốc gia – dân tộc, trên cơ sở phù hợp với các giá trị phổ quát của nhân loại và hài hòa lợi ích chính đáng của các đối tác.

Một đặc điểm quan trọng đó là nền ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam, được cả dân tộc cùng thực hiện trong thời bình. Bản sắc này giúp ngoại giao Việt Nam vượt khỏi khuôn khổ phạm vi ý nghĩa của những khái niệm ngoại giao kinh điển. Đó là nền ngoại giao đồng hành cùng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và là sự nghiệp chung của cả dân tộc, là nền ngoại giao định vị đất nước trong thế giới hiện đại, gắn kết đất nước với quốc tế, từ đó hội nhập cùng thời đại.

Tựu trung, nhìn lại lịch sử nghìn năm của dân tộc, ngoại giao Việt Nam đồng hành cùng dân tộc dựng nước và giữ nước, thường xuyên chống thiên tai và phòng địch họa mà xây dựng nền văn hiến dài lâu. Bản sắc của dân tộc Việt Nam là bản lĩnh được tôi rèn qua trường kỳ vất vả và gian lao. Bản sắc đó đã giúp dân tộc Việt Nam vượt qua những thời khắc cam go nhất, để rồi "càn khôn đã bĩ mà lại thái, trời trăng mờ mà lại trong" – như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại cáo.

Những ngày này, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang kiên cường, đoàn kết nỗ lực nhằm vượt qua thử thách của dịch bệnh Covid-19, ngoại giao Việt Nam đang là "mũi chủ công" tham mưu triển khai trên mặt trận "ngoại giao vaccine". Sự hợp tác và ủng hộ hết lòng của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam hiện nay là thành quả của rất nhiều thế hệ ngoại giao thực hiện theo lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm cho nước ta có nhiều bạn bè hơn hết.

Đồng thời, trong một thế giới bất ổn và biến động không ngừng, ngoại giao – đối ngoại cùng với quốc phòng – an ninh là lực lượng tiên phong, thường trực trong bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa", gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ phát triển đất nước. Để thực hiện được sứ mệnh đó, ngoại giao đã và đang phát huy những giá trị truyền thống của bản sắc ngoại giao Việt Nam, hết lòng hết sức đóng góp quên mình cho sự trường tồn của dân tộc.

Trần Chí Trung

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 29/08/2021

Một phiên bản của bài viết đã được đăng lần đầu trên Tạp chí Cộng sản điện tử.

————–

[1] Nghiên cứu sinh, học viện Ngoại giao.

[2] Xem : Nguyễn Lương Bích : Lược sử Việt Nam các thời trước, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 9 – 10.

[3] Xem : Trần Minh Trưởng (Chủ biên) : Vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong tình hình mớiNhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, 2017, tr 22 – 23

[4] Đại Việt Sử Ký toàn thư, t. II, Hoàng Văn Lâu dịch, Giáo sư Hà Văn Tấn hiệu đính, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998

[5] Châu Hải Đường : An Nam truyện, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2018, tr. 57

[6] Đại Việt sử ký toàn thư (Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính), Nhà xuất bản Thế giới, 2013, t. 3, tr. 119

[7] Xem : An ninh Thủ đô : "Chính sách ngoại giao của tiều Mạc", truy cập ngày 15/8/2021

[8] Lưu Văn Lợi : "Ngoại giao Đại Việt", Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 42 – 43

[9] Vị thẩm hà thời trùng đổ diện/Ân cần ác thủ tự huyên lương. Viện Văn học : "Thơ văn Lý Trần" , Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr. 425

[10] Lưu Văn Lợi : Ngoại giao Đại việt, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 124

[11] Sách "Đại Nam chính biên liệt truyện" ghi lại (nguyên văn). Trần Ngọc Ánh : "Ngoại giao Tây Sơn – Những tư tưởng đặc sắc và bài học lịch sử", Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, số 1(30), 2009

[12]  Ngô Sĩ Liên : Đại Việt sử ký toàn thư, Toàn bộ, Nhà xuất bản Thời đại, Hà Nội, 2006, tr. 203

[13] Nguyễn Trãi, "Chí Linh Sơn Phú" , tr. 87

[14] Xem : Nguyễn Thị Phương Chi, Nguyễn Tiến Dũng : "Về các mối giao thương của quốc gia Đại Việt thời Lý, Trần (thế kỷ XI – XIV)", Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, 2007, số 07, tr. 23

[15] Nguyễn Thế Long, "Chuyện đi sứ, tiếp sứ thời xưa", Nhà xuất bản Thông Tin, Hà Nội. 2001.

[16] Nguyễn Thế Long, "Chuyện đi sứ, tiếp sứ thời xưa", Nhà xuất bản Thông Tin, Hà Nội. 2001.

[17] Xem : Vũ Khoan : "Hồ Chí Minh – người đặt nền móng cho sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam", Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 8-2015

[18] Nguyễn Dy Niên : Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh bao gồm các quyền dân tộc cơ bản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ; độc lập tự chủ, tự lực tự cường gắn liền với hợp tác quốc tế ; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại ; hòa bình và chống chiến tranh xâm lược ; hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng có chung biên giới ; xử lý hài hòa quan hệ với các nước, coi ngoại giao là một mặt trận

[19] Nguyễn Minh Vũ : "Chủ tịch Hồ Chí Minh – biểu tượng hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc", Tạp chí nghiên cứu Hồ Chí Minh, số 3-2021, tr. 33

[20] Bùi Thanh Sơn : Phát huy vai trò đối ngoại phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày 8/6/2021

*********************

Hợp tác nhóm : Lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế và hàm ý với đối ngoại đa phương Việt Nam

