Giải cứu ba người Việt trốn trong thùng container lạnh vào Ireland
RFA, 11/01/2024
Đại sứ quán Việt Nam tại Anh kiêm nhiệm Ireland cho hay, các cơ quan chức năng sở tại thông báo có ba người được cho là công dân Việt Nam trong nhóm 14 người nhập cư trái phép vào Ireland trong thùng container đông lạnh.
Những người nhập cư ngồi chờ lên một xe tải đi từ Pháp vào Anh năm 2015 - Reuters
Thông tin trên được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết trong cuộc họp báo vào chiều 11/1/2024, nói thêm rằng "Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và Bắc Ireland, kiêm nhiệm Ireland để liên hệ cơ quan chức năng sở tại phối hợp tìm hiểu thông tin và theo sát tiến trình điều tra về vụ việc này".
Trước đó, Đài truyền hình quốc gia của Ireland (RTÉ) cho biết, có mười người Kurd đến từ Iran và Iraq, trong đó có hai trẻ em, cùng với ba người đến từ Việt Nam và một người đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, được phát hiện trên phà khi đang đi từ Bỉ đến Ireland.
Cảnh sát ở Cornwall, Anh, nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ một phụ nữ người Kurd trong container và thuyền trưởng đã ra lệnh khám xét con tàu cập cảng Rosslare Europort lúc 3 giờ sáng 8/1.
Người ta tin rằng những người này đã phá một lỗ trên thùng container để lấy oxy.
Những người di cư hiện đang được Cơ quan Dịch vụ Bảo vệ Chỗ ở Quốc tế (IPAS) chăm sóc và cơ quan về trẻ em và gia đình Tusla giúp đỡ.
Cảnh sát quốc gia Ireland ở Wexford đang dẫn đầu cuộc điều tra về vụ việc với sự hỗ trợ của Cục Nhập cư Quốc gia, đồng thời đang liên lạc với cảnh sát và hải quan ở Anh, Pháp và Bỉ, cũng như cục Cảnh sát Châu Âu (Europol) và tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol).
Cuộc điều tra đang cố gắng xác định địa điểm họ chui vào container đông lạnh, vốn được chất hàng ở phía nam Paris và đưa đến cảng ở Bỉ.
Phát biểu trên chương trình Morning Ireland của RTÉ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Eamon Ryan cho biết mọi việc phải được thực hiện để cố gắng ngăn chặn những người tị nạn bị đưa lậu vào các quốc gia vì những rủi ro đến tính mạng mà các chuyến hành trình gây ra.
Ông nói rằng ông hiểu rằng những người thực hiện những cuộc hành trình này đang tuyệt vọng và Ireland đứng lên cho nhân quyền và phải quản lý quyền của những người xin tị nạn bằng khả năng tốt nhất của Nhà nước.
Việc người Việt Nam nhập cư lậu vào các nước trong thùng container đông lạnh không phải là chuyện hiếm. Hồi năm 2019, thông tin về việc toàn bộ 39 người Việt thiệt mạng trong thùng xe đông lạnh khi đang tìm đường vào Anh gây chấn động thế giới.
Nguồn : RFA, 11/01/2024
***************************
Ba người Việt Nam được tìm thấy trong container đông lạnh tại Ireland
BBC, 11/01/2024
Hai trẻ em và 12 người lớn, trong đó có ba người Việt Nam, đã phải ‘đục một lỗ trong container vì họ không thở được’, theo báo The Irish Times.
Các container tại cảng Rosslare của Ireland
Cảnh sát Ireland đã bắt đầu mở một cuộc điều tra về buôn người sau khi phát hiện 14 người nhập cư không giấy tờ trong một container đông lạnh cập cảng Rosslare Europort sáng thứ Hai.
Những người nhập cư này đã phải đục một lỗ từ bên trong thùng xe khi họ cảm thấy khó thở.
Những người này gồm 10 người Kurd từ Iran và Iraq, trong đó có hai bé gái sáu và bốn tuổi ; một người từ Thổ Nhĩ Kỹ và ba người từ Việt Nam, được phát hiện trên một con tàu chở hàng đi từ Zeebrugge (Bỉ) lúc ba giờ sáng. Cánh sát Ireland đang điều tra vụ việc.
Chín đàn ông, ba phụ nữ và hai bé gái đã được khám sức khỏe và có vẻ đều trong tình trạng tốt.
Cảnh sát Wexford và Cục Nhập cư Quốc gia Ireland đang liên lạc với các đối tác nước ngoài thông qua Cảnh sát Châu Âu (Europol) để điều tra vụ việc. Họ thẩm vấn 14 người thông qua phiên dịch. Thủy thủ đoàn đang hỗ trợ cảnh sát trong cuộc điều tra. Những người nhập cư này hiện đang được Cơ quan Bảo vệ Chỗ ở (IPAS) và Tusla, cơ quan về trẻ em và gia đình, giúp đỡ.
