Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/11/2020

Mơ ước của một giáo viên vùng cao : trường có nhà vệ sinh !

RFA tiếng Việt

Thuộc trong số 63 giáo viên tiêu biểu được tiếp xúc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vào sáng ngày 16/11, cô giáo người dân tộc Raglai, dạy ở trường Mầm non Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu bày tỏ rằng "Nếu có điều ước, tôi ước trường lớp được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, có nhà vệ sinh bởi không có nhà vệ sinh, các cháu, các cô cũng rất vất vả".

nhavesinh1

Nhiều trường học trên địa bàn huyện chưa đảm bảo được số lượng và chất lượng nhà vệ sinh (điểm trường Huổi Dạo 3, Trường mầm non Vàng Đán)

Bên cạnh đó, 63 giáo viên còn đưa ra các kiến nghị như có điện, nước sạch, có trang thiết bị dạy và học, đặc biệt là dạy tiếng dân tộc cho học sinh các dân tộc thiểu số.

Hứa hẹn của Chính phủ Việt Nam

Trong buổi gặp mặt 63 giáo viên tiêu biểu hôm 16/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết các cấp, các ngành sẽ cùng nhau phối hợp thực hiện 5 vấn đề dành cho giáo viên và học sinh dân tộc thiểu số ở vùng xa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trình bày cụ thể 5 vấn đề bao gồm tùy điều kiện để xây nhà vệ sinh cho học sinh ; các trường hiện chưa có điện lưới quốc gia thì được triển khai điện mặt trời để sử dụng ; tất cả các trường có sóng điện thoại trực tiếp hay gián tiếp ; hỗ trợ bằng mọi cách để học sinh ở xa đến trường có bữa ăn trưa ; hỗ trợ sách vở, đồ dùng dạy học tiếng dân tộc cho học sinh.

Trước đó, tại phiên giải trình và trả lời chất vấn của Quốc hội, diễn ra vào ngày 10/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng "không khỏi xót xa khi nhìn thấy trẻ em đến trường phải đu dây qua những dòng sông dữ ở nhiều tỉnh miền núi hay phải chèo xuồng đến trường ở nhiều tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long".

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng "Mỗi trẻ em là tài nguyên quý giá của dân tộc, do đó chúng ta phải có trách nhiệm rất lớn đối với thế hệ tương lai của đất nước".

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, vào tối ngày 17/11, lên tiếng với RFA về ghi nhận của bà qua lời phát biểu vừa nêu của hai vị lãnh đạo Chính Phủ Việt Nam :

"Thực ra thì họ vẫn đang làm và có những cải thiện chứ không phải là không đâu. Tuy nhiên, hoàn cảnh của Việt Nam thì các vùng sâu vùng xa thật sự rất nghèo cho nên chưa làm xuể thôi. Có những dự án được nước ngoài tài trợ tiền nên họ làm được rất nhiều. Nếu không có những dự án đấy thì tình hình còn khổ hơn. Hoàn cảnh trước đây còn tồi tệ hơn nhiều lắm. Bây giờ đã khá hơn nhiều rồi. Thế thì, những điều ông Thủ tướng và ông Phó Thủ tướng nói thì đúng vì thật sự có những chính sách, những chương trình được quan tâm và đầu tư đúng".

Phải xử lý vấn nạn tham nhũng trong ngành giáo dục

Mặc dù vậy, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng ngành giáo dục trong năm học 2020-2021 nổi lên những vấn đề gây bức xúc trong cộng đồng như các bộ sách giáo khoa lớp 1 bị dư luận chỉ trích hay tình trạng học sinh đến trường hết sức khó khăn ở các khu vực miền Trung bị lũ lụt nghiêm trọng…

Đặc biệt, vấn nạn lạm thu trong trường học được thầy giáo chống tiêu cực, Đỗ Việt Khoa cho là nghiêm trọng nhất :

"Đó là vấn đề lạm thu trong các trường học. Tình trạng này cực kỳ nghiêm trọng. Tôi có thể nói trong năm học này là hết sức nghiêm trọng và cực kỳ tinh vi. Rất nhiều trường hiện nay vẽ ra các khoản thu trái phép mà không có lãnh đạo của các cấp, các ngành nào xử lý và họ còn bao che cho nhau. Rất ít trường bị lôi ra ánh sáng".

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhấn mạnh bản chất của tình trạng lạm thu, được nói theo đúng từ ngữ là ‘tham nhũng trong trường học’ và cụ thể thì hiệu trưởng các trường học chịu trách nhiệm. Họ vẽ ra vô vàn các khoản thu và được sự bảo kê của các cấp lãnh đạo địa phương nên họ không bị xử lý.

"Ông bộ trưởng không kiên quyết. Ông Thủ tướng chưa bao giờ chỉ đạo ngành công an để dẹp tệ nạn này. Thế là tình trạng lạm thu cứ tồn tại mãi mấy mươi năm nay thôi. Chẳng có quốc gia nào cứ mãi tuyên bố tự hào về ngành giáo dục mà lại thu tiền học sinh trái phép gấp hàng chục, hàng trăm lần mức học phí theo Nhà nước quy định. Ở Việt Nam, nếu không có chế tài nghiêm khắc việc lạm thu này thì nó trở thành một thói quen thôi. Giá như chuyện lạm thu được chấm dứt ở mầm non, tiểu học và các cấp thì điều này sẽ rất tốt".

Nhân ngày 20/11/2020, thầy giáo Đỗ Việt Khoa mong muốn vấn nạn tham nhũng được Bộ Giáo dục và Chính phủ Việt Nam quyết liệt diệt trừ thì môi trường giáo dục mới được trong sạch và là một nơi chốn đào tạo được những thế hệ tương lai có tinh thần trách nhiệm và cống hiến.

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương chia sẻ về hy vọng của bà đối với nền giáo dục của Việt Nam :

"Tôi cũng mong nền giáo dục của Việt Nam được cởi mở hơn và tiếp cận được nhiều hơn với chuẩn mực quốc tế. Bởi vì chuẩn mực giáo dục của Việt Nam đang đi sau quốc tế rất xa, không chỉ về chương trình giảng dạy, quan điểm về giảng dạy mà còn về quản lý nữa. Do đó, khi cách thức quản lý được thay đổi thì sẽ tiếp cận được nhiều hơn về mặt chương trình và triết lý giáo dục gắn với phát triển của thế giới. Tôi nghĩ khi đấy thì cơ hội cho chất lượng giáo dục ở Việt Nam được tiến bộ hơn".

Đài RFA ghi nhận, qua bài diễn văn đọc trước Quốc hội của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, không ít những giáo viên và giới chuyên gia giáo dục, như tiến sĩ Mạc Văn Trang đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam đối với nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, họ mong muốn được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ thông tin đến bao giờ học sinh phổ thông được miễn học phí.

Đây là một mơ ước lớn của nhiều tầng lớp trong xã hội và để biến mong ước này thành hiện thực cần có nhiều điều kiện và quyết tâm. Tuy vậy, mơ ước của cô giáo dân tộc Raglai được nêu ra trong phần đầu bài hẳn không khó thực hiện.

Quay lại trang chủ
Read 624 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)