Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 27 novembre 2023 17:03

Chạy chức

Lời giới thiệu : Trong một chế độ độc tài độc đảng như ở Việt Nam, người dân hoàn toàn không có quyền bầu chọn những quan chức có trình độ, có tâm có tầm, xứng đáng với vị trí, chức vụ của mình ; người dân cũng hoàn toàn không có quyền kêu gọi từ chức hay dùng lá phiếu để truất phế những quan chức kém tài kém đức, hại dân hại nước. Quan chức, cán bộ là do Đảng chỉ định. Chính vì vậy mà từ "quan trí" cho đến tình trạng tham những, vi phạm pháp luật, băng hoại về tư cách của quan chức từ trên xuống dưới cứ ngày càng nhiều, mỗi một vụ án lớn lại hàng chục, hàng trăm quan chức "bị lộ", phải mất chức hoặc vào tù. 

Nhà văn, nhà báo Phạm Đình Trọng nói nguyên nhân vì sao ông viết bài "Chạy chức" : "Ở Việt Nam ai cũng thấy sự chạy chức ào ạt, công khai trong Nhà nước cộng sản Việt Nam nhưng chưa ai nhận ra, chưa ai nói đến việc chính tổ chức đảng cộng sản ngang nhiên, ngạo ngược chạy chức cho đám quan đảng bất tài và tham lam. Bằng con người, sự việc cụ thể, bài Chạy chức của tôi điểm mặt, gọi tên đám quan đảng hư hỏng được tổ chức đảng trao quyền nắm vận mệnh của dân của nước".

Chúng tôi xin giới thiệu với quý bạn đọc bài báo này của nhà văn, nhà báo Phạm Đình Trọng, tác giả tập Chân dung chính trị "Những cánh buồm" do Tủ sách Tiếng Quê Hương tại Hoa Kỳ xuất bản năm 2022.

Diễn Đàn Thế Kỷ

*****

1. Ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng – giữa nói và làm

chaychuc01

Nguyễn Phú Trọng nói "Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém". Ảnh : Zing

Trong những người đứng đầu đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam thì ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng là người riết róng nhất về công tác cán bộ, rao giảng cao giọng nhất về đòi hỏi làm gương của người lãnh đạo, dạy bảo nhiều nhất về chọn lọc, đề bạt quan chức trong bộ máy nhà nước, hội họp nhiều nhất với hai cơ quan tối cao của đảng là Bộ Chính trị và Ban Bí thư về đội ngũ cán bộ lãnh đạo và ban hành dồn dập nhất những quyết định, chỉ thị, qui định về đội ngũ quan chức lãnh đạo đảng và nhà nước.

Đặc biệt việc chạy chức, chạy quyền được đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng xăm soi nhiều nhất, cảnh báo nghiêm khắc nhất, răn đe mạnh nhất và hai kì đại hội đảng gần đây ông Trọng đều là trưởng ban nhân sự, rà soát từng người đưa vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng.

Nhưng hãy nhìn việc đề bạt quan chức cấp quốc gia của tổ chức đảng sẽ nhận ra ngay cội nguồn của chạy chức chạy quyền, nhận ra nơi chạy chức ngang nhiên, công khai, ồ ạt và bất tận.

Bỏ qua việc chính ông đảng trưởng riết róng yêu cầu làm gương của người lãnh đạo, khắt khe đòi hỏi thực hiện nghiêm những qui định về công tác cán bộ của đảng lại chính là người nêu gương chiếm giữ chiếc ghế người đứng đầu đảng liền ba nhiệm kì, bất chấp cả điều lệ đảng là qui định có tính nguyên tắc, là luật lệ cao nhất của đảng. Đại hội 11 đảng cộng sản Việt Nam tháng một năm 2011 đưa ông Nguyễn Phú Trọng đã 67 tuổi lên vị trí người đứng đầu đảng với chức danh Tổng bí thư thì đại hội 11 liền đưa ngay vào Điều lệ đảng, chương III, điều 17, qui định rằng : "Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp". 

chaychuc2

Ngày 31/1/2021, thay mặt Bộ Chính trị, ông Nguyễn Xuân Phúc, là Thủ tướng lúc bấy giờ, tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, tức là Tổng bí thư lần thứ 3. Ảnh : TTXVN

Từ 2011 đến nay, suốt ba nhiệm kì liên tiếp ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đảng cầm quyền thì đội ngũ quan chức ở phương diện quốc gia, những người quyết định sự thịnh suy của đất nước, quyết định bộ mặt xã hội và đời sống của người dân lại bộc lộ là đội ngũ quan chức tồi tệ nhất, yếu kém nhất, hư hỏng nhiều nhất, phạm tội nghiêm trọng nhất, gây thiệt hại cho nước, gây tội ác với dân lớn nhất, đưa đất nước vào những thất bại, khó khăn nghiêm trọng, đẩy người dân vào cuộc sống khốn cùng, phải nhận những mất mát bi thảm nhất, mất mát hàng chục ngàn mạng sống người dân trong đại dịch Covid 19.

Quyền lực quốc gia ăn chia với tư bản hoang dã làm giầu bằng tài nguyên đất đai, đẩy người dân vào cuộc đời đau thương, vào cuộc sống cùng quẫn, vào thân phận tù tội diễn ra trên khắp đất nước, từ Văn Giang, Hưng Yên, Dương Nội và Đồng Tâm, Hà Nội đến Thủ Thiêm, Sài Gòn.

Tư lệnh cảnh sát biển bán biển cho đường dây buôn lậu.

Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo lãnh cho gian thương buôn kit test dỏm rồi chính quyền địa phương cưỡng bức dân, đè ngửa dân ra ngoáy đi ngoáy lại mũi dân bẳng kit dỏm để gian thương tiêu thụ hàng giả và để dịch covid bùng phát giết chết hơn bốn mươi ba ngàn dân.

Cả hệ thống quyền lực tổ chức chuyến bay hút máu dân núp dưới tên mĩ miều, lừa bịp Chuyến bay giải cứu...

Những vụ việc ghê tởm, bẩn thỉu, nhục nhã như vừa nêu diễn ra dồn dập trên khắp đất nước đã phơi bày bộ mặt thấp hèn, bất lương, độc ác không còn một chút tính người của đám quan chức ở phương diện quốc gia dưới triều Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng riết róng và trực tiếp làm công việc chọn lọc nhân sự, đề bạt cán bộ.

Bỏ qua hạng quan chức lãnh đạo quốc gia, quản lí xã hội từ cấp cao chót vót đã lộ mặt đốn mạt, đang trùng trùng lớp lớp trở thành tội phạm nối nhau ra tòa và lũ lượt vào tù mà suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, cả thời nhà nước phong kiến thối nát, suy tàn, cả thời nhà nước thực dân đô hộ cũng chưa hề có.

Chưa có thời đại nào đảng viên đảng cầm quyền đều là những đảng ủy cấp cao được tổ chức đảng chọn lọc đặt lên ghế quan chức nhà nước lại đồng loạt đổ đốn, đồng loạt biến chủ trương, chính sách của nhà nước chăm lo cho dân thành cơ hội cướp bóc dân, biến công vụ, nhiệm vụ công chức thành dịch vụ tư. Hưởng lương công chức nhà nước, sử dụng thời gian, phương tiện nhà nước thanh tra những vụ quan chức tham nhũng chiếm đoạt tài sản tiền bạc nhà nước thì quan thanh tra liền đòi được ăn chia ba mươi phần trăm tiền thu hồi từ tham nhũng ! Hạng quan chức chỉ có con người hưởng thụ, không có con người trách nhiệm có mặt khắp các cấp chính quyền, nắm giữ đủ các thứ bậc quyền lực.

Bỏ qua quá đông những kẻ được đảng ủy các cấp chọn lọc, tiến cử trao quyền lực quốc gia nhưng đã lộ mặt là hạng giá áo túi cơm, chỉ biết mang quyền lực quốc gia vơ vét cho bản thân và gia đình để vinh thân phì gia, đang nhiều lần bị điệu cổ ra tòa án, nhiều lần phơi bản mặt bẩn thỉu, ô nhục trước bàn dân thiên hạ, đang chen vai, thích cánh bên nhau ở tòa án, đang lúc nhúc như lũ dòi nhặng, lũ sâu mọt trong các nhà tù.

Chỉ điểm mặt vài quan chức đang vênh váo chiếm chiếc ghế quyền lực của dân nhưng người dân không được tiến cử, không được bầu chọn mà do tổ chức đảng chia chác những chiếc ghế quyền lực của dân cho đảng viên có vai vế trong đảng. Người dân mất quyền công dân đích thực nhất, lớn nhất, thiêng liêng nhất, không được tiến cử và bầu chọn hiền tài thực sự của dân, do đó những người nắm quyền lực của dân đều không phải hiền tài trong dân mà chỉ là người của những thế lực trong đảng nên mới có những quan chức nhà nước khi nhắc đến tên, khi nhìn thấy mặt, người dân chỉ thấy ngán ngẩm, không muốn nghe nhắc đến tên, càng không muốn nhìn bản mặt. Vì nghe nhắc đến tên, nhìn thấy bản mặt hạng quan chức đó, người dân chỉ thấy cái tầm thường, thấp kém dưới mặt bằng xã hội !

Xin điểm vài gương mặt đó.

2. Bị tố "đạo văn" nhưng vẫn thăng chức !

Tố cáo tội phạm, tố cáo hành vi phạm pháp là quyền dân sự hợp pháp của mọi công dân được bảo đảm trong Luật Khiếu nại Tố cáo ban hành từ năm 1998, chỉnh sửa năm 2011 và năm 2018. Ông ủy viên trung ương đảng, bí thư tỉnh uý Đăk Lăk Bùi Văn Cường bị tiến sĩ khoa học Phạm Đình Quý, giảng dạy trường đại học Tôn Đức Thắng tố cáo đạo văn là sự việc dân sự rất bình thường và hợp pháp. Xin nhắc lại, tố cáo là sự việc dân sự chứ không phải sự việc hình sự. Xem xét tố cáo cũng thuộc đời sống dân sự, không phải hoạt động hình sự, trừ khi vụ việc tố cáo là vụ việc hình sự.

Xét xử tố cáo đúng sai là việc của tư pháp, không phải việc của hành pháp, càng không phải việc của tổ chức đảng. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Dù là quan đầu tỉnh, ông bí thư tỉnh ủy Cường bị tố cáo và ông thầy tiến sĩ dạy đại học Quý tố cáo ông Cường đạo văn đều là công dân bình đẳng trước pháp luật. Dù có bị tố cáo sai, có bị vu khống, xúc phạm nhân phẩm, với người tử tế, với công dân biết ứng xử theo khuôn phép luật pháp, chỉ có thể kiện người tố cáo sai và chờ tòa án phân xử sau khi luận văn bị tố cáo đạo văn có đủ căn cứ khoa học xác minh.

Nhưng ông Cường bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk bị tố cáo đạo văn không hành xử như một người lương thiện, tử tế, như một công dân biết thượng tôn pháp luật. Ỷ vào quyền lực, ông bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk Bùi Văn Cường đã hành xử như một lục lâm thảo khấu ngoài vòng pháp luật, như cậu Trời Đặng Mậu Lân thời vua Lê chúa Trịnh. Cậu Trời Đặng Mậu Lân thời phong kiến thối nát dựa vào quyền uy chúa Trịnh. Cậu Trời Bùi Văn Cường dựa vào quyền uy đảng cộng sản thời chuyên chính vô sản, lấy sức mạnh bạo lực nhà nước chuyên chính vô sản hình sự hóa vụ việc dân sự, đẩy người tố cáo hợp pháp vào tù, che giấu luận văn bị tố cáo.

chaychuc3

Ông Bùi Văn Cường, nguyên Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk, hiện là Tổng thư ký Quốc hội. Ảnh : Daibieunhandan.vn

Hình sự hóa sự việc dân sự, ông bí thư tỉnh ủy Cường lệnh cho cảnh sát Đăk Lăk mang súng, mang còng sắt, ngồi ô tô cảnh sát phóng từ Buôn Ma Thuật về Sài Gòn, xông vào quán ăn khi ông Quý, người tố cáo ông Cường đạo văn, cùng gia đình đang ăn tối, bập còng số 8 vào tay ông Quý, bắt người tố cáo ông bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk đạo văn như bắt quả tang một tội phạm hình sự, tống lên ô tô cảnh sát, đưa về Đăk Lăk để tòa án Đăk Lăk trong hệ thống bạo lực nhà nước chuyên chính vô sản của bí thư Cường xét xử.

Không những có công an, tòa án, nhà tù là công cụ bạo lực nhà nước chuyên chính vô sản trong tay, ủy viên trung ương đảng, bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk Bùi Văn Cường còn có cả chiếc ô bảo vệ thanh danh, uy tín chính trị cho đảng viên cấp cao là Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương Đảng. Luận văn tiến sĩ là luận văn khoa học. Xem xét việc sao chép, vay mượn, cóp nhặt từ những công trình khoa học khác trong luận văn tiến sĩ phải là hội đồng khoa học với những nhà khoa học chuyên sâu, có đủ kiến thức khoa học chuyên ngành nhìn nhận, có đủ tư cách kẻ sĩ bảo vệ giá trị khoa học, bảo vệ chân lí khoa học và có đủ nguồn văn bản khoa học đối chiếu mới có thể kết luận xác đáng.

