Ông Phan Văn Vĩnh, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an Việt Nam, người đang thi hành bản án chín năm tù vì "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (sắp đặt, hỗ trợ cho Công ty Đầu tư Phát triển An ninh công nghệ cao – CNC tổ chức đánh bạc trên Internet) lại vừa bị khởi tố vì "ra quyết định trái pháp luật" (1).
Tướng Phan Văn Vĩnh thời còn tại chức.
Năm 2011, Công ty Ngọc Hưng (trụ sở tại Quảng Trị) đưa 614 khối gỗ trắc từ Lào vào Việt Nam để xuất sang Trung Quốc. Lô gỗ này đã bị tạm giữ tại Đà Nẵng vì Hải quan xem là buôn lậu (làm giả hồ sơ để nhập cảng và xuất cảng gỗ) nên những cá nhân có liên quan bị khởi tố, sau đó Hải quan chuyển cho công an điều tra. Ông Vĩnh là người chỉ đạo thuộc cấp bán sạch lô gỗ vốn là tang vật này…
Nếu đặt các vụ án liên quan tới ông Vĩnh bên cạnh những vụ án có yếu tố tham nhũng, gần nhất là vụ AVG bán 95% cổ phần cho MobiFone, có thể thấy, các viên chức hữu trách càng ngày càng táo tợn, càn rỡ, tham nhũng càng ngày càng nghiêm trọng vì có thể dùng "an ninh quốc gia" và "ổn định chính trị" để che mọi thứ. Nói cách khác "an ninh quốc gia" và "ổn định chính trị" chẳng khác gì… cám để nuôi… tham nhũng.
***
Tại Việt Nam, công an và quân đội được đồng hóa với "an ninh quốc gia". Sự đồng hóa này khiến cho công an, quân đội trở thành những lãnh địa riêng, tha hồ tự tung tự tác. "An ninh quốc gia" cho phép công an tuyển những cá nhân như Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘Nhôm’),… quân đội tuyển những cá nhân như Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc),… làm sĩ quan, dựng nên hàng loạt cái gọi là "công ty bình phong" để thâu đoạt, chia chác.
"An ninh quốc gia" bị biến thành thành "bùa hộ mạng", thúc đẩy công an, quân đội thi nhau bán công thổ, soạn – thực hiện đủ thứ kịch bản để thu lượm, biến công sản thành tài sản cá nhân. Nếu dùng luật pháp kiểm soát công an, quân đội chặt chẽ như thiên hạ, không cho phép đồng hóa với "an ninh quốc gia", làm gì có chuyện AVG vừa rao bán cổ phần là Bộ Công an khuyến cáo phải ngăn chặn giới đầu tư ngoại quốc nắm AVG, Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo MobiFone đứng ra mua, Bộ Công an dán nhãn "mật" lên thương vụ đó ?...
Chính việc đồng hóa công an, quân đội với "an ninh quốc gia" đã biến giới lãnh đạo công an, quân đội trở thành bất khả xâm phạm. Bất kỳ góp ý nào cho hoạt động của công an, quân đội, bất kỳ thắc mắc nào về công an, quân đội cũng có thể bị quy chụp là xâm hại… "an ninh quốc gia". Thậm chí, những cá nhân là viên chức cao cấp của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng phải nhìn trước, ngó sau, lựa lời để góp ý, nêu thắc mắc với công an, quân đội.
Nếu không đồng hóa công an, quân đội với "an ninh quốc gia", thực thi nghiêm cẩn "sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật", năm 2013, ông Phan Văn Vĩnh có dám ra lệnh bán tang vật trong vụ Công ty Ngọc Hưng buôn lậu, khiến vụ án trở thành… "kỳ án", hệ thống tư pháp thụ lý suốt tám năm mà đến nay vẫn bế tắc, hay không ? Tương tự, sau khi "ra quyết định trái pháp luật", ông Vĩnh có còn yên vị để biến CNC thành "công ty bình phong", tổ chức đánh bạc trên Internet trong phạm vi toàn quốc hay không ?...
