Mỹ : Việt Nam chưa minh bạch về tài chính (RFA, 18/06/2020)
Báo cáo minh bạch về tài chính hàng năm mới công bố hôm 15/6 vừa qua của Mỹ kết luận chính phủ Việt Nam vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về minh bạch tài chính và cũng không có cải thiện đáng kể nào trong năm 2019.
Đồng tiền Việt Nam - Ảnh minh họa - Reuters
Theo báo cáo này, trong số 141 quốc gia được xem xét, có 76 chính phủ đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về minh bạch tài chính nhưng không có Việt Nam. Trong số 65 quốc gia không đáp ứng các yêu cầu tối thiểu, 14 quốc gia có cải thiện đáng kể trong năm 2019 nhưng Việt Nam cũng không nằm trong danh sách này.
Báo cáo chỉ ra rằng mặc dù chính phủ Việt Nam công khai các dự trù về ngân sách trên mạng để người dân có thể tiếp cận, nhưng lại không công bố báo cáo cuối năm trong khoảng thời gian hợp lý. Bên cạnh đó chính phủ Việt Nam vẫn duy trì những tài khoản ngoài ngân sách và không minh bạch.
Báo cáo nhìn nhận Việt Nam đang trên con đường áp dụng các các tiêu chuẩn kế toán được quốc tế công nhận và thông tin chung về ngân sách là đáng tin cậy.
Tuy nhiên các thông tin về các khoản nợ phải trả của các công ty nhà nước hiện vẫn không được công khai.
Bộ Ngoại giao Mỹ hàng năm đều đưa ra báo cáo minh bạch về tài chính đối với các quốc gia đang nhận sự trợ giúp về tài chính của Mỹ. Mục đích nhằm đảm bảo tiền thuế của người dân Mỹ đóng được sử dụng hợp lý.
********************
Bộ Ngoại giao Mỹ : Việt Nam không tiến bộ trong minh bạch tài chính (VOA, 17/06/2020)
Báo cáo hàng năm mới nhất của Mỹ về minh bạch tài chính toàn cầu nhận định rằng Việt Nam không có tiến bộ trong việc công khai các nguồn thu của chính phủ hay các thông tin về khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Sử dụng kiến thức kế toán để tác động đến số liệu báo cáo tài chính thông qua đó nhằm mục đích phản ánh tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nguồn : Internet
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hôm 15/6 cho thấy Việt Nam không nằm trong số 76 trên 141 quốc gia được đánh giá đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về minh bạch tài chính.
Minh bạch tài chính, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc quản lý tài chính công một cách hiệu quả, giúp xây dựng niềm tin thị trường tư nhân và củng cố sự bền vững về kinh tế. Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong báo cáo mới nhất rằng minh bạch tài chính cho công dân biết thu nhập và thu nhập từ thuế của chính phủ được sử dụng như thế nào và do đó nó cung cấp một cửa sổ cho người dân nhìn vào ngân sách của chính phủ cũng như giúp các chính phủ chịu trách nhiệm về việc quản lý của họ.
Theo tiêu chí toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, những nước đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về minh bạch tài chính là khi chính phủ của họ đưa ra công chúng các tài liệu ngân sách trong một thời gian hợp lý. Những tài liệu này phải hoàn chỉnh và đáng tin cậy.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết dù chính phủ Việt Nam trong thời gian qua cho phép công chúng truy cập đề xuất ngân sách điều hành và ngân sách được thực hiện nhưng chính phủ Hà Nội đã không công bố báo cáo cuối năm trong một khoảng thời gian hợp lý. Thông tin về số nợ của các doanh nhiệp nhà nước không được công khai.
Theo đó, dù chính phủ Việt Nam công khai các tài liệu về các khoản chi tiêu và nguồn thu theo kế hoạch nhưng họ vẫn không minh bạch hoá các tài khoản ngoài ngân sách. Thêm nữa, dù chính phủ Việt Nam dường như tuân theo các điều luật và quy định về trao hợp đồng hoặc giấy phép khai thác tài nguyên thiên nhiên theo quy định nhưng các thông tin cơ bản về việc cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam không phải lúc nào cũng có sẵn công khai.
Theo Ngân hàng Thế giới, minh bạch tài chính đặc biệt có một tác động quan trọng ở Việt Nam khi ngành kinh tế công đóng một vai trò tương đối lớn trong nền kinh tế của đất nước. Ngân hàng này đánh giá rằng Việt Nam có những tiến bộ đáng kể so với thập niên 1990 trong việc minh bạch tài chính.
