Nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bị kỷ luật vì sai phạm đất đai (RFA, 26/03/2019)
Ông Phạm Văn Thông, nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020, đã bị ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bị cách tất cả các chức vụ trong đảng do những sai phạm liên quan đến quản lý đất đai, truyền thông trong nước ngày 25/3 cho biết.
Ông Phạm Văn Thông (bên trái) - Courtesy VNeconomy
Theo truyền thông trong nước, ông Thông đã có một số sai phạm trong việc tham mưu, đề xuất chủ trương chấp thuận cho công ty Tân Thuận thực hiện chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án Khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và chuyển nhượng 45% vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất tại dự án Khu dân cư ven sông, phường Tân Phong quận 7. Ngoài ra, ông cũng có những sai phạm trong quá trình công ty kinh doanh nhà Phú Nhuận hợp tác, chuyển nhượng dự án Khu nhà ở phường An Phú, quận 2. Ông Thông còn mắc sai phạm trong quá trình huy động vốn tại công ty phát triển nam Sài Gòn.
Vi phạm của ông Phạm Văn Thông được Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của Thành Ủy.
Trước đó, vào ngày 6/7/2017, Ủy ban Kiểm tra thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã cảnh cáo ông Thông và đề nghị cho ông Thông thôi chức Chủ tịch hội đồng quản trị ngân hang Sacombank.
Trong nhiều năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ "kinh tài" cho cơ quan này. Cơ chế này đã bộc lộ nhiều lỗ hổng, vì cơ quan chủ quản vừa đá bóng vừa thổi còi, thiếu giám sát chặt chẽ, minh bạch.
*******************
Cựu phó cơ quan đại diện Tạp chí kiểm sát phía Nam bị tù vì mua súng, đạn trái phép (RFA, 26/03/2019)
Chiều ngày 26/3, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án vụ Huỳnh Ngọc Long, cựu phó cơ quan đại diện Tạp chí kiểm sát phía Nam về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Đây là tạp thí thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Bị cáo Long. Ảnh chụp từ trang web plo.vn ngày 26/3/2019 - Screen capture
Truyền thông trong nước đưa tin cho biết, Tòa đã tuyên bị cáo 4 năm tù về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn trong việc xin mua 8 khẩu súng và 50 viên đạn ; cùng một số sai phạm khác.
Tại phiên tòa, bị cáo Long cho rằng mình bị ép cung nhưng không đưa ra được chứng cứ nên Hội đồng xét xử không có căn cứ xem xét, theo truyền thông trong nước.
Theo cáo trạng, Ông Huỳnh Ngọc Long, sinh năm 1968, về làm tại Tạp chí Kiểm sát phía Nam từ 10/2009.
Tháng 3/2010, ông Long được bổ nhiệm chức danh Phó cơ quan đại diện Tạp chí Kiểm sát phía Nam.
Trong vòng 7 năm, từ 2010 đến 6/2017, ông Long lợi dụng danh nghĩa Tạp chí xin mua 8 khẩu sung và 50 viên đạn.
Ngoài ra, theo cáo trạng, ông Long còn tự ý đăng ký con dấu để ban hành công văn, giấy tờ cho các hoạt động của Tạp chí và cộng tác viên, đồng thời đăng ký 6 ô tô và 5 xe máy mang tên cơ quan nhưng lại cho doanh nghiệp và cá nhân khác sử dụng. Cáo trạng xác định ông Long đã thu lợi cá nhân 100 triệu đồng.
Cáo trạng cũng xác định ông Long đã lợi dụng chức vụ, tự ý chỉ đạo những hoạt động để thu về hơn 2 tỷ đồng, trong đó có các khoản thu không có ghi chép cụ thể trong sổ sách.
Viện Kiểm sát nhận định, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử nhận thấy bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án và đã khắc phục một phần hậu quả nên xem xét chiếu cố một phần hình phạt.
******************
Đắk Nông phạt 10 triệu đồng đối với người bị cho đăng tin sai về dịch tả lợn (RFA, 27/03/2019)
Thêm một Facebooker tại Việt Nam bị chính quyền phạt tiền với lý do đăng tin sai về dịch tả lợn Phi Châu.
Tỉnh Đắk Nông xử phạt 10 triệu đồng đối với Facebooker Trần Thị Hồng do viết trên trang cá nhân việc 800 con heo bị bệnh dịch tả lợn tại địa phương sau khi chôn lại bị đào lên để xẻ thịt bán.Ảnh minh họa. AFP
Tin do truyền thông trong nước loan đi ngày 27 tháng 3 cho biết tỉnh Đắk Nông xử phạt 10 triệu đồng đối với Facebooker Trần Thị Hồng do viết trên trang cá nhân việc 800 con heo bị bệnh dịch tả lợn tại địa phương sau khi chôn lại bị đào lên để xẻ thịt bán.
