Đoàn ca nhạc Bắc Hàn sang miền Nam biểu diễn (RFA, 19/01/2018)
Một phái đoàn Bắc Hàn gồm 7 thành viên do cô Hyon Song Wol, trưởng nhóm nhạc nữ Morangbon, dẫn đầu vào ngày thứ bảy 20/1 xuống miền Nam.
Hình chụp ban nhạc Moranbong của Bắc hàn hôm 11/5/2016 và được hãng tin KCNA công bố hôm 12/5/2016. Buổi biểu diễn nhân kỷ niệm đại hội đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng. AFP
Theo hãng tin AFP hôm 19/1, cô Hyon Song –Wol, dẫn đầu phái đoàn tiền trạm của miền bắc đi kiểm tra những nơi được đề nghị để phía Bắc biểu diễn nghệ thuật ngay tại thủ đô Seoul và thành phố Gangneung nhân dịp diễn ra Thế vận hội mùa đông Pyeongchang ở nam Hàn.
Như vậy cô Hyon Song-Wol trở thành quan chức miền Bắc đầu tiên sang thăm miền nam kể từ năm 2014 ; không kể các quan chức tham gia vòng đàm phán vừa rồi ở phía nam Khu Phi Quân Sự giữa hai miền Triều Tiên.
Cô Hyon Song-Wol, một bạn gái cũ của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, từng bị nêu danh trong một báo cáo vào năm 2013 ở Nam Hàn nói rằng cô này và chừng hơn chục nhạc sĩ văn công khác của miền bắc bị xử tử do xuất hiện trong một phim khiêu dâm.
Lúc bấy giờ Bình Nhưỡng giận dữ bác bỏ tin đưa ra và rồi cô Hyon xuất hiện trên truyền hình Nhà nước Bắc Hàn.
Bộ Thống Nhất Nam Hàn cũng thông tin thêm cô Hyon Song-Wol còn là người đứng đầu của Dàn nhạc giao hưởng Samjiyon gồm 80 thành viên nằm trong đoàn nghệ thuật Bắc Hàn sang biểu diễn ở miền nam tổng cộng 140 người. Đây là hoạt động nghệ thuật đầu tiên được thực hiện kể từ năm 2002, khi đó Bình Nhưỡng cử đoàn gồm 30 ca sĩ và vũ công tới Seoul dự một sự kiện chung.
Bắc Hàn và Nam Hàn đã đồng ý sẽ cùng diễu hành chung vào ngày khai mạc Thế vận hội Pyeongchang dưới ngọn cờ Triều Tiên Thống nhất, có nền trắng và hình bán đảo Triều Tiên màu xanh và đội khúc côn cầu nữ của hai nước sẽ kết hợp lại và tranh tài với các quốc gia khác trong kỳ Thế vận hội này.
Một cuộc thăm dò ý kiến tại Nam Hàn cho thấy chỉ có 40,5% người dân ủng hộ hoạt động này. Một phần lớn hơn, 49,4% không ủng hộ Bắc Hàn diễu hành dưới lá cờ của nước mình.
Cũng vào ngày 19/1, ngọn đuốc Olypic đã được rước qua Daeseongdong, một ngôi làng nhỏ nằm tại khu vực phi quân sự giữa hai miền.
******************
Việt Nam hoãn chương trình nghệ thuật Trung Quốc trùng ngày hải chiến Hoàng Sa (VOA, 19/01/2018)
Việt Nam hoãn chương trình biểu diễn nghệ thuật của Trung Quốc tại Hà Nội được dự trù tổ chức trùng vào dịp tưởng niệm cuộc hải chiến Hoàng Sa.
Hình ảnh được cho là vé buổi biểu diễn của một đoàn Trung Quốc ở Hà Nội trùng vào dịp tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa, 19/1/2018.
Theo hãng tin AP, hôm 19/1 Việt Nam bất ngờ hoãn chương trình biểu diễn của đoàn nghệ thuật Khu tự trị Nội Mông - Trung Quốc lấy lý do là vì một sự cố về điện tại Nhà hát Opera, còn gọi là Nhà hát lớn, ở Hà Nội.
Chương trình dự kiến diễn ra vào tối thứ Sáu để đánh dấu kỷ niệm 68 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc và Việt Nam.
Theo hãng tin của Mỹ, trước đó trên mạng Facebook nhiều người đã lên tiếng kêu gọi chính phủ hủy bỏ buổi biểu diễn này vì ngày 19/1 trùng với ngày đánh dấu Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cách đây 44 năm.
Người dân Hà Nội biểu tình phản đối Trung Quốc, ngày 19/1/2017.
