Thủ tướng Việt Nam hứa ‘phát triển quan hệ bền vững’ với Trung Quốc (Người Việt, 04/11/2018)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến Thượng Hải hứa hẹn với Chủ tịch Tập Cận Bình là "luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, ổn định, lành mạnh và bền vững" với Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến dự "Hội chợ nhập khẩu" ở Thượng Hải. (Hình : Tân Hoa Xã)
"Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, ổn định, lành mạnh và bền vững với Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam". TTXVN tường thuật lại lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "khẳng định" khi được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp hôm Chủ Nhật, 4 tháng Mười Một, 2018.
Ông Tập Cận Bình tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp ông Phúc sang dự "Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) lần thứ nhất" cũng khai mạc ngày 4 tháng Mười Một tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, trong đó Việt Nam có gian hàng triển lãm các loại nông sản và đồ điện tử.
TTXVN nói ông Phúc "chúc mừng những thành tựu của Trung Quốc đạt được trong 40 năm cải cách mở cửa" và ca ngợi "Vành đai và Con đường" (BRI) theo hướng thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, hỗ trợ các nước đang phát triển trong xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối BRI với triển khai khuôn khổ hợp tác "Hai hành lang, một vành đai" tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Phúc "đề nghị Trung Quốc mở cửa, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc; có chính sách và biện pháp thiết thực để giảm mức nhập siêu lớn hiện nay của Việt Nam, hướng tới thương mại song phương tăng trưởng ổn định, bền vững" và được ông Tập Cận Bình hứa hẹn "sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam để thương mại hai nước phát triển theo hướng cân bằng, bền vững", TTXVN nói.
Dịp này, TTXVN kể rằng ông Nguyễn Xuân Phúc không quên "đề nghị hai bên tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau ; thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc ; kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực".
Đáp lại, theo TTXVN, ông Tập Cận Bình hứa hẹn "nhất trí cùng Việt Nam duy trì tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất, mở rộng giao lưu nhân dân, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, cùng duy trì hòa bình, ổn định trên biển, tạo môi trường thuận lợi cho quan hệ hai nước phát triển".
Khác với TTXVN, bản tin vắn tắt của Tân Hoa Xã kể lại là ông Tập Cận Bình khuyên Việt Nam nên hợp tác với Trung Quốc "duy trì hòa bình, ổn định và gia tăng hợp tác trên biển". Nói khác, muốn hòa bình ổn định trên Biển Đông thì không được làm gì trái ý Bắc Kinh.
Khi những lãnh tụ cấp cao của Hà Nội và Bắc Kinh gặp nhau, người ta thấy nội dung nhiều khi được cơ quan thông tấn hai bên tường thuật theo chủ đích tuyên truyền riêng, kiểu ông nói gà bà nói vịt về những điểm cốt lõi liên quan chủ quyền lãnh thổ. Bề ngoài thì vẫn ca tung mối quan hệ đồng chí anh em "núi liền núi, sông liền sông" bền vững không thể nào lay chuyển.
Mới tuần trước, từ ngày 26 đến ngày 28 tháng Mười, 2018, tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam dẫn đầu một phái đoàn tướng lãnh đến Bắc Kinh ca ngợi "quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, luôn là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước" dù năm giữa ngoái, Bắc Kinh đã dọa đánh chiếm các đảo Trường Sa của Việt Nam chỉ vì đụng đến khai thác dầu khí, dù thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại vướng cái vạch "Lưỡi Bò" ngang ngược của Bắc Kinh.
Dù vậy, không một dịp nào là các lãnh tụ của Hà Nội lại không có các lời lẽ "không ngừng củng cố quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế" với Bắc Kinh.
Ngày 27 tháng Chín, 2018, Tổng bí thư Ðảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ca ngợi mối quan hệ với nước cộng sản láng giềng Trung Quốc đang ở những lúc tốt đẹp nhất trong lịch sử bang giao giữa đôi bên khi tiếp ông Triệu Lạc Tế, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Hà Nội. (TN)
*******************
Nguyễn Phú Trọng cầm đầu ‘quy hoạch cán bộ’ (Người Việt, 04/11/2018)
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cầm đầu "Ban chỉ đạo Xây dựng quy hoạch Cán bộ cấp chiến lược" để chuẩn bị cài cắm nhân sự cùng phe cánh tiếp nối khi ông ta nghỉ hưu.
