Việt Nam 'chưa thể làm cách mạng màu' (VOA, 01/03/2017)
Thông tin chưa bao giờ bùng nổ như thời điểm hiện nay và đang chi phối các vấn đề chính trị từ diễn đàn quốc tế đến các địa phương xa xôi.
Những trang mạng xã hội như Facebook là phương tiện thông tin hữu hiệu của những người đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam.
Với một đoạn video đăng trên Youtube hay Facebook, một nhà hoạt động xã hội có thể kêu gọi mọi người dùng truyền thông xã hội để bày tỏ quan điểm, chống lại sự kiểm duyệt độc tài của nhà nước, và cổ súy cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.
Truyền thông dùng mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay là một công cụ hữu hiệu giúp phong trào dân chủ mở rộng và ngày càng hoạt động hiệu quả. Đó là nhận định của blogger và nhà báo Uyên Vũ, người vừa có bài phát biểu tại "Hội luận Nhân quyền Việt Nam" ngày 27/2 vừa qua tại Garden Grove, California.
Nhà báo Uyên Vũ cho VOA Việt Ngữ biết :
"Những ngôi làng ở phía Bắc hay trên Cao nguyên cùng với sự hỗ trợ của Internet, mạng xã hội đã thu hút và hấp dẫn hầu hết giới trẻ. Từ các cô cậu bước vào tuổi mới lớn, biết sử dụng thành thạo cellphone. Họ có thể quay phim, ghi âm, chụp hình và qua các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tweeter… họ lập, họ truyền trải thông tin ngay lập tức ra toàn thế giới. Theo tôi, với sự bùng nổ thông tin như hiện nay, mạng xã hội đúng là một công cụ hết sức hữu hiệu, đặc biệt cho các phong trào đấu tranh cho dân chủ".
Mạng xã hội giúp người dân ý thức về xã hội mình đang sống, về nền chính trị chi phối vận mệnh của mình.
"Đặc biệt đối với những người đấu tranh dân chủ, họ ý thức được thông tin chính là sức mạnh, là công cụ để góp phần phá vỡ bức màng trướng đang che phủ bí mật của một xã hội thiếu dân chủ. Họ biết rằng qua thông tin, người dân ý thức hơn về xã hội mình đang sống, về nền chính trị mang chi phối vận mệnh của mình".
Nhiều nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam đã biết tận dụng các blog sơ khai cho đến các mạng phong phú và hiện đại, và hiện nay họ có thể tường thuật trực tiếp qua "livestream" ngay khi sự việc đang xảy ra. "Không có gì chứng minh một cách minh bạch và cụ thể cho sự thật đang xảy ra bằng việc quay phim trực tiếp", blogger Uyên Vũ cho biết.
Nhận định về việc các nhà đấu tranh cho dân chủ trong nước sử dụng mạng truyền thông bị chính quyền trấn áp, từ việc áp dụng các qui định hành chính đến sách nhiễu người dùng Internet, nhà báo Uyên Vũ cho biết :
"Một thể chế độc tài như chính quyền Việt Nam khi họ ý được sức mạnh của mạng xã hội, sức mạnh của nhân dân qua truyền thông, thì họ đã tìm cách ngăn ngừa. Rõ ràng không ai muốn thể chế của mình bộc lộ ra những điểm xấu. Họ sẽ dùng những đòn răn đe để kìm hãm vì họ biết họ không thể ngăn chặn được tất cả. Nếu mà họ dùng các biện pháp hành chính chắc chắn cũng làm cho một số người chùn bước, nhưng càng có số đông thì nhà cầm quyền càng khó để ra tay đàn áp hay ngăn chặn. Điển hình như nick Dưa Leo, bắt đầu họ chỉ có răn đe, nhưng họ thấy tất cả mọi người cùng ủng hộ anh Dưa Leo thì họ lại ngại va chạm. Cho nên bằng mọi cách chúng ta nên hỗ trợ nhau về truyền thông để vượt qua đòn thép của nhà cầm quyền".
