Tập đoàn Eni phát hiện dầu khí mới ở ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam (RFA, 29/07/2020)
Tập đoàn dầu khí Eni của Italia hôm thứ hai 27/7 thông báo, giếng thăm dò Kèn Bầu-2X của họ, nằm ở Lô 114, ngoài khơi Việt Nam, đã phát hiện khối lượng hydrocarbon đáng kể và công ty này đang tiếp tục mở rộng tiềm năng khai thác.
Giếng thăm dò Kèn Bầu-2X của Tập đoàn dầu khí Eni, nằm ở Lô 114, ngoài khơi Việt Nam. Courtesy PVN
Trang tin Kallanish Energy loan tin vừa nói hôm 28/7 và cho biết vị trí vừa phát hiện nằm ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc bể Sông Hồng, cách đất liền gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65 km, cách Đà Nẵng khoảng 86 km.
Phát hiện của Kèn Bầu, ước tính sơ bộ có thể chứa 7-9 nghìn tỷ feet khối khí đốt và 400-500 triệu thùng khí ngưng tụ liên quan.
Eni Vietnam là nhà điều hành chính thăm dò Lô 114, hiện nắm 50% cổ phần ; Essar E & P nắm giữ 50% còn lại. Hiện Eni Việt Nam và công ty đối tác đang lên kế hoạch khoan thử nghiệm và khám phá thêm tại giếng Kèn Bầu, đồng thời công ty cũng khoan nhiều giếng mới và thăm dò địa chấn trong lưu vực Sông Hồng, nơi Eni hoạt động với 100% cổ phần tại Lô 116 gần đó.
Hiện giếng thăm dò Kèn Bầu 2X này đang bị bỏ hoang.
Eni đã có mặt tại Việt Nam kể từ năm 2013, và hiện đang vận hành bốn khối ngoài khơi Miền Trung Việt Nam, tất cả đều nằm trong lưu vực Sông Hồng và Phú Khánh.
Tin cho biết, thị trường gas ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, nhờ sự tăng trưởng GDP và sự phát triển các nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt nội địa, và sắp tới là khí LNG nhập khẩu. Phát hiện Kèn Bầu được cho là sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam.
************************
Hai tập đoàn năng lượng hàng đầu Việt Nam và công ty dầu khí ExxonMobil của Mỹ chuẩn bị hoàn thành đàm phán hợp đồng bán khí từ mỏ Cá Voi Xanh (Blue Whale), dự án năng lượng ngoài khơi lớn nhất của Việt Nam từng được cho là gặp khó khăn trước sức ép của Trung Quốc.
Hồi tháng 9 năm ngoái, trong bối cảnh tàu hải cảnh Trung Quốc đưa một tàu thăm dò vào khu vực Bãi Tư Chính mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, đã xuất hiện các đồn đoán về việc tập đoàn ExxonMobil rút lui khỏi dự án giữa lúc có tin nói rằng Bắc Kinh "gây áp lực" với Hà Nội về các dự án dầu khí với nước ngoài trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau đó lên tiếng phủ nhận những thông tin rằng ExxonMobil sẽ bán 64% cổ phần trong dự án này.
Tạp chí Năng lượng Việt Nam hôm 21/7 trích thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực cho biết Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang phối hợp với ExxonMobil "khẩn trương hoàn thành đàm phán và thống nhất các hợp đồng, thỏa thuận mua bán khí, điện" trong đó mục tiêu hoàn thành đàm phán các hợp đồng bán khí vào cuối năm nay.
Cụ thể, PVN, EVN phối hợp với ExxonMobil khẩn trương hoàn thành đàm phán và thống nhất các hợp đồng, thỏa thuận mua bán khí, điện của các dự án Nhà máy điện miền Trung 1 và 2, Dung Quất 1 và 3 đảm bảo tính đồng bộ giữa các hợp đồng, theo tạp chí của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.