Kết quả khảo sát toàn cầu về Chỉ số công khai ngân sách mở 2019 được đưa ra hồi tháng 5 năm nay cho thấy điểm số công khai, minh bạch ngân sách của Việt Nam đã tăng mạnh so với các kỳ đánh giá trước đó, tăng 23 điểm so với năm 2017. Thời báo Tài chính cho biết đây là kết quả nỗ lực của Bộ Tài chính trong suốt những năm qua và mục đích của việc công khai, minh bạch ngân sách là nhằm tăng cường sự giám sát của cộng đồng, đảm bảo hiệu quả trong chi tiêu ngân sách cũng như yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách.
Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành đánh giá hàng năm về sự minh bạch tài chính của các chính phủ trên thế giới hiện đang nhận sự trợ giúp tài chính của Hoa Kỳ nhằm giúp đảm bảo rằng các quỹ từ tiền thuế của người dân Mỹ được sử dụng hợp lý và cũng để cung cấp những cơ hội đối thoại với các chính phủ về sự quan trọng của minh bạch tài chính.
Hồi tháng 5, Mỹ công bố viện trợ cho Việt Nam 9,5 triệu USD để chống dịch Covid-19 và một tháng trước đó, Mỹ tài trợ 42 triệu USD để giúp phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Forbes đưa ra hồi tháng 4, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong hơn một thập niên qua, với kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng liên tục ở mức hơn 20% trong ba năm gần đây. Riêng quý I năm nay, Mỹ là đối tác thương mại lớn của Việt Nam với tổng kim ngạch 19,5 tỉ USD, tăng gần 20% trong đó Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ gần 16 tỉ USD, theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan.
********************
Việt Nam tụt hạng trong bảng chỉ số an toàn của thế giới (VOA, 15/06/2020)
Việt Nam đứng thứ 64 trong số 163 quốc gia trong bảng xếp hạng "Chỉ số Hòa bình Toàn cầu năm 2020" do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) vừa mới công bố, tụt 7 bậc (thứ 57) so với năm ngoái.
Giao thông trên một đường phố ở Hà Nội. Việt Nam được xếp hạng 51 trên thế giới về mức độ an ninh và an toàn xã hội năm 2019, theo báo cáo của IEP.
Báo cáo Chỉ số Hòa Bình Toàn cầu xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên các 23 chỉ số định tính và định lượng thuộc 3 lĩnh vực : mức độ an ninh và an toàn xã hội, mức độ xung đột trong nước và quốc tế đang diễn ra, và cấp độ quân sự hóa.
Tính trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam xếp hạng 12/19 quốc gia, đứng sau Malaysia (thứ 20), Đài Loan (37), Mông Cổ (39), Indonesia (49), Lào (50), nhưng lại trên Campuchia (78), Trung Quốc (104), Thái Lan (114). Đứng đầu khu vực là New Zealand (2), kế đó là Singapore (7) và Nhật Bản (9). Triều Tiên đứng cuối bảng ở vị trí 151/163.
Các chỉ số chính ảnh hưởng đến thứ hạng các quốc gia trong bảng xếp loại hòa bình bao gồm số lượng nhập khẩu vũ khí, tỷ lệ giam giữ tội phạm bạo lực, yếu tố bất ổn chính trị, mức độ xung đột nội bộ, tỷ lệ cảnh sát, số người tị nạn hoặc người di tản trong nước.
Về mức độ an ninh và an toàn xã hội, Việt Nam được xếp hạng 51 trên thế giới. Xét về xung đột trong nước và quốc tế đang diễn ra, Việt Nam đứng thứ 55 trên toàn cầu.
Riêng về chi tiêu quân sự, Việt Nam năm 2019 chi ra 5,5 tỉ USD, tương đương với 57 USD trên đầu người, cao hơn Triều Tiên (4,2 tỉ USD), Philippines (3,8 tỉ USD), Malaysia (3,5 tỉ USD) và New Zealand (2,3 tỉ USD). Đứng đầu về chi tiêu quân sự trong khu vực vẫn là Trung Quốc, với 250 tỉ USD (176,7 USD trên đầu người), cao hơn tất cả các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cộng lại.