Nhà báo Uyên Vũ nói rằng các nhà dân chủ nên tận dụng mạng truyền thông xã hội để tiếp cận với người dân và quốc tế, tuy nhiên để thực hiện một cuộc cách mạng màu thì phải thận trọng.
"Theo tôi thấy Việt Nam hơi khác những người từng cách mạng màu, cách mạng hoa, những người hoạt động xã hội Việt Nam ý thức được rằng có những cuộc cách mạng thành công nhờ mạng xã hội, nhưng với thể chế của Việt Nam có những đặc thù do nỗi sợ còn quá lớn, từ lâu đã đánh mất ý thức về dân chủ về pháp quyền, nên cần phải thực hiện các bước đi từ từ. Rõ ràng nếu mình chưa chuẩn bị đến nơi đến chốn mà bước một phát tới cách mạng thì sẽ gây thiệt hại lớn".
Mạng xã hội tuy rất hiệu quả nhưng nó cũng là "con dao hai lưỡi" có thể phản tác dụng cho phong trào dân chủ. Nhà báo Uyên Vũ phân tích thêm : "Chính quyền Việt Nam thấy được mặt trái này nên lập ra các ‘binh chủng’ chuyên gây nhiễu loạn, phá rối thông tin trên mạng xã hội. Nếu không tỉnh táo thì chúng ta có thể sa vào các bẫy truyền thông của nhà nước".
**********************
Tương lai ngành ô tô Việt Nam (RFA, 01/03/2017)
Công nhân một showroom xe Toyota ở Hà Nội lau chùi bảng hiệu của cửa hàng hôm 27/2/2009.
Hôm 14/2, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết một số doanh nghiệp ô tô của Nhật có thể rút khỏi Việt Nam trước do khăn và hạn chế về chính sách thuế cũng như ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa đủ mạnh.
Toyota rút khỏi Việt Nam ?
Đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản lên tiếng về ý định rút khỏi Việt Nam. Đầu tháng 4/2015, Tổng giám đốc Yoshihisa Maruta liên doanh ô tô Toyota cũng tiết lộ với báo giới về khả năng hãng này sẽ ngừng sản xuất tại Việt Nam và tiến hành nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài. Ông này cho biết chi phí nhập khẩu cả chiếc xe từ nước ngoài còn rẻ hơn là nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam lắp ráp.
Hiện tại, quy mô sản xuất xe hơi của Việt Nam chỉ đạt khoảng 250.000 chiếc/ năm, thấp hơn rất nhiều với nước láng giềng là Thái Lan với hơn 2 triệu xe/năm. Trong khi đó theo tìm hiểu của chúng tôi, để đảm bảo được lợi nhuận thì một dây chuyền sản xuất ô tô phải đạt ít nhất 200.000 chiếc/năm.
Chia sẻ với chúng tôi về tình hình kinh doanh xe hơi hiện tại, anh Trình, Trưởng Phòng Kinh Doanh, Công ty Toyota, Chi nhánh Hà Đông, Hà Nội cho biết :
Toyota bọn anh tăng trưởng 26%. Năm 2018 thì thuế nhập khẩu ô tô vào Việt Nam giảm xuống 0%, cho nên rất nhiều khách hàng họ chờ đợi đến năm 2018 mới mua với mức giá hợp lý hơn.
Anh Trình cũng có nhận định về kế hoạch rút khỏi Việt Nam của một số doanh nghiệp ô tô Nhật Bản :
Anh không nghĩ là như thế, tại vì hiện tại Toyota bên anh chưa có định hướng gì rút khỏi Việt Nam cả. Vẫn sản xuất ở Việt Nam như bình thường tại vì nhu cầu của người Việt vẫn tăng lên.