Giới chức Ireland đang cố gắng tìm hiểu những người này được đưa vào container như thế nào. Chiếc container vốn được bốc gần Paris trước khi được vận chuyển tới Zeebrugge.
Phát biểu tại một sự kiện về khoa học, Tổng thống Michael D. Higgins của Ireland đã kêu gọi tìm hiểu hoàn cảnh của những người tuyệt vọng, như những người được chuyển đi trong container kia.
Ông nói : "Chúng ta thực sự chưa bỏ đủ công sức để lắng nghe câu chuyện của những người… đang tuyệt vọng đến thế".
"Nếu chúng ta hiểu vấn đề di cư, chúng ta cần nhìn vào tình cảnh ‘bước đường cùng’ vốn đẩy nhiều người vào cảnh vay mượn và phải cậy đến những kẻ buôn người".
Cuộc gọi vào đường dây nóng 999 hôm thứ Hai được cho là của một phụ nữ người Kurd trong container. Người phụ trách đường dây nóng đã yêu cầu kiểm tra một tàu hàng khi nó cập cảng Rosslare Europort. Cảnh sát biển của Anh Quốc nhận các cuộc gọi nói trên và đã liên lạc với cảnh sát Ireland.
Cảnh sát Ireland đã sử dụng một phần tòa nhà ở cảng Rosslare để tiếp nhận 14 người này khi họ cập cảng, trong khi một số đơn vị từ Dịch vụ Cấp cứu Quốc gia đã có mặt để cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết.
Hành trình từ Zeebrugge tới cảng Rosslare thông thường mất 24 giờ tới hai ngày.
Thành viên Đảng Lao động của Hạ viện Ireland tại Wexford, ông Brendan Howlin, cho biết 14 người này bị nhốt trong thùng xe đóng kín trong một ‘hành động nhẫn tâm vì lợi nhuận’.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Eamon Ryan cho biết đã ‘thở phào’ vì không có thương vong nào.
Đây không phải là lần đầu tiên người nhập cư được cảnh sát tại Wexford phát hiện, sau khi họ trải qua một hành trình dài trong các xe chở hàng.
Năm 2001, 13 người được phát hiện trong một thùng xe lẽ ra chở đồ nội thất từ Milan cập cảng Rosslare. Tám người, trong đó có bốn trẻ em, đã chết ngạt sau năm ngày ở trong thùng xe.
Năm 2019, 16 người đàn ông được tìm thấy sau xe tải trên một chuyến phà từ Pháp tới Wexford.
Các vụ việc người Việt Nam bị phát hiện đi lậu sang các nước Châu Âu vốn không phải là chuyện hiếm.
Vụ 39 người Việt thiệt mạng năm 2019 trong một thùng xe đông lạnh khi đang tìm đường vào Anh đã gây chấn động thế giới.
Tuy nhiên, thảm kịch này không khiến những người khác từ các làng quê Việt Nam dừng việc bất chấp tính mạng để ra đi theo cách tương tự.
Mới đây nhất, ngày 27/9/2023, phóng viên BBC News Tiếng Việt sau khi nhận được cuộc gọi cầu cứu đã báo với cảnh sát Pháp để giải cứu thành công sáu người, gồm bốn phụ nữ Việt Nam và hai phụ nữ Iraq trốn trong thùng xe tải trên một đường cao tốc ở Pháp.
Nguồn : BBC, 11/01/2024
****************************
Phát hiện di dân Việt Nam trái phép trong một chiếc xe đông lạnh ở Ireland
Phan Minh, RFI, 10/01/2024
Một nhóm di dân vượt biên trái phép từ Pháp sang Ireland đã bị phát hiện hôm 08/01/2024 trong một chiếc xe đông lạnh ở cảng Rosslare, đông nam đất nước. Nhóm này chủ yếu là những người gốc Kurdistan và Việt Nam.
Ảnh minh họa chụp ngày 27/01/2021 : Xe tải chở hàng tại cảng Rosslare, đông nam Ireland. AFP – Paul Faith
Từ Dublin, thông tín viên Clémence Pénard tường trình :
9 đàn ông, 3 phụ nữ và 2 trẻ em, tổng cộng 14 người được tìm thấy bình an vô sự.
Trước tiên, cảnh sát Anh đã được báo bằng một cuộc gọi cầu cứu trong tuyệt vọng của một trong số người này, trong khi họ vẫn đang trốn trong chiếc xe tải, được vận chuyển bằng phà đi tới Ireland.
Khi phà cập cảng Rosslare, rất nhiều xe cứu thương đã có mặt tại chỗ. Nhân viên y tế lo ngại một số người trong xe tải đông lạnh bị hạ thân nhiệt, có nguy cơ mất nước hoặc thậm chí ngạt thở, nhưng dường như tất cả đều khỏe mạnh.