Sáng 19-1, ban quản lý Nhà hát lớn có công văn báo cáo Văn phòng và Cục Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch về sự cố kỹ thuật tại đây.
Trả lời báo Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch - cho biết vì xảy ra sự cố nên buổi biểu diễn của đoàn nghệ thuật Nội Mông, Trung Quốc tại Nhà hát lớn tối 19/1 phải hoãn lại.
Công văn của Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội (Ảnh : Facebook Trần Vũ Hải)
Một công văn do bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát lớn, nêu lý do gặp sự cố xảy ra vào đêm hôm trước : "sự cố hệ thống máy cắt liên lạc của điện nguồn hoạt động không ổn định, do đó không thể đáp ứng cho yêu cầu kỹ thuật của buổi biểu diễn này".
Tuy nhiên, hãng tin AP nói ông Bình từ chối đưa ra bình luận liệu việc hoãn buổi biểu diễn này có liên quan đến thời điểm nhạy cảm nào hay không nhưng cho biết rằng hai nước đang làm việc để sắp xếp lại lịch diễn.
Ông Bình nói : "Chúng tôi đã thông báo cho Đại sứ quán Trung Quốc về việc trì hoãn này và đang làm việc với họ để chọn một địa điểm khác vào một thời điểm khác".
Đề cập đến quyết định tổ chức biểu diễn chương trình này của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, luật sư Trần Vũ Hải đã bình luận trên Facebook : "Ông Bộ Trưởng Văn Hoá Thể Thao Du Lịch không biết nghe ai tham mưu lại tổ chức "liên danh" biểu diễn với Đại sứ Quán Trung Quốc vào tối nay, 19/1/ 2018, đúng ngày kỷ niểm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt nam (19/1/1974)".
Luật sư Hải viết tiếp : "Thưa ngài Bộ Trưởng, nếu ngài không muốn nhận sự thịnh nộ của mạng xã hội và dân chúng, xin Ngài ra lệnh huỷ bỏ ngay cuộc biểu diễn với ý đồ "không trong sáng", nói thẳng muốn "làm nhục nước Nam".
Trước đó, nhiều người Việt Nam chia sẻ trên mạng xã hội bày tỏ phẫn nộ về sự trùng hợp này. Trong ngày 18/1, các nhà hoạt động vì dân chủ và những người có nhiều ảnh hưởng trên internet đã đăng trên Facebook tấm ảnh chụp vé của buổi biểu diễn gây nhiều tranh cãi.
Đoàn nghệ thuật Nội Mông sang Việt Nam biểu diễn lần này gồm 28 nghệ sĩ, dự định biểu diễn tại Hà Nội và Nam Định từ 19/1 đến 21/1.
Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc là hai nước cộng sản láng giềng, người Việt Nam đang cảnh giác với các tham vọng của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông.
Trung Quốc đã chiếm đóng và xây dựng các cơ sở quân sự trên quần đảo Hoàng Sa sau cuộc chiến hải quân vào ngày 19/1/1974, trong đó hơn 70 lính hải quân Việt Nam Cộng hòa đã tử trận.
Lễ tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa
Việt Nam và Trung Quốc, cùng với Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng tuyên bố tất cả hoặc một phần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Việc tăng cường quân sự của Trung Quốc tại các hòn đảo nhân tạo ở vùng biển đang tranh chấp đã khiến các nước láng giềng tức giận. Hoa Kỳ đã bày tỏ mối quan tâm, mặc dù Hoa Kỳ không phải là một bên trong các vụ tranh chấp, nhưng Hoa Kỳ có trách nhiệm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không.
********************
Hà Nội hoãn ca nhạc Trung Quốc vào ngày mất Hoàng Sa (RFA, 19/01/2018)
Một buổi biểu diễn văn hóa của một đoàn nghệ thuật thuộc khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc, nhằm kỷ niệm ngày mở đầu quan hệ ngoại giao Việt- Trung, dự định diễn ra vào tối ngày 19/1 ở Hà Nội, đã bị hoãn lại với lý do được cơ quan tổ chức là Bộ Văn Hóa, Thể Thao, và Du Lịch đưa ra là vì lý do kỹ thuật.
Kỷ niệm ngày mất Hoàng Sa tại Hà Nội vào ngày 19/1/2017. AFP
Hãng tin AP của Mỹ cũng loan tải sự việc này và đề cập đến sự phản đối của dân chúng Việt Nam vì cho rằng một sự kiện liên quan đến Trung Quốc được tổ chức trong một ngày mất mát của quốc gia như thế là một sự xúc phạm. Ngày 19/1 cũng là ngày kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc mà kết cục là Hoàng Sa đã mất về tay Trung Quốc. Hơn 70 chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trong trận hải chiến này.
