Việt Nam lên kế hoạch xây đường sắt kết nối với Trung Quốc (VOA, 09/04/2018)
Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc mới nối liền thủ đô Hà Nội với khu vực biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc để thúc đẩy thương mại hai chiều, theo Tân Hoa Xã.
Tuyến đường sắt Bắc Nam qua tỉnh Hà Tĩnh.
Hãng tin của Trung Quốc dẫn lại Thông Tấn xã Việt Nam cho biết, Bộ Giao thông Việt Nam đang xem xét xây dựng tuyến đường sắt dài gần 400 km, tốc độ 160 km/h, kết nối với đường sắt Hà Khẩu của Trung Quốc.
Theo đó, tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai sẽ tồn tại song song cả tuyến cũ và mới. Trong đó, tuyến mới đảm nhận vận chuyển hàng hóa và toàn bộ hành khách, được xây dựng khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, và được điện khí hóa.
Báo VnExpress cho biết tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai bắt đầu từ ga Lào Cai hiện tại, theo hướng Đông qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), tổng chiều dài tuyến là 391 km ; đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai (Việt Nam) có chiều dài 6,29 km.
Theo Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Ngọc Đông, đây là tuyến quan trọng về vận tải hàng hóa và hành khách của đường sắt Việt Nam ; không chỉ có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế xã hội các địa phương tuyến đi qua, mà còn trong kết nối giao thông, giao thương quốc tế, đặc biệt với Trung Quốc.
*********************
Việt Nam : Không nộp ảnh chân dung, cắt điện thoại di động (VOA, 09/04/2018)
Thực hiện chỉ thị của Bộ Thông tin và Truyền thông, các "nhà mạng" cung cấp dịch vụ điện thoại hàng đầu tại Việt Nam vừa ra "tối hậu thư", yêu cầu các khách hàng đăng ký thuê bao phải nộp ảnh chân dung và cập nhật thông tin cá nhân, hạn chót là ngày 24/4, nếu không sẽ bị "cắt" thuê bao.
Tin nhắn VinaPhone gửi cho khách hàng để yêu cầu nộp ảnh và cập nhật thông tin cá nhân.
Trong khi một số ý kiến trên mạng bày tỏ quan ngại về vấn đề bảo mật thông tin cho khách hàng của các nhà mạng, một nhà hoạt động nghiên cứu về luật tại Việt Nam nhận định với VOA rằng cách "tăng cường quản lý nhà nước" kiểu này không phù hợp với bối cảnh hiện đại và nhiều khả năng "chỉ nhắm tới theo dõi những người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền", vốn thường bị gán ghép là "đối tượng an ninh quốc gia".
Trong tin nhắn gửi cho khách hàng vài ngày qua, các "nhà mạng" nói họ chỉ thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, cụ thể là Nghị định 49/2017/NĐ-CP, yêu cầu tất cả thuê bao di động phải cung cấp thông tin chính xác về tên tuổi, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp… và ảnh chụp chân dung của mình.
Trong khi nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại về khả năng bị tiết lộ thông tin và ảnh chân dung có thể bị sử dụng để đăng ký các dịch vụ ở nước ngoài, một số nhà hoạt động nghi ngờ đây có thể là một biện pháp tiếp theo nhằm "tăng cường quản lý" những tiếng nói bất đồng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam trong năm qua đã bắt và ra án tù nặng đối với nhiều người bất đồng chính kiến.
"Nó tăng cường khả năng theo dõi, nghe lén điện thoại", ông Phạm Lê Vương Các, một nhà hoạt động nghiên cứu Luật tại Việt Nam, nói với VOA tiếng Việt.
"Theo tôi biết, ở một số nước, người ta không theo dõi một cách tùy tiện như ở Việt Nam hiện nay. Để theo dõi một đối tượng liên quan đến an ninh quốc gia, người ta đòi hỏi phải có lệnh từ tòa án hoặc một cơ quan đặc biệt nào đó yêu cầu, nghĩa là phải có một cơ quan ngoài cảnh sát yêu cầu thì người ta mới có thể tiến hành theo dõi hoặc nghe lén một đối tượng đặc biệt. Còn tại Việt Nam, công an có thể đưa một đối tượng vào danh sách và theo dõi một cách rất tùy tiện".
Quy định nộp ảnh chân dung khi đăng ký thuê bao điện thoại di động đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ phía người dân và cả các nhà lập pháp, giữa lúc các nước trong khu vực và ngay cả ở Mỹ cũng không có quy định này.
Phát biểu bên hành lang Quốc hội vào tháng 6/2017, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, cho rằng quy định chụp ảnh khi đăng ký thuê bao điện thoại di động là "lãng phí", "đụng chạm đến quyền lợi của người dân" và "vượt trên cả Luật Viễn thông khi luật này không quy định phải chụp ảnh".
