Bầu cử Mỹ : Donald Trump chỉ trích bác sĩ Fauci, phe Cộng Hòa bất bình
Tú Anh, RFI, 20/10/2020
Bác sĩ Anthony Fauci, người được công luận Mỹ kính phục trong cuộc chiến chống Covid-19, bị tổng thống Mỹ "chê lên, chê xuống". Trong một cuộc điện đàm với các cộng sự viên và được kể lại, Donald Trump xem bác sĩ Fauci và "một thảm họa", cho dù chính ông đã bổ nhiệm chuyên gia này vào bộ phận xử lý khủng hoảng đại dịch ở Nhà Trắng.
Hôm thứ Hai 19/10, tiếp xúc với cử tri Cộng hòa ở bang Arizona, tổng thống Donald Trump lại một lần nữa tấn công bác sĩ Anthony Fauci, nhưng với lời lẽ nhẹ hơn.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :
«Bang của quý vị đạt kết quả tốt trong đại dịch này". Donald Trump khẳng định như thế, trong khi bang Arizona báo cáo có 748 ca lây nhiễm mới hôm thứ Hai 19/10/2020.
"Đại dịch Covid, Covid, Covid … người ta nghe CNN nói mãi đến chán". Cùng với tuyên bố này, tổng thống Mỹ gọi nhà báo của CNN là "bọn con hoang ngu ngốc". Tiếp theo, ông gián tiếp tấn công bác sĩ Anthony Fauci : "Quý vị có biết là Joe Biden muốn phong tỏa nước Mỹ và nghe lời bác sĩ Fauci. Và bác sĩ Fauci đã nói "không cần đeo khẩu trang", quý vị đã thấy nhé. Bây giờ thì ông ấy nói là phải đeo khẩu trang … Người ta khen bác sĩ Fauci là một nhân vật tuyệt vời ! Ông ấy tuyệt vời thật, và tôi cũng mến ông ấy lắm, nhưng ông ấy ném banh tệ lắm …"
Trong tiếng cười phụ họa của cử tọa, tổng thống Donald Trump nhái điệu bộ vụng về của bác sĩ Fauci ném trái banh dã cầu. Những lời công kích liên tục chống lại một trong những vị bác sĩ được kính phục nhất nước Mỹ đã gây ra những phản ứng bất bình, kể cả trong nội bộ đảng Cộng hòa.
Tú Anh
Bắc Kinh dọa giữ "con tin" Mỹ ở Trung Quốc để trả đũa Washington
Thu Hằng, RFI, 18/10/2020
Bắc Kinh cảnh báo Washington là có thể bắt giam công dân Mỹ ở Trung Quốc để đáp trả việc Hoa Kỳ bắt giữ nhiều nhà khoa học Trung Quốc. Theo báo Wall Street Journal ngày 17/10/2020, thông điệp này được Bắc Kinh gửi đến chính quyền Mỹ rất nhiều lần và thông qua nhiều kênh khác nhau, kể cả thông qua đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh.
Thông điệp của Trung Quốc rất rõ : Washington phải ngừng ngay việc truy tố các nhà khoa học Trung Quốc, nếu không công dân Mỹ ở Trung Quốc cũng có nguy cơ rơi vào cảnh vi phạm luật pháp Trung Quốc.
Lời cảnh báo được đưa ra ngay từ mùa hè, sau khi Hoa Kỳ bắt đầu hàng loạt vụ bắt giữ các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu tại các trường đại học Mỹ, cáo buộc họ không trung thực khi khai hồ sơ nhập cư và che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, tiếp theo là vụ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston vào tháng 07.
Những lời đe dọa này có thể biến thành hiện thực vì theo báo Mỹ Wall Street Journal, chính quyền Trung Quốc vẫn vô cớ bắt công dân nước ngoài để phục vụ cho chiến lược ngoại giao của họ, một chiến lược bị Washington gọi là "ngoại giao con tin".
Trường hợp hai công dân Canada bị Trung Quốc kết tội "làm gián điệp" là ví dụ điển hình và thực tế nhất. Vụ bắt giữ từ tháng 12/2018 hai ông Michael Kovrig và Michael Spavor được cho là nhằm trả đũa việc Canada bắt giam bà Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 21/6 cảnh báo công dân của mình về sự an toàn của họ khi tới các quốc gia có biểu tình sau khi sinh viên Mỹ William Anh Nguyễn bị bắt và đang bị giam giữ ở Việt Nam vì tham gia tuần hành ở đó cách đây hơn hai tuần.
