Công ty dầu mỏ của Nga bắt đầu khoan giếng ở ngoài khơi Việt Nam (RFA, 16/05/2018)
Một chi nhánh của hãng dầu khí Nga Rosneft tại Việt Nam là Rosneft Vietnam BV, vừa triển khai hoạt động khoan tại một giếng dầu mới ngoài khơi vùng biển phía nam Việt Nam.
Rosneft Vietnam BV, vừa triển khai hoạt động khoan tại một giếng dầu mới ngoài khơi vùng biển phía nam Việt Nam. Photo courtesy of Rosneft
Reuters loan tin này hôm 15 tháng 5 dẫn nguồn từ trang chủ của Rosneft Vietnam BV. Theo đó hoạt động khoan dầu này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam trong nỗ lực duy trì sản lượng dầu và khí đốt vào khi sản xuất bị giảm sút tại những giếng chính và áp lực tiếp tục của Trung Quốc ở Biển Đông.
Rosneft kiểm soát 35% Lô 06.1 với trữ lượng khí đốt lên đến 69 tỷ mét khối, ở ngoài khơi Vũng Tàu. Giếng LD-3P của Rosneft là một phần của mỏ khí đốt Lan Đỏ thuộc lô 06.1 với trữ lượng khí đốt lên tới 23 tỷ mét khối.
Lô 06.1 nằm cách bờ biển Việt Nam 370 km về phía đông nam và không nằm gần đường lưỡi bò, nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, và là nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam.
Vào tháng 3 năm nay, Việt Nam đã ngừng dự án khoan dầu ở mỏ Cá Rồng Đỏ sau khi chịu áp lực từ Trung Quốc. Lô này được cấp phép cho công ty Repsol của Tây Ban Nha, và hãng này đã yêu cầu Việt Nam phải bồi thường.
Sau đó khoảng 1 tháng, PetroVietnam thừa nhận rằng tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và sản xuất trong năm nay của công ty.
Ngoài ra Rosneft Vietnam BV cũng hoạt động tại Lô 05-3/11 với trữ lượng 28 tỷ mét khối khí và 18 triệu tấn khí hóa lỏng và nắm khoảng 33% cổ phần trong dự án đường ống dẫn khí và khí hóa lỏng từ các lô ở bồn trũng Nam Côn Sơn tới một nhà máy phát điện trên bờ.
Tập đoàn Rosneft là một đối tác tham gia vào liên doanh ba bên với Petrovietnam cùng ONGC của Ấn Độ. Hoạt động của Rosneft tại Việt Nam là di sản của liên doanh Nga -Anh (TNK-BP), được liên doanh Rosneft mua lại vào năm 2013 với giá 55 tỷ USD.
Công ty Rosneft cho biết sản xuất tại Việt Nam mang về lợi nhuận cao, do chi phí để sản xuất khí đốt chỉ ở mức 1,5 USD/thùng, bằng một nửa chi phí mà công ty thường phải trả.
Vì các biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ ngăn cản hợp tác với các công ty Phương Tây trong hoạt động khai thác ngoài khơi, tập đoàn sản xuất dầu khí lớn nhất của Nga Rosneft đang tìm cách rút kinh nghiệm qua các hoạt động tại Việt Nam nhằm vươn ra toàn cầu.
**************************
Formosa sẽ vận hành thử nghiệm lò cao số 2 vào tháng 5 (RFA, 16/05/2018)
Lò cao thứ hai của nhà máy Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh được phép vận hành thử nghiệm trong tháng 5 này.
Hình ảnh chụp tại Công ty Formosa Hà Tĩnh vào tháng 12/2015 - AFP
Truyền thông trong nước dẫn kết quả của Hội đồng giám sát liên ngành công bố tại buổi họp do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì diễn ra vào chiều ngày 16/05 như vừa nêu.
Kết quả đánh giá của Hội đồng giám sát liên ngành chính phủ Hà Nội cho rằng đến thời điểm hiện tại lò cao số 2 đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường để có thể vận hành thử nghiệm theo quy định của pháp luật như các công trình thu gom, quản lý nước thải, khí thải, chất thải rắn phát sinh….
