Sử dụng Luật an ninh mạng, Luật hình sự để ‘chống lại dòng tư tưởng – chính trị lệch lạc, ngăn chặn những ảnh hưởng thù địch, nhóm người bất đồng chính kiến’, và có thể là ‘ưu tiên giáo dục lại bằng biện pháp giam cầm’ ?
Ông Hoàng Đức Bình và bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đều bị tuyên án nặng nề.
Ông Hoàng Đức Bình bị kết án 12 năm tù giam, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) bị kết án 10 năm tù giam.
Cả hai con người đều giống nhau ở điểm, đều bị kết tội ‘bóp méo các chính sách của Chính phủ, phỉ báng chế độ’.
Nhưng đằng sau đó, cả hai đều lên án thảm họa môi trường biển do tập đoàn Formosa gây ra tại các tỉnh miền Trung ; đều tố cáo sự đánh đập – bắt bớ người của công an cơ sở,…
Formosa và công an : tình tiết tăng nặng ?
Mẫu số chung (Formosa, công an) đã trở thành tình tiết tăng nặng ngoài luật định ; trong đó - Mẹ Nấm là người thu thập các bằng chứng liên quan đến những cái chết bất thường trong đồn (công an) và Hoàng Bình lên án sự bắt bớ, đánh đập vô cớ của phía công an cơ sở.
Báo VnExpress đưa tin với tiêu đề : Người đàn ông bôi nhọ công an bị phạt 14 năm tù (*). Theo đó, ‘6 video Bình phát trực tiếp có lời nói bôi nhọ, vu cáo lực lượng công an, đạt trên 2,4 triệu lượt xem ; trên 40.000 bình luận. Điều này bị cho là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của lực lượng công an’.
Trong khi đó, báo Công an Nghệ An chỉ trích đích danh : ‘Bình đã đưa ra thông tin thất thiệt nhằm định hướng cho người nghe hiểu sai bản chất vụ việc, nhìn nhận sai lệch về lực lượng công an, nghiêm trọng hơn là hiểu sai chế độ’.
Một số báo như Vnexpress đặt tiêu đề nhấn mạnh 14 năm tù vì 'bôi nhọ công an'
Trước đó, vào tháng 11/2017, nhiều báo đài trong nước khi đưa tin về kết quả phiên xét xử phúc thẩm Mẹ Nấm đều nhấn mạnh ý : Quỳnh soạn thảo tập tài liệu ‘Stop police killing civilians’ về 31 trường hợp người chết sau khi làm việc với công an.
Và tập tài liệu nói trên bị quy kết là ‘có mục đích để người đọc hiểu sai bản chất vấn đề, đồng thời xúc phạm và làm hạ uy tín của lực lượng Công an nhân dân, xâm hại mối quan hệ giữa nhân dân và lực lượng công an.’
Lực lượng công an : lằn ranh đỏ
Lực lượng Công an quan trọng đến mức nào ? Những năm gần đây, thanh bảo kiếm của Đảng luôn được nhắc đến trong các sự kiện. Mới đây nhất, nhân kỷ niệm 88 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam – tướng Tô Lâm khẳng định : lực lượng Công an Nhân dân sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đảng cộng sản.
Chưa dừng tại đó, vào sáng 06.02, tham dự 65 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh vệ Công an Nhân dân, ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh lực lượng công an là ‘thanh bảo kiếm bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ.’
Như vậy, sự hợp nhất hình thái không thể xâm phạm ở Việt Nam là : Đảng cộng sản Việt Nam, lực lượng Công an Nhân dân, và lãnh tụ.
Ba yếu tố nêu trên đã trở thành một ‘lằn ranh đỏ’, là một ‘húy kỵ’ mà bất cứ ai vượt qua, chạm vào đều bị xử phạt nặng theo hướng trừng phạt (chứ không còn răn đe, giáo dục nữa). Do vậy, hiểu bản chất chế độ hiện thời là công an trị cũng không phải là nhận định vô căn cứ.
Việt Nam duy trì lực lượng công an khá lớn trong xã hội nhằm kiểm soát tư tưởng và hành vi
Sự đề cao tuyệt đối lực lượng công an như một trong 3 rường cột của chế độ, đề cao nguyên tắc ‘kiểm soát’ đã khiến lực lượng này vốn dĩ để khống chế và ngăn chặn ‘tội phạm’ nay trở thành một lực lượng bất khả xâm phạm, nơi tập trung quyền lực tối cao, nơi quyết định số phận của từng con dân Việt. Theo đó, đây là lực lượng chủ chốt trong ‘kiểm soát và chống lại các phần tử cơ hội, bè lũ phản động, kẻ thù của Đảng’ [1] ; và dường như lực lượng này sử dụng Luật an ninh mạng, Luật Hình sự ‘để chống lại dòng tư tưởng – chính trị lệch lạc, ngăn chặn những ảnh hưởng thù địch, nóm người bất đồng chính kiến’, và có thể là ‘ưu tiên giáo dục lại bằng biện pháp giam cầm’ ?
Đề cao vai trò tối cao của lực lượng công an, xử phạt nghiêm khắc những ai chạm đến lực lượng công an (dù mục đích có thể là phản ánh hành xử trái với luật, cũng như giá trị nhân quyền mà Việt Nam cam kết) chính là tạo ra sự lan truyền sợ hãi – và đây chính là công cụ để ‘đe dọa, kiềm tỏa’ tư tưởng và hành vi của người dân trong thể chế độc tài.