Truyền thông trong nước cho biết ông Quách Công Ban, Chánh thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Đắk Nông, ký quyết định xử phạt hành chính đối với bà Trần Thị Thu Hồng với lý do như vừa nêu.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông cho rằng, hành vi của bà Hồng đã vi phạm quy định pháp luật theo điểm a, khoản 3, điều 64, nghị định 174 ngày 13/11/2013 của Chính phủ. Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và hành vi này có mức xử phạt 20 triệu đối với tổ chức và 10 triệu đối với cá nhân.
Vừa qua một số Facebooker tại Việt Nam bị phạt tiền hoặc bị cơ quan chức năng triệu tập làm việc do thông tin về dịch tả lợn Phi Châu lây lan nhiều nơi trên cả nước và vụ nhiễm sán dây lợn tại Bắc Ninh.
******************
Dịch tả lợn đã lan ra 21 tỉnh thành phố, gần 65.000 heo bị tiêu hủy (RFA, 26/03/2019)
Dịch tả heo Châu Phi đã lan ra 84 huyện của 21 tỉnh thành của Việt Nam với ần 65.000 heo bị tiêu hủy, tính đến ngày 25 tháng 3, theo thống kê của Cục Thú y.
Hình minh họa. Cán bộ thú y đang kiểm tra dịch bệnh trên đàn lợn - Courtesy of Báo Ninh Bình
Các địa phương mới nhất có ghi nhận bệnh dịch là Thừa Thiên – Huế và Bắc Giang.
Vào ngày 26/3, bộ Ngôn nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch tả lợn Châu Phi với sự tham gia của 11 bộ ngành. Tuy nhiên, theo truyền thông trong nước, tại cuộc họp đầu tiên của Ban, Bộ Y Tế và Bộ Công thương đã vắng mặt.
Cũng tại cuộc họp đầu tiên của Ban, Trưởng phòng dịch tễ (Cục Thú Y) là ông Nguyễn Văn Long cho biết, trong giai đoạn đầu, dịch chủ yếu chỉ xuất hiện ở những họ nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt, nhưng từ ngày 20/3, bệnh đã có chiều hướng lây lan nhanh ở phạm vi rộng và xuất hiện ổ dịch quy mô lớn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, dù Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhưng dịch vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi. Ông Cường cũng cho biết Việt Nam đang nghiên cứu vacxin dịch tả lợn Châu Phi.
Hôm 19/3, Reuters cho hay tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO) đã kêu gọi Việt Nam tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dịch tả lợn Châu Phi.
Tuy nhiên, vào ngày 21/3, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cho báo chí biết Việt Nam chưa cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời khẳng định thông tin về cảnh báo của FAO là không chính xác.
Cục Thú y Việt Nam khẳng định, dịch bệnh không lây qua người nên càng không có cơ sở để ban bố tình trạng khẩn cấp.
Tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh đã làm nhiều người dân lo sợ không dám an thịt lợn. Đã có nhiều thông tin được lan truyền trên trang mạng xã hội facebook thời gian qua về dịch bệnh. Công an đã phải vào cuộc để triệu tập, thậm chí bắt phạt một số người đưa tin này trên Facebook vì công an xác định họ đã đưa tin sai sự thật.
*******************
Quan ngại về chất lượng tàu điện Cát Linh – Hà Đông trước ngày vận hành thương mại (RFA, 26/03/2019)
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Hà Nội nói với báo chí trong nước rằng chưa có bất cứ tuyên bố nào của cơ quan chức năng về thời gian chính thức vận hành tuyến đường này và dự kiến cuối tháng 4 mới vận hành thử nghiệm mà thôi, vẫn còn nhiều hạng mục đến nay vẫn chưa hoàn thiện nên khó xác định chính xác thời điểm khai thác.
Tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông. AFP
Trước đó vào ngày 14/2, Thứ trưởng Giao thông và vận tải Nguyễn Ngọc Đông, cho biết Tổng thầu Trung Quốc đã đề xuất kết thúc chạy thử dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào cuối quý 1/2019 và chính thức đưa vào vận hành thương mại toàn tuyến từ tháng 4/2019.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn từ Hà Nội có ý kiến không bàn về tiến độ dự án có kịp hay không kịp vào cuối tháng 4 ; bởi vì trong thực tế cũng đã chậm rồi. Điều quan trọng nhất anh quan tâm là chất lượng thật sự của công trình mà thôi.