Theo cảnh sát, cuộc điều tra đang được tiến hành : trong xe tải chủ yếu là những người gốc Kurdistan và Việt Nam.
Thủ tướng Ireland Leo Varadkar thở phào nhẹ nhõm vì sự kiện này không trở thành một bi kịch và ông cho biết đơn xin tị nạn của họ sẽ được xử lý nhanh nhất có thể.
Phan Minh
Quan hệ Việt Đức khôi phục trước khi EVFTA thông qua ? (BBC, 09/10/2018)
Mọi khía cạnh của các hiệp định thương mại và đầu tư EU - Việt Nam đều có thể được bàn luận tại phiên điều trần của Ủy ban Thương mại Quốc tế tại Nghị viện Châu Âu vào ngày 10/10 này.
Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế EU Bernd Lange gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 26/7
Các nghị viên Châu Âu (MEP) có thể đặt các câu hỏi về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo vệ Đầu tư (IPA), trong đó có cả chủ đề nhân quyền, một người phát ngôn của EU cho BBC hay.
Trong khi đó, hôm 9/10 một chuyên gia kinh tế ở Hà nội nhận định phiên điều trần sẽ "không dễ dàng" vì quan điểm về nhân quyền giữa Việt Nam và EU là không giống nhau, nhưng hai bên có thể tiếp tục nỗ lực để "giảm bớt khoảng cách".
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cũng nói Việt Nam và Đức sẽ sớm có đàm phán cấp cao nhằm khôi phục quan hệ hợp tác toàn diện như đã có trước đây.
Việt Nam 'sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của EU'
Cuối tháng 7/2018, ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của EU có chuyến thăm Việt Nam, khi ông gặp nhiều lãnh đạo cao cấp Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, trong chuyến đi, ông Bernd Lange có đưa ra một số yêu cầu cho phía Việt Nam, như Việt Nam phải ký kết ba công ước của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) và sửa đổi, bổ sung một số điều luật.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam sẽ sẵn sàng ký công ước của ILO.
"Hiệp định mà Quốc hội Việt Nam sắp sửa xem xét và thông qua trong kỳ này là Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (TCTPP), cũng có những yêu cầu tương tự [như EVFTA].
"Tôi nghĩ Quốc hội Việt Nam muốn thông qua hiệp định TCTPP thì sẽ sửa đổi bổ sung một số luật và sẽ ký kết những công ước tương tự như đề ra trong EVFTA".
Trụ sở Ủy ban Châu Âu tại Brussels, Bỉ
Quan hệ đối tác chiến lược Đức - Việt sớm được khôi phục ?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chia sẻ với BBC rằng vào ngày 5/10, ông được vị Đại sứ Đức ở Hà Nội mời dự tiệc chiêu đãi nhân ngày thống nhất nước Đức.
"Đại sứ Đức có tuyên bố chính phủ Đức ở Berlin có chuyển thư mời một phái đoàn của chính phủ Việt Nam sang Berlin để hai bên đàm phán khôi phục lại mối quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam, và triển khai mối quan hệ hợp tác toàn diện như trước đây", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết.
"Tôi nghĩ đây là một tín hiệu tốt lành. Vấn đề khôi phục lại quan hệ sẽ được thực hiện trong cuộc đàm phán cấp cao giữa hai bên trong thời gian tới đây".
"Phía Đức và phía Việt Nam sẽ nỗ lực để từ nay đến cuối năm có những kết quả thiết thực, trên cơ sở đó Nghị viện Châu Âu sẽ xem xét việc thông qua EVFTA vào tháng 3/2019", Tiến sĩ Doanh dự đoán.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Angela Merkel tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg tháng 7/2017, không lâu trước khủng hoảng quan hệ song phương
Tháng 3/2019 : thời điểm vàng cho EVFTA
Tháng 3/2019 là mốc thời gian quan trọng cho việc thông qua EVFTA vì sau đó Nghị viện Châu Âu hiện nay sẽ giải thể. Nghị viện Châu Âu mới sẽ được bầu vào tháng 5/2019.
"Nghị viện Châu Âu mới sẽ có nhiều ưu tiên và một chương trình bận rộn", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói, "cho nên nếu không được thông qua, hiệp định này có thể sẽ phải được xem xét và chờ đợi trong một thời gian dài hơn".
Về tiến độ của EVFTA, một người phát ngôn của EU nói với BBC :
"Hiện chúng tôi đang nỗ lực để dịch tài liệu thỏa thuận [sang 28 thứ tiếng] càng sớm càng tốt. Sau đó, Ủy ban Châu Âu sẽ gửi đề xuất tới Hội đồng Châu Âu để phê chuẩn trước khi ký kết.