Hãng AP nói rằng người phát ngôn Bộ Văn Hóa, Thể Thao, và Du Lịch là ông Nguyễn Thái Bình đã từ chối bình luận về việc này.
Ông Đinh Kim Phúc, một nhà nghiên cứu Biển Đông ở Sài Gòn cho rằng chính sức ép của dư luận đã làm cho buổi biểu diễn bị hủy bỏ.
"Tôi nghĩ là (do) dư luận của nhân dân, lên tiếng của cộng đồng mạng, tất cả, dù thích hay không thích thì lòng yêu nước vẫn là số một, khi đụng đến tự ái dân tộc".
Ông nói thêm rằng việc tổ chức sự kiện này vào một ngày mất mát của dân tộc là điều không thể chấp nhận được.
Trước đó trên mạng Facebook đã có những dòng chữ yêu cầu Bộ Văn Hóa phải đình chỉ buổi biểu diễn vì đó là ngày kỷ niệm mất Hoàng Sa.
Quần đảo Hoàng Sa đã từng do lực lượng Việt Nam Cộng Hòa, tức là miền Nam Việt Nam trước năm 1975, trấn giữ sau khi người Pháp rút khỏi Đông Dương. Vào tháng Một năm 1974, hải quân Trung Quốc đã tấn công lực lượng Việt Nam Cộng hòa và chiếm đóng quần đảo này sau một trận hải chiến đẫm máu.
Việt Nam luôn tuyên bố chủ quyền của mình trên quần đảo này cho đến nay. Tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc đang quản lý và trong những năm gần đây tiến hành xây dựng, củng cố những căn cứ quân sự và dân sự trên những đảo thuộc Hoàng Sa, cũng như Trường Sa.
Trong khi đó, vào ngày 19/1, tại Sài Gòn và Hà Nội, một số người tại Việt Nam đã tổ chức buổi tưởng niệm ngày mất quần đảo Hoàng Sa về tay Trung Quốc 44 năm về trước bất chấp những ngăn cản của chính quyền. Ông Đinh Kim Phúc cho chúng tôi biết tình hình buổi tưởng niệm diễn ra tại Sài Gòn :
"Sáng nay trời mưa, rồi có một số người bị canh ở nhà không đi được, nên chỉ có rải rác một vài anh em ra tượng Đức Trần Hưng Đạo thắp nhang, chứ không tổ chức được như mọi năm".
Theo ông Phúc thì không có việc đàn áp của lực lượng an ninh như đã từng xảy ra một số lần tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa trước đây.
Báo Tuổi Trẻ tại Sài Gòn dịp này cho đăng bài tựa đề ‘Nhật Tảo chiến hạm oai hùng’, kể lại chuyện một chiến hạm của lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã hy sinh trong trận đánh chống lại các tàu chiến của Trung Quốc vào tháng Giêng năm 1974.
Ông Đinh Kim Phúc nhận xét :
"Báo chí Việt Nam trong những năm gần đây được công khai nhắc lại trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Nhưng mà liều lượng mức độ thì tùy theo mối quan hệ Việt- Trung diễn biến như thế nào. Tôi thấy trong bảy năm qua thì đến ngày 19 tháng Giêng thì báo chí địa phương thoải mái nhắc lại, nhưng nhắc ở liều lượng nào thì tùy vào ban biên tập của các báo. Năm nay theo tôi thì không bằng mấy năm trước".
Ông cho rằng nguyên nhân có thể là do quan hệ Việt Nam- Trung Quốc đang trở nên nồng ấm hơn.
*******************
Biểu diễn nghệ thuật Trung Quốc trùng dịp tưởng niệm Hoàng Sa gây phẫn nộ (VOA, 18/01/2018)
Nhiều người Việt Nam chia sẻ trên mạng xã hội thông tin cho hay một chương trình biểu diễn nghệ thuật của Trung Quốc sẽ được tổ chức trùng vào dịp tưởng niệm cuộc hải chiến Hoàng Sa, và họ bày tỏ phẫn nộ về sự trùng hợp này.
Hình ảnh được cho là vé buổi biểu diễn của một đoàn Trung Quốc ở Hà Nội trùng dịp tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa, 19/1/2018
Trong ngày 18/1, các nhà hoạt động vì dân chủ và những người có nhiều ảnh hưởng trên internet đã đăng trên Facebook tấm ảnh chụp vé của buổi biểu diễn gây nhiều tranh cãi.
