Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam mới đây kêu gọi Cựu chiến binh cần tích cực chống tham nhũng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra yêu cầu vừa nêu khi tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nhiệm kỳ 2022-2027, hôm 30/12/2022.

ccb1

Cựu Chiến binh Việt Nam, ảnh minh họa chụp tại Điện Biên Phủ trước đây. AFP Photo

Cụ thể ông Trọng đề nghị Hội Cựu chiến binh Việt Nam tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục thói hư, tật xấu trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Một cựu quân nhân Quân đội Nhân dân Việt Nam, Nhà báo Võ Văn Tạo nói với RFA hôm 3/1/2023 :

"Theo cái nếp lâu nay, những người đứng đầu Đảng, Chính phủ bao giờ cũng ca ngợi cựu chiến binh là một trong những lực lượng nòng cốt để chống tham nhũng… Điều đó theo lý thuyết là đúng, tôi cũng là một cựu chiến binh, theo tôi biết anh em bộ đội rất nhiều người nhiệt tình với công việc chung, bức xúc trước tình hình tham nhũng của đất nước càng ngày càng nặng nề".

Thế nhưng theo ông Tạo, việc kêu gọi cựu chiến binh phát huy vai trò chống tham nhũng chỉ là lý thuyết. Vì những thành phần lãnh đạo của các Hội Cựu chiến binh hầu hết nhân sự do đảng cơ cấu, mà các cựu chiến binh lại không tín nhiệm. Ông Tạo nói tiếp :

"Những anh em có hiểu biết, gắn bó với quyền lợi với nhân dân thắc mắc cho rằng những người lãnh đạo Hội Cựu chiến binh không xứng đáng, nhưng tại sao họ lại được chức đó ? Vì những người đó lúc nào cũng răm rắp nghe lời của cấp ủy, trong khi tình hình hiện nay rất nhiều cấp ủy thối nát, từ Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng Đoàn của các bộ ngành cũng tham nhũng… Điển hình là mấy vụ gần đây, hàng chục ủy viên trung ương bị loại khỏi vòng chiến, một là đi tù, hay là kỷ luật nặng. Hiện tượng đó nhiều lắm, thế mà bây giờ đảng lại chỉ đạo cựu chiến binh, mà đảng không vững vàng thì kết quả chắc chắn cũng không hay ho gì".

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, việc nói theo khuôn phép thì ông Trọng vẫn phải nói, nhưng hiệu lực sẽ không được bao nhiêu… Vì thực tế các Hội đoàn như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên… đều tê liệt hoặc chỉ là hình thức.

Không chỉ các Bí thư đảng địa phương hay cơ quan tham nhũng, thối nát như Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, đã có hàng chục tướng, tá quân đội và công an bị kỷ luật, xử lý vì để xảy ra những vi phạm trong công tác quản lý đất đai. Người giữ chức vụ cao nhất trong quân đội Việt Nam bị xử lý kỷ luật tính đến thời điểm hiện nay là cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân ; cựu Thiếu tướng, cựu Tư Lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 Lê Văn Minh bị 15 năm tù ; cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 Lê Xuân Thanh 12 năm tù vì nhận hối lộ để bao che cho đường dây buôn lậu xăng dầu...

Ngoài ra, trong danh sách tướng, tá quân đội bị kỷ luật vì đất đai còn có Thượng tướng Phương Minh Hòa, Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Đại tá Trương Thanh Nam, Đại tá Nguyễn Hải Châu, Đại tá Phạm Ngọc Dũng.v.v…

Trở lại với yêu cầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc Cựu chiến binh cần tích cực chống tham nhũng, Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, từng công tác tại Tổng cục Tình báo quân đội - Tổng cục II, đưa ra nhận định của mình với RFA hôm 3/1/2023 :

"Tôi thấy lời kêu gọi đấy về mặt hình thức thì không có gì sai. Bởi vì chống tham nhũng là công việc của mọi công dân có trách nhiệm trong xã hội. Thế nhưng muốn chống được tham nhũng thì phải có chuyên môn nghiệp vụ, quyền hạn, công cụ hỗ trợ… tức là phải có rất nhiều yếu tố thì mới có thể làm được việc đấy… Mà quan trọng nhất là phải có hành lang pháp lý để người ta chống tham nhũng. Tôi có quen Cụ Nguyễn Văn Bé, là một cựu chiến binh lão thành ở khánh Hòa, rất tích cực chống tham nhũng, thậm chí định thành lập mặt trận nhân dân chống tham nhũng, nhưng không được phép. Sau đó Cụ đổi tên thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn chống tham nhũng, nhưng người ta cũng không cho thành lập, o ép ông và cuối cùng Cụ đã mất vì tuổi già sức yếu".

