Dự án khí đốt với Exxon và Gazprom bị trì hoãn vì tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông
Các dự án khai thác khí đốt ngoài khơi Việt Nam của tập đoàn Mỹ Exxon Mobil và tập đoàn Nga Gazprom bị chậm tiến độ ít nhất vài năm, làm dấy lên lo ngại về tương lai của những dự án này ở những khu vực tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Thông tin được nêu trong một dự thảo đánh giá các dự án đề ngày 31/08/2023 của bộ Công Thương Việt Nam và được hãng tin Anh Reuters đưa tin ngày 05/10. Dự thảo có thể trở thành báo cáo chính thức từ nay đến cuối tháng 11.
Một nhà giàn khai thác dầu khí của Việt Nam ở Trường Sa, Biển Đông Reuters
Dự án thứ nhất là Cá Voi Xanh của tập đoàn Mỹ Exxon Mobil vẫn giậm chân tại chỗ. Theo kế hoạch năm 2011 của chính phủ Việt Nam, 5 nhà máy điện của dự án có tổng công suất gần 4 GW sẽ đi vào hoạt động vào khoảng năm 2024 khi có khí đốt do dự án Cá Voi Xanh cung cấp.
Nhưng cho đến nay, chưa một nhà máy nào được xây dựng. Trong văn bản dự thảo ngày 31/08, bộ Công Thương Việt Nam nêu kế hoạch 5 nhà máy này sẽ đi vào hoạt động "vào khoảng năm 2028" trong triển vọng khí đốt sẵn sàng ở mỏ Cá Voi Xanh.
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay Exxon Mobil tìm cách rút khỏi dự án Cá Voi Xanh do sức ép nhằm ưu tiên các loại năng lượng xanh. Khi được hỏi về sự chậm trễ và tính toán của Exxon Mobil, Michelle Gray, người phát ngôn của tập đoàn Mỹ, chỉ bình luận rằng "hoạt động thương mại vẫn tiến triển". Bộ Công Thương Việt Nam và tập đoàn dầu khí PetroVietnam – đối tác của Exxon trong dự án Cá Voi Xanh từ năm 2009 – không trả lời đề nghị bình luận của Reuters.
Dự án thứ hai liên quan đến nhà máy nhiệt điện có công suất 0,34 GW dùng khí đốt do tập đoàn Nga Gazprom khai thác tại mỏ khí Báo Vàng (Quảng Trị). Hoạt động thăm dò khí đốt được khởi công từ năm 2000, ở vùng biển giữa Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Theo dự thảo văn bản của bộ Công Thương, Gazprom "vẫn đang thăm dò dự trữ khí đốt" nên khó có khả năng nhà máy nhiệt điện này đi vào hoạt động trước năm 2030, trái với trù tính hồi tháng 05/2023 của chính phủ Việt Nam.
Theo Reuters, những chậm trễ của các dự án nói trên có thể tác động đến khả năng cung ứng điện của Việt Nam trong bối cảnh liên tục xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên trong những tháng gần đây. Việt Nam muốn đưa khí đốt khai thác trong nước, trong đó có những dự án của Exxon và Gazprom, chiếm khoảng 10% sản lượng điện từ nay đến năm 2030.
Thu Hằng
Công an công bố nội bộ kết luận vụ Đồng Tâm (RFA, 07/11/2017)
Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật của Công an Thành phố Hà Nội trong vụ Đồng Tâm đã được công bố khoảng một tháng nay rồi ; tuy vậy, kết luận đó chỉ được công bố nội bộ tại Công An Thành phố Hà Nội thôi.
Thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào tháng 4 năm 2017. Photo : RFA
Đó là thông báo mà phó giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, ông đại tá Đào Thanh Hải, đưa ra với báo giới bên hành lang Quốc Hội vào ngày 7 tháng 11. Theo ông này thì đó là chuyện nội bộ của Công An nên chỉ công bố nội bộ.