Đông Đức – trước khi bức tường Berlin sụp đổ, đã từng là nước hỗ trợ đắc lực hình thành Công an Việt Nam. Và đây là quốc gia duy trì 90.000 công an, 260.000 người thuộc lớp 'tin báo quần chúng nhân dân', và giữ gìn chế độ dựa trên sự ám sát, bắt cáo, tố cáo, đe dọa những người bất đồng chính kiến trong hơn 30 năm ; ép buộc 16,5 triệu người phải tuân phục chủ nghĩa Cộng sản.
Và Erich Mielke, người đứng đầu mật vụ Đông Đức đã tuyên bố : Tiến hành, nếu cần thì không cần có tuyên bố của tòa án.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 11/02/2018
Tham khảo :
(*) VnExpress sau đó chuyển tiêu đề thành : Bị phạt tù vì chống người thi hành công vụ, xâm phạm lợi ích nhà nước
Mới đây, một quan chức và cũng là một trí thức xã hội chủ nghĩa là Thượng tướng – Bộ trưởng công an Tô Lâm có viết một bài dài trên các báo công an. Dù bài viết dài nhưng nội dung bài viết vẫn chỉ xoay quanh ý chính là lực lượng công an phải trung thành với đảng cộng sản : "công an chỉ biết còn đảng [cộng sản] thì còn mình".
Lực lượng công an phải trung thành với đảng cộng sản
Hẳn là giới lãnh đạo cộng sản rất yên lòng khi nghe hết tướng quân đội lại đến tướng công an bày tỏ lòng trung thành với họ. Giới lãnh đạo thì vậy, thế còn các anh em lính trẻ thì sao ? Tôi vẫn nghĩ cần phải chỉ ra cho các anh em trẻ trong lực lượng vũ trang, gồm cả quân đội và công an, thấy rõ các anh em cần phải trung thành với ai.
Dân trả lương cho lực lượng vũ trang chứ không phải đảng cộng sản
Đầu tiên, cần khẳng định rõ ràng rằng tiền lương, tiền phụ cấp, và mọi thứ bổng lộc khác mà sĩ quan quân đội, công an được hưởng đều là từ tiền thuế của dân. Giới lãnh đạo cộng sản hoàn toàn không có gì để cho các anh em cả. Chính họ tự nhận là họ thuộc tầng lớp vô sản, không hề sở hữu tài sản gì, đi làm cách mạng để "bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình" (lời Quốc Tế Ca).
Để có tiền trả lương nhằm mua sự trung thành của các anh em, giới lãnh đạo cộng sản không ngần ngại tăng thuế phí vô tội vạ gây gánh nặng và oán thán cho dân khắp nơi. Các anh em có thể thấy vui khi thấy tiền lương mình tăng một chút nhưng bù lại, gia đình, họ hàng và chính anh em phải trả tiền đổ xăng cao hơn, mua đồ mắc hơn vì các sắc thuế đều tăng.
Cái tuyệt chiêu này gọi là "lấy mỡ nó rán nó". Giới lãnh đạo cộng sản bắt con em nhân dân đi nghĩa vụ công an, quân đội, rồi lấy tiền thuế của nhân dân đóng trả lương cho con em nhân dân để đi làm "công cụ bạo lực" bảo vệ "chính quyền cách mạng" cho họ. Thật quá sức "tài tình" và "khéo léo" !
Dân không chỉ đóng thuế để nuôi lực lượng vũ trang mà còn nuôi cả bộ máy đảng cộng sản. Luật Ngân sách nhà nước ghi rõ là bảo đảm kinh phí cho đảng cộng sản và mặt trận tổ quốc. Giới lãnh đạo cộng sản tự xưng là đại diện cho nhân dân lao động nhưng họ không hề lao động mà ăn bám vào đồng thuế đẫm mồ hôi nước mắt của nhân dân, của chính họ hàng, người thân, bạn bè các anh em lính tráng.
Nếu dân không phải nuôi bộ máy đảng cộng sản, mặt trận ăn bám thì tiền lương dành cho quân đội, công an đã cao hơn nhiều, và quân đội đã có thể có tiền để mua được nhiều trang thiết bị, vũ khí hiện đại hơn. Vậy thì lý do gì để anh em lính tráng trung thành với họ ?
Sao dám giao tính mạng cho những người không biết đánh trận ?
Giới lãnh đạo cộng sản nói chung, các tướng lãnh công an, quân đội nói riêng, đòi hỏi các anh em lính tráng phải trung thành với họ. Thế thì một câu hỏi đặt ra là khả năng cầm quân đánh trận của họ đến đâu.
Nếu để ý tin tức một chút thì anh em sẽ thấy là giới lãnh đạo cộng sản không có khả năng bảo vệ đất nước. Ví dụ là tháng 7/2017, công ty Repsol phải rút khỏi dự án Cá Rồng Đỏ trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam do áp lực quân sự từ Trung Quốc. Tướng lãnh Việt Nam không thấy nói cho dân biết kế sách bảo vệ đất nước thế nào mà chỉ thấy đòi kinh doanh kiếm tiền, đòi "phong tướng" nếu không thì sẽ "tâm tư", theo lời trần tình của ông cựu Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh.
Hiện tại thì các tướng lãnh quân đội, công an đang suy nghĩ làm sao đè bẹp được ý chí phản kháng của người dân Đồng Tâm và cướp đất của dân Đồng Tâm, Hà Nội được êm thắm. Những tướng tá như vậy có đáng để anh em trung thành ?