Ông Vũ Minh Trí nhìn nhận cũng có một số địa phương có cựu chiến binh chống tham nhũng thành công, như ông Đinh Đình Phú ở Đồ Sơn - Hải Phòng. Nhưng những trường hợp như vậy theo ông Trí rất cá biệt, còn đa số là bị gây sức ép, thậm chí bị bức hại giống như cụ Nguyễn Văn Bé. Ông Trí nói tiếp :

"Trách nhiệm chống tham nhũng trước hết thuộc về chức các cơ quan chức năng của chính quyền, đấy không phải là trách nhiệm của Cựu chiến binh, càng không phải của người dân, người dân chỉ có thể phát hiện tố cáo… Như trường hợp của tôi trước kia chẳng hạn, tôi phát hiện nhiều chi tiêu không đúng, và những hoạt động mờ ám, tôi làm đơn kiến nghị gửi lãnh đạo cấp cao của đảng nhà nước… Và kết luận là tôi bị khai trừ đảng, tước hàm sĩ quan… nội dung ghi rất rõ là sai trái, chệch hướng, phủ nhận sự lãnh đạo của đảng trong quân đội, chống Tổng cục 2, tội rất to".

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho rằng, hô hào là một chuyện, có làm theo hay không hoặc làm theo như thế nào lại là chuyện hoàn toàn khác.

Từ năm 2019, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác tham nhũng… Luật tố cáo 2018 cũng có quy định về việc này. Chỉ thị này được cho là nhằm góp phần tạo động lực, khuyến khích người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí, chống tiêu cực, nhưng không làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người tố cáo.

Tuy nhiên, không chỉ Cựu chiến binh tố cáo tham nhũng bị o ép, bức hại… nhiều năm qua tình trạng người dân, công viên chức tố cáo sai phạm bị trù dập, trả thù, vẫn tiếp diễn.

Đơn cử trường hợp ông Lương Xuân Bình, người tố cáo sai phạm ở dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội, thay vì được phục chức, bố trí lại vị trí công tác phù hợp theo đề nghị từ Thanh tra Chính phủ, ông lại bị trả thù phân công làm viên chức văn phòng, không đúng chuyên môn của ông.

Hay trường hợp anh Dương Tùng Nam, một người dân ở Hải Phòng. Anh cũng là nạn nhân bị trả thù sau khi lên tiếng tố cáo những tiêu cực, bất minh bạch trong hệ thống Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT.

Ngay trong ngành giáo dục, nhiều giáo viên khi tố cáo sai phạm của hiệu trưởng cũng bị trù dập, cho nghỉ việc như trường hợp Cô P. N. T., giáo viên trường Trung học Cơ sở Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, vào tháng 5/2020 đã phải gởi thư kêu cứu khắp nơi về việc cô bị trù dập, kỷ luật bằng hình thức cho thôi việc. Nguyên nhân vì cô đã công khai tố cáo Ban Giám hiệu chạy đua thành tích và trục lợi.

Trước đó, cũng từng xảy ra vụ việc tương tự kéo dài nhiều năm ở tỉnh Phú Yên. Đó là trường hợp Cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ, giảng dạy môn hóa học tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên. Cô Đệ phát hiện nhiều sai phạm ở trường, đã viết đơn tố cáo, nhưng không được giải quyết, mà ngược lại còn bị lãnh đạo trường xử lý kỷ luật đuổi ra khỏi trường không cho dạy học.

Nguồn : RFA, 03/01/2023

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam
dimanche, 30 septembre 2018 18:01

Cựu chiến binh, anh đi về đâu ?

Cách đây không lâu, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho phổ biến một clip, quay nhóm cờ đỏ Trần Nhật Quang, đem loa phóng thanh tới trước cửa nhà của anh để quấy rối, với lý do chúng nêu ra là anh Thắng đã mạo phạm tới Hồ Chủ Tịch của chúng. Chúng yêu cầu anh Thắng phải công khai xin lỗi. Sau đó ít hôm thì anh Thắng lại phổ biến một thêm clip khác, cũng một nhóm người tới quấy rối sự yên tĩnh của khu phố nhà anh Thắng, cùng một lý do là anh Thắng đã mạo phạm ông Hồ, nhưng lần này không phải nhóm Quang lùn mã tử, mà là một nhóm cựu chiến binh, có cả thương binh của bộ đội cộng sản Bắc Việt trước đây.

