RFA, 05/08/2022
Một người bị đi tù vì biểu tình phản đối dự luật Đặc khu, mãn án trở về bị công an đưa đi quản chế ở một tỉnh khác cách xa vợ con cả ngàn cây số.
Pháp Luật
Ông Trần Thanh Phương sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh từ khoảng 30 năm qua và bị bắt hồi tháng 9/2018 sau các hoạt động biểu tình chống dự luật Đặc khu và An ninh mạng.
Ông bị Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kết ba năm sáu tháng tù và hai năm quản chế về tội danh "Phá rối an ninh" trong phiên tòa hồi tháng 7/2020 cùng với bảy người khác.
Đến ngày 7/3/2022, ông hết án trở về thì bị công an Trại giam An Phước đưa về Thừa Thiên-Huế để buộc ông thực hiện án quản chế tại đây, trong khi vợ con ông đều sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Khi bị chất vấn thì phía công an đưa cho ông một bản copy của bản "sao y bản chính" văn bản số 120 ngày 23/7/2021 của tòa án với tiêu đề Thông báo sửa chữa quyết định thi hành án hình phạt tù.
Theo văn bản ký tên của Phó Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thì quyết định về việc thi hành án phạt tù, trong đó có hình phạt bổ sung là phạt quản chế ông Phương "tại nơi cư trú phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian hai năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù" là chưa chính xác.
Do đó, cơ quan này sửa chữa bản án và thay đổi địa điểm thi hành án quản chế từ nơi cư trú ở Thành phố Hồ Chí Minh về Thừa Thiên-Huế là nơi đăng ký thường trú.
Trong văn bản này phần Nơi nhận có ghi "Người bị kết án" (tức là ông Phương), tuy nhiên, ông nói không nhận được văn bản nào như vậy.
Ông Phương nói với phóng viên Đài Châu Á Tự Do qua điện thoại như sau :
"Trong bản án gốc của tòa thì quản chế ở phường Bình Hưng Hòa, số nhà 255/5 phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi tôi thi hành án xong thì nó tự chỉnh sửa bản án đưa tôi về Huế… Bắt tôi ở Sài Gòn, nhà tôi ở Sài Gòn, tôi định cư ở Sài Gòn 28 năm rồi. Tôi đâu có ở Huế mà bắt tôi về đó, mà đó lại là nhà của mẹ vợ tôi".
Theo ông Phương thì gia đình ông có giấy KT3 ở Thành phố Hồ Chí Minh, đây là một sổ tạm trú dài hạn của cá nhân ở một tỉnh thành hoặc thành phố trực thuộc trung ương mà nơi đó không phải là địa chỉ thường trú của cá nhân đó.
Trong khi đó, nơi đăng ký thường trú vẫn là địa chỉ căn nhà mẹ vợ ông Phương ở Huế, dù trên thực tế ông không sống ở nơi này gần 30 năm qua.
Chúng tôi không liên hệ được với Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bằng điện thoại mà chỉ thông qua hòm thư góp ý trên trang web nhưng chưa nhận được phản hồi.
Liên hệ bằng điện thoại với Công an thành phố thì được đề nghị gửi yêu cầu bằng văn bản tới trụ sở của cơ quan này.
Ngày 14/4, ông Phương trở vào trụ sở Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để trích lục công văn về việc chỉnh sửa bản án thì chỉ nhận được câu trả lời miệng là phía tòa không chỉnh sửa bản án, và nói ông lên Trại giam An Phước để hỏi.
Ông nói hai bên tòa án và trại giam cứ đá quả bóng trách nhiệm cho nhau, với hậu quả là ông bị buộc phải sống xa vợ con, không được "tái hòa nhập cộng đồng" như chính sách mà nhà nước Việt Nam thường tuyên truyền với những người mãn hạn tù.
Khi ông muốn vào Thành phố Hồ Chí Minh để đoàn tụ cùng vợ con thì công an địa phương ngăn không cho đi.
Hiện nay, ông thất nghiệp và bị buộc phải sống ở một nơi cách gia đình hơn 1.000 km.