Vũ Lê Thái Hoàng – Lê Trung Kiên, Nghiên cứu quốc tế, 28/08/2021

Tóm tắt : Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng, hợp tác đa phương toàn cầu gặp nhiều thách thức, nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống nổi lên gay gắt đòi hỏi các nước, trong đó có các nước nhỏ, tầm trung, phải sáng tạo, linh hoạt tìm cách mở rộng mạng lưới hợp tác, liên kết quốc tế nhằm huy động tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, chung tay giải quyết các vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Hợp tác nhóm ba-bốn bên đang nổi lên như một lựa chọn phổ biến của nhiều nước, dù lớn hay nhỏ trong quan hệ quốc tế, vượt ra các khuôn khổ địa lý để kết nối, hợp tác với nhau trong các khuôn khổ có tính thể chế hóa thấp, mục tiêu khiêm tốn tập trung vào một hoặc hai nội dung hợp tác cụ thể, nhất là liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội, chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII, việc đầu tư thúc đẩy định hướng này sẽ góp phần huy động hiệu quả hơn các nguồn lực và kinh nghiệm bên ngoài phục vụ phát triển, gia tăng đan xen lợi ích, tạo thêm sự tin cậy với các đối tác, bổ trợ và làm phong phú thêm đối ngoại đa phương, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Bài viết đóng góp làm rõ khung phân tích lý thuyết về hợp tác nhóm, đánh giá thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, từ đó bước đầu rút ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

ngoaigiao2

Lý thuyết về hợp tác nhóm quốc tế

Hợp tác nhóm thường được các học giả phương Tây tiếp cận qua các lăng kính lý thuyết như tiểu đa phương (minilateralism), hợp tác tiểu vùng (subregionalism) và cơ chế hợp tác nhóm quốc tế (international regimes). Các cách tiếp cận này có điểm chung là nhấn mạnh nhu cầu hợp tác, liên kết dựa trên mẫu số chung về nguyên tắc/giá trị và lợi ích giữa các nước, mở ra những lựa chọn hợp tác mới để làm sâu sắc hơn các quan hệ song phương và song hành, bổ trợ cho các cơ chế đa phương hiện có. Tuy nhiên, cách tiếp cận tiểu đa phương được phát triển từ chủ nghĩa đa phương (multilateralism) và chủ nghĩa thể chế tự do (liberal institutionalism), nhấn mạnh tính thể chế hóa và vai trò của quy tắc, luật lệ, chuẩn mực ứng xử của các nước thành viên trong các khuôn khổ hợp tác [1]. Trong khi đó, hợp tác tiểu vùng được phát triển từ chủ nghĩa khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự gần gũi, tương đồng về địa lý đối với hợp tác, liên kết phát triển [2].

Bài viết này chủ yếu vận dụng cách tiếp cận của lý thuyết về cơ chế hợp tác nhóm quốc tế (international regime theory) để phân tích, đánh giá xu hướng hợp tác nhóm có tính thể chế hóa thấp, linh hoạt, gắn kết, tập hợp ba-bốn nước có chung lợi ích chứ không nhất thiết phải gần gũi về địa lý, dựa trên vấn đề/lĩnh vực/dự án cụ thể thay vì ôm đồm nhiều lĩnh vực hợp tác.

Về khái niệm, Stephen Krasner, Robert Keohane và Volker Rittberger từ đầu thập niên 1980 đã khởi xướng cuộc tranh luận về hợp tác nhóm quốc tế nhằm bổ khuyết cho lý thuyết về chủ nghĩa đa phương và thể chế/tổ chức quốc tế [3]. Theo khái niệm phổ biến do Krasner đề xuất, hợp tác nhóm quốc tế là quá trình hợp tác đa chủ thể giữa một số nước có cùng lợi ích, chia sẻ các giá trị hay tập quán quốc tế, thể hiện qua hệ thống các nguyên tắc, quy chuẩn, luật lệ, thủ tục để xử lý một số khía cạnh, lợi ích trong quan hệ giữa các nước [4]. Robert Keohane cho rằng hợp tác nhóm quốc tế thể hiện những mong muốn, kỳ vọng nhất quán và ổn định của các nước, làm giảm chi phí giao dịch trong hợp tác và thúc đẩy minh bạch thông tin, hành vi các nước [5]. Marc Levy, Oran Young và Michael Zurn chỉ ra rằng mức độ thể chế hóa và mức độ song trùng lợi ích giữa các bên tham gia sẽ quyết định tính chất, cấp độ phân loại cơ chế hợp tác nhóm [6]. Miles Kahler cho rằng các cơ chế hợp tác nhóm do các cường quốc dẫn dắt là nền tảng cho hợp tác đa phương ở quy mô lớn hơn [7].

Đáng chú ý, Harald Muller và Carsten Otto nêu hai đặc điểm nhận dạng khá rõ về cơ chế hợp tác nhóm. Thứ nhất, cơ chế hợp tác nhóm thường chỉ giải quyết những vấn đề cụ thể, trong khi các tổ chức/thể chế quốc tế có nhiều mục tiêu trong nhiều vấn đề/lĩnh vực. Thứ hai, cơ chế hợp tác nhóm không phải là một dạng chủ thể trong quan hệ quốc tế như các tổ chức/thể chế quốc tế ; hợp tác nhóm có thể tồn tại bên trong một tổ chức/thể chế quốc tế, song cũng có thể tồn tại, hoạt động độc lập [8].

Đặc điểm quan trọng của hợp tác nhóm quốc tế là mức độ thể chế hóa thấp, lỏng lẻo. Cách tiếp cận hợp tác nhóm quốc tế có đặc điểm nổi bật là tập trung tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các chủ thể quan hệ quốc tế trong một bối cảnh, tình huống và lĩnh vực cụ thể [9]. Hợp tác nhóm quốc tế có tính trọng tâm cao và là tập hợp lực lượng theo chức năng dựa trên lĩnh vực cụ thể (như các hợp tác nhóm về kinh tế số), hay các tập hợp lực lượng dựa trên bản sắc hoặc có cùng quan điểm (như hợp tác nhóm giữa các nền kinh tế mới nổi).

Bốn thành tố chính của hợp tác nhóm quốc tế là các nguyên tắc, thông lệ, quy định, quy tắc và quy trình ra quyết sách để tạo điều kiện cho hợp tác giữa các thành viên [10]. Ví dụ, một số nước có lợi ích trong chia sẻ nguyên tắc, thông lệ và quy tắc về xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững và chất lượng cao có thể tham gia thành một nhóm hợp tác. Các nước tin tưởng vào nguyên tắc bao trùm và công bằng trong sản xuất và phân phối vắc-xin Covid-19 có thể tham gia thảo luận trong nhóm hợp tác về vấn đề này. Các nước có cùng quan điểm trong quản trị không gian mạng có thể hình thành các nhóm hợp tác về quản trị kinh tế số.

Động lực khiến các nước, nhất là các nước tầm trung, tìm tới mô hình hợp tác nhóm quốc tế là để có không gian, phương thức hợp tác phù hợp với lợi ích quốc gia trong bối cảnh hợp tác đa phương quy mô lớn gặp khó khăn và việc thúc đẩy hợp tác song phương với một số đối tác gặp hạn chế. Hợp tác nhóm quốc tế tạo thêm lựa chọn hợp tác, "không gian xoay sở" cho các quốc gia. Trong đó, các nước tầm trung, các nước nhỏ thúc đẩy hợp tác nhóm quốc tế nhằm đa dạng hóa hình thức hợp tác để giải quyết các vấn đề an ninh và phát triển phù hợp với lợi ích quốc gia.

