Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

15/09/2016

Tương lai nào cho hợp tác Pháp-Việt ?

Báo Tổ Quốc số 234

hollande1

Tổng thống Pháp François Hollande trong chuyến thăm chính thức Việt Nam

Tổng thống Pháp François Hollande đã không gây được sự phấn khởi trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hai ngày 6 và 7 tháng 9 vừa qua. Không thể khác vì ông tới Việt Nam trong mục đích tăng cường sự hợp tác với một chế độ không còn cả lý do lẫn sức sống để kéo dài.

Chính sách của François Hollande đối với Việt Nam chỉ tiếp tục cách nhìn thiển cận của các chính quyền Pháp đổi với Việt Nam từ gần một thế kỷ qua. Ngay sau Thế Chiến I nhiều học giả và chính trị gia Pháp, kể cả toàn quyền Varenne, đã nhìn thấy sự cần thiết của một chuyển đổi chính sách từ thống trị và bóc lột sang hữu nghị và hợp tác, nhưng sau đó là cuộc đàn áp đẫm máu Việt Nam Quốc Dân Đảng và chính sách ngu dân nhắm ru ngủ trí thức Việt Nam bằng thơ, nhạc, rượu và thuốc phiện.

Sau Thế Chiến II khi đã rõ ràng là chế độ thực dân phải chấm dứt và các đế quốc thực dân phải triệt thoái thật nhanh khỏi các thuộc địa thì Pháp, mặc dù đã từng thua trận và bị chiếm đóng, vẫn cố duy trì quyền thống trị qua chính quyền bù nhìn Bảo Đại thay vì thỏa hiệp với các lực lượng quốc gia chân chính. Thất bại Điện Biên Phủ sau đó đã có tác dụng khiến Pháp vừa ghen với Hoa Kỳ vừa phục Đảng Cộng sản Việt Nam. Pháp đã góp phần không nhỏ cho chiến thắng của Đảng Cộng sản Việt Nam và từ 1975 gần như chỉ tìm cách hợp tác với chế độ cộng sản, bất chấp những giá trị dân chủ và nhân quyền mà họ thường tự hào là một nước chủ xướng.

Không phải là nước Pháp mù quáng. Pháp có rất nhiều người sáng suốt để nói trước những gì cần và nên làm, nhưng họ không được lắng nghe vì cuộc thảo luận chính trị không lành mạnh. Các chính trị gia Pháp không thảo luận để tìm kết luận đúng mà thảo luận theo tinh thần phe phái.

Kết quả là đối với Việt Nam - cũng như các thuộc địa cũ nói chung - Pháp hầu như luôn luôn có những chọn lựa ngắn hạn tai hại trong lâu dài. Chính sách đối ngoại thiển cận đã khiến Pháp mất dần ảnh hưởng. Trước Thế Chiến II Pháp là cường quốc hiện diện mạnh nhất tại Đông Nam Á, ngày nay Pháp gần như vắng mặt.

Thật đáng tiếc cho cả Pháp lẫn Việt Nam. Đối với Việt Nam, Pháp là nhân chứng quí báu của những hiệp ước biên giới Việt - Trung trên đất liền cũng như trên biển, Pháp có kỹ thuật dược phẩm, xây dựng, đường sắt, hàng không v.v. đứng hàng đầu thế giới mà Việt Nam rất cần. Ngược lại Việt Nam là một thị trường lớn và có thể giúp Pháp hiện diện tích cực tại một khu vực đầy triển vọng.

Hai nước có mọi lý do để hợp tác toàn diện và triệt để nếu hiểu nhau và đặt nền tảng của sự hợp tác trên những giá trị đúng. Đáng tiếc đó không phải là điều chúng ta đang thấy. Tổng thống Hollande đã đến Việt Nam với những mục tiêu thuần tuý kinh tế, nghĩa là sẵn sàng hợp tác với một chế độ độc tài tham nhũng và bạo ngược. Nhưng bỏ qua những giá trị đạo đức phổ cập không bao giờ là một chọn lựa khôn ngoan, ngay cả về mặt kinh tế, trong lâu dài. Hơn nữa Hollande cũng đến Việt Nam với những thông tin không chính xác. Bộ tham mưu của ông đánh giá kinh tế Việt Nam là đặc biệt năng động và đầy triển vọng với tỷ lệ tăng trưởng hiện nay là 6,5%. Không gì sai hơn. Kinh tế Việt Nam đang nguy ngập và chính quyền cộng sản vừa phân hoá vừa bị thù ghét như chưa từng thấy. Phái đoàn Pháp đã phải nhận thấy điều này, năm mươi doanh nhân đi cùng tổng thống đã thất vọng lớn.

Hợp tác Việt Pháp đầy triển vọng nhưng đòi hỏi nơi chính quyền Pháp một cái nhìn khác đối với đất nước và dân tộc Việt Nam.

 

Ban Biên Tập Tổ Quốc

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Báo Tổ Quốc
Read 868 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)