"Cuối cùng, Nghị viện Châu Âu sẽ cần phê chuẩn trước khi hiệp định này đi vào hiệu lực. Thời gian của quá trình này còn phụ thuộc vào các quá trình nội bộ của Hội đồng Châu Âu".
EU chiếm 19-20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam
Nhân quyền và EVFTA
Nhân quyền là một trong các chủ đề có thể được dân biểu EU đặt câu hỏi trong phiên điều trần ở Nghị viện EU hôm 10/10.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định với BBC phiên điều trần sẽ làm rõ hơn "những tiến bộ Việt Nam đã đạt được đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế".
"Những hạn chế đó nếu được chỉ ra thì Việt nam sẽ có nỗ lực để đáp ứng những yêu cầu theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, những cam kết và công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết
"Tôi nghĩ rằng phiên điều trần sẽ là một việc không dễ dàng vì quan điểm giữa hai bên về nhân quyền là không giống nhau. Vậy chúng ta có thể tiếp tục giảm bớt khoảng cách giữa hai bên.
"Cái lợi ích rất lớn là nếu EVFTA được thực hiện sẽ đóng góp tích cực cho việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam, tạo ra công ăn việc làm cho lao động Việt Nam và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, và qua đó tạo cơ hội để EU tác động tích cực vào việc cải cách và cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh bình luận.
Hôm 17/9, 32 thành viên của Nghị viện châu Âu đã gửi thư ngỏ thúc giục chính phủ Việt Nam thực hiện những bước cải thiện đáng kể trong hồ sơ nhân quyền trước khi có thể được phê chuẩn để tham gia EVFTA.
Bức thư nhấn mạnh rằng "điều cốt lõi là EU nêu cụ thể một loạt những tiêu chuẩn về nhân quyền mà Việt Nam cần phải đạt được trước khi EVFTA được đệ trình lên Nghị viện Châu Âu để phê chuẩn và có những khuyến cáo cụ thể".
Ủy ban Châu Âu (EC) nói EU chia sẻ những lo ngại tương tự như những gì mà các dân biểu Nghị viện Châu Âu nêu trong bức thư, mặc dù Việt Nam "đã đạt được những tiến bộ đáng kể về kinh tế và xã hội và điều đó dẫn đến tăng cường các quyền kinh tế xã hội".
"Nay là thời điểm thích hợp để Chính phủ Việt Nam tham gia một cách xây dựng và toàn diện với các hội dân sự nhằm mục đích đảm bảo một cách thức dựa trên nhân quyền", một người phát ngôn của EC trả lời BBC qua email hôm 27/9.
"Về khía cạnh này, EU chia sẻ những lo ngại tương tự như những gì mà các nghị viên Châu Âu nêu trong bức thư hôm 17/9/2018.
"Những lo ngại này được trình bày với giới chức Việt Nam trong Đối thoại Nhân quyền, được tổ chức ở thủ đô các nước hàng năm.
"Đối thoại này nhằm bàn thảo nhân quyền, xem xét việc triển khai nhân quyền ở Việt Nam và EU như thế nào, và thành lập môt diễn đàn để nêu những vấn đề nhất định.
"Ngoài cuộc họp hàng năm này, EU cũng giữ một kênh tiếp xúc mở với chính quyền Việt Nam qua đó chúng tôi lưu ý các vấn đề và thiếu sót cụ thể có liên quan đến nhân quyền. Trong những vụ việc nghiêm trọng, chúng tôi đã đưa ra thông cáo và qua các dự án hợp tác kỹ thuật, EU nhằm hỗ trợ các hội dân sự ở Việt Nam".
Quan hệ Đức - Việt gặp khủng hoảng sau vụ liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh mà phía Đức nói là bị mật vụ Việt Nam "bắt cóc tại Berlin" hè 2017 rồi chuyển về Hà Nội đưa ra tòa.
Berlin đã tạm ngưng đối tác chiến lược với Hà Nội sau đó.
Phía Việt Nam cho đến nay không giải thích được cho Đức và Slovakia, một nước EU khác cũng liên quan, rằng ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam bằng cách nào.
Tuy nhiên, có vẻ như trọng tâm vụ việc này chuyển từ Đức sang Slovakia dù vụ xử án "bắt cóc" tại Berlin vẫn chưa khép lại.
*********************
Tài năng âm nhạc Việt sắp bị Đức trục xuất khi đang xin tị nạn (VOA, 09/10/2018)
Sinh viên âm nhạc Nguyễn Quang Hồng Ân, 18 tuổi, đang đối mặt với nguy cơ bị trục xuất từ Đức về Việt Nam trong khi đang chờ phỏng vấn xin tị nạn chính trị tại Canada.
Nguyễn Quang Hồng Ân, tháng 10/2018.