Thứ nhất, từ góc độ đa phương, hợp tác nhóm quốc tế là giải pháp phù hợp khi hợp tác ở cấp độ toàn cầu, quy mô lớn gặp khó khăn, bế tắc hoặc giảm tính nhạy cảm của việc "chọn bên" trong tập hợp lực lượng của các nước lớn và nguy cơ bị mắc kẹt trong cạnh tranh nước lớn. Theo Robert Keohane, hình thức hợp tác nhóm quốc tế là khả thi trong các trường hợp cần có các nguyên tắc, thông lệ, quy tắc và quy trình để thúc đẩy hợp tác, nhưng việc xây dựng các điều ước, hiệp định quốc tế cho các nguyên tắc, thông lệ, quy tắc này quá tốn kém hoặc khó đạt được [11]. Moises cho rằng việc hợp tác với "số lượng ít nhất quốc gia cần thiết để có tác động khả dĩ lớn nhất trong xử lý một vấn đề cụ thể" mang lại tốc độ, sự linh hoạt và sự sáng tạo trong xử lý vấn đề [12].

Thứ hai, từ góc độ song phương, hợp tác nhóm quốc tế giúp khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quan hệ song phương, nhất là xây dựng lòng tin và trong một số trường hợp giúp giảm bớt sự nghi kỵ "đi với nước này chống nước kia". Việc lựa chọn thành viên trong các hợp tác nhóm quốc tế ba – bốn bên có vai trò quan trọng để xây dựng lòng tin và mở ra môi trường hợp tác khi có các rào cản trong quan hệ song phương. Hình thức trao đổi cởi mở, cá nhân giữa lãnh đạo các nước trong hợp tác nhóm quốc tế giúp tăng cường xây dựng lòng tin giữa các bên trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng. Đồng thời, hợp tác nhóm quốc tế giảm bớt tính nghi ngờ, đối kháng giữa các thành viên do tính thể chế hóa thấp, chủ yếu tập trung vào hợp tác phát triển và kỹ thuật.

Với khái niệm, đặc điểm và các thành tố như trên, hợp tác nhóm quốc tế có những mặt tích cực  như sau :

Thứ nhất, các nguyên tắc, thông lệ, quy tắc và quy trình của hợp tác nhóm quốc tế sẽ tạo ra khuôn khổ và điều kiện để các nước "có qua có lại" trong hợp tác, giúp các thành viên trong hợp tác nhóm quốc tế kết nối lợi ích với nhau thông qua tạo sự liên thông giữa các lĩnh vực, các vấn đề mà các thành viên có lợi ích. Không gian để đánh đổi lợi ích sẽ linh hoạt hơn vì sự thỏa hiệp trong vấn đề này sẽ mang lại lợi ích trong vấn đề khác. Trong hợp tác nhóm quốc tế, việc "có đi có lại" về lợi ích mang tính đan xen giữa các thành viên thay vì là sự đánh đổi trực tiếp giữa hai thành viên với nhau [13]. Từ đó gia tăng khả năng một thành viên sẵn sàng hơn để thỏa hiệp lợi ích trong một tình huống, một vấn đề cụ thể do việc duy trì tham vấn, trao đổi, đàm phán theo các nguyên tắc, thông lệ và quy tắc đã có sẽ bảo đảm cho thành viên đó được "bù đắp" về lợi ích trong tình huống của tương lai hay trong các vấn đề cụ thể khác. Từ góc độ này, có thể thấy về lâu dài và tổng thể, tiến trình hợp tác nhóm quốc tế sẽ thúc đẩy sự cân bằng về lợi ích giữa các thành viên và nâng cao hiệu quả hợp tác. Hình thức hợp tác này tạo điều kiện để các nước có thể hợp tác trong lĩnh vực cùng có lợi, cùng chia sẻ giá trị, lợi ích mặc dù giữa các thành viên có thể xung đột lợi ích trong một số lĩnh vực khác.

ngoaigiao3

Thứ hai, hợp tác nhóm quốc tế giúp gia tăng khả năng các nước thành viên của nhóm tuân thủ các cam kết đã được thống nhất. Việc các thành viên nhất trí với các nguyên tắc, thông lệ và quy tắc là trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với quan điểm và lợi ích của quốc gia đó. Điều này tạo ra tính khả tín đối với cam kết của các quốc gia tham gia hợp tác nhóm quốc tế. Robert Keohane cho rằng để có thể đạt được hợp tác lâu dài, bền vững và khắc phục các hạn chế của hợp tác lỏng lẻo, các thành viên của hợp tác nhóm quốc tế phải cùng hướng tới mục tiêu chung và tin tưởng các thành viên còn lại tuân thủ theo các nguyên tắc, thông lệ, quy tắc đề ra [14]. Việc này hàm ý một quốc gia phá vỡ cam kết sẽ chịu rủi ro cao về các phản ứng của các thành viên khác do các nguyên tắc, thông lệ và quy tắc chung tạo ra "tiêu chuẩn hành vi" để đánh giá cách hành xử của quốc gia thành viên. Việc không tuân thủ cam kết đồng nghĩa việc quốc gia thành viên đó "phản bội" các nguyên tắc, thông lệ mà quy tắc mà bản thân tin tưởng. Điều này sẽ tác động tới hiệu quả hợp tác tổng thể của quốc gia đó với các thành viên khác.

ngoaigiao4

Thứ ba, hợp tác nhóm quốc tế mang lại lợi thế lớn về tốc độ và sự linh hoạt, nhất là trong các trường hợp số lượng thành viên ít như hợp tác ba bên, bốn bên. Do số lượng thành viên ít, nên các nước thành viên có thể hợp tác với nhau dễ dàng hơn, các hoạt động đối thoại, trao đổi được triển khai nhanh hơn với chi phí thấp hơn. Một số nghiên cứu chỉ ra ngay cả với các vấn đề lớn toàn cầu như thương mại, biến đổi khí hậu, phòng chống bệnh HIV/AIDS, số lượng các quốc gia cần thiết để hợp tác hiệu quả chỉ khoảng tối đa là 20 quốc gia [15]. Sự khác biệt của hợp tác với số lượng thành viên ít là các thỏa thuận hợp tác và quy trình hợp tác có tính đặc thù hơn, và đặt ra mục tiêu hạn chế hơn so với hợp tác quy mô lớn ở cấp độ toàn cầu và khu vực [16]. Hợp tác nhóm quốc tế với quy mô nhỏ mang lại khả năng ra quyết sách, triển khai nhanh trong mạng lưới gồm số ít các quốc gia (thường có cùng tư tưởng, lập trường, quan điểm) thay vì phải mất thời gian, công sức và đàm phán, thỏa hiệp ở quy mô hàng chục, thậm chí hàng trăm quốc gia ở cấp độ đa phương. Stewart Patrick cho rằng quy mô nhỏ giúp mang lại "tốc độ, sự linh hoạt và khả năng thử nghiệm" [17].

