Khi dân phẫn nộ với chính quyền (VNTB, 23/11/2018)
Buổi tiếp xúc cử tri 22/11/2018 tiếp tục là buổi thể hiện ý chí và nguyện vọng của người dân Thủ Thiêm, và video ghi nhận lại, là sự phẫn nộ, uất ức, căm hờn của người dân đối với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minhnói chung và quận 2 nói riêng.
Cô Nguyễn Thùy Dương trong bài chia sẻ kéo dài 6 phút, nhưng cô đã thâu tóm được sự bất công trong quá trình lấy đất (chính xác hơn là cướp đất) của người dân, bất nhân khi tiến hành cưỡng chế một cách thô bạo, trái pháp luật, đạp lên cả công lý và đạo đức cần có của một công bộc.
Trong video, cô chia sẻ về việc chính quyền sử dụng lực lượng công an và quân đội để cưỡng chế đất đai trái pháp luật, thậm chí, bác dâu của cô, người từng đi theo cách mạng, người bị cưỡng chế ngàn hecta đất, người mà con trai của bà đã bị ‘công an nhân dân kề súng vào đầu lấy đất xây trụ sở UBND quận 2’ với câu nói : muốn giữ đất hay mạng sống.
Chỉ với 6 phút chia sẻ quan điểm, cô gái 9x Nguyễn Thùy Dương đã lột trần sự tàn bạo của chính quyền quận 2, sự dung dưỡng và thông đồng tội ác của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó – chỉ thẳng ra bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, người đứng đầu Hội đồng nhân dân thành phố nhưng đã không hề có trách nhiệm giám sát.
Quan điểm của cô Dương trở thành quan điểm của không ít bà con dân oan Thủ Thiêm, và sai phạm khiến họ mất 1/3 cuộc đời (20 năm) vạ vật lại bị nhắc nhở chỉ nên phát biểu 5-6 phút.
Trong khi đó, quyết định kỷ luật đối với ông Tất Thành Cang, cái tên gây phẫn nộ trong người dân vẫn chưa được tập thể thành phố Hồ Chí Minh đưa ra.
Cách mạng và sự phỉ nhổ
Câu chuyện bà con Thủ Thiêm, một nơi từng nuôi giấu cán bộ cách mạng giờ đây trở thành một câu chuyện bi hài. Nhiều quan điểm cho rằng, đó luật nhân quả, khi nuôi giấu ‘bạo lực’ và giờ đây bị bạo lực báo ứng trở lại (chính quyền trên nòng súng !).
Tuy nhiên, với người viết lại không nhấn mạnh về vấn đề đó, thậm chí cho rằng, tính chất ‘hả hê’ về cái gọi là luật nhân quả là một sự phiến diện. Người viết cho rằng, ngay cả cái thời điểm người dân nuôi giấu cán bộ chính là vì lòng tin của người dân với lý tưởng cộng sản quá lớn, và rằng, bối cảnh thời điểm lúc đó của Việt Nam Cộng Hòa là sự tranh chấp, đảo chính, tham nhũng,…
Người dân có quyền lựa chọn, và họ chọn cách nuôi giấu. Nhưng vấn đề là, càng về sau, họ càng tỉnh ngộ hơn về việc làm của mình, và có người đã buột miệng thở dài… giá như. Quan trọng hơn nữa, những ‘đứa con của cách mạng’ về sau này lại trở thành những tên ‘cướp’ tài ba, cướp về mặt đất đai, cao hơn là quyền dân sự - chính trị của người dân. Những thủ đoạn, chiêu bài, cách thức ‘cướp bóc’ của những ‘đứa con cách mạng’ khiến người dân nhận ra rõ ràng hơn về cái gọi là ‘bán nước và cướp nước’. Và chính những ‘đứa con cách mạng’ này gián tiếp xóa bỏ những thành quả cha anh, bôi xấu và làm nham nhở bộ mặt chế độ.
Nếu năm xưa, tướng Nguyễn Ngọc Loan là người đã cầm súng bắn thẳng vào đầu một người chưa rõ danh tính được cho là Bảy Lốp (Nguyễn Văn Lém) hoặc Bảy Nà (Lê Công Nà) ở trận Mậu thân 1968 gây xôn xao dư luận. Thì ngày nay, một công an nhân dân quận 2 kề súng vào đầu người dân để buộc họ phải giao đất nhằm ‘xây dựng trụ sở chính quyền’ với câu nói ‘mày cần đất hay cần mạng’ để lột tả và phô bày toàn bộ bản chất bạo lực của chính quyền, gây căm phẫn trong người dân.