Theo kết luận thanh tra của Công an Thành phố Hà Nội thì việc thực thi luật pháp của Công An thành phố này không sai, còn chuyện cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, bị gãy chân là do sơ xuất, là tình huống không lường trước được.
Đoàn thanh tra của Công an Thành phố Hà Nội nhắc lại vào cuối tháng 3 năm nay, Cơ quan Điều Tra Công an Thành phố Hà Nội cho khởi tố vụ án ‘gây rối trật tự’ tại xã Đồng Tâm, tiến hành bắt giữ 4 người, trong đó có cụ Lê Đình Kình.
Theo kết luận của Thanh Tra Công an Thành phố Hà Nội thì trong khi tiến hành bắt giữ, gia đình cụ Kình chống đối, cản trở dẫn đến việc giằng co, xô xát khiến ông này bị gãy chân.
Đến ngày 15 tháng 4, người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức và cảnh sát cơ động.
Trong khi đó theo người dân, thì lực lượng chức năng và đại diện Tập Đoàn Viễn Thông Quân đội Viettel mời dân đến giải quyết tranh chấp đất đai ; thế nhưng lại tiến hành bắt giữ dân. Do vậy dân chúng phải đi đến quyết định bắt cán bộ và cảnh sát cơ động giữ ở Nhà Văn Hóa Thôn Hoành làm tin.
Đến ngày 22 tháng 4, chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung về đến thôn Hoành và làm cam kết 4 điểm, trong đó có hứa không truy tố người dân Đồng Tâm. Dân chúng đồng ý thả tất cả những người bị giữ ra.
Tuy nhiên, đến ngày 13 tháng 6, Cơ quan Điều Tra Công an Hà Nội quyết định khởi tố vụ án hình sự tại Đồng Tâm với hai tội danh ‘bắt giữ người trái pháp luật’ và ‘cố ý hủy hoại tài sản’.
Sang đến ngày 13 tháng 10, Cơ quan vừa nêu lại có thư kêu gọi người dân liên quan vụ việc ra đầu thú. Trước đó nhiều người dân tại Đồng Tâm bị gửi giấp triệu tập làm việc.
Vào ngày 2 tháng 11 vừa qua, đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại diễn đàn Quốc hội rằng ‘vụ việc ở Đồng Tâm là vụ khủng hoảng niềm tin chứ không đơn thuần là một vụ án hình sự’.
Cũng diễn tiến liên quan, vào ngày 14 tháng 11 tới đây, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ mở phiên xử phúc thẩm vụ vi phạm trong quản lý đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Sau khi diễn ra phiên sơ thẩm, nhiều người trong cuộc cho rằng số bị đưa ra xét xử không phải là những người có liên quan trực tiếp đến vụ tranh chấp đất đai tại Đồng Sệnh giữa dân thôn Hoành và Tập đoàn Viễn Thông Quân Đội Viettel.
****************
Việt Nam huấn luyện cho binh sĩ Campuchia (RFA, 07/11/2017)
Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia đề nghị Việt Nam tiếp tục huấn luyện cho binh sĩ của nước này, đặc biệt là lực lượng phản ứng nhanh và tấn công tiêu diệt.
Quân đội Hoàng gia Campuchia tham quan Trường Quân sự tỉnh Tây Ninh hồi tháng 3 năm 2017. (Ảnh minh họa) - Courtesy qdnd.vn
Mạng báo Khmer Times loan tin ngày ngày 6 tháng 11. Theo đó Tướng Pol Saroeun trong buổi tiếp đón phái đoàn quân đội của Việt Nam, do Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Tư lệnh Binh chủng Đặc công làm trưởng đoàn, nói rằng Campuchia rất cảm ơn Việt Nam đã giúp đỡ cho Quân đội Hoàng gia Campuchia, bao gồm việc hỗ trợ quân cụ và huấn luyện ; đồng thời Campuchia mong muốn Việt Nam tiếp tục trao đổi các nguồn nhân lực, đặc biệt trong lãnh vực phản ứng nhanh.