Phóng viên có liên lạc với luật sư Đặng Đình Mạnh, là người bào chữa cho ông Trần Thanh Phương trong phiên tòa thì luật sư này cho biết không thể bình luận về sự việc của ông Phương vì không nhận được văn bản nào từ tòa về bản án của ông này.
Ông Phương cho biết thêm là đã viết đơn yêu cầu được thi hành án quản chế tại nơi gia đình ông đang sinh sống đến nhiều cơ quan như Tòa án, Viện Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh, và Cục Cảnh sát quản lý trại giam (C10) của Bộ Công an nhưng không nhận được phản hồi.
Ông cho biết, một số sĩ quan an ninh nói lý do buộc ông phải thi hành án quản chế ở Huế là vì vợ ông hay đưa tin về đàn áp nhân quyền và sách nhiễu gia đình tù nhân lương tâm lên mạng xã hội Facebook.
Đài Châu Á Tự Do không thể kiểm chứng được thông tin này.
Ông Phương cũng nghi ngờ đây là biện pháp trả thù ông vì trong thời gian thi hành án tù ở Trại giam An Phước từ ngày 17/8/2020 đến ngày mãn hạn tù, ông đã tham gia tranh đấu phản đối việc trại giam đối xử hà khắc với tù nhân, đặc biệt là tù nhân lương tâm, và đòi quyền lợi cho tù nhân.
************************
RFA, 05/08/2022
Một lãnh đạo ngành công an vừa cho rằng, cần trao nhiệm vụ cho công an xã trong công tác nhân quyền. Công an phường xã sẽ đảm nhận nhiệm vụ này như thế nào ?
AFP P hoto
Thông tin vừa nói được Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an nêu lên tại Hội nghị đánh giá tình hình Ban Chỉ đạo Nhân quyền các địa phương khu vực miền Trung và miền Nam, được tổ chức vào đầu tháng 8 năm 2022.
Theo ông Hùng, nếu giao cho công an xã đảm nhận nhiệm vụ về nhân quyền thì sẽ dễ dàng rà soát, đánh giá những vấn đề bất cập để bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm, thúc đẩy quyền con người.( ? !)
Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài khi trả lời RFA liên quan vấn đề này từ Đức hôm 5/8, nhận định :
"Trước đây ở Chính phủ có Ban Chỉ đạo Nhân quyền thì nó chỉ nằm ở trung ương thôi, bây giờ họ triển khai về cấp xã. Theo tôi biết, bản chất của nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam là tước đoạt và chà đạp quyền con người của nhân dân Việt Nam kể từ khi họ cướp được chính quyền vào năm 1945. Cho đến nay gần 80 năm cai trị của họ thì người dân Việt Nam bị tước đoạt gần như hết tất cả các quyền như tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội, biểu tình Thế nên bây giờ họ trao quyền cho cấp xã với mục đích tiếp tục duy trì sự cai trị, chà đạp lên quyền con người thôi. Chứ còn để mà bảo vệ nhân quyền thì các quan chức cấp xã của họ không đủ năng lực, hiểu biết để mà tôn trọng cũng như bảo vệ nhân quyền đâu".
Những năm qua, rất nhiều vụ công an cấp phường xã lạm quyền bị phát hiện. Chỉ trong tháng 4/2022, hàng chục công an phường tại thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương đã bị truy tố, điều chuyển công tác do lạm dụng quyền lực cá nhân bất chấp pháp luật. Cụ thể là 13 công an tại phường Phú Thọ Hòa, Quận Tân Phú đã nhận tiền của nhóm người vi phạm trong việc mua bán, tàng trữ sử dụng chất ma tuý và một trung uý tại Công an phường Tân An, tỉnh Bình Dương tự lập chốt "bắt" người vi phạm giao thông "chi tiền" cho mình.
Đó chỉ là hai trong số các vụ công an phường tự "làm luật" với dân bị truyền thông phanh phui gần đây và ắt hẳn còn không ít vụ việc công an "bắt chẹt" dân chưa được truyền thông loan tải.
Liệu công an phường lộng quyền, coi thường pháp luật như vậy mà đảm nhận nhiệm vị nhân quyền thì làm sao có thể đảm trách ?
