Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam xếp thứ 27 trên tổng số 195 quốc gia về phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

lachau1

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 - RFA

Các chuyên gia đánh giá rằng một trong những nguyên nhân khiến lượng khí thải của Việt Nam cao đến vậy là do hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu, trong đó phần lớn là công nghệ cũ nhập từ Trung Quốc.

Các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo rằng trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ lạc hậu thì nguy cơ gây phát thải khí nhà kính là rất lớn.

Vì "ham rẻ"

Bộ Khoa học và Công nghệ gần đây đưa ra báo cáo cho thấy có tới gần 90% doanh nghiệp Việt Nam dùng công nghệ lạc hậu so với thế giới, 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập khẩu thuộc những năm 50, 60 trong đó 75% số thiết bị đã hết khấu hao.

Báo cáo cũng nêu rõ chỉ có 10% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, trong đó chỉ có 2% sử dụng công nghệ cao. Tỷ lệ này thua xa các nước lân cận như Thái Lan (31%), Malaysia (51%) và Singapore (73%).

Giải thích lý do Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu trong công nghiệp, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết nguyên nhân chính là do doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguồn vốn để đầu tư công nghệ cao :

Các doanh nghiệp luôn tính toán và có xu hướng là muốn ham rẻ, nên nhập khẩu hay mua lại những cơ sở mà Trung Quốc đã thải loại do vấn đề môi trường. Tôi cho rằng đây là một nhược điểm rất lớn. Về mặt chủ trương thì Việt Nam đã có những lúc không cho nhập khẩu công nghệ lạc hậu. Thế nhưng do quá khứ diễn biến nhiều năm cho nên khi có chủ trương này vẫn không giải quyết được hết những tồn đọng do một thời gian dài trước đây.

Một báo cáo khác của Bộ Kế hoạch – Đầu Tư hồi tháng 5 vừa qua cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị, từ Trung Quốc tăng 40% so cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2016, Trung Quốc cũng là quốc gia cung cấp máy móc, thiết bị phụ tùng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch lên tới 9,25 tỉ USD.

Tháng 6 vừa qua, Việt Nam ban hành dự thảo cấm chuyển giao công nghệ, máy móc không còn sử dụng ở các quốc gia có trình độ phát triển hơn Việt Nam.

Những năm trước đây, Việt Nam cũng liên tục đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu công nghệ lạc hậu từ nước ngoài. Chẳng hạn như năm 2015, Việt Nam ban hành Dự thảo Thông tư với nội dung là các doanh nghiệp nhà nước chỉ được nhập những thiết bị khi chúng đáp ứng một trong hai tiêu chí : chưa sử dụng quá 10 năm hoặc chất lượng còn lại đạt trên 80%.

lachau2

Nhà máy Đường Ninh Hòa xả khói gây ô nhiễm môi trường (1/1/2014) - Courtesy of nld.com.vn

Một nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ công nghệ lạc hậu ở Việt Nam cao, theo Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, là do thị trường này dễ tiềm ẩn tham nhũng :

Tức là nhiều khi mua những công nghệ thải loại đó rất rẻ, những vẫn có thể tính ở một mức giá nhất định. Đó là chiều sâu mà tôi gọi là nguy cơ tham nhũng có thể xảy ra đối với việc nhập khẩu, lắp đặt, vận hành những công nghệ quá lạc hậu.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Đặng Hùng Võ rằng do nguồn vốn đầu tư thấp nên doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu công nghệ lạc hậu giá rẻ. Ông bổ sung thêm rằng trình độ nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp nên đôi khi không đáp ứng được yêu cầu tay nghề để sử dụng công nghệ cao :

Để hiểu được công nghệ cao thì phải có những công nhân tay nghề cao hay các kỹ sư được đào tạo có trình độ cao thì mới vận hành được hệ thống đó. Sử dụng công nghệ lạc hậu lại giải quyết được việc làm cho những công nhân tay nghề thấp, lao động phổ thông chẳng hạn. Nếu chúng ta sử dụng công nghệ hiện đại như tự động hóa hay robot hay điện toán hóa toàn bộ thì lúc đó người công nhân tay nghề thấp sẽ không có việc làm.

Năm 2016, số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh – Xã hội cho thấy Việt Nam chỉ có 38,5 % lao động đã qua đào tạo nghề, trong khi đó năm 2015 chỉ có 18,1%.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết ngành công nghiệp gây ra lượng khí thải lớn nhất hiện nay ở Việt Nam là những ngành như nhiệt điện hay luyện kim, sử dụng công nghệ quá xưa cũ.

Gần đây các chuyên gia khoa học, môi trường cũng bày tỏ lo ngại trước việc Việt Nam ngày càng đẩy mạnh phát triển công nghệ nhiệt điện chạy bằng than và điển hình là chuỗi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân từ 1 đến 4 tại tỉnh Bình Thuận. Chuỗi nhà máy này có đến 95% vốn đầu tư của Trung Quốc.

Giải pháp nào ?