Luận văn của ông bí thư tỉnh ủy Cường bị tố cáo đạo văn phải có gì không đàng hoàng, không minh bạch, không đủ giá trị khoa học một luận văn tiến sĩ, ông tiến sĩ Cường, bí thư tình ủy Đăk Lăk mới không dám để hội đồng khoa học phán xét luận văn của ông mà ông tìm đến chiếc ô bảo vệ thanh danh, uy tín chính trị cho đảng viên cấp cao là Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương Đảng.

Và Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương với những nhà chính trị Mác xit nắm chắc lí luận đấu tranh giai cấp, tuyệt đối hóa chuyên chính vô sản, coi lí luận đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản là chuẩn mực cao nhất và duy nhất, không cần căn cứ khoa học, không cần phải có văn bản khoa học đối chiếu liền có ngay văn bản bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ ủy viên ban chấp hành trung ương Bùi Văn Cường : "Kết quả xác minh đến thời điểm hiện nay cho thấy đồng chí Bùi Văn Cường không có hành vi đạo văn, không vi phạm nghiêm trọng quy chế của Bộ Giáo dục và đào tạo trong nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường đại học Hàng Hải Việt Nam năm 2018 như nội dung tố cáo…".

Ngay trong ngôn từ văn bản của Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương cũng đã xác nhận rằng Tiểu Ban chỉ là một cơ quan đảng chứ không phải cơ quan khoa học. Trong đảng, ông Cường là đồng chí. Trong khoa học ông Cường là tiến sĩ. Vì chỉ có góc nhìn của cơ quan đảng, không có góc nhìn của cơ quan khoa học nên văn bản của Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương Đảng chỉ nhìn nhận ông Cường là đảng viên cộng sản, gọi ông Cường là đồng chí, không nhìn ông Cường là nhà khoa học, không gọi ông Cường là tiến sĩ.

Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương Đảng chỉ là một cơ quan trong tổ chức của đảng, chỉ có vị trí, chức năng, quyền lực trong nội bộ đảng, không phải là cơ quan quyền lực trong bộ máy quản lí nhà nước, không có vị trí, vai trò, chức năng trong hệ thống hành chính nhà nước, lại càng không phải là tiếng nói khoa học, không có chức năng nhận định, đánh giá, xác minh luận văn khoa học. Vì vậy dù Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương Đảng có xác minh "đồng chí Bùi Văn Cường không có hành vi đạo văn" thì văn bản xác minh đó hoàn toàn không có giá trị khoa học, không có tư cách xác minh luận văn khoa học, không có giá trị pháp lí trong tranh tụng khoa học.

Chỉ căn cứ vào văn bản xác minh của tổ chức chính trị chỉ có chức năng bảo vệ chính trị nội bộ đảng là Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương Đảng, không có tư cách xác minh luận văn khoa học, Tòa án Đăk Lăk, công cụ bạo lực chuyên chính vô sản của đảng bộ tỉnh Đăk Lăk, công cụ bạo lực của bí thư tỉnh ủy Bùi Văn Cường liền ra phán quyết buộc người tố cáo ông bí thư tỉnh ủy Cường đạo văn tội vu khống. Người thầy trường đại học Tôn Đức Thắng, tiến sĩ Quý tố cáo ông ủy viên trung ương đảng, bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk Bùi Văn Cường đạo văn liền bị tống vào tù.

chaychuc4

Hai người từng tố cáo ông Bùi Văn Cường là các ông Phạm Đình Quý, cựu giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Sài Gòn, và Hoàng Minh Tuấn, từng là đảng viên, công an viên ở xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, bị kết án tù ngày 17/01/2022. Ảnh minh họa.

Dập tắt lời tố cáo đạo văn không phải bằng xác minh khoa học mà bằng bạo lực nhà nước chuyên chính vô sản, ông bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk Bùi Văn Cường ủy viên trung ương đảng khóa XII lại tái nhiệm ủy viên trung ương đảng khóa XIII. Quan chức đảng duy trì chiếc ghế quyền lực bằng chà đạp pháp luật, chà đạp nhân cách và cuộc đời nhà khoa học, lộng hành ngoài vòng pháp luật như cậu Trời Đặng Mậu Lân thời phong kiến thối nát liền được tổ chức đảng trung ương điều về kinh đô làm chủ nhiệm văn phòng quốc hội, tổng thư kí quốc hội, cơ quan lập pháp, nơi tạo ra hành lang pháp luật cho dòng chảy cuộc sống.

Ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng đay nghiến rất nặng lời, răn đe cảnh báo rất nghiêm khắc về chạy chức chạy quyền nhưng chính tổ chức đảng trung ương đã chạy tố cáo cho ông ủy viên trung ương đảng Bùi Văn Cường rồi lại ngang nhiên chạy chức cho ông quan đảng chà đạp lên pháp luật, chà đạp lên thân phận người dân lương thiện. Đặt ông quan đảng hành xử như lục lâm thảo khấu thời phong kiến thối nát ngồi vào ghế chủ nhiệm văn phòng quốc hội, tổng thư kí quốc hội, tổ chức đảng trung ương đã bộc lộ rõ sự kiêu ngạo cộng sản, coi khinh người dân như cỏ dại, như rơm rác, ngang nhiên thách thức cả thời văn minh tin học đã cho người dân ý thức được quyền con người trong giá trị làm người, ý thức được quyền công dân trong trách nhiệm công dân.

3. Đảng viên, đồng chí giết nhau, người chịu trách nhiệm thì lại lên chức !

Vụ đảng viên, chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Yên Bái sáng sớm ngày 18/8/2016 xách cặp chứa súng ngắn vào cơ quan tỉnh ủy, bắn chết bí thư tỉnh ủy, bắn chết ủy viên thường vụ, trưởng ban tổ chức tỉnh ủy kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh rồi tự sát ngay trong cơ quan tỉnh ủy, biến cơ quan tỉnh ủy ngạo nghễ tung bay lá cờ búa liềm cộng sản thành một pháp trường thê lương, đẫm máu là cơn địa chấn trong đời sống xã hội của Yên Bái và của cả nước. Cơn địa chấn làm lung lay, rạn nứt niềm tin của người dân vào những người cộng sản, vào đảng cộng sản cầm quyền.

Chi cục trưởng Kiểm Lâm đương nhiên là ủy viên thường vụ trong đảng ủy chi cục Kiểm Lâm. Ba đảng viên cộng sản đều có cấp ủy đáng cao chết thê thảm ở ngay cơ quan tỉnh ủy là mất mát lớn của đảng cộng sản cầm quyền. Mất lãnh đạo hàng đầu của đảng bộ tỉnh. Mất uy tín, thanh danh cả một tỉnh ủy. Phơi bày sự mất đoàn kết sâu sắc trong đảng bộ tỉnh. Phơi bày đạo đức suy đồi, bản lĩnh yếu kém, nhân cách thấp hèn của đảng viên. Và điều nghiêm trọng hơn cả là phơi bày sự lãnh đạo quá yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ của cả ban lãnh đạo tỉnh ủy Yên Bái.

Máu của ba đảng viên có cấp ủy đảng cao trong đảng bộ tỉnh Yên Bái lênh láng ở cơ quan tỉnh ủy sáng ngày 18/8/2016 còn bi thảm, khủng khiếp hơn nhiều lần máu mười ba yếu nhân lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị Pháp chém đầu ngày 17/6/1930.

Máu mười ba đảng viên lãnh đạo Quốc Dân Đảng bị Pháp chém đầu ở Yên Bái ngày 17/6/1930 là dòng máu yêu nước trong mọi trái tim Việt Nam, dòng máu viết lên trang sử vàng Việt Nam. Mọi người dân Việt Nam yêu nước đều kiêu hãnh thấy như có dòng máu của mình hòa trong dòng máu mười ba đảng viên Quốc Dân Đảng. Còn máu ba đảng viên cộng sản lênh láng ở cơ quan tỉnh ủy Yên Bái sáng ngày 18/8/2016 cũng là máu người Việt Nam nhưng là dòng máu ô nhục, dòng máu hận thù đồng chí, đồng đảng cộng sản, dòng máu làm hoen ố trang sử đảng bộ cộng sản Yên Bái và trang sử Đảng cộng sản Việt Nam.

Đảng viên còn tin vào lí tưởng cao đẹp của đảng, còn tâm nguyện phấn đấu cho lí tưởng cộng sản thì không thể lạnh lùng giết hại lãnh đạo đảng như vậy. Cuộc bắn giết kinh hoàng trong nội bộ đảng bộ tỉnh Yên Bái phơi bày sự sụp đổ, phá sản lí tưởng cộng sản trong đảng viên, trong tổ chức đảng bộ tinh, là một trang đen tối của lịch sử đảng bộ tỉnh Yên Bái, là thất bại nặng nề, đau đớn của tổ chức đảng và bộc lộ sự tắc trách, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, không làm tròn bổn phận trước đảng bộ Yên Bái và trước ban chấp hành trung ương của cả ban lãnh đạo đảng bộ Yên Bái.

Trong những kết luận đề nghị thi hành kỉ luật tổ chức đàng và đảng viên cao cấp những năm gần đây, Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng cộng sản luôn nhắc đến một khuyết điểm hàng đầu dẫn đến phải kỉ luật tổ chức đảng và cá nhân đảng viên ở vị trí lãnh đạo là buông lỏng lãnh đạo. 

Với nguyên tắc đảng lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách, buông lỏng lãnh đạo không phải chỉ là năng lực yếu kém của người đứng đầu tổ chức đáng mà còn là năng lực yếu kém của cả tập thể đảng ủy lãnh đạo đảng bộ. Rõ ràng năng lực lãnh đạo của tập thể đảng ủy Yên Bái quá yếu kém, không quản lí, lãnh đạo đảng viên, buông lỏng lãnh đạo trong thời gian dài mới để đảng viên suy thoái đến trống rỗng lí tưởng cộng sản, để tổ chức đảng mất đoàn kết trầm trọng dẫn đến đảng viên nã đạn vào đầu, vào ngực bí thư tỉnh ủy và trưởng ban tổ chức tỉnh ủy.

Máu đổ ở cơ quan tỉnh ủy Yên Bái sáng ngày 18/8/2016 là thất bại thảm hại, là khuyết điểm, sai trái nghiêm trọng của tập thể ban lãnh đạo tỉnh ủy Yên Bái. Sai trái có tên buông lỏng lãnh đạo. Ngoài bí thư tỉnh ủy đã chết thì cả ban thường vụ tỉnh ủy Yên Bái không thể trốn tránh trách nhiệm về sai trái nghiêm trọng đó và người còn sống phải chịu trách nhiệm lớn nhất là ủy viên thường vụ, phó bí thư tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà.

Nhưng tổ chức đảng đã ưu ái bỏ qua trách nhiệm về sự buông lỏng quản lí dẫn đến mất mát quá lớn cho đảng của phó bí thư tỉnh ủy kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà. Không những vô can, phó bí thư tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà còn được thăng chức lên chiếc ghế bí thư tỉnh ủy đang bỏ trống, rồi như một đảng viên cấp cao trong sạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lại tái nhiệm ủy viên trung ương đảng khóa XIII, được đưa lên nắm quyền lực quốc gia, thăng tiến mau lẹ. Chỉ sau sáu tháng ngồi ghế thứ trưởng liền tót lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

chaychuc5

Bà Phạm Thị Thanh Trà, nguyên Bí thư tỉnh ủy Yên Bái, Chủ tịch UBND tình Yên Bái, hiện là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh minh họa

Chỉ có quyền năng chạy chức thần thánh mới có thể chạy chức cho một phó bí thư tỉnh ủy quản lí đảng viên một đảng bộ địa phương, một đảng bộ cấp tỉnh để đổ vỡ thảm hại lại được giao quản lí bộ máy chính quyền cả nước.

Đảng viên cộng sản trong đảng ủy Yên Bái bắn giết nhau đẫm máu ở ngay cơ quan tỉnh ủy để lại trong lòng người dân sự ngao ngán, thất vọng, mất lòng tin vào đảng cầm quyển, để lại trong lịch sử đảng vết nhơ lớn.

Lòng tin của người dân vào đảng cầm quyền chỉ được cứu vãn khi những thất bại được nhìn nhận, khi có người chịu trách nhiệm và được xử lí nghiêm khắc. Trang sử đảng chỉ quang minh khi cả những vết nhơ, những yếu kém, thất bại cũng được trung thực và dũng cảm nhìn nhận và tập thể đảng ủy chịu trách nhiệm có đủ sự trung thực và nghiêm khắc nhận trách nhiệm và nhận kỉ luật để mất mát, thất bại không lặp lại.

Đề bạt, cất nhắc người năng lực và phẩm chất yếu kém phải chịu trách nhiệm về những thất bại, mất mát lớn là che giấu, lấp liếm sai trái, càng gây thất vọng, mất lòng tin cho người dân, càng tạo ra khoảng tối trong trang sử của đảng cộng sản cầm quyền và càng duy trì, bảo tồn mầm mống những tai họa tiếp theo.