Thứ tư, hợp tác nhóm quốc tế giúp tạo ra mô hình đủ linh hoạt để thu hút sự tham gia của các nước mà không tạo gánh nặng về chi phí. Hợp tác nhóm quốc tế không thành lập trụ sở, nhân sự riêng, nguồn nhân sách cũng như vị trí pháp lý như các tổ chức quốc tế và khu vực. Các lĩnh vực của hợp tác nhóm quốc tế cũng rất đa dạng và linh hoạt, thường nhằm xử lý với "một số lĩnh vực giới hạn hoặc chỉ một vấn đề cụ thể" [18].

Bên cạnh các mặt tích cực, hợp tác nhóm quốc tế cũng có một số mặt hạn chế .

Thứ nhất, đối với các mô hình hợp tác nhóm quốc tế có số lượng thành viên ít, một số chỉ trích cho rằng việc hợp tác theo các nhóm "tạm thời", theo vụ việc có thể cổ xúy cho các lợi ích thiển cận của một nhóm nước, thay vì thúc đẩy cung cấp hàng hóa công quốc tế [19]. Một số lập luận cho rằng với số lượng thành viên hạn chế, hợp tác nhóm quốc tế có thể tác động tiêu cực tới các thể chế toàn cầu [20].

Thứ hai, tính thể chế hóa thấp và lỏng lẻo của hợp tác nhóm, nhất là giữa các nước tầm trung có thể tạo ra "khoảng trống lãnh đạo" dẫn dắt hợp tác. Ví dụ, một số nhóm hợp tác quốc tế giữa các nước tầm trung gặp khó khăn do thiếu vai trò lãnh đạo và thiếu sự đầu tư lâu dài về nguồn lực tài chính và ý tưởng hợp tác từ một thành viên có cam kết cao và tiềm lực [21]. Việc thiếu vai trò của một nước dẫn dắt trong các hợp tác nhóm quốc tế của các nước tầm trung cũng ảnh hưởng tới việc xây dựng chương trình nghị sự hợp tác có trọng tâm, trọng điểm [22].

Thứ ba, tiến trình xây dựng lòng tin trong hợp tác nhóm quốc tế, nhất là giữa lãnh đạo các nước thành viên bị ảnh hưởng bởi môi trường quốc tế mà hợp tác nhóm vận hành. Trong bối cảnh Covid-19, việc tổ chức các hội nghị trực tiếp gặp nhiều khó khăn trong khi hợp tác nhóm quốc tế dựa vào tính thể chế hóa thấp và mối liên kết mạnh ở cấp độ cá nhân. Các hoạt động trao đổi trực tuyến có thể duy trì sự trao đổi thông tin, nhưng việc nắm bắt các "dấu hiệu" như ngôn ngữ cơ thể, các trao đổi bên lề, sắc thái của đối tác sẽ khó khăn hơn nhiều so với gặp gỡ trực tiếp. Đây là nhân tố có thể làm hạn chế kết quả đạt được của hợp tác nhóm. Trên thực tế, mặc dù bản thân Covid-19 đã trở thành vấn đề thảo luận của một số hợp tác nhóm quốc tế, các nội dung hợp tác chủ yếu hạn chế ở mức lập các quỹ ứng phó, chia sẻ thông tin và cam kết duy trì tính mở của các chuỗi cung ứng [23].

Một số thực tiễn về hợp tác nhóm quốc tế

Trong thời gian qua, nhiều nước trên thế giới, bao gồm các nước lớn, các nước tầm trung và nước nhỏ đều thiết lập mới hoặc củng cố, tái khởi động các nhóm hợp tác quốc tế ba-bốn bên. Thực tiễn triển khai của các nước cho thấy một số điểm đáng chú ý như sau. Thứ nhất, nhiều cơ chế hợp tác nhóm quốc tế ba-bốn bên được nâng cấp từ các cặp quan hệ song phương, hoặc hợp tác bốn bên được xây dựng trên nền tảng các cơ chế hợp tác ba bên giữa các thành viên. Ví dụ, hợp tác Ấn Độ – Australia – Indonesia được hình thành trên cơ sở các cặp quan hệ giữa ba nước này. Theo đó Ấn Độ thiết lập "Tầm nhìn chung về hợp tác trên biển ở Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương" với cả Australia và Indonesia. Bản thân bốn thành viên của nhóm Bộ tứ cũng có những cơ chế hợp tác ba bên đan xen lẫn nhau như hợp tác Ấn Độ – Nhật Bản – Mỹ, Ấn Độ – Nhật Bản – Australia, Mỹ – Australia – Nhật Bản.

Thứ hai, hầu hết các cơ chế hợp tác không chỉ chú trọng các dự án cụ thể mà còn cam kết và ủng hộ với các nguyên tắc, phương châm, giá trị hợp tác có tính khái quát và tiêu chuẩn cao, phù hợp với lợi ích của đại đa số các quốc gia ở khu vực. Trọng tâm của hợp tác giữa Mỹ – Australia – Nhật Bản là "hỗ trợ và khuyến khích các dự án cơ sở hạ tầng tuân theo tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc vì sự phát triển như cởi mở, minh bạch và bền vững tài khóa" [24]. Theo đó, ba nước này có cam kết mới và mạnh mẽ đối với phát triển kinh tế thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng dựa trên nguyên tắc và bền vững. Hợp tác ba bên Ấn Độ – Pháp – Australia chia sẻ một loạt nguyên tắc chung về pháp quyền, tự do hàng hải, xử lý tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, các giá trị dân chủ, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Thứ ba, phương thức triển khai của các cơ chế được tiến hành từ thấp tới cao, từ dễ tới khó với tính thể chế hóa thấp. Điều này giúp tăng mức độ dễ chấp nhận (comfort level) của các nước, từ đó giúp tăng tốc độ ra quyết sách và hiệu quả hợp tác. Để bước đầu tạo niềm tin, mở ra không gian hợp tác, hợp tác Ấn Độ – Nhật Bản – Australia đã lựa chọn hình thức hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, đồng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo cơ sở để mở rộng hợp tác và triển khai một số dự án cụ thể. Việc tiến hành hợp tác có thể bắt đầu ở các cấp làm việc thấp, dần tiến tới cấp Bộ trưởng và Lãnh đạo Cấp cao (như trường hợp hợp tác Mỹ – Australia – Nhật Bản hay Ấn Độ – Nhật Bản – Australia).