Ông Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam hôm 23 tháng Mười, 2018 (Hình: AFP/Getty Images)
Thông tấn xã chính thức của cộng sản Việt Nam hôm Chủ nhật loan tin tường thuật "Ban chỉ đạo Xây dựng quy hoạch Cán bộ cấp chiến lược" họp để chuẩn bị nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ 2021-2026, tức những kẻ sẽ được cài cắm ở những vị trí đầu đảng và nhà nước khi đại hội đảng đầu năm 2021. Sau đó, hợp thức hóa qua màn biểu quyết chiếu lệ ở quốc hội.
TTXVN nói "Ban chỉ đạo" đó gồm sáu người do ông Nguyễn Phú Trọng cầm đầu gồm "Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban và các ông : Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư ; Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tổ chức trung ương ; Tòng Thị Phóng, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội ; Trương Hòa Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ; Trần Cẩm Tú, bí thư Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương".
Cái ban này "tiến hành xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược một cách bài bản, chặt chẽ", bề ngoài thì được tuyên truyền là "thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công tâm, đúng quy trình, quy định, bảo đảm cả về số lượng, cơ cấu và nâng cao chất lượng". Trên thực tế, theo truyền thống của đảng cộng sản Việt Nam, phe cánh đương quyền chuẩn bị phe đảng cho nhiệm kỳ kế tiếp để bảo vệ quyền lợi cho mình sau khi nghỉ hưu.
Việc ông Nguyễn Phú Trọng tăng thêm quyền hành khi nắm cả ghế chủ tịch nước cho thấy ông ta trở thành một trong những nhà độc tài nắm nhiều quyền lực nhất của chế độ Hà Nội, hơn hẳn những tay tổng bí thư những khóa trước.
Ở vị trí Tổng bí thư đảng, ông Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu ủy ban Quân ủy trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng chỉ là phó ; ông ta còn ngồi trong Đảng ủy trung ương của Bộ Công an từ năm 2016. Chính phủ đã có đủ mọi thứ ban bệ, thanh tra chống tham nhũng rồi, ngay ở nhiệm kỳ tổng bí thư đầu, năm 2013, ông Nguyễn Phú Trọng đã "đẻ" ra "Ban chỉ đạo trung ương Phòng chống tham nhũng" đứng đầu một hệ thống chống tham nhũng song hành kèn cựa với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Cuối tháng Mười Hai năm ngoái, người ta thấy báo chí trong nước đưa tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến "dự họp" và "chỉ đạo" tại một cuộc họp của chính phủ. Thiên hạ bàn tán rất nhiều về việc ông ta gom dần quyền lực vào tay mình. Ngay sau khi gom cả chức chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng ngồi "chỉ đạo" việc cài cắm các người vào những cái ghế chủ chốt trong đảng và chính phủ, chính thức hóa và công khai ôm trọn gói quyền lực chính trị.
Trong lời phát biểu sau khi thề giữ luôn chức chủ tịch nước, ngày 23 tháng Mười Một, 2018, Tổng bí thư Ðảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong nét mặt sung sướng rạng rỡ "giải bày tâm tư" ra vẻ khiêm tốn rằng ông "lo không biết có hoàn thành được nhiệm vụ không" và "trình độ, năng lực, sự hiểu biết của tôi có hạn, tuổi tác lại đã lớn".
Tuy ra vẻ khiêm tốn như thế nhưng ông lại nắm cả "Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026" thì "trình độ, năng lực, sự hiểu biết" của họ có giống ông không, đây là câu hỏi người ta sợ sẽ nhìn thấy.
Một số nhà phân tích cho rằng ông Trọng sẽ tiếp tục mạnh tay đối phó với tệ trạng tham nhũng ngập tràn từ trên xuống dưới. Nhưng một điều ai cũng thấy rõ là các vụ đàn áp các tiếng nói đối lập, phản biện xã hội ngày càng khốc liệt hơn. Hàng chục người dân từ Bắc chí Nam bị vu cho các tội "âm mưu lật đổ…" với các bản án tù thật nặng nề dù họ chỉ dùng mạng xã hội phát biểu ý kiến.
Trong triều đại của ông Trọng, hàng trăm người bị tra tấn nhục hình chết trong đồn công an khi vừa mới bị bắt rồi vu cho người ta "tự tử" để tránh tội giết người. Riêng 10 tháng Năm 2018, ít nhất đã có 10 người bị công an bức tử.
