Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/06/2018

Sao phải chính quy hóa và trang bị vũ khí cho công an xã ?

Diễm Thi

Bộ Công an sẽ điều 25.000 công an chính quy xuống xã, thị trấn nếu Luật công an nhân dân (sửa đổi) được thông qua, đồng thời công an xã sẽ được trang bị vũ khí quân dụng. Vì sao lại có những thay đổi trên ?

chinhqui1

Công an Việt Nam ngăn chặn người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 9/12/2012. AP

Chính quy hóa công an xã, thị trấn

Sáng 7/6/2018, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm đã đọc tờ trình về dự án Luật công an nhân dân (sửa đổi) với điểm đáng chú ý là đưa 25.000 công an chính quy xuống xã, thị trấn. Vì sao lại có sự thay đổi này, Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang nhận định :

Quyết định của Bộ công an đưa 25.000 chiến sĩ công an về tăng cường cho phường và xã là quyết định chính thức của Bộ trưởng Tô Lâm cách đây không lâu. Nó là hệ quả của công cuộc đổi mới tổ chức bộ công an theo chỉ thị của đảng. Đề án cải tiến tổ chức này đang thực hiện và sẽ thực hiện trong vòng hai năm tới.

Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, một đảng viên đảng cộng sản đã từ bỏ đảng thì công an xã từ trước nay là lực lượng bán chuyên nghiệp, không được đào tạo chính quy, mà họ là người địa phương, họ biết người dân rất rõ cho nên mô hình công an xã là người địa phương cũng có cái hay của nó, tuy nhiên cũng cần thay đổi để chuyên nghiệp hơn. Ông nói :

Họ không tuyển công an xã bán chính quy nữa mà chuyên nghiệp hóa lực lượng công an tại chỗ. Cái này có cái hay là chuyên nghiệp thì hành xử hy vọng đúng pháp luật hơn. Kế hoạch họ là như thế.

Đó là một lý do, lý do thứ hai là họ chủ trương giảm biên chế ngành công an nhưng những người trong độ tuổi đang làm việc thì không thể tự nhiên cho ra khỏi ngành công an nên họ chuyển dịch từ chính quy về xã thôi.

Chuyện công an xã, huyện hành xử vô pháp với người dân là chuyện báo chí cũng lên tiếng nhiều lần. Nếu chính quy hóa lực lượng này thì liệu mọi chuyện có tốt hơn không, bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng :

Tôi hy vọng sẽ thay đổi vì dù sao thì lực lượng chính quy thì họ am hiểu pháp luật hơn, họ chuyên nghiệp hơn. Tôi hy vọng họ sẽ hành xử chuyên nghiệp và đúng pháp luật hơn. Thế nhưng họ lại có điểm kém là có thể họ không phải người địa phương nên họ không am hiểu về khu vực họ làm việc mà phải có thời gian tìm hiểu nhiều hơn so với những người bản địa, nhưng có cái hay là họ không bị ràng buộc như công an xã về anh em họ hàng, nên trong hành xử có sự châm chước hoặc không khách quan. Người vùng khác đến thì thông thường về mặt logic họ làm việc khách quan hơn, tuân thủ pháp luật hơn. Đấy là điều họ kỳ vọng.

Còn với Cựu Đại tá Nguyễn Đăng Quang thì vấn đề này liên quan đến ngân sách nhà nước :

Tôi nghĩ một khi tăng cường công an chính quy về xã thì nó sẽ tốt hơn về mặt nghiệp vụ, về mặt trật tự an ninh xã hội. Nhưng ngân sách dành cho việc này sẽ lớn hơn trong khi nền kinh tế của Việt Nam đang khó khăn nên chuyện này ít nhiều sẽ ảnh hưởng ngân sách nhà nước.

Cũng theo ông Nguyễn Đăng Quang thì việc điều chuyển 25.000 công an không phải là chuyện nhỏ vì công tác tổ chức trong ngành công an không được ổn định trong thời gian thực hiện quá trình này, và khi thay như vậy thì lại phát sinh một vấn đề lớn khác. Ông phân tích :

Hiện tại thì theo số liệu tôi biết được thì toàn lãnh thổ Việt Nam có trên 11 ngàn đơn vị hành chính cấp xã cấp phường. Lượng công an mỗi xã theo tôi hiểu là có từ 5 đến 10 người tùy theo quy mô của xã, vậy lực lượng này không phải là nhỏ đâu. Thế thì vấn đề đặt ra là khi tăng cường 25.000 công an chính quy về công an xã thì số công an xã sẽ đi đâu, làm gì. Đây là một vấn đề lớn.