Các cơ chế hợp tác cũng có thể trước hết triển khai ở đối thoại kênh 2 (như hợp tác dự kiến Ấn Độ – Nhật Bản – Nga) và kênh 1.5 (như hợp tác Ấn Độ – Pháp – Australia). Tháng 1/2020, Hội đồng Quan hệ Thế giới Ấn Độ (ICWA), Viện Nghiên cứu Kinh tế Đông Bắc Á (ERINA) của Nhật Bản và Cơ quan Đầu tư và Xuất khẩu Viễn Đông (FEIEA) của Nga đã tiến hành đối thoại kênh 2 về khả năng hợp tác giữa ba nước. Hợp tác ba bên Ấn Độ – Pháp – Australia xuất phát từ Đối thoại ba bên kênh 1.5 với mô hình thảo luận giữa các nước có chung chí hướng, cùng chia sẻ những lợi ích chung về kết nối khu vực, tự cường về chuỗi cung ứng, bảo vệ môi trường biển và công nghệ [25].

Một chuyển động đáng chú ý gần đây là hướng đi mới của hợp tác Nhóm Bộ tứ giữa Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ – Australia. Cuộc gặp Thượng đỉnh nhóm Bộ tứ vào ngày 12/3/2021 cho thấy sự điều chỉnh về cách tiếp cận của chính quyền Mỹ với hợp tác nhóm Bộ tứ, trong đó Mỹ quan tâm hơn tới các quan ngại của các thành viên. Sự điều chỉnh này đã gia tăng khả năng dung nạp dựa trên chọn lợi ích/nguyên tắc chứ không chọn bên và tính thể chế hóa thấp, tạo môi trường cho hợp tác giữa các nước thành viên. Có thể thấy cách làm của Mỹ là triển khai hợp tác nhóm Bộ tứ như một nhóm hợp tác quốc tế gồm các thành viên có chung quan tâm, có năng lực và có cùng quan điểm trên nguyên tắc tự nguyện [26], trong đó chủ yếu là các đối tác, đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực [27], tập trung vào hợp tác về phát triển, ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống.

Thứ tư, các cơ chế hợp tác nhóm thường có lĩnh vực hợp tác trọng tâm, tập trung vào một số ít lĩnh vực cụ thể. Năm 2018, Mỹ – Australia – Nhật Bản thiết lập Quan hệ đối tác ba bên về Đầu tư Cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Việc chú trọng vào một lĩnh vực hợp tác giúp gia tăng khả năng tối ưu hóa nguồn lực của các nước liên quan và thúc đẩy tính đa chủ thể của hợp tác theo mô hình chính phủ – doanh nghiệp – chính phủ. Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng ở khu vực chuyển dịch do cạnh tranh chiến lược nước lớn và Covid-19, ba nước Australia, Nhật Bản và Ấn Độ đã công bố Sáng kiến Chuỗi cung ứng Tự cường (SCRI). Ngày 27/4/2021, cuộc họp giữa Bộ trưởng Thương mại ba nước trên đã ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh mục tiêu "tăng cường tính tự cường của chuỗi cung ứng nhằm cuối cùng đạt được tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm ở khu vực" [28]. Các cơ chế hợp tác quốc tế thậm chí có thể chỉ tập trung vào một số dự án rất cụ thể. Ví dụ điển hình là hợp tác dự án đường cao tốc Châu Á số 3 liên kết Trung Quốc, Lào và Thái Lan, dự án đường sắt Trung Quốc với Lào và Thái Lan, hay hợp tác bốn bên giữa Trung Quốc – Myanmar – Ấn Độ – Hàn Quốc để xây dựng tuyến đường ống giữa Trung Quốc và Myanmar.

Đáng chú ý, chuyển đổi số ngày càng trở thành lĩnh vực được nhiều nước quan tâm với sự xuất hiện của các cơ chế hợp tác nhóm quốc tế có thành viên phân tán về địa lý như hợp tác số Digital 5 giữa Anh, Estonia, Hàn Quốc, Israel và New Zealand (sau nâng cấp thành cơ chế "Các quốc gia số") thành lập năm 2014 [29]. Thời gian gần đây, Singapore là nước rất tích cực tìm kiếm các cơ chế hợp tác ba bên về kinh tế số như Hiệp định kỹ thuật số Australia – Singapore và Singapore – New Zealand, Hiệp định đối tác kinh tế số Singapore – Chile – New Zealand.

Thứ năm, đối với các nước tầm trung, trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu biến động nhanh chóng và khó lường, việc gia tăng hợp tác với nhau thông qua các cơ chế ba-bốn bên giúp các nước này gia tăng tính tự chủ chiến lược thông qua kết hợp, bổ trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó, các nguyên tắc, thông lệ, quy tắc chung của quốc tế và khu vực phù hợp với lợi ích quốc gia và giới hạn quy mô hợp tác là cơ sở để các nước tầm trung có thể tối đa hóa lợi ích khi tham gia các sáng kiến khác nhau của nước lớn. Ví dụ điển hình là Singapore đã phát huy được thế mạnh về cung cấp dịch vụ kết nối, xử lý tranh chấp, giới hạn hợp tác trong lĩnh vực cụ thể, để có thể đồng thời hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc. Tháng 3/2019, Singapore và Mỹ ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, theo đó Singapore đóng vai trò là cầu nối các nhà đầu tư Mỹ với các dự án xây dựng hạ tầng ở khu vực [30]. Tháng 10/2019, Singapore và Mỹ tiếp tục ký Khung tăng cường Tài chính Cơ sở hạ tầng và Hợp tác Xây dựng thị trường [31]. Thực chất đây là mô hình hợp tác Singapore – Mỹ – nước thứ ba. Đồng thời, Singapore cũng thúc đẩy vai trò của mình trong các dự án của Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc. Tháng 1/2019, Singapore và Trung Quốc thống nhất về việc thành lập Ủy ban Hòa giải Quốc tế nhằm xử lý các tranh chấp giữa Trung Quốc và một bên thứ ba liên quan tới các dự án của BRI [32]. Đây là mô hình hợp tác giữa Singapore – Trung Quốc – nước tham gia dự án BRI.

