Hợp tác quốc phòng Pháp - Việt : Sắp tới sẽ là Biển Đông ? (RFI, 17/01/2018)
Hôm 11/01/2018, Việt Nam và Pháp đã tổ chức cuộc đối thoại quốc phòng lần thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sáng kiến này bắt đầu từ năm 2016, tập trung vào lãnh vực an ninh trong quan hệ đôi bên. Tờ báo The Diplomat đặt câu hỏi, bước tiếp theo của việc hợp tác quân sự Pháp-Việt sẽ là gì ?
Ảnh minh họa : Chiến hạm hải quân Pháp Vendemiaire ghé thăm cảng Hải Phòng ngày 25/04/2011 HOANG DINH NAM / AFP
The Diplomat nhận định, giữa Việt Nam và Pháp có mối quan hệ lịch sử lâu dài, qua việc Pháp đô hộ Việt Nam suốt một thế kỷ. Việt Nam nằm trong Đông Dương thuộc Pháp, cho đến khi đánh bại "mẫu quốc" giành được độc lập vào năm 1954. Quan hệ ngoại giao chính thức được thành lập vào năm 1973, nhưng chỉ mới được đẩy nhanh trong những năm gần đây, khi Pháp-Việt tuyên bố mối quan hệ đối tác chiến lược năm 2013.
Paris coi việc siết chặt quan hệ với Hà Nội là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tăng cường ảnh hưởng Pháp tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và đặc biệt là tại Đông Nam Á. Về phía Việt Nam, việc tăng cường tình hữu nghị Pháp-Việt nằm trong chính sách đối ngoại đa phương, tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc, đặc biệt là năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Riêng trong lãnh vực quốc phòng, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác vào năm 2009. Từ đó đến nay đã có nhiều tiến bộ đáng kể về nhiều mặt, từ các hoạt động trao đổi cho đến cho đến những tương tác về chống tội phạm xuyên quốc gia. Pháp và Việt Nam bắt đầu tổ chức Đối Thoại Chính Sách quốc phòng lần đầu tiên tại Paris vào tháng 11/2016, qua đó hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác về quân y và tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Riêng năm nay mang ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Pháp-Việt, nhân kỷ niệm 45 năm thành lập quan hệ ngoại giao, và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đôi bên cho biết sẽ tiến hành một số hoạt động liên quan trong năm 2018, và rất có khả năng thủ tướng Pháp Edouard Philippe sẽ sang thăm Việt Nam trong năm nay.
Về quân sự, cuộc Đối Thoại Chính Sách quốc phòng lần thứ hai đã diễn ra hôm 11/1 tại thủ đô kinh tế Việt Nam - trước đây mang tên Sài Gòn. Đồng chủ trì hội nghị là thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng Việt Nam và phó đô đốc Hervé de Bonnaventure, phó tổng cục trưởng tổng cục Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược thuộc bộ Quân Lực Pháp.
Cuộc đối thoại tập trung vào việc tăng cường hợp tác trên những lãnh vực đã được bàn bạc và đã có những bước phát triển, như huấn luyện quân sự, đào tạo bác sĩ quân y, an ninh hàng hải, an toàn hàng không, các hoạt động gìn giữ hòa bình, hợp tác trong kỹ nghệ quốc phòng.
Cho dù không có chi tiết cụ thể nào được tiết lộ, nhưng đôi bên cho biết đã thỏa thuận tăng cường các chuyến thăm Việt Nam của các chiến hạm Pháp. Theo nhận xét của The Diplomat, an ninh hàng hải là chủ đề quan trọng trong hợp tác quốc phòng Pháp-Việt, không chỉ những hoạt động đơn lẻ, mà còn ở sự yểm trợ của Pháp đối với Việt Nam, trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Gần đây một bài phóng sự trên Le Monde đã mô tả cuộc tuần tra vào cuối tháng 10/2017 của chiến hạm tối tân Pháp Auvergne tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chuyến hải hành của tàu Pháp bị phía Trung Quốc theo bén gót. Tháng 4/2017, chiến hạm Mistral hiện đại nhất của Pháp cùng với hộ tống hạm Courbet đã đến Sài Gòn, ở thăm Việt Nam một tuần lễ trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc phòng Việt-Pháp. Trước đó vào tháng 5/2016, chiến hạm chở trực thăng Tonnerre (L9014) thuộc lớp Mistral cũng đã thăm cảng Cam Ranh trong bốn ngày.
Hãng tin Bloomberg hôm 05/06/2016 đưa tin, bộ trưởng Quốc phòng Pháp lúc đó là ông Jean-Yves Le Drian đã tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Pháp sẽ cổ vũ Hải quân các nước Liên Hiệp Châu Âu phối hợp tuần tra tại Biển Đông, để bảo đảm sự hiện diện thường xuyên trên vùng biển chiến lược này. Ông khẳng định Pháp sẽ cho chiến hạm và phi cơ đi qua "bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Trong lúc thái độ của Hoa Kỳ vẫn chưa rõ ràng, thì sự hiện diện tại Biển Đông - dù không thường xuyên - của Pháp, cường quốc biển thứ ba trên thế giới có thể là yếu tố tích cực, góp phần hạn chế căng thẳng trong khu vực. Đây cũng có thể là mục tiêu lâu dài của Việt Nam khi siết chặt hợp tác trong lãnh vực quốc phòng với nước Pháp.
Thụy My
*********************
Việt Nam sắp đón chiến hạm Gepard thứ tư (RFA, 17/01/2018)
Thêm một chiến hạm Gepard 3.9 do Nga sản xuất sắp về đến Việt Nam.