Giàn lãnh đạo do ông và phe cánh đương quyền cài cắm để cầm đầu Việt Nam khi ông ta về hưu năm 2021, hiện có dấu hiệu sẽ phải là những người phải bảo vệ cái chế độ này. "Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ…", TTXVN kể lại cuộc họp nói trên.
Cuộc họp "Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" diễn ra chỉ vài ngày sau một loạt nhiều đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam nổi tiếng tuyên bố bỏ đảng khi "Ban kiểm tra trung ương Ðảng" loan báo đề nghị "kỷ luật" ông Chu Hảo, giám đốc Nnhà xuất bản Tri Thức, một nhà giáo và một trí thức được kính trọng tại Việt Nam, lấy cớ ông "tự diễn biến", "suy thoái tư tưởng". (TN)
***************
Tổng Trọng : ‘Giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ’ (Người Việt, 05/11/2018)
Ông tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tấm tắc tự sướng khi khen rằng "giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ", bất kể những tai tiếng liên tiếp xảy ra.
Hàng trăm học sinh tại nhiều trường học của huyện Tây Giang có nguy cơ bỏ học giữa chừng vì bị "cắt chế độ hỗ trợ". (Hình : GDVN)
Chiều ngày thứ Bảy, 3 tháng Mười Một, 2018, theo tờ Giáo Dục Việt Nam tường thuật : "Tại Phủ Chủ tịch, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt 55 học sinh, sinh viên tiêu biểu ngành giáo dục năm học 2017-2018".
Các học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu năm học 2017-2018 bao gồm "học sinh đoạt giải Olympic quốc tế và Châu Á năm 2018, đoạt giải Hội Thi Khoa Học Kỹ Thuật quốc tế năm 2018 ; các học sinh tiêu biểu, vượt khó trong học tập, rèn luyện được khen thưởng đột xuất năm học 2017-2018 ; các sinh viên xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học năm học 2017-2018".
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ mượn cơ hội này để khoe thành tích : "Chất lượng giáo dục phổ thông được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện một bước".
Tờ GDVN nói ông Nguyễn Phú Trọng "đánh giá cao những kết quả mà ngành đã đạt được trong thời gian qua" và ông nhấn mạnh "…giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ".
Chỉ mới tuần trước, cả nước sững sờ khi thấy Bộ Giáo dục và đào tạo công bố để "lấy ý kiến" trước khi ban hành dự thảo "thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp". Trong đó có khoản nữ sinh viên ngành sư phạm bán dâm đến lần thứ tư mới bị đuổi học.
Thấy dư luận phẫn nộ dữ dội, Bộ Giáo dục và đào tạo vội vàng rút bản dự thảo thông tư lại, còn ông Bộ trưởng Nhạ, thay vì nhận lỗi, thì đổ tội cho cấp dưới là "ban soạn thảo hoặc cán bộ, cá nhân thực hiện việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém", tờ Lao Động dẫn lời ông Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn ở Quốc hội ngày 31 tháng Mười, 2018.
Khi ông tổng bí thư kiêm chủ tịch nước khen ngợi 55 học sinh sinh viên xuất sắc và ca ngợi nền giáo dục "chưa bao giờ được như bây giờ" thì tờ GDVN cũng đưa tin trong một bản tin khác rằng hàng trăm học sinh của những xã vùng cao "vừa đạt chuẩn nông thôn mới" ở Quảng Nam "đang có nguy cơ bỏ học giữa chừng vì bị cắt chế độ hỗ trợ gạo cơm, thực phẩm".
Những học sinh này nhà ở xa trường cả chục cây số, nếu không được trợ cấp tiền ăn và ở bán trú thì chúng sẽ phải bỏ học. Cha mẹ chúng nghèo khổ, không thể gánh các tốn phí cho chúng kiếm chữ. Tờ GDVN nói : "Nhà trường phải đứng ra vay mượn, xin tài trợ từ các mạnh thường quân… để đảm bảo cuộc sống bán trú cho những học sinh bị cắt chế độ hỗ trợ vì xã đạt chuẩn nông thôn mới" nhưng cũng chỉ giải quyết tạm thời.