Dù sai lầm yếu kém lớn đến đâu, dù thất bại nặng nề thế nào, được xử lí thỏa đáng thì sai lầm, thất bại mới thực sự kết thúc và người dân cũng cho qua, cho vào quên lãng của quá khứ để nhìn nhận hiện tại. Nhưng buông lỏng, yếu kém trầm trọng trong lãnh đạo đảng bộ, quản lí đảng viên dẫn đến máu đổ lênh láng ở tỉnh ủy Yên Bái mà ủy viên thường vụ, phó bí thư tỉnh ủy vẫn vô can, vẫn thênh thang lên chức lên quyền thì vụ đổ máu thê lương ở cơ quan tỉnh ủy Yên Bái chưa thể kết thúc. Thì trong mắt đảng viên đảng bộ Yên Bái và trong ghi nhận của người dân cả nước, tên tuổi, hình ảnh, chân dung, sự nghiệp đảng viên cộng sản Phạm Thị Thanh Trà mãi mãi đóng đinh lại ở vị trí ủy viên thường vụ, phó bí thư tỉnh ủy Yên Bái, đóng đinh lại trong trách nhiệm buông lỏng lãnh đạo để đảng viên xa rời lí tưởng cộng sản, đảng viên chứa chất hận thù với tổ chức đảng đến mức đánh đổi cả mạng sống để giết chết người đứng đầu tỉnh ủy và trưởng ban tổ chức tỉnh ủy.

Chỉ có quyền năng thần thánh của tổ chức đảng trung ương mới có thể chạy chức cho một cán bộ đảng lãnh đạo, quản lí đảng viên một đảng bộ không xong, để đảng viên trong đảng bộ bắn giết nhau, máu đảng viên hoen ố cả cơ quan đảng, làm chấn động đời sống xã hội cả nước, làm mất lòng tin của người dân vào đảng cầm quyền, phơi bày trước người dân cuộc đấu đá đẫm máu giành chức quyền trong đảng.

Với quyền năng thần thánh, tổ chức đảng trung ương có thể đặt bất cứ ai vào bất cứ vị trí quyền lực nào. Nhưng dù thần thánh, tổ chức đảng cũng không thể tạo ra năng lực tương xứng cho con người yếu kém được tổ chức đảng trao quyền lực.

Ở vị trí quản lí bộ máy chính quyền cả nước, quản lí lãnh thổ hành chính quốc gia nhưng không có năng lực, không đủ tầm quốc gia, không nhìn ra việc cần làm. Chỉ thấy những việc sự vụ hành chính. Chỉ biết đi theo lối mòn, lại làm những việc trong quá khứ đã làm nhiều lần và thất bại ê chề là chia cắt, sắp xếp lại đơn vị hành chính quốc gia.

Trong quá khứ, những người lãnh đạo quốc gia chỉ có quyền lực chính trị và quyền lực hành chính mà không có quyền lực trí tuệ, không có quyền lực văn hóa nên không nhận biết được hồn lịch sử và hồn dân gian của mỗi vùng đất. Chỉ có sự ngạo nghễ ra tay sắp xếp lại giang sơn để thể hiện quyền uy, quyền lực chính trị, quyền lực hành chính đã nhiều lần tuỳ hứng chia tách, sát nhập, lắp ghép cơ học đơn vị hành chính tỉnh, huyện trên cả nước gây biến động, rối loạn cơ học rất lớn trong tổ chức đơn vị hành chính. Tạo thêm lỗ thủng rất lớn cho túi tiền teo tóp của ngân sách quốc gia phải chi khoản ngân sách lớn cho sự ra đời các đơn vị hành chính mới. Tạo ra sự xung khắc, lục đục, đấu đá triền miên trong việc lắp ghép gượng ép đội ngũ quan chức quản lí đơn vị hành chính mới.

Mỗi con người ngoài thể xác với chiều cao, cân nặng làm nên vóc dáng hình hài còn có con người văn hóa với thế giới tâm hồn và kiến thức văn hóa xã hội làm nên giá trị đích thực của con người đó. Số đo chiều cao, cân nặng mỗi con người chỉ là con số cơ học, chỉ là vật chất, chỉ có sức sống hữu hạn trong không gian. Thế giới tâm hồn và kiến thức văn hóa xã hội mới là tầm vóc, là giá trị đích thực của mỗi con người, mới có sức sống vô hạn trong thời gian.

Diện tích đất đai và dân số mỗi đơn vị hành chính tỉnh, huyện, xã cũng chỉ là con số cơ học, chỉ là phần vật chất, thể xác vô hồn. Cội nguồn lịch sử cộng đồng dân cư, hồn folklore, nét đặc sắc văn hóa dân gian, phong tục tập quán trong sinh hoạt, trong đời sống do lịch sử để lại và tình yêu máu thịt của cư dân với mảnh đất mang hồn cốt ông bà tổ tiên mới là phần hồn của một địa danh.

Địa hình tự nhiên và điều kiện sống tự nhiên đã tạo ra cho mỗi vùng đất một cộng đồng dân cư con đẻ của vùng đất đó. Cộng đồng dân cư lại tạo hồn dân dã và tạo khí thiêng lịch sử cho đất. Mỗi vùng đất có một lịch sử hình thành, có một cộng đồng dân cư tạo nên lịch sử vùng đất, tạo nên khí thiêng của đất và tạo nên hồn dân gian của cộng đồng. Đó là cơ sở xác đáng và bền vững, là căn cứ cần thiết tạo nên đơn vị hành chính của một vùng đất thuận tự nhiên, hợp lòng người, bảo tồn được khí thiêng lịch sử và hồn văn hóa của cộng đồng dân cư trên vùng đất đó.

Chung cội nguồn lịch sử, chung cội nguồn văn hóa dân gian, chung tình yêu với mảnh đất cha ông, chung cả tên gọi mảnh đất thân thương là chất keo kết dính dân cư sống lâu đời trên mảnh đất đó, tạo nên sự ổn định, bền vững của một địa danh. Chỉ căn cứ vào con số cơ học, diện tích và dân số, phá vỡ cội nguồn lịch sử, phá vỡ cội nguồn folklore là phá vỡ sự ổn định, bền vững của địa danh đó.

Diện tích đất đai là vật chất vô hồn có thể băm vằm chia cắt, lắp ghép tuỳ thích. Nhưng lịch sử cộng đồng dân cư, văn hóa dân gian, tình yêu của người dân với miền đất, ngay cả tên đất mang hồn dân dã quê kiểng của người dân thì một chính quyền thực sự có văn hóa, có kiến thức quản lí hành chính quốc gia và biết quí trọng giá trị nhân văn không thể tuỳ hứng, tuỳ tiện chia cắt, lắp ghép. 

Địa hình tự nhiên và điều kiện sống tự nhiên đã hình thành trên khắp thế giới những đơn vị hành chính dù có cái vỏ vật chất nghịch lí là diện tích đất đai nhỏ xíu mà có số dân khổng lồ nhưng lại có cái lõi hợp lí của địa hình tự nhiên, của lịch sử và văn hóa cộng đồng dân cư khai phá, hình thành, viết lên tên vùng đất đó.

Không thể máy móc, duy ý chí, phi lịch sử, phi nhân văn xóa bỏ đơn vị hành chính của lịch sử rồi tuỳ tiện đưa ra những con số cơ học về dân cư, về diện tích đất đai để tạo ra những đơn vị hành chính theo con số dân cư và diện tích đất đai tưởng là hợp lí về con số cơ học, về hình thức nhưng lại xóa mất giá trị thiêng liêng của vùng đất đó. Xóa mất cái hợp lí của tự nhiên. Xóa mất từ tên gọi đến lịch sử và văn hóa của tên gọi đó.

Những đơn vị hành chính thuận tự nhiên, hợp lòng người đã tồn tại ổn định, bền vững, đã trở thành di sản thiêng liêng của cha ông, của lịch sử. Tên gọi những đơn vị hành chính từ cha ông, từ lịch sử để lại đã trở thành tên gọi của tình yêu, của niềm tự hào, là tên gọi quê hương, thân thiết, ruột thịt như tên cha, tên mẹ, tên người yêu.

Căn cứ con số cơ học về diện tích đất đai và dân số để rồi lại chia cắt, sát nhập tạo ra đơn vị hành chính mới, tạo ra những tên đất mới vô hồn là đánh phá vào cội nguồn văn hóa dân gian ngàn đời của mảnh đất thấm đẫm mồ hôi và máu người dân lao động sáng tạo trên mảnh đất đó, gây tốn kém tiền bạc, bất ổn xã hội vô cùng to lớn và lâu dài.

Triều nhà Nguyễn kéo dài 143 năm là một triều đại có công rất lớn trong mở đất về phía Nam và mở biển về phía Đông. Suốt thế kỉ 19, triều Nguyễn cùng người Việt cả nước không phải chỉ mang gươm mà còn mang máu, nước mắt, mồ hôi và hồn folklore của nền văn minh sông Hồng đi mở cõi. Sang thế kỉ 20 quyền lực nhà nước và quyền lực trí tuệ văn hóa của những khoa bảng ở vị trí quản lí quốc gia triều Nguyễn mới xác lập, định hình rất lịch sử, rất thuận tự nhiên và thuận lòng người đơn vị hành chính quốc gia từ làng xã đến huyện, tỉnh.

Những đơn vị hành chính quốc gia thuận địa hình tự nhiên, thuận điều kiện sống tự nhiên, thuận lịch sử hình thành và thuận lòng dân đã hình thành ổn định từ cuối triều nhà Nguyễn đến nay. Thời Pháp cai trị chỉ có đôi lần thay đồi cục bộ nhỏ lẻ ở một, hai địa phương. Chỉ từ mấy chục năm nay, những quan chức công nông quản lí quốc gia mới dồn dập chia tách, sát nhập vô tội vạ đơn vị hành chính quốc gia.

Những đảo lộn chia tách sát nhập đơn vị hành chính liên tục và bất tận, không do nhu cầu đời sống xã hội, không có căn cứ khoa học, chỉ do ý chí của người có quyền lực muốn thể hiện vai trò quản lí quốc gia và muốn để lại dấu ấn cá nhân người có quyền trong lịch sử nhà nước công nông. Những chia tách sát nhập đơn vị hành chính tuỳ tiện chỉ mang lại sự ngơ ngác cho người dân, chỉ thêm gánh nặng cho ngân sách và tạo ra sự lục đục, bất ổn âm thầm nhưng gay gắt, bất tận trong bộ máy nhân sự quản lí lãnh thổ quốc gia.

Chia tách, sát nhập tuỳ tiện đơn vị hành chính quốc gia không có căn cứ khoa học, không do đòi hỏi của thực tế đời sống xã hội chỉ bộc lộ người quản lí bộ máy hành chính quốc gia chỉ có quyền lực hành chính mà không có quyền lực trí tuệ.

Vừa ngồi vào ghế bộ trưởng bộ Nội Vụ, bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà liền thể hiện quyền lực hành chính, trình Quốc Hội dự thảo sắp xếp lại đơn vị hành chính quốc gia triệt để hơn những lần chia tách, sát nhập đơn vị hành chính quốc gia trước đây đã làm lu mờ lịch sử, mất mát hồn dân gian nhiều mảnh đất đầy bản sắc folklore quí giá.

Trước đây chỉ chia tách sát nhập cấp tinh cả nước và một số huyện. Nay chia tách sát nhập tới quận, huyện, phường, xã. Tổ chức hành chính quốc gia lại bắt đầu một chu kì biến động cơ học về tổ chức đơn vị hành chính quốc gia và bất ổn sâu xa trong đời sống tình cảm của người dân với mảnh đất quê hương.

4. Những gương mặt "đen" xuất thân từ cán bộ Đoàn Thanh niên cộng sản

Trong khuôn phép luật pháp Việt Nam, trong nhà nước chuyên chính vô sản Việt Nam thì mọi tổ chức xã hội đều là tổ chức chính trị, xã hội. Những tổ chức chính trị, xã hội như hội Kiến Trúc Sư, hội Nhà Văn, hội Nông Dân... đã tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tác động tích cực, rộng lớn và sâu xa đến toàn xã hội.

Những hội tạo ra giá trị vật chất và giá trị văn hóa cho xã hội đều mang trên vai trách nhiệm xã hội, hội viên đều có con người xã hội và đều có tư duy ở tầm quốc gia và tầm thời đại. Tác phẩm kiến trúc để lại giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mĩ trong không gian và thời gian. Tác phẩm văn học đích thực là thực phẩm văn hóa, tinh thần không thể thiếu của đời sống xã hội, tác động sâu xa đến tư tưởng, tình cảm đông đảo người dân. Sản phẩm của người nông dân nuôi sống cả xã hội, bảo đảm sự ổn định, bình yên và bền vững của xã hội.

