Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ thăm Việt Nam (VOA, 12/04/2018)
Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, Trung tướng David Berger, vừa có chuyến thăm Việt Nam để tìm hiểu, thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Hải quân Việt Nam.
Trung tướng David Berger và Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Hà Nội, ngày 9/4/2018.
Báo Hải quân Việt Nam cho biết chiều ngày 10/4, Trung tướng Berger đã gặp Chuẩn Đô đốc Ngô Sỹ Quyết, Phó Tư lệnh Hải quân Việt Nam.
Truyền thông Việt Nam trích lời ông Berger nói : "Chuyến thăm lần này của đoàn là nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Hải quân Việt Nam, đưa mối quan hệ hợp tác giữa Hải quân Việt Nam và lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương ngày càng đi vào chiều sâu".
Phía Việt Nam hy vọng rằng hai bên sẽ tiếp tục các hoạt động hợp tác quốc phòng như trao đổi đoàn, giao lưu tàu của hải quân hai nước, đào tạo, an ninh hàng hải, cứu trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu nạn.
Trước đó, báo Quân đội Nhân dân Việt cho biết hôm 9/4, Trung tướng Berger đã thảo luận với Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Việt Nam về việc đẩy mạnh hợp tác giữa hải quân hai nước.
Tại một cuộc gặp với ông Berger hôm 9/4, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc đánh giá cao vai trò của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đối với mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định và trật tự trên cơ sở luật pháp quốc tế trong khu vực. Ông Ngọc khẳng định Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với các nước, trong đó có Hoa Kỳ, nhằm đảm bảo và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
******************
Một dự luật được chính phủ Việt Nam công bố hôm 10/4 sẽ cho phép lực lượng cảnh sát biển sự linh hoạt nhiều hơn để nổ súng trong khi làm nhiệm vụ ngoài khơi, giữa lúc đang có căng thẳng vì tranh chấp ở Biển Đông.
Dự luật này, dự kiến sẽ được các nhà lập pháp biểu quyết vào cuối năm nay, sẽ cho phép lực lượng cảnh sát biển hành động quyết đoán hơn trong vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc. Cảnh sát biển Việt Nam hiện được trang bị các tàu tuần tra của Mỹ và Nhật Bản.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, một thủy lộ nhộn nhịp với khối lượng thương mại 3 ngàn tỉ đôla qua lại hàng năm. Việt Nam và bốn nước khác cũng tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này, nơi được cho là có nhiều mỏ dầu và khí đốt.
Cảnh sát biển Việt Nam có thể nổ súng để "bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển ; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, môi trường biển và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên", theo bản dự thảo đăng trên website của Quốc hội.
Cảnh sát biển có thể nổ súng cảnh cáo các tàu hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam nếu các tàu này không chấp hành hiệu lệnh chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp, dự thảo viết.
Việt Nam giờ cho phép cảnh sát biển nổ súng chỉ khi tính mạng và sự an toàn của họ bị đe dọa, hoặc trong khi truy đuổi những người và tàu thuyền vi phạm trên biển, hoặc để bảo vệ người dân mà tính mạng bị đe dọa..
Mỹ đã trao cho Việt Nam 12 tàu tuần tra để giúp Việt Nam củng cố năng lực giám sát và bảo vệ hàng hải của mình. Nhật Bản cũng đã cung cấp sáu tàu tuần tra đã qua sử dụng và hứa cấp thêm sáu tàu mới.
Việt Nam là nước đối đầu công khai nhất với Trung Quốc ở các vùng biển có tranh chấp trong Biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam tháng trước đã đình chỉ một dự án khoan dầu ngoài khơi phía đông nam của công ty năng lượng Repsol, sau khi bị Trung Quốc gây áp lực.