Vào năm 2014, Nguyễn Quang Hồng Ân đoạt 3 giải trong cuộc thi Piano Quốc Tế tại thành phố San Jose, Hoa Kỳ. Năm 2016, một năm sau khi cùng cha mẹ đến Đức, Hồng Ân đã đoạt giải nhất tại cuộc thi âm nhạc nổi tiếng Piano-Steinway.
Trên đường đi trình diễn và tham dự các kỳ thi Piano Quốc tế tại Châu Âu vào năm 2015, gia đình cô Hồng Ân đã xin tị nạn chính trị tại Đức.
Từ Nuremberg, Nguyễn Quang Hồng Ân, chia sẻ với VOA : "Tôi đang chờ phỏng vấn đi Canada nhưng chính quyền Đức có thể bắt giam và kết tội hình sự tôi vì thị thực hết hạn, trong khi đã xin tỵ nạn hợp pháp".
Hồng Ân cho biết thêm :
"Trong 4 tháng vừa qua họ làm khó cho tôi vô cùng như là cắt hết quyền lợi mà người tỵ nạn đáng được hưởng, ngoại trừ quyền về nhà ở, nhưng tôi không biết nay mai sẽ như thế nào. Tôi giải thích rõ với họ là trường hợp của tôi là tỵ nạn chính trị một cách hợp pháp nên không cần phải gia hạn hộ chiếu. Tôi đến Đức để tìm sự che chở vì gia đình tôi bị bách hại ở quê nhà".
Hiện nay gia đình Hồng Ân đang đối mặt với nguy cơ bị chính quyền Đức bắt giữ và trục xuất về Việt Nam.
Vợ chồng ông bà Nguyễn Quang Hồng Nhân và con gái Nguyễn Quang Hồng Ân (Ảnh : Thoibao)
Hồng Ân nói :
"Hiện nay có bằng chứng rõ ràng rằng khi trở về thì gia đình tôi sẽ bị trả thù và bị tù tội bởi vì chính quyền Việt Nam đã thông qua Lực lượng Tác chiến Không gian Mạng lên án tôi là ‘phản bội tổ quốc’ và gia đình tôi là ‘phản động chuyên nghiệp’".
Hồng Ân cho biết cô và gia đình đang chờ phỏng vấn tị nạn chính trị ở Canada.
"Hiện tại tôi đang chờ phỏng vấn để sang nước thứ ba là Canada, hồ sơ đã được Cơ quan Di trú Canada chấp thuận. Thế nhưng chính phủ Đức vẫn một mực yêu cầu em đến Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt để làm lại hộ chiếu, họ đã soạn sẵn văn bản và yêu cầu tôi ký với hạn chót là ngày 25/10/2018 và nếu không có hộ chiếu mới thì sẽ bị quy tội hình sự, bị bắt giam để trục xuất về Việt Nam".
VOA chưa liên lạc được với chính quyền thành phố Nuremberg cũng như Sở Di trú Đức để xác nhận yêu cầu trục xuất đối với cô Hồng Ân và gia đình.
Vào đầu năm nay, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân, thân phụ của cô Hồng Ân, nói với VOA rằng chính quyền thành phố Nuremberg đã thu hồi tất cả các giấy tờ tùy thân của gia đình và cô con gái Hồng Ân, hiện là sinh viên khoa dương cầm Đại học Âm nhạc Nuremberg.
Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân, còn được biết đến là nhà văn, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang, từng bị chính quyền Việt Nam cầm tù. Ông nói :
"Sau khi cộng sản chiếm miền Nam thì tôi hoạt động về nhân quyền, nhưng sau đó tổ chức bị vỡ. Sau khi ra tù tôi thấy Việt Nam thiếu về nghề nghiệp nên tôi mới mở một trường công nghệ ở Đà Lạt để đào tạo ngành nghề cho sinh viên, nhưng họ biết tôi ở tù mới ra cho nên họ đóng cửa".
Năm 1979, ông Nguyễn Quang bị tòa án ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa cáo buộc "hoạt động tuyên truyền chống phá Cách mạng" và tổ chức đưa sinh viên, học sinh ra ngoại quốc. Trong lời nói cuối cùng trước tòa, ông kêu gọi LHQ mở cuộc điều tra về vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Về án tù của cha, Hồng Ân nói :
"Ba của tôi là một cựu tù nhân lương tâm, đã từng bị giam giữ 20 năm dưới chế độ Cộng sản. Ông là một nhà hoạt động nhân quyền và hiện điều hành Viện nhân quyền Việt Nam".