Xa hơn, ngày 14/3/1988, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam chết thảm tại đảo Gạc Ma vì "lãnh đạo cấp cao" của đảng cộng sản ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng chống lại quân xâm lược. Đây là theo lời tiết lộ của tướng Lê Mã Lương và clip vẫn còn đầy trên Youtube.
Chưa kể là sau này, tất cả những người lính chiến đấu với quân xâm lược Trung Quốc ở cả mặt trận biên giới phía Bắc từ năm 1979 đều bị truyền thông, lịch sử đảng cộng sản lãng quên. Bia tưởng niệm bị đục bỏ. Những người dân đi tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh vì nước thì bị đánh đập, đe dọa.
Những cựu chiến binh ở chiến trường Campuchia từ năm 1979 cũng bất bình như vậy. Họ cũng chiến đấu để bảo vệ quốc gia nhưng giới lãnh đạo cộng sản vì muốn làm người em tốt của Trung Cộng nên đã xóa bỏ lịch sử.
Ngay cả cái gọi là "Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968" đang được kỷ niệm rầm rộ, anh em cũng thấy là giới lãnh đạo cộng sản dù biết là đánh không thắng nhưng vẫn xua lính vào chỗ chết. Không hề có chuyện dân đồng tình với đảng cộng sản và "nổi dậy". Việc những hình ảnh chết chóc của cuộc chiến tác động đến dư luận Mỹ đòi hỏi rút quân về nước hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của họ. Anh em có thể đọc thêm cuốn "Điệp viên yêu chúng ta" (The spy who loved us) của Thomas Bass nói về điệp viên Phạm Xuân Ẩn để có thêm thông tin.
Do đó, nếu trung thành với giới lãnh đạo cộng sản thì anh em nên chuẩn bị tinh thần là sẽ có thể chết tức tưởi vì có súng đạn trong tay cũng không được bắn, hay biết là không thể đánh mà vẫn bị ép vào chỗ chết, và có chết thì sẽ bị lãng quên. Suy cho cùng, anh em chỉ là "công cụ bạo lực" cho họ, không dùng được nữa thì vứt bỏ. Anh em đừng mong là khi chết anh em sẽ được chôn cùng họ ở nghĩa trang cao cấp Mai Dịch hay nghĩa trang Yên Trung 1.400 tỷ.
Nếu tôi ở vào vị trí như 64 chiến sĩ hải quân ở Gạc Ma, chắc chắn tôi sẽ chống lệnh của "lãnh đạo cấp cao" và bắn trả quân xâm lược Trung Quốc. Thật sự tôi không tán thành cái chết cam chịu tuân phục cấp trên mù quáng như vậy.
Đảng cộng sản và bác Hồ không "đẻ" ra anh em
Một ngụy biện thường thấy của các "giáo sư tiến sỹ" xã hội chủ nghĩa như ông Tô Lâm là bác Hồ và đảng cộng sản đã thành lập ra quân đội nhân dân và công an nhân dân thì quân đội và công an phải trung thành với đảng cộng sản.
Cần phải nói ngay rằng đây là chuyện giả dối. Những người lính đầu tiên gia nhập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là để giải phóng đất nước khỏi thực dân và phát-xít chứ không phải gia nhập quân đội để bảo vệ quyền lợi cho riêng đảng phái nào. Anh em cứ đọc 10 lời thề đầu tiên của đội là sẽ rõ. Bản thân ông Hồ cũng khẳng định quân đội "trung với nước, hiếu với dân". Chuyện "trung với đảng, hiếu với dân" là lời lẽ bịa đặt của giới lãnh đạo cộng sản.
Nếu lúc đó giới lãnh đạo cộng sản "huỵch toẹt" là họ chỉ lợi dụng xương máu anh em trong quân đội để thâu tóm quyền lực và quyền lợi, biến "trung với nước" thành "trung với đảng" thì chắc chắn không có ai theo họ làm cách mạng hết.
Chính ông Lê Kiên Thành, con trai của cố Tổng bí thư đảng cộng sản Lê Duẩn, trong bài viết mới đây đã công nhận 90% liệt sĩ nằm lại Trường Sơn không phải là đảng viên cộng sản mà họ vẫn chết vì [điều mà họ tin là] lợi ích dân tộc. Thắng lợi chiến tranh hay cách mạng gì thì cũng là do dân hy sinh là chính mà thôi. Giới lãnh đạo cộng sản nhận vơ hết công trạng của họ rồi bắt anh em lính tráng phải trung thành với họ là chuyện gian trá.
Nhân dân không biết ra lệnh
Mọi văn kiện của đảng cộng sản hay như bài viết mới đây của ông Tô Lâm đều thêm "nhân dân" vào sau phần "trung thành với Đảng, Nhà nước" cho dân đỡ tủi. Thế nhưng "nhân dân" là một khái niệm rất tổng quát. Liệu có người dân cụ thể nào có thể ra lệnh cho quân đội, công an hay không ? Đó thực sự chỉ là một trò mị dân.
Ở các nước thật sự "dân chủ, công bằng, văn minh", lực lượng vũ trang chỉ trung thành với Hiến pháp, và qua đó lực lượng vũ trang trung thành với nhân dân một cách thực chất. Lực lượng vũ trang chấp hành mệnh lệnh của người lãnh đạo được dân bầu ra qua bầu cử đa đảng tự do và công bằng. Tuy nhiên, nếu người lãnh đạo đó vượt quyền hạn do Hiến pháp trao cho và ra lệnh cho lực lượng vũ trang đàn áp dân thì lực lượng vũ trang có quyền từ chối không chấp hành mệnh lệnh.