Ông Vũ Minh Trí, cựu Trung tá Quân đội chính quyền cộng sản Việt Nam khi trả lời RFA hôm 5/8, nói :
"Nhà cầm quyền đang nghĩ theo chiều hướng ngược lại. Ví dụ như nói quyền tự do lập hội thì chính quyền không phải ra luật để cụ thể hóa tự do lập hội mà làm sao để ngăn cản lập hội. Hoặc bàn về quyền biểu tình, chính quyền đang rất khó khăn để ra luật, mà nội dung thực chất là để ngăn biểu tình nhưng lại có tên là Luật Biểu tình. Vấn đề nhân quyền cũng tương tự, không phải làm thế nào để mở rộng nhân quyền, để đảm bảo quyền con người của người dân, mà cơ bản theo họ là để chống các thế lực thù địch lợi dụng nhân quyền để chống phá đảng nhà nước Chính vì vậy, đúng ra nếu mà bàn về nhân quyền thì phải bàn với người dân, nhưng họ bàn ở hội nghị của lực lượng công an, là lực lượng chuyên dùng để trấn áp".
Qua việc này theo ông Vũ Minh Trí, có thể thấy rằng chính quyền nói một đằng nhưng mục đích là khác. Ông Trí cho rằng, nếu đọc hết các nội dung được nêu trong hội nghị sẽ không thấy chuyện mở động nhân quyền, mà chủ yếu chống lại việc sử dụng nhân quyền mà theo chính quyền Việt Nam là để chống phá. Ông Trí nói tiếp :
"Điểm thứ hai, qua việc mở hội nghị này tôi thấy có một dấu hiệu đáng mừng về mặt nhân quyền tại Việt Nam. Ví dụ trước kia đấu tranh nhân quyền chỉ tập trung ở một số người, những người này chủ yếu cư trú tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội các địa phương khác nhất là vùng sâu vùng xa hầu như là rất ít những cá nhân như vậy. Nhưng một khi bộ công an tổ chức hội nghị này để trao công an xã nhiệm vụ về nhân quyền thì chứng tỏ họ đã nhận thấy rằng hoạt động đấu tranh đòi nhân quyền đã lan đến tận các xã. Bản thân tôi thấy nếu đúng là như vậy, thì quả là đáng mừng cho cuộc đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam".
Cũng tại Hội nghị đánh giá tình hình Ban Chỉ đạo Nhân quyền các địa phương khu vực miền Trung và miền Nam, Trung tướng Lê Quốc Hùng còn cho rằng, công tác nhân quyền khi bùng phát đại dịch Covid-19 là một điểm sáng.
Tuy nhiên ông Vũ Minh Trí không đồng tình với nhận định này :
"Việc bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm nhân quyền khi diễn ra dịch Covid-19 mà họ cho là một điểm sáng của họ về mặt nhân quyền thì tôi thấy rất là nực cười. Bởi vì chính khi bùng phát dịch thì chúng ta có thể thấy rõ sự vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng ở tất cả các địa phương. Ví dụ như ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhân dân bị cướp tất cả các quyền cơ bản như quyền tự do đi lại, tự do cư trú, thậm chí cả quyền sống cũng không được Người ta muốn sống yên ổn thì lại bắt người ta đi tập trung cách ly mà không có thuốc chữa, khiến cho hàng vạn người bị chết".
Cho nên ông Trí cho biết, ông thấy rất nực cười khi những quyền cơ bản của người dân bị xâm phạm như thế, thì Chính quyền Cộng sản Việt Nam
Nhà báo tự do Nguyễn Ngọc Già, một cựu tù nhân quyền, cho RFA biết ý kiến của mình hôm 5/8 từ Sài Gòn :
"Nhân quyền là một vấn đề có quá nhiều khác biệt của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam với phần còn lại của thế giới, cũng như là đối với các tổ chức phi chính phủ và cả với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Mặc dù Việt Nam vẫn nói sẵn sàng lắng nghe, đối thoại nhưng trên thực tế thì nhân quyền tại Việt Nam bao nhiêu năm qua không có gì tiến bộ, không có giá trị để thực hiện trên thực tế. Bây giờ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam giao việc đảm bảo nhân quyền cho công an xã quản lý thì tôi cho đó là một dấu hiệu sắp tới họ sẽ kiểm soát gắt gao hơn và chặt chẽ hơn ; cũng như tăng cường đàn áp bắt bớ, kết án bất cứ một người dân nào có biểu hiện mà họ cho rằng vi phạm pháp luật bằng điều 331 lợi dụng tự do dân chủ, hoặc điều 117 là tuyên truyền chống nhà nước Họ sẽ thể hiện bằng việc bắt bớ, quy cho tội vi phạm pháp luật nên tôi nghĩ rằng sắp tới vấn đề nhân quyền tại Việt Nam sẽ bị kiểm soát một cách dữ dội hơn".