Thủ tướng Việt Nam chỉ thị bảo vệ quyền lợi cho dân Thủ Thiêm (RFA, 16/05/2018)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải nhìn thẳng sự thật, việc gì đúng thì tiếp tục giải thích, việc gì sai thì cương quyết sửa chữa, tất cả vì mục tiêu phát triển của thành phố, vì cuộc sống của người dân.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. AFP
Phát biểu trên được ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra hôm 15 tháng 5 trong cuộc họp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân (UBND) Thành Phố Hồ Chí Minh bàn việc xử lý khiếu nại, tố cáo của người dân về dự án Thủ Thiêm.
Cùng chủ trì buổi họp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn có các phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng và Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng. Nguyên lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh cũng tham dự cuộc họp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo "UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát, giải quyết các khiếu kiện của người dân ; thực hiện ngay các chính sách phù hợp đối với người dân, nhất là những người đã bàn giao đất mà chưa nhận nhà tái định cư hoặc bị cưỡng chế mà chưa có chỗ ở thì phải có ngay các giải pháp cần thiết để lo cho người dân, không để người dân quá khó khăn trong cuộc sống".
Theo người đứng đầu chính phủ Hà Nội, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt bằng quyết định 367 năm 1996 và là công trình trọng điểm về kinh tế, xã hội của thành phố, thế nhưng trong quá trình thực hiện có các sai sót về quản lý đất đai, quy hoạch, lưu trữ hồ sơ nên người dân khiếu kiện kéo dài.
Nay thủ tướng yêu cầu giải quyết phải đúng chính sách pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Nếu sai phải xác định rõ thời gian sửa chữa và cách giải quyết. Tất cả phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2018.
Hiện, dự án Khu đô thị Thủ Thiêm đã giải phóng hơn 99% mặt bằng. Còn hơn 100 hộ dân khiếu nại vì cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo quyết định của thủ tướng năm 1996 nhưng vẫn bị giải tỏa.
Vụ việc Thủ Thiêm nóng lên trong thời gian qua. Những người dân có nhà ngoài ranh giới qui hoạch, nhưng bị cưỡng chế và phải khiếu kiện lâu nay, lên tiếng về trường hợp của họ với các đại biểu quốc hội khu vực Quận 2, thành phố Sài Gòn.
Trước đó có tin bản đồ qui hoạch 1/5000 khu vực Thủ Thiêm bị mất ; nhưng rồi một vị cựu chủ tịch thành phố, ông Võ Viết Thanh, công bố những bản đồ gốc khiến người dân thêm bức xúc.
Trước đây vào năm 2012, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng lên tiếng nói rõ vụ cưỡng chế đất đầm nuôi thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng là sai. Thế nhưng bản thân ông Đoàn Văn Vươn và một số người trong gia đình vẫn bị kết án tù với cáo buộc chống trả lực lượng cưỡng chế.
*********************
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xăng dầu kịch trần (RFA, 16/05/2018)
Bộ Tài chính duy trì đề xuất Quốc hội cho tăng thuế Bảo vệ Môi trường đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu lên kịch khung.
Người dân chờ đổ xăng tại một trạm xăng ở Hà Nội. AFP photo
Đây là một trong những nội dung chính thuộc Dự án Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường mà Bộ Tài chính trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 16 tháng 5.
Theo đó, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít ; Dầu diesel được đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít ; Dầu madut, dầu nhờn được đề nghị tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, Mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg ; Dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.
Lý do Bộ Tài chính đưa ra lần này là do giá xăng dầu của VN thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khu vực ASEAN và Châu Á. Bộ Tài chính cho biết hiện giá xăng của VN thấp hơn 120 quốc gia trên thế giới.
Theo tính toán của ngành tài chính thì ngân sách nhà nước sẽ thu về một khoản hơn 14.000 tỷ đồng từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch trần như vậy.
Thời gian gần đây Bộ Tài chính thường xuyên đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, với lý do là để bổ sung cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên nhiều người dân và thậm chí cả các chuyên gia kinh tế trong nước đều cho rằng đây là điều vô lý vì không thể tăng thuế bảo vệ môi trường nhưng lại bỏ vào ngân sách chung. Trong khi đó nhiều người dân than phiền là thuế bảo vệ môi trường ngày một tăng trong khi môi trường vẫn ô nhiễm nặng nề.
********************
Hơn 30% lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc (16/05/2018)
Có đến gần 35% lao động Việt Nam phá vỡ hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tính đến tháng 4 năm nay.
Hình minh họa. Một người lao động Việt Nam (giữa) đi Hà Quốc tại sân bay Nội Bài hôm 5/11/2007 - AFP
Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội Việt Nam công bố tỷ lệ vừa nêu.
Báo Người Lao động trích nguồn tin từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, con số lao động Việt Nam bỏ trốn những năm qua thậm chí chiếm đến tổng số 40% số lao động nước ngoài đang lao động và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc hiện tiếp nhận lao động từ 16 quốc gia. Các quốc gia này đều có lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc, tuy nhiên tỷ lệ trung bình của các nước chỉ chiếm khoảng 8 đến 9%, nước nhiều cũng chỉ chiếm khoảng 15 đến 16% trong tổng số lao động nước ngoài bỏ trốn.