***
Cho dù trong hai năm vừa qua đã có khoảng 20 viên tướng của cả công an lẫn quân đội bị kỷ luật, một số bị phạt tù nhưng vì công an, quân đội vẫn được đồng hóa với "an ninh quốc gia", chống tham nhũng vẫn chỉ là những vở kịch tồi. Nếu không, khi điều tra vụ AVG bán 95% cổ phần cho MobiFone, làm sao Bộ Công an dám lờ đi những yếu tố liên quan đến trách nhiệm của mình, dám biến Kết luận Điều tra thành bản báo công cho Phạm Nhật Vũ, thậm chí còn vẽ ra "chính sách hình sự đặc biệt" để trả công cho Vũ ?
Trước những chỉ trích càng ngày càng dữ dội từ phía công chúng, một số viên chức hữu trách và một số cá nhân biện bạch rằng, tuy nằm ngoài khuôn khổ hiến pháp, pháp luật, song cần công nhận và thực thi "chính sách hình sự đặc biệt". Đó là giải pháp cần thiết để buộc những viên chức trót nhúng… chàm như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà,… phải "thành khẩn" nhận tội, nhờ vậy có thể thu hồi tài sản đã bị thất thoát.
Trên thực tế, đúng là số lượng viên chức cao cấp bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam,… dường như càng ngày càng nhiều, song gần như chẳng có ai bị "bắt tận tay, day tận trán" vì tham nhũng hoặc thú nhận đã nhận hối lộ như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà,… Đúng là công sản thất thoát càng ngày càng lớn nhưng gần như không thể thu hồi... Tuy nhiên thực trạng này không phải do thiếu "chính sách hình sự đặc biệt" !
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tuyên bố chống tham nhũng đã hai thập niên, gần đây, tiến thêm một bước bằng… tuyên bố : Không có vùng cấm, không có ngoại lệ ! – nhưng vẫn dứt khoát không áp dụng các biện pháp mà thiên hạ vẫn dùng để ngăn chặn, bài trừ tận gốc tham nhũng, thu hồi công sản. Tại sao cam kết "chỉnh đốn đảng" nhưng nghiêm cấm tiết lộ bản kê khai tài sản của các viên chức ? Tại sao xem tham nhũng là quốc nạn nhưng gạt bỏ đề nghị hình sự hóa "giàu có bất minh" ?
Nếu đảng thật tâm muốn "chỉnh đốn", có giải pháp nào giúp "chỉnh đốn" hiệu quả hơn công bố bản kê khai tài sản của các viên chức cho đồng chí, đồng bào cùng kiểm tra, giám sát và kẻ nào man trá sẽ bị vạch mặt, chỉ tên ngay lập tức ? Giữa áp dụng "chính sách hình sự đặc biệt" như một giải pháp để buộc các viên chức phạm tội phải nhận tội, qua đó thu hồi công sản bị thất thoát, với việc đặt định, sử dụng các qui phạm pháp luật, tống giam tất cả những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản cá nhân và gia đình, tịch thu sung công, chí ít là buộc nộp thuế, giải pháp nào giúp ngăn ngừa, xử lý hiệu quả hơn ?
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã vài lần tâm tình, tuyên bố, đại loại, chống gì thì chống nhưng phải… nhân văn, không thể làm vỡ… bình, rằng công bố bản kê khai tài sản của các viên chức là vấn đề… phức tạp (2). Tuy ông không giải thích tường tận nhưng đối chiếu những tâm tình, tuyên bố của ông về chống tham nhũng, người ta hiểu rằng, "phức tạp" không phải là khó, mà "phức tạp" nằm ở chỗ chống tham nhũng triệt để có thể gây mất "ổn định chính trị".
"Ổn định chính trị" không liên quan đến an bình hay loạn lạc, "ổn định chính trị" chỉ thuần túy là đảng có duy trì được quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối hay không, giống như bảo vệ "an ninh quốc gia" không phải là bảo vệ độc lập, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm trật tự, trị an mà là bảo vệ đảng… trường tồn với tư cách tổ chức chính trị duy nhất có thể hiện diện ở Việt Nam.