Cũng là một tổ chức chính trị xã hội nhưng đoàn thanh niên chỉ là tổ chức chính trị chay, có nhiệm vụ lôi kéo, tổ chức thanh niên vào những hoạt động phong trào, làm những vụ việc tạo không khí tưng bừng nhất thời cho xã hội, tạo màu sắc tươi vui thoáng chốc cho tuổi trẻ, tạo những sinh hoạt phong trào theo thời vụ chính trị, theo sự dẫn dắt của quyền lực chính trị và chỉ là công cụ của quyền lực chính trị. Như công an là công cụ của quyền lực nhà nước. Công cụ là chân tay, giải quyết sự vụ. Quản lí quốc gia là hoạch định chính sách xã hội, là bộ não. Chân tay không thể làm chức năng bộ não.

Được quyền lực chính trị cầm tay chỉ việc, tổ chức đoàn thanh niên cộng sản chỉ hoạt động chân tay, làm những việc sự vụ, chỉ cần tinh thần hăng hái, không cần đến trí tuệ và khoa học. Là thứ tầm gửi vào thể chế chính trị nhà nước cộng sản, tổ chức đoàn thanh niên cộng sản không làm ra của cải vật chất cho xã hội. Nhưng thể chế chính trị cộng sản đã coi thứ tầm gửi chính trị có tên đoàn thanh niên cộng sản như một lực lượng chính trị hậu bị của đảng nên đã đưa tổ chức tầm gửi chính trị đoàn thanh niên cộng sản tham gia vào đời sống chính trị xã hội và đưa thủ lĩnh tổ chức thanh niên cộng sản vào chính trường và quan trường.

Chỉ là tổ chức tầm gửi vào thể chế chính trị, là công cụ của chính trị thì thủ lĩnh thanh niên, ngoài số rất ít hiếm hoi thông minh và mẫn cảm, có trí tuệ, có con người xã hội, có tư duy sắc sảo và tâm hồn nhạy cảm với những vấn đề của cuộc sống, của quốc gia, của thời đại, còn lại đều là những con người sinh vật, không có con người xã hội, không đủ tầm tư duy những vấn đề của quốc gia, của thời đại.

Những người thiếu hụt trí tuệ, thiếu hụt con người xã hội thường lấp liếm sự thiếu hụt bằng việc đón ý, làm hài lòng quyền lực, tận tuỵ với quyền lực và xăng xái với công việc sự vụ. Những thủ lĩnh thanh niên thiếu hụt trí tuệ, thiếu hụt con người xã hội chỉ nhìn ra những việc sự vụ trước mắt, nhất thời. Không nhìn ra việc quốc kế dân sinh. Chỉ là nhà chính trị chay nhưng trong nhà nước chuyên chính vô sản, chính trị được tuyệt đối hóa thì lãnh đạo tổ chức chính trị đoàn thanh niên cũng trong cơ cấu hệ thống quyền lực chính trị. Có quyền lực chính trị ắt sẽ có quyền lực nhà nước. Và tổ chức tầm gửi chính trị đã trở thành bệ phóng cho nhiều thủ lĩnh tầm gửi chính trị bay vút vào vòm trời quyền lực mênh mông.

Nhận ra chiếc bệ phóng thần kì vào không gian quyền lực của tổ chức tầm gửi chính trị đoàn thanh niên, nhiều lãnh đạo đảng và nhà nước như tổng bí thư Nông Đức Mạnh, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến... nhiều lắm, không sao kể hết, đều cõng những đứa con tầm thường đặt lên bệ phóng quyền lực là tổ chức tầm gửi chính trị đoàn thanh niên. Không thể tự đi bằng đôi chân của mình, phải leo lên lưng bố, được bố cõng đặt lên bệ phóng quyền lực. Rõ ràng đó là những con người tầm thường. Chỉ những hạng tài hèn, nhân cách kém mới phải kí sinh vào quyền lực của bố mẹ để vào đời. Tổ chức đoàn thanh niên đã biến những hạng tầm thường, tài hèn, nhân cách kém thành những quyền lực quản trị quốc gia, nắm vận mệnh nhân dân, đất nước, những nhà giữ kỉ lục leo nhanh, leo cao trên những nấc thang quyền lực.

Xin điểm vài gương mặt.

Từ một anh thợ hàn của xưởng cơ khí tư nhân tham gia tổ chức thanh niên bí mật thuộc khu đoàn Sài Gòn Gia Định thời Việt Nam Cộng Hòa rồi được kết nạp vào đảng cộng sản, Lê Thanh Hải leo rất nhanh lên các cấp ủy đoàn của phường, quận, thành phố. Chỉ hoạt động phong trào, chỉ làm những việc sự vụ nhưng bệ phóng của tổ chức tầm gửi chính trị đoàn thanh niên đã đưa Hải vào ban chấp hành trung ương đảng, chủ tịch ủy ban Nhân Dân thành Hồ, vào Bộ Chính Trị đảng cộng sản, bí thư thành ủy thành Hồ.

chaychuc6

Ông Lê Thanh Hải bị cách chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015. Ảnh minh họa

Như mọi quan chức thời nay, có quyền lực, Hải có đủ bằng cấp học hàm, học vị cao ngất ngưởng nhưng kĩ năng lao động thực sự của Hải chỉ là anh thợ hàn, kĩ năng quản trị xã hội của Hải chỉ là anh cán bộ tổ chức tầm gửi chính trị, không có trí tuệ khoa học, không có lí tưởng xã hội. Không có lí tưởng xã hội thì không có con người xã hội, chỉ có con người thể xác. Tham vọng quyền lực chỉ để thỏa mãn con người thể xác, chỉ để vinh thân phì gia. Hải đã tạo ra cả một ê kip quyền lực cướp đất ở Thủ Thiêm. Tội của Hải ngút trời Thủ Thiêm, ngút trời Sài Gòn. Chỉ đến khi nghỉ hưu, không còn quyền lực che chắn, một phần tội của Hải, một phần con người thật của Hải mới lộ ra. Khi đó Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng mới ra văn bản dè dặt và nương nhẹ kết luận về Hải :

"Ban Thường vụ thành ủy và ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân thành phố, gây bức xúc trong xã hội. Ông Lê Thanh Hải, nguyên ủy viên bộ Chính trị, nguyên bí thư thành ủy, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của ban thường vụ thành ủy, phải bị xem xét kỷ luật".

Dù nương nhẹ, tổ chức đảng của Hải cũng buộc phải chỉ ra một phần tội hình sự rành rành của Hải : "Gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân thành phố". Dân nghèo bắt trộm con vịt làm mồi nhậu thì bị pháp luật xử bảy năm tù. Tội hình sự đặc biệt nghiêm trọng của Hải "làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước" được đảng cầm quyền của Hải đưa Hải ra ngoài vòng pháp luật, đặt Hải lên trên pháp luật, chỉ xử lí Hải chiếu lệ trong nội bộ đảng, khiển trách và cách chức bí thư thành ủy của Hải khi Hải đã bàn giao hết chức quyền cho người kế nhiệm để ung dung nghỉ hưu, sống vung vinh trên đống tài sản khổng lồ và mãn nguyện đã cài đặt được hai ông con vào những vị trí ông chủ, chủ tịch quận và chủ doanh nghiệp kinh doanh đất đai trên mảnh đất Hải từng nắm toàn quyền thao túng đất đai.

Nhưng với dân, với công lí, với lịch sử, Hải là tội phạm có tội lớn với nước, với lịch sử, có nợ máu với dân. Kìm hãm sự phát triển của thành phố có tiềm lực phát triển mạnh nhất nước. Làm tiêu điều, tan hoang một vùng đất rộng lớn được qui hoạch đô thị hiện đại nhất Đông Nam Á. Đẩy hàng ngàn gia đình người dân vào cảnh màn trời chiếu đất, không chốn dung thân, không còn nguồn sống. Gây ra nhiều cái chết tức tưởi, đau thương cho người dân.

Bệ phóng tổ chức tầm gửi đoàn thanh niên cũng phóng thủ lĩnh tổ chức tầm gửi đoàn thanh niên Đinh La Thăng vào không gian quyền lực mênh mông, cho Thăng nhảy cóc mau lẹ và liên tục lên cao trên những nấc thang quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước : Bí thư đoàn thanh niên tổng công ty xây dựng thủy điện Hòa Bình ; Ủy viên ban chấp hành trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hố Chí Minh ; Phó bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ; Chủ tịch Hội đồng quản trị rồi chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, Petrovietnam ; Ủy viên trung ương đảng ; Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải ; Ủy viên bộ Chính trị. Bí thư thành ủy thành Hồ.

chaychuc7

Ông Đinh La Thăng trong phiên tòa tại Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội vào ngày 15/3/2021.

Chỉ quen hoạt động phong trào, chỉ biết làm những việc thời vụ, cụ thể. Không có lí tưởng xã hội. Không có tư duy và kiến thức quản trị quốc gia. Quyền lực quốc gia càng lớn càng gây họa lớn cho quốc gia. Với quyền lực đứng đầu tập đoàn dầu khí, đứng đầu Bộ Giao Thông Vận Tải, mỗi nơi Thăng đều làm thất thoát hàng ngàn tỉ tiền của dân của nước và Thăng đã nhiều lần bị điệu ra tòa án, phải nhận tổng mức án ba mươi năm tù.

Chỉ có con người hình hài, con người giá áo túi cơm, trống rỗng lí tưởng xã hội, nung nấu tham vọng quyền lực chỉ để vinh thân phì gia càng nổi bật, càng đậm đặc ở ông cán bộ đoàn thanh niên Tất Thành Cang.

Đánh hơi thấy cái bệ phóng thần kì của tổ chức đoàn, Cang hăng hái làm công tác đoàn từ khi là anh lính nghĩa vụ quân sự. Thành tích hoạt động cho tổ chức đoàn trong quân đội cho Cang có chức phó bí thư đoàn trường, chủ tịch hội sinh viên trường đại học khi Cang rời quân ngũ vào trường đại học. Rời trường đại học, Cang có ngay chiếc ghế chức sắc cao trong tổ chức tầm gửi chính trị đoàn thanh niên thành Hồ ; Phó ban rồi trưởng ban Đại học Chuyên nghiệp thành đoàn ; Thường vụ thành đoàn ; Phó bí thư rồi bí thư thành đoàn ; Ủy viên ban chấp hành trung ương đoàn.

Là lực lượng hậu bị của đảng, từ văn phòng người đứng đầu tổ chức đoàn mọi tỉnh, thành phố đều có cửa ngách và lối đi rất ngắn sang cơ quan tỉnh ủy, thành ủy. Lối đi ngắn đó đã đưa bí thư thành đoàn thành Hồ Tất Thành Cang sang cơ quan thành ủy thành Hồ, ngồi vào ghế thành ủy viên thành ủy cộng sản thành Hồ khi ủy viên trung ương đảng, phó bí thư thành ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân thành Hồ xuất thân từ anh thợ hàn và khởi nghiệp từ cán bộ đoàn Lê Thanh Hải đang gấp gáp tập hợp ê kíp thâu tóm quyền lực. Cùng khởi nghiệp từ cán bộ đoàn như Hải, cùng trống rỗng lí tưởng xã hội và cùng nung nấu lí tưởng vinh thân phì gia như Hải, Cang được Hải tin dùng, tiến cử, đưa lên rất nhanh : Ủy viên ban chấp hành thành ủy thành Hồ ; Giám đốc sở Giao Thông Vận Tải ; Ủy viên ban chấp hành trung ương đảng ; Phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành Hồ ; Phó bí thư thường trực thành ủy thành Hồ.

Khi tấm bản đồ qui hoạch khu đô thị Thủ Thiêm đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt kí duyệt bị thủ tiêu mất tăm tích ở tất cả những nơi có trách nhiệm lưu giữ, Hải liền đưa ra bản đồ qui hoạch Thủ Thiêm do phe nhóm của Hải tự vẽ, tự duyệt, tự đưa hàng trăm ha đất sống của dân không có trong bản đồ qui hoạch hợp pháp đã được Thủ tướng kí duyệt vào bản đồ qui hoạch phi pháp của phe nhóm Hải, để phe nhóm Hải biến hàng trăm ha đất sống của dân thành đất dự án đô thị Thủ Thiêm, ăn chia với nhà đầu tư.

Khi Hải dùng bạo lực nhà nước đến cướp đất sống của dân Thủ Thiêm theo bản đồ qui hoạch phi pháp của Hải, dân Thủ Thiêm quyết liệt giữ mảnh đất sống hợp pháp buộc Hải phải dùng bàn tay sắt với dân, Hải liền đưa Cang về làm bí thư kiêm chủ tịch quận Hai, nơi có khu đất vàng đô thị Thủ Thiêm. Cuộc cướp đất tàn bạo man rợ do Cang chỉ huy đã gây ra nhiều cái chết thê thảm cho dân oan mất đất.

Không chỉ gây tội ác với dân Thủ Thiêm. Là giám đốc sở Giao Thông Vận Tải, Cang đã nâng khống giá thành làm 12 kilomet đường Thủ Thiêm khi ngân sách nhà nước chi tiền làm đường. Là phó bí thư thường trực thành ủy, quản lí doanh nghiệp đảng có tên Tân Thuận trực thuộc thành ủy, Cang đã hạ giá bất thường 32 ha đất do doanh nghiệp đảng thuộc thành ủy quản lí khi doanh nghiệp đảng bán đất cho công ty địa ốc tư nhân. Hai phi vụ làm đường và bán đất gây thiệt hại cho nhà nước hàng ngàn tỉ đồng để Cang được doanh nghiệp tư nhân lại quả hàng trăm ngàn tỉ đồng.