Phía Hàn Quốc mới đây cũng cảnh báo nếu tình trạng người lao động từ Việt Nam bỏ trốn ở lại tiếp tục gia tăng thì nước này sẽ ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam trong năm 2019.
Mới đây Bộ Lao động Thương Binh Xã hội đã có thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động nước ngoài sang Hàn Quốc theo chương trình EPS năm 2018 tại 49 địa phương là những nơi có đông người lao động bỏ trốn.
****************
Đức phát hiện đường dây đưa lậu người Việt vào Đức (RFA, 16/05/2018)
Cảnh sát Đức hôm thứ ba ngày 15/5 đã bắt giữ hai người đàn ông Việt Nam nằm trong đường dây đưa lậu người Việt vào Đức. Reuters trích nguồn tin từ cảnh sát Đức cho biết như vậy hôm 15/5.
Hình minh họa. Một cảnh sát Đức nói chuyện với người nhập cư đang đợi trên biên giới giữa Đức và Áo ở thị trấn Passau, miền nam Đức hôm 28/10/2015 - AFP
Theo Reuters, cảnh sát Đức đã bố ráp 20 căn hộ tại Berlin và Brandenburg, bắt giữ 3 người đàn ông bao gồm hai người Việt có độ tuổi 57 và 25, và một người Đức, 26 tuổi. Những người này bị tình nghi đã sắp xếp các vụ kết hôn giả và chứng nhận cha mẹ để giúp người Việt có giấy tờ cư trú tại Đức.
Theo cảnh sát Đức, trong cuộc bố ráp, cảnh sát đã thu giữ nhẫn cưới, giấy tờ nhận dạng cá nhân, điện thoại và hơn 26.000 euro tiền mặt.
Cuộc điều tra của cảnh sát Đức về băng nhóm này đã được bắt đầu từ tháng 3 năm ngoái và cho đến giờ đã phát hiện được 10 người tình nghi bao gồm cả người Đức lẫn Việt Nam.
*****************
Cảnh sát Đức bắt 2 người Việt trong đường dây buôn người (VOA, 16/05/2018)
Cảnh sát Đức hôm 16/5 bắt giữ 3 người bị tình nghi thuộc một đường dây buôn người Việt Nam vào Đức.
Hai người Việt Nam vừa bị cảnh sát Đức bắt giữ bị tình nghi tổ chức nhiều đám cưới giả để giúp nhiều người xin giấy phép cư trú tại Đức.
Hãng tin Reuters dẫn lời cảnh sát Đức tường thuật rằng 2 trong số 3 người bị bắt là người Việt Nam. Người còn lại là một công dân Đức 26 tuổi.
Cảnh sát cho biết hai người đàn ông Việt Nam, 57 tuổi và 35 tuổi – bị tình nghi là tổ chức nhiều đám cưới giả và cấp giấy chứng nhận mang thai giả để giúp nhiều người xin giấy phép cư trú tại Đức.
Cảnh sát Đức thu giữ nhiều nhẫn cưới, giấy tờ chứng minh thư, điện thoại và hơn 26.000 euro (khoảng 30.000 USD) tiền mặt trong khi lục soát 20 căn hộ ở thủ đô Berlin và Brandenburg.
Các cuộc điều tra của cảnh sát Đức về nhóm buôn người này bắt đầu từ tháng 3/2017 và cho tới thời điểm này, đã nhận dạng được 10 nghi phạm gồm cả người Việt Nam và Đức.
Có khoảng 150.000 người Việt Nam đang sinh sống ở Đức, theo Chủ tịch Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức Nguyễn Văn Thoại.
Berlin, nơi diễn ra vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam, là nơi có đông đảo người Việt sinh sống hợp pháp. Cộng đồng người Việt tại đây được ước lượng lên tới 25.000 người.
Trước đây đã có thông tin về một số người Việt Nam bị cảnh sát Đức bắt giữ vì các hoạt động buôn lậu.
Gần đây nhất, vào tháng 3/2018, một chủ nhà hàng Việt Nam tại trung tâm Berlin bị bắt giữ vì buôn lậu 15kg cần sa, theo thoibao.de.
Trang mạng VietnamPlus đưa tin là vào tháng 8 năm ngoái, một người Việt ở Đức bị bắt giữ vì bán hàng cấm là sừng tê giác và ngà voi.
*****************
Việt Nam ‘lúng túng’ xử lý khách Trung Quốc mặc áo đường lưỡi bò (VOA, 16/05/2018)
Các quan chức Việt Nam đang lúng túng trong việc xử lý nhóm khách du lịch Trung Quốc mặc áo in hình "đường lưỡi bò" 9 đoạn mà Việt Nam cho là bất hợp pháp.