Hình ảnh Will Nguyễn tham gia vào buổi biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/6 trên Youtube. Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đưa ca cảnh báo đối với các công dân Mỹ khi đến một nước khác nơi có biểu tình thì phải lưu ý về sự khác biệt của luật pháp nước đó với luật pháp của Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Heather Nauert nói với các phóng viên tại một buổi họp báo ở Washington DC rằng vụ việc sinh viên 32 tuổi, còn được gọi là Will Nguyễn, bị bắt giữ vì tham gia biểu tình hôm 10/6 ở Thành phố Hồ Chí Minh là "một lời nhắc nhở lớn với những công dân Mỹ, hay bất kỳ ai có liên quan, đi tới một đất nước khác và ở đó có biểu tình hay tuần hành đang diễn ra – các diễn tiến đó có thể chuyển rất nhanh từ ôn hòa, và có vẻ ôn hòa" thành cái khác.
Nữ phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Mỹ nói : "Vì vậy chúng tôi chỉ muốn cảnh báo, nhân vụ việc này, cảnh báo những người Mỹ khi du hành về điều đó".
Will Nguyễn, một sinh viên vừa tốt nghiệp thạc sĩ trường đại học Lý Quang Diệu, tới Việt Nam để du lịch trước khi đến Singapore để tham dự lễ tốt nghiệp vào tháng 7.
Công dân Mỹ này bị cáo buộc về tội "gây rối trật tự công cộng" khi tìm cách phá một rào chắn và lật nhiều xe cảnh sát trên con đường chính dẫn tới sân bay Tân Sơn Nhất. Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố anh về hành vi này hôm 15/6.
Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sinh viên này "vẫn chưa bị chính phủ Việt Nam buộc tội". Người phát ngôn Nauert hôm 21/6 nói rằng "theo như chúng tôi hiểu về luật pháp (Việt Nam) thì họ sẽ tiến hành điều tra trước khi thực sự buộc tội một ai đó".
Theo người phát ngôn, điều này cho thấy rằng luật pháp của Mỹ khác với luật pháp của Việt Nam và bà Nauert nhắc nhở những công dân Mỹ khi đi tới nước khác phải lưu ý điều đó.
"Những thứ dường như là bình thường ở (Mỹ) thì có thể không bình thường ở một nước khác và bạn phải tuân theo những luật lệ của đất nước mà bạn đang tới thăm", theo người phát ngôn Bộ ngoại giao.
Ở Mỹ, người dân được quyền tụ tập và biểu tình phản đối chính phủ một cách ôn hòa. Trong khi đó Việt Nam không có luật biểu tình và người biểu tình nếu bị nhà chức trách cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" sẽ bị bắt do họ không có luật pháp bảo vệ.
Bộ ngoại giao Mỹ cho biết đại sứ Mỹ ở Hà Nội đã tới tiếp xúc với phía Việt Nam về trường hợp của Will Nguyễn và đại diện lãnh sự Mỹ đã gặp sinh viên này trong trại giam hôm 15/6.
"Sự an toàn của (Will Nguyễn) và sự an toàn của tất cả công dân Mỹ, đều là mối quan tâm cao nhất và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc này", người phát ngôn Bộ ngoại giao nói khi trả lời một phóng viên hôm 21/6.
Tuy nhiên gia đình của Will Nguyễn ở Mỹ cho rằng Bộ Ngoại giao chậm chễ trong việc hành động để giúp sinh viên này được tự do. Victoria Nguyễn, em gái của Will Nguyễn, nói với Washington Post rằng các quan chức (của Bộ ngoại giao) không cung cấp chỉ dẫn cụ thể về những gì cần phải làm để đưa anh trai cô trở về.
Hôm 19/6, ba dân biểu của California đã gửi một bức thư tới Tổng thống Donald Trump và trước đó tới Đại sứ Mỹ ở Việt Nam để yêu cầu họ hành động. Nhiều thành viên của quốc hội cũng đã ký vào một bức thư đề ngày 15/6 gửi tới Ngoại trưởng Mike Pompeo yêu cầu ông tiến hành "điều tra về sự vi phạm nhân quyền và làm tất cả những gì có thể để giúp (Will) Nguyễn được trả tự do".
Hôm 18/6, Will Nguyễn xuất hiện trên truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và thừa nhận rằng anh đã "vi phạm luật pháp Việt Nam" đồng thời bày tỏ hối hận là các hành động của anh đã "gây rắc rối cho gia đình, bạn bè…".
Victoria Nguyễn cho rằng anh trai mình "không phải là anh ấy một tí nào" trong video nhận tội mà Việt Nam công bố. Viết trên trang Twitter #FreeWilly, được bạn bè lập ra để kêu gọi thả tự do cho sinh viên này, cô nói : "Không có vẻ là anh ấy. Anh ấy có vẻ kiệt sức, dường như là anh ấy đã bị huấn luyện và bị ép buộc".
Hãng tin AFP nhận định rằng hiện tượng những người bị nhà nước Việt Nam khép là tội phạm, lên truyền hình "công khai nhận tội theo kịch bản" khá là phổ biến, đôi khi để đánh đổi một bản án nhẹ hơn, mặc dù các tổ chức nhân quyền có lúc tố cáo nhà nước độc đảng đã "ép cung" để buộc những người này nhận tội.