Quyết định công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường hay không là cả một loạt vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều cân nhắc về kinh tế, chính trị lẫn chiến lược…
Thép Trung Quốc ồ ạt đổ vào Việt Nam để sau đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Liên Âu - Ảnh minh họa
Ngay về kinh tế cũng có hai phe
Bên ủng hộ công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường xuất phát từ thực tiễn cải cách và hội nhập kinh tế mà Việt Nam đã thực hiện khá thành công trong vài ba thập kỷ qua, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường hơn. Việt Nam đã mở cửa đón đầu tư nước ngoài, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và ký kết các hiệp định thương mại khu vực và toàn cầu như Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được tăng cường. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 giữa hai nước ước đạt 100,62 tỷ USD. Điển hình đối với lập trường ủng hộ ‘xóa nhãn NME’ (Non Market Economy – Nền kinh tế phi thị trường) cho Hà Nội là Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC), cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius. Ông cựu đại sứ tuyên bố : ‘Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường, vì đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ…’ (1).
Một thực tiễn khách quan khác xiển dương cho lập trường ‘bóc nhãn NME’ là Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sự phát triển kinh tế và hội nhập vào hệ thống thị trường toàn cầu của Việt Nam phù hợp với lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Đông Á cũng như trên toàn cầu. Lãnh đạo bộ phận chính sách công ở Mỹ của Samsung, ông Scott Thompson, nói tại phiên điều trần : ‘Việt Nam đã nổi lên như một đối tác ổn định, an toàn của Mỹ trong chuỗi cung ứng... rốt cuộc cũng vì lợi ích của kinh tế Mỹ’. Chính phủ Việt Nam còn thuê hẳn cả một công ty Mỹ để ‘lobby’ chiến dịch bóc nhãn. Bản đăng ký bổ sung của Đạo luật Đăng ký Đại diện cho Nước ngoài (FARA) đệ trình lên Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy Việt Nam đã thuê hãng luật Steptoe có trụ sở tại Washington để hỗ trợ chiến dịch này. Ông Eric Emerson đại diện cho Bộ Công thương Việt Nam là người từ Công ty luật Steptoe đã phát biểu thuận cho Việt Nam tại điều trần (2). Theo BBC, quyết định cuối cùng có thể được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra trước ngày 26/7/2024 (3).
Những người phản đối, ngược lại cho rằng, kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và nhập khẩu đầu vào từ Trung Quốc, với một số mặt hàng trong đó đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá. Ông Jeffrey Gerrish, cựu quan chức thương mại của chính quyền Hoa Kỳ thời tổng thống Donald Trump, đại diện cho hãng Steel Dynamics, lập luận tại phiên điều trần, việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ kích hoạt một làn sóng nhập khẩu không công bằng từ Việt Nam mà ông cho là đã trở thành phương cách để Trung Quốc lách thuế quan của Mỹ. ‘Thay vì đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc, bất kỳ hành động nào như vậy sẽ là món quà cho Trung Quốc và phục vụ lợi ích của Trung Quốc’, ông Gerrish nhấn mạnh. Nazak Nikakhtar, cựu quan chức Thương mại dưới chính quyền Trump hiện đang làm việc cho Công ty luật Wiley Rein cũng cho biết tại buổi điều trần, Hà Nội từng dùng các chính sách áp bức và tập quán kinh tế hung hăng như Trung Quốc và có khả năng đứng về phe quốc gia láng giềng hùng mạnh để đối đầu với Mỹ (4).
Ngoài ra, vẫn còn đó những mối quan tâm và thách thức tiềm ẩn cản trở việc xóa nhãn. Các nhà phản đối cho rằng, Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì quyền kiểm soát đáng kể đối với các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và có những lo ngại về trợ cấp không công bằng, thiếu minh bạch và can thiệp vào thị trường. Tiêu chuẩn lao động và môi trường ở Việt Nam vẫn là di sản nặng nề từ cái gọi là ‘nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’. Có khá nhiều ý kiến bảo lưu, bao gồm các công đoàn lao động và các nhóm môi trường tiếp tục nêu quan ngại về thực tiễn lao động và môi trường của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, cũng là một thực tế, trong khi vẫn còn những lo ngại về quyền lao động và nhân quyền, thì việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể tạo đòn bẩy để Hoa Kỳ và phương Tây khuyến khích cải cách và cải thiện hơn nữa trong các lĩnh vực này, cũng như thúc đẩy tính minh bạch và quản trị tốt.