Khi Quốc hội Việt Nam ngày 25 tháng Mười, 2018, bỏ phiếu tín nhiệm 48 chức danh cầm đầu Nhà nước và Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có "điểm tín nhiệm thấp" nhiều nhất. Hơn hai tháng trước, cả nước bàng hoàng khi tin tức bị xì ra là cuộc thi tốt nghiệp trung học kết hợp tuyển sinh đại học "hai trong một" đã bị sửa nâng điểm tại hội đồng thi một số địa phương. Thiên hạ ai cũng chỉ tay về phía ông Nhạ để đòi ông từ chức nhưng ông vẫn ngồi nguyên đó.
Nay ông lại còn được ông tổng bí thư kiêm chủ tịch nước "hai trong một" tấm tắc chống lưng. (TN)
*****************
Bộ Công an Việt Nam đã từ chối cho nhập cảnh tổng cộng 18 người nước ngoài theo chương trình thực điện tử trong trong hai năm qua, trong đó có 6 người bị cấm nhập cảnh được cho là vì lý do "an ninh quốc gia".
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an từ ngày 1/2/2017 - 15/10/2018, Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đã cấp 336.932 thị thực điện tử cho người nước ngoài.
Báo Tuổi Trẻ trích lời Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại Quốc hội hôm 5/11 rằng Việt Nam đã từ chối đối với 6 người "thuộc diện chưa cho nhập cảnh" và từ chối 13 trường hợp "vì khai không đúng sự thật khi làm thủ tục" khi bộ này áp dụng thí điểm chương trình thị thực điện tử trong hai năm qua.
Tuy nhiên, cũng báo này cho biết, hai năm qua Việt Nam cũng chưa phát hiện người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia hoặc có vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.
Truyền thông trong nước cho biết, việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam được thực hiện bắt đầu từ ngày 1/2/2017, áp dụng với công dân của 46 quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ, tại 28 cửa khẩu của Việt Nam.
Thời gian qua, Việt Nam đã nhiều lần bị cáo buộc ngăn không cho một số người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền nhập cảnh.
Vào tháng 9, bà Debbie Stothard, Tổng Thư ký Liên Đoàn Quốc tế về Nhân Quyền, cho VOA biết bà bị An ninh sân bay Nội Bài đã tạm giữ và sau đó trục xuất hôm 9/9 khi đến dự Diễn Đàn Kinh tế Thế giới về Đông Nam Á 2018 tại Hà Nội.
"Đây là lần đầu tiên tôi bị chặn. Thật là điều mỉa mai vì tôi từng đến phát biểu tại các hội thảo về nhân quyền nhưng lại không gặp rắc rối nào, nhưng khi tôi tới tham dự hội nghị về kinh tế, tôi lại gặp trở ngại", quan chức nhân quyền quốc tế mang quốc tịch Malaysia nói với VOA Việt Ngữ.
Cũng trong sự kiện này, bà Fon Mathuros, nữ phát ngôn viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới xác nhận rằng Việt Nam đã từ chối không cấp visa cho một lãnh đạo nhân quyền quốc tế khác, ông Minar Pimple, Giám đốc cấp cao của tổ chức Ân xá Quốc tế.
Vào tháng 10 năm ngoái, ông Dominic Pham, một người Mỹ gốc Việt tại thành phố Westminster, bang California, cho VOA biết rằng ông đã bị các viên chức an ninh cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, chặn lại, "mời làm việc" và sau đó thông báo miệng là ông từ chối nhập cảnh với lý mà ông tin là từng đăng bài, ảnh "nói xấu chế độ".
*********************
Chuyển động ở các ngân hàng lớn : Nợ xấu ngày càng xấu (VietnamFinance, 05/11/2018)
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 của 7 ngân hàng lớn (Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, VPBank và Techcombank) cho thấy một xu hướng rõ rệt: tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng và nợ xấu ngày càng xấu.
Tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng và nợ xấu ngày càng xấu ở các ngân hàng lớn
Xét 3 ngân hàng gốc quốc doanh, 9 tháng năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Vietcombank tăng từ mức 1,14% hồi đầu năm lên 1,18%; trong khi con số này tăng từ 1,14% lên 1,36% ở VietinBank và tăng từ 1,36% lên 1,62% ở BIDV.