"Tôi là tôi quan tâm đến việc nó là một phương tiện công cộng và tôi hoàn toàn có nhu cầu sử dụng những phương tiện công cộng như vậy, tuy nhiên tôi nhận thấy rằng qua những hình ảnh ghi nhận lại được từ công trình xây dựng đó, như nhưng đai sắt để giữ đường ray, hoặc là những chi tiết xây dựng thì đều cho thấy cảm quan rằng các chi tiết đó đều kém chất lượng, chất lượng cho một trong trình giao thông công cộng lớn như vậy mà quá kém chất lượng thì nó tạo ra một cảm giác bất an".
Theo hình ảnh từ báo điện tử Dân Trí đưa tin vào hôm 26/3, nhìn bên ngoài, hệ thống đường ray và các nhà ga gần như đã hoàn thiện. Tuy nhiên, khi tiếp cận gần các nhà ga ở khu vực Thanh Xuân, Hà Đông thì mới thấy một số hạng mục đã hư hỏng để lộ ra chất lượng công trình không đạt tiêu chuẩn.
Kỹ sư Trần Bang cho hay vì là dân kỹ thuật nên ông cẩn thận cho rằng cần xem bảng vẽ và hiện trường mới chính xác được chứ nhìn hình thì chỉ đoán được một phần nào mà thôi ; tuy nhiên những hình ảnh cho thấy có thể chất lượng công trình là kém chất lượng. Ông giải thích nguyên nhân
Một trạm dừng của tuyến tàu điện tại thủ đô Jakarta, Indonesia. AFP
"Có thể do thi công những nhà thầu chính thuê lại những nhà thầu phụ rồi thầu phụ lại thuê thêm nhà thầu nữa. Ví dụ như thầu chính là Trung Quốc rồi lại thuê lại thầu lớn nào của Việt Nam, rồi thầu Việt Nam thuê thầu phụ nữa và cứ xuống như vậy. Vì như vậy qua nhiều bước thì việc giám sát và giá thành không đảm bảo cho người ta thi công đạt chất lượng cao được".
Vào ngày 24/3, Indonesia vừa tổ chức lễ khánh thành hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên tại thủ đô Jakarta, do nhà thầu Nhật Bản ủng hộ về mọi mặt, tuyến đường dài 16 cây số với khoảng vay 120 tỉ yên tức hơn 24 nghìn tỉ đồng và được khởi công từ tháng 10/2013 đến nay.
Khi tin tức được loan đi, cộng đồng mạng xã hội Việt Nam chia sẻ những so sánh sự khác nhau giữa cách chọn nhà thầu, chi phí đầu tư và thời gian hoàn thành dự án tuyến tàu điện của Việt Nam và Indonesia.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho hay, từ việc so sánh này cho thấy nhà thầu do chính phủ Việt Nam chọn đã có sự khác biệt rất lớn so với phía nhà thầu do Indonesia lựa chọn, chất lượng công trình, tiến độ dự án đã cho thấy được chất lượng thật sự.
"Qua hình ảnh về công trình tàu điện của Indo nó cho cái cảm quan là đáng tin cậy hơn rất nhiều, đúng tiến độ và không đội vốn. Qua đó nó khiến cho tôi thấy rằng việc chính phủ Việt Nam phớt lời mọi cảnh báo và không biết vì lợi ích gì mà lựa chọn nhà thầu Trung Quốc rồi dẫn đến tình trạng tồi tệ như hôm nay là điều đáng trách. Với tư cách là một công dân và một cử tri tôi lấy làm thất vọng và tôi không biết tình cảm thất vọng của mình được thể hiện như thế nào cho có hiệu quả để có được một chính phủ tốt hơn trong tương lai".
Đường sắt đô thị trên cao Cát Linh- Hà Đông được khởi công từ năm 2011 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2014, tuy nhiên dự án này đã nhiều lần trì hoãn, đội vốn lên cao nhiều lần với tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD, trong đó vay vốn của Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 133 triệu USD. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD, tăng 250 triệu USD.
***************
‘Đau đớn’ về tàu Cát Linh-Hà Đông, ‘lo sợ’ về cao tốc Bắc-Nam (VOA, 26/03/2019)
Nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang chia sẻ hình ảnh một tuyến metro của Hà Nội trong tình trạng "ngổn ngang", "hư hỏng" dù chưa khai trương, để cảnh báo về một tương lai đáng lo ngại nếu Việt Nam chọn nhà thầu Trung Quốc để xây cao tốc Bắc-Nam.