Việt Nam đối mặt với mâu thuẫn lớn
Từ hơn một năm nay, Hà Nội đã và đang ráo riết vận động hành lang để Hoa Kỳ xóa nhãn ‘kinh tế phi thị trường’ (NME). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 10/11/2023 đã ban hành Quyết định 1335/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về đợt vận động này (5). Nhưng theo Tiến sĩ Bill Hayton, nghiên cứu viên tại Viện Chatham House, một think tank về chính trị quốc tế từ Luân Đôn, tại cuộc tranh giành quyền lực hiện nay trong Đảng cộng sản Việt Nam đang diễn ra ngày càng quyết liệt, giới lãnh đạo cứng rắn mới trong Đảng không quan tâm đến việc đối đầu với Trung Quốc hay tham gia liên minh ‘chống Trung Quốc’ nữa. Cuộc tranh giành quyền lực tiếp tục kéo dài, đã dẫn đến việc bất ngờ sa thải cả Chủ tịch nước lẫn Chủ tịch Quốc hội.Kết quả của cuộc đấu tranh này sẽ khiến những ai vẫn hy vọng Việt Nam có thể tham gia tập hợp chống Trung Quốc phải suy nghĩ lại. Các nước có thể chưa ‘hạ cấp’ quan hệ với Việt Nam, nhưng mọi người sẽ bớt hy vọng vào Hà Nội khi thấy Việt Nam tiến gần hơn đến các đối tác toàn trị. Dù cuộc tranh giành quyền lực hiện nay không liên quan đến đối ngoại, nhưng nó có chiều hướng ‘bẻ lái’ Việt Nam gần với Trung Quốc và rời xa Mỹ và phương Tây (6).
Trong bối cảnh nói trên, những cân nhắc về chính trị lẫn địa-chiến lược cũng chỉ còn có ý nghĩa tương đối so với trước đây. Bởi vì, cuộc đấu đá nội bộ hiện nay ở Hà Nội thực chất là một cuộc tiếm quyền giữa các phe phái trong Đảng. Vẫn theo đánh giá ngày 9/5/2024 từ Tiến sĩ Bill Hayton, những gì chúng ta đang thấy là một ‘cuộc tiếp quản’. Những người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh quyền lực này là những người theo đường lối cứng rắn. Họ bao gồm các tướng tá Công an và những người theo chủ nghĩa Lênin giáo điều. Việt Nam dường như sẽ ngả theo Trung Quốc trong xu thế ‘chính trị hướng nội’. Một chỉ thị cách đây gần một năm, trước cả khi Tổng thống Biden có mặt ở Hà Nội – Chỉ thị 24 của Đảng (7) – đã hướng dẫn cán bộ, đảng viên cần hạn chế tiếp xúc với các tổ chức nước ngoài, đặc biệt là các NGO. Sự co cụm lại theo tinh thần Chỉ thị 24, đến lượt nó sẽ vô hiệu hóa mọi nỗ lực từ trước đến nay của các thành phần muốn thúc đẩy sâu hơn sự hội nhập kinh tế và luật pháp của Việt Nam với Mỹ và phương Tây. Bên cạnh nhiều hệ lụy tiêu cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng được cho là sẽ chậm l ại.
Sự tồn tại hai phe ủng hộ và chống lại việc ‘bóc nhãn NME’, cùng với nội tình trong Đảng và Chính quyền Việt Nam đang bấn loạn, khiến cho Hà Nội phải đối đầu với một khối mâu thuẫn lớn. Một mặt, phái cải cách trong chính quyền đang nỗ lực hết sức, sao cho việc ‘bóc nhãn’ NME diễn ra trước cuộc bầu cử tháng 11/2024 ở Mỹ. Bởi sự kiện này có thể dẫn tới việc ông Trump trở lại Nhà Trắng. Donal Trump từng đe dọa sẽ tăng thuế đối với Việt Nam, vì nước này có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ. Trump từng chỉ trích Việt Nam về vấn đề thương mại, cáo buộc nước này đang lợi dụng cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ. Trump cũng công kích Việt Nam là ‘kẻ lạm dụng Mỹ’ còn tệ hại hơn cả Trung Quốc.Nhưng mặt khác, phái có lợi ích gắn với việc để Trung Quốc ‘tiếp quản’ nền kinh tế Việt Nam, cũng đang ra sức ‘chọc gậy bánh xe’ các lobby vận động hành lang ở Mỹ. Đúng vào ngày 9/5/2024, Công an Hà Nội cho biết, An ninh điều tra Công an thành phố đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ‘đối tượng’ Nguyễn Văn Bình (8).