"An ninh quốc gia" và "ổn định chính trị" đã cũng như đang được trộn thành một thứ cám tổng hợp nuôi tham nhũng. Cũng vì vậy, cho dù chống tham nhũng càng ngày càng có vẻ sôi động nhưng muốn xác định viên chức nào là tham quan thì phải chờ Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng xem xét, lựa chọn. Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng không chọn thì không ai có quyền bận tâm tại sao những Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch thành phố Đà Nẵng), những Ngô Văn Khánh (cựu Phó Tổng Thanh tra chính phủ), Phạm Sĩ Quý (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Yên Bái),… lại giàu có như vậy !
"An ninh quốc gia" và "ổn định chính trị" vẫn đang là thực phẩm nuôi tham nhũng, dùng chống tham nhũng để trấn an công chúng nhằm duy trì cả "an ninh quốc gia" lẫn "ổn định chính trị". Vừa nuôi, vừa chống là một chu trình nhất quán. Viên chức thành tham quan không phải là vì y tham mà vì y không gặp may, do yếu tố "thời thế" mà bị chọn để tế "an ninh quốc gia" và "ổn định chính trị" thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/10/2019
Hai lực lượng công an và quân đội tại Việt Nam thường được ví như là ‘thanh kiếm, lá chắn’ bảo vệ đảng và chế độ.
Công an Việt Nam trong một cuộc biểu tình phản đối Formosa tại Hà Nội hôm 1/5/2016 - AFP
Ban Chỉ đạo Xây dựng Đề án ‘tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả’ do Ban Bí Thư đảng cộng sản Việt Nam lập nên từ tháng 11 năm ngoái vừa qua có gợi ý với Quân Ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương có báo cáo tại Hội Nghị Trung ương 6 về việc bảo đảm cơ chế lãnh đạo và chấp hành sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của đảng đối với quân đội và công an.
Giáo sư Zachazy Abuza, một chuyên gia Việt Nam thuộc trường đại học Quốc phòng Hoa Kỳ, có nhận định liên quan về vai trò của đảng đối với hai lực lượng công an và quân đội ở Việt Nam hiện nay :
Tôi nghĩ cần phải hiểu rằng trong bối cảnh hiện nay công an Việt Nam có rất ít quyền lực trong bộ Chính trị. Chỉ có ba thành viên của bộ Chính trị xuất thân từ Bộ Công an. Nhiều đối thủ của ông Tổng Bí thư nằm trong số này. Trong đó có cựu Thủ tướng người không còn nằm trong Bộ Chính trị hay Ủy ban Trung ương nhưng tay chân của ông ấy vẫn có nhiều ảnh hưởng với chính trị. Và ông Tổng Bí thư đã áp dụng cuộc chiến chống tham nhũng để bài trừ tay chân của ông này.
Về phía quân đội, giáo sư Achary Abuza nói rằng không có bằng chứng rõ rằng về đối thủ chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng trong quân đội. Tuy nhiên, ông chỉ ra một nhân tố quân đội có thể tác động đến đương kim Tổng bí thư đó là việc quân đội khẳng định nhiệm vụ là bảo vệ quốc gia chứ không phải chế độ :
Vài năm trước, từng xuất hiện lời kêu gọi rằng quân đội phải bảo vệ đất nước chứ không phải bảo vệ Đảng. Trong khi đó lẽ ra quân đội Nhân dân Việt Nam phải giống Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là phải bảo vệ Đảng. Ấy vậy mà, Chính điều này đã làm nhiều lãnh đạo cao cấp lo lắng.