Cang kí hợp đồng cho nhà đầu tư làm 12 km đường Thủ Thiêm với giá 1000 tỉ đồng một kilomet đường. Trong khi cao tốc Sài Gòn – Trung Lương rộng gấp đôi đường Thủ Thiêm lại phải qua hàng chục km đất yếu, sình lầy kênh rạch, phải tốn chi phí rất lớn nâng nền đường mà một kilomet cao tốc cũng chỉ 220 tỉ đồng. 12 kilomet đường trong khu đô thị Thủ Thiêm nền đất vững chắc, dân đã cất nhà sinh sống nhiều thế hệ, đã được giải tỏa phong quang. Hợp đồng Cang kí cho nhà đầu tư làm đường Thủ Thiêm mỗi kilomet đường gây thất thoát ngân sách hơn 700 tỉ đồng. Làm 12 kilomet đường Thủ Thiêm ngân sách nhà nước thất thoát hơn 8 400 tỉ đồng.

Cang chỉ đạo và kí duyệt hợp đồng doanh nghiệp đảng Tân Thuận bán 32 ha đất Phước Kiển chỉ với giá 419 tỉ đồng. Trong khi 32 ha đất Phước Kiển theo thời giá thị trường phải hơn 2000 tỉ đồng. Bán 32 ha đất tài nguyên quốc gia, Cang gây thiệt hại hơn 1500 tỉ đồng. 

Tổ chức đảng đã phải nhìn nhận tội trạng của Cang. Ngày 26/12/2018, hội nghị 9 khóa XII, ban chấp hành trung ương đảng quyết định : Cách chức ủy viên trung ương Đảng khóa XII ; phó bí thư thường trực thành ủy, ủy viên ban thường vụ thành ủy thành Hồ của Cang vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Pháp luật phải hai lần mở phiên tòa xét xử tội trạng Cang. Một lần tuyên án 8 năm 6 tháng tù. Một lần tuyên bản án 10 năm tù. Qua hai phiên tòa Cang phải nhận bản án 18 năm 6 tháng tù.

chaychuc8

Ông Tất Thành Cang (thứ hai từ phải qua) và các bị cáo trong phiên tòa vào ngày 19/10/2022. Ảnh minh họa

5. Những gương mặt đen của Bộ Công Thương

Tổ chức đoàn thanh niên trở thành bệ phóng đưa thủ lĩnh thanh niên vào không gian quyền lực, vào chính trường đã tạo ra lực hấp dẫn mạnh mẽ với những hạng cơ hội chính trị. Quan cơ hội chính trị lặng lẽ và hối hả cõng con vào đặt lên ghế lãnh đạo tổ chức đoàn như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Nhân Chiến... Tuổi trẻ cơ hội chính trị không có quan bố, quan mẹ cõng lên bệ phóng quyền lực thì phải cố tỏ ra xăng xái hoạt động trong phong trào thanh niên để leo lên lãnh đạo tổ chức thanh niên như Tất Thành Cang…

Trong quá khứ đã lộ ra những tên tuổi cơ hội chính trị trống rỗng năng lực và tồi tệ nhân cách được phóng vào quan trường từ bệ phóng tổ chức đoàn như Lê Thanh Hải, Đinh La Thăng, Tất Thành Cang... Cả Võ Kim Cự, kẻ rước Formosa về đầu độc biển Việt Nam, đẩy hàng triệu người dân sống ven biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam vào cảnh khốn cùng, cũng xuất thân từ cán bộ đoàn thanh niên.

Hiện tại lại đang phơi bày ra năng lực kém cỏi của những ông quan, bà quan quản trị đất nước điều hành hoạt động xã hội được phóng vào chính trường từ bệ phóng tổ chức đoàn thanh niên. Điển hình là ông Nguyễn Hồng Diên, từ bí thư tỉnh đoàn trở thành bí thư tỉnh ủy Thái Bình rồi phó ban Tuyên giáo trung ương, bộ trưởng Bộ Công Thương, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh cả nền kinh tế đất nước đang công nghiệp hóa.

Chỉ có công nghiệp hóa mới thay thế cơ sở vật chất, thay thế cả căn tính nông dân trong con người của nền sản xuất tiểu nông, manh mún, trì trệ hiện tại bằng cơ sở vật chất của nền sản xuất và cả tư duy của con người công nghiệp hiện đại, đưa con người và đất nước vào văn minh công nghiệp. Công nghiệp hóa là đòi hỏi khẩn thiết của đất nước, là sự nghiệp lớn lao của dân tộc, là trách nhiệm lịch sử của nhà nước trước nhân dân và thời đại.

Thời chiến tranh giữ nước, nơi quyết định vận mệnh còn mất của nước là bộ Quốc Phòng. Trong hòa bình phát triển kinh tế, nơi quyết định sự giầu, nghèo của nước, quyết định sự no, đói của dân, quyết định sự phát triển hay trì trệ của nền kinh tế là Bộ Công Thương. Bộ Công Thương là sở chỉ huy, là bộ tham mưu quyết định sự thành bại của công nghiệp hóa, đòi hỏi người đứng đầu Bộ Công Thương, tư lệnh chiến dịch công nghiệp hóa phải là người cầm quân thao lược, phải là nhà kĩ trị có kiến thức quản trị kinh doanh của thời đại công nghiệp, đã được thử thách, rèn dũa trong đời sống kinh tế đất nước.

Nhưng bất hạnh thay cho đất nước, cho người dân Việt Nam, lãnh đạo Bộ Công Thương thời đất nước làm công nghiệp hóa chỉ đơn thuần là nhà chính trị công nông, những bí thư tỉnh ủy, những thái tử đảng con ông cháu cha của dòng dõi cộng sản, làm cho những dự án của công nghiệp hóa đều thất bại, đổ vỡ và chỉ để lại tội trạng trong lịch sử, chỉ để lại tai tiếng lưu truyền trong dân gian về những con người bất tài và thiếu lòng tự trọng.

Bí thư tỉnh ủy Vũ Huy Hoàng trở thành bộ trưởng Công thương mười năm 2007 – 2016 là chủ đầu tư năm dự án công nghiệp với nguồn vốn 30 000 tỉ đồng đều thua lỗ nặng nề, đều chênh vênh bên vực thẳm phá sản. Làm thất thoát lớn nguồn vốn đầu tư cho các dự án công nghiệp, kìm hãm sự nghiệp công nghiệp hóa, năm 2021 bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phải nhận bản án 11 năm tù.

chaychuc9

Ông Vũ Huy Hoàng trong những ngày hầu tòa. Ảnh minh họa

Kế nhiệm bộ trưởng Vũ Huy Hoàng từ 2016 đến 2021 là thái tử đảng Trần Tuấn Anh, con quí ông ủy viên Bộ Chính Trị, chủ tịch nước Trần Đức Lương. Sau 5 năm trên ghế bộ trưởng Bộ Công Thương vừa kém cỏi trong vai trò tư lệnh chiến dịch công nghiệp hóa, vừa tai tiếng trong đời sống gia đình nhưng vì là thái tử đảng nên chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Cẩm Tú phải chủ trì hội nghị toàn ủy ban từ 28 đến 30/9/2021 và dè dặt kết luận : "Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2016-2021 Trần Tuấn Anh đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu, thực hiện bổ sung quy hoạch, quản lý phát triển năng lượng điện, nhất là các dự án điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ và vừa ; trong xây dựng cơ chế, chính sách về giá điện, giá xăng dầu" (Trần Tuấn Anh. Wikipedia tiếng Việt).

chaychuc10

Ngày 06/02/2021, ông Trần Tuấn Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, nhận quyết định làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương từ tay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh minh

Nền công nghiệp của đất nước là một cơ thể sống thì điện là máu nuôi cơ thể đó. Với những bộ trưởng Bộ Công Thương không xứng, không đủ tầm với đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, đã làm cho ngành công nghiệp điện nước ta thành vựa ve chai chồng chất dây chuyền công nghệ điện than lỗi thời của Trung Quốc, vừa kém hiệu quả kinh tế, vừa xả thải đầu độc môi trường, đã bị thế giới loại bỏ.

Sau hai mươi năm làm công nghiệp hóa, đất nước vẫn không chủ động được nguồn điện, điện vẫn thiếu trước, hụt sau. Tập đoàn Intel của Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam 1,5 tỉ đô la xây dựng nhà máy sản xuất điện tử, sản xuất chip và đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 1 tỉ đô la mở rộng sản xuất. Nhưng trong cuộc họp với cơ quan chức năng Việt Nam gần đây, bộc lộ nỗi bất ổn cho sản xuất do nguồn điện cung cấp không đầy đủ và không ổn định, bộc lộ nỗi mệt mỏi do thủ tục hành chính nhiêu khê, lắt léo, trì trệ của nền hành chính cửa quyền, Intel phải dừng việc mở rộng sản xuất ở Việt Nam. Dừng mở rộng sản xuất ở Việt Nam, Intel liền chuyển 4,6 tỉ đô la đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Ba Lan !

Thiếu điện, phải chạy vạy ăn đong nguồn điện. Mua điện của Trung Quốc từ phương Bắc. Mua điện của Lào từ phía Tây. Như nhà nghèo vác rá ăn đong từng bữa gạo. Công nghiệp hóa là sự nghiệp làm giầu của những người biết lo toan, vừa nhạy bén vừa biết nhìn xa trông rộng. Một gia đình quanh năm an phận với nếp sống chạy ăn từng bữa, với tư duy manh mún thì không thể làm giầu.

Công nghiệp hóa là làm giầu cho nước. Ông bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ lo cho con trai có ghế quyền lực cao trong Bộ Công Thương của ông. Ông bộ trưởng thái tử đảng Trần Tuấn Anh chỉ mang uy của Bộ Công Thương ra để ô tô của Bộ Công Thương được vào tận cầu thang máy bay đón vợ bộ trưởng. Tầm của bộ trưởng chưa vượt ra khỏi cánh cửa gia đình, chỉ biết quanh quẩn lo cho gia đình, làm sao có thể làm giầu cho nước !

Hai ông bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Trần Tuấn Anh của hôm qua đã làm cho sự nghiệp công nghiệp hóa suốt mười lăm năm không thể nhúc nhích. Đến ông bộ trưởng Công Thương đương nhiệm hôm nay Nguyễn Hồng Diên cũng chẳng khá hơn.

Là bí thư tỉnh ủy Thái Bình, quản lí, điều hành hoạt động đời sống sống xã hội chỉ một tỉnh kinh tế nông nghiệp bình lặng cũng không nổi, để cho băng nhóm xã hội đen Đường Nhuệ lộng hành, thao túng đời sống xã hội, ngang nhiên áp đặt luật xã hội đen với dân. Quyền lực nhà nước thu thuế người sống thì quyền lực xã hội đen Đường Nhuệ thu thuế người chết. Nhà có tang phải nộp tiền cho băng nhóm Đường Nhuệ mới có đất chôn, mới được mồ yên, mả đẹp. Quyền lực xã hội đen Đường Nhuệ lớn đến mức xông cả vào đồn công an hành hung dân mà quyền lực nhà nước phải làm ngơ. Chỉ khi ông bí thư tỉnh ủy Nguyễn Hồng Diên rời khỏi Thái Bình, băng nhóm xã hội đen Đường Nhuệ mới bị pháp luật triệt phá. Bí thư tỉnh ủy kém cỏi như vậy vẫn thăng tiến lên phó ban Tuyên giáo trung ương làm bước đệm để rồi tót lên bộ trưởng Bộ Công Thương.

chaychuc11

Ông Nguyễn Hông Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương. Ảnh minh họa

Quản lí lưu thông, xăng dầu, qui hoạch hệ thống nhà máy điện... chỉ là công việc hành chính sự vụ của mọi bộ máy công quyền, không phải là nhiệm vụ chính, không phải là sứ mệnh lịch sử của Bộ Công Thương thời đất nước làm công nghiệp hóa. Sứ mệnh lịch sử của Bộ Công Thương là hoạch định chương trình phát triển công nghiệp, tạo ra chính sách thực hiện công nghiệp hóa. Nhưng một bộ trưởng xử lí công việc sự vụ hành chính còn không nổi thì làm sao đủ tầm làm chính sách phát triển công nghiệp !

Không quản lí, điều hành nổi hoạt động công thương, không những nền kinh tế và đời sống đất nước thiếu điện triền miên mà đất nước hàng năm khai thác hơn 10 triệu tấn dầu thô, có hai khu công nghiệp lọc dầu hiện đại mà xăng cung cấp cho hoạt động kinh tế và đời sống xã hội cũng luôn bấp bênh, bất ổn và phải chịu giá cao gấp nhiều lần giá thị trường thế giới và nhiều lần những cây xăng còn treo vòi bơm vì không có xăng.