Cách mạng đã bị phỉ nhổ một cách rất tự nhiên như thế. Nó bác bỏ những luận điểm trên mây của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, người từng không hề tin không đồng tình với đánh giá trong Nghị quyết về việc 'Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút'.
Facebooker Trần Quân bày tỏ về bài phát biểu của cô Nguyễn Thùy Dương : Cướp chính quyền xong thì bị chính quyền mới cướp sạch đất đai lẫn nguồn sống... Hết thỏ thì giết chó săn…
Cô Thùy Dương và cụ Kình
Quan điểm, cách trình bày và sự lên tiếng đầy thẳng thắn của cô Thùy Dương khiến nhiều người liên tưởng đến cụ Kình (Đồng Tâm – Hà Nội), bởi họ phê phán mạnh mẽ bè lũ cướp đất của người dân dưới mác ‘chính quyền’, và sẵn sàng chết để bảo vệ công lý và mảnh đất của chính họ.
Nó cho thấy rằng, bản chất sở hữu toàn dân đã và đang tiếp tục tạo nên những mồi lửa phản kháng, sự mở rộng các lợi ích do lỏng lẻo từ pháp luật cũng như quyền lực quá lớn từ những đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã làm gia tăng số lượng dân oan, gián tiếp tạo ra một lực lượng mà sự phản kháng của họ sẵn sàng bùng nổ khi đến một thời điểm thích hợp, đưa xã hội rơi vào một sự khủng hoảng mới trong tương lai, một sự khủng hoảng mà máu có thể chảy ra với sự đối đầu giữa ‘dân cày’ và chính quyền. Như cách mà bài học 1930 – 1931, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn thường nhắc đến với tên gọi : Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bởi tính chất cướp đất được hỗ trợ bởi lực lượng công cụ vũ trang và Luật Đất đai khá dễ dàng, trong khi trừng phạt tội ‘cướp đất’ lại cực kỳ khó khăn, và theo quy trình chống tham nhũng rất riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam, một quy trình mà dùng ‘đảng tâm’ hơn là luật pháp để điều chỉnh sai phạm.
Cô Thùy Dương rồi đây sẽ bị không ít thành phần chụp mũ là ‘lôi kéo, kích động, phản động’, nhưng những thành phần này chưa bao giờ bị mất đất hoặc tước đoạt lợi quyền hợp pháp để vun vén lợi quyền bất hợp pháp cho một nhóm người. Bởi quy chụp người dân là phản động chính là đồng thuận với bè lũ cấu kết chà đạp lên quyền lợi và cướp trắng tài sản hợp pháp của người dân !
Và sẽ có một ngày, bộ phận không nhỏ đó sẽ tự đặt chiếc mũ phản động lên đầu mình, đầy cay đắng, như bà con Thủ Thiêm một thời nuôi giấu cán bộ, để rồi giờ đây họ ngỡ ngàng về hậu quả cách mạng.
Hoa Nghi
*********************
Vụ Thủ Thiêm : Dân ‘mắng’ công an, quân đội, chính quyền ‘đê tiện’ (VOA, 23/11/2018)
"Tại sao các vị phải ti tiện đến như vậy ? Đó là một sự đê tiện thực sự", một người dân đại diện cho cử tri quận 2 đã nói với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh như vậy sau khi "mắng" lực lượng công an, quân đội đã "chĩa súng vào đầu" người dân, "tự tiện, núp lén, canh người ta không có nhà để dỡ rào lấy đất" thay vì thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cho người dân.
Nguyễn Thị Thùy Dương phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri Q.2 ngày 22/11/2018.
Phần phát biểu của chị Nguyễn Thị Thùy Dương, người phụ nữ bất đắc dĩ "nổi tiếng" vì đã ném giày vào lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trước đây, trong buổi tiếp xúc cử tri quận 2 (Q.2) ngày 22/11 đã được cả hội trường vỗ tay tán thưởng. Thậm chí, cử tri còn yêu cầu lãnh đạo mở loa lên để cho phép chị được nói tiếp sau khi phần phát biểu của chị bị cắt đi theo quy định.