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Formosa Hà Tĩnh chỉ còn duy nhất Lò cao số 2 chưa vận hành thử nghiệm. Theo quy trình sản xuất, trước khi vận hành thử nghiệm Lò cao số 2, Formosa Hà Tĩnh phải đưa Xưởng luyện cốc số 2 (bao gồm lò cốc số 3 và 4), Máy thiêu kết số 1 và Lò vôi số 2 vào thử nghiệm trước và cần phải đảm bảo đạt công suất thiết kế để cung cấp đủ nguyên liệu cho Lò cao số 2.
Theo Bộ Tài Nguyên- Môi trường Việt Nam thì hiện nay các hạng mục phụ trợ trên đã đảm bảo vận hành ổn định. Việc sấy Lò cao số 2 cũng đã được thực hiện vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua, dự kiến, lò cao số 2 sẽ chính thức vận hành thử nghiệm từ 15 đến 25/5/2018, cho phép tổng sản lượng sản xuất thép dự kiến năm 2018 đạt khoảng 5 triệu tấn thép thành phẩm (gấp 3 lần so với sản lượng năm 2017).
Từ tháng 05/2017 lò cao số 1 đã được Formosa đưa vào vận hành thử nghiệm đạt 95% công suất thiết kế, mỗi ngày sản xuất khoảng 9100 tấn gang lỏng để chuyển sang luyện, cán thép.
Trước đó, vào tháng 4/2017, đoàn công tác của Bộ Tài Nguyên- Môi trường Việt Nam khi đi kiểm tra các hạng mục môi trường của nhà máy thép Formosa đã phát hiện doanh nghiệp này đã tự ý chuyển đổi công nghệ được cấp phép là dập cốc khô sang sử dụng công nghệ dập cốc ướt để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, dư luận và các nhà khoa học đã lên tiếng phản đối về công nghệ với nhiều nguy cơ tiềm ẩn về môi trường này và yêu cầu Formosa Hà Tĩnh phải chuyển đổi sang công nghệ dập cốc khô như đã được phê duyệt trước khi được phép vận hành thử nghiệm Lò vôi số 1.
Từ tháng tư năm 2016, thảm họa môi trường biển xảy ra do nhà máy gang thép Formosa ở Hà Tĩnh thải hóa chất độc hại ra biển khiến cá, hải sản chết hàng loạt. Môi trường biển dọc các tỉnh miền Trung bị ô nhiễm khiến ngành ngư nghiệp và những ngành nghề liên quan bị tác động nặng nề.
Chính phủ Hà Nội nhận 500 triệu đô la tiền bồi thường của Formosa.
******************
Mỹ có bị thiệt nếu không đầu tư vào Việt Nam ? (VOA, 15/05/2018)
Một bộ trưởng của Việt Nam nói Mỹ sẽ "thiệt thòi" nếu không đầu tư vào Việt Nam, một nước Đông Nam Á đang nhắm đến nhiều cải cách. Một chuyên gia kinh tế nhận xét rằng chỉ nên coi phát biểu của vị bộ trưởng như một lời nói khích.
Hãng ô tô Ford là một trong những nhà đầu tư lớn của Mỹ ở Việt Nam
Báo chí Việt Nam hôm 15/5 dẫn lại lời Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói rằng "Nếu Mỹ không đầu tư vào Việt Nam thì đó là thiệt thòi của nhà đầu tư Mỹ".
Cơ sở để ông nhận định như vậy, theo Bộ trưởng Dũng, là vì các nhà đầu tư thuộc nền kinh tế số một thế giới sẽ thua thiệt nếu "không tham gia vào sân chơi có quy mô và mối liên kết lớn như Việt Nam".
Phát biểu của ông Dũng được đưa ra tại một hội thảo ở Hà Nội về triển vọng kinh tế Việt Nam từ 2018-2020, khi ông trả lời một câu hỏi về tác động của việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong gian tới.
Việt Nam và 10 nước khác đã ký CPTPP hồi tháng 3 năm nay, sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định ban đầu có tên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã đàm phán xong, chỉ còn chờ ký kết.
Bộ trưởng Dũng, theo tường thuật của báo chí, cho rằng hiệp định sẽ làm tăng đầu tư từ các nước thành viên CPTPP vào Việt Nam vì nó xóa bỏ các rào cản về đầu tư, thương mại giữa 11 nước, cũng như tạo áp lực với Việt Nam phải cải cách, dẫn đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ông Dũng nói thêm rằng với nỗ lực cải cách và hội nhập như hiện nay, kinh tế Việt Nam "đã và đang phát triển tích cực".
