Bò vào thực tế
Tuấn Khanh, RFA, 31/10/2022
Đọc lại bản tin cuối thế kỷ 21 về chuyện cô giáo trẻ phải bò qua suối dữ để đến đúng giờ dạy học, mà không khỏi nặng lòng.
Ảnh minh họa : Cô giáo bò qua vùng nước lũ vì lo học trò đợi mình
Nặng lòng vì đã lỡ làm người Việt, nên cái gì liên quan đến người Việt cũng đành phải nghĩ đến, phải thốt lên một lời. Không sao dừng được. Dù ngoài kia, đã có rất nhiều người cất lên chỉ một lời chân thành đã trở thành mệnh đề của tù tội.
Chỉ mới đây, nhìn thấy cơn mưa lũ cuốn trôi cả người ở Đà Nẵng, thành phố được coi là bình an và đáng sống nhất của Việt Nam - theo lời quảng cáo. Hôm nay lại đọc thấy tin cô giáo bò qua vùng nước lũ vì lo học trò đợi mình, vì sợ thế hệ tương lai mất niềm tin vào những người đi trước. Cô giáo đó vô danh trong cõi Việt Nam.
Lạ kỳ, tất cả những điều đó dường như không dính líu gì đến những chỉ số phát triển rực rỡ của Việt Nam, không dính líu gì đến những lời tuyên bố tự hào trơ trẽn của các quan chức về một Việt Nam hôm nay đang rực rỡ như "có bao giờ được như thế này đâu".
Tin thì chỉ là tin, nó chỉ điểm qua như sự kỳ diệu của một dân tộc đã từng làm những điều không tưởng như lấy thân mình làm giá súng, lấy thân mình lấp lỗ Châu mai, lấy thân mình chèn pháo… và nay có cả những cô giáo trẻ, nhỏ nhắn trong thời bình lấy thân mình lấp đầy những hố thẳm của hiện trạng giáo dục Việt Nam.
Không thấy Quốc hội nói gì đến chuyện cần phải đầu tư cho trường lớp và những con đường bằng phẵng đi vào học vấn của những đứa trẻ xa đô thị. Không thấy bộ trưởng bộ giáo dục khó ăn khó ở vì hiện trạng của quốc gia đang không thể toàn tâm toàn sức. Chỉ thấy tin học phí của năm sẽ tăng gấp nhiều lần, sách giáo khoa không giảm giá trong buổi lạm phát và tiền lương kém cỏi.
Hàng ngàn tiến sĩ theo dự án phát triển trí tuệ quốc gia của Việt Nam, chắc chưa có ai nghĩ đến chuyện thực tập leo qua những cây cầy xây xát, trơn trợt và hiểm nguy đó. Không chạnh lòng sao được khi cô giáo nhỏ đó cần mẫn mang chút tri thức trên chiếc túi đeo và bò vào thực tế.
Ai trong số những người lãnh đạo sẽ dừng lại xem chút tin tức, đọc về những tấm lòng nhỏ bé vô danh ấy, và nghĩ suy về chỗ ngồi và giá trị cầm quyền của mình lúc này ?
Chắc đến ngày hôm nay, ắt hẳn người dân Đà Nẵng phải có ai đó nghĩ khác một chút về những gì mà họ đã thấy. Ắt họ phải nhìn thấy rằng một cuộc đời đáng sống, rõ là không phải chỉ có tiện nghi, danh vị hay tiền bạc làm được, mà trong đó còn cần phải có tấm lòng của những con người nghĩ về cộng đồng, nghĩ về đất nước của mình một cách chân thành như vậy. Nghĩ và và bò qua những hiểm nguy để nắm tay nhau.
Và cũng không biết đến ngày hôm nay, có ai đó trong các cô giáo đang mò mẫm và vượt những vực sâu để đến với thế hệ tương lai, chạnh lòng khi đọc được những dòng tin chói lòa và tự hào về con cái quan chức đang thảnh thơi du học và mua nhà cửa ở phương Tây, nghĩ đến con số trăm triệu đô của phú gia đỏ gửi tặng cho trường nước ngoài để đổi lấy một cái tên xướng danh mình.
Trong trăm triệu dân Việt hôm nay chắc cũng phải có ai đó đã nghĩ, và đang nghĩ nhiều hơn về một Việt Nam thịnh vượng lúc này.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 31/10/2022
************************
Mạnh Cường, Thanh Niên online, 15/10/2022
Sau khi đi bộ hơn 2 giờ đồng hồ đường rừng, một cô giáo dạy mầm non ở huyện vùng cao Quảng Nam còn bất chấp nguy hiểm bám cây nhích từng centimet vượt lũ để đến lớp học.
Cô Nguyễn Thị Tý và những em học sinh của mình (Ảnh : NVCC).
Trong ngày 14 và sáng 15/10, mạng xã hội Facebook lan truyền hình ảnh ghi lại cảnh người phụ nữ đội mưa, 2 tay bám chặt thân cây, nhích từng centimet vượt qua dòng suối chảy xiết.
