Người dân Việt hân hoan khi hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đến Đà Nẵng (CaliToday, 05/03/2018)
Việc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến Đà Nẵng đã làm người dân Việt háo hức. Chính quyền cộng sản Việt Nam không ngần ngại bày tỏ mong muốn nhân sự kiện tàu USS Carl Vinson đến Đà Nẵng sẽ nhằm bảo đảm sự ổn định trong khu vực.
Đi cùng hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson còn có tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer. Chuyến viếng thăm này sẽ kéo dài từ ngày 5 đến 9/3/2018.
Từ sáng ngày 5/3, hàng trăm người dân hiếu kỳ đã đổ xô nhau đến bán đảo Sơn Trà để nhìn ngắm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson từ xa. Tuy nhiên, không như mong đợi của nhiều người, tàu USS Carl Vinson chỉ đậu từ phao số 0 mà không cập cảng Tiên Sa. Chỉ có tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E.Meyer cập cảng. Vậy nhưng, điều này vẫn không làm cho người dân và du khách có mặt tại Đà Nẵng bớt đi tính hiếu kỳ, họ vẫn đổ xô lên cầu Thuận Phước để ngóng đoàn tàu hải quân Hoa Kỳ.
Người dân đổ xô lên bán đảo Sơn Trà để nhìn hàng không mẫu hạm. Ảnh : Tuổi Trẻ
Với việc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến Đà Nẵng đánh dấu sự hợp tác quân sự lớn nhất giữa hai quốc gia từ năm 1975 cho đến nay. Đối với người dân Việt Nam họ đợi chờ sự hợp tác này sẽ phần nào ngăn chặn được sự bành trướng của chính quyền Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong khi đó, một số khác cho rằng, việc cộng sản Việt Nam chấp thuận cho đoàn tàu hải quân Hoa Kỳ đến Đà Nẵng lần này cho thấy chính sách đối ngoại khá độc lập đối với Trung Quốc. Việt Nam muốn mượn Hoa Kỳ để kìm hãm sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Chính sách "đu dây" đã được chính quyền cộng sản Việt Nam sử dụng từ thời Liên Xô chưa sụp đổ. Chỉ khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, cộng sản Việt Nam bị chơi vơi nên ngày càng bị phụ thuộc vào Trung Quốc.
Chiều ngày 5/3 tại Đà Nẵng, Hội nghị có tên "Gặp gỡ Hoa Kỳ", đại sứ Daniel Kritenbrink cam kết mạnh mẽ sẽ bảo đảm tự do thương mại cũng như bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng là điều mà Việt Nam trông chờ nhân đợt đoàn tàu hải quân Hoa Kỳ đến Đà Nẵng.
Truyền thông trong nước gọi chuyến thăm hữu nghị của hải quân Hoa Kỳ lần này là "lịch sử" được diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt. Do đó, trong Hội nghị "Gặp gỡ Việt Nam" có rất nhiều đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao cộng sản Việt Nam, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và các tỉnh ở miền Trung khác.
Buổi họp báo được tổ chức tại cảng Tiên Sa. Ảnh : Thanh Niên
Đại sứ Kritenbrink cho biết, có khoảng 60% khối lượng hàng hóa được vận chuyển qua khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Biển Đông, chiếm đến 1/3 khối lượng hàng hóa trên toàn thế giới. Do đó, Hoa Kỳ cam kết sẽ bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.
Người Quan Sát
***************
Tàu sân bay Mỹ tới Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm ‘lịch sử’ (VOA, 05/03/2018)
Hàng không mẫu hạm của Mỹ và các chiến hạm hộ tống sáng 5/3 (giờ địa phương) đã tới Đà Nẵng, trong chuyến thăm phía Mỹ nói là mang tính "lịch sử", giữa bối cảnh Việt Nam đang phải đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và đội tàu chiến hộ tống tại Thái Bình Dương giữa năm ngoái.
Thiếu tá Tim Hawkins (giữa).
Sự hiện diện của USS Carl Vinson ở vùng biển miền Trung đánh dấu lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam kể từ khi kết thúc cuộc chiến giữa hai nước cựu thù.
Thiếu tá Tim Hawkins, quân nhân phụ trách truyền thông trên tàu USS Carl Vinson, nói với VOA Việt Ngữ rằng "đây rõ ràng là một chuyến thăm mang tính lịch sử".