Ở Việt Nam, lực lượng vũ trang "nhân dân" đi đánh đập những người dân tưởng niệm những liệt sĩ đã chống giặc Tàu xâm lược, đánh những người dân đi khiếu kiện đất đai như cụ Lê Đình Kình, đi kinh doanh bất chấp luật pháp để kiếm tiền như vụ Vũ nhôm… Xương máu các anh em chiến sĩ bị lợi dụng, lạm dụng chỉ để bảo vệ cái ghế bất hợp pháp của đảng cầm quyền, làm đầy túi tham cho họ.
Nhắn nhủ
Tôi viết bài này để các anh em trong quân đội, công an đọc, nhất là các anh em trong Lực lượng 47 đọc và cùng thảo luận trong các đơn vị quân đội mà các anh em đang công tác. Tôi không phải là "thế lực thù địch" mà là đồng đội của các anh em. Nhiều bà con, họ hàng, bạn bè của tôi đang là sĩ quan. Nếu có giặc đến thì tôi là người cầm súng cùng với anh em bảo vệ đất nước chứ không phải những người đang rao giảng cho các anh em về lòng trung thành với đảng cộng sản.
Giới lãnh đạo cộng sản ngoài chuyện bất lực trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, còn tỏ ra bất lực trong việc phát triển kinh tế. Đơn cử như chuyện phát triển công nghiệp ô tô là một sản phẩm cực kỳ quan trọng trong việc công nghiệp hóa thành công thì đến giờ này Bộ Công thương và Bộ Tài chính vẫn cãi nhau ỏm tỏi về việc áp dụng thuế cho ô tô như thế nào. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì ra lệnh tính cả nền kinh tế ngầm vào GDP để GDP cao hơn, và có thể vay nợ nhiều hơn. Đảng cộng sản tiếp tục cầm quyền bất hợp pháp không do dân bầu thì đất nước tiếp tục lụn bại về kinh tế, và qua đó gây suy giảm khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang vì không có tiền mua sắm trang thiết bị, vũ khí.
Nếu giới lãnh đạo cộng sản không thay đổi sang dân chủ thực chất thì cuối cùng chắc chắn sẽ có biến động chính trị – xã hội lớn. Khi đó, hẳn anh em đã biết phải đứng về phía ai, nhân dân hay giới lãnh đạo cộng sản ?
Trung Nguyễn
Nguồn : © Copyright Tiếng Dân, 06/02/2018
Công an Việt Nam 'sẵn sàng hy sinh bảo vệ Đảng' (BBC, 02/02/2018)
Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Thượng tướng Tô Lâm viết rằng công an Việt Nam 'sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng Cộng sản' trong bài trước dịp kỷ niệm 88 năm thành lập đảng này.
Lực lượng Công an nhân dân trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam
Đảng Cộng sản Việt Nam là 'Nhân tố thắng lợi của công an nhân dân', theo bài viết nhân kỷ niệm 88 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2018), trên trang web Bộ Công an.
Ông viết : "Thực tiễn lịch sử anh hùng của Công an nhân dân Việt Nam cho thấy, quá trình xây dựng, lớn mạnh, trưởng thành, những chiến công, thành tích vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng"...
Bài viết điểm lại lịch sử hình thành, phát triển của Lực lượng công an nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1945 đến nay.
"Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng thì còn mình", ông Tô Lâm viết. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng... Ngoài mục tiêu đó ra, công an nhân dân không có mục tiêu nào khác".
Chống lại nhiều hình thức phá hoại
Bài cũng đề cập đến "các thế lực thù địch" hiện nay đang có nhiều "hình thức phá hoại" "nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam".
Và "một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân có biểu hiện phức tạp, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", bị lợi dụng".
Trong bối cảnh đó, Thượng tướng Tô Lâm kêu gọi các đảng viên phải "có khả năng tự bảo vệ, tự đề kháng", "tự soi, tự sửa".
Phát biểu chỉ đạo hôm 15/1 tại hội nghị ngành công an, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh "phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng Công an".
Ông đưa ra đánh giá về những "kết quả quan trọng" mà lực lượng công an đã làm trong năm 2017 và đưa ra định hướng cho ngành này.
Đó là công an cần "bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa nhiều âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước.
Giữ vững an ninh tại các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ".
Từ tháng 8/2016, ông Nguyễn Phú Trọng đã tham gia Thường vụ Đảng ủy Bộ Công an.
Ông cũng nêu ra nhiều lần rằng "công an phải làm tốt công tác bảo vệ Đảng", thậm chí chống xâm nhập.
"Bảo vệ các cơ quan đầu não, không để sơ hở, không để kẻ địch, bọn phản động, phần tử xấu thâm nhập"...
Cả hai câu 'Công an phải bảo vệ Đảng' và 'Công an chỉ biết còn Đảng còn mình' tuy được nhắc lại khá đều đặn gần đây nhưng không phải là ý tưởng gì mới.
Hồi năm 1959, cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã nói :
"Đảng giao cho Công an nhiệm vụ bảo vệ Đảng. Công an phải thấy Đảng giao vận mệnh của Đảng cho mình. Vì vậy, Đảng lựa chọn Công an trong những người trung thành nhất với Đảng, những người chỉ biết sống chết với Đảng, chỉ biết còn Đảng thì còn mình".