Trong khi nước Malaysia láng giềng kề cận cũng như Việt Nam, cùng khai thác dầu mỏ ở Biển Đông nhưng giá xăng dầu ở hai nước chênh lệch đến kinh ngạc. Tháng 6/2022, ở thị trường Malaysia giá một lít xăng RON 95 chỉ 2,05 Ringgit. Tỉ giá giữa tiền Việt Nam và tiền Ringgit khi đó dao động từ 5 400 đến 5 700 Việt Nam đồng 1 Ringgit. Tính theo tiền Việt Nam, một lít xăng RON 95 ở Malaysia giá chỉ từ 11 000 đến 12 000 đồng thì ở Việt Nam là 31 573 đồng, cao gấp gần ba lần !

Ngày 2/6/2022, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo đẩy mạnh giao thương xuất nhập khẩu. Được mời tham dự trực tuyến, ông Trần Việt Thái, đại sứ Việt Nam tại Malaysia cho biết chính xác sự chênh lệch lớn giữa giá xăng ở Malaysia và ở Việt Nam. Ông đại sứ cũng thông tin về thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao dầu khí Việt Nam, PVN và dầu khí Malaysia, PETRONAS. Hai bên đã kí cam kết và PETRONAS sẽ xuất sang Việt Nam 300 000 tấn xăng.

Vậy mà chiều 1/6/2022 ông bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên xuất thân từ bí thư tỉnh đoàn và từng kinh qua phó ban tuyên giáo trung ương lem lẻm trí trá ở hội trường Quốc hội : "Hiện nay giá xăng của Việt Nam còn thấp hơn giá thế giới, nên đang có tình trạng chảy xăng dầu ra nước ngoài" ! Không phải nói dóc ở bàn trà, quán nhậu, ông bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thản nhiên nói dối ở hội trường Quốc hội đủ biết năng lực và nhân cách ông bộ trưởng.

Tai mắt dân gian tinh tường và hồn ca dao dân gian nhạy bén đã lên tiếng về ông bộ trưởng năng lực trống rỗng và mồm mép trí trá :

Anh Diên quê ở Thái Bình

Anh làm bộ trưởng dân mình đọa luôn !

Giá xăng cao nâng chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, nâng giá thành sản phẩm lên cao đến phi lí, sản xuất kinh doanh cả nước không chịu đựng nổi, gây khó khăn, bế tắc cho sản xuất kinh doanh, làm cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh trong thị trường thế giới. Đẩy giá xăng lên cao nhất thế giới, người đứng đầu Bộ Công Thương chỉ nhìn thấy xăng mà không thấy cả nền sản xuất kinh doanh. Chỉ cốt sao thu được nhiều tiền từ xăng để báo cáo thành tích, không thấy sự thất thu của cả nền kinh tế.

Sứ mệnh lịch sử của Bộ Công Thương thời đất nước làm công nghiệp hóa là hoạch định chương trình phát triển công nghiệp, tạo ra chính sách làm công nghiệp hóa và tổ chức thực hiện. Nhưng nhìn hiện trạng hoạt động sản xuất kinh doanh nước ta đang diễn ra thấy rõ nền công thương như con tàu đi trên biển công nghiệp hóa mà tàu thì không có hải đồ, không có la bàn và thuyền trưởng thì không có nghề đi biển. Con tàu cứ quanh quẩn một chỗ và chao đảo trong sóng gió.

Công nghiệp hóa là tạo dựng cho đất nước nền công nghiệp hiện đại và tự chủ, tạo ra thương hiệu sản phẩm công nghiệp Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường thế giới và tạo ra đội ngũ doanh nhân công nghiệp làm giầu cho doanh nghiệp và làm giầu cho đất nước bằng tài năng, trí tuệ và lòng yêu nước.

Như tài năng, trí tuệ và lòng yêu nước của những hào kiệt Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt. Đinh Bộ Lĩnh, Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... trong đánh giặc, giữ nước đã được lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới ghi nhận.

Như tài năng, trí tuệ và lòng yêu nước của những Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trương Văn Bền, Ngô Tử Hạ, Phạm Chân Hưng , Đỗ Đình Thiện... đang đưa Việt Nam chập chững bước vào văn minh công nghiệp, văn minh đô thị đầu thế kỉ 20 thì cách mạng tháng tám năm 1945 bùng nổ, giai cấp tư sản dân tộc đang đưa xã hội Việt Nam vào văn minh công nghiệp bị tiêu diệt. Xã hội Việt Nam lại quay về với nền văn minh nông nghiệp. Để rồi một thế kỉ sau, đầu thế kỉ 21 những nhà chính trị công nông Việt Nam mới hăm hở tìm đường đi vào xã hội công nghiệp bằng nghị quyết đại hội đảng.

Nhưng tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ công nghiệp hóa hôm nay chỉ là những nhà chính trị công nông của nền sản xuất nông nghiệp manh mún, những tư duy tiểu nông chỉ biết chăm bẵm cho mảnh đất năm phần trăm (5%) của gia đình thì chỉ có nền công nghiệp ăn xổi ở thì.

Nền công nghiệp ăn xổi ở thì là công nghiệp bong bóng và hai bong bóng lớn nhất là các doanh nghiệp nước ngoài, FDI và doanh nghiệp trong nước mọc mũi xủi tăm nhờ ‘đất đai là sở hữu toàn dân". Đó là nền công nghiệp phụ thuộc vào nước ngoài và nền kinh doanh buôn bán sự khốn cùng của dân, sự tan hoang, tanh bành của non sông gấm vóc.

Ngày 25/11/2022, đến ngắm những chiếc ô tô bóng loáng xếp hàng thành khối nối dài chuẩn bị xuống tàu biển xuất sang Mỹ như khối binh lính xếp hàng nối nhau đợi duyệt binh, ông thủ tướng hãnh diện : "Chúng ta có thể tự hào khi những chiếc ôtô mang thương hiệu Việt vươn ra thị trường toàn cầu. Điều này khẳng định đường lối đúng đắn của đảng, nhà nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập quốc tế".

Ở thời điểm ông thủ tướng hớn hở hãnh diện về "nền kinh tế độc lập, tự chủ" thì trong bài viết Soi Thân Cây Mục, nhà nghiên cứu Đỗ Ngà dẫn ra những con số chỉ ra nền kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nước ngoài :

"Theo con số của Tổng Cục thống kê trong 11 tháng của năm 2022, các doanh nghiệp ngoại FDI đã xuất 252,64 tỷ USD và nhập 216,06 tỷ USD. Trong khi doanh nghiệp FDI mang về cho nền kinh tế Việt Nam 36,58 tỷ thì khối doanh nghiệp nội chỉ xuất được 89,55 tỷ USD và nhập 115,45 tỷ USD, làm chảy máu ngoại tệ 25,9 tỷ USD.

Năm trước, 2021, doanh nghiệp FDI mang về cho nền kinh tế Việt Nam 22,87 tỷ USD thì doanh nghiệp nội lại làm chảy máu 22,64 tỷ USD.

Năm 2021, doanh nghiệp FDI chiếm 69% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Năm 2022 tỷ lệ này nhảy lên 73,8%. Con số cho thấy doanh nghiệp nội đang mất dần vị thế trong nền kinh tế Việt Nam.

Nếu nói nền kinh tế Việt Nam đang đứng trên hai chân trụ, chân trụ ngoại (tức FDI) và chân trụ nội thì rõ ràng chân trụ nội đang bị mất dần vị thế và nền kinh tế Việt Nam đang ngày một phụ thuộc nước ngoài. Nếu cứ đà này, nền kinh tế Việt Nam chẳng khác nào "cây tầm gởi", ký gởi số phận của mình lên khối FDI, vậy thì nền kinh tế Việt Nam tự lực tự cường thế nào được ?"

(Soi Thân Cây Mục, FB Đỗ Ngà, 17/12/2022)

Nền công nghiệp ăn xổi ở thì chỉ tạo ra những doanh nghiệp sân sau của quyền lực nhà nước và những doanh nghiệp làm giầu bằng chụp giật, biến đất sống của dân, biến tài nguyên của nước, biến cả đất sân bay của quốc gia thành đất đai, tài nguyên của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và quan chức càng giầu thì đất nước càng tanh bành, thiên nhiên càng bị hủy hoại, dân càng khốn đốn.

Thiên nhiên gấm vóc Bà Nà bị bê tông hóa thô bạo, kệch cỡm. Đường nhựa lên đỉnh Bà Nà của dân, của nước cũng bị doanh nghiệp chiếm, không cho dân đi lại, phải mua vé đi cáp treo của doanh nghiệp. Rừng thiêng Tam Đảo như mái nhà rợp mát che chở cho căn nhà châu thổ đồng bằng Bắc Bộ thì đất thiêng Tam Đảo cũng bị tập đoàn kinh doanh bất động sản đến chiếm đất, băm nát mái nhà xanh Tam Đảo. Ngôi nhà phong thủy đồng bằng Bắc Bộ đang bị phá nát từ trên nóc, từ trên mái nhà Tam Đảo.

Không phải chỉ bắt con cá kiếm sống, người dân ven biển phóng thuyền ra Biển Đông giăng lưới, thả câu còn là những cột mốc bia chủ quyền sống giữ biển. Doanh nghiệp FLC biến dải đất ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Định thành khu du lịch, thành resort của FLC. Dân không còn đất bám biển. Không còn những tấm bia chủ quyền sống trên Biển Đông. Cướp đất của dân sống ven biển, FLC cùng quan chức chính quyền địa phương quản lí lãnh thổ đã âm thầm giúp Trung Quốc thực sự làm chủ Biển Đông trong thực tế. Doanh nghiệp chiếm bãi biển Nghi Sơn, Thanh Hóa của dân đánh cá làm cảng container lại đang làm tiếp việc FLC đã làm.

Công nghiệp hóa ăn xổi ở thì không thể tạo dựng được nền công nghiệp đích thực. Nền công nghiệp ăn xổi ở thì chỉ có thể làm được loại ốc vít dân dụng mà không làm nổi từ con ốc tinh xảo của công nghiệp hiện đại. Công nghiệp hóa đích thực vừa tạo ra những doanh nghiệp chân chính làm giầu cho nước, mở ra sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, vừa nâng cao dân trí. Công nghiệp hóa ăn xổi ở thì chỉ tạo ra những doanh nghiệp cướp giật từ mảnh đất sống đến cướp giật đức tin của người dân, tạo ra những doanh nghiệp buôn thần bán thánh và những siêu thị thần thánh khổng lồ Ba Vàng, Tam Chúc làm ngu dân.

Nền công nghiệp ăn xổi ở thì là hệ quả tất yếu của những quyền lực ở tầm gia đình, thôn xóm mà chễm chệ ở vị trí quản trị quốc gia. Các bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Hồng Diên chỉ tạo dựng cho nền kinh tế nước ta các doanh nghiệp ăn xổi ở thì : Doanh nghiệp chụp giật, doanh nghiệp buôn thần bán thánh, doanh nghiệp gia công, doanh nghiệp sống nhờ vào nguyên liệu nước ngoài.

Doanh nghiệp chân chính khai thác được thế mạnh thị trường Việt Nam, thực sự tạo dựng được thương hiệu và niềm tự hào Việt Nam thì lần lượt rơi vào tay chủ tư bản nước ngoài. Bia Sài Gòn bán cho người Thái. Bột giặt Viso bán cho công ty Unilever, liên doanh Anh – Hà Lan. Bánh Kinh Đô bán cho người Mỹ. Nước giải khát Tribeco thuộc về người Đài Loan. Nhựa Bình Minh bán cho người Thái. Đến mạng siêu thị điện máy Nguyễn Kim cũng đổi chủ từ người Việt Nam sang người Thái... Nền công thương mà ông thủ tướng tự hào là độc lập, tự chủ đấy !

Đại hội Đảng XI tháng 1/2011 đã viết hàng chữ vàng chói lọi về mục tiêu tổng quát chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam là : Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nay đã qua năm 2020 ba năm rồi nhưng công nghiệp nước ta vẫn chưa sản xuất nổi con ốc tinh xảo của nền công nghiệp hiện đại.

Làm phá sản sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, trách nhiệm thuộc về bộ trưởng Bộ Công Thương, và thuộc về cơ quan tổ chức xếp đặt, sử dụng nhân sự cấp chiến lược. Chỉ có quyền năng thần thánh của Ban Tổ Chức Trung Ương mới có thể chạy chức, đưa được những quan chức đảng không có năng lực kĩ trị quản trị quốc gia như Vũ Huy Hoàng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Hồng Diên đặt lên ghế bộ trưởng Bộ Công Thương, phá hỏng cả sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước.

Lời kết

Lí tưởng cộng sản đã thực sự sụp đổ, đã phơi bày tội ác man rợ chống con người, chống lại bước phát triển tất yếu của xã hội loài người. Những người thực sự là nguyên khí quốc gia, là hiền tài đất nước, có trí tuệ, tài năng và chí khí đều nhận ra tội ác cộng sản, đều tránh xa đảng cộng sản cầm quyền. Thực sự là hiền tài thì dù đã vào đảng trước đây, sớm muộn đều phải nhận ra tội ác của đảng cộng sản, đều không thể đành lòng đứng trong đội ngũ cộng sản. Người có lương tri không thể đứng về phía cái ác. Người có trí tuệ không thể đứng về phía tội đồ lịch sử.