Thực tế cho thấy lực lượng Công an Việt Nam hiện nay mặc nhiên cho là họ thay mặt chính quyền, thay các cơ quan chức năng khác xử lý mọi vấn đề về trật tự an toàn xã hội, vi phạm hành chính của người dân cộng với sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo chính quyền từ đó Công an 'ảo tưởng' rằng họ có quyền trong mọi lĩnh vực dễ dẫn đến lạm quyền.
*************************
RFA, 05/08/2022
Cảnh sát vùng Manchester Anh hôm 4/8 (giờ địa phương) đã chính thức công bố danh tính bốn người Việt bị nghi là đã chết trong vụ cháy nhà kho ở thị trấn Oldham hôm 7/5 vừa qua. Thông tấn xã Việt Nam tại Anh cho biết.
GMP
Cảnh sát Anh vào ngày 21/7 nhận được nguồn tin cho biết có bốn người Việt mất tích và nghi là có liên quan đến vụ cháy. Những người này bao gồm : Chu Van Cuong (39 tuổi), Nguyen Van Uoc (31 tuổi), Nguyen Van Duong (29 tuổi) và Le Thanh Nam (21 tuổi). Tất cả bốn người này đều bị mất liên lạc hoàn toàn với gia đình từ sau ngày xảy ra vụ cháy hôm 7/5.
Theo tờ Guardian của Anh, vào ngày 5/8, trích lời một sĩ quan cảnh sát vùng Greater Manchester nói họ vừa phát hiện thêm phần thi thể của nạn nhân thứ ba tại nhà kho.
Trước đó, vào ngày 23/7, cảnh sát vùng Manchester đã tìm thấy thi thể của người chết trong nhà kho, nghi là của người Việt.
Ông Lewis Hughes, điều tra viên cao cấp đồng thời là trưởng nhóm Nhận dạng nạn nhân của cảnh sát vùng Manchester, cho biết cảnh sát đã trực tiếp liên hệ với thân nhân của bốn người nói trên và sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo cập nhật thông tin cũng như hỗ trợ đầy đủ cho họ.
Hiện nguyên nhân về đám cháy vẫn đang được cảnh sát Anh điều tra.
Báo chí Anh cũng cho biết cảnh sát Anh đang điều tra khả năng bốn công dân Việt này là nạn nhân của bọn buôn người.
Một số người dân sống gần khu vực đám cháy cho báo chí Anh biết họ phát hiện những gói rác có chứa cần sa ở gần nhà kho trước đó.
Anh là điểm đến hấp dẫn của nhiều người Việt Nam tìm đường vào Châu Âu để kiếm việc làm. Nhiều người trong số họ phải trả một khoản tiền rất lớn cho bọn buôn người để được đưa lậu vào Anh. Công việc chủ yếu của họ khi bị đưa vào Anh là trồng cần sa, làm móng hoặc phục vụ trong công nghiệp tình dục.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 27/7 cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã cử đại diện tới làm việc với cảnh sát để phối hợp xác định nhân thân các nạn nhân và cam kết sẽ thúc đẩy hoàn tất xác minh danh tính các nạn nhân trong thời gian sớm nhất ; đồng thời chủ động lên kế hoạch triển khai các biện pháp bảo hộ, xử lý hậu sự cần thiết trong trường hợp xác nhận có nạn nhân là công dân Việt Nam.