Chú ý đến dư luận
Ông Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao quyết định thăng hàm Thượng tướng hồi tháng 9/2014.
Khi đó ông giữ chức Thứ trưởng phụ trách an ninh đối ngoại ở Bộ Công an.
Ông lên làm Bộ trưởng Công an từ tháng 4/2016 và được tiếng là cởi mở với báo chí, kể cả đài báo nước ngoài khi được phỏng vấn vào những dịp quan trọng.
Hồi tháng 2/2017, khi xảy ra vụ công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương bị bắt vì vụ Kim Jong-nam, ông Tô Lâm đã trả lời BBC Tiếng Việt về vụ việc.
Đánh giá sự kiện này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Singapore cho rằng các phát biểu của ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đưa ra là "phù hợp, hợp lý".
******************
Việt Nam lo sợ đầu tư nước ngoài giảm vì luật thuế mới của Mỹ (VOA, 02/02/2018)
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể bị ảnh hưởng đi khi Mỹ cắt giảm sâu thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 21%.
Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các nhà đầu tư Mỹ có thể sẽ quay trở lại Mỹ để hưởng lợi từ việc cắt giảm sâu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Luật thuế mới của Mỹ được Tổng thống Donald Trump ký ban hành hôm 22/12/2017 cho phép giảm thuế TNDN từ 35% xuống còn 21%. Bên cạnh đó các khoản đầu tư nước ngoài của các nhà đầu tư Mỹ mà chuyển về nước cũng chỉ bị đánh thuế 10.5%.
Điều này dẫn đến lo ngại rằng các doanh nghiệp của Mỹ lâu nay hoạt động ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam, sẽ chuyển tiền về nước thay vì giữ lại để tái đầu tư, theo nhận định của Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, với Tuổi Trẻ.
Việc cắt giảm thuế TNDN của Mỹ, theo Tiến sĩ kinh tế Phạm Đỗ Chí, sẽ làm cho các hãng giảm đầu tư ra ngoài nước Mỹ và bớt gia công sản xuất hàng hóa ở nước ngoài.
Tổng thống Donald Trump ký ban hành luật thuế mới hôm 22/12/2017.
"(Các doanh nghiệp) sẽ đem về Mỹ để sản xuất vì thuế ở đây rất thấp. Ví dụ, ở Ireland sản xuất có lời vì thuế bên đó là 12% nhưng bây giờ giảm thuế rất mạnh từ 35% xuống 21% thì các hãng sẽ đem tiền lời từ thuế về đây để đầu tư".
Chính phủ của Tổng thống Trump hy vọng luật thuế mới sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chuyển về Mỹ và tạo công ăn việc làm thêm cho người Mỹ. Đây cũng là lời hứa của ông Trump với các cử tri Mỹ khi còn trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016.
Kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu nhiều doanh nghiệp Mỹ theo xu hướng này, theo Tiến sĩ Ngoạn.
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh cho rằng việc cảnh báo này là cần thiết cho những người điều hành nền kinh tế Việt Nam.
"Theo tôi đấy là một lo ngại có căn cứ. Như chúng ta thấy là tập đoàn Apple sau khi có mức (thuế) thay đổi, họ đã quyết định chuyển một phần lớn vốn của họ về Hoa Kỳ và hy vọng tạo thêm công ăn việc làm và được hưởng lợi", theo Tiến sĩ Doanh. "Với xu thế này cần phải tiếp tục theo dõi một cách rất cẩn trọng xem luồng vốn của Hoa Kỳ chảy trở lại Hoa Kỳ và luồng vốn của các tập đoàn khác đổ xô vào đầu tư ở Hoa Kỳ sẽ diễn ra đến mức độ nào".
Trong tháng 1/2018, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã giảm mạnh, theo Tiến sĩ Doanh, cựu viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ông nhận định, luật thuế mới của Mỹ với "động lực để thu được lợi nhuận tối đa với một mức thuế xuất thấp sẽ tác động đến luồng vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam".
Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Phúc lo ngại dòng vốn FDI sẽ rút khỏi Việt Nam vì tác động của chính sách cải tổ thuế của Mỹ.
Việt Nam được coi là rất thành công trong việc thu hút vốn FDI. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2014 cho thấy Việt Nam luôn giữ được FDI ở mức 10-12 tỷ USD mỗi năm trong những năm đầu thế kỷ 21 và đạt 15.8 tỷ USD vào năm 2016.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn, theo Tiến sĩ Ngoạn – người dẫn đầu tổ tư vấn – nhận định với Tuổi Trẻ rằng khả năng một số nước phát triển có thể giảm thuế để cạnh tranh với Mỹ và làn sóng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ nên cần phải theo dõi.
Theo Tiến sĩ Ngoạn, Trung Quốc đã hành động kịp thời sau khi Mỹ có động thái như nêu trên. Đó là khuyến khích doanh nghiệp của Mỹ có vốn tái đầu tư sẽ được miễn thuế. Trái lại, nếu các nhà đầu tư chuyển vốn ra ngoài Trung Quốc, họ tuyên bố sẽ có những biện pháp kiểm soát ngoại tệ nhằm hạn chế việc thoái vốn.