Với thực tiễn trên, hợp tác nhóm quốc tế đã mang lại các lợi ích đặc thù so với các hình thức hợp tác khác. Thứ nhất, sự chia sẻ các nguyên tắc, thông lệ và hợp tác trọng tâm, trọng điểm để hiện thực hóa các lợi ích chung là "sợi dây" kết nối các nước thành viên mặc dù được thành lập hết sức linh hoạt và thể chế hóa thấp, chủ yếu qua Tuyên bố chung của các cuộc họp (không có tính ràng buộc pháp lý), không thiết lập các thể chế cồng kềnh.

Thứ hai, hợp tác nhóm cũng giúp phân công lao động, chia sẻ trách nhiệm và đóng góp giữa các thành viên trên cơ sở cam kết tự nguyện. Trong đó, các thành viên phát huy lợi thế sẵn có và chú trọng tính bổ trợ lẫn nhau trong phân công nhiệm vụ.

Thứ ba, kinh nghiệm triển khai các cơ chế hợp tác ba bên trên cho thấy tính tiết kiệm về chi phí và linh hoạt trong hợp tác, phù hợp với lợi ích của các nước liên quan. Các cuộc họp có thể tổ chức trực tuyến hoặc bên lề các cơ chế đa phương khác để tiết kiệm chi phí. Các cơ chế hợp tác cũng rất linh hoạt về cấp độ hợp tác. Bên cạnh đó, việc tập trung vào hợp tác trong một số lĩnh vực hợp tác, dự án cụ thể có lợi ích chung thay vì thiết lập các cơ chế hợp tác có nhiều lĩnh vực hợp tác cũng giúp giảm tải nguồn lực cho các Bộ, ngành phải tham dự nhiều cơ chế hợp tác có nội dung hợp tác chồng chéo.

Như vậy, có thể thấy, cơ sở của việc hình thành hợp tác nhóm là : (i) Các nước thành viên chia sẻ giá trị chung/có chung lợi ích trong một số lĩnh vực cụ thể ; (ii) Các nước thành viên có năng lực để đóng góp vào hợp tác nhóm trên các khía cạnh khác nhau ; (iii) Các nước thành viên đều có mong muốn thúc đẩy hợp tác thực chất, đạt được các kết quả hợp tác cụ thể, tập trung nhiều vào lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội.

Hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Lý thuyết và xu thế hợp tác nhóm quốc tế nói trên cho thấy xu hướng nhân rộng mô hình hợp tác nhóm thể chế hóa thấp, theo vấn đề/dự án/lĩnh vực (hay còn gọi là hợp tác nhóm chuyên biệt ) giữa ba-bốn nước/bên, dựa trên những nguyên tắc chung và phù hợp với lợi thế, nhu cầu của các bên có thể là sự lựa chọn bổ sung về chính sách hiệu quả với một nước tầm trung như Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Việc chủ động, tích cực, tìm tòi, sáng tạo trong phát huy mô hình này sẽ làm sâu sắc hơn các quan hệ song phương với đối tác, bổ trợ cho mạng lưới hợp tác, liên kết đa phương đa tầng nấc, đa lĩnh vực, góp phần phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, tiếp tục tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, phục vụ mục tiêu an ninh, phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước đến năm 2030.

Thời gian qua, với chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, Việt Nam đã tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, đa dạng về cấp độ, hình thức, phương thức, đối tác và có nhiều chuyển biến về số lượng (hơn 70 cơ chế, tổ chức) và chất lượng [33]. Đối ngoại đa phương của Việt Nam có vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, duy trì môi trường hòa bình và ổn định phục vụ phát triển. Đáng chú ý, đối ngoại đa phương Việt Nam đã vươn ra phủ sóng một mạng lưới rộng lớn gồm hầu hết các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa phương từ cấp độ toàn cầu, liên khu vực, khu vực, tiểu vùng, cho đến mạng lưới 17 hiệp định thương mại tự do với hầu hết các trung tâm kinh tế – thương mại hàng đầu thế giới. Về lĩnh vực, hợp tác đa phương trong các lĩnh vực chuyên ngành khác như khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, an sinh xã hội, lao động, thông tin truyền thông, môi trường, du lịch… ngày càng được mở rộng phong phú, đa dạng (ngoại giao Covid-19 là một ví dụ điển hình thời gian gần đây). Hiện Việt Nam tham gia không nhiều cơ chế hợp tác nhóm ba-bốn bên, chủ yếu tập trung ở tiểu vùng sông Mekong [34] (điển hình là Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia thành lập năm 1999 và hợp tác bốn nước Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam năm 2004 với trọng tâm là hợp tác phát triển, thương mại và đầu tư, kết nối hạ tầng, giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực…) hay hợp tác Nam – Nam như mô hình hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản – Mozambic/Châu Phi.

Xét từ góc độ lý luận, kinh nghiệm quốc tế và định hướng chính sách đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn tới, mô hình hợp tác nhóm ba-bốn bên với các đối tác (các nước, các tổ chức quốc tế, khu vực) cần được chú trọng chủ động thúc đẩy như một hướng đi mới, bổ trợ cho đối ngoại đa phương Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, góp phần tạo thêm thế đan xen lợi ích và tăng thêm độ tin cậy cho các quan hệ đối ngoại song phương. Việc nhân rộng mô hình hợp tác nhóm về các vấn đề liên quan đến phát triển, an ninh phi truyền thống cũng phù hợp với thực tiễn đối ngoại của một nước đang vươn lên trở thành quốc gia tầm trung như Việt Nam – một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm muốn vươn lên phát huy ý tưởng, sáng kiến, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong các cơ chế đa phương [35].