Nợ xấu nội bảng là nợ xấu chỉ ghi nhận trong bảng cân đối kế toán, không bao gồm các khoản nợ xấu chưa xử lý tại một tổ chức khác ngoài tổ chức tín dụng (nợ xấu ngoại bảng). Tại Việt Nam, tuyệt đại đa số các khoản nợ xấu ngoại bảng của ngân hàng là nằm ở VAMC, một lượng không đáng kể nằm ở DATC. Trong số 7 ngân hàng lớn đã đề cập, Sacombank, BIDV và VPBank vẫn còn nợ xấu tại VAMC, với khối lượng không nhỏ, đặc biệt là Sacombank.
Tương tự như 3 ngân hàng gốc quốc doanh, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng tư nhân lớn cũng tăng. Tỷ lệ này ở MB tăng từ 1,2% lên 1,57% sau 9 tháng; ở VPBank tăng từ 3,39% lên 4,7%; ở Techcombank tăng từ 1,61% lên 2,05%.
Riêng Sacombank, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 4,67% xuống 3,18%, mặc dù cũng phản ánh tình hình nợ xấu tốt lên nhưng cũng cần lưu ý rằng, nếu tính cả nợ xấu ngoại bảng tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank vẫn ở mức rất cao, khoảng 16%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ trọng nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của 7 ngân hàng lớn đều trong xu hướng tăng rõ rệt
Bên cạnh việc tỷ lệ nợ xấu gia tăng, còn một tín hiệu kém tích cực hơn là việc tỷ trọng nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) trong tổng nợ xấu nội bảng tăng mạnh ở các ngân hàng lớn, cho thấy nợ xấu ngày càng xấu.
Ở Vietcombank, nếu như tỷ trọng nợ xấu nhóm 5 hồi đầu năm chỉ là 31% thì chỉ sau 9 tháng, con số này đã lên đến 62%, nghĩa là gần 2/3 nợ xấu của Vietcombank là nợ có khả năng mất vốn. Trong khi đó, tỷ trọng này cũng tăng mạnh ở VietinBank và BIDV, lần lượt tăng từ 58% lên 72% và 37% lên 45%.
Các ngân hàng tư nhân lớn cũng trong tình cảnh tương tự. Tỷ trọng nợ xấu nhóm 5 trong tổng nợ xấu nội bảng của MB tăng từ 37% lên 41% sau 9 tháng; của Sacombank tăng từ 80% lên 93%; của VPBank tăng từ 17% lên 18%. Riêng Techcombank, tỷ trọng này giảm nhẹ từ 60% xuống 59%.
Mặc dù nợ xấu tăng cả về lượng lẫn "chất" nhưng 9 tháng năm 2018, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trên lợi nhuận thuần của nhiều ngân hàng lớn vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này xảy ra ở Vietcombank (giảm từ 36% xuống 30%), BIDV (giảm từ 68% xuống 66%), MB (giảm từ 33% xuống 28%), Techcombank (giảm từ 34% xuống 19%).
Đây là nguyên nhân quan trọng khiến lợi nhuận trước thuế 9 tháng của nhiều ngân hàng tăng mạnh, bất chấp nợ xấu có chiều hướng xấu đi.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công bằng thì xu hướng xấu đi là rõ rệt, nhưng câu chuyện ở từng ngân hàng là khác nhau. Có ngân hàng mặc dù tỷ lệ nợ xấu và tỷ trọng nợ xấu nhóm 5 tăng mạnh nhưng tình hình tài chính vẫn rất lành mạnh ; có ngân hàng tỷ lệ trích lập dự phòng giảm dù nợ xấu tăng là do cùng kỳ năm ngoái đã trích lập nhiều, hoặc do lợi nhuận thuần tạo ra thêm từ việc chấp nhận rủi ro cao hơn chi phí dự phòng rủi ro...
Ngược lại, nợ xấu ngày càng xấu hàm chứa câu chuyện riêng của từng ngân hàng, nhưng cũng chứa câu chuyện chung: các ngân hàng đang ngày càng tập trung vào hoạt động bán lẻ - hoạt động đem về lợi nhuận cao hơn nhưng rủi ro cũng lớn hơn.
Kình Dương
Quan chức cao cấp của Ân xá Quốc tế bị từ chối thị thực nhập cảnh (VNTB, 12/09/2018)
Một ngày ngay sau khi Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế về nân quyền, Debbie Stothard,bị cấm nhập cảnh ở Nội Bài, Giám đốc cấp cao của Tổ chức Ân xá Quốc tế, Minar Pimple, đã bị Hà nội từ chối cấp visa nhập cảnh.