Bộ Công an sẽ điều 25.000 công an chính quy xuống xã, thị trấn nếu Luật công an nhân dân (sửa đổi) được thông qua, đồng thời công an xã sẽ được trang bị vũ khí quân dụng. Vì sao lại có những thay đổi trên ?
Công an Việt Nam ngăn chặn người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 9/12/2012. AP
Chính quy hóa công an xã, thị trấn
Sáng 7/6/2018, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm đã đọc tờ trình về dự án Luật công an nhân dân (sửa đổi) với điểm đáng chú ý là đưa 25.000 công an chính quy xuống xã, thị trấn. Vì sao lại có sự thay đổi này, Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang nhận định :
Quyết định của Bộ công an đưa 25.000 chiến sĩ công an về tăng cường cho phường và xã là quyết định chính thức của Bộ trưởng Tô Lâm cách đây không lâu. Nó là hệ quả của công cuộc đổi mới tổ chức bộ công an theo chỉ thị của đảng. Đề án cải tiến tổ chức này đang thực hiện và sẽ thực hiện trong vòng hai năm tới.
Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, một đảng viên đảng cộng sản đã từ bỏ đảng thì công an xã từ trước nay là lực lượng bán chuyên nghiệp, không được đào tạo chính quy, mà họ là người địa phương, họ biết người dân rất rõ cho nên mô hình công an xã là người địa phương cũng có cái hay của nó, tuy nhiên cũng cần thay đổi để chuyên nghiệp hơn. Ông nói :
Họ không tuyển công an xã bán chính quy nữa mà chuyên nghiệp hóa lực lượng công an tại chỗ. Cái này có cái hay là chuyên nghiệp thì hành xử hy vọng đúng pháp luật hơn. Kế hoạch họ là như thế.
Đó là một lý do, lý do thứ hai là họ chủ trương giảm biên chế ngành công an nhưng những người trong độ tuổi đang làm việc thì không thể tự nhiên cho ra khỏi ngành công an nên họ chuyển dịch từ chính quy về xã thôi.
Chuyện công an xã, huyện hành xử vô pháp với người dân là chuyện báo chí cũng lên tiếng nhiều lần. Nếu chính quy hóa lực lượng này thì liệu mọi chuyện có tốt hơn không, bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng :
Tôi hy vọng sẽ thay đổi vì dù sao thì lực lượng chính quy thì họ am hiểu pháp luật hơn, họ chuyên nghiệp hơn. Tôi hy vọng họ sẽ hành xử chuyên nghiệp và đúng pháp luật hơn. Thế nhưng họ lại có điểm kém là có thể họ không phải người địa phương nên họ không am hiểu về khu vực họ làm việc mà phải có thời gian tìm hiểu nhiều hơn so với những người bản địa, nhưng có cái hay là họ không bị ràng buộc như công an xã về anh em họ hàng, nên trong hành xử có sự châm chước hoặc không khách quan. Người vùng khác đến thì thông thường về mặt logic họ làm việc khách quan hơn, tuân thủ pháp luật hơn. Đấy là điều họ kỳ vọng.
Còn với Cựu Đại tá Nguyễn Đăng Quang thì vấn đề này liên quan đến ngân sách nhà nước :
Tôi nghĩ một khi tăng cường công an chính quy về xã thì nó sẽ tốt hơn về mặt nghiệp vụ, về mặt trật tự an ninh xã hội. Nhưng ngân sách dành cho việc này sẽ lớn hơn trong khi nền kinh tế của Việt Nam đang khó khăn nên chuyện này ít nhiều sẽ ảnh hưởng ngân sách nhà nước.
Cũng theo ông Nguyễn Đăng Quang thì việc điều chuyển 25.000 công an không phải là chuyện nhỏ vì công tác tổ chức trong ngành công an không được ổn định trong thời gian thực hiện quá trình này, và khi thay như vậy thì lại phát sinh một vấn đề lớn khác. Ông phân tích :
Hiện tại thì theo số liệu tôi biết được thì toàn lãnh thổ Việt Nam có trên 11 ngàn đơn vị hành chính cấp xã cấp phường. Lượng công an mỗi xã theo tôi hiểu là có từ 5 đến 10 người tùy theo quy mô của xã, vậy lực lượng này không phải là nhỏ đâu. Thế thì vấn đề đặt ra là khi tăng cường 25.000 công an chính quy về công an xã thì số công an xã sẽ đi đâu, làm gì. Đây là một vấn đề lớn.