Từ Pháp, cựu đại tá Bùi Tín, người từng là đảng viên Đảng cộng sản hơn 4 thập niên và có 37 năm góp mặt trong Quân đội Nhân dân cho rằng việc Đảng muốn kiểm soát chặt chẽ công an và quân đội liên quan đến 3 chuyện đó là chiến dịch chống tham nhũng, việc thoát khỏi sự phụ thuộc của Trung Quốc và vấn đề công an đàn áp người dân. Trước hết ông phân tích về đề nghị "thoát Trung" của quân đội :
Vừa rồi ý kiến của quân đội và Đảng nói rằng ít nhất phải tách dần ra khỏi Trung Quốc, hay còn gọi là "thoát Trung" thế nhưng hiện nay chính sách của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn là dính liền với Trung Quốc một cách chặt chẽ nhất và phụ thuộc vào Trung Quốc, để Trung Quốc chiếm đất đai, boxit, cao nguyên,… Người Trung Quốc cũng nhập vào Việt Nam rất đông đảo khắp các nơi. Các nhà máy lớn đều do Trung Quốc thầu hết mà làm thì không đến nơi đến chốn.
Gần đây trong dư luận xuất hiện nhiều ý kiến lên án việc Chính phủ Hà Nội quá nhún nhường Trung Quốc, đặc biệt là trong vụ việc công ty Repsol của Tây Ban Nha phải ngưng khoan thăm dò khí tại khu vực tranh chấp ở biển Đông. Nguyên nhân được giới lãnh đạo Repsol cho biết là Trung Quốc dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò.
Một nguyên nhân khác nữa, đại tá Bùi Tín cho rằng chiến dịch chống tham nhũng không được làm đến nơi đến chốn cũng gây bất bình trong giới công an, quân đội :
Chiến dịch chống tham nhũng của ông ấy cũng làm dở dang. Tất cả các đại án gần hết năm rồi mà chưa ra gì cả. Quân đội và công an dù sao cũng theo lòng dân, rất xao xuyến.
Vụ Trịnh Xuân Thanh cũng gây ra rắc rối với quốc tế nữa.
Ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên truyền hình nói rằng ông về nước tự thú. AFP
Giáo sư Abuza cũng nhắc đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh như một trường hợp Đảng không thể kiểm soát được các hoạt động và mối quan hệ của lực lượng an ninh :
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà ông ấy trốn khỏi đất nước được ? Có ai đó mách nước cho ông ta không ? Có quan chức an ninh nào thuộc Bộ Công an giúp đỡ ông ta hay không ? Và mối quan tâm được nêu ra là chuyện những quan chức tham nhũng lợi dụng kết nối quan hệ để trốn khỏi đất nước.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị cho là đã làm thất thoát hơn 3.300 tỷ đồng khi giữ chức chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xây lắp dầu khí PVC. Sau đó ông này trốn sang Đức xin tị nạn và bị Việt Nam cho người sang bắt cóc đưa về nước. Hành động này gây ra căng thẳng ngoại giao Việt – Đức, tuy nhiên Việt Nam khẳng định rằng ông Thanh về nước tự thú.
Đáp lại câu hỏi của chúng tôi rằng có khi nào công an và quân đội có dấu hiệu vượt khỏi sự kiểm soát của Đảng hay không, cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang cho biết :
Tôi nghĩ ngay lúc này đây chưa có một cơ sở hay hiện tượng nào để có thể nói như thế. Bởi vì Đảng đang nắm chặt hai lực lượng này, luôn luôn nắm chặt từ trước đến nay và hiện nay cũng vậy thôi.
Một yếu tố quan trọng khác được cựu đại tá Bùi Tín chỉ ra, đó là chuyện giới công an ngày càng tăng cường đàn áp người dân, đặc biệt là các nhà đấu tranh dân chủ. Ông cho rằng điều này gây mâu thuẫn nặng nề trong xã hội, vì thế khiến Tổng bí thư "lo lắng" :
Gần đây quá nhiều người dân bị tra tấn và chết trong các trụ sở công an. Và vào thời của ông Nguyễn Phú Trọng, tức hai ba năm trở lại đây, số người bị bắt và bị tù là nhiều lắm. Nhiều hơn tất cả các thời kỳ trước.
Một số đơn vị công an ngày 9/10 cho biết suốt hai năm nay ngành công an Việt Nam không tuyển thêm người từ bên ngoài. Đồng thời theo các nguồn tin thì Bộ Công an Việt Nam đang nghiên cứu một đề án kéo dài trong hai năm về hiệu quả công việc liên quan đến bộ máy nhân sự.