Ông Minar Pimple, quan chức cấp cao của tổ chức Ân xá Quốc tế cũng bị từ chối nhập cảnh.
Theo dự định Minar Pimple, một thành viên của nhóm lãnh đạo cao cấp của Tổ chức Ân xá Quốc tế dự dịnh sẽ diễn thuyết về đa dạng và đa nguyên, nhưng đã không được phép tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới này. Và do đó theo Tổ chức Ân xá Quốc tế điều này đã đưa ra thêm bằng chứng rằng chính phủ Việt Nam đang đàn áp chống lại tự do ngôn luận.
Các quan chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới được phía Việt Nam thông báo rằng thị thực nhập cảnh của Pimple đã bị từ chối.
Tổng thư ký Quốc tế Ân xá Kumi Naidoo nói, "Chúng tôi lên án quyết định ngăn chặn tranh luận của một người đóng góp thường xuyên cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới, người đã từng phát biểu ở cấp cao nhất về các vấn đề nhân quyền trên toàn thế giới. Điều này xuất hiện vào thời điểm tự do ngôn luận đang bị đe dọa nghiêm trọng ở Việt Nam. Hành động của chính phủ làm suy yếu một sự kiện phụ thuộc vào quan điểm đa chiều, và họ đang tạo cho ASEAN một cái tên xấu".
Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng cảnh báo về Luật An ninh mạng được thông qua hồi tháng 6 năm nay sẽ "tạo mối đe dọa cho tự do ngôn luận trực tuyến", một điều vốn rất xa xỉ tại Việt Nam.
Kumi Naidoo nói : "Chính phủ Việt Nam nên đảo ngược việc gia tăng hạn chế biểu đạt và ngay lập tức ngừng bức hại và đàn áp những người tham gia vào các cuộc tranh luận hợp lý.
"Các nước có sự liên hệ đáng kể với Việt Nam, bao gồm Hoa Kỳ, các thành viên của Liên minh Châu Âu, các thành viên ASEAN, cũng như các doanh nghiệp và những người tham dự Diễn đàn Kinh tế khác, không nên bỏ qua các vấn đề nhân quyền cấp bách ở Việt Nam và nên cương quyết rằng các cuộc thảo luận tại Diễn đàn sẽ mở ra và giải quyết các mối quan ngại về nhân quyền toàn cầu và khu vực".
Hà Nội mạnh tay cấm cửa hai đại diện cấp cao về nhân quyền liên tiếp trong hai ngày mà không e ngại việc này sẽ gây ra tiếng xấu có lẽ vì các quan chức ASEAN cấp cao tham dự lần Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần này sẽ không đặt nặng vấn đề nhân quyền vốn được quan tâm nhiều hơn ở các quốc gia Phương Tây.
Phương Thảo
********************
Vì sao TTK Liên đoàn Quốc tế về nân quyền bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam ? (VNTB, 11/09/2018)
Tiếp tục phát huy chuỗi thành tích từ cơ chế ‘luật rừng’ cấm các nhà hoạt động nhân quyền trong nước xuất cảnh ra nước ngoài, cơ quan An ninh cửa khẩu quốc tế Nội Bài - mà có thể hiểu đứng phía sau cơ quan này là Bộ Công an Việt Nam - vào ngày 9 tháng 9 năm 2018 đã ra quyết định cấm nhập cảnh và tạm giữ bà Debbie Stothard - Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế về nân quyền đang đến Hà Nội để tham dự Diễn Đàn Kinh tế Thế giới về Đông Nam Á 2018.
Bà Debbie Stothard, Tổng thư ký FIDH. Ảnh : RFA
Bà Debbie Stothard, người Malaysia, trở thành Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền FIDH (tổ chức có gần 100 năm hoạt động) từ tháng 11/2010. Debbie Stothard cũng là một nhà hoạt động tích cực có 32 năm kinh nghiệm thúc đẩy nhân quyền ở Miến Điện và khu vực Đông Nam Á.
Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 với chủ đề ASEAN 4.0 : Tinh thần doanh nghiệp trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ được Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Hà Nội từ ngày 11-13/9/2018.