Xét đến các yếu tố đó, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư nói : "Tôi cho rằng các nhà đầu tư Mỹ phải xem xét lại việc đầu tư vào Việt Nam, nếu không muốn mất ảnh hưởng trong cuộc chơi quốc tế".
Chuyên gia kinh tế kỳ cựu Lê Đăng Doanh đưa ra bình luận với VOA :
"Có nhà đầu tư Mỹ nào đấy nếu không đầu tư vào Việt Nam, có lẽ họ không thiếu các cơ hội đầu tư ở các nước khác, thí dụ như ở Đông Nam Á, như ở Trung Đông, thậm chí ở Châu Phi. Tôi nghĩ câu nói đó của ông bộ trưởng nên hiểu theo nghĩa như một lời nói khích để các nhà đầu tư Mỹ quan tâm hơn đến đầu tư vào Việt Nam".
Các con số chính thức của Việt Nam cho hay đến tháng 10/2017, các nhà đầu tư Mỹ đã rót vào Việt Nam khoảng gần 10 tỷ đôla tiền đầu tư trực tiếp, đứng thứ 9 trong số 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Đến hết năm 2017, Việt Nam xuất khẩu hàng sang Mỹ đạt gần 42 tỉ đôla, trong khi nhập từ Mỹ hàng hóa giá trị hơn 9 tỉ đôla.
Trong phát biểu của mình được báo chí dẫn lại, Bộ trưởng Dũng xác nhận lại rằng "hiện Mỹ vẫn là nhà đầu tư và đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam". Ông cũng bày tỏ hi vọng "Mỹ có thể sớm quay lại Hiệp định TPP".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích thêm :
"Theo tính toán của nhiều nhà kinh tế, nếu hiệp định TPP có Mỹ, kinh tế Việt Nam có thể tăng thêm 6,5% GDP sau 5 năm và xuất khẩu có thể tăng 12%. Nếu không có Mỹ, kinh tế Việt Nam có thể tăng thêm 3,2% GDP và xuất khẩu có thể tăng 6-7%. Qua đó để thấy thị trường của Mỹ đối với Việt Nam quan trọng như thế nào. Và có lẽ đấy cũng là một lý do để Việt Nam cũng mong muốn Mỹ quay trở lại với hiệp định này".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút nền kinh tế lớn nhất thế giới ra khỏi TPP ngay khi ông lên nắm quyền hồi đầu năm 2017.
Hồi giữa tháng 4/2018, ông Trump viết trên Twitter rằng ông vẫn "không thích" hiệp định này.
Một đoạn trong ý kiến của ông đăng trên Twitter nói rằng : "Quá nhiều điểm không chắc chắn và không có cách nào để thoát nếu thỏa thuận này không mang kết quả".
Tổng thống Trump cũng nhắc lại quan điểm là các thỏa thuận song phương "hiệu quả hơn, có lợi nhuận và tốt hơn" cho người lao động của Mỹ.
*****************
Vì các biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ ngăn cản hợp tác với các công ty Phương Tây trong hoạt động khai thác ngoài khơi, tập đoàn sản xuất dầu khí lớn nhất của Nga Rosneft đang tìm cách rút kinh nghiệm qua các hoạt động tại Việt Nam nhằm vươn ra toàn cầu.
Hoạt động sản xuất của Liên doanh Rosneft tại Việt Nam. Photo courtesy of Rosneft
Reuters phát đi bản tin từ Vũng Tàu vào ngày 15 tháng 5 nhắc lại Việt Nam là một đồng minh truyền thống của Nga, và tập đoàn Rosneft là một đối tác tham gia vào liên doanh ba bên với Petrovietnam cùng ONGC của Ấn Độ.
Liên doanh này trong năm qua đã sản xuất gần 3 tỷ mét khối khí đốt (bcm) và đáp ứng gần 10% nhu cầu điện của Việt Nam. Trong năm 2017, liên doanh ba bên vừa nêu cũng sản xuất 65.000 tấn khí hóa lỏng, chủ yếu cho thị trường nội địa Việt Nam và xuất khẩu sang Singapore một phần.
Trả lời hãng tin Reuters, ông Christopher Einchcomb, giám đốc bộ phận dự án nước ngoài của Rosneft cho biết, dự án tại Việt Nam cho phép Rosneft phát triển kỹ năng làm việc và phát triển hoạt động kinh doanh ở các nước Đông Nam Á khác.