Nguyễn Văn Bình vừa bị gán cho là ‘đối tượng’, mới nửa tháng trước đây là đương kim Vụ trưởng Vụ pháp chế thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội (MOLISA), từng được Nhà nước Việt Nam đánh giá là ‘có lịch sử và kinh nghiệm làm việc lâu dài và phong phú trong lĩnh vực luật lao động’. Là một chuyên gia có hạng, ông Bình từng chủ trì đề xuất ban hành Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam, phê chuẩn một số công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có Công ước số 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể, Công ước số 105 về Bãi bỏ Lao động Cưỡng bức (9). Đáng chú ý, truyền thông Việt Nam công khai, ông Bình bị bắt trước đấy cả nửa tháng (từ ngày 24/4/2024), nhưng Hà Nội ‘phải chờ’ đến ngày 9/5, đúng lúc bên kia địa cầu đang cân nhắc xem có nên nâng Việt Nam lên quy chế ‘kinh tế thị trường’ hay không, thì mới công bố bản tin.Việt Nam hiện nay tuy độc tài – độc đảng, nhưng trong Đảng có nhiều phái. Có thể giả định, phái nào đó trong hệ thống muốn ‘thọc gậy bánh xe’ bang giao Việt – Mỹ ? Mà phái này thực ra đã hành động theo hướng ấy từ lâu, phục vụ cho quyền lợi của quốc gia nào thì đã rõ, chứ không phải hành động vì lợi ích của Việt Nam !
Trần Đông A
Nguồn : VOA, 15/05/2024
Tham khảo :
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd1844xn4vxo
(8) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/khoi-to-bat-tam-giam-vu-truong-119240509100410532.htm
Phần 1
Bỏ nhãn ‘kinh tế phi thị trường’, ai hưởng lợi ?
Việc vận động chính giới Hoa Kỳ bỏ nhãn "nền kinh tế phi thị trường" là nỗ lực chính trị liên tục của Hà Nội trong những năm qua, ở mọi cấp độ ngoại giao.
"Kinh tế phi thị trường" của Việt Nam là một phiên bản copy của kinh tế Trung Quốc.
"Gáo nước lạnh" cho lời đề nghị khiếm nhã
Ngay sau khi nâng cấp quan hệ hai nước Việt – Mỹ lên tầm "chiến lược toàn diện", Hà Nội đã liên tục hối thúc và đề nghị Washington loại bỏ nhãn "nền kinh tế phi thị trường".
Mới đây, hôm 23/01/2024, đại sứ Việt Nam tại Hoa kỳ, Nguyễn Quốc Dũngkêu gọiWashington hãy chấm dứt việc gắn nhãn "nền kinh tế phi thị trường" (NME) đối với Hà Nội. Ông đại sứ Việt Nam cảnh báo rằng, việc duy trì các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Việt Nam là điều không tốt cho mối quan hệ song phương đang ngày càng thân thiết hơn.
Phải hiểu thế nào về lời cảnh báo có phần nghiêm trọng và nhiều ẩn ý này của ông Nguyễn Quốc Dũng ?
Trước đó, cả ông thủ tướng Phạm Minh Chính và chủ tịch nước Võ Văn Thưởng liên tục kêu gọi giới chức Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong những lần công du vào tháng Chín và tháng Mười Một, 2023.
Chuyến đi của ông Phạm Minh Chính chỉ cách 10 ngày sau chuyến công du lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Hà Nội để cùng với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký kết nâng cấp quan hệ ngoại giao hai nước. Ông chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có một phát ngôn gây chú ý khikêu gọi giới chức Hoa Kỳ cần thực hiện việc gỡ bỏ nhãn "nền kinh tế phi thị trường" cho Việt Nam bằng "quyết sách chính trị" chứ không nên theo "qui định một cách cứng nhắc".
Việc vận động chính giới Hoa Kỳ bỏ nhãn "nền kinh tế phi thị trường" là nỗ lực chính trị liên tục của Hà Nội trong những năm qua, ở mọi cấp độ ngoại giao. Giờ đây, điều này dường như đã trở thành một yêu cầu cấp bách.Giới chức Việt Nam đang rất nóng lòng đạt được mục tiêu này vì lợi ích đặc biệt hay chịu áp lực nào đó ? Phải chăng điều Hà Nội lo ngại là khả năng Donald Trump trở lại Nhà trắng sau cuộc bầu cử tháng 11/2024 ? Vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, đồng thời là doanh nhân tỷ phú từng có những phát ngôn gây sốc khi chỉ mặt, đặt tên"Việt Nam là kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất", rất có thể có những quyết định bất lợi đối Việt Nam nếu trở lại nắm quyền và tiếp tục cuộc thương chiến với Trung Quốc.