Nhìn hành động ấy chẳng khác nào "đánh đu" với mạng sống của mình với tử thần ngay dưới chân mình. Nhiều người khi xem cảnh đó không khỏi rùng mình, thót tim. Câu chuyện đằng sau hành động của người phụ nữ này đã khiến mọi người cảm động rơi nước mắt.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, đoạn clip đó được ghi lại tại huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam). Nhân vật trong clip là cô giáo Nguyễn Thị Tý (30 tuổi, ở xã Trà Mai, Huyện Nam Trà My), phụ trách lớp mầm non ở điểm trường nóc Ông Bình, thôn 3 (xã Trà Dơn).
Cô Tý cho biết, sáng 10/10, mưa lớn kéo dài khiến nước lũ trên thượng nguồn đổ về làm các con suối dẫn vào điểm trường bị ngập sâu, chạy xiết.
"Bình thường, chúng tôi chỉ mất 2 giờ là đến điểm trường nhưng hôm ấy, do trời mưa tầm tã, mặt đường lầy lội nên thời gian kéo dài gấp đôi", cô Tý nói.
Nói về đoạn clip khiến cộng đồng mạng xúc động , cô Nguyễn Thị Tý nhớ lại, sáng 10/10, cô chạy xe máy từ nhà ở xã Trà Mai lên xã Trà Dơn. Từ trung tâm xã Trà Dơn muốn vào nóc Ông Bình chỉ có một cách duy nhất là cuốc bộ. Vì vậy, sau khi bỏ lại xe máy, cô đã cùng thầy Nguyễn Văn Nhân (giáo viên phụ trách lớp ghép gồm lớp 1 và 2) đi bộ băng rừng để đến lớp học.
"Suốt quãng đường băng rừng, vượt núi, hai chúng tôi phải đối mặt với 3 chướng ngại vật là 3 con suối với mực dâng cao, cuồn cuộn chảy", cô Tý nhớ lại.
Theo cô Tý, khi dừng lại trước con suối thứ nhất, hai thầy cô thoáng chút lưỡng lự. Bởi dù từ bên này ngó qua bên kia bờ chỉ có khoảng cách chừng 10m, song dòng suối hung tợn lại đang chảy rất xiết ở phía dưới chân mình.
Tuy nhiên, khi thấy thân gỗ chò nằm bắc ngang đoạn suối ngập sâu, cô cùng thầy Nhân lần lượt bám chặt thân cây rồi nhích từng chút để vượt qua.
"Trong lúc tôi di chuyển, thầy Nhân đã dùng điện thoại chụp ảnh làm kỷ niệm. Bây giờ khi xem lại cảnh mình ôm cây vượt qua dòng lũ mà thấy vẫn rùng mình", cô Tý nói.
Cô Tý cũng chia sẻ, thời điểm liều mình ôm thân cây vượt lũ, trong đầu cứ đan xen 2 luồng suy nghĩ, nửa muốn quay về chờ mưa ngớt, nửa muốn bước tiếp vì thương học trò.
"Khi nghĩ đến cảnh các em học sinh đang chờ mình, tôi đã dũng cảm vượt qua nỗi sợ hãi. Để qua được bên kia bờ suối, tôi cùng thầy Nhân phải ôm vào thân cây rồi nhích từng centimet. Khi vào điểm trường, thấy học sinh vẫn đang ngồi ngay ngắn đợi mình đến, tôi rất xúc động", cô Tý tâm sự.
Mạnh Cường
Nguồn : Thanh Niên online, 15/10/2022
Thuộc trong số 63 giáo viên tiêu biểu được tiếp xúc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vào sáng ngày 16/11, cô giáo người dân tộc Raglai, dạy ở trường Mầm non Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu bày tỏ rằng "Nếu có điều ước, tôi ước trường lớp được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, có nhà vệ sinh bởi không có nhà vệ sinh, các cháu, các cô cũng rất vất vả".
Nhiều trường học trên địa bàn huyện chưa đảm bảo được số lượng và chất lượng nhà vệ sinh (điểm trường Huổi Dạo 3, Trường mầm non Vàng Đán)
Bên cạnh đó, 63 giáo viên còn đưa ra các kiến nghị như có điện, nước sạch, có trang thiết bị dạy và học, đặc biệt là dạy tiếng dân tộc cho học sinh các dân tộc thiểu số.
Trong buổi gặp mặt 63 giáo viên tiêu biểu hôm 16/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết các cấp, các ngành sẽ cùng nhau phối hợp thực hiện 5 vấn đề dành cho giáo viên và học sinh dân tộc thiểu số ở vùng xa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trình bày cụ thể 5 vấn đề bao gồm tùy điều kiện để xây nhà vệ sinh cho học sinh ; các trường hiện chưa có điện lưới quốc gia thì được triển khai điện mặt trời để sử dụng ; tất cả các trường có sóng điện thoại trực tiếp hay gián tiếp ; hỗ trợ bằng mọi cách để học sinh ở xa đến trường có bữa ăn trưa ; hỗ trợ sách vở, đồ dùng dạy học tiếng dân tộc cho học sinh.
