Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/01/2023

Cựu chiến binh với hô hào chống tham nhũng của ông Trọng

RFA tiếng Việt

Lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam mới đây kêu gọi Cựu chiến binh cần tích cực chống tham nhũng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra yêu cầu vừa nêu khi tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nhiệm kỳ 2022-2027, hôm 30/12/2022.

ccb1

Cựu Chiến binh Việt Nam, ảnh minh họa chụp tại Điện Biên Phủ trước đây. AFP Photo

Cụ thể ông Trọng đề nghị Hội Cựu chiến binh Việt Nam tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục thói hư, tật xấu trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Một cựu quân nhân Quân đội Nhân dân Việt Nam, Nhà báo Võ Văn Tạo nói với RFA hôm 3/1/2023 :

"Theo cái nếp lâu nay, những người đứng đầu Đảng, Chính phủ bao giờ cũng ca ngợi cựu chiến binh là một trong những lực lượng nòng cốt để chống tham nhũng… Điều đó theo lý thuyết là đúng, tôi cũng là một cựu chiến binh, theo tôi biết anh em bộ đội rất nhiều người nhiệt tình với công việc chung, bức xúc trước tình hình tham nhũng của đất nước càng ngày càng nặng nề".

Thế nhưng theo ông Tạo, việc kêu gọi cựu chiến binh phát huy vai trò chống tham nhũng chỉ là lý thuyết. Vì những thành phần lãnh đạo của các Hội Cựu chiến binh hầu hết nhân sự do đảng cơ cấu, mà các cựu chiến binh lại không tín nhiệm. Ông Tạo nói tiếp :

"Những anh em có hiểu biết, gắn bó với quyền lợi với nhân dân thắc mắc cho rằng những người lãnh đạo Hội Cựu chiến binh không xứng đáng, nhưng tại sao họ lại được chức đó ? Vì những người đó lúc nào cũng răm rắp nghe lời của cấp ủy, trong khi tình hình hiện nay rất nhiều cấp ủy thối nát, từ Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng Đoàn của các bộ ngành cũng tham nhũng… Điển hình là mấy vụ gần đây, hàng chục ủy viên trung ương bị loại khỏi vòng chiến, một là đi tù, hay là kỷ luật nặng. Hiện tượng đó nhiều lắm, thế mà bây giờ đảng lại chỉ đạo cựu chiến binh, mà đảng không vững vàng thì kết quả chắc chắn cũng không hay ho gì".

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, việc nói theo khuôn phép thì ông Trọng vẫn phải nói, nhưng hiệu lực sẽ không được bao nhiêu… Vì thực tế các Hội đoàn như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên… đều tê liệt hoặc chỉ là hình thức.

Không chỉ các Bí thư đảng địa phương hay cơ quan tham nhũng, thối nát như Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, đã có hàng chục tướng, tá quân đội và công an bị kỷ luật, xử lý vì để xảy ra những vi phạm trong công tác quản lý đất đai. Người giữ chức vụ cao nhất trong quân đội Việt Nam bị xử lý kỷ luật tính đến thời điểm hiện nay là cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân ; cựu Thiếu tướng, cựu Tư Lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 Lê Văn Minh bị 15 năm tù ; cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 Lê Xuân Thanh 12 năm tù vì nhận hối lộ để bao che cho đường dây buôn lậu xăng dầu...

Ngoài ra, trong danh sách tướng, tá quân đội bị kỷ luật vì đất đai còn có Thượng tướng Phương Minh Hòa, Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Đại tá Trương Thanh Nam, Đại tá Nguyễn Hải Châu, Đại tá Phạm Ngọc Dũng.v.v…

Trở lại với yêu cầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc Cựu chiến binh cần tích cực chống tham nhũng, Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, từng công tác tại Tổng cục Tình báo quân đội - Tổng cục II, đưa ra nhận định của mình với RFA hôm 3/1/2023 :

