Hôm 25/9/2020, tờ Vietnamnet có bài viết về việc đổi mới công tác nhân sự cho Đại hội 13. Bài viết mở đầu với đoạn : "Với sự chỉ đạo sát sao của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sự chuẩn bị nhân sự kỹ lưỡng của Đảng, Đại hội XIII sẽ là 'Đại hội không chạy chức'".
Đại hội XIII sẽ là 'Đại hội không chạy chức'
Thông điệp này từng được ông Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại tại lễ bế mạc Hội nghị Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 16 diễn ra vào tháng 4/2018. Nói trước hàng trăm đảng viên, ông Nhân khẳng định ai có ý định chạy chức chạy quyền thì đừng làm, mệt thêm, mất công lại bị kiểm tra xử lý.
Là một nhà báo luôn theo sát hiện tình chính trị Việt Nam, bà Song Chi nêu nhận định về chủ đề ‘Đại hội 13 không có chạy chức’ :
"Đầu tiên tôi thấy là nó rất hài hước. Nói Đại hội 13 sẽ là ‘Đại hội không chạy chức’ có nghĩa những đại hội từ trước tới nay có chạy chức. Mức độ đại hội là mức độ cỡ Đại biểu quốc hội trở lên mà có hiện tượng chạy chức thì có nghĩa là chuyện chạy chức là chuyện rất bình thường trong xã hội.
Xưa nay ai cũng thấy chuyện chạy chức trong xã hội Việt Nam nó rất phổ biến, nhưng đến mức mà đại hội đảng cũng có chuyện chạy chức thì cái hệ thống nó mục ruỗng lắm rồi.
Thứ hai, làm sao có thể khẳng định Đại hội 13 sẽ không chạy chức ?
Chuyện chống tham nhũng hay chạy chức cũng vậy. Cơ chế này đẻ ra tham nhũng, cơ chế này đẻ ra chuyện chạy chức. Sẽ không bao giờ giải quyết được nếu còn cơ chế độc đảng như hiện nay".
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa đánh giá rằng, đại hội lần này được chuẩn bị hết sức công phu và chặt chẽ theo chỉ đạo của Ban chấp hành trung ương cũng như Bộ chính trị. Rút kinh nghiệm những đại hội lần trước, đại hội lần này chuẩn bị kỹ về văn kiện và đặc biệt là công tác nhân sự. Chưa bao giờ trung ương ban hành nhiều văn bản có liên quan đến công tác nhân sự như lần này. Ông phân tích thêm :
"Các đại hội trước thì trung ương cũng đã xác nhận trong các báo cáo, các văn kiện là có biểu hiện chạy chức chạy quyền. Phải nói cái tệ nạn này nó không từ một vị trí nào. Cả trong văn kiện lẫn trong thực tế dư luận phản ánh thì biểu hiện chạy chức chạy quyền nó phát triển sâu rộng ở mọi cấp, mọi ngành và mọi lĩnh vực".
Vào cuối tháng 4/2020, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam có bài viết khẳng định kiên quyết không để những người bị cho có tư chất xấu lọt vào Ban chấp hành trung ương khóa 13. Cụ thể là những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tham nhũng, phe cánh, lợi ích nhóm, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản mà không giải trình được nguồn gốc, bản thân và gia đình lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…
Trong một lần trao đổi với RFA về vấn đề này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị, cho rằng :
"Trước đây cũng mạnh nhưng bây giờ người ta nhấn mạnh thêm vì chắc chắn có chạy chức chạy quyền. Chạy bằng nhiều thứ như vậy bằng tiền, bằng các mối quan hệ, bằng các tiêu chuẩn… Còn một cách chạy mà ít nguời hiểu là chạy theo cơ cấu như cơ cấu vùng miền Nam, Trung, Bắc, nữ, thanh niên… Nhưng dường như danh sách 205 người ra ứng cử Ban chấp hành trung ương khóa 13 mà đại hội tổ chức năm tới thì không biết chạy thế nào và khó có thể nói đẩy người này ra đưa người kia vào".
Dư luận cho rằng, hệ thống đề bạt, bổ nhiệm nhân sự trong đảng là một quy trình phức tạp, qua nhiều công đoạn, tầng nấc nhưng có hiện tượng ‘con voi chui lọt lỗ kim’. Nhiều trường hợp bổ nhiệm người thân, họ hàng vào những vị trí lãnh đạo gây bất bình trong dân chúng nhưng lại được giải thích là "đúng quy trình". Để giải quyết vấn đề này thì cần có cơ chế để đảng viên và nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ.
Theo ông Lê Văn Cuông, công tác nhân sự cho kỳ đại hội tới có nhiều khác biệt so với các kỳ đại hội trước đây :
"Những nhiệm kỳ trước không làm tốt công tác nhân sự, nhất là xác định công tác cũng như vi phạm ở nơi cứ trú, cho nên sau khi bầu vào các cấp thì mới phát hiện ra những sai sót. Đặc biệt là những đối tượng chức vụ cao đã phát lộ những tiêu cực, những yếu kém về phẩm chất đạo đức cũng như về lối sống, nhất là tham nhũng.
Trên 100 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý, trong đó có một số là ủy viên Bộ chính trị, ban chấp hành trung ương bị truy tố.
Điều đó thể hiện vấn đề quy hoạch, xét chọn và bầu cử của khóa trước chưa chuẩn xác".
Còn về vấn đề tuyển chọn nhân sự, ông Cuông cho rằng bây giờ vấn đề dân chủ trong thảo luận dân sự tốt hơn trước rất nhiều. Trước đây chỉ một vài người áp đặt, tập thể chỉ là cái màn che để hợp thức hóa. Hiện nay có sự dân chủ trong thảo luận, quyết định của các thành viên thông qua quy trình, quy định của đảng nên đội ngũ được ứng tuyển sẽ chính xác và tốt hơn rất nhiều.
Trong Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành trung ương đảng khóa 12 khai mạc vào ngày 1/5/2020, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội 13 là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đòi hỏi phải dày công chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tại Hà Nội có hơn 4.100 đảng viên và 59 tổ chức đảng bị kỷ luật. Cụ thể có hơn 3.000 đảng viên bị khiển trách, 622 đảng viên bị cảnh cáo, 72 người bị cách chức và 361 đảng viên bị khai trừ. Đối với tổ chức đảng thì có 43 bị khiển trách và 16 bị cảnh cáo.
Đây là con số được đưa ra tại buổi tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra sáng ngày 22/9 vừa qua.
Tháng 7/2019, tại phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra con số hơn 100 tổ chức đảng và khoảng 8.000 đảng viên vi phạm bị kỷ luật trong nửa đầu năm 2019.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 25/09/2020