Vị nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường nói với chúng tôi rằng nếu Việt Nam muốn sử dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới để ứng dụng trong công nghiệp thì điều đầu tiên là mở rộng nguồn vốn thì các doanh nghiệp mới có điều kiện tài chính để nhập khẩu :

Lúc này là lúc Việt Nam cần có quyết định về tiếp cận nguồn vốn đầu tư, trong đó có việc đầu tư trực tiếp từ nước ngoài hay các nguồn vốn hỗ trợ cho các vấn đề môi trường để có thể nâng cao khả năng đầu tư cho các công nghệ thân thiện môi trường.

Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng đây không phải là chuyện dễ giải quyết, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất tín dụng của Việt Nam đang leo thang.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn lại đánh giá việc nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về hiểm họa môi trường gây ra do công nghệ lạc hậu là rất quan trọng. Ngoài ra, ông đề xuất thêm một giải pháp khác :

Thứ hai là phải nâng cao trình độ quản lý đối với các dự án hiện tại. Thư ba là các tiêu chuẩn xét chọn đầu tư phải khắt khe hơn để đưa ra các yêu cầu môi trường khắt khe hơn. Như vậy một số công nghệ Trung Quốc sẽ không đáp ứng được những yêu cầu như vậy, thì buộc phải chọn công nghệ hiện đại hơn.

Tháng 4 vừa qua, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick nói rằng ông hy vọng Việt Nam sẽ chú ý để không trở thành bãi rác công nghệ cũ của Trung Quốc.

Lan Hương

Nguồn : RFA, 24/08/2017

Published in Diễn đàn

Việt Nam nhập công nghệ lạc hậu đến hàng thế hệ (RFA, 02/06/2017)

Việt Nam nhập công nghệ lạc hậu lỗi thời cả hai ba thế hệ và không có giải pháp kỹ thuật đi kèm khi cần giải quyết.

vn2

Các nhân viên Pháp và Việt Nam làm việc trong công ty IT Linkbynet của Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/9/2016. AFP photo

Đó là thừa nhận được các vị đại biểu quốc hội nêu ra trong cuộc họp làm việc sáng ngày 2 tháng Sáu, thảo luận về Luật Chuyển Giao Công Nghệ khi nhập thiết bị máy móc bên ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.

Vấn đề đưa ra là trong quá trình chuyển gia công nghệ phải có sự thẩm định, kiểm soát nguồn máy móc thiết bị nhập vào trong nước, mục đích là ngăn chận và hạn chế những loại công nghệ được cho là bẩn, không còn được sử dụng tại quốc gia bán cho Việt Nam nữa, có nghĩa không chỉcũ kỹ lạc hậu cả mấy đời mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, phương hại đến môi trường đầu tư kinh doanh của đất nước.

Một số đại biểu quốc hội đề nghị khái niệm và qui định về công nghệ lạc hậu cần được làm rõ để bổ sung vào dự án Luật Chuyển Giao Công Nghệ.

Một ý kiến khác được nêu ra là chính phủ phải có chính sách rõ ràng để khuyến khích và tạo điều kiện để việc chuyển giao và tiếp thu những công nghệ kỹ thuật cao, tân tiến, sạch, mới và hợp thời phải là tiêu chí của Việt Nam.

**********************

Phá đường dây ma túy lớn nhất Việt Nam (RFA, 02/06/2017)

Công an Việt Nam vừa triệt phá một đường dây sản xuất và mua bán ma tuý trị giá hàng triệu đô la ở nhiều kho hàng khác nhau. Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin vào chiều ngày 1 tháng 6, gọi đây đường dây ma tuý lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay.

vn3

Một trong những kho chứa ma túy, thuốc lắc ở Thành phố Hồ Chí Minh bị công an kiểm tra hôm 1/6/2017. AFP photo

Mười lăm người đã bị bắt trong đó có đối tượng Văn Kính Dương, được xác định là "ông trùm", đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để giám sát các kho hàng của họ trong lúc di chuyển để trốn tránh các cơ quan chức năng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tin cho biết, Công an thành phố Hồ Chí Minh phát hiện ra nhiều loại thuốc tổng hợp được sản xuất và cất giữ trong các xưởng có tên là E. Hình ảnh được cung cấp từ phía cơ quan công an cho thấy các thùng chứa đầy bột màu trắng, nồi nấu, cân trọng lượng, cùng với những va li chất đầy 5.000 viên thuốc khoảng 50 kilôgam đã được vận chuyển từ Hồ Chí Minh đến Hà Nội.

Ngoài ra, cảnh sát còn tịch thu hơn 500.000 viên thuốc lắc, 120 kg bột không xác định tên trị giá khoảng 8.8 triệu đô la và 450.000 đô la tiền mặt.

Một cảnh sát Việt Nam không nêu tên cho AFP biết họ đã theo dõi tập đoàn ma tuý này từ đầu năm 2016.

Việt Nam là quốc gia có những điều luật rất khắt khe đối với những tội liên quan đến ma tuý. Bất cứ ai bị cáo buộc mang hơn 600 gam heroin, hoặc hơn 20 kg thuốc phiện có thể phải đối mặt với án tử hình.

Published in Việt Nam