Hiện mức thuế TNDN phổ thông ở Việt Nam là 20%, vẫn thấp hơn 1% so với mức thuế mới của Mỹ đánh vào thu nhập của các doanh nghiệp. Nhưng theo các chuyên gia, môi trường đầu tư ở Việt Nam còn nhiều bất cập và nạn tham nhũng tràn lan đang làm nản lòng những nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó môi trường kinh doanh của Mỹ rất khác với Việt Nam vì nó ổn định và công khai minh bạch rõ ràng hơn, theo Tiến sĩ Doanh.
"Nỗ lực ngay bây giờ là Việt Nam cần cải cách để cải thiện môi trường đầu tư bằng cách phải xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực".
Phí bôi trơn, theo Tiến sĩ Doanh, là một trong những điều làm cản trở các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016, có khoảng 66% doanh nghiệp phải chấp nhận những khoản chi không chính thức cho các quan chức địa phương để giúp việc kinh doanh thuận tiện.
Việt Nam đứng thứ 113 trên 176 nước trong bảng xếp hạng về chỉ số tham nhũng của Transperancy International.
******************
Dự án đường hầm xuyên biển đầu tiên tại Hạ Long (VOA, 02/02/2018)
Chính quyền tỉnh Quảng Ninh cho biết "đang nghiên cứu và khẩn trương hoàn thiện" dự án đầu tư đường hầm ngầm dưới nước dài hơn 1,3 km ở cửa ngõ vịnh Hạ Long để báo cáo Thủ tướng, sau đó sẽ công bố công khai dự án và "xin ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân".
Du khách đi thuyền thăm Vịnh Hạ Long.
Theo trang tin của Chính phủ Việt Nam, đường hầm xuyên biển là một công trình hầm cấp đặc biệt, với 6 làn xe, được thiết kế theo tiêu chuẩn xây dựng mà Việt Nam đưa ra năm 2007.
Đường hầm dài 2.140 m sẽ nối hai trục đường chính trên hai bờ vịnh Hạ Long, thuộc khu vực Cửa Lục, thành phố Hạ Long, với mục tiêu "nâng cao năng lực kết nối, thông thương đường bộ" giữa các khu vực, và giảm tải cho cây cầu độc nhất Bãi Cháy đã quá tải, liên tục bị ách tắc giao thông, nhất là vào thời điểm mưa bão.
Chính quyền tỉnh Quảng Ninh nói đây là một dự án trọng điểm, nhưng mới chỉ trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Sau khi báo cáo cho Thủ tướng, dự án sẽ được công bố công khai và lấy ý kiến đóng góp từ người dân.
Tổng mức dự kiến đầu tư cho dự án là 7.875 tỷ đồng (346.57 triệu đôla), trong đó chi phí xây dựng chiếm gần 5.000 tỷ đồng.
Hạ Long là địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam được thế giới biết tiếng.
Năm ngoái, khu vực này đã nhận 6,93 triệu du khách đến tham quan, tăng 12,9% so với năm 2016.
Nếu dự án được thông qua, đường hầm xuyên biển đầu tiên tại Việt Nam sẽ được khởi công vào đầu năm 2019.
Ông Trọng đang ‘cải tổ’ Bộ Công an ? (VOA, 17/01/2018)
Tại Hội nghị Công an toàn quốc ngày 15/1, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lực lượng an ninh Việt Nam "phải đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng", đồng thời hối thúc điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức bộ máy Bộ Công an.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị Công an toàn quốc vào ngày 15/1/2018.
Phát biểu của ông Trọng được đưa ra giữa bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam đang gây chú ý qua vụ bắt và xét xử Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng và cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.
'Còn Đảng còn mình'
Ngay điểm đầu tiên trong bài phát biểu dài hơn 4.600 từ, ông Trọng khen lực lượng công an "Đã thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn chức năng tham mưu với Đảng", "Chủ động đề xuất các chủ trương, đối sách phù hợp để xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống, nhất là các vấn đề nhạy cảm, không để bị động, bất ngờ", "vô hiệu hóa nhiều âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước".
Tổng bí thư cũng không quên nhắc đến công của lực lượng công an trong chiến dịch chống tham nhũng.
"Nhiều vụ việc tồn tại từ những năm trước đã được triển khai đồng bộ, bài bản, thận trọng và giải quyết triệt để, đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được dư luận hết sức quan tâm, nhân dân đồng tình ủng hộ", ông Trọng nói.
Trong bài phát biểu, ông Trọng liên tục đề cập đến vai trò chỉ đạo "tuyệt đối" và "trực tiếp" của Đảng. Ông nhắc lực lượng công an phải "luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí" và thực hiện cho bằng được chân lý "Còn Đảng thì còn mình".
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà nghiên cứu chính trị, thời sự tại Việt Nam, cho rằng sở dĩ ông Trọng chú ý đặc biệt, thậm chí trực tiếp tham gia vào lực lượng công an là do học hỏi từ kinh nghiệm từ chiến dịch chống tham nhũng và thâu tóm quyền lực của Tập Cận Bình ở Trung Quốc.
"Công an quan trọng ở chỗ : Thứ nhất, đó là cơ quan điều tra, nếu cần thiết có thể điều tra về tham nhũng. Thứ hai, đó là cơ quan nắm hồ sơ về tham nhũng mà các cơ quan khác khó lòng nắm được. Nhưng điều quan trọng trên hết, khi thi hành các biện pháp tố tụng hình sự đối với các quan chức, thì chính công an là cơ quan có quyền khởi tố và đi bắt người", Tiến sĩ Phạm Chí Dũng phân tích.