Trong đảng cộng sản hiện nay chỉ còn hai loại người.

Một là, loại người tối tăm, u mê, coi cộng sản như một tôn giáo, vẫn sắt son tin vào giáo điều cộng sản. Sự u mê cuồng tín của loại người này thể hiện rất rõ ở đám dư luận viên và lực lượng công an bị nhồi sọ để trở thành công cụ bạo lực chuyên chính vô sản.

Đám dư luận viên kéo đàn kéo lũ như lũ thiêu thân lao vào ngọn đèn, lao vào nguồn sáng sự thật, hòng dập ánh sáng, quyết che ánh sáng sự thật, bảo vệ sự tăm tối của học thuyết cộng sản.

Công an tàn bạo vung gậy sắt vụt vỡ xương chân cô gái nhỏ bé yếu ớt Phạm Đoan Trang chỉ vì Trang nói tiếng nói hợp pháp của quyền con người, quyền công dân, đủ thấy họ u mê, cuồng tín giáo điều như thế nào.

Loại người u mê cuồng tín cộng sản này cho dù còn khá đông nhưng chỉ là công cụ, là Thiên Lôi, chỉ đâu đánh đấy, không có quyền lực nhà nước, không có vai trò gì, không nguy hiểm.

Hai là, loại người đủ tỉnh táo, tinh khôn nhận ra ảo tưởng hão huyền, viển vông của học thuyết cộng sản. Họ biết rõ chẳng đời thuở nào có chủ nghĩa xã hội trong đời thực cả.

Trong nền sản xuất nông nghiệp manh mún với những đảng viên cộng sản còn lèn chặt căn tính tiểu nông thì chủ nghĩa xã hội chỉ là cái bánh vẽ để đảng cộng sản cầm quyền ru ngủ dân chúng và là ngọn roi bạo lực chuyên chính vô sản để nhà nước cộng sản quất roi, lùa đàn cừu dân chúng mà thôi.

Loại đảng viên tinh khôn cũng đủ nhạy bén để biết rằng học thuyết cộng sản đã đến hồi cáo chung. Vài đảng cộng sản còn cầm quyền được ngày nào biết ngày ấy đang trở thành chuyến tàu vét lợi ích cuối cùng cho những người có thế lực trong đảng và họ phải bằng mọi cách leo lên bằng được con tàu quyền lực vét lợi lộc chuyến cuối cùng.

Cuộc chạy chức ngang nhiên, ráo riết, rầm rộ đang diễn ra để chui vào con tàu quyền lực trong chuyến tàu vét. Vốn tinh ranh, đám chạy chức cũng thừa ma mãnh để nhận ra rằng chỉ có con đường chạy chức bằng tổ chức đảng mới mau lẹ và hiệu quả.

Phạm Đình Trọng

(24/11/2023)

Published in Quan điểm

Hôm 25/9/2020, tờ Vietnamnet có bài viết về việc đổi mới công tác nhân sự cho Đại hội 13. Bài viết mở đầu với đoạn : "Với sự chỉ đạo sát sao của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sự chuẩn bị nhân sự kỹ lưỡng của Đảng, Đại hội XIII sẽ là 'Đại hội không chạy chức'".

chay1

Đại hội XIII sẽ là 'Đại hội không chạy chức'

Thông điệp này từng được ông Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại tại lễ bế mạc Hội nghị Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 16 diễn ra vào tháng 4/2018. Nói trước hàng trăm đảng viên, ông Nhân khẳng định ai có ý định chạy chức chạy quyền thì đừng làm, mệt thêm, mất công lại bị kiểm tra xử lý.

Là một nhà báo luôn theo sát hiện tình chính trị Việt Nam, bà Song Chi nêu nhận định về chủ đề ‘Đại hội 13 không có chạy chức’ :

"Đầu tiên tôi thấy là nó rất hài hước. Nói Đại hội 13 sẽ là ‘Đại hội không chạy chức’ có nghĩa những đại hội từ trước tới nay có chạy chức. Mức độ đại hội là mức độ cỡ Đại biểu quốc hội trở lên mà có hiện tượng chạy chức thì có nghĩa là chuyện chạy chức là chuyện rất bình thường trong xã hội.

Xưa nay ai cũng thấy chuyện chạy chức trong xã hội Việt Nam nó rất phổ biến, nhưng đến mức mà đại hội đảng cũng có chuyện chạy chức thì cái hệ thống nó mục ruỗng lắm rồi.

Thứ hai, làm sao có thể khẳng định Đại hội 13 sẽ không chạy chức ?

Chuyện chống tham nhũng hay chạy chức cũng vậy. Cơ chế này đẻ ra tham nhũng, cơ chế này đẻ ra chuyện chạy chức. Sẽ không bao giờ giải quyết được nếu còn cơ chế độc đảng như hiện nay".

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa đánh giá rằng, đại hội lần này được chuẩn bị hết sức công phu và chặt chẽ theo chỉ đạo của Ban chấp hành trung ương cũng như Bộ chính trị. Rút kinh nghiệm những đại hội lần trước, đại hội lần này chuẩn bị kỹ về văn kiện và đặc biệt là công tác nhân sự. Chưa bao giờ trung ương ban hành nhiều văn bản có liên quan đến công tác nhân sự như lần này. Ông phân tích thêm :

"Các đại hội trước thì trung ương cũng đã xác nhận trong các báo cáo, các văn kiện là có biểu hiện chạy chức chạy quyền. Phải nói cái tệ nạn này nó không từ một vị trí nào. Cả trong văn kiện lẫn trong thực tế dư luận phản ánh thì biểu hiện chạy chức chạy quyền nó phát triển sâu rộng ở mọi cấp, mọi ngành và mọi lĩnh vực".

Vào cuối tháng 4/2020, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam có bài viết khẳng định kiên quyết không để những người bị cho có tư chất xấu lọt vào Ban chấp hành trung ương khóa 13. Cụ thể là những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tham nhũng, phe cánh, lợi ích nhóm, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản mà không giải trình được nguồn gốc, bản thân và gia đình lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…

Trong một lần trao đổi với RFA về vấn đề này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị, cho rằng :

"Trước đây cũng mạnh nhưng bây giờ người ta nhấn mạnh thêm vì chắc chắn có chạy chức chạy quyền. Chạy bằng nhiều thứ như vậy bằng tiền, bằng các mối quan hệ, bằng các tiêu chuẩn… Còn một cách chạy mà ít nguời hiểu là chạy theo cơ cấu như cơ cấu vùng miền Nam, Trung, Bắc, nữ, thanh niên… Nhưng dường như danh sách 205 người ra ứng cử Ban chấp hành trung ương khóa 13 mà đại hội tổ chức năm tới thì không biết chạy thế nào và khó có thể nói đẩy người này ra đưa người kia vào".

Dư luận cho rằng, hệ thống đề bạt, bổ nhiệm nhân sự trong đảng là một quy trình phức tạp, qua nhiều công đoạn, tầng nấc nhưng có hiện tượng ‘con voi chui lọt lỗ kim’. Nhiều trường hợp bổ nhiệm người thân, họ hàng vào những vị trí lãnh đạo gây bất bình trong dân chúng nhưng lại được giải thích là "đúng quy trình". Để giải quyết vấn đề này thì cần có cơ chế để đảng viên và nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ.

Theo ông Lê Văn Cuông, công tác nhân sự cho kỳ đại hội tới có nhiều khác biệt so với các kỳ đại hội trước đây :

"Những nhiệm kỳ trước không làm tốt công tác nhân sự, nhất là xác định công tác cũng như vi phạm ở nơi cứ trú, cho nên sau khi bầu vào các cấp thì mới phát hiện ra những sai sót. Đặc biệt là những đối tượng chức vụ cao đã phát lộ những tiêu cực, những yếu kém về phẩm chất đạo đức cũng như về lối sống, nhất là tham nhũng.

Trên 100 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý, trong đó có một số là ủy viên Bộ chính trị, ban chấp hành trung ương bị truy tố.

Điều đó thể hiện vấn đề quy hoạch, xét chọn và bầu cử của khóa trước chưa chuẩn xác".

Còn về vấn đề tuyển chọn nhân sự, ông Cuông cho rằng bây giờ vấn đề dân chủ trong thảo luận dân sự tốt hơn trước rất nhiều. Trước đây chỉ một vài người áp đặt, tập thể chỉ là cái màn che để hợp thức hóa. Hiện nay có sự dân chủ trong thảo luận, quyết định của các thành viên thông qua quy trình, quy định của đảng nên đội ngũ được ứng tuyển sẽ chính xác và tốt hơn rất nhiều.

Trong Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành trung ương đảng khóa 12 khai mạc vào ngày 1/5/2020, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội 13 là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đòi hỏi phải dày công chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tại Hà Nội có hơn 4.100 đảng viên và 59 tổ chức đảng bị kỷ luật. Cụ thể có hơn 3.000 đảng viên bị khiển trách, 622 đảng viên bị cảnh cáo, 72 người bị cách chức và 361 đảng viên bị khai trừ. Đối với tổ chức đảng thì có 43 bị khiển trách và 16 bị cảnh cáo.

Đây là con số được đưa ra tại buổi tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra sáng ngày 22/9 vừa qua.

Tháng 7/2019, tại phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra con số hơn 100 tổ chức đảng và khoảng 8.000 đảng viên vi phạm bị kỷ luật trong nửa đầu năm 2019.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 25/09/2020

Published in Diễn đàn

Tham nhũng chính sách tại liên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – Bộ Khoa học và công nghệ (VNTB, 11/03/2019)

Tham nhũng chính sách được chính phủ Việt Nam gọi là "lợi ích nhóm". Đó là khi những người có quyền lực (chủ yếu là tiền) sử dụng nó để điều chỉnh chính sách theo hướng có lợi cho họ trong tương lai. Tất nhiên, quá trình "điều chỉnh" này đồng thời tước đoạt lợi ích của những người yếu thế hơn. Người giàu giàu hơn và người nghèo nghèo đi.

Chiều ngày 8/3, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã gặp gỡ báo chí để trao đổi về những nội dung liên quan đến Dự thảo TCVN 1260 : 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Lợi ích nhóm được tái xác nhận tại buổi họp báo này.

nuocmam1

Nước mắm nhỉ

Gần 24 tiếng sau cuộc họp báo đó, gần như không thấy các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Phụ Nữ, Nhân Dân đưa tin về một người đàn bà đã bị đuổi thô bạo khỏi phòng họp báo ngay chiều 8 tháng 3, Quốc tế Phụ nữ.

"Kịch bản hơn hai năm trước đã lặp lại. Mọi người hãy nghe tôi nói"

Người phụ nữ đã thảng thốt ‘la làng’ như vậy tại buổi họp báo vào chiều ngày 8/3, đã bị chủ tọa là ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (đơn vị soạn thảo Dự thảo TCVN 1260 : 2019) ‘mời’ ra khỏi phòng, và còn lệnh cho bảo vệ phải đuổi bà này khỏi hẳn trụ sở của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Người phụ nữ ấy chính là Tiến sĩ Trần Thị Dung, chuyên gia nước mắm, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Bà cũng là người đầu tiên lên tiếng minh oan cho nước mắm truyền thống khi bị gắn mác "nhiễm asen" cách đây hơn 2 năm về trước.

nuocmam2

"Tiến sĩ nước mắm" - Tiến sĩ Trần Thị Dung, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn)

Báo Giao thông, tính đến đầu giờ trưa ngày 9/3, là tờ duy nhất đưa tin về vụ Tiến sĩ Dung bị đuổi khỏi phòng họp báo.

"Cả hai lần Tiến sĩ Trần Thị Dung giơ tay phát biểu về dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm song đều bị từ chối phũ phàng. Khi chủ tọa là ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (đơn vị soạn thảo Dự thảo) vội vàng tuyên bố kết thúc, bà Dung đã phải hét lên : "Kịch bản hơn hai năm trước đã lặp lại. Mọi người hãy nghe tôi nói". Tuy nhiên ông Công lập tức yêu cầu nữ chuyên gia rời khỏi khán phòng họp. Thậm chí khi bà Dung đã ra tới ngoài sân, còn bị bảo vệ gây khó. Chỉ tới khi báo chí lên tiếng, nữ chuyên gia này mới được đứng lại trao đổi thông tin". Báo Giao thông đưa tin trong bài báo trên trang điện tử lúc 21g31 ngày 8/3.

Theo bà Dung, có đến hơn 50 nội dung quy định hoặc từ ngữ chưa sát, chưa phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm. Ví dụ như yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật của nước mắm trong khi nguyên liệu làm nước mắm chủ yếu là cá biển chứ không phải cá nước ngọt (cá nuôi)… Còn nguồn nguyên liệu sản xuất nước mắm từ cá nước ngọt của một số nơi chủ yếu được lấy từ phụ phẩm của cá tra thì việc kiểm soát các chỉ tiêu trên không cần thiết, bởi trên thực tế phụ phẩm của cá tra, khi sử dụng làm hàng xuất khẩu đã được kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

"Mặc dù tiêu chuẩn không bắt buộc nhưng sẽ là cơ sở cho cơ quan quản lý làm việc. Tôi lo ngại đang có sự dùng thẩm quyền của cơ quan nhà nước để đưa ra định nghĩa xóa nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống với nước mắm pha chế. Đây cũng cũng chính là điều lo ngại của hơn 2.800 doanh nghiệp và các hộ sản xuất chế biến nước mắm truyền thống. Họ chỉ muốn được trả lại tên nước mắm cho nước mắm truyền thống". Tiến sĩ Trần Thị Dung, nói với báo chí ở bên ngoài phòng họp báo.

