Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/09/2020

Ngày càng có nhiều quan chức vào tù : Việt Nam là đất nước gì ?

Cánh Cò - Nguyễn Ngọc Già

Đất nước của tội phạm

Cánh Cò, RFA, 25/09/2020

Khi ông Nguyễn Đức Chung vào tù người dân hầu như đã biết trước nên sự phấn khởi của họ có khi nguội lạnh. Lý lịch và tài năng nhũng lạm của ông được săm soi vì người dân ai cũng tin rằng công an là bệ đỡ cho phạm pháp, chức càng cao phạm tội càng nhiều.

toipham1

Ảnh minh họa

Có bao nhiêu tướng tá công an quân đội đã sa vào trại giam và còn bao nhiêu nữa đang nằm trên waiting list (danh sách chờ) ? Người dân không ai biết nhưng người trong đảng ở những vị trí cao nhất đều biết. Biết nhưng không làm gì cả, để đấy chờ xem như xem bọn tội phạm phản động chứ không phải là đồng chí, cùng lắm là đồng bào của mình.

Không phải chỉ gói gọn trong lĩnh vực công an, những người có luật pháp và có súng bảo vệ, những cán bộ cao cấp chủ chốt trong guồng máy cũng không hề kém cạnh bởi vì họ có tấm chắn hiệu quả là những đồng liêu, đồng chí trong đảng. Những Vinashin, Vinaline, Mobilphone… những ngân hàng vỡ nợ, những đại án tham nhũng trong các năm gần đây đều mang bộ mặt chân rết của các nhóm lợi ích, có hơi hướm, vây cánh của đảng, của chính phủ…

Bọn họ ra tòa trong tâm trạng thoải mái, có khóc cũng chỉ là vờ vịt để tạo cơ sở giảm nhẹ sau này khi thụ án. Những khuôn mặt ấy đầy trên báo chí đến nỗi mỗi khi có một vụ án mới người dân không còn hứng thú lót dép hóng trước cửa tòa báo để xem tin như cách đây vài thập niên. Cơn khát tin tức về cán bộ bị bắt đã không còn làm người dân tạm quên nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Điển hình là sáng sớm hôm nay, một nhóm người mang danh "lương y như từ mẫu" chính thức bị tống giam là Nguyễn Quốc Anh, anh hùng lao động, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ nâng giá thiết bị y tế ở BV Bạch Mai. Ngoài ông Nguyễn Quốc Anh, các ông Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó giám đốc, bà Trịnh Thị Thuận, Kế toán trưởng bệnh viện Bạch Mai cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.

Cái tin này nếu xảy ra trước đây thì không những làm xã hội rúng động mà còn làm cho đảng khó ăn ngủ vì trót tuyên truyền, nâng cao cái đẹp trong ngành y. Thế nhưng nó xuất hiện trong thời gian này không làm ai xao xuyến một chút gì, kể cả trên mạng xã hội nơi bị chính quyền cho là đầu mối của mọi phát tán thông tin xấu.

Người dân đã quá quen với các vụ án nho nhỏ như thế này mặc dù tội phạm là giám đốc của một bệnh viện danh giá nhất nước bởi trước đó vài ngày vụ án Đồng Tâm đã lấy đi toàn bộ lòng lân mẫn của họ. Khi con người không còn tha thiết đến tệ nạn trong chính phủ, đó là lúc họ quay về với chính mình và khi ấy không thể trách khi họ tự hỏi đây là một chính phủ sao ?

Chính phủ cho rằng bắt một kẻ đầu sỏ trong guồng máy là giảm bớt nguy cơ đục đẻo tài sản quốc gia và đồng thời cũng làm cho xã hội yên tâm về sự công chính của chính quyền. Nhưng sau những vụ ấy thì những vụ khác to hơn, tầm ảnh hưởng xã hội lớn hơn, hình ảnh quốc gia tệ hại hơn dưới mắt quốc tế thì chính phủ phải coi lại chính sách của mình tại sao lại có những lỗ hổng khó trám như thế ?

Đừng trám những lỗ hổng ấy bằng cái Hội triết học như ông Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương vừa làm. Cũng đừng trám lỗ hổng ấy bằng cách bắt trả thù ông hiệu trưởng trường đại học Tôn Đức Thắng hay kỷ luật đảng đối với tập đoàn giết người cướp đất Thủ Thiêm.