"Tôi thấy lời kêu gọi đấy về mặt hình thức thì không có gì sai. Bởi vì chống tham nhũng là công việc của mọi công dân có trách nhiệm trong xã hội. Thế nhưng muốn chống được tham nhũng thì phải có chuyên môn nghiệp vụ, quyền hạn, công cụ hỗ trợ… tức là phải có rất nhiều yếu tố thì mới có thể làm được việc đấy… Mà quan trọng nhất là phải có hành lang pháp lý để người ta chống tham nhũng. Tôi có quen Cụ Nguyễn Văn Bé, là một cựu chiến binh lão thành ở khánh Hòa, rất tích cực chống tham nhũng, thậm chí định thành lập mặt trận nhân dân chống tham nhũng, nhưng không được phép. Sau đó Cụ đổi tên thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn chống tham nhũng, nhưng người ta cũng không cho thành lập, o ép ông và cuối cùng Cụ đã mất vì tuổi già sức yếu".

Ông Vũ Minh Trí nhìn nhận cũng có một số địa phương có cựu chiến binh chống tham nhũng thành công, như ông Đinh Đình Phú ở Đồ Sơn - Hải Phòng. Nhưng những trường hợp như vậy theo ông Trí rất cá biệt, còn đa số là bị gây sức ép, thậm chí bị bức hại giống như cụ Nguyễn Văn Bé. Ông Trí nói tiếp :

"Trách nhiệm chống tham nhũng trước hết thuộc về chức các cơ quan chức năng của chính quyền, đấy không phải là trách nhiệm của Cựu chiến binh, càng không phải của người dân, người dân chỉ có thể phát hiện tố cáo… Như trường hợp của tôi trước kia chẳng hạn, tôi phát hiện nhiều chi tiêu không đúng, và những hoạt động mờ ám, tôi làm đơn kiến nghị gửi lãnh đạo cấp cao của đảng nhà nước… Và kết luận là tôi bị khai trừ đảng, tước hàm sĩ quan… nội dung ghi rất rõ là sai trái, chệch hướng, phủ nhận sự lãnh đạo của đảng trong quân đội, chống Tổng cục 2, tội rất to".

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho rằng, hô hào là một chuyện, có làm theo hay không hoặc làm theo như thế nào lại là chuyện hoàn toàn khác.

Từ năm 2019, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác tham nhũng… Luật tố cáo 2018 cũng có quy định về việc này. Chỉ thị này được cho là nhằm góp phần tạo động lực, khuyến khích người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí, chống tiêu cực, nhưng không làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người tố cáo.

Tuy nhiên, không chỉ Cựu chiến binh tố cáo tham nhũng bị o ép, bức hại… nhiều năm qua tình trạng người dân, công viên chức tố cáo sai phạm bị trù dập, trả thù, vẫn tiếp diễn.

Đơn cử trường hợp ông Lương Xuân Bình, người tố cáo sai phạm ở dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội, thay vì được phục chức, bố trí lại vị trí công tác phù hợp theo đề nghị từ Thanh tra Chính phủ, ông lại bị trả thù phân công làm viên chức văn phòng, không đúng chuyên môn của ông.

Hay trường hợp anh Dương Tùng Nam, một người dân ở Hải Phòng. Anh cũng là nạn nhân bị trả thù sau khi lên tiếng tố cáo những tiêu cực, bất minh bạch trong hệ thống Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT.

Ngay trong ngành giáo dục, nhiều giáo viên khi tố cáo sai phạm của hiệu trưởng cũng bị trù dập, cho nghỉ việc như trường hợp Cô P. N. T., giáo viên trường Trung học Cơ sở Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, vào tháng 5/2020 đã phải gởi thư kêu cứu khắp nơi về việc cô bị trù dập, kỷ luật bằng hình thức cho thôi việc. Nguyên nhân vì cô đã công khai tố cáo Ban Giám hiệu chạy đua thành tích và trục lợi.

Trước đó, cũng từng xảy ra vụ việc tương tự kéo dài nhiều năm ở tỉnh Phú Yên. Đó là trường hợp Cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ, giảng dạy môn hóa học tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên. Cô Đệ phát hiện nhiều sai phạm ở trường, đã viết đơn tố cáo, nhưng không được giải quyết, mà ngược lại còn bị lãnh đạo trường xử lý kỷ luật đuổi ra khỏi trường không cho dạy học.

Nguồn : RFA, 03/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 333 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)