Đã có địa chỉ rõ ràng lợi ích nhóm là những ai !

Nhà báo Thảo Vy, nguyên Trưởng ban Kinh tế - Chính trị của tạp chí Tiếp Thị Việt Nam, nguyên trợ lý pháp luật của Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đang có ngờ vực về trục lợi ích nhóm ở đây, gồm có tập đoàn Masan - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng.

"Vì những hợp đồng quảng cáo mà báo chí chùn tay trước các vấn đề lùm xùm có liên quan đến Masan. Những thương hiệu chủ chốt của Masan trong lãnh vực thực phẩm chế biến có Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Vinacafé, Wake Up, Kachi, Vĩnh Hảo, bia Sư Tử Trắng. Họ còn là chủ nhà băng Techcombank, chủ dự án mỏ đa kim Núi Pháo". Nhà báo Thảo Vy nhận định.

Câu hỏi đặt ra : Masan lợi ích gì nếu Dự thảo TCVN 1260 : 2019 ‘Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm’ được thông qua ?

Theo phân tích của nhà báo Thảo Vy, dự thảo có đoạn viết "Mọi bề mặt tiếp xúc với cá phải làm bằng vật liệu có màu sáng". Thực tế là các thùng ủ chượp cá làm bằng gỗ, hoặc lu sành, hoặc bể xi măng… những vật liệu này làm sao mà có màu sáng được. Chỉ có thể là sản xuất trong nhà máy công nghiệp như Chin-su, Nam Ngư. 

Nội dung khiến nhiều người phản đối nhất là việc dự thảo chỉ phân thành 2 loại là nước mắm nguyên chất và nước mắm. Trong khi đó, trên thị trường đang tồn tại 2 loại sản phẩm là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, còn gọi là nước chấm. Nội dung thứ hai trong dự thảo cũng gây khó hiểu khi trong nước mắm truyền thống chỉ có cá biển và muối lại bị yêu cầu kiểm soát thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật.

Phía soạn thảo nói rằng đây là tiêu chuẩn về quá trình, chứ không phải tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, không đưa ra các chỉ tiêu và mức giới hạn cần tuân thủ đối với các chỉ tiêu đó cho sản phẩm cuối cùng. Tiến sĩ Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng phát triển thị trường thuỷ sản của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nói rằng theo luật thì tiêu chuẩn là đưa ra khuyến nghị tự nguyện, không bắt buộc, còn quy chuẩn bắt buộc phải áp dụng. 

Nếu Dự thảo TCVN 1260 : 2019 thông qua ?

Giả dụ như Dự thảo TCVN 1260 : 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm thông qua, và không bắt buộc áp dụng. Khi ấy, trên tất các phương tiện truyền thông, sẽ có những chiến dịch quảng cáo rầm rộ về Chin-su, Nam Ngư không bị nhiễm các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, được chế biến trong các thiết bị inox theo đúng TCVN 1260 : 2019. Điều này lặp lại kịch bản tương tự vụ truyền thông nước mắm nhiễm thạch tín (asen).

Trong tiếp thị, người ta gọi đó là công thức tăng trưởng dựa trên "nỗi sợ hãi" của người tiêu dùng. Năm 2005 – 2007 xảy ra vụ nước chấm có chất gây ung thư 3-MCPD do nước ngoài phát hiện qua xét nghiệm một sản phẩm của nhóm Masan tại thị trường Đông Âu. Sau đó, Masan tung ra nước tương Tam Thái Tử và tuyên bố trao thưởng 1 tỷ đồng cho ai tìm thấy chất 3-MCPD trong nước tương. Tương tự, hàng loạt slogan "nước mắm không cặn" của Nam Ngư và Chinsu đã lập lờ giữa nước mắm truyền thống, và nước mắm chế biến công nghiệp.

Năm 2017, nghi vấn bàn tay của Masan trong kịch bản nước mắm nhiễm asen (thạch tín). 

Sự việc bắt đầu vào ngày 17/10/2017, Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên doanh T&A Ogilvy đã thông qua Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, công bố kết quả một cuộc kiểm nghiệm về thị trường nước mắm, trong đó có đến 67% mẫu nước mắm kiểm nghiệm phát hiện có hàm lượng asen vượt ngưỡng tối đa cho phép. Các loại nước mắm bị nhiễm asen hầu hết đều là nước mắm truyền thống có độ đạm cao.

T&A Ogilvy là một doanh nghiệp có vốn nước ngoài, khá tên tuổi trong những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu. Rất nhanh sau đó, Masan mở chiến dịch về nước mắm không asen. Trước phản ứng mạnh mẽ của các nhà thùng nước mắm truyền thống, phía Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam mới nói thêm rằng 67% mẫu nước mắm có hàm lượng asen vượt chuẩn đó, đều là asen hữu cơ. Trong lúc đó, asen vô cơ mới là kim loại độc hại. 

Với cách thông tin chung chung rằng nước mắm nhiễm asen đã tạo nên một cuộc khủng hoảng niềm tin của dân chúng về độ an toàn của nước mắm. Nhóm thương hiệu nước mắm công nghiệp của Masan đã kịp thắng rất đậm trong chiến dịch truyền thông dựa trên "nỗi sợ hãi" của người tiêu dùng. 

Nước mắm truyền thống chỉ có cá và muối chượp ra trong khung thời gian từ 6 tháng đến trên một năm. Phụ thuộc vào lựa chọn loại cá, muối của các vùng miền mà cho ra những loại nước mắm đặc trưng giữa các địa phương. Nước mắm công nghiệp là pha loãng nước mắm truyền thống, cho thêm hương liệu nhân tạo, phẩm màu..., và có thể sản xuất với số lượng tùy thích, không chịu sự giới hạn của thời gian kỹ thuật ủ chượp như kỹ thuật truyền thống.

Như vậy, nếu Dự thảo TCVN 1260 : 2019 được thông qua, sẽ đồng nghĩa dùng thẩm quyền của cơ quan nhà nước để đưa ra định nghĩa xóa nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống và nước mắm pha chế công nghiệp. Nếu không gọi đó là 'tham nhũng chính sách', thì phải gọi là gì ?

Minh Châu

********************

Chạy chức ở Việt Nam phải chi tới 100 lần lương tháng ? (BBC, 09/03/2019)

Một nghiên cứu nạn mua việc làm bằng hối lộ, mà ở Việt Nam có cách gọi riêng là 'chạy chức' nói 'chuẩn trung bình' ở các nước đang phát triển là 17 tháng lương.

nuocmam3

Bao nhiêu mới đủ có việc ?

Đây là khoản tiền trung bình một người xin việc, chạy vị trí trong bộ máy công phải trả trước để vào chỗ làm, theo điều tra của Jeff Weaver, ĐH Yale.

Tất nhiên, có cả những nước người ta cần trả 20-25 lần lương tháng để kiếm việc, tùy vào vị trí gì, ở đâu.

Nhìn chung, 'mua chức trong khu vực công' tức hối lộ để làm quan chức (bribery for government jobs) được nói là phổ biến ở Châu Phi, Ấn Độ, Indonesia.

Nhưng trong bài 'Jobs for sale in Vietnam' - tạm dịch 'Chạy chức ở Việt Nam' (24/06/2016) tác giả Eric Sam Juan nêu ra các con số vượt mức quốc tế.

Nêu ví dụ một phụ nữ tên là Hoa (không phải tên thật), có học thức tốt, tiếng Anh giỏi, xin việc vào một ngân hàng ở Hà Nội, Eric Sam Juan viết :

"Để nhận việc, Hoa phải trả 500 triệu đồng (gần 20 nghìn euro). Và sau đó nhà băng sẽ trả cô khoản lương tháng chỉ 5 triệu đồng (200 euro, hoặc 225 USD)".

Nếu đúng như thế, giá tiền 'chạy việc' bình thường ở Hà Nội là 100 tháng lương, cao hơn ngưỡng 'trung bình ở các nước đang phát triển' quá nhiều.

Bài của Eric Sam Juan cũng nói sở, ngành tài chính và cảnh sát giao thông ở Việt Nam "có các vị trí được tranh đua chạy vào" hơn cả, vì "quan chức sẽ làm giàu nhanh bằng việc nhận tiền phạt từ lái xe, hoặc đòi tiền lại quả từ người kinh doanh để cho phép họ gia hạn giấy phép", bài báo trích một người có tên là Dung cho biết.

"Dù lương tháng chỉ bằng 200 euro, người ta sẵn sàng chi 10 nghìn euro (11.250 USD) cho một vị trí".

Bài báo cũng trích một báo cáo hồi 2015 của Provincial Governance and Public Administration Performance Index (PAPI), do Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc bảo trợ, cho hay ở Việt Nam, gần một nửa người được hỏi nói "tiền hối lộ phải được trả để vào làm trong khu vực nhà nước".

Các đường dây này có bảo trợ (patronage) nên tham nhũng thành "hiện tượng mang tính hệ thống" ở Việt Nam, báo cáo này viết.

Hà Nội đi đầu ?

Vẫn bài viết cho hay ở Hà Nội, "86 phần trăm người được hỏi đã tính đến chuyện chi tiền hối lộ là cần thiết để có việc trong khu vực công".

Các tài liệu quốc tế nêu ra ba vấn đề của việc bán chức và mua chức.

Một là việc vi phạm các chuẩn mực chuyên nghiệp về tuyển chọn, và vi phạm pháp luật từ phía người tuyển việc. Kể cả khi hệ thống đặt ra các tiêu chuẩn đúng, người tuyển nhân viên với đã bẻ cong các chuẩn đó, vì thiên vị thân nhân, bạn bè, hoặc để kiếm lời cá nhân. Điều này làm công chúng mất niềm tin vào bộ máy và tính công bằng của nó.

Tác động xấu thứ hai chính là việc phân bổ sai nguồn nhân sự : người giỏi không được nhận việc đúng, còn người kém có thể vì trả tiền mà có việc.

Và tác động thứ ba chính là việc hình thành các nhóm mua bán hối mại quyền lực (clientelism), và tạo bè cánh, các nhóm tiếp tục tham nhũng.

nuocmam4

Đảng cầm quyền ở Việt Nam đang đề cao vấn đề xã hội 'công bằng, dân chủ, văn minh' và chống tham nhũng, chống chạy quyền chạy chức

Các thống kê cũng cho hay các nghề trong ngành giáo dục, y tế, cảnh sát, thuế, phân bổ đất đai...thường là khu vực công thu hút nhiều 'chân chạy" trên thế giới.

Ở các hệ thống dân chủ không khoẻ mạnh cũng có hiện tượng mua phiếu, dùng tiền để vận động (lobby) vào các chức dân cử.

Ở Việt Nam hiện nay, có vẻ chủ đề này cũng đang được bàn thảo.

Một báo Việt Nam gần đây trích lời bà Lê Thu Ba - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nói về nguy cơ thứ ba này :

"Thời gian qua chúng ta đã xử lý rất nhiều vụ việc tham ô, tham nhũng, qua những vụ việc này chúng ta có thể một cá nhân được đưa lên vị trí A, vị trí B nhiều khi không phải do cá nhân đó chạy mà là do một nhóm cán bộ thân tín của họ tham gia chạy".

Như thế, ở Việt Nam hiện tượng góp tiền để chạy một chức thật cao cho ai đó rồi ban bổ lại lợi lộc đã xảy ra, chứ không phải chuyện kiếm một việc làm vì thiếu việc.

Bà Ba nói tiếp :

"Đương nhiên, khi được đưa lên vị trí đó thì anh sẽ phải phục tùng, phải phục vụ lợi ích cho cả nhóm và cho cá nhân họ".

Chính vì đây không còn là hiện tượng đơn lẻ, bài báo cũng thừa nhận : "Trên thực tế để phát hiện và chứng minh chạy chức, chạy quyền là vô cùng khó, vì thế, tỉ lệ phát hiện và xử lý cũng rất khiêm tốn, mang tính hình thức".

Hôm 04/03, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương của đảng cầm quyền ở Việt Nam cũng nói "phải chống cho được tiêu cực, chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ".

Ông phát biểu mạnh mẽ, "Anh nào chạy chức thì không dùng", mà không nói rõ rằng cả bán chức và chạy chức đều là tội hình sự, theo luật của khá nhiều nước.

Ví dụ như ở Ấn Độ, điều 171B Luật Hình sự quy định hình phạt tù giam với quan chức, công chức nhà nước nhận hối lộ để "tạo điều kiện ưu đãi cho người khác" trong cung cấp dịch vụ, việc làm.

Tất nhiên, vấn đề của Ấn Độ và một số nước khác vẫn là tuy có luật nhưng làm sao áp dụng được xuyên suốt trong cả hệ thống.

Published in Việt Nam