Người dân rời Thành phố Hồ Chí Minh phá chốt kiểm soát, quỳ lạy, năn nỉ công an
RFA, 01/10/2021
Tại một số chốt kiểm soát từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây đêm 30/9 và rạng sáng ngày 1/10 đã xảy ra cảnh người dân phá chốt, chống cảnh sát, đòi được thông chốt về quê, trong khi ở một số nơi khác người dân quỳ lạy trên đường xin được thông chốt về quê vì hết tiền. Các hình ảnh và video được người dân quay tại chỗ và phát trên mạng xã hội Facebook và Tik Tok cho thấy như vậy.
Người dân tại điểm kiểm soát ở Thành phố Hồ Chí Minh vào rạng sáng ngày 1/10/2021 khi tìm đường về quê sau giãn cách - AFP
Theo truyền thông nhà nước, sau khi thành phố Hồ Chí Minh dỡ bỏ lệnh giãn cách vì dịch bệnh Covid-19 kéo dài khoảng bốn tháng, hàng ngàn người lao động ngoại tỉnh đã rời thành phố vào đêm ngày 30/9 và rạng sáng ngày 1/10, gây ùn tắc tại nhiều chốt kiểm soát ở thành phố.
Theo VOV, đến sáng ngày 1/10, thành phố đã có chủ trương đưa đón những người dân có nhu cầu về các tỉnh bằng xe khách song tại nhiều trạm cảnh sát giao thông vẫn đang xảy ra ùn ứ do lượng người có như cầu về quê quá đông.
Đến trưa ngày 1/10, trạm Quốc lộ 1, đoạn qua khu vực thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, hướng về Bến Lức, tỉnh Long An, vẫn có nhiều người dân đang chờ để qua chốt, xe vẫn chưa thể lưu thông.
VOV trích lời Thiếu tá Bùi Tiến Lợi, Phó Trạm trưởng đội Cảnh sát giao thông Tân Túc cho biết : "Tạm thời chúng tôi đang di dời người dân về quê vì người dân tập trung rất đông, chưa biết giờ nào mới giãn ra được nên vẫn đang bố trí, sắp xếp từ từ".
Theo Zing, vào sáng ngày 1/10, các tỉnh miền Tây đã cử cảnh sát giao thông đến địa bàn giáp ranh đón đoàn người được đưa từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê bằng xe khách. Vào sáng cùng ngày, một đoàn xe chở hơn 1.000 người từ Thành phố Hồ Chí Minh về 13 tỉnh, thành miền Tây. Đoàn xe cũng có xe tải chở hàng trăm xe máy của người dân về quê.
Những người dân về quê từ Thành phố Hồ Chí Minh được yêu cầu phải cách ly tập trung tại địa phương. Lãnh đạo các địa phương này được báo chí Nhà nước trích lời cho biết, người dân không nên tự ý về quê, mà nên đăng ký trước để về từng dợt để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Vào ngày 1/10, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 18 về "Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố".
Theo Chỉ thị, người dân chỉ được di chuyển trong nội thành, không được tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác.
Theo Chỉ thị mới, từ ngày 30/9, thành phố tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội.
Chỉ thị đưa ra ba mục tiêu chính là tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, giảm số ca nhập viện, và số ca tử vong, đặt ưu tiên bảo vệ sức khoẻ người dân lên trên hết ; từng bước khôi phục kinh tế ; đưa sinh hoạt của người dân vào trạng thái bình thường mới.
Thành phố tiếp tục yêu cầu người dân thực hiện nghiêm 5 k (khẩu trang, khoảng cách, khai báo y tế, khử khuẩn, không tụ tập đông người). Người dân tham gia lưu thông tiếp tục sử dụng mã QR để khai báo, hoặc phải xuất trình đầy đủ giấy tờ về tiêm chủng hoặc chứng nhận khỏi bệnh.
*********************
Bình Dương : Công an hành hung người dân ở điểm tiêm chủng
RFA, 01/10/2021
Hôm 30 tháng 9, người dân ở phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương đăng tải lên mạng xã hội nhiều đoạn video cho thấy cảnh công an sử dụng bạo lực với người dân ở một điểm tiêm chủng.
Ảnh chụp màn hình anh Nguyễn Hữu Tài bị công an hành hung hôm 30/9/2021 tại điểm tiêm chủng ở phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương - Photo : RFA
Video quay ở hiện trường cho thấy cảnh công an mặc sắc phục quật ngã anh Nguyễn Hữu Tài, và đè lên người anh này, sau đó khống chế và đưa anh Tài đi vào một phòng riêng. Anh trai của anh Tài, là anh Nguyễn Hữu Trí, sau đó lao vào can ngăn nhưng cũng bị hai công an mặc sắc phục khác khống chế và hành hung.
