Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trí Dũng dự báo rằng Việt Nam sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn các thuận lợi, thời cơ trong năm 2024, theo Báo Chính Phủ và Thông Tấn Xã Việt Nam.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trí Dũng của Việt Nam - Ảnh TTXVN-VNA
Ông Dũng nói như vậy trong 2 cuộc phỏng vấn riêng rẽ nhưng có nhiều thông tin giống nhau, được đăng trên những trang web của 2 cơ quan báo chí thuộc nhà nước Việt Nam trong các ngày 11 và 12/2.
"Khó khăn, thách thức phải đối mặt vẫn còn rất lớn", Bộ trưởng Dũng nói với Báo Chính Phủ và Thông Tấn Xã Việt Nam.
Điều được ông Dũng nêu bật là trong năm 2024, "rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị-kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam".
Nói cụ thể hơn, vị bộ trưởng chỉ ra rằng cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, xung đột tại Ukraine và dải Gaza nhiều khả năng còn kéo dài làm gia tăng tình trạng phân mảnh địa chính trị, địa kinh tế. Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Đông Nam Á, […] vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, "điểm nóng" khó lường, đe dọa đến môi trường hòa bình và ổn định của khu vực.
Tiếp đến, ông nhận định rằng tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu "tiếp tục xu hướng giảm" và "lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng yếu tố bất định".
Một điều nữa bị Bộ trưởng Dũng cũng xem như khó khăn, thách thức là tình hình các nước "đẩy nhanh việc thực thi, ‘pháp lý hóa’ các tiêu chuẩn, tiêu chí mới về thương mại và đầu tư quốc tế", từ đó "tạo sức ép" và "tác động đến khả năng cạnh tranh" của Việt Nam và các nước đang phát triển.
Ngoài ra, từ góc nhìn của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… sẽ tiếp tục phức tạp, gay gắt hơn, ngày càng tác động mạnh và có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của Việt Nam và rộng hơn nữa là khu vực và thế giới.
Ngay cả xu hướng "tiêu dùng xanh" trên thế giới cũng bị Bộ trưởng Dũng xem là "tạo ra thách thức không nhỏ đối với các sản phẩm của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ…"’
Về các vấn đề của chính Việt Nam, ông Dũng đề cập đến "sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn" và "sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, cộng hưởng với những khó khăn, thách thức mới từ đầu năm 2023 đến nay".
Mặc dù vậy, vị bộ trưởng kế hoạch và đầu tư đưa ra một số giải pháp trọng tâm mà đứng đầu là "ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn".
Trong số những điều đó, Bộ trưởng Dũng nói rằng cần "nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí".
Ông cũng lưu ý "vốn đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng", vì vậy, trong năm 2024, các bên liên quan cần tiếp tục "tháo gỡ hiệu quả, kịp thời khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm" và ông kêu gọi "phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao".
Điều được ông Dũng ưu tiên tiếp theo là thúc đẩy thương mại và du lịch. Ông nói trong 2 cuộc phỏng vấn với Báo Chính Phủ và TTXVN rằng cần phải "kịp thời thông tin về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu", bên cạnh đó là "tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa".
Là một phần của giải pháp, Bộ trưởng Dũng đề nghị "tăng cường đàm phán, trao đổi thông tin, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Trung Quốc".
Ông cũng vạch ra việc mở rộng thị trường xuất khẩu bằng cách đẩy nhanh đàm phán, ký kết các hiệp định đối tác kinh tế và các hiệp định thượng mại tự do với một số nước ở Trung Đông, Nam Mỹ.
Một trọng tâm nữa, theo Bộ trưởng Dũng, là "thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực", nhưng ông không đi vào chi tiết, theo nội dung được đăng trên Báo Chính Phủ và TTXVN.
Trong phần cuối 2 cuộc phỏng vấn, ông Dũng kêu gọi "nâng cao năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh ; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới, thương mại điện tử, thương mại biên giới".
Ông cũng chú trọng đến giải pháp "phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chip bán dẫn".
Quốc hội Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 trong khoảng 6-6,5%, nhưng xét bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, mục tiêu đó bị xem là tương đối cao, Báo Chính Phủ, TTXVN và một số cơ quan báo chí trong nước đưa ra nhận xét trong thời gian gần đây.
Nguồn : VOA, 13/02/2024