"Chảo lửa"
Được sự ủy nhiệm của nhiều người dân trong khu vực quận 2, nơi đã bị lấy đất theo kế hoạch lấy đất "chồng chéo" mà chính quyền gọi là "tái định cư" cho người dân mất đất ở Thủ Thiêm, chị Nguyễn Thị Thùy Dương đã nói như mắng vào các lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, đứng đầu là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, về hành động lấy đất "như đi ăn cướp" của chính quyền thành phố trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
"Không đền bù cho người dân mà dám làm hồ sơ đã đền bù rồi, sau đó tự tiện núp lén, canh người ta không có nhà dỡ rào lấy đất. Luật pháp chỗ nào, trong khi đơn vị lấy đất lại là quân đội ? Quân đội để làm gì ? Để bảo vệ nhân dân hay là để hù nhân dân lấy đất ?".
Gia đình cô Dương cũng là một trong những hộ dân bị lấy đất, trong đó có phần đất hiện đã trở thành trụ sở UBND quận 2.
"Vào hơn 10 năm về trước, UBND quận 2 vì muốn xây dựng của mình nên đã cướp đất người ta. Công an đã làm gì ? Lực lượng công an nhân dân là để bảo vệ nhân dân, nhưng hôm đó, chính lực lượng công an nhân dân đã kề súng vào đầu của con trai cô đó [cô Dương chỉ về hướng người phụ nữ tóc bạc, được cho biết là bác dâu của cô Dương] và nói rằng ‘Mày cần đất hay cần mạng ?’. Vậy thì công an để làm gì ? Bảo vệ cho cái gì ?", cô Dương đặt câu hỏi với lãnh đạo thành phố.
Video clip ghi lại phần phát biểu của cô Dương đã thu hút hơn 800.000 lượt xem và hàng chục ngàn lượt chia sẻ khi cô mới đăng lên trang Facebook cá nhân chưa đầy một ngày.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, thuộc đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, nói qua trang cá nhân rằng ông "rụng rời, đau xót và căm phẫn" khi nghe những phát biểu của người dân.
"Không biết quan chức ngồi ở bàn Tiếp dân có biết muối mặt, xấu hổ và nhục nhã hay không ?", Luật sư Phúc đặt câu hỏi.
Trong khi đó, nhà báo Hữu Danh, người chuyên theo dõi và đưa tin về dự án Thủ Thiêm, nhận xét với VOA rằng không chỉ khu vực Thủ Thiêm, mà hiện nay, các khu vực lân cận của quận 2 cũng như một "chảo lửa".
"Nó đang là chảo lửa. Thủ Thiêm chỉ là điển hình thôi, còn Q.2 sắp tới sẽ còn bùng nổ nhiều cái khác nữa".
Chuyển biến tích cực ?
Với sức mạnh của mạng xã hội, ý thức của người dân về quyền và nghĩa vụ của mình, cộng với những thay đổi trong dàn lãnh đạo thành phố, nhà báo Hữu Danh dự báo rằng "cuộc chiến đòi công lý", kéo dài hàng chục năm của người dân Thủ Thiêm, sắp tới sẽ có những chuyển biến tích cực, trong đó người dân ngay tại khu vực Thủ Thiêm có thể sẽ có được một số đền bù cơ bản.
Thành công bước đầu này, theo nhận định của nhà báo Hữu Danh, là do nhiều yếu tố, "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".
"Hiện nay có một số lãnh đạo mới. Họ không có quyền lợi trong đó, thành ra câu chuyện sẽ được giải quyết", nhà báo Hữu Danh nhận xét.
Theo anh, trước đây "khi còn ông Tất Thành Cang, Nguyễn Hữu Tín, Ba Đua, Lê Thanh Hải… còn nắm quyền, Sài Gòn giống như một vương quốc riêng, có những câu chuyện cứ kéo dài mà không thể giải quyết được".
Theo tường thuật của truyền thông trong nước, buổi tiếp xúc cử tri hôm 22/11 đã thu hút hàng trăm người dân đến vây kín Nhà thiếu nhi Q.2, nơi tổ chức buổi tiếp xúc, để đăng ký xin phát biểu. An ninh khu vực này đã được thắt chặt và chỉ những người có giấy mời mới được phép vào bên trong.