Từ năm 2009, ExxonMobil và PetroVietnam hợp tác thăm dò mỏ "Cá Voi Xanh" "nằm cách bờ biển miền Trung Việt Nam khoảng 80km" mà tập đoàn Mỹ cho rằng có khả năng "thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" của quốc gia nằm ở Đông Nam Á. Tuy nhiên vị trí của mỏ này nằm ngay gần đường ‘lưỡi bò’ 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương đưa ra để tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông nhưng bị toà quốc tế ở La Haye bác bỏ hồi năm 2016.
Trước đây, ExxonMobil từng khẳng định với VOA rằng dự án Cá Voi Xanh, dự tính tạo ra 20 tỷ USD cho nguồn thu của chính phủ Việt Nam từ nguồn dự trữ khí ga có thể cung cấp điện cho một thành phố tương đương với Hà Nội trong vòng hơn 20 năm, "không nằm ở vùng có tranh chấp".
"Dường như Việt Nam đang vô cùng muốn giữ được dự án Blue Whale (Cá Voi Xanh) của ExxonMobil", nhà nghiên cứu Bill Hayton của viện nghiên cứu Chatham House ở Anh nhận định trong một đăng tải trên trang Twitter cá nhân về thông tin mà tạp chí Năng Lượng đưa ra. "PetrolVietnam (PVN) và Điện lực Việt Nam (EVN) có thể đã được yêu cầu phải đưa ra những điều khoản thương mại tốt hơn nhiều như một sự khích lệ. Chưa có thỏa thuận nào – nhưng mong đợi thêm thông báo trong những tháng tới.
Việt Nam được cho là phải dừng hai dự án hợp tác thăm dò dầu khí với Repsol, công ty dầu khí Tây Ban Nha, trước sức ép của Trung Quốc chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, từ 2017 đến 2018.
Mỹ trong thời gian gần đây nhiều lần lên tiếng cáo buộc Trung Quốc là đã "bắt nạt" Việt Nam và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông trong các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi vùng biển có tranh chấp. Trong tuyên bố chung giữa các bộ trưởng Mỹ và Úc đưa ra hôm 28/7, hai bên đều "ủng hộ các quyền của những bên tuyên bố chủ quyền được khai thác cá nguồn tài nguyên ngoài khơi một cách hợp pháp, bao gồm các dự án dầu khí lâu đời cũng như các hoạt động đánh bắt cá trên Biển Đông, mà không bị quấy rầy hay cưỡng bức".
Quốc hội bị chỉ trích vì dưới 1/3 đại biểu ủng hộ đánh thuế tài sản bất minh (VOA, 19/11/2018)
Chỉ hơn 32% trong tổng số 485 đại biểu quốc hội Việt Nam tán thành đề xuất đánh thuế thu nhập vào tài sản không rõ nguồn gốc của quan chức, theo các bản tin mới đây của báo chí trong nước.
Quốc hội Việt Nam họp 2 kỳ một năm, vào tháng 5 và tháng 11
Thông tin này dẫn đến những chỉ trích của một số người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, cho rằng đa phần các đại biểu quốc hội không đại diện cho quyền lợi của cử tri.
Các báo, trong đó có Thanh Niên, Công An Thành Phố Hồ Chí Minh và Zing, cách đây ít ngày tường thuật rằng đa số đại biểu quốc hội vẫn chưa nhất trí về các biện pháp xử lý các tài sản, thu nhập mà các quan chức không chứng minh được nguồn gốc khi họ có trách nhiệm phải kê khai.
Một điều khoản trong dự thảo sửa đổi Luật Phòng chống Tham nhũng đang được các đại biểu bàn thảo đề xuất hai phương án xử lý chính. Trong đó, phương án một là tòa án "xem xét, quyết định" số phận của tài sản, thu nhập không giải trình được của quan chức, mà hành động mạnh mẽ nhất có thể là "thu hồi cho Nhà nước".
Dưới một nửa tổng số đại biểu quốc hội ủng hộ phương án kể trên, theo các bản tin. Cụ thể là 209/485, tương đương 43,09%.