Cung cấp vũ khí cho công an xã, huyện
Một trong những thay đổi liên quan đến ngành công an cũng đang gây nhiều phản ứng trên cộng đồng mạng cũng như báo chí chính thống nhà nước, là Thông tư 17/2018/TT-BCA quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ vừa mới được Bộ Công an thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.
Theo thông tư này thì công an xã, phường, thị trấn được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng và các loại súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, hơi cay, dùi cui điện, bình xịt hơi cay, găng tay bắt dao, áo giáp, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, khóa số tám, các loại vũ khí thô sơ.
Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ngoài được trang bị súng, xem xét trang bị tên lửa chống tăng cá nhân, trực thăng vũ trang, bom, mìn, lựu đạn, các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, đạn sử dụng cho các loại súng được trang bị.
Bác sĩ Đinh Đức Long rất ngạc nhiên khi đọc thông tư mới ban hành trên của Bộ Công an, bởi theo ông thì công an xã hiện nay là lực lượng bán chuyên nghiệp, không được đào tạo chính quy từ trường công an như trung cấp công an hoặc đại học công an hoặc đại học an ninh. Ông nói với RFA những điều ông quan ngại :
Tôi đọc cũng thấy ngạc nhiên vì họ được trang bị rất nhiều vũ khí. Thậm chí cấp huyện còn được trang bị máy bay trực thăng và súng chống tăng nữa.
Tôi nghĩ thứ nhất là rất tốn kém. Trong lúc ngân sách eo hẹp mà trang bị lượng vũ khí như thế cho cấp cơ sở là rất nhiều tiền mà không biết họ có sử dụng hết công suất không, có hiệu quả không chứ vũ khí trang bị xong mà để kho đấy thì nó cũng hết hạn sử dụng. Lãng phí.
Cái thứ hai là xin vũ khí rồi mà nếu có chuyện gì xảy ra, sẵn súng trong tay thì liệu họ có khả năng kiểm soát tình hình một cách chuyên nghiệp không, hay sẵn súng đấy rồi sẵn sàng bạo động ?
Khi người lãnh đạo mà không tuân thủ pháp luật mà lại nặng về đàn áp thì sẽ xảy ra những chuyện không lường trước được.
Còn một mặt trái nữa là nếu tình hình có biến động thì những vũ khí ấy có khi lại trở thành trang bị cho những người ở cơ sở dùng ngay để họ đạt mục đích của họ. Cho nên cái gì cũng có hai mặt, mà trong xu hướng này thì một chính quyền mà tăng kiểm soát dân bằng vũ khí thì tôi nghĩ chưa chắc đã là hay, chứng tỏ họ có vẻ sợ dân.
Còn với Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang thì đây là một vấn đề lớn, phức tạp và ông cho rằng cần phải có thời gian huấn luyện, đào tạo cho quy củ. Ông nói :
Pháp lệnh cho phép công an xã được trang bị vũ khí quân dụng và được phép nổ súng khi thi hành công vụ, thì đây cả là một vấn đề lớn.
Khi công an chưa được trang bị súng thì đã phức tạp rồi, bây giờ trang bị cho công xã súng quân dụng như súng lục, súng trường, súng tiểu liên thì việc quản lý đó rất phức tạp. Và vấn đề xử lý trường hợp nào được nổ súng thì cả một vấn đề lớn. Tôi nghĩ dần dần phải đào tạo huấn luyện cho nó quy củ. Việc tăng cường lực lượng chính quy về công an xã thì tôi thấy cũng là một bước để nâng cao trình độ công an xã lên để họ thực thi luật pháp một cách đúng pháp luật.
Tuy nhiên những quan ngại mà ông Nguyễn Đăng Quang nêu ra không rõ sẽ được xúc tiến ra sao ?
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 14/06/2018