Diễn đàn trên là một cơ hội hiếm hoi để chính thể độc đảng ở Việt Nam hy vọng ‘lấy lại những gì đã mất’ từ sau khi ‘uy tín đối ngoại’ của nhà nước này đã bị sụt giảm thê thảm do cuộc khủng hoảng phát sinh từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 là sự kiện quốc tế thứ hai được tổ chức ở Việt Nam. Trước đó vào tháng Mười Một năm 2017 là Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Đà Nẵng. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải chịu cơn suy thoái năm thứ 10 liên tiếp và gặp vô số khốn khó về ba ‘bình chủng hợp thành’ là nợ công - nợ xấu - ngân sách, chính thể Việt Nam rất cần đăng cai những sự kiện quốc tế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và viện trợ cùng kiều hối của ‘khúc ruột ngàn dặm’ để cứu vãn nền kinh tế và ngân sách.
Tuy nhiên điều mà chính thể Việt Nam luôn sợ hãi là tiếng nói phản biện và tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng đến từ giới đấu tranh nhân quyền trong nước và quốc tế.
Đã từ nhiều năm qua, cấm xuất cảnh hoặc tịch thu hộ chiếu, hoặc cả hai động tác này, là một biện pháp rất được Bộ Công an và công an các tỉnh thành dùng đến để đối phó với tiếng nói bất đồng của nhiều người hoạt động dân chủ và nhân quyền. Rất nhiều người hoạt động này đã bị cấm xuất cảnh, theo một danh sách được cho là có đến hàng vài ngàn người bị cấm xuất cảnh, trong đó có giới đấu tranh dân chủ nhân quyền.
Từ đầu năm 2014, ở Việt Nam đã ra đời ‘Hội những người bị cấm xuất cảnh’, bao gồm hàng trăm cái tên của những người hoạt động nhân quyền. Nhiều người đã làm đơn khiếu nại đòi công an phải trả lại hộ chiếu và quyền xuất cảnh, nhưng Bộ Công an và công an các tỉnh thành chỉ viện dẫn lý do ‘xâm phạm an ninh quốc gia’ hết sức mơ hồ mà không trưng dẫn ra được bất kỳ bằng chứng nào về sự xâm phạm ấy, để không trả lời các đơn thư khiếu nại.
Vào tháng Năm năm 2018, có hai blogger bất đồng chính kiến và cũng là hai nhà hoạt động nhân quyền là Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Anh Tuấn đã lần lượt bị công an Việt Nam cấm xuất cảnh, thu lại hộ chiếu và câu lưu khi bay chỉ trong tuyến nội địa.
Theo bài viết ‘Băng đảng cộng sản đang cay như ăn ớt’ của nữ nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang, vào cuối năm ngoái và khi cơ quan tư pháp cộng sản rục rịch chuẩn bị cho công cuộc xử Đinh La Thăng và đặc biệt là Trịnh Xuân Thanh – tên tội đồ, thằng cháu hư đốn và phản phúc của bác Cả Trọng – phía Đức và Chính phủ Việt Nam đã có một quá trình tiếp xúc để đàm phán, thương lượng, nhằm tìm giải pháp cho khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước xoay quanh vụ an ninh Việt Nam tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay trên đất Đức.
Một trong các thỏa thuận đạt được giữa hai bên, là một số nhà hoạt động nhân quyền-dân chủ trong danh sách hàng trăm công dân Việt Nam bị công an cấm xuất cảnh sẽ "được phép" xuất cảnh trở lại. Trong số này, có Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Anh Tuấn.
Theo sau thỏa thuận đó, Minh Hạnh và Anh Tuấn quả thật đã được Bộ Công an trả hộ chiếu và "tạo điều kiện" cho xuất cảnh. Một lần nữa kể từ thời ‘vận động để tham gia Hiệp định TPP’ vào năm 2013, biểu hiện này cho thấy chính quyền Việt Nam chơi lại ‘bài’ nới nhân quyền bằng cách dùng cơ chế trả hộ chiếu và quyền xuất cảnh cho một số người hoạt động nhân quyền để nhượng bộ người Đức nói riêng và Liên minh Châu Âu (EU) nói chung.
Nhưng rốt cuộc, chính thể và giới công an trị bị tố cáo đã ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ lại có hành động ‘trả đũa thích đáng’ đối với chủ thể tố cáo là Chính phủ Đức, sau nhiều tháng trời như thể bị ‘cấm khẩu’.