Cảnh bề bộn, xuống cấp ở một số ga của tuyến metro Cát linh-Hà đông, tháng 3/2019
Những bức ảnh được đăng trong mấy ngày gần đây trên các trang báo online của Dân Trí, Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ và Tiền Phong cho thấy các công trình phụ trợ của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông "ngập trong rác", thậm chí "bị hư hại", "nứt vỡ".
Tường thuật của các báo nói rằng tổng thầu Trung Quốc, Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6, "đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục phụ để kịp tiến độ đưa tuyến đường này vào khai thác thương mại từ cuối tháng 4/2019".
Dự án dài 13 kilomet này ban đầu dự kiến được xây dựng từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013, với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu đô la, gồm một phần vốn của chính phủ Việt Nam kết hợp với vốn vay viện trợ phát triển (ODA) của Trung Quốc. Tuy nhiên, dự án đã bị chậm tiến độ tới gần 5 năm rưỡi, và đội vốn lên hơn gấp đôi nếu tính bằng tiền đồng Việt Nam, hoặc gấp rưỡi nếu tính bằng đô la Mỹ.
Trong thời gian tới, trung bình một năm, Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỷ đồng vốn vay, theo thông tin do Bộ Tài chính Việt Nam công bố hồi đầu năm 2018.
Những ngày này, các báo Việt Nam cho hay dù chỉ vài tuần nữa sẽ được đưa vào sử dụng như dự kiến, song thực tế tại hiện trường cho thấy nhiều hạng mục "đã xuống cấp" hoặc "rạn nứt".
Phản ứng về các thông tin kể trên, một đại diện không nêu tên của Bộ Giao thông và vận tải được báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời nói rằng đó là "các hư hại nhỏ" và nhà thầu "sẽ phải khắc phục, xử lý hoàn thiện để nghiệm thu, bàn giao".
Vị đại diện khẳng định là bộ "đang đốc thúc nhà thầu thi công để sớm đưa tuyến đường vào khai thác theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải".
Cảnh rác rưởi, nứt vỡ tại các ga của tuyến Cát linh-Hà đông, tháng 3/2019
Nhưng những phát biểu của vị đại diện dường như không trấn an được những người sử dụng mạng xã hội, theo quan sát của VOA. Những hình ảnh về tuyến Cát Linh-Hà Đông được nhiều người chia sẻ trên các trang cá nhân, hoặc trong hai diễn đàn "Góc nhìn Báo chí-Công dân", "Bàn luận về Kinh tế-Chính trị" có tổng cộng gần 260.000 thành viên.
Tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu viết trên trang Facebook cá nhân rằng ông và nhiều người Việt "đau xót và căm giận khôn tả" khi nói về đường sắt Cát Linh–Hà Đông, thậm chí càng phẫn nộ, rầu lòng khi so sánh với một tuyến metro nửa ngầm nửa trên cao mới khánh thành ở Jakarta, Indonesia.
Theo tìm hiểu của VOA, tuyến metro mới vận hành ở thủ đô Indonesia có chiều dài gần 16 km, xây trong 5 năm rưỡi, từ tháng 10/2013 đến tháng 3 năm nay, với số vốn hơn 1,1 tỷ đô la vay từ Nhật.
Chỉ ra thực tế rằng tuyến Cát Linh-Hà Đông do Trung Quốc cho vay và thi công, song sau 8 năm, đến nay vẫn chưa xong, vị tiến sĩ có tổng cộng hơn 31.000 người theo dõi trên Facebook đưa ra thông điệp gửi đến Bộ trưởng Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Thể rằng "hãy tránh xa Trung Quốc", đồng thời nhấn mạnh "dính vào các nhà thầu Trung Quốc là sẽ thành phá hoại".
Chia sẻ quan điểm của tiến sĩ Chu, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh viết trên trang cá nhân có gần 310.000 người theo dõi rằng nếu so hai tuyến tàu của hai thủ đô Việt Nam, Indonesia với nhau, bà cảm thấy "nhục nhã" thay cho những người đã quyết định "rước nhà thầu Trung Quốc vào làm cái đường tàu thổ tả này cho đất nước".
Bà Hoài Anh viết thêm rằng bà "thật sự căm hận những kẻ tham nhũng" mà trong cách nhìn của bà, đó chính là "những con quỷ, con đỉa hút sạch nguồn lực quốc gia, hút máu nhân dân mình".