Thông tin trên vé cho biết Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Việt Nam cùng Đại sứ quán Trung Quốc sẽ tổ chức chương trình biểu diễn của "đoàn nghệ thuật Nội Mông, Trung Quốc", nhân dịp "kỷ niệm 68 năm" ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung, 18/1/1950.
Theo tấm vé, chương trình sẽ diễn ra vào tối 19/1 ở Nhà hát lớn ở trung tâm Hà Nội.
VOA đã gọi điện đến ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, vào chiều tối 18/1, đề nghị ông xác nhận thông tin về chương trình đó. Ông Bình trả lời :
"Tôi đang họp. Khoảng độ một lát nữa gọi lại cho tôi nhé"
Không lâu trước khi bài này được đăng, VOA đã cố liên lạc lại với ông Bình nhưng ông cho biết "vẫn đang họp".
Một công dân ở Hà Nội chia sẻ với VOA rằng vào giữa buổi chiều 18/1 người này đã nhắn tin đến số điện thoại được cho là của Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, để chất vấn về buổi biểu diễn. Tin nhắn đáp lại viết : "Việc này do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị chủ trì. Tôi sẽ cho kiểm tra lại việc này".
Các bài viết trên mạng xã hội phản ứng về buổi biểu diễn của Trung Quốc nhắc nhở rằng ngày 19/1/1974 đánh dấu một nỗi đau với việc quần đảo Hoàng Sa, thời đó do Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát, bị Trung Quốc cưỡng chiếm sau một trận hải chiến làm 74 quân nhân VNCH tử trận.
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh nói với VOA :
"Trong đúng cái ngày chúng ta mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc và 74 chiến sĩ ngã xuống, họ kết hợp với Trung Quốc làm cái buổi giao lưu văn nghệ đấy khiến tất cả mọi người cảm thấy căm phẫn. Không ai có thể chấp nhận được".
Bà Hạnh nói thêm nếu buổi biểu diễn vẫn diễn ra tối 19/1, bà và những người khác sẽ tiến hành "phản đối ôn hòa".
Từ Ba Lan, doanh nhân Trần Quốc Quân, người thường có những bình luận sâu sắc về chính trị, xã hội Việt Nam, nói với VOA rằng buổi biểu diễn là "sự xúc phạm đến lòng tự trọng dân tộc".
Tuy nhiên, ông Quân cho rằng có thể các quan chức hàng đầu của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam không nắm hết thông tin về buổi biểu diễn, trong khi các cấp thấp hơn "vô tình, kém hiểu biết" nên đã bị Đại sứ quán Trung Quốc "gài".
Doanh nhân có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội nói thêm rằng nhà chức trách Việt Nam vẫn có thể "sửa sai" vì chưa quá muộn :
"Bộ Văn hóa phải dũng cảm, phải quyết đoán để mà sửa cái sai này. Cái hướng giải quyết tốt nhất là hoãn lại, chuyển sang một ngày khác. Bởi vì kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước là ngày 18 cơ mà".
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh không chỉ cho rằng cần dừng buổi biểu diễn mà Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch còn phải "xin lỗi" người dân.
Trong lúc dư luận bày tỏ bất bình về lịch thực hiện buổi biểu diễn gây tranh cãi, bà Hạnh và 8 nhà hoạt động khác đã "bất ngờ" làm lễ tưởng niệm cuộc hải chiến Hoàng Sa ở Hà Nội vào chiều 18/1.
Bà cho biết phải làm như vậy vì dự đoán nhà chức trách sẽ ngăn chặn, như đã cấm đoán hoạt động vào ngày 14/3 năm ngoái để tưởng niệm sự kiện Việt Nam mất 2 đảo ở Trường Sa vào tay Trung Quốc năm 1988, với 64 quân nhân Việt Nam tử trận. Bà nói :
"Tôi nghĩ 19/1 năm nay họ cũng sẽ ngăn cấm triệt để chúng tôi đi thắp nhang tưởng niệm. Bởi lo lắng như vậy nên chúng tôi quyết định làm sớm. Chín người chúng tôi đã có mặt ở tượng đài Lý Thái Tổ như mọi năm, chỉ sớm ngày lên thôi, để chúng tôi thắp nén nhang, dâng hoa, tưởng niệm những người đã ngã xuống vì chủ quyền. Bởi vì họ [chính quyền] bất ngờ, nên chúng tôi đã làm thành công việc tưởng niệm đấy".
Nhà hoạt động khẳng định bà và nhiều người khác vẫn có kế hoạch ra tượng đài Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm để tưởng niệm và dâng hương vào đúng ngày 19/1, dù có thể bị chặn từ ở nhà hoặc bị nhà chức trách "bắt" tại tượng đài.