Ông Mervyn Goddings, người đứng đầu công ty con Rosneft RN-Việt Nam nói, không có kinh nghiệm nào là lãng phí cả, những kinh nghiệm học được ở Việt Nam sẽ được mang ra thực hành ở những nơi khác.
Công ty Rosneft cho biết sản xuất tại Việt Nam mang về lợi nhuận cao, do chi phí để sản xuất khí đốt chỉ ở mức 1,5 USD/thùng, bằng một nửa chi phí mà công ty thường phải trả.
Hoạt động của Rosneft tại Việt Nam là di sản của liên doanh Nga -Anh (TNK-BP), được liên doanh Rosneft mua lại vào năm 2013 với giá 55 tỷ USD.
Rosneft hiện sở hữu 35% tại Lô 06.1 với trữ lượng sơ bộ là 69 bcm khí và nắm khoảng 33% cổ phần trong dự án đường ống dẫn khí và khí hóa lỏng từ các lô ở bồn trũng Nam Côn Sơn tới một nhà máy phát điện trên bờ.
Ngoài ra Rosneft cũng hoạt động tại Lô 05-3/11 với trữ lượng 28 bcm khí và 18 triệu tấn khí hóa lỏng.
*******************
Tập đoàn dầu khí Nga quay sang Việt Nam để mở rộng hoạt động (VOA, 15/05/2018)
Không thể khai thác ngoài khơi với các công ty phương Tây vì các biện pháp cấm vận của Mỹ, tập đoàn sản xuất dầu khí lớn nhất của Nga, Rosneft, hy vọng các hoạt động ở Việt Nam sẽ giúp tập đoàn này có được những kinh nghiệm cần thiết để mở rộng hoạt động trên toàn cầu.
Nhân viên Rosneft tại Việt Nam đang làm việc ở giàn khai thác khí Lan Tây trên Biển Đông, ngoài khơi Vũng Tàu.
Hãng tin Reuters cho rằng Việt Nam là một đồng minh truyền thống của Nga, và công ty Rosneft do Điện Kremlin kiểm soát là một phần trong một tập đoàn liên doanh giữa Petrovietnam và ONGC của Ấn Độ, đã sản xuất gần 3 tỷ mét khối khí (bcm) trong năm ngoái.
Tập đoàn liên doanh này cung cấp gần một phần mười nhu cầu điện của Việt Nam, và năm ngoái cũng sản xuất 65.000 tấn khí hóa lỏng, chủ yếu cho thị trường nội địa nhưng cũng xuất khẩu sang Singapore.
"Dự án tại Việt Nam cho phép chúng tôi phát triển kỹ năng làm việc và cũng là nền tảng cho sự phát triển hoạt động kinh doanh tại các nước khác ở Đông Nam Á", Christopher Einchcomb, giám đốc bộ phận hỗ trợ dự án nước ngoài của Rosneft cho biết.
Ông nói thêm : "Tôi chắc chắn rằng kinh nghiệm thu thập được ở Việt Nam sẽ không chỉ được sử dụng cho công việc của công ty ở ngoài khơi Việt Nam, mà những kỹ năng thu thập được còn được áp dụng trong việc lập kế hoạch và thực hiện các dự án ‘thăm dò và sản xuất’ ở các vùng xa xôi khác trên thế giới".
Các biện pháp trừng phạt do Hoa Kỳ áp đặt lên Moscow sau vụ sáp nhập Crimea vào năm 2014 cấm các công ty phương Tây làm việc tại các mỏ dầu của Nga ở Bắc Cực, sản xuất dầu thô hay thăm dò nước sâu tại quốc gia này.
Tập đoàn chính của Hoa Kỳ, ExxonMobil, đã quyết định rút khỏi các dự án chung bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt với Rosneft trong năm nay.
Mervyn Goddings, người đứng đầu công ty con Rosneft RN-Việt Nam, nói các biện pháp trừng phạt buộc công ty này phải thận trọng hơn và tăng hiệu năng.
"Hơi bất tiện. Nghĩa là chúng tôi phải khôn khéo hơn một chút trong cách hoạt động, về nơi chúng tôi mua hàng. Nhưng có rất nhiều cơ hội, sự đa dạng. Có điều chúng tôi phải điều hành hiệu quả hơn và tốt hơn".