Năm 2016, số lượng ô tô tiêu thụ tại Việt Nam đạt 84,24 triệu xe, tức là tăng 5,6% so với năm 2015. Tuy nhiên Theo ông Takimoto Koji cả 4 doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nhật tại Việt Nam là Toyota, Mazda, Honda, Suzuki vẫn ý định muốn nhập xe từ các nước trong khu vực về bán thay vì lắp ráp tại Việt Nam vì theo cam kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam trong ASEAN thì đến năm 2018 thuế nhập khẩu xe hơi sẽ giảm xuống 0%.
Công nhân lắp ráp một chiếc xe tại nhà máy Toyota đặt ở Vĩnh Phúc ngày 01 tháng 7 năm 2004. AFP photo
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh có nhận xét về tình hình này :
Các hãng xe hơi của Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam khá lâu nhưng tỷ lệ nội địa hóa của họ là rất thấp vì các doanh nghiệp Việt Nam trình độ thấp và không đầu tư vào công nghệ cho nên không đáp ứng nhu cầu về chất lượng cho các sản phẩm của họ. Vì vậy khi Việt Nam ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do, thuế xuất nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước giảm xuống, đầu tiên giảm 10%.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho biết thêm rằng hiện tại Việt Nam vẫn đánh thuế nhập khẩu phụ tùng ô tô 28%. Ông cho rằng đó là lý do mà dĩ nhiên các doanh nghiệp xe hơi của Nhật Bản không còn "mặn mà" với nhập linh kiện về lắp ráp nữa.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, Nguyên cố vấn văn phòng Thủ tướng cũng đồng tình với ý kiến của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, và bà có bổ sung thêm :
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa xuất phát từ chính bản thân ngành ô tô Việt Nam từ đầu khi hình thành. Có quá nhiều nhà sản xuất ô tô ùa vào, mà chỉ làm ở Việt Nam khâu lắp ráp thôi chứ không có ngành công nghiệp phụ trợ đi cùng. Vì quy mô thị trường nhỏ mà nhiều nhà sản xuất qúa nên các nhà sản xuất tranh giành nhau một miếng bánh nhỏ.
Bà Lan cũng cho biết thêm là chính vì quy mô thị trường nhỏ như vậy nên việc sản xuất phụ trợ lại trở thành một nghịch lý. Để phát triển được ngành phụ trợ ô tô thì đòi hỏi quy mô tương đối lớn. Việt Nam có dân số rât đông nhưng số lượng người có nhu cầu mua ô tô còn rất thấp. Bà nhấn mạnh rằng ngay cả đến cơ sở hạ tầng giao thông, đường xá của Việt Nam cũng không đáp ứng nổi một số lượng tô lớn :
Cũng vì không có công nghiệp phụ trợ, và quy mô nhỏ nên công việc sản xuất, lắp ráp không có hiệu quả cao, thành ra chi phí cao so với chi phí ô tô nhập khẩu từ bên ngoài, cộng thêm các thứ thuế má khác.
Cho nên liệu Việt Nam có còn được ngành ô tô hay không hay bao nhiêu nhà lắp ráp ô tô còn có thể đứng được ở Việt Nam. Tôi tin là ít nhất phải một nửa sẽ phải đóng cửa, không tiếp tục hoạt động dây chuyền của họ được nữa, vì quy mô nhỏ quá, thị phần cũng nhỏ, không bõ mà tiếp tục duy trì một dây chuyền tốn kém mà không mang lại hiệu quả so với việc nhập khẩu từ ngoài vào.
Bà Phạm Chi Lan có chia sẻ với chúng tôi rằng các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản muốn rút khỏi Việt Nam cũng là một lựa chọn hợp tình hợp lý vì họ phải tìm kiếm, sắp xếp lại thị trường và tập trung vào những nơi mang lại cho họ hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn như Trung Quốc và Indonesia, đây là những quốc gia có lượng dân số rất đông và nền tảng để sản xuất ô tô cũng vững chắc. Còn Thái Lan, theo bà, câu chuyện phát triển ngành ô tô của đất nước này đã là bài học rất lớn cho Việt Nam mà rất tiếc là Việt Nam không học được.