Trước đó, tại phiên giải trình và trả lời chất vấn của Quốc hội, diễn ra vào ngày 10/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng "không khỏi xót xa khi nhìn thấy trẻ em đến trường phải đu dây qua những dòng sông dữ ở nhiều tỉnh miền núi hay phải chèo xuồng đến trường ở nhiều tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long".
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng "Mỗi trẻ em là tài nguyên quý giá của dân tộc, do đó chúng ta phải có trách nhiệm rất lớn đối với thế hệ tương lai của đất nước".
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, vào tối ngày 17/11, lên tiếng với RFA về ghi nhận của bà qua lời phát biểu vừa nêu của hai vị lãnh đạo Chính Phủ Việt Nam :
"Thực ra thì họ vẫn đang làm và có những cải thiện chứ không phải là không đâu. Tuy nhiên, hoàn cảnh của Việt Nam thì các vùng sâu vùng xa thật sự rất nghèo cho nên chưa làm xuể thôi. Có những dự án được nước ngoài tài trợ tiền nên họ làm được rất nhiều. Nếu không có những dự án đấy thì tình hình còn khổ hơn. Hoàn cảnh trước đây còn tồi tệ hơn nhiều lắm. Bây giờ đã khá hơn nhiều rồi. Thế thì, những điều ông Thủ tướng và ông Phó Thủ tướng nói thì đúng vì thật sự có những chính sách, những chương trình được quan tâm và đầu tư đúng".
Mặc dù vậy, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng ngành giáo dục trong năm học 2020-2021 nổi lên những vấn đề gây bức xúc trong cộng đồng như các bộ sách giáo khoa lớp 1 bị dư luận chỉ trích hay tình trạng học sinh đến trường hết sức khó khăn ở các khu vực miền Trung bị lũ lụt nghiêm trọng…
Đặc biệt, vấn nạn lạm thu trong trường học được thầy giáo chống tiêu cực, Đỗ Việt Khoa cho là nghiêm trọng nhất :
"Đó là vấn đề lạm thu trong các trường học. Tình trạng này cực kỳ nghiêm trọng. Tôi có thể nói trong năm học này là hết sức nghiêm trọng và cực kỳ tinh vi. Rất nhiều trường hiện nay vẽ ra các khoản thu trái phép mà không có lãnh đạo của các cấp, các ngành nào xử lý và họ còn bao che cho nhau. Rất ít trường bị lôi ra ánh sáng".
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhấn mạnh bản chất của tình trạng lạm thu, được nói theo đúng từ ngữ là ‘tham nhũng trong trường học’ và cụ thể thì hiệu trưởng các trường học chịu trách nhiệm. Họ vẽ ra vô vàn các khoản thu và được sự bảo kê của các cấp lãnh đạo địa phương nên họ không bị xử lý.
"Ông bộ trưởng không kiên quyết. Ông Thủ tướng chưa bao giờ chỉ đạo ngành công an để dẹp tệ nạn này. Thế là tình trạng lạm thu cứ tồn tại mãi mấy mươi năm nay thôi. Chẳng có quốc gia nào cứ mãi tuyên bố tự hào về ngành giáo dục mà lại thu tiền học sinh trái phép gấp hàng chục, hàng trăm lần mức học phí theo Nhà nước quy định. Ở Việt Nam, nếu không có chế tài nghiêm khắc việc lạm thu này thì nó trở thành một thói quen thôi. Giá như chuyện lạm thu được chấm dứt ở mầm non, tiểu học và các cấp thì điều này sẽ rất tốt".
Nhân ngày 20/11/2020, thầy giáo Đỗ Việt Khoa mong muốn vấn nạn tham nhũng được Bộ Giáo dục và Chính phủ Việt Nam quyết liệt diệt trừ thì môi trường giáo dục mới được trong sạch và là một nơi chốn đào tạo được những thế hệ tương lai có tinh thần trách nhiệm và cống hiến.
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương chia sẻ về hy vọng của bà đối với nền giáo dục của Việt Nam :
"Tôi cũng mong nền giáo dục của Việt Nam được cởi mở hơn và tiếp cận được nhiều hơn với chuẩn mực quốc tế. Bởi vì chuẩn mực giáo dục của Việt Nam đang đi sau quốc tế rất xa, không chỉ về chương trình giảng dạy, quan điểm về giảng dạy mà còn về quản lý nữa. Do đó, khi cách thức quản lý được thay đổi thì sẽ tiếp cận được nhiều hơn về mặt chương trình và triết lý giáo dục gắn với phát triển của thế giới. Tôi nghĩ khi đấy thì cơ hội cho chất lượng giáo dục ở Việt Nam được tiến bộ hơn".
Đài RFA ghi nhận, qua bài diễn văn đọc trước Quốc hội của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, không ít những giáo viên và giới chuyên gia giáo dục, như tiến sĩ Mạc Văn Trang đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam đối với nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, họ mong muốn được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ thông tin đến bao giờ học sinh phổ thông được miễn học phí.
Đây là một mơ ước lớn của nhiều tầng lớp trong xã hội và để biến mong ước này thành hiện thực cần có nhiều điều kiện và quyết tâm. Tuy vậy, mơ ước của cô giáo dân tộc Raglai được nêu ra trong phần đầu bài hẳn không khó thực hiện.