Kể cả những người vì phản kháng chính sách của nhà nước có bắt họ bao nhiêu cũng không thể bịt được miệng và mắt nhân gian. Đấy không phải là biện pháp lấp lỗ hổng "chính trị sai trái" của nhà nước, nó chỉ làm cho người ngoài thấy Việt Nam xứng đáng là một mảnh đất mà tội phạm đã không còn phân biệt, từ một em bé giật ổ bánh mì khi đói bị giam 3 năm cho tới một ông quan lấy của công vài ngàn tỷ lại ngồi tù cũng ba năm vì có công với cách mạng.

Không những vô địch về tội phạm, Việt Nam còn vô địch về hệ thống công quyền khi nội các của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đến 131 Thứ trưởng. Nhiều Thứ trưởng như thế để làm gì nếu không phải là tiếp sức cho nỗ lực "ăn không chừa một thứ gì" như bà Phó Doan đã nói ?

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 25/09/2020 (canhco's blog)

********************

Quách Duy và Phạm Đình Quý

Nguyễn Ngọc Già, RFA, 24/09/2020

Cả 2 người này đều bị bắt mới đây.

Việc Quách Duy - chuyên viên của UBND Thành phố Hồ Chí Minh - bị bắt được các báo quốc doanh đăng rầm rộ. Phạm Đình Quý - một giảng viên của đại học Tôn Đức Thắng - bị bắt thì ngược lại.

toipham2

Trên trang của nhà báo Đỗ Cao Cường đăng status ngắn - của nhạc sĩ Tuấn Khanh - cho biết, ông Phạm Đình Quý bị bắt vì tố cáo Bùi Văn Cường - bí thư tỉnh ủy Đak Lak - đạo văn để lấy bằng tiến sĩ (gì đó).

Theo wikipedia, Bùi Văn Cường sinh ngày 18/6/1965, hiện là ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Đak Lak, Đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đak Lak nguyên là đại biểu đoàn Gia Lai, nguyên là Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thế giới, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng trung ương...

Nhạc sĩ Tuấn Khanh ta thán : "Chính quyền nhân dân mạnh thật !", khi cho biết, hàng chục báo đưa tin ông Phạm Đình Quý bị bắt, đều bị gỡ bỏ, bài đăng trên các diễn đàn cũng bí mật tháo xuống.

Điều làm người ta phải đặt câu hỏi, khi so sánh việc bị bắt của Quách Duy và của Phạm Đình Quý : Tại sao "cùng là người nhà nước", "cùng phơi bày" những tiêu cực của quan chức cộng sản, mà vụ Quách Duy báo chí đăng công khai còn vụ Phạm Đình Quý báo chí không thể làm như vậy ?

Dưới góc độ Triết học Ứng dụng cho thấy, Quách Duy và Phạm Đình Quý giống nhau về hiện tượng (tức là bị bắt) nhưng khác nhau về bản chất (tức là lý do bị bắt giam mà báo chí phản ứng ngược nhau). Điều này có nghĩa : 

- Quách Duy bị định tội danh ngay lập tức là "lợi dụng tự do dân chủ"... theo điều 331 Bộ luật hình sự 2015. Phạm vi status này chưa bàn đến việc "đúng, sai" khi bắt Quách Duy.

- Phạm Đình Quý chưa thể định tội gì cả. Chắc chắn, nhiều người sẽ đặt câu hỏi "tại sao ?" cho trường hợp này. Thưa rằng, theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, ông Quý tố cáo bí thư tỉnh Đak Lak (nhấn mạnh đang đương chức) "đạo văn". Giả sử, việc này được Bộ Chính trị làm tới nơi tới chốn thì "trời long đất lở" tới cỡ nào, trong lúc đại hội đảng chuẩn bị diễn ra ? Và nữa, nếu vụ việc bị phanh phui tới tận gốc rễ, kẻ nào đã cấp cái bằng "tiến sĩ" cho Bùi Văn Cường ? Chưa hết, những bằng cấp "tiến sĩ" các loại từ trước đến nay, từ cấp cao nhất đang chễm chệ trong Bộ Chính trị có bị lôi ra tất tần tật hay không ? "Tiền lệ như vậy" có lẽ nào được bắt đầu ?

Không lẽ tất cả "giáo sư tiến sĩ" đang đương nhiệm chấp nhận ?

Toàn bộ "giáo sư tiến sĩ" đã nghỉ hưu và đã ra khỏi đảng nên cùng đồng loạt lên tiếng bảo vệ cho ông Phạm Đình Quý để không hổ thẹn với học hàm học vị trang bị hàng chục năm qua !

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 25/09/2020 (nguyenngocgia's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cánh Cò, Nguyễn Ngọc Già
Read 520 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)