Dùng từ ngữ mạnh mẽ hơn, võ sư kiêm nhà văn Đoàn Bảo Châu mô tả tuyến Cát Linh-Hà Đông "như một đống rác" và gọi đó là "Nỗi Nhục Quốc Thể". Ông viết trên trang cá nhân có gần 105.000 người theo dõi rằng những ai đã duyệt cho hãng Trung Quốc làm dự án này là những kẻ "bán nước hại dân".
Chưa khai trương, một số công trình phụ trợ của tuyến Cát linh-Hà đông đã xuống cấp, tháng 3/2019
Những quan điểm tương tự cũng được nhiều người bày tỏ trong các diễn đàn, một mặt họ bày tỏ "tức giận" và "lo ngại" về chất lượng của tuyến metro đầu tiên ở Hà Nội, mặt khác, họ lấy đó để đưa ra cảnh báo về việc một tập đoàn Trung Quốc mới đây bày tỏ mong muốn được xây tuyến đường cao tốc huyết mạch cho Việt Nam.
Như VOA đã đưa tin, Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc đề xuất với Bộ Giao thông và vận tải Việt Nam được tham gia đầu tư vào Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông. Nhà đầu tư của Trung Quốc thậm chí còn bày tỏ sẵn sàng ứng vốn của họ ra để làm toàn tuyến. Theo tìm hiểu của VOA, tổng mức đầu tư dự kiến là gần 119.000 tỉ đồng (hơn 5,3 tỉ đô la) để xây dựng mới 654 kilomet đường.
Trong hai diễn đàn "Bàn luận về Kinh tế-Chính trị" và "Góc nhìn Báo chí-Công dân", một số thành viên bình luận rằng 13 kilomet đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Trung Quốc làm đã tạo ra "quá nhiều đau khổ", vậy hàng trăm kilomet cao tốc Bắc-Nam nếu lại "rơi vào tay Trung Quốc" thì đau khổ sẽ nhiều đến cỡ nào.
Một số thành viên khác không ngần ngại nhận định rằng tuyến Cát Linh-Hà Đông thực chất là một "bẫy nợ" mà Trung Quốc giăng ra với Việt Nam. Theo họ, với thực tế đội vốn đã diễn ra ở các dự án khác, có thể dự báo rằng tình trạng tương tự sẽ lặp lại với cao tốc Bắc-Nam. Khi đó viễn cảnh đáng sợ đặt ra là Việt Nam "lấy tiền đâu" để trả cho Trung Quốc, hay "chỉ còn cách nhượng tô, nhượng địa" cho nước láng giềng giàu có và hùng mạnh hơn.
Cũng cảnh báo về vai trò có thể có của Trung Quốc trong cao tốc Bắc-Nam, nữ chuyên gia kinh tế kỳ cựu Phạm Chi Lan được trang báo mạng Soha trích lời nói rằng "các dự án với Trung Quốc đã cho thấy các công trình thường dùng công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ kỹ, chất lượng thấp khiến công trình hỏng đi, hỏng lại rất nhiều lần, gây tốn kém".
Bà Lan lưu ý thêm rằng về tài chính, tuy phía Trung Quốc "thường đề xuất ứng vốn trước hay chào thầu với giá thấp nhưng rút cục giá lúc nào cũng bị đội lên gấp mấy lần so với ban đầu".
Với kinh nghiệm và kiến thức của mình, nữ chuyên gia nói qua Soha rằng bà "đề nghị không chấp nhận đề xuất của Tập đoàn Trung Quốc" về việc xây cao tốc Bắc-Nam, và bà Lan bày tỏ mong muốn rằng các nhà lãnh đạo, các cơ quan chức năng của Việt Nam "tỉnh táo, sáng suốt quyết định".
Nhiều nhà hoạt động và một số tổ chức xã hội, dân sự ở Việt Nam hôm 20/3 ra tuyên bố trong đó họ đề nghị chính quyền thực hiện ngay việc "lấy ý kiến rộng rãi" trong nhân dân cũng như các chuyên gia trong và ngoài nước, để "tìm phương án tối ưu" về việc vay vốn và lựa chọn nhà thầu nước ngoài cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam.
Bản tuyên bố có đoạn yêu cầu chính quyền phải "loại bỏ dứt khoát nhà thầu Trung Quốc" cũng như "không vay vốn và nhận đầu tư từ Trung Quốc".
Theo ghi nhận của VOA, đến ngày 26/3, có gần 400 người và tổ chức ký tên vào bản tuyên bố, trong đó có Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Nghiệp đoàn Báo chí Việt Nam, Nhóm Vì môi trường, Diễn đàn Xã hội Dân sự, tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền, cùng nhiều nhà hoạt động, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo và những người khác.