Tháng 9/2016, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng bí thư đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam "chủ động tham gia" vào Đảng ủy Công an trung ương.
Cho đến nay, theo nhận định của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, ông Trọng đã bắt đầu "nắm" được Bộ Công an, và minh chứng rõ ràng nhất là vụ "điều binh khiển tướng" bắt cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.
Vụ án ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng, theo nhận định của giới quan sát quốc tế, là một cuộc đấu đá nội bộ, trong đó phe cánh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đối tượng đang bị nhắm tới.
Biến động lớn về nhân sự ?
Cũng tại hội nghị của lực lượng công an, ông Nguyễn Phú Trọng còn đề cập đến vấn đề "lợi ích nhóm" khi nhắc nhở về những biểu hiện "suy thoái" của công an nhân dân.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng nhắc nhở của ông Trọng có liên quan đến những vụ bê bối trong ngành công an. Ông nói :
"Lần đầu tiên kể từ khi tham gia vào Thường vụ Đảng ủy trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng đề cập đến chuyện phải xử lý nghiêm khắc những cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật. Cũng thời điểm này lại xảy ra 2 vụ trong ngành công an. Thứ nhất là vụ Vũ Nhôm đào thoát khỏi Việt Nam và sau đó bị dẫn độ về Việt Nam. Vụ thứ hai là tin đồn cựu Tổng cục trưởng Cảnh sát nhân dân, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, bị bắt liên quan đến việc bảo kê cờ bạc. Mặc dù tin này chưa được xác nhận chính thức, nhưng Bộ Công an khi trả lời báo chí cũng không khẳng định không bắt Phan Văn Vĩnh, chỉ nói rằng tin đồn không có cơ sở. Nhưng cho tới giờ, không có bất cứ phát biểu, hình ảnh của ông Vĩnh được đưa ra nên dư luận càng nghi ngờ việc bắt Phan Văn Vĩnh là có thật".
Trong bài phát biểu, ông Trọng cũng đề cập đến việc "sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an", một chỉ dấu mà theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, báo hiệu những biến động, đảo lộn lớn về mặt nhân sự tại Bộ Công an trong năm 2018, trong đó, không loại trừ khả năng đối thủ chính trị hay phe cánh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục bị nhắm tới.
"Sắp xếp hay cải tổ thì đều liên quan đến vấn đề nhân sự. Những nhân sự cũ của ông Nguyễn Tấn Dũng để lại trong Bộ Công an vẫn còn. Nên theo tôi, những nhân sự do ông Nguyễn Tấn Dũng bố trí trong Bộ Công an trước đây có lẽ là một thành phần quan trọng mà ông Nguyễn Phú Trọng muốn nhắm tới trong việc cải tổ, sắp xếp lại Bộ Công an", Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói.
Tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10 năm ngoái, ông Nguyễn Phú Trọng nói "tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh" và "cơ cấu bên trong chưa hợp lý". Ông yêu cầu phải sắp xếp lại bộ máy, trong đó, công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước là thành phần được ông Trọng điểm ra.
****************
Bộ Công an Việt Nam thành lập Cục An ninh Mạng (RFA, 16/01/2018)
Bộ Công an Việt Nam đã thành lập Cục An ninh Mạng hay còn gọi là Cục A68 với mục tiêu được cho biết nhằm bảo vệ an ninh mạng và đấu tranh chống lại các thế lực chống lại Đảng và Nhà nước.
Một người đàn ông đang sử dụng máy tính xách tay ở một cửa hàng cà phê ở Hà Nội hôm 28/11/2013 - AFP
Đây là thông tin được ông Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết tại buổi họp báo về kết quả công tác năm 2017 và phương hướng 2018 của Bộ Công an, diễn ra vào chiều 15 tháng giêng vừa qua.
Ông Nam nói rằng những thông tin lan truyền trên mạng liên quan đến ngành công an đều được giao cho Cục A68, chẳng hạn như vụ án Vũ "nhôm" hay tin đồn ông Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát dính líu đến một vụ đánh bài.
Báo cáo của Bộ Công an cũng khẳng định rằng năm 2017 là một năm an ninh quốc gia của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến động trên thế giới, khu vực và trong nước.
Trong khi đó, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73 diễn ra vào cùng ngày, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã tái khẳng định rằng nhiệm vụ của Bộ Công an là làm sao để đảm bảo Đảng lãnh đạo lực lượng công an một cách trực tiếp và tuyệt đối.
Ông Trọng cũng ngỏ lời khen ngợi công an Việt Nam đã làm tốt trong các vụ án chống tham nhũng lớn, bao gồm việc điều tra và khởi tố hàng trăm vụ án tham nhũng trong đó có cả các quan chức cấp cao của Đảng. Ông Trọng hi vọng chiến dịch chống tham nhũng năm 2018 sẽ quyết liệt và cứng rắn như năm 2017 vừa qua.
Trước đó, vào ngày 8/1, Bộ Quốc phòng cũng công bố quyết định thành lập Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng với nhiệm vụ được nói là bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và công nghệ thông tin trong toàn quân. Lực lượng này còn được gọi là lực lượng 47 với 10.000 người. Tên gọi lực lượng 47 được lấy theo số của Chỉ thị 47 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, trong đó có quy định về việc giám sát, quản lý việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet trong quân đội, quản lý báo chí, xuất bản.