Đáp lời đề nghị của Tướng Pol Saroeun, Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình hứa hẹn Lực lượng phản ứng nhanh của Việt Nam sẽ tận tình tập huấn cho binh sĩ của Campuchia và bày tỏ hy vọng hai quốc gia phát triển hơn nữa trong mọi lãnh vực.
***********************
Dự án khí đốt lớn nhất Việt Nam ở biển Đông trên đà hoàn tất (VOA, 07/11/2017)
Dự án khí đốt nhiều tỷ USD của tập đoàn dầu khí hàng đầu của Mỹ ở Việt Nam đang trên đà hoàn tất vào năm 2019, theo một quan chức hàng đầu của ExxonMobil cho biết hôm thứ Ba 7/11.
Mỏ khí đốt Cá Voi Xanh do ExxonMobil hợp tác khai thác với Việt Nam sẽ hoàn tất vào năm 2019, theo Chủ tịch Công ty Phát triển ExxonMobil Liam Mallon.
Mỏ khí đốt Cá Voi Xanh có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối nằm cách bờ biển miền trung Việt Nam 88 km, trong khu vực biển Đông đang trong vòng tranh chấp với Trung Quốc.
"Chúng tôi tích cực phấn đấu để thúc đẩy việc đầu tư vào dự án lớn nhất ngoài khơi Việt Nam", Chủ tịch Công ty Phát triển ExxonMobil Liam Mallon nói với một diễn đàn doanh nghiệp bên lề Tuần lễ cấp cao của các lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra ở Đà Nẵng.
Tuy nhiên vào cuối tháng 8, truyền hình nhà nước Việt Nam VTV cho biết dự án khí đốt lớn nhất của Việt Nam với tập đoàn dầu khí Exxon Mobil của Mỹ, có thể bắt đầu vào tháng này.
Theo tin của Reuters ngày 29/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với Exxon Mobil rằng ông hy vọng dự án này sẽ chính thức khởi động vào dịp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương khi mà Tổng thống Donald Trump và các quan chức khác của Mỹ sẽ có mặt.
Mỏ Cá Voi Xanh lần đầu tiên được công bố bởi Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là ông John Kerry trong chuyến thăm tới Việt Nam vào tháng 1 năm nay và dự kiến sẽ bắt đầu cho ra sản phẩm vào năm 2023.
Khí đốt sẽ được hút từ độ sâu 1.500m dưới đáy biển, sau đó được chuyển lên bờ qua 1 đường ống dài 88 km để vận hành 4 nhà máy điện sẽ được xây ở tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam.
Việt Nam đang tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào điện than gây ô nhiễm, để chuyển dần sang các nguồn năng lượng sạch như khí đốt, và các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và gió.
Trong buổi tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu thế giới tham dự APEC hôm thứ Ba 7/11, VOV trích lời Thủ tướng Phúc nói với ông Mallon rằng "chính phủ Việt Nam luôn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong đó có ExxonMobil tới đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch".
ExxonMobil, theo ChannelNewsAsia, cho biết quyết định đầu tư cuối cùng sẽ được đưa ra vào năm 2019 nhưng mục tiêu nhắm tới là hoàn tất những thương lượng cụ thể vào cuối năm nay.
Ông Mallon nói : "Chúng tôi đã đạt nhiều bước tiến và có những thương lượng cụ thể mà chúng tôi cần hoàn tất". "Mục tiêu là phải hoàn tất những sự thương lượng đó trước cuối năm nay, hy vọng rằng điều đó sẽ cho phép chúng tôi bước vào ‘giai đoạn kỹ thuật đầu tiên’ của dự án".
Trung Quốc chưa lên tiếng về dự án này mặc dù Bắc Kinh trước đây đã cảnh cáo các công ty nước ngoài về việc khoan dầu khí trên các vùng biển này.
Một dự án khai thác dầu khác trên biển Đông giữa Việt Nam và công ty Repsol của Tây Ban Nha đã bị đình chỉ trong năm nay vì áp lực từ Bắc Kinh.