Theo tinh thần của Chỉ thị 25/CT-TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, việc mở rộng thiết lập, tăng cường các cơ chế hợp tác nhóm cần bám sát một số phương châm sau : Một là, phải luôn bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc, đồng thời cân bằng, hài hòa với quan tâm chính đáng của đối tác. Hai là, giữ vững độc lập tự chủ, nguyên tắc Bốn không, không tập hợp lực lượng để chống lại bên thứ ba, công khai, minh bạch. Ba là, chủ động, tích cực phát huy sáng kiến, tìm kiếm và kết nối ba-bốn bên với tất cả các đối tác chia sẻ lợi ích và nguyên tắc hợp tác (bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung), có thế mạnh phù hợp với nhu cầu, lợi ích của Việt Nam, nhất là lợi ích phát triển. Bốn là, phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao và bám sát trọng tâm của ngoại giao phục vụ phát triển, huy động tối đa nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế cho phát triển trong nước ; đồng hành cùng các Bộ, ngành, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ [36].

Từ góc độ ngành ngoại giao có thể xem xét triển khai một số biện pháp cụ thể sau :

Thứ nhất, bổ sung hợp tác nhóm ba-bốn bên vào các chiến lược, kế hoạch hành động của đối ngoại đến 2030 với mục tiêu đưa mô hình này trở thành một phương thức hiệu quả trong huy động nguồn lực cho phát triển, tăng cường đan xen lợi ích và độ tin cậy với các đối tác, bổ trợ và làm phong phú thêm cho đối ngoại đa phương, hợp tác tiểu vùng.

Thứ hai, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xác định một số vấn đề/lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội 2021-2030, nắm bắt các xu thế hậu Covid-19 (như đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu quốc gia, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế…) [37], trên cơ sở đó tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổng thể hoặc cơ sở dữ liệu về nhu cầu, thế mạnh của các đối tác, khả năng kết nối, nhất là với các đối tác lớn có khả năng đóng vai trò động lực/đầu tàu cho hợp tác nhóm trong từng lĩnh vực cụ thể. Việc lựa chọn một số nhóm hợp tác ba – bốn bên về các lĩnh vực mà Việt Nam đang thực sự cần với các đối tác có tiềm lực, thế mạnh trong lĩnh vực đó sẽ giúp tạo ra kết quả hợp tác thực chất, tiết kiệm nguồn lực thay vì phải tham gia nhiều cơ chế có nội dung chồng chéo.

Thứ ba, ngoài những đề xuất của các đối tác, có thể chủ động thăm dò, nêu ý tưởng, sáng kiến về các nhóm mới và nội dung hợp tác với các đối tác tiềm năng phù hợp (đối tác nhỏ cùng nhu cầu hoặc đối tác tầm trung, đối tác lớn có thế mạnh), từ đó kết nối đối tác và trao đổi, nhất trí về vấn đề/lĩnh vực hợp tác, mục tiêu, nguyên tắc, điều khoản và khung thời gian hợp tác, thể thức họp và văn kiện công bố thành lập nhóm theo hướng thể chế hóa thấp, linh hoạt (không có ban thư ký, chủ yếu hợp tác cấp làm việc, chuyên gia, họp bên lề các sự kiện đa phương hoặc riêng rẽ). Các hoạt động cụ thể có thể tiến hành ở kênh 1, kênh 2 hoặc kết hợp giữa hai kênh (kênh 1,5).

Thứ tư, trong đề xuất và triển khai hợp tác nhóm cần phát huy thế mạnh, đặc thù của ngành Ngoại giao và mạng lưới 96 cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài [38], đồng thời xây dựng cơ chế, phương thức tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, gắn kết trực tiếp với địa phương, doanh nghiệp ; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực về đối ngoại có trình độ, kỹ năng tham gia, dẫn dắt các hoạt động ngoại giao toàn diện, mang tính liên ngành, đa lĩnh vực phục vụ phát triển (hay còn gọi là ngoại giao chuyên biệt).

Vũ Lê Thái Hoàng - Lê Trung Kiên

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 28/08/2021

Tiến sĩ Vũ Lê Thái Hoàng làm việc trong Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tiến sĩ Lê Trung Kiên làm việc trong Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam 

Bài viết được xuất bản lần đầu với tựa đề "Hợp tác nhóm : Lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế và hàm ý với đối ngoại đa phương Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển đến 2030" trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế (Học viện Ngoại giao), số 2 (125), tháng 6/2021.

Chú thích :

[1] Theo một định nghĩa phổ biến của Robert Keohane, chủ nghĩa đa phương là hoạt động phối hợp chính sách cấp quốc gia giữa một hay nhiều nước với nhau thông qua những dàn xếp mang tính thể chế ; hay hành động tập thể do một nhóm các quốc gia độc lập tiến hành và được thể chế hóa, với luật lệ chặt chẽ. Joseph Nye đưa ra ba nguyên tắc chính của hành động chung trong chủ nghĩa đa phương là : (i) không phân biệt đối xử giữa các quốc gia ; (ii) không phân chia, các chủ thể tham gia phải có chủ quyền đơn nhất ; (iii) tương hỗ, các thành viên phải tuân thủ các chuẩn mực chung.

[2] Các nhóm nước có chung biên giới thường có nhu cầu liên kết, hợp tác để tạo ra sự cộng hưởng về nguồn lực, thị trường, kết nối phục vụ cho sự phát triển của các nước này. Nhu cầu hình thành một khu vực tăng trưởng chung là động lực thúc đẩy các nước hình thành các cơ chế hợp tác tiểu vùng. Nghiên cứu về các cơ chế hợp tác nhóm theo mô hình hợp tác tiểu vùng cho thấy sự hợp tác giữa các quốc gia có thể tạo ra thị trường quy mô lớn, giảm các hàng rào thương mại, vốn và lao động, thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới cơ sở hạ tầng quy mô khu vực. Để đạt được mục đích này, các nước ở tiểu vùng lập ra các cơ chế hợp tác đa phương, tạo khuôn khổ để xây dựng lòng tin và đối thoại, thống nhất các nguyên tắc hợp tác, huy động nguồn vốn, xây dựng kế hoạch chung, giám sát quá trình triển khai và cùng nhau chia sẻ lợi ích đạt được.

[3] Oliver Hensengerth, "Vietnam’s Foreign Policy and the Greater Mekong Subregion", UNU-CRIS Working Papers (UNU Institute on Comparative Regional Integration Studies, 2004).

[4] Stephen Krasner, International Regimes (Ithaca : Cornell University Press, 1983).

[5] Robert O Keohane, After Hegemony : Cooperation and Discord in the World Political Economy (New Jersey : Princeton University Press, 1984).

[6] Marc A. Levy, Oran R. Young and Michael Zürn, "The Study of International Regimes", European Journal of International Relations 1, no. 3 (1995) : 267-330.