Sau hơn 4 giờ trình bày, các cử tri yêu cầu chính quyền phải xử lý nghiêm các lãnh đạo thành phố mắc sai phạm, trả lại 160 ha đất tái định cư và phải định ra thời hạn rõ ràng trong việc giải quyết đền bù cho người dân.
Đáp lại, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, người đại diện cho chính quyền trong cuộc họp, nói rằng bà đã ghi nhận tất cả những bức xúc của người dân và báo cáo Quốc hội để tổ chức thanh tra toàn diện Khu đô thị Thủ Thiêm. Còn về phía thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu chính quyền đưa ra các phương cách "sửa sai bằng được" rồi sẽ thảo luận với người dân để giải quyết, theo VnExpress.
*****************
Luật sư Võ An Đôn : "Tôi sẽ khởi kiện Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra tòa !" (RFA, 23/11/2018)
Luật sư Võ An Đôn, người bị Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên xóa tên khỏi danh sách luật sư và mới đây bị Bộ Tư pháp bác bỏ toàn bộ nội dụng khiếu nại, cho hay bước tiếp theo của ông là khởi kiện Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long dù biết sự việc sẽ không đi đến đâu.
Luật sư Võ An Đôn Photo : RFA
Tối 23/11, luật sư Võ An Đôn cho Đài Á Châu Tự Do biết ông đã nhận được quyết định về giải quyết khiếu nại của Bộ Tư pháp, qua đó cho rằng quyết định kỷ luật ông Đôn là đúng mặc dù có những sai sót nhỏ của Đoàn Luật sư Phú Yên, nhưng không ảnh hưởng đến quyết định kỷ luật.
Ông Đôn, người thường bào chữa cho những nạn nhân chết trong đồn Công an, các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng quyết định này mang tính áp đặt.
"Tôi không đồng ý với quyết định này, vì quyết định giữ nguyên hình thức kỷ luật của Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên cũng như Liên đoàn Luật sư Việt Nam không có căn cứ pháp lý, không đúng quy định của pháp luật, đưa ra những căn cứ mơ hồ để kỷ luật tôi. Cho rằng tôi trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài, những cá nhân nước ngoài và làm ảnh hưởng đến uy tín của Đoàn Luật sư cũng như chế độ ở Việt Nam là không có cơ sở và mang tính áp đặt", luật sư Võ An Đôn nhận định.
Khoảng một năm trước, ngày 26/11/2017, đại diện Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên cho biết, chiều cùng ngày, Ban chủ nhiệm này đã có quyết định kỷ luật xóa tên Luật Võ An Đôn (Trưởng Văn phòng Luật sư Võ An Đôn) ra khỏi danh sách Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên.
Lý do kỷ luật được nêu ra là : ông Đôn đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt ; nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và Luật sư Việt Nam.
Luật sư Võ An Đôn được nhiều người biết đến qua sự việc đại diện bào chữa cho phía gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều trong vụ 5 công an dùng nhục hình đánh chết người trong đồn Công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Vì vụ việc này mà vào năm 2014, liên ngành Công an, Viện Kiểm sát và thành phố Tuy Hòa có công văn đề nghị Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên và Sở Tư Pháp tỉnh Phú Yên thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của ông Đôn vì cho rằng trong quá trình tham gia tố tụng cho bị hại Ngô Thanh Kiều ông đã có nhiều lời lẽ xúc phạm đến các bị cáo đồng thời lãnh đạo của các cơ quan nội chính, tư pháp tại tỉnh Phú Yên.
Đề nghị này sau đó vấp phải chỉ trích của dư luận và chính quyền thành phố Tuy Hòa phải rút lại kiến nghị này.
Sau sự việc kỷ luật Võ An Đôn hôm 26/11/2017, hơn 100 luật sư cũng ký tên vào bản kiến nghị đề ngày 10/12 kêu gọi Liên đoàn Luật sư Việt Nam cân nhắc"dựa trên tinh thần bảo vệ đồng nghiệp, bảo vệ nghề luật sư, bảo vệ công bằng và lẽ phải".
***********************
Cựu Luật sư nhân quyền Võ An Đôn nói với VOA rằng ông sẽ kiện người đứng đầu Bộ Tư pháp sau khi bộ này bác đơn khiếu nại của ông về việc ông bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên.
