Sở Tài nguyên và môi trường : Hải sản chết tại Vĩnh Tân là do mưa lớn (RFA, 25/09/2017)
Hải sản chết tại khu vực biển gần Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân là do mưa lớn dẫn đến nước biển giảm độ mặn, độ đục tăng nên ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh.
Vùng biễn nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân. RFA photo
Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận giải thích như vừa nêu trong báo cáo về nguyên nhân cá, sò, mực chết tại khu vực này trong mấy ngày gần đây.
Ngày 15/9, sau khi người dân phản ánh về tình trạng hải sản chết, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã tiến hành kiểm tra và phân tích mẫu nước. Kết quả cho thấy các thông số môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên nồng độ chất rắn lơ lửng trong nước tương đối cao, độ PH thấp, là nguyên nhân khiến thủy sản chết.
Giải thích về phản ánh nước biển đục của người dân, Sở Tài nguyên- Môi trường Bình Thuận nói rằng do trong tháng 9 vùng biển bị ảnh hưởng từ cơn bão số 10 gây mưa lớn làm giảm độ mặn và cuốn theo bùn cát từ đất liền.
Sở này cho biết sẽ phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng để tiếp tục theo dõi môi trường nước biển quanh khu vực Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
******************
Các tỉnh miền Trung cần liên kết để phát triển (RFA, 25/09/2017)
Không thể phát triển kinh tế mà không gian kinh tế bị chia cắt. Cần phải tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và tăng cường liên kết vùng để phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam.
Diễn đàn kinh tế miền Trung, tại Đà Nẵng vào ngày 25/09/2017. Courtesy : Ảnh chụp màn hình từ vtv8.vn.
Đó là lời phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn kinh tế miền Trung, diễn ra vào sáng ngày 25 tháng 9 tại thành phố Đà Nẵng.
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh nếu Việt Nam không tận dụng kết nối Bắc Nam với Đông Tây thì sẽ gặp nhiều bất lợi ; trong đó nêu rõ quy hoạch tổng thể kinh tế miền Trung định hướng đến năm 2030 đóng vai trò quan trọng, sẽ là trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.
Ông Vương Đình Huệ nhắc lại chủ trương của Việt Nam là dịch vụ và du lịch chiếm đến 40% cơ cấu kinh tế của miền Trung.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên, tại Diễn đàn kinh tế miền Trung cũng đưa ra nhận định mặc dù chủ trương phát triển du lịch miền Trung là trọng điểm quan trọng nhưng thực tế giá trị gia tăng của du lịch tại khu vực này rất thấp. Ông Trần Đình Thiên nói rằng hiện tại du lịch miền Trung không có gì ngoài tắm biển.
Một số doanh nghiệp tham gia Diễn đàn cũng khẳng định các tỉnh miền Trung cần phải liên kết vùng để phát triển mạnh.
Cá tôm lại chết gần nhà máy Vĩnh Tân 4 (RFA, 22/09/2017)
Ngư dân tỉnh Bình Thuận cho hay có nhiều cá và các hải sản khác bị chết tại khu vực ven biển xung quanh nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 4.
Nhà máy nhiệt điện chạy than Vĩnh Tân 1. RFA
Đây là khu vực thuộc hai xã Vĩnh Hảo và Phước Thể, Huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận.
Theo các ngư dân thì hiện tượng này xảy ra cùng lúc với ống khói của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 hoạt động trở lại. Các ngư dân cũng cho biết là hiện nay dưới đáy biển vùng này có một lớp bùn dày khoảng từ 1 đến 2 cm, mà trước kia chỉ có sỏi và cát.
Một vị lãnh đạo của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 trả lời báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh rằng dự án đang vận hành thử nghiệm và sẽ dừng chạy nếu có sự cố môi trường.
Xin được nhắc lại là vào tháng 7 năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền tỉnh Bình Thuận cùng với ban quản lý nhà máy điện Vĩnh Tân 2 có ý định dìm bùn nạo vét cảng Tuy Phong xuống biển Bình Thuận, nhưng dự án bị phản đối dữ dội nên đã dừng lại.
Khu vực ven biển tỉnh Bình Thuận có bốn dự án nhà máy điện chạy bằng than tại Vĩnh Tân, được cho là sẽ đem lại nhiều hậu quả tiêu cực về môi trường cho vùng ven biển này.
*********************
Chỉ có 31% bãi chôn chất thải hợp vệ sinh (RFA, 22/09/2017)
Trong số 660 bãi chôn lấp chất thải hiện nay trên cả nước Việt Nam chỉ có 31% hợp vệ sinh.
Rác bên ngoài nhà máy rác Phương Thảo, Vĩnh Long - RFA
Đây là thông tin được Viện Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu ra tại Hội thảo về quản lý bãi thải ở Việt Nam, tổ chức ngày 22 tháng 9.
Tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, hầu hết các bãi thải đều không hợp vệ sinh. Chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp vẫn chôn lấp chung.
Ở Tây Nguyên, nhiều bãi được đặt ở đầu nguồn nước, gây ô nhiễm cả khu vực hạ nguồn.
Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, nhiều bãi không có bờ bao nên khi lũ về gây ô nhiễm môi trường. Còn đến mùa khô, chất thải được đốt, làm không khí ô nhiễm.
Ông Hoàng Mạnh Hiệp, Cục Hạ tầng Kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng cho biết chôn lấp chất thải không phải là một phương pháp tốt. Tuy nhiên, số lượng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện còn quá ít, chỉ xử lý được 7.500 tấn/ngày. Trong khi đó tổng số chất thải lên đến 38.000 tấn/ngày.
Trước thực trạng nêu trên, các đại biểu nói rằng nên lập quy hoạch quản lý chất thải và chỉ đạo việc quản lý theo quy hoạch đó. Hiện cả nước có 57/63 địa phương đã lập và phê duyệt quy hoạch.
Tình trạng ô nhiễm môi trường do những bãi rác gây nên đến mức không chịu nổi khiến dân chúng tại một số nơi lâu nay từng biểu tình, chặn không cho xe lấy rác đến đổ tại bãi gần khu dân cư.