Tàu Gepard thứ 3 trên đường từ Nga tới Việt Nam (Hình chụp màn hình từ Vietnam Army)năm 2017- Courtesy of Vietnam Army
Đây là chiến hạm Gepard 3.9 thứ tư do Việt Nam đặt hàng theo hai hợp đồng đóng tàu chiến với nước Nga của chính phủ Hà Nội.
Theo truyền thông Việt Nam, chiếc Gepard 3.9 vừa nêu được một tàu vận tải chở từ cảng Novorossiysk của Nga và sẽ đến cảng Cam Ranh của Việt Nam vào cuối tháng này.
Hai chiếc tàu Gepard 3.9 đầu tiên đã được Nga giao cho Việt Nam vào năm 2011. Chiến thứ ba giao cho Việt Nam hồi năm ngoái 2017.
Biện pháp trang bị thêm tàu chiến này được xem là nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện đại hóa lược lượng hải quân của mình để ứng phó với sự gia tăng lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông. Các tàu chiến Gepard có trang bị tên lửa diệt chiến hạm, pháo phòng không, cũng như có khả năng săn tàu ngầm.
Tổng thống Pháp François Hollande trong chuyến thăm chính thức Việt Nam
Tổng thống Pháp François Hollande đã không gây được sự phấn khởi trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hai ngày 6 và 7 tháng 9 vừa qua. Không thể khác vì ông tới Việt Nam trong mục đích tăng cường sự hợp tác với một chế độ không còn cả lý do lẫn sức sống để kéo dài.
Chính sách của François Hollande đối với Việt Nam chỉ tiếp tục cách nhìn thiển cận của các chính quyền Pháp đổi với Việt Nam từ gần một thế kỷ qua. Ngay sau Thế Chiến I nhiều học giả và chính trị gia Pháp, kể cả toàn quyền Varenne, đã nhìn thấy sự cần thiết của một chuyển đổi chính sách từ thống trị và bóc lột sang hữu nghị và hợp tác, nhưng sau đó là cuộc đàn áp đẫm máu Việt Nam Quốc Dân Đảng và chính sách ngu dân nhắm ru ngủ trí thức Việt Nam bằng thơ, nhạc, rượu và thuốc phiện.
Sau Thế Chiến II khi đã rõ ràng là chế độ thực dân phải chấm dứt và các đế quốc thực dân phải triệt thoái thật nhanh khỏi các thuộc địa thì Pháp, mặc dù đã từng thua trận và bị chiếm đóng, vẫn cố duy trì quyền thống trị qua chính quyền bù nhìn Bảo Đại thay vì thỏa hiệp với các lực lượng quốc gia chân chính. Thất bại Điện Biên Phủ sau đó đã có tác dụng khiến Pháp vừa ghen với Hoa Kỳ vừa phục Đảng Cộng sản Việt Nam. Pháp đã góp phần không nhỏ cho chiến thắng của Đảng Cộng sản Việt Nam và từ 1975 gần như chỉ tìm cách hợp tác với chế độ cộng sản, bất chấp những giá trị dân chủ và nhân quyền mà họ thường tự hào là một nước chủ xướng.
Không phải là nước Pháp mù quáng. Pháp có rất nhiều người sáng suốt để nói trước những gì cần và nên làm, nhưng họ không được lắng nghe vì cuộc thảo luận chính trị không lành mạnh. Các chính trị gia Pháp không thảo luận để tìm kết luận đúng mà thảo luận theo tinh thần phe phái.
Kết quả là đối với Việt Nam - cũng như các thuộc địa cũ nói chung - Pháp hầu như luôn luôn có những chọn lựa ngắn hạn tai hại trong lâu dài. Chính sách đối ngoại thiển cận đã khiến Pháp mất dần ảnh hưởng. Trước Thế Chiến II Pháp là cường quốc hiện diện mạnh nhất tại Đông Nam Á, ngày nay Pháp gần như vắng mặt.
Thật đáng tiếc cho cả Pháp lẫn Việt Nam. Đối với Việt Nam, Pháp là nhân chứng quí báu của những hiệp ước biên giới Việt - Trung trên đất liền cũng như trên biển, Pháp có kỹ thuật dược phẩm, xây dựng, đường sắt, hàng không v.v. đứng hàng đầu thế giới mà Việt Nam rất cần. Ngược lại Việt Nam là một thị trường lớn và có thể giúp Pháp hiện diện tích cực tại một khu vực đầy triển vọng.
Hai nước có mọi lý do để hợp tác toàn diện và triệt để nếu hiểu nhau và đặt nền tảng của sự hợp tác trên những giá trị đúng. Đáng tiếc đó không phải là điều chúng ta đang thấy. Tổng thống Hollande đã đến Việt Nam với những mục tiêu thuần tuý kinh tế, nghĩa là sẵn sàng hợp tác với một chế độ độc tài tham nhũng và bạo ngược. Nhưng bỏ qua những giá trị đạo đức phổ cập không bao giờ là một chọn lựa khôn ngoan, ngay cả về mặt kinh tế, trong lâu dài. Hơn nữa Hollande cũng đến Việt Nam với những thông tin không chính xác. Bộ tham mưu của ông đánh giá kinh tế Việt Nam là đặc biệt năng động và đầy triển vọng với tỷ lệ tăng trưởng hiện nay là 6,5%. Không gì sai hơn. Kinh tế Việt Nam đang nguy ngập và chính quyền cộng sản vừa phân hoá vừa bị thù ghét như chưa từng thấy. Phái đoàn Pháp đã phải nhận thấy điều này, năm mươi doanh nhân đi cùng tổng thống đã thất vọng lớn.
Hợp tác Việt Pháp đầy triển vọng nhưng đòi hỏi nơi chính quyền Pháp một cái nhìn khác đối với đất nước và dân tộc Việt Nam.
Ban Biên Tập Tổ Quốc