Quân nhân này nói thêm : "Nó đánh dấu một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam và thi hành một thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước. Việc đến thăm của chúng tôi cũng thể hiện sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đối với một Việt Nam độc lập, mạnh mẽ và phồn vinh".
Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng Năm năm ngoái có đoạn : "Hai nhà lãnh đạo trao đổi về khả năng tàu sân bay Hoa Kỳ thăm cảng Việt Nam và các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước".
Tin cho hay, trong khi thăm Việt Nam, chỉ huy tàu USS Carl Vinson sẽ tiếp xúc và trao đổi với Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.
Trong khi đó, các thủy thủ của tàu sẽ tham gia nhiều hoạt động "giao lưu nhân dân" như biểu diễn tại Cầu Rồng và công viên Biển Đông ; giao lưu bóng đá, bóng rổ và thăm các trung tâm nuôi trẻ mồ côi cũng như cơ sở bảo trợ nạn nhân chất da cam.
Trung tá Hiền Trịnh, một quân nhân Mỹ gốc Việt, hiện phục vụ trên tàu USS Carl Vinson cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông "thực sự vui mừng khi trở thành một phần của sự kiện lịch sử này".
"Tôi hy vọng nó sẽ mang lại mối quan hệ chân tình và nồng ấm trong nhiều năm tới", người rời Việt Nam cùng gia đình lúc hai tuổi nói thêm.
Máy bay chiến đấu của hải quân Mỹ đáp xuống tàu sân bay USS Carl Vinson.
Các nhà phân tích và quan sát cho rằng sự hiện diện của USS Carl Vinson ở vùng biển tại Việt Nam cách không xa quần đảo Hoàng Sa trong vòng tranh chấp với Bắc Kinh là một tín hiệu gửi tới Trung Quốc.
Giáo sư Carl Thayer nói : "Thông điệp mà USS Carl Vinson phát đi đó là Hoa Kỳ sẽ duy trì sự hiện diện hải quân ở Biển Đông và rằng Việt Nam ủng hộ sự hiện diện của hải quân Mỹ chừng nào nó đóng góp vào ổn định và hòa bình khu vực".
Trả lời câu hỏi về việc tờ Hoàn cầu Thời báo gần đây nói rằng "sự hiện diện thường xuyên của các hàng không mẫu hạm Mỹ ở Biển Đông trong năm nay có thể làm trầm trọng căng thẳng khu vực và dẫn tới sóng gió trong quan hệ Trung – Mỹ", thiếu tá Hawkins nói : "Sự hiện diện và cam kết của chúng tôi đối với khu vực không phải là điều mới mẻ".
"Hải quân Mỹ đã thường xuyên hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương, giúp duy trì hòa bình trong hơn 70 năm qua. Chúng tôi hoạt động trong khu vực để trấn an các đồng minh và đối tác của chúng tôi, duy trì ổn định khu vực và duy trì sự rộng mở của các tuyến hàng hải quan trọng cho sự thịnh vượng toàn cầu", ông nói thêm.
Trước khi USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, thiếu tá hải quân này từng tuyên bố rằng các lực lượng Hoa Kỳ không nao núng trước hành động quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, và sẽ tiếp tục tuần tra ở bất kỳ nơi nào "luật pháp quốc tế cho phép" trên vùng biển chiến lược này.
Báo chí trong nước dẫn lời các quan chức Việt Nam cho biết rằng USS Carl Vinson sẽ ở thăm Việt Nam từ ngày 5 tới 9/3, nhưng Thiếu tá Hawkins chỉ xác nhận với VOA tiếng Việt ngày đến, còn ngày dời đi, ông không trả lời vì "các lý do an ninh".
Viễn Đông
***************
50 năm trước, Đà Nẵng từng là một trong những căn cứ của Hoa Kỳ trong Cuộc chiến Việt Nam.
Nay, đây là một trong những thành phố thịnh vượng nhất, lý tưởng để đón tiếp chuyến thăm lịch sử của Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ.
Thông điệp mà con tàu mang theo là hoà bình, hữu nghị, và mong ước muốn duy trì sự ổn định khu vực.