Phương án thứ hai nêu ra việc đánh thuế thu nhập cá nhân vào tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý về nguồn gốc của quan chức. Biện pháp này còn nhận được ít sự ủng hộ hơn. Chỉ có 156 đại biểu tán thành, tương đương 32,16% tổng số đại biểu quốc hội, tin cho hay.
Quyết liệt nhất là đề xuất tịch thu tài sản, thu nhập không chứng minh được nguồn gốc, nhưng chỉ có 1 đại biểu có ý kiến ủng hộ điều này.
Trong khi đó, các báo cho hay, 31 đại biểu, tức xấp xỉ 6,4% tổng số đại biểu, đã không bày tỏ chính kiến về vấn đề này.
Những Facebooker có tổng cộng hàng chục ngàn người theo dõi đã đưa ra những bình luận hồi cuối tuần qua bày tỏ thất vọng về diễn biến mới đây ở Quốc hội.
Doanh nhân Trần Quốc Quân, viết hôm 18/11 trên trang cá nhân rằng "thế mới thấy, đại biểu quốc hội đa phần không đại biểu cho quyền lợi của cử tri, những người đã bầu ra họ trong cuộc bầu cử không có sự lựa chọn nào khác".
Ở Việt Nam, các đảng viên cộng sản - những người vốn cũng nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong nhánh hành pháp và tư pháp - chiếm tới 96% đại biểu quốc hội nhờ cơ chế chính trị mà nhiều người vẫn thường gọi là "đảng cử, dân bầu".
Giới quan sát và người dân cũng vẫn thường xem quốc hội Việt Nam là "quốc hội nghị gật" hoặc "quốc hội con dấu củ khoai" có nhiệm vụ biểu quyết về mặt hình thức, có tính thủ tục để thông qua nhân sự hay các chính sách đã được đảng cộng sản duy nhất cầm quyền quyết định từ trước.
Ông Quân, người cũng là một nhà văn, đưa ra quan điểm rằng các văn bản pháp luật do các đại biểu quốc hội soạn thảo và ban hành "chẳng vì dân vì nước mà chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm và lợi ích của chính bản thân họ".
Phó giáo sư Mạc Văn Trang, một tiếng nói vì tiến bộ được nhiều người biết đến, hôm 19/11 đặt vấn đề rằng khi chỉ có 32% đại biểu quốc hội muốn đánh thuế tài sản bất minh, điều đó đồng nghĩa là 68% đại biểu còn lại chấp thuận việc quan chức được sở hữu các tài sản đó.
Ông Trang, người từng là chuyên gia Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng qua việc bày tỏ ý kiến về dự thảo sửa đổi luật chống tham nhũng, "tâm địa" của các Đại biểu quốc hội đã "lòi mặt ra". Ông viết : "Đại biểu quốc hội là tay sai của quan chức, hay đúng hơn 68% số họ cũng là quan tham ; ai lại tán thành tịch thu hay đánh thuế vào tài sản bất minh của chính mình".
Cùng lên tiếng về vấn đề này, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh nhắc lại thực tế rằng hơn 1/3 đại biểu quốc hội Việt Nam "đang kiêm nhiệm", và đưa ra bình luận : "Họ cũng đang gánh vác chức vụ cao trong bộ máy chính quyền. Họ chả ngu gì mà lại tán thành cho thiệt hại".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi giữa năm 2018 nói kê khai tài sản cán bộ là "vấn đề nhạy cảm"
Nói với VOA, nhà hoạt động vì quyền đất đai và dân chủ Trịnh Bá Phương bổ sung thêm lý do nhiều đại biểu tránh né vấn đề xử lý tài sản không rõ nguồn gốc :
"Những vị Đại biểu quốc hội thậm chí còn có các doanh nghiệp ‘sân sau’ cướp đất của người dân hay là tất cả các lĩnh vực khác. Họ có tài sản rất lớn từ tham nhũng nên họ rất sợ việc kê khai tài sản hay tịch thu tài sản bất minh".
Giữa năm 2017, Việt Nam ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 quan chức cao cấp và được báo chí tuyên truyền ồn ào, khoa trương. Nhưng hơn một năm sau, vào tháng 6/2018, trong một cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại cho rằng ‘kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm’.
