Chuyện bà Nga khai hối lộ vào Đại biểu quốc hội là 'không bất ngờ' (BBC, 06/10/2017)
Hôm 5/10, báo Tuổi Trẻ đưa tin bà Châu Thị Thu Nga hai lần xin được khai báo việc chạy 1,5 triệu đôla vào đại biểu Quốc Hội nhưng chủ tọa không cho phép vì "không thuộc phạm vi vụ án".
Bà Châu Thị Thu Nga bị Quốc hội bãi nhiệm tư cách Đại biểu vào tháng Sáu 2015
Theo báo này, tại phiên tòa khi luật sư Hoàng Văn Hướng thấm vấn bà Nga về việc sử dụng hơn 157 tỷ đồng không có chứng từ. Cựu đại biểu quốc hội khóa 13 trả lời bà đã dùng 1,5 triệu đôla, tương đương 30 tỷ để chạy vào ghế trong quốc hội.
"Sau khi luật sư đã thẩm vấn xong, bà Nga còn nán lại vành móng ngựa xin được trả lời về nội dung này nhưng chủ tọa phiên tòa yêu cầu bà về chỗ", báo Tuổi Trẻ ghi nhận.
Trả lời BBC hôm 6/10, Nguyên phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nói ông không "bất ngờ" về việc bà Nga chạy vào vị trí đại biểu quốc hội.
"Chuyện chạy vào Quốc hội tốn kém, cũng phù hợp với câu nói Tổng bí thư thôi, là chạy chức, chạy quyền, chạy tội khắp nơi.
"Nhiều người hỏi vào đó thì có gì để thu hồi vốn ? Thứ nhất, là tạo một cái thế của người bất khả xâm phạm với pháp luật. Vào đó sẽ có điều kiện cơ hội tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của đất nước này. Có mối quan hệ nào phát triển được thì có lấy được vốn rất nhanh và làm lãi nữa.
"Chuyện này không có gì là không bình thường trong xã hội Việt Nam trong thời gian gần đây và hiện nay vì đại biểu quốc hội chỉ mang tính hình thức. Chưa bầu đã biết trúng cử rồi. Nếu có sự tranh cử rộng rãi, thì có lẽ chạy về phía người dân sẽ khó hơn. Phải có chủ chướng chính sách có lợi cho dân, người ta mới bầu.
Ông Thuận cho rằng đó là dấu hiệu của sự suy đồi, do cơ chế, thể chế mà tự phát sinh.
"Tôi không có bất ngờ với việc của bà Nga mà bất ngờ là vị chủ toà không cho bà này khai. Chuyện đó là vi phạm tố tụng. Người ta khai thì phải khai. Hối lộ thì không có chứng cứ nhưng đó là nguồn cung cấp thông tin để cơ quan điều tra vào cuộc.
"Tôi từng là thẩm phán. Hành động ngăn chặn tố cáo tham nhũng, tố cao tiêu cực cũng là dấu hiệu tội phạm".
Theo bài báo cập nhật vụ việc của báo Tuổi Trẻ hôm 6/10, luật sư Hoàng Văn Hướng đã hỏi : "Có việc chạy ĐBQH không ? Bà có thay đổi lời không ? Bà trình bày lại cho hội đồng xét xử và mọi người cùng nghe".
Ngay sau khi ông dứt lời thì, chủ tọa phiên tòa lập tức nói : "Đối với khoản tiền luật sư vừa nói, nó nằm trong số tiền hơn 157 tỉ đồng mà cơ quan điều tra đã tách ra và không nằm trong phạm vi vụ án này". Nhưng bà Nga vẫn xin "được nói một câu thôi".
Tuy nhiên vào ngay lúc đó "âm thanh trong phòng dành cho phóng viên theo dõi xử án bị ngắt khoảng 35 giây. Khi âm thanh được mở lại, chủ tọa đang đọc lại phần nội dung trong cáo trạng", phóng viên của báo Tuổi Trẻ ghi nhận.
Sau đó chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu lại giải thích rằng : "Hội đồng xét xử nhắc để không làm mất thời gian, sau đó luật sư không hỏi chứ không phải bị cáo khai mà chủ tọa không cho khai".
Đây không phải là lần đầu tiên bà Nga khai báo về việc này. Năm ngoái, khi Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra vụ bà Thu Nga và đồng phạm "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", tin cho hay bà Nga khai đã chi 30 tỉ cho một doanh nghiệp vàng bạc ở Hà Nội để lo thủ tục ứng cử đại biểu quốc hội khóa 13.
Doanh nghiệp này, không được công bố tên, đã phủ nhận cáo buộc, theo truyền thông Việt Nam.
Bà Châu Thị Thu Nga, sinh 1965, từng là đại biểu Quốc hội khóa 13, đồng thời là Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016.
Bị bắt đầu năm 2015, bà bị Quốc hội bãi nhiệm tư cách Đại biểu vào tháng Sáu 2015.