Trang Facebook 'Triển lãm giấy mời' trưng bày hơn 150 văn bản do chính quyền gửi đến người dân như giấy mời, giấy hay lệnh triệu tập.
Cuộc triển lãm trên mạng trưng bày ‘giấy mời lên làm việc’ sau gần hai tháng thực hiện đã thu hút gần 100.000 số lượt người vào xem. Cuộc triển lãm độc đáo này do các nhà tranh đấu nhân quyền Việt Nam thực hiện, trưng bày hơn 150 văn bản do chính quyền gửi đến người dân như giấy mời, giấy hay lệnh triệu tập.
Giới hoạt động nói rằng cuộc triển lãm cho thấy chính quyền đã lợi dụng các loại giấy mời khác nhau để đe dọa và sách nhiễu những tiếng nói phản biện.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho VOA biết lý do của cuộc triển lãm này :
"Do cơ quan nhà nước, mà cụ thể là công an, họ nghĩ là họ có quyền, họ muốn làm gì thì họ làm. Cứ mỗi việc là người ta gửi giấy mời xuống tới công dân và bắt công dân, áp lực công dân phải tới đồn công an, làm những việc mà họ cần. Thực ra những việc đó là họ cần người dân. Nếu muốn người dân hợp tác thì họ phải xin người dân để người dân cung cấp thông tin cho họ… Ngược lại họ rất uy quyền. Họ ngộ nhận họ có những quyền như vậy. Họ cứ gởi giấy mời và buộc dân phải tới đồn công an làm việc".
Ông Huỳnh Công Thuận, người từng tham gia các đợt biểu tình chống chính sách bá quyền của Trung Quốc cho VOA biết :
"Người khởi xướng là anh Huỳnh Ngọc Chênh. Do thời gian gần đây nhiều người bị mời, mời một cách rất lạ lùng, bị triệu tập với những lý do rất vớ vẩn. Hai vợ chồng ảnh bị mời liên tục. Do đó ảnh có ý làm triển lãm. Ai có giấy mời từ xưa đến giờ, cũ nhất, hàng độc đáo, hàng lạ lùng, hoặc cũ xưa nhất thì đưa lên".
Một giấy mời gửi cho ông Huỳnh Công Thuận
Ông Huỳnh Công Thuận cho biết ông đã được trao giải thưởng là người có giấy mời cũ nhất. Ông đã nhận lệnh mời của công an phải đi "học tập" vào năm 1979 và một giấy mời khác năm 1987. Ông Thuận cho biết ông không nhớ nổi ông đã nhận tất cả bao nhiêu giấy mời, có giấy với rất nhiều lý do rất vô lý từ chính quyền, kể từ khi ông tham gia các cuộc biểu tình chống ý đồ bá quyền của Trung Quốc. Ông Thuận cho biết đã có lần nhận được giấy mời đi kèm với lệnh áp tải :
"Cái đợt anh Điếu Cày bị bắt, tôi bị triệu tập 3, 4 đợt. Có khi gửi đợt 1, gửi đợt 2, và đem xe hụ còi đến chở đi luôn. Đợt đó là lúc Trung Quốc tổ chức Olympic ở Bắc Kinh. Họ giữ chúng tôi 2 ngày mà lại mượn danh là triệu tập".
Theo cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, cuộc triển lãm được sự hưởng ứng của giới tranh đấu, những người liên tục bị gọi lên làm việc với chính quyền. Người có giấy mời nhiều nhất như bà Dương Thị Tân với 51 giấy mời và giấy triệu tập, ông Phạm Bá Phải nhận được 39 giấy mời và giấy triệu tập… Nhìn chung, theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, khi gửi giấy mời mà người dân không đến, thì chính quyền gửi giấy triệu tập.
Trên diễn đàn của cuộc triển lãm người ta thấy các nhà hoạt động như cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Ngọc Tuấn, nhà vận động Phạm Thanh Nghiên, nhà báo tự do Trương Duy Nhất, blogger Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, blogger Nguyễn Văn Thạnh, luật sự Hà Huy Sơn… đều đã nhận rất nhiều giấy mời và giấy triệu tập.
Ông Chênh giải thích ý nghĩa của cuộc triển lãm :
"Tôi làm cuộc triển lãm này để nói lên rằng cơ quan pháp luật mà không hiểu biết pháp luật và lạm dụng quyền của mình để xúc phạm quyền lợi của người dân. Tôi đưa lên cũng nhằm mục đích trao đổi kinh nghiệm với nhau : việc gì mình cần thì mình đến, nếu không cần thì mình không đến. Đồng thời cũng muốn góp ý với cơ quan nhà nước là phải hiểu các quyền của mình ở mức nào, và quyền của người dân ở mức nào. Và phải làm cho đúng pháp luật".
Một giấy mời gửi cho ông Huỳnh Ngọc Chênh (Facebook Triển Lãm giấy mời)
Theo nhà báo cũng như là blogger Huỳnh Ngọc Chênh, nhiều người đã nhận các loại giấy triệu tập mà không rõ lý do bị triệu tập, nhưng vì họ không còn lưu giữ các giấy tờ đó nên không tham gia vào cuộc triển lãm độc đáo này. Ông Chênh khuyến khích các nhà tranh đấu nên lưu giữ các loại giấy mời và triệu tập để làm bằng chứng cho điều mà ông cho là cách thực thi pháp luật sai trái của nhà nước.