Ở thời điểm đó, giới quan sát nói với VOA rằng diễn biến kể trên là một chỉ dấu cho thấy chủ trương về kiểm tra tài sản của quan chức cao cấp có thể xem như đã thất bại. Họ chỉ ra thực tế rằng cho tới tháng 6/2018 vẫn chưa có một công bố kê khai tài sản nào cả, dẫn đến những bức xúc trong nhân dân.
Bàn về vai trò của quốc hội đối với việc giám sát quan chức, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương nói với VOA rằng thật mỉa mai nếu người dân phải đặt niềm tin vào những đại biểu "đảng cử, dân bầu".
Anh cho biết anh và người dân mất đất ở Dương Nội, Hà Nội, đã tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp hồi năm 2016, với nhận thức rằng quốc hội không đại diện cho quyền lợi của người dân, mà ngược lại còn là cánh tay phục vụ đắc lực cho hoạt động cai trị của chính quyền.
Nhà hoạt động nổi tiếng về đấu tranh chống bất công đất đai chia sẻ với VOA suy nghĩ của anh về cách thức người dân có thể gây áp lực đòi thay đổi quốc hội :
"Cần một số đông lớn trong nhân dân có thể cùng có một hình thức bất tuân dân sự, yêu cầu chính phủ Việt Nam thay đổi cơ chế về tổ chức cán bộ, hoàn toàn phải xóa đi cái ‘đảng cử, dân bầu’. Và phải yêu cầu họ chấm dứt tình trạng chồng chéo giữa hành pháp, tư pháp và lập pháp".
VOA đã liên lạc với một số đại biểu quốc hội để hỏi về vấn đề này nhưng họ từ chối trả lời phỏng vấn.
****************
Việt Nam và Nga đồng ý đẩy mạnh hợp tác khai thác dầu khí (RFA, 19/11/2018)
Việt Nam và Nga vào ngày 19/11 đã đồng ý tăng giá trị thương mại lên gấp 3 và đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 và mở rộng hợp tác năng lượng.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. AFP
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin tại buổi hội đàm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc diễn ra tại Hà Nội, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Theo Reuters, Nga hiện nay là nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam và các công ty của Nga cũng tham gia vào nhiều dự án năng lượng tại Việt Nam.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev được trích lời nói rằng các công ty dầu khí và năng lượng hai nước đang hợp tác hiệu quả và Nga muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với các biện pháp tạo điều kiện cho các dự án đầu tư năng lượng liên kết ở Nga, Việt Nam và ở các nước thứ 3.
Hiện Nga đứng thứ 23 trong tổng số các nước đầu tư vào Việt Nam với 116 dự án và tổng vốn đầu tư lên tới 990 triệu USD. Các công ty Nga đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, giao thông vận tải, viễn thông….
Đầu tư của Nga vào Việt Nam hiện vẫn chủ yếu trong lĩnh vực truyền thống dầu khí. Ngoài Vietsovpetro, được cho là biểu tượng cho mối quan hệ Việt - Nga, còn có các liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet… được thiết lập để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba.
Mới đây, hôm 13/11, Reuters cho biết Vietsovpetro sẽ bắt đầu sản xuất dầu thô tại mỏ Cá Tầm ngoài khơi vùng biển phái Nam Việt Nam từ ngày 15/1 năm 2019. Dự báo sản lượng dầu thô khai thác từ mỏ này sẽ ở mức từ 20 ngàn đến 25 ngàn thùng/ ngày.
Hồi tháng 5 vừa qua, tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga, một đối tác liên doanh với Petrovietnam cho biết RosfneftVietnam BV đã bắt đầu khoan dầu ở mỏ Lan Đỏ cách bờ biển đông nam Việt Nam 370 km. Tuyên bố của Rosneft đã khiến Trung Quốc tức giận và cảnh báo công ty này không nên khoan dầu ở vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Việt Nam khẳng định các hoạt động này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và trong vùng chủ quyền của Việt Nam.