*******************
Viên chức Bộ Khoa học và công nghệ bị nghi ăn cắp ở siêu thị Nhật (VOA, 06/10/2017)
Cảnh sát Nhật nói năm 2015 họ bắt 2.488 vụ trộm có người Việt Nam
Cảnh sát tại một địa phương ở Nhật Bản tạm giữ một viên chức thuộc Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam vì nghi ông này ăn cắp trong siêu thị, theo tin trên các trang Dân Trí, VietnamNet và Người Lao Động hôm 6/10.
Tin không nói cụ thể thời gian và địa điểm xảy ra vụ việc, cũng như không nêu tên viên chức liên quan.
Dẫn các câu trả lời từ Bộ Khoa học và công nghệ, các báo cho hay người đàn ông có tên viết tắt là trung ương Q.H "được mời đến làm việc tại cơ quan cảnh sát" do gặp "sự cố" khi đi mua sắm.
Tin cho hay sau khi "trao đổi, giải trình", ông trung ương Q.H, hiện là một phó phòng thuộc Cục An toàn và Bức xạ Hạt nhân của bộ, đã "được cho về và tiếp tục chuyến công tác" của ông.
Cục An toàn và Bức xạ Hạt nhân nói vị phó phòng có mặt ở Nhật để dự một hội thảo nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Theo các báo, trước hôm 5/10 đã xuất hiện thông tin về việc ông trung ương Q.H bị giữ lại tại Nhật Bản vì bị nghi có liên quan đến trộm cắp trong siêu thị.
Hôm 5/10, ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân, cho báo chí biết cục này ở thời điểm đó vẫn đang trong quá trình làm rõ thông tin và họ có phối hợp với phía Nhật về việc này.
Trong vài năm gần đây, đã xảy ra nhiều vụ người Việt trộm cắp ở Nhật Bản nói riêng và nhiều nước ngoài khác nói chung.
Sử dụng từ khóa "người Việt ăn cắp ở Nhật Bản" hoặc "người Việt ăn trộm ở Nhật Bản" đều cho ra trên 300.000 kết quả tìm kiếm trên Google.
Trong số các kết quả là hàng loạt bài báo trên báo chí chính thống trải dài trong nhiều năm với các hàng tít như "Nhật bắt 3 người Việt nghi trộm cắp liên hoàn hàng triệu đô", "Nhật Bản bắt giữ 7 người tình nghi trộm mỹ phẩm", "Cảnh sát Nhật bắt 9 du học sinh Việt ăn trộm đồ thể thao", "Trộm dưa lưới ở Nhật, 6 người Việt bị bắt", "Bốn người Việt bị bắt giữ ở Nhật vì ăn cắp sữa bột".
Một số báo dẫn thông tin từ cảnh sát Nhật cho hay năm 2015 họ đã bắt 2.488 vụ ăn trộm có người Việt Nam. Tính trung bình, mỗi ngày có 8 vụ ăn trộm dính dáng đến người Việt. Chưa có số liệu cho năm 2016 và 2017.
Ngay sau khi có tin về phó phòng trung ương Q.H bị tạm giữ ở Nhật Bản mới đây, hôm 6/10, luật sư Lê Luân, một người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội viết trên trang Facebook cá nhân rằng đây là "sự cố nhục nhã".
Luật sư đưa ra nhận định giáo dục có liên quan đến vấn đề này. Ông viết : "…cán bộ cấp Bộ đi công tác sang một đất nước được coi là văn minh nhất Châu Á và cũng là cường quốc thế giới mà còn giở thói trộm cắp ở nơi công cộng thì không còn gì để nói về kết quả trồng người của mấy chục năm (nửa thế kỷ) qua nữa".
**********************
Việt Nam rúng động vụ ‘1,5 triệu đôla chạy đại biểu quốc hội’ (VOA, 05/10/2017)
Mạng xã hội đang nóng lên trước thông tin một cựu đại biểu quốc hội khai từng chi 1,5 triệu đôla (khoảng 30 tỷ đồng) để chạy vào cơ quan lập pháp của Việt Nam.
Bà Châu Thị Thu Nga tại tòa.
Bà Châu Thị Thu Nga, từng làm Tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất - Housing Group, hai lần xin được khai báo về khoản tiền này trước tòa hôm 5/10, nhưng không được chủ tọa cho phép vì "không nằm trong phạm vi vụ án", theo báo chí trong nước.
Tin cho hay, tại phiên tòa xét xử tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư bào chữa cho bà Nga, ông Hoàng Văn Hướng, đã đề cập đến khoản tiền khoảng 30 tỉ đồng mà thân chủ của mình đã khai là dùng để "chạy" làm đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Bà Nga xin phép trả lời nhưng chủ tọa nói rằng "nội dung này nằm trong tổng số tiền hơn 157 tỉ đồng chi không có chứng từ của bà" và rằng nó "không nằm trong phạm vi vụ án nên luật sư không hỏi làm mất thời gian".
Sau khi luật sư đã thẩm vấn xong, bà Nga còn nán lại vành móng ngựa xin được trả lời về nội dung này nhưng chủ tọa phiên tòa yêu cầu bà về chỗ, tờ Tuổi Trẻ đưa tin.