Cục Viễn thông, cơ quan góp ý xây dựng dự thảo Nghị định 49, cho rằng việc lập cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao điện thoại di động là vô cùng cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ quyền lợi của người dân, tránh tình trạng lừa đảo, đe dọa, khủng bố, phát tán thông tin độc hại...
Nhưng theo nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các, "Ở Việt Nam, ‘đối tượng an ninh quốc gia’ lại hướng tới những người hoạt động cho dân chủ và nhân quyền".
Khi thời hạn chót đang đến gần, các nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone, MobiFone cho biết đã phải "gấp rút bố trí nhân lực" để gửi thông báo cho khách hàng, tăng giờ phục vụ tại các điểm giao dịch và mở thêm tổng đài để giải đáp thắc mắc của khách hàng.
Theo quy định của Nghị định 49, kể từ khi nhận được tin nhắn, nếu chủ thuê bao không nộp ảnh và cập nhật thông tin trong vòng 15 ngày sẽ bị khóa một chiều, trong vòng 15 ngày tiếp theo sẽ bị khóa 2 chiều, bị thanh lý hợp đồng sau 30 ngày tiếp theo, và số thuê bao có thể bị bán cho người khác sau 60 ngày.
********************
Ngân hàng Nhà nước phủi trách nhiệm tiền dân gửi bị ‘bốc hơi’ (Người Việt, 08/04/2018)
"Những người gửi tiền nên thường xuyên đến trụ sở ngân hàng thực hiện giao dịch, kiểm tra số dư thường xuyên. Khi phát diện dấu hiệu bất thường thì phải báo ngay cho ngân hàng, cơ quan nhà nước để ngăn chặn hành vi chiếm đoạt".
Bà Nguyễn Thị Hồng, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Hình : VietTimes)
Báo VnExpress thuật lại lời yêu cầu của bà Nguyễn Thị Hồng, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với những "thượng đế" của hệ thống ngân hàng khi gửi tiền vào ngân hàng thì "phải có nhiệm vụ" kiểm tra số tiền gửi, để tránh việc tiền gửi tiết kiệm của mình tại ngân hàng bị "bốc hơi".
Phát ngôn của bà Hồng được đưa ra trong bối cảnh vụ bà Chu Thị Bình mất 245 tỷ đồng (hơn 10,7 triệu USD) khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng Eximbank đến nay vẫn chưa ngã ngũ về giải pháp bồi thường. Lãnh đạo Eximbank được ghi nhận chỉ "tạm ứng một phần thiệt hại" và chỉ "trả tiền khi có phán quyết của tòa án".
Nhiều Facebooker xem phát ngôn của bà Hồng là cách phủi trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước cộng sản Việt Nam và đẩy rủi ro về phía người gửi tiền, cũng như tạo tiền lệ giúp các ngân hàng thương mại "né tránh" việc đền bù mỗi khi xảy ra việc tiền gửi bị "bốc hơi".
Từ khi vụ bê bối ở Eximbank được công bố hồi tháng trước, mạng xã hội đã dấy lên lời kêu gọi Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước cộng sản Việt Nam Lê Minh Hưng cần lên tiếng yêu cầu Eximbank trả lại tiền ngay cho khách hàng để "củng cố niềm tin vào ngân hàng của người dân", cũng như bảo vệ uy tín của người đứng đầu ngành ngân hàng. Tuy vậy, đến thời điểm này, người ta thấy ông Hưng vẫn im thin thít và không cho thấy việc Ngân hàng Nhà nước "sẽ có hướng xử lý rốt ráo vụ tiền gửi của khách hàng bị mất".
Luật Sư Lê Công Định bình luận trên trang Facebook cá nhân : "Nếu người gửi tiền quên kiểm tra vì tin tưởng ngân hàng và bị mất tiền, thì ngân hàng có quyền vô trách nhiệm, và khi đó quyền lợi của người gửi tiền sẽ được bảo đảm bằng cách kiện ra tòa và chờ tòa xét xử theo hướng bắt và tuyên án kẻ lừa đảo ? Ngoài ra, thế nào là ‘thường xuyên ?’ Mỗi tháng, mỗi tuần, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút hay mỗi giây ? Phát biểu của bà phó thống đốc cho thấy hệ thống ngân hàng thương mại được nhà nước bảo kê sẵn sàng phủi trách nhiệm khi xảy ra mất tiền, với lý do đơn giản là người gửi tiền không thực hiện nghĩa vụ ‘thường xuyên’ kiểm tra tài khoản tiền gửi".
"Tôi ủng hộ quan điểm này của Ngân hàng Nhà nước, bởi như thế dòng tiền sẽ không vào hệ thống ngân hàng để chảy vào nền kinh tế nữa. Thiếu máu tự khắc nền kinh tế sẽ sụp đổ, và tiến trình chuyển đổi chính trị sẽ nhanh chóng hơn. Đây chính là sự tự chuyển hóa tư tưởng ở cán bộ lãnh đạo cấp cao", ông Định viết trên Facebook. (T.K.)