****************
Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga được gặp gia đình sau 3 tháng bị dọa giết (RFA, 19/11/2018)
Ngày 17/11/2018, nữ tù nhân lương tâm (tù nhân lương tâm) Trần Thị Nga được gặp gỡ chồng và các con sau 3 tháng bà này gọi về nhà thông báo bị bạn tù đánh đập và dọa giết.
Ông Phan Văn Phong cùng các con vào thăm tù nhân lương tâm Trần Thị Nga ở trại giam Gia Trung hôm 17/11/2018 - Courtesy AFP & Facebook Lương Dân Lý
Chiều ngày 19/11/2018, ông Phan Văn Phong, chồng của bà Nga cho Đài Á Châu Tự Do biết, trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai trước đó đã có trả lời đơn tố cáo của ông và cho biết cơ quan này đã mở cuộc điều tra.
Ông nói qua điện thoại như sau :
"Ở trại trước đó có trả lời là họ có mở cuộc điều tra nhưng không phát hiện gì hết. Sức khỏe của chị Nga không phải là yếu lắm, nói chung là được. Cân nặng so với ngày xưa sụt 10 kg… Ăn uống cũng phát sinh vấn đề là ăn chay trường kỳ. Xương khớp gãy nát vụn (lúc bị đánh ở bên ngoài) nên giờ đau nhức thường xuyên".
Bà Trần Thị Nga, năm nay 41 tuổi, là một nhà hoạt động nhân quyền có tiếng ở Việt Nam, hiện đang thụ án 9 năm tù giam tại trại giam Gia Trung tỉnh Gia Lai với cáo buộc "Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Vào ngày 17/08/2018, bà Trần Thị Nga gọi điện về gia đình và cấp báo về việc những ngày qua bà liên tục bị gây sự, khủng bố, đánh đập dã man và còn bị dọa giết.
Ông Phan Văn Phong đã 2 lần làm đơn gửi đơn tố cáo và yêu cầu khẩn cấp tới các cơ quan có trách nhiệm tuy nhiên không nhận được phản hồi.
Cũng trong đơn tố cáo, ông Phong nói rõ liên tiếp 2 kỳ thăm gặp gần đây vào các ngày 22/8 và 28/9 gia đình ông đều bị phía trại giam khước từ với lý do Trần Thị Nga không chấp hành nội qui của trại mà không hề có biên bản vi phạm cũng như quyết định kỷ luật.
*******************
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam : cần nghị định mới để phòng chống tiền giả (RFA, 19/11/2018)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang đề nghị xây dựng Nghị định Chính phủ về đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Việt Nam đã khởi tố hơn hơn 1.000 vụ và bắt giữ khoảng 2.000 đối tượng vì liên quan đến tiền giả tại Việt Nam - Ảnh minh họa. AFP
Báo mạng Lao động loan tin này ngày 19/11, trích dẫn thông tin từ đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo Lao Động, trong 15 năm qua sau khi Quyết định 130 về việc bảo vệ tiền Việt Nam được ban hành, Việt Nam đã khởi tố hơn hơn 1.000 vụ và bắt giữ khoảng 2.000 đối tượng vì liên quan đến tiền giả tại Việt Nam.
Truyền thông trong nước trích lời đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết trong 15 năm thi hành, Quyết định 130 đã thể hiện những hạn chế về cơ sở pháp lý vì hiện nay, ngoài Việt Nam đồng, trên thị trường còn có nhiều loại ngoại tệ thông dụng như đô la Mỹ, tiền Euro, Nhân dân tệ… cũng bị làm giả. Tuy nhiên sau khi bắt giữ được số ngoại tệ giả thì phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại lúng túng không biết xử lý vì pháp luật không quy định về điều này.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị xây dựng một Nghị định về đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam. Nghị định này sẽ bổ sung việc xử lý ngoại tệ giả và nghi giả, bao gồm việc thu giữ, giám định, lưu giữ, vận chuyển, giao nộp, và tiêu hủy.