Hôm 23/11, ông cho VOA biết ông vừa nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ Tư pháp đối với những khiếu nại của ông.
"Vừa qua Bộ Tư pháp có trả lời nói rằng họ giữ nguyên kết quả giải quyết khiếu nại của Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên về việc bác đơn yêu cầu giải quyết khiếu nại của tôi, với lý do đưa ra hết sức mơ hồ, cho rằng tôi nói xấu các luật sư, cũng như trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài. Họ chỉ nói chung chung, không chỉ rõ cái nào. Như vậy là không đúng quy định của pháp luật, cũng như các văn bản hướng dẫn kỷ luật luật sư".
Hôm 23/11, Báo Pháp luật dẫn nguồn tin từ Bộ Tư pháp tường thuật rằng ông Đôn có gửi thư khiếu nại về việc Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên ra quyết định xóa tên ông khỏi đoàn luật sư vào tháng 11/2017 và một quyết định của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam liên quan đến việc giải quyết khiếu nại đối với ông vào 5/2018.
Báo Tuổi trẻ online đưa tin, Bộ Tư pháp đã bác toàn bộ nội dung khiếu nại của cựu luật sư này.
Trước đó, ông Đôn cho VOA biết rằng hôm 26/11/2017 ông bị Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên xóa tên với hai lý do cơ bản rằng ông trả lời phỏng vấn các báo đài nước ngoài và nói xấu luật sư.
Truyền thông trong nước trích lời Ban Chủ nhiệm nói rằng ông Đôn đã có nhiều phát biểu, trả lời phỏng vấn "mang tính bịa đặt", với "nội dung không đúng sự thật, suy diễn chủ quan, nói xấu thể chế chính trị".
Bộ Tư pháp kết luận rằng những phát biểu của ông Đôn trong những clip này đã "phủ nhận giá trị, vai trò của hệ thống pháp luật và hoạt động tố tụng Việt Nam ; phủ nhận vị trí, vai trò của nghề luật sư và đội ngũ luật sư Việt Nam".
Bộ Tư pháp kết luật rằng Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đưa ra mức kỷ luật "xóa tên khỏi danh sách đoàn luật sư" đối với ông Đôn là "phù hợp, tương xứng". Ngoài ra, bộ này cũng kết luận rằng Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thực hiện đúng quy định của quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cựu luật sư nhân quyền nói ông sẽ kiện Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra tòa :
"Sắp tới tôi sẽ khởi kiện Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra tòa án tỉnh Phú Yên, khởi kiện ông về quyết định của ông. Tôi không hy vọng rằng việc khởi kiện này đem lại kết quả dù các cơ quan này ra quyết định sai trái".
Ông Đôn cho biết rằng ông có thể sẽ phải ở nhà "làm nông", sau khi bị Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên xóa tên trước phiên xử phúc thẩm Blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Ông cho rằng việc xóa tên nhanh chóng như thế là nhằm mục đích không cho ông tham gia bào chữa cho blogger Mẹ Nấm diễn ra ngày 30/11/2017, một blogger bị tuyên án 10 năm tù và bị tống xuất sang Hoa Kỳ vào tháng 10 vừa qua.
Hàng trăm luật sư trên cả nước đã kiến nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam xem xét lại quyết định kỷ luật ông Đôn.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh chia sẻ trên Facebook : "Tôi từng tham gia bào chữa chung với luật sư Võ An Đôn một số vụ án, nghe tin luật sư bị xóa tên tôi thấy cũng rất buồn cho nhiệt huyết của luật sư với nghề luật sư".
Blogger Phạm Nguyên Trường viết : "Luật sư Võ An Đôn được công chúng biết đến như một trong những luật sư rất tâm huyết, chính trực, can đảm, cương quyết và kiên trì tranh đấu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của những người dân nghèo khổ, cô thân yếu thế, nạn nhân của giới chức hắc ám tiêu cực, đặc biệt là của tệ nạn công an bạo hành".
Dù không còn được phép bào chữa chính thức tại tòa cho các nhà hoạt động nhân quyền, và người yếu thế, nhưng ông Đôn nói rằng ông vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ pháp lý để bênh vực cho những người dân vô tội.
Tối 23/11, VOA tiếng Việt không thể liên lạc được ngay với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long để phỏng vấn.