Tuổi Trẻ gạch chéo phần hình ảnh đường "lười bò" 9 đoạn in trên áo của nhóm khách du lịch Trung Quốc tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa, trong tấm ảnh lan truyền trên mạng Facebook.
Nhóm 14 du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Cam Ranh của Khánh Hòa hôm 13/5 trên người mặc áo phông in bản đồ với đường lưỡi bò mà Việt Nam cho là "xâm phạm chủ quyền của Việt Nam" đã gây phẫn nộ trong công chúng, theo truyền thông trong nước.
Luật Du lịch có quy định rõ là các hoạt động du lịch xâm phạm đến an ninh chủ quyền đều thuộc về điều cấm.
Nguyễn Thiện Hùng, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa
Tỉnh Khánh Hòa cho rằng mặc áo in hình "đường lưỡi bò" nhập cảnh Việt Nam là "phi pháp" nhưng chưa có quy định xử lý đối với hành vi này.
Phó Chủ tịch tỉnh Trần Sơn Hải được VnExpress trích lời cho biết đây là lần đầu tiên phát hiện ra du khách Trung Quốc mặc áo in hình "đường lưỡi bò" nhập cảnh Việt Nam.
Ông Hải nói : "Địa phương đã có bộ quy tắc ứng xử về du lịch, nhưng trong đó không quy định rõ về vấn đề này nên khá lúng túng trong xử lý bởi đây đặc thù có câu chuyện về chủ quyền".
Người Việt Nam ở Manila ăn mừng phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế La Haye không công nhận đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc ra hồi tháng 7/2016.
Nhận định về giải pháp xử lý, Luật sư Nguyễn Thiện Hùng, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa và là một đại biểu của Hội đồng Nhân dân tỉnh miền Trung, cho biết : "Luật Du lịch có quy định rõ là các hoạt động du lịch xâm phạm đến an ninh chủ quyền đều thuộc về điều cấm". Nhưng ông Hùng cho VOA biết rằng tỉnh "không giao cho Hội Luật gia trực tiếp xử lý vụ việc này".
Nhiều người, cả Việt Nam và nước ngoài, kêu gọi các quan chức tỉnh trục xuất những du khách Trung Quốc mặc áo in hình "đường lưỡi bò".
Nhiều người dân đã thể hiện sự bất bình của họ trên mạng xã hội về vụ việc. Nhiều người, cả Việt Nam và nước ngoài, kêu gọi các quan chức tỉnh trục xuất những du khách Trung Quốc mặc áo in hình "đường lưỡi bò".
Ông Hoàng Quốc Thái, chủ tịch Hội Văn hóa, Du lịch tỉnh Quảng Ninh nói : "Là người Việt, mình bất bình với việc làm của họ".
"Rõ ràng là không ai đồng tình chuyện đó", theo LS Hùng. Ông cho rằng tôn trọng chủ quyền thì "ở dân tộc nào, người dân của đất nước nào" cũng phải làm như vậy.
Tuy nhiên ông Thái, một người phục vụ trong ngành du lịch nhiều năm ở Quảng Ninh, lại cho rằng không dễ để xử lý việc này. "Về pháp lý, chưa có quy định, chưa có điều khoản nào trong luật cấm khách mặc quần này áo kia".
Để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nói cần phải có quy định và biện pháp xử lý rõ ràng.
Du khách Trung Quốc chiếm hơn phân nửa lượng khách nước ngoài tới thăm Nha Trang trong 4 tháng đầu năm nay.
VNExpress dẫn lời Phó giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Viết Định xác nhận rằng toàn bộ số áo in hình "đường lưỡi bò" đã bị công an thu giữ.
Cơ quan điều tra đang làm việc với các đơn vị liên quan để làm rõ động cơ của nhóm khách Trung Quốc, theo Đại tá Định.
Truyền thông trong nước tường thuật rằng Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chỉ đạo các quan chức tỉnh Khánh Hòa có các biện pháp xử lý và yêu cầu Bộ Công an và Bộ Ngoại giao vào cuộc.
Theo lịch trình, nhóm du khách Trung Quốc sẽ lưu lại 5 ngày ở Nha Trang trong tour du lịch này.
Du khách Trung Quốc chiếm hơn phân nửa lượng khách nước ngoài tới thăm Nha Trang trong năm nay. Có khoảng 750.000 khách nước ngoài tới Nha Trang trong 4 tháng đầu năm, trong đó khách Trung Quốc vượt mức 465.000 người.
Theo số liệu chính thức của ngành du lịch thì trong quý đầu năm nay, lượng khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam đã tăng 40%, với tổng cộng 1.77 triệu khách, tới các địa điểm du lịch trên cả nước.
Linh Đan