Tương lai mù mịt
Kế hoạch rút khỏi Việt Nam của các công ty ô tô Nhật Bản thực chất không phải là một cú sốc của Việt Nam vì bà Lan có nói rằng cách đây 5, 7 năm khi lộ trình giảm thuế của ASEAN đã được đặt ra thì bản thân bà cũng đã lên tiếng rất nhiều lần rằng Việt Nam cần phải gấp rút xem lại chiến lược ngành ô tô của mình, xác định rõ định hướng tương lai.
Những dòng ô tô nào có thể giữ lại thì cần thiết phải bàn với các nhà đầu tư để biết được Việt Nam cần điều chỉnh những gì và họ phải điều chỉnh những gì để duy trì được công việc sản xuất. Những doanh nghiệp không thể tồn tại được thì nên chấp nhận để người ta rút đi. Ngoài ra, bà cũng đã gợi ý tập trung sản xuất những ngành công nghiệp phụ trợ mà Việt Nam có thể để phục vụ ngành ô tô ngay trong nước, hoặc biến Việt Nam thành một đầu ra của ngành công nghiệp phụ trợ giống Thái Lan mấy năm trước cũng là một ý kiến hay.
Tuy nhiên Việt Nam đã không thực hiện được những kế hoạch đó. Hiện tại con đường tương lai để phát triển ô tô của Việt Nam ngày càng mờ mịt hơn. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết dự đoán của ông :
Dĩ nhiên là cuộc đời không đóng cửa lại hoàn toàn. Nếu nhưng Việt Nam có những biện pháp phát triển công nghệ, công nhiệp và dịch vụ hỗ trợ cho ngành ô tô thì vẫn có một khả năng mong manh nào đấy.
Trong khi đó bà Phạm Chi Lan lại có dự đoán khác :
Ngành ô tô của Việt Nam trong tương lai chắc cũng chỉ còn các hãng trong nước như Trường Hải, bắt tay làm với một số nhà sản xuất của Hàn Quốc sản xuất một số ngành như xe tải, xe buýt.
Tuy nhiên bà cũng bày tỏ với chúng tôi mong muốn rằng sau bài học từ các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản này, nếu những hãng ô tô trong nước còn trụ được thì Việt Nam vẫn cần phải phát triển một số ngành phụ trợ, bởi nếu chỉ lắp ráp thì không mang lại giá trị gia tăng cao và giá thành sản phẩm vì vậy cũng sẽ cao hơn hàng nhập khẩu.
Lan Hương, phóng viên RFA
****************
Các bệnh viện ở Sài Gòn là địa chỉ tín nhiệm của rất nhiều bệnh nhân từ các tỉnh tìm về để chẩn đoán và điều trị. Do đó, việc cách đây mấy hôm, ông bí thư thành ủy Đinh La Thăng tuyên bố Sài Gòn sẽ là nơi đầu tiên của Việt Nam có người đoạt giải Nobel Y học, tạo nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Những người bệnh chỉ mong được chữa hết bệnh
Bà Đỗ Thị Tý, tuổi ngoài 80, nói rằng giờ đây bà cần nhất là người nghèo như bà được chữa bệnh cho tử tế :
"Con cháu nó nói về cái giải nô beo gì đó mà tôi không có biết cái giải đó. Tôi già rồi, tôi đi khám bệnh. Nhiều bệnh lắm. Bác sĩ mà chữa cho tôi hết là tôi vui mừng lắm rồi. Tôi chẳng biết giải nô beo các ông thầy bệnh là cái gì hết".