Cung cấp vũ khí cho công an xã, huyện

Một trong những thay đổi liên quan đến ngành công an cũng đang gây nhiều phản ứng trên cộng đồng mạng cũng như báo chí chính thống nhà nước, là Thông tư 17/2018/TT-BCA quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ vừa mới được Bộ Công an thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.

Theo thông tư này thì công an xã, phường, thị trấn được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng và các loại súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, hơi cay, dùi cui điện, bình xịt hơi cay, găng tay bắt dao, áo giáp, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, khóa số tám, các loại vũ khí thô sơ.

Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ngoài được trang bị súng, xem xét trang bị tên lửa chống tăng cá nhân, trực thăng vũ trang, bom, mìn, lựu đạn, các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, đạn sử dụng cho các loại súng được trang bị.

Bác sĩ Đinh Đức Long rất ngạc nhiên khi đọc thông tư mới ban hành trên của Bộ Công an, bởi theo ông thì công an xã hiện nay là lực lượng bán chuyên nghiệp, không được đào tạo chính quy từ trường công an như trung cấp công an hoặc đại học công an hoặc đại học an ninh. Ông nói với RFA những điều ông quan ngại :

Tôi đọc cũng thấy ngạc nhiên vì họ được trang bị rất nhiều vũ khí. Thậm chí cấp huyện còn được trang bị máy bay trực thăng và súng chống tăng nữa.

Tôi nghĩ thứ nhất là rất tốn kém. Trong lúc ngân sách eo hẹp mà trang bị lượng vũ khí như thế cho cấp cơ sở là rất nhiều tiền mà không biết họ có sử dụng hết công suất không, có hiệu quả không chứ vũ khí trang bị xong mà để kho đấy thì nó cũng hết hạn sử dụng. Lãng phí.

Cái thứ hai là xin vũ khí rồi mà nếu có chuyện gì xảy ra, sẵn súng trong tay thì liệu họ có khả năng kiểm soát tình hình một cách chuyên nghiệp không, hay sẵn súng đấy rồi sẵn sàng bạo động ?

Khi người lãnh đạo mà không tuân thủ pháp luật mà lại nặng về đàn áp thì sẽ xảy ra những chuyện không lường trước được.

Còn một mặt trái nữa là nếu tình hình có biến động thì những vũ khí ấy có khi lại trở thành trang bị cho những người ở cơ sở dùng ngay để họ đạt mục đích của họ. Cho nên cái gì cũng có hai mặt, mà trong xu hướng này thì một chính quyền mà tăng kiểm soát dân bằng vũ khí thì tôi nghĩ chưa chắc đã là hay, chứng tỏ họ có vẻ sợ dân.

Còn với Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang thì đây là một vấn đề lớn, phức tạp và ông cho rằng cần phải có thời gian huấn luyện, đào tạo cho quy củ. Ông nói :

Pháp lệnh cho phép công an xã được trang bị vũ khí quân dụng và được phép nổ súng khi thi hành công vụ, thì đây cả là một vấn đề lớn.

Khi công an chưa được trang bị súng thì đã phức tạp rồi, bây giờ trang bị cho công xã súng quân dụng như súng lục, súng trường, súng tiểu liên thì việc quản lý đó rất phức tạp. Và vấn đề xử lý trường hợp nào được nổ súng thì cả một vấn đề lớn. Tôi nghĩ dần dần phải đào tạo huấn luyện cho nó quy củ. Việc tăng cường lực lượng chính quy về công an xã thì tôi thấy cũng là một bước để nâng cao trình độ công an xã lên để họ thực thi luật pháp một cách đúng pháp luật.

Tuy nhiên những quan ngại mà ông Nguyễn Đăng Quang nêu ra không rõ sẽ được xúc tiến ra sao ?

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 14/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 776 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)