Nhìn thái độ hung hăng của mấy người này, tôi tự hỏi, không biết mấy ông cựu chiến binh và thương binh này tới quấy rối anh Nguyễn Lân Thắng vì thực tâm cảm thấy phẫn nộ khi cho rằng anh Nguyễn Lân Thắng xúc phạm ông Hồ, hay vì được thuê mướn để làm ba cái chuyện mang ý hướng tuyên truyền như thế ?

ccb0

Nếu các cựu chiến binh này vì cần tiền để sống qua ngày mà phải bán linh hồn cho quỷ thì tôi thấy cũng bình thường và có thể hiểu được

Sở dĩ tôi đặt vấn đề như vậy bởi vì trước đây, tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, bí thư huyện ủy ở đó đã từng mướn cựu chiến binh, phụ nữ, và ép buộc học sinh địa phương xuống đường đả đảo hai linh mục là Linh mục Đặng Hữu Nam và Linh mục Nguyễn Đình Thục !

Nếu các cựu chiến binh này vì cần tiền để sống qua ngày mà phải bán linh hồn cho quỷ thì tôi thấy cũng bình thường và có thể hiểu được. Nhưng nếu các anh thực sự tức giận, bất mãn vì cho rằng anh Nguyễn Lân Thắng đã xúc phạm tới ông Hồ thì, theo tôi, đây quả thực là một vấn đề tư tưởng cần phải được khai thông.

Có lẽ không ít người đã từng nghe nhiều về những phong trào nổi dậy của nông dân tỉnh Thái Bình, đòi công bằng xã hội, đòi lại ruộng, vườn bị cường hào ác bá, cán bộ đảng địa phương cưỡng chế, ăn cướp trong thập niên 1980 – 1990, mà cao trào là vào năm 1997.

Phong trào nổi dậy vào thời gian đó ở Thái Bình, sau đó lan rộng ra các tỉnh Hải Hưng, Vĩnh Phú, Quảng Ninh v.v… thực ra được phát động bởi những cựu chiến binh, những người một thời đã nghe theo "bác đảng", cống hiến máu xương của mình để thực hiện tham vọng nắm quyền lực ở miền bắc và cưỡng chiếm miền nam Việt Nam của tập đoàn cộng sản Hà Nội.

Sau khi cưỡng chiếm xong miền nam, hoàn toàn đặt cả nước dưới sự thống trị tàn bạo, chế độ cộng sản Hà Nội đã cho giải ngũ nhiều bộ đội. Những người mặc áo lính đó trở về địa phương và trở thành những nông dân, và ở đó họ bắt đầu phải đối diện với sự đối xử bất công phi lý, sự bóc lột tàn tệ của những cán bộ, đảng viên nắm quyền h̀ành nghiêng trời lệch đất ở địa phương.

Những nông dân cựu chiến binh ở Thái Bình, đã cố gắng chịu đựng để được yên thân, nhưng rồi khi đã quá mức chịu đựng thì chuyện gì đến sẽ phải đến. Đó là nguyên nhân của phong trào nổi dậy của nông dân, cựu chiến binh ở Thái Bình mà cao trào là năm 1997.

Phong trào nổi dậy này đã gây tiếng vang ra truyền thông quốc tế, thu hút khá nhiều phóng viên, nhà báo tụ tập ở Hà Nội để chờ chế độ cho phép tới Thái Bình để làm phóng sự.

Nhưng dễ gì mà Hà Nội dám để cho dân chúng biết ! Những phóng viên, nhà báo quốc tế được đón tiếp tử tế với hứa hẹn khi nào "tình hình an ninh" cho phép, sẽ để cho giới nhà báo, phóng viên tới Thái Bình tác nghiệp.

Dần dà những phóng viên, nhà báo đấu không lại với chế độ Hà Nội về mặt kiên nhẫn, thế là họ từ từ rút lui, và đó cũng là lúc mà phong trào nổi dậy đòi lại đất đai của nông dân, cựu chiến binh Thái Bình và các tỉnh lân cận bắt đầu bị đàn áp dã man, tàn bạo nhất. Trong đêm đen, những chiếc xe cây của công an lùng bắt tất cả những khuôn mặt nổi bật mà chế độ cho là xương sống của phong trào, và đem giam giữ họ ở đâu thì nhân thân không hề được biết.