Anh Nguyễn Hữu Trí, một trong hai nạn nhân, cho RFA biết về sự việc :
"Tôi vừa mới đi ra ngoài mép cổng thì quay lại đã thấy công an giật thằng em tôi rồi. Cái anh công an đó chỉ đứng cách thằng em tôi khoảng sáu hay bảy mét thôi, là anh chạy thẳng lại anh giật nó rồi đè đầu nó xuống. Một khi anh đè xuống là công an viên còn lại bay đè vô, trực tiếp hai ba người khống chế nó.
Tôi mới vô tôi kéo ra, tôi vừa kéo ra thì bị hai người khác chụp lôi đi một hướng khác. Thằng em tôi thì bị lôi sang phía bên phải đi vô một cái phòng ở cái quán ăn. Còn tôi thì bị lôi sang phía bên trái. Đi được khoảng 5 mét thì hai người công an đứng quay lưng về phía dân, còn tôi đứng trước mặt hai người công an, rồi hai người đó dùng tay chân đánh đá túi bụi tôi luôn".
Theo anh Trí thì khi nhìn thấy em trai của anh bị lôi vào một phòng riêng, anh đã la lên rằng "mày vô đó nó đánh mày chết đó". Viên công an khống chế và đưa anh Nguyễn Hữu Tài vào phòng riêng tên là Huỳnh Thanh Trước, người này sau đó kéo rèm cửa xuống và đánh anh Tài.
Nói về cảm nhận của mình về sự việc trên, anh Trí cho biết :
"Tôi cũng rất là ghi nhận tại vì so với các địa phương khác thì trong thời gian vừa qua địa phương tôi rất tích cực trong việc chống dịch, về việc tiêm vắc-xin thì phường Phú Chánh tiêm cho người dân nhanh hơn các phường khác. Nhưng mà, trong lực lượng công an nhân dân tại sao lại có những thành viên côn đồ như vậy ?"
Được biết, hôm 30 tháng 9, chính quyền địa phương tổ chức tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho người dân, địa điểm tiêm chủng là một nhà hàng của người dân được trưng dụng. Chính quyền gửi giấy mời người dân đến tiêm thành hai ca, sáng lúc 8g30 và chiều lúc 13g30.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương thì mặc dù lịch tiêm buổi sáng là 8g30, nhưng phải đến 10 giờ sáng thì cơ quan chức năng mới gọi người dân đến để nhận phiếu tiêm, và dặn quay trở lại lúc 13g30 để được tiêm chủng. Việc này dẫn đến tình trạng ùn ứ và quá tải vì người nhẽ ra được tiêm buổi sáng phải dời xuống buổi chiều.
Người dân địa phương cũng cho biết khi họ đến điểm tiêm chủng lúc 13h30 thì vẫn chưa thấy hoạt động, và phải chờ đến 14g30 thì người của bên y tế và cơ quan chức năng mới có mặt. Lúc này vì người dân tập trung đông ở khu vực tiêm, công an sau đó đã yêu cầu tất cả người dân ra khỏi khu vực này dẫn đến tình trạng lộn xộn.
Trong lúc người dân từ từ rời khỏi khu vực tiêm chủng, anh Nguyễn Hữu Tài đã lấy điện thoại quay lại sự việc, dẫn đến việc công an viên Huỳnh Thanh Trước xông tới hành hung anh Tài.
Sau khi sự việc xảy ra, Nguyễn Tấn Thy - Bí thư Đảng ủy phường Phú Chánh, trả lời báo VOV và cho rằng đích thân ông đã ngăn chặn việc công an hành hung người dân. Nhưng theo anh Trí thì ông Thy mặc dù chứng kiến sự việc từ đầu nhưng đã không làm gì để can ngăn.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng tuyên bố họ đã yêu cầu anh Tài không được quay phim nhiều lần nhưng anh Tài không hợp tác, dẫn đến việc phải khống chế. Nhưng người dân địa phương cho biết không hề có chuyện công an yêu cầu không được quay phim chụp ảnh.
Phía nạn nhân cho RFA biết chính quyền địa phương đã liên hệ và tới nhà làm việc với mong muốn hòa giải. Tuy nhiên, anh Trí cho biết điều kiện phía gia đình đưa ra là bên công an phải công khai xin lỗi về hành vi của mình, và bồi thường thiệt hại.
Anh Trí cho biết anh Tài không bị thương do đánh đập nhưng điện thoại Iphone đã bị hỏng do bị công an đánh.