Ông nói : "Không có kinh nghiệm nào là lãng phí cả. Vì vậy, những bài học học được ở đây sẽ được mang ra thực hành ở những nơi khác. Rosneft Việt Nam là một phần của tập đoàn Rosneft lớn hơn. Chúng tôi có những trao đổi nhân sự. Chúng tôi có nhân viên người Nga đến và làm việc ở đây".
Rosneft cho biết sản xuất ngoài khơi ở Việt Nam mang về lợi nhuận cao. Chi phí hoạt động để sản xuất khí đốt dừng ở mức 1,5 USD/thùng dầu, chỉ bằng một nửa chi phí mà công ty thường phải trả.
Hoạt động tại Việt Nam của công ty là di sản của tập đoàn TNK-BP của Anh-Nga, đã được công ty mua lại vào năm 2013 với giá 55 tỷ USD.
Rosneft kiểm soát 35% tại Lô 06.1 với trữ lượng ban đầu là 69 bcm khí và sở hữu cổ phần khoảng 33% trong đường ống dẫn khí và khí hóa lỏng từ các lô ở bồn trũng Nam Côn Sơn tới một cơ sở phát điện trên bờ.
Công ty cũng hoạt động tại Lô 05-3/11 với nguồn tài nguyên ban đầu là 28 tỷ mét khối khí và 18 triệu tấn khí hóa lỏng. Hiện tại, Rosneft đang thực hiện công việc thăm dò ở đây.
********************
Việt Nam tăng cường quan hệ quốc phòng với Israel (RFI, 15/05/2018)
Ngày 14/05/2018, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết Việt Nam có cử đại diện tham dự buổi tiếp tân do Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Israel chủ trì vào ngày 13/05/2018 nhân dịp khai trương Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Jerusalem, Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam "không có đại diện dự buổi tiếp tân này như một số báo chí đưa tin".
Tổng thống Israel Reuven Rivlin (P) và chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang duyệt đội danh dự trong buổi lễ đón tiếp tại phủ chủ tịch, Hà nội, ngày 20/03/2017. HOANG DINH NAM / AFP
Như vậy là Hà Nội không tán đồng việc xem Jerusalem là thủ đô của Israel, như lập trường của nhiều nước khác. Tuy vậy, điều này không cản trở Việt Nam tăng cường quan hệ quân sự với Israel, như ghi nhận của chuyên gia Prashanth Parameswaran trong một bài viết đề ngày 15/05/2018 đăng trên trang mạng The Diplomat.
Vào tuần trước, một phái đoàn quốc phòng Israel đã đến thăm Việt Nam, một dấu hiệu cho thấy quan hệ quốc phòng giữa hai nước đang gia tăng, tuy còn ít được chú ý so với các đối tác quốc phòng khác của Hà Nội.
Mặc dầu Việt Nam và Israel đã thiết lập bang giao từ năm 1993, chỉ đến những năm gần đây, mối quan hệ song phương giữa hai nước mới bao gồm cả hợp tác quốc phòng. Hai bên đã tiến hành một số bước, như mở văn phòng tùy viên quân sự Israel ở Việt Nam năm 2014, ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng năm 2015. Việt Nam cũng đã mua các hệ thống vũ khí của Israel và hai bên đang thăm dò các lĩnh vực hợp tác khác, như chuyển giao công nghệ và công nghiệp quốc phòng thông qua các hội thảo, các cuộc họp và các hoạt động khác.
Năm 2017, ông Reuven Rivlin là vị tổng thống thứ hai của Israel viếng thăm Việt Nam. Trong chuyến đi này, ông cũng đã bàn về các vấn đề quốc phòng với Việt Nam. Năm 2018 là năm đánh dấu 25 năm hai nước thiết lập bang giao và cũng là kỷ niệm 70 năm ngày Israel lập quốc, cho nên đây chắc cũng sẽ là những dịp mà Hà Nội và Tel Aviv tăng cường quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng.
Trong bối cảnh đó, một phái đoàn của Cục Hợp tác Quốc phòng Quốc tế, bộ Quốc phòng Israel vào tuần trước đã đến Hà Nội họp với các giới chức Việt Nam. Theo bộ Quốc phòng Việt Nam, cuộc họp là dịp để hai bên xem xét tiến triển của hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, cũng như công nghiệp quốc phòng, đồng thời bàn về những khả năng hợp tác trong tương lai. Có điều chưa ai biết rõ hợp tác quốc phòng tương lai này sẽ như thế nào, vì có rất ít chi tiết được công bố.
Thanh Phương