Luật sư Trần Vũ Hải nói rằng trong phiên tòa xử ông Hà Văn Thắm (ảnh) mới đây, "tòa đã để các bị cáo khai đưa cho ai tiền".
Bình luận về động thái này, luật sư Trần Vũ Hải viết : "Vị chủ toạ không cho bị cáo khai về số tiền "chạy đại biểu Quốc hội" (lấy từ tiền thu của khách hàng) với lý do không trong phạm vi vụ án là không khách quan, vô tư và trái luật tố tụng lẫn thực tiễn xét xử".
"Chính phiên tòa xử Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn ngay tại Tòa án Hà Nội này mấy tuần trước, tòa đã để các bị cáo khai đưa cho ai tiền chi lãi ngoài, kể cả những vụ công an đang điều tra", ông Hải lấy ví dụ.
"Các tình tiết thành khẩn khai báo và tích cực giúp đỡ các cơ quan pháp luật phát hiện tội phạm là những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, nay tòa không cho bị cáo nói là tước đi quyền của bị cáo".
Luật sư Hải viết tiếp trên Facebook : "Theo tôi, luật sư của bị cáo Nga cần khiếu nại ngay vị chủ toạ, yêu cầu triệu tập những người bị tố cáo nhận tiền của bị cáo ra đối chất ! Tòa phải là nơi sự thật, công lý, bình đẳng được bảo đảm, chứ không phải nơi thẩm phán theo lệnh của ai đó chặn họng bị cáo và luật sư !" Tuy nhiên, ông Hải không nói rõ về sự cáo buộc của mình.
Theo quan sát của phóng viên VOA tiếng Việt, vụ hối lộ "chạy" vào Quốc hội Việt Nam của bà Nga là một trong những tin được tìm kiếm nhiều nhất tối 5/10 trên cả Google lẫn Facebook.
Đây là lần đầu tiên có người công khai thông tin về chuyện chi tiền chạy vào quốc hội Việt Nam, dù các nhà quan sát cho rằng "việc chạy chọt" vào các cơ quan công quyền của Việt Nam không phải là chuyện lạ.
Việt Nam là một trong những nước tham nhũng nghiêm trọng nhất thế giới, theo tổ chức Minh bạch Quốc tế.
Phiên sơ thẩm xét xử cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan tới các dự án nhà đất bắt đầu vào sáng 2/10, và dự kiến kéo dài trong 18 ngày.
Tin cho hay, hơn 500 bị hại cùng hơn 70 người, tổ chức có quyền, nghĩa vụ liên quan được triệu tập. Theo khung hình phạt truy tố, bà Nga đối mặt mức án cao nhất lên tới tù chung thân.
Bà Nga trở thành đại biểu quốc hội khóa 13 năm 2011, nhưng bị miễn nhiệm vị trí này năm 2015 sau vụ bê bối "bán nhà ảo" trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Mới đây, tổ chức theo dõi về tình trạng tham nhũng trên thế giới có tên gọi Minh bạch Quốc tế (TI) cho biết rằng Việt Nam đứng thứ 113 trong số 176 nước trong bảng xếp hạng toàn cầu 2016.
Đầu năm nay, tổ chức này đã công bố một khảo sát, trong đó nói rằng Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ tham nhũng trong số 16 nước Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong phúc trình công bố hồi tháng Ba, trong đó có nhắc tới Việt Nam, TI nhận định rằng "nhiều nước ở Châu Á – Thái Bình Dương thất bại trong cuộc chiến chống tham nhũng", và rằng 900 triệu người ở 16 nước trong khu vực đã phải hối lộ.
Phát biểu tại một phiên họp về chống tham nhũng hôm 31/7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập tới chuyện "lò" và "củi" trong việc chống vấn nạn này.
Ông Trọng nói : "Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói : Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công".
********************
Mua chức đại biểu Quốc Hội giá 1 triệu rưỡi đô la Mỹ (RFA, 05/10/2017)
Bà Châu Thị Thu Nga, một bị cáo trong một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nói trước tòa án Hà Nội rằng bà đã dùng số tiền trị giá 1 triệu 500 ngàn đô la Mỹ để được làm Đại Biểu Quốc Hội.
Bà Châu Thị Thu Nga (áo xanh) tại phiên tòa xét xử ngày 24/05/2017. Courtesy : tuoitre.vn
Tuy nhiên Tòa án không cho bà Nga khai việc này vì cho rằng điều đó không có liên quan đến nội dung vụ án đang được điều tra.
Bà Châu Thị Thu Nga năm nay 52 tuổi, là một doanh nhân ngành bất động sản ở Hà Nội và là đại biểu quốc hội Việt Nam khóa 13, từ năm 2011 đến năm 2016.
Vào tháng Giêng năm 2015, Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Sinh Hùng đã ký một nghị quyết của Quốc Hội, đồng ý với ý kiến của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao về việc khởi tố bà Nga tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời bãi chức Đại Biểu Quốc Hội của bà Nga.
Dự định phiên tòa xử vụ án của bà Châu Thị Thu Nga sẽ kết thúc vào ngày 10 tháng 10.