Trong khi đó, chi phí mà Việt Nam tiêu tốn vì bạo lực chiếm 44.122.563,8 USD, chiếm 6% GDP trong năm 2019, đứng thứ 79 trên toàn cầu, so với Hoa Kỳ xếp thứ 49 khi chi ra 1.675.322.832,1 USD, chiếm 8% GDP để ngăn chặn bạo lực, theo báo cáo của IEP.
Đứng đầu thế giới là Syria và Nam Sudan. Hai quốc gia này đã chi ra gần 60% GDP để kiềm chế bạo lực, trong khi Indonesia chỉ chi có 2% GDP (77.921.980,9 USD).
Một yếu tố đặc biệt trong báo cáo năm nay là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên mức độ an toàn của các quốc gia.
Theo IEP, đại dịch đã dẫn đến những hậu quả kinh tế làm đẩy nhanh tác động bất lợi cho vấn đề an ninh lương thực trên toàn cầu.
Ngoài những yếu tố như chuỗi cung ứng bị phá vỡ, gián đoạn trong sản xuất nông nghiệp, các hoạt động kinh tế tạm dừng do phong toả và các biện pháp giãn cách xã hội, người nghèo mất thu nhập, người dân hoảng loạn dự trữ thực phẩm, Viện Kinh tế và Hòa Bình cho rằng việc một số nước xuất khẩu lương thực, trong đó có Việt Nam, áp dụng các chính sách bảo hộ nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm đã tạo ra sự thiếu hụt ở các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực.
Xét về tổng thể, đứng đầu vị trí quốc gia an toàn, hòa bình nhất thế giới vẫn là Iceland. Quốc gia này đã liên tục đứng đầu trong bảng xếp hạng của IEP kể từ năm 2008.
Các quốc gia an toàn tiếp theo là New Zealand, Áo, Bồ Đào Nha và Đan Mạch.
Các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi xung đột, chiến tranh như Afghanistan, Syria, Iraq, Nam Sudan và Yemen là những nước kém an toàn nhất thế giới trong năm 2019.
******************
Liên tục thua lỗ, tập đoàn Úc rút khỏi liên doanh với Vietnam Airlines (VOA, 15/06/2020)
Tập đoàn Úc Qantas vừa chính thức thông báo sẽ rút tư cách cổ đông trong liên doanh với hãng hàng không Vietnam Airlines với thương hiệu hàng không giá rẻ Jetstar Pacific.
Jetstar Airlines sẽ thuộc sở hữu toàn phần của Vietnam Airlines và đổi tên thành Pacific Airlines.
Truyền thông Úc dẫn lời ông Gareth Evans, Giám đốc điều hành bộ phận ngân sách của Jetstar, cho biết hôm 15/6 rằng tập đoàn của Úc sẽ cắt 30% cổ phần của mình tại Jetstar Pacific "trong những tháng tới" để "tập trung vào các hãng hàng không khác" của tập đoàn này.
"Chúng tôi đã thảo luận với Vietnam Airlines một thời gian về những thách thức mà Jetstar Pacific phải đối mặt, mà rõ ràng là gia tăng thêm nữa trong cuộc khủng hoảng COVID", ông Evans nói trong một tuyên bố.
Tập đoàn của Úc sẽ trao toàn quyền kiểm soát hãng hàng không giá rẻ cho Vietnam Airlines và quyết định này đang chờ được phê duyệt.
Đại dịch Covid-19 đã buộc tập đoàn Qantas phải sa thải 27.000 trong số 30.000 nhân viên và đang xem xét thay đổi mô hình kinh doanh, báo The Age cho hay.
Qantas thành lập Jetstar Pacific vào năm 2007 sau khi trả cho chính phủ Việt Nam 30 triệu đô la để mua cổ phần của hãng hàng không địa phương Pacific Airlines, vẫn theo The Age. Đây là một phần trong chiến lược xây dựng sự hiện diện tại Châu Á của tập đoàn Quantas, thông qua mối quan hệ đối tác liên doanh.
Tuy nhiên, sau một thời gian kinh doanh tại Việt Nam, Jetstar Pacific, với đội bay gồm 15 chiếc Airbus A320, đã bị thua lỗ "nhiều nhất trong lịch sử của tập đoàn" khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt sau khi các hãng hàng không giá rẻ VietJet và Bamboo Airways ra đời.