Còn giờ đây, vì sao Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế về nân quyền Debbie Stothard bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam ?
Câu trả lời là quá rõ : hậu quả khó lường náo sẽ phát sinh nếu chính nhà nhân quyền quốc tế Debbie Stothard sẽ cất lên tiếng nói tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền ngay tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 ?
Thường Sơn
*********************
Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế về nhân quyền bị cấm nhập cảnh ở Nội Bài (VNTB, 10/09/2018)
Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới từ ngày 11-13 tháng 9 tại Hà Nội, Việt Nam, theo chủ đề ASEAN 4.0 : Doanh nhân và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với một số người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ từ khu vực và hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới dự kiến sẽ tham dự.
Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế về nân quyền bị cấm nhập cảnh ở Nội Bài. Ảnh : cắt từ màn hình
Tương lai của việc làm sẽ là một chủ đề lớn. Ở ASEAN, lực lượng lao động được dự báo sẽ mở rộng thêm 11.000 công nhân mỗi ngày trong vòng 15 năm tới. Đồng thời, các người máy công nghiệp đã vượt trội so với lao động sản xuất có tay nghề thấp ; trí thông minh nhân tạo đe dọa các công việc dịch vụ của ASEAN ; và xe tự điều khiển sẽ được vào sử dụng ở Đông Nam Á. Làm thế nào lực lượng lao động ngày càng tăng của khu vực tìm được việc làm ?
Địa chính trị, đổi mới, tinh thần kinh doanh, thương mại và tăng trưởng kinh tế cũng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự.
Các nhà lãnh đạo cấp cao của các quốc gia Đông Nam á và thế giới sẽ đến tham dự với số đại biểu lên đến 900 người là các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, học thuật và dân sự, trong đó bao gồm 75 doanh nhân được lựa chọn qua một cuộc thi của Diễn đàn Doanh nghiệp Thế giới để đề cao những khởi nghiệp sáng tạo nhất trong khu vực. Đây chính là dịp để Việt nam quảng bá hình ảnh một quốc gia ổn định, tôn trọng các giá trị dân chủ ra thế giới. Thế nhưng Hà Nội đã một lần nữa lại xác nhận với thế giới rằng "hoan nghênh thương mại, công nghệ nhưng cấm cửa nhân quyền".
Bà Debbie Stothard, Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền , đã bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam và câu lưu tại sân bay Nội Bài ngày chủ nhật 9 tháng 9 năm 2018. Bà Fon Mathuros, phát ngôn viên của diễn đàn cho biết thêm rằng Stothard sẽ đi Malaysia vào thứ Hai vào ngày 10 tháng 9 năm 2018.
"Chúng tôi rất tiếc vì quyết định của chính phủ từ chối cho bà ấy nhập cảnh. Lời mời bà đến dự họp vẫn còn đó và chúng tôi sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho việc tham gia của bà vào diễn đàn, "Mathuros nói.
Stothard cho biết trên trang Facebook của mình rằng bà đã bị công an xuất nhập cảnh giam giữ tại sân bay "vì chính phủ Việt Nam đã đưa tôi vào danh sách đen" theo điều 21 ’để ngăn tôi phát biểu" tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Biên bản cấm nhập cảnh của bà Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế về nân quyền. Ảnh : Twitter Debbie Stothard
Điều 21 theo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và lưu trú của người nước ngoài tại Việt nam quy định rằng một người có thể tạm không được cho phép nhập cảnh vào Việt Nam vì những lý do quốc phòng và an ninh.
"Bất kể sự bất tiện nào tôi đang phải chịu là không có gì so với các cuộc tấn công vào các nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam và giới truyền thông", Stothard viết trên Twitter.
"Tôi hy vọng rằng việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới có uy tín sẽ giúp họ nhận ra rằng đa nguyên, nhân quyền và tự do là điều cần thiết để phát triển kinh tế".
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không bình luận ngay lập tức về việc này.
Việt Nam gần đây đã đẩy mạnh đàn áp bất đồng chính kiến, giam giữ hàng chục người vì lý do an ninh quốc gia.
Một số chính phủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền quốc tế thường chỉ trích Việt Nam vì bắt giam những người bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa, nhưng Hà Nội vẫn cương quyết rằng chỉ những người vi phạm pháp luật mới bị bắt giam.
Phương Thảo