[7] Miles Kahler, "Multilateralism with Small and Large Numbers", International Organization 46, no. 3 (1992) : 681-708.

[8] Harald Müller, "The Internalization of Principles, Norms, and Rules by Governments : The Case of Security Regimes", in Regime Theory and International Relations, edited by Volker Rittberger with the assistance of Peter Mayer (Oxford : Clarendon Press, 1995), 361-387. Carsten Otto, "‘International Regimes’ in the Asia-Pacific ? The Case of APEC", in International Relations in the Asia-Pacific : New Patterns of Power, Interest, and Cooperation, edited by Jörn Dosch and Manfred Mols (New York : St. Martin’s Press, 2000), 39-66.

[9] Andrew Schotter, The Economic Theory of Social Institutions (Cambridge : Cambridge University Press, 1981).

[10] Stephen Krasner, International Regimes.

[11] Robert O Keohane, "International Institutions : Two Approaches", in International Rules : Approaches from International Law and International Relations, edited by Robert J. Beck, Anthony Clark Arend and Robert D. Vander Lugt (New York : Oxford University Press, 1996), 187–205.

[12] Moises Naim, "Minilateralism", Foreign Policy, 21 June 2009

[13] Robert O Keohane, "Reciprocity in International Relations", International Organization 40, no. 1 (1986) : 1-27.

[14] Robert O Keohane, After Hegemony : Cooperation and Discord in the World Political Economy.

[15] Moises Naim, "Minilateralism".

[16] Lê Trung Kiên, "Sự can dự của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tại tiểu vùng Mekong qua các cơ chế hợp tác đa phương : Một số đề xuất chính sách đối với Việt Nam", Tạp chí Cộng sản, số 933 (2020).

[17] Stewart M Patrick, "Making Sense of ‘Minilateralism’ : The Pros and Cons of Flexible Cooperation", Council on Foreign Relations (blog), 5 January 2016

[18] Oran R Young, "Regime Dynamics : The Rise and Fall of International Regimes", in International Regimes, edited by Stephen D. Krasner (Ithaca : Cornell University Press, 1983), 93-113.

[19] Robert O Keohane and Joseph S. Nye, "The Club Model of Multilateral Cooperation and Problems of Democratic Legitimacy", in Efficiency, Equality, Legitimacy : The Multilateral Trading System at the Millennium, edited by Porter Roger et al. (Washington, DC : Brookings Institution, 2001).

[20] Stewart Patrick, "The New ‘New Multilateralism’ : Minilateral Cooperation, But At What Cost ?" Global Summitry 1, no. 2 (2015).

[21] Kim Sung-Mi, Sebastian Haug, and Susan Harris Rimmer, "Minilateralism Revisited : MIKTA as Slender Diplomacy in a Multiplex World", Global Governance 24, no. 4 (2018) : 475-489.

[22] Amalina Anuar and Nazia Hussain, "Minilateralism for Multilateralism in the post-Covid Age", Policy Report (S. Rajaratnam School of International Studies, 2021).

[23] Malcolm Cook and Hoang Thi Ha, "Beyond China, the USA and ASEAN : Informal Minilateral Options", ISEAS Perspective, no. 63 (2020).

[24] "Joint Statement of the Governments of Australia, Japan, and the United States of America on the Trilateral Partnership for Infrastructure Investment in the Indo-Pacific", Prime Minister of Australia, 17 November 2018

[25] "India-France-Australia Joint Statement on the Occasion of the Trilateral Ministerial Dialogue", Embassy of France in Canberra, 4 May 2021

[26] Joel Wuthnow, "U.S. ‘Minilateralism’ in Asia and China’s Responses : A New Security Dilemma ?" Journal of Contemporary China 28, no.15 (2019) : 133-150.

[27] Tại khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, mạng lưới hợp tác nhóm của Mỹ bao gồm một số cơ chế chính như : (i) Đối thoại chiến lược ba bên Nhật Bản – Mỹ – Australia từ năm 2001 ; (ii) Hợp tác ba bên Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ từ năm 2011 ; (iii) Nhóm Bộ tứ gồm Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ – Australia từ năm 2007 và Nhóm Bộ tứ mở rộng ; (iv) Sáng kiến Hạ nguồn Mekong từ năm 2009 và nâng cấp thành Đối tác Mekong – Mỹ năm 2020. Trong các hợp tác nhóm trên cũng hình thành các nhóm công tác để triển khai hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể như xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất và phân phối vắc-xin, v.v…

[28] Asit Ranjan Mishra, "India, Japan and Australia Unveil Supply Chain Initiative", Mint, 28 April 2021

[29] Bennet Institute for Public Policy, "Digital Minilateralism : How governments cooperate on digital governance", 19 October 2020

[30] Charissa Yong, "Singapore, US to Cooperate in Promoting Infrastructure Development in Asia", The Straits Times, 21 March 2019

[31] "United States and Singapore Sign Infrastructure Finance and Market Building Cooperation Framework", U.S. Treasury, 16 October 2019

[32] Nikkei Asia, "Singapore to be Dispute Resolution Hub for Belt and Road", 2019

[33] Lê Hoài Trung, "Đối ngoại đa phương góp phần đẩy mạnh hội nhập, tăng cường sức mạnh đất nước", Thế giới & Việt Nam, ngày 16/1/2019

[34] Hợp tác tiểu vùng khu vực sông Mekong có khoảng 15 cơ chế khác nhau gồm nhóm các cơ chế nội vùng và nhóm các cơ chế hợp tác giữa các nước lưu vực sông Mekong và các đối tác bên ngoài. Xem thêm Lê Hải Bình, "Các cơ chế hợp tác ở khu vực Mekong và sự tham gia của Việt Nam", Tạp chí Cộng sản, ngày 13/6/2018

[35] Xem thêm Vũ Lê Thái Hoàng (Chủ biên), Ngoại giao chuyên biệt : Hướng đi, ưu tiên mới của Ngoại giao Việt Nam đến năm 2030 (Hà Nội : Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, 2020).

[36] Bùi Thanh Sơn, "Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước", Nhân Dân, ngày 27/1/2021

[37] Đảng Cộng sản Việt Nam, "Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030", Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 22/3/2021

[38] "Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ thực hiện mục tiêu kép", Thế giới & Việt Nam, ngày 30/7/2021

Additional Info

  • Author Trần Chí Trung, Vũ Lê Thái Hoàng, Lê Trung Kiên
Published in Diễn đàn