Chế độ cộng sản Việt Nam có quá nhiều kinh nghiệm trong việc thủ tiêu những thành phần mà chúng cho là nguy hiểm cho sự sống còn của chế độ, đặc biệt trong những năm cuối của thế kỷ 20, khi truyền thông mạng chưa có, thì việc giấu giếm những hành động ác độc, phi nhân tính lại càng dễ dàng hơn.

Cộng sản Việt Nam cho phân tán các tù nhân cựu chiến binh về những trại tù hình sự trên khắp miền bắc. Chế độ ăn rơ với các tù hình sự, âm mưu thủ tiêu các cựu chiến binh trong đêm tối, thần không biết quỷ không hay ! Tù hình sự dùng loại đũa vót bằng tre cật, vào lúc tù cựu chiến binh ngủ say, đóng vào tai nạn nhân từ bên này thấu bên kia, không kịp kêu một tiếng đã bị thảm sát. Mỗi một tù cựu chiến binh bị giết, tù hình sự được giảm án 2 năm.

Phong trào bị dập tắt, và trong một thời gian khá lâu không ai biết những cựu chiến binh bị bắt giờ đang ở đâu ! Nhưng rồi không có bí mật nào mãi mãi được giữ kín. Những nhân thân của cựu chiến binh dần dần biết được cái âm mưu thủ tiêu đối lập một cách tàn bạo của chế độ, từ đó lan truyền khắp nơi.

Trong cuộc xâm lăng Miền Nam Việt Nam trước đây, Thái Bình là địa phương được chế độ cộng sản Việt Nam tại miền bắc tuyên truyền là lá cờ đầu, không thiếu một hạt thóc thuế nông nghiệp, không thiếu một người lính trong Nghĩa Vụ Quân Sự v.v… Nhưng đó chỉ là mồm mép của lũ tuyên giáo gian manh, ra rả tuyên truyền để xúi người ta góp máu, đi vào chỗ chết để cho tập đoàn Hồ Chí Minh thực hiện được tham vọng nuốt trọn miền Nam của chúng.

Chế độ cộng sản Việt Nam không hề tiếc máu xương của nhân dân, miễn sao đạt được tham vọng đặt nền thống trị cộng sản độc tài trên cả nước, điều đó được chứng minh rất rõ ràng khi một phóng viên báo Pháp phỏng vấn tướng Võ Nguyên Giáp rằng ông có hối tiếc khi có hơn 4 triệu người Việt Nam đã chết vì cuộc nội chiến ý thức hệ cộng sản ? Tướng Võ Nguyên Giáp đã lạnh lùng trả lời rằng : Non, pas du tout ! (Không, không hề hối tiếc !).

Tượng thần Hồ Chí Minh, tượng thần Võ Nguyên Giáp, trong đầu thế kỷ 21, đã không còn nguyên vẹn như thế kỷ trước. Khi những lời ca ngợi, sùng bái cá nhân đã không còn đất sống thì bộ mặt giả trá của những lãnh tụ thần thánh cũng rơi xuống lộp độp !

Trong suốt 43 năm qua, những cựu chiến binh của thời kháng chiến chống Pháp và của thời chống Mỹ đã được chế độ cộng sản Việt Nam đối xử bạc bẽo như thế nào thì đã quá rõ. Với truyền thông mạng ngày càng phổ cập khắp nơi, những âm mưu đen tối của cộng sản Việt Nam từ trước cho tới nay đã được bạch hóa phần lớn. Nếu bây giờ mà vẫn còn có cựu chiến binh tỏ ra bất bình, giận dữ khi cho rằng anh Nguyễn Lân Thắng mạo phạm "Bác Hồ" của họ thì quả là hết còn nói nỗi !

Khi bị màn tối u minh bao bọc, không thấy không nghe được sự thật thì còn có thể hiểu, nhưng khi tất cả đã rõ ràng mà còn có người vẫn u mê với những tín điều cũ rích thì chỉ có thể nói họ là những con người bất hạnh, không có duyên với ánh sáng của chân lý ! Người cựu chiến binh, với niềm tin mù mờ, đặt sai chỗ như thế, anh sẽ đi về đâu ?

Trần Thảo

Nguồn : Tiếng Dân, 30/09/2018

Published in Diễn đàn