Ông Trí, một người bệnh đến từ Trảng Bàng mong rằng được khám nhanh, chứ giờ thì chờ đợi lâu quá :
"Chờ đợi. Người già bệnh mà hoạn, mà ngồi chờ thì thấy nó mệt mõi. Thấy vậy…, những cơ quan, những nơi đó giải quyết hành chánh nó quá dỡ. Nó làm sao mà để… Tôi ngồi đây, ngồi chờ cả ngày, cả buổi mới về tới nhà. Về tới nhà là nhiều khi bị tối nữa. Mong mấy chị đồ coi, xem xét lại, rồi cơ quan cấp trên để nói lợi dùm cho ngành nghề bệnh viện đó đó, giải quyết hành chánh cho ổn thỏa cho dân. Đừng có làm phiền hà dân…
Bất tiện cho người ở tỉnh xa xôi… đi lên. Có người ở đâu Đắc Lắc vô, tôi cũng thấy nằm la liệt chờ bắt số, có khi người ta ở xa, người ta chờ tới mấy ngày. Tội nghiệp cho người ta".
Những người bệnh chỉ mong được chữa hết bệnh, nên không quản chuyện đường sá, chuyện đời sống ở Sài Gòn giá cả đắt đỏ, họ đều tìm đến các bệnh viện ở nơi từng là thủ đô tự do của miền Nam để chữa trị.
Đêm Sài Gòn, đêm trong bệnh viện chứa đựng biết bao nhiêu nỗi lòng của người bệnh xa quê. Họ mong được trúng thầy, trúng bệnh, chứ chẳng ai quan tâm các vị bác sĩ ấy có giải thưởng nào hay không.
Bà Ba, người đã nuôi chồng ròng rã suốt 3 tháng trời tại bệnh viện không giấu được sự bi quan :
"Ở bệnh viện 115, khi mà phẫu thuật xong thì ảnh nằm ở phòng hồi sức lâu quá, thế nên nó bị hoại tử khi mà ra ngoài thì nó bị hoại tử, nó ăn sâu quá nên rất là khó điều trị, nên chúng tôi rất là lo…".
Đồng cảm với người bệnh, bác sĩ Đinh Đức Long nói rằng những nhà quản lý như ông bí thư nên lo cùng người bệnh về chuyện an sinh, hơn là chăm chăm chạy theo những giải thưởng :
"Tôi chưa nghe bất cứ một lãnh đạo nào hay một chính khách nào trên thế giới đưa ra ý tưởng phấn đấu đoạt giải Nobel cả. Thì cái điều này nó làm tôi nhớ lại những năm đầu tiên tôi về làm giáo viên của Học viện Quân Y những năm đầu những năm 80, khi tốt nghiệp ở Hung Ga Ri về, thì một bữa tôi đang ngồi trong phòng làm việc thì điện thoại réo lên. Thì giáo sư, tiến sĩ Lê Thế Trung, giám đốc Học viện Quân Y nói rằng là sắp tới, thì khóa bác sĩ mà thi tốt nghiệp đại học đấy, thì nghị quyết của đảng ủy Học viện Quân Y là tỷ lệ khá giỏi 80%. Thì tôi cũng ngạc nhiên.
Tại vì tôi học ở phương Tây ấy, thì không bao giờ có khoán tỷ lệ khá giỏi, học sinh đỗ là bao nhiêu cả. Mà ông thầy đều là những viện sĩ, giáo sư viện sĩ viện hàn lâm họ chấm. Thì anh nào đỗ cho đỗ, anh nào trượt thì trượt, giỏi thì giỏi. Thì tư duy đấy là xuyên suốt, là có lẽ tư duy chung của lãnh đạo Việt Nam. Tức là một là bệnh thành tích. Hai là háo danh. Bất chấp mọi cái điều kiện thực tế để có thể đạt được".
Như lời bác sĩ Đinh Đức Long, có lẽ ông bí thư Đinh La Thăng thử giả trang để vi hành khi màn đêm buông xuống ở các bệnh viện, để hiểu thêm dân tình xứ mình đang khốn khó ra sao khi mang bệnh tật, khi họ phải dắt dìu nhau từ các tỉnh về Sài Gòn, để mong được những thầy thuốc giỏi nơi đây chữa hết bịnh.
Điều đó xem ra thiết thực hơn nhiều lắm so giấc mộng Nobel Y học của ông bí thư thành ủy Hồ Chí Minh.