Báo Doanh nghiệp Việt Nam cho biết kể từ khi bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam, Jetstar Pacific đã bị "thua lỗ triền miên" đến nỗi không thể thanh toán các khoản nợ, thậm chí không có tiền để trả chi phí nguyên liệu bay.
Vào thời điểm 2011, Jetstar Pacific có vốn điều lệ là 1.317 tỉ đồng nhưng vốn chủ sở hữu âm 607 tỉ đồng, lỗ luỹ kế tới 2.476 tỉ đồng.
Trong khi đó, truyền thông Việt Nam dẫn thông báo của Vietnam Airlines cho biết "đã thống nhất xúc tiến những thay đổi đối với Jetstar Pacific nhằm cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng lợi nhuận của hãng hàng không chi phí thấp này".
Theo đó, Jetstar Pacific sẽ được đổi thương hiệu trở lại thành Pacific Airlines nhưng sẽ có logo mới. Thời điểm Pacific Airlines chính thức hoạt động sẽ dựa theo quyết định của giới hữu trách.
*********************
Một chiếc máy bay của hãng hàng không VietJet Air hôm 14/6 đã trượt khỏi đường băng khi hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng không có ai bị thương trong vụ này.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, khi chiếc máy bay hạ cánh sau hành trình từ Phú Quốc, "thời tiết không được tốt, có mưa to gió giật".
Cảng này cho biết thêm "đã chủ trì phối hợp với các đơn vị đưa tất cả hành khách và hành lý vào nhà ga an toàn".
Tin cho hay, sự cố trên đã khiến hoạt động cất hạ cánh tại Tân Sơn Nhất phải tạm dừng do sân bay lớn nhất ở khu vực miền nam "đang chỉ khai thác một đường băng" vì đường băng còn lại "đang đóng để phục vụ cho việc khảo sát cải tạo nâng cấp sửa chữa".
Cục Hàng không Việt Nam cho biết "đang phối hợp" với các cơ quan liên quan để "điều tra nguyên nhân, giải quyết vụ việc theo quy định".
Theo Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ, do ảnh hưởng của Bão Nuri ở Đông bắc Biển Đông, thời tiết tại Thành phố Hồ Chí Minh và Nam Bộ hai ngày cuối tuần có giông lốc và mưa lớn.
*******************
Việt Nam bị kiện bán phá giá (RFA, 15/06/2020)
Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công Thương cho hay trong 6 tháng đầu năm 2020, có 12 vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra bán phá giá đối với hàng Việt Nam xuất khẩu, ngoài ra còn 3 vụ việc có nguy cơ khởi xướng điều tra. Báo trong nước đưa tin.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, có 12 vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra bán phá giá đối với hàng Việt Nam xuất khẩu - Ảnh minh họa AFP
Trong danh sách các mặt hàng có nguy cơ bị khởi kiện cao có sản phẩm lốp xe tải và xe khách ; gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng ; nệm giường ; tủ gỗ ; đá nhân tạo.
Riêng mặt hàng lốp xe, nguyên đơn cáo buộc sản phẩm này đã bán phá giá vào thị trường Mỹ gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước. Bộ Thương mại Mỹ đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm lốp xe khách và lốp xe tải hạng nhẹ có xuất xứ từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
Tin nói sản phẩm lốp xe của Việt Nam được xuất khẩu tới 153 thị trường. Thị trường lớn nhất là Mỹ chiếm 50,4%, còn lại là Brazil, Nhật Bản, Malaysia, Đức, Ấn Độ, Hà Lan…
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kháng kiện đạt hiệu quả cao nhất, Cục Phòng vệ thương mại cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình điều tra vụ việc và có phương án hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Vụ việc mới nhất mà Việt Nam bị khởi kiện vì bán phá giá là hôm 27/5/2020, Ủy ban chống bán phá giá Úc thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm dây đai thép phủ màu có xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc.
Trước đó, hôm 13/5/2020, Bộ Thương mại Mỹ thông báo khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với sản phẩm thép tấm không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam.
Liên quan sản phẩm cá tra-basa, ngày 20/4/2020, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo kết quả chính thức của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) cho giai đoạn từ ngày 01/8/2017 đến ngày 31/7/2018 đối với sản phẩm cá tra-basa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, Mỹ giảm thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm này.
Sản phẩm cá tra-basa của Việt Nam đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2003 và các năm đều tiến hành rà soát mức thuế áp dụng.