Về mặt hành chính, Đà Nẵng cũng quản lý huyện đảo Hoàng Sa, mặc dù thực tế toàn bộ quần đảo đang chịu sự quản lý của Trung Quốc từ năm 1974 sau cuộc hải chiến với quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Việc Trung Quốc tăng cường bồi đắp, xây dựng trên các đảo ở Biển Đông cũng khiến cho chuyến thăm của tàu Hoa Kỳ lần này có ý nghĩa biểu tượng cực kỳ quan trọng, qua đó gửi một thông điệp ủng hộ mạnh mẽ tới Việt Nam, hoặc chí ít là đối với 'tự do hàng hải' trong khu vực.
Hai quốc gia vẫn từ từ âm thầm xây dựng lại mối quan hệ quân sự trong những năm gần đây. Người Mỹ rõ ràng muốn mối quan hệ này tiếp tục, trong lúc chính phủ Việt Nam cũng hoan nghênh Hoa Kỳ hiện diện trong khu vực.
Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa thể tiến quá xa, dù cho có chuyến thăm chính thức hôm nay.
Hai bên vẫn chưa có hoạt động diễn tập chung, và Việt Nam vẫn chưa mua vũ khí của Hoa Kỳ.
Với Việt Nam, vấn đề quan trọng vẫn là quan hệ với Trung Quốc, quốc gia có hơn 1000km biên giới chung.
Sự khởi đầu này với Hoa Kỳ là một thành công trong ngoại giao của Việt Nam đồng thời cũng trấn an Trung Quốc rằng đây là việc ngoại giao đa phương, chứ không phải một sự chuyển hướng hoàn toàn sang phía Mỹ.
Đây là điều rất quan trọng với Việt Nam, vốn đang rất cần giữ cân bằng một cách thận trọng với cả hai siêu cường này.
Tường thuật của phóng viên BBC Jonathan Head từ Đà Nẵng.
********************
Hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson đến Đà Nẵng (RFI, 05/03/2018)
Hôm 05/03/2018, chiếc hàng không mẫu hạm Carl Vinson của Mỹ đã cập cảng Đà Nẵng, mở đầu chuyến viếng thăm 5 ngày ( 05 đến 09/03 ), trong bối cảnh hai quốc gia cựu thù thắt chặt quan hệ quốc phòng nhằm đối phó với việc Trung Quốc quân sự hóa vùng Biển Đông.
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến cảng Đà Nẵng, Việt Nam, ngày 05/03/2018. Reuters
Đây là lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ ghé thăm một cảng của Việt Nam. Tháp tùng chiếc Carl Vinson, nặng hơn 100 ngàn tấn, là hai tàu hộ tống : tuần dương hạm USS Lake Champlain và khu trục hạm USS Wayne E. Meyer. Trên hàng không mẫu hạm này có đến hơn 6000 người, gồm thủy thủ đoàn, phi công… Như vậy, đây cũng là lần đầu tiên có đông quân nhân Mỹ như thế ở Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975.
Chiếc Carl Vinson hiện neo đậu chỉ 2 hải lý cách cảng Đà Nẵng, nơi những binh lính Mỹ đầu tiên đổ bộ vào năm 1965, khởi đầu cuộc tham chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 03/03, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết chuyến thăm "hữu nghị" của hàng không mẫu hạm Carl Vinson sẽ bao gồm lễ đón tàu, họp báo, chào xã giao, các hoạt động trao đổi kỹ thuật, giao lưu thể thao và một số hoạt động cộng đồng...
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, chuyến thăm Việt Nam lần này của tàu Carl Vinson được thực hiện "theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước được nêu trong Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Donald Trump tháng 11/2017". Chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ "tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực".
Chuyến viếng thăm đầy tính biểu tượng của Carl Vinson cũng sẽ bao gồm cuộc viếng thăm một trung tâm dành cho các nạn nhân của chất độc da cam, chất khai quang mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong thời gian chiến tranh.
Trả lời hãng tin AP, một số người dân Đà Nẵng hoan nghênh chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Carl Vinson. Theo lời một tài xế taxi, việc gia tăng hợp tác giữa hai nước về mặt kinh tế, ngoại giao và quân sự sẽ giúp làm đối trọng với sự bành trướng của Trung Quốc.
Thanh Phương