Trước sự hối thúc của chính giới Việt Nam,8 thượng nghị sĩ và 25 dân biểu Hoa Kỳ gần đây có thư đề nghị chính quyền Biden không công nhận nền kinh tế thị trường cho Hà Nội. Trong thư, các nghị sĩ và dân biểu chỉ rõ những lo ngại về việc "các tiêu chuẩn lao động chưa được cải thiện, bao gồm cả việc bật đèn xanh cho hàng hóa có sử dụng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc"như Thượng nghị sĩ Massachusettes, Elizabeth Warren thay mặt cho 8 nghị sĩ ký chung một bức thư gửi bà Bộ trưởng Thương mại Rainmondo.
Còn lá thư của 25 dân biểu khác, dân biểu Rose DeLauro, đại diện bang Connecticut nêu vấn đề "...vai trò của Việt Nam như là một kênh chuyển tiếp hàng hóa Trung Quốc được buôn bán không công bằng nhằm tránh né luật thương mại đã có từ lâu.Chúng tôi phải đảm bảo luật thương mại của chúng ta không bị xâm phạm"
Các nhà lập pháp Hoa kỳ nêu ra 6 tiêu chí theo Đạo luật Omnibus 1988 và đánh giá Việt Nam chưa đáp ứng được bất cứ tiêu chí nào trong đó.Điều này có nghĩa lời đề nghị của Hà Nội thiếu cơ sở pháp lý và thực tế để chính phủ Tổng thống Joe Biden xem xét đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có "nền kinh tế phi thị trường". Hoa kỳ là một quốc gia pháp trị, "tam quyền phân lập". Chính phủ của Tổng thống Joe Biden, dù có "muốn" cũng khó lòng tùy nghi đưa ra những "quyết sách chính trị" trái với qui trình luật pháp.
Một ví dụ là Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, "phiên bản gốc" mà Việt Nam copy theo – hiện vẫn chưa được Hoa Kỳ và Liên Âu công nhận "nền kinh tế thị trường". Bởi Trung Quốc cũng chưa đáp ứng được 6 tiêu chí mà các nghị sỹ và dân biểu Hoa kỳ nhắc đến khi xem xét nền kinh tế Việt Nam.Năm 2019, Bộ Tài chính Hoa Kỳ viện dẫn Điều 3004 của Đạo luật Omnibus, xác định Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ khi cáo buộc ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) kiểm soát sâu rộng đối với tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
Như để củng cố cơ sở cho đề nghị "không công nhận nền kinh tế thị trường cho Hà Nội" của 8 nghị sĩ và 25 dân biểu, cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa kỳ (CBP) vừatuyên bố rằng Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa dính dáng đến việc sử dụng lao động cưỡng bức người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) lớn nhất trong năm 2023, vượt qua cả Trung Quốc.
Theo số liệu của CBP, Việt Nam đứng đầu danh sách quốc gia có giá trị hàng hóa bị từ chối nhập cảnh, cao hơn Malaysia và Trung Quốc, với 1.197 lô hàng có trị giá hơn 220,3 triệu USD. Ngoài dệt may giày dép, các mặt hàng khác như điện tử, vật liệu công nghiệp và chế biến cũng đều góp mặt trong danh sách hàng hóa bị CBP cấm nhập cảnh.
Nền kinh tế đang lịm dần thể hiện rõ qua đời sống dân sinh và một cái Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 buồn hiu hắt, mặc cho những tuyên bố thắng lợi vẻ vang mà giới lãnh đạo rộn rã đọc trên tivi. Những chứng cứ mà CBP đưa ra, sự phản đối của các nhà lập pháp Hoa Kỳ, chẳng khác nào một gáo nước lạnh cho lời đề nghị của Hà Nội.
Nỗi oan Thị Màu
Việc hàng hóa Trung Quốc tạm nhập vào Việt Nam, đóng mác "Made in Việt Nam", rồi tái xuất vào thị trường Mỹ đã bùng nổ kể từ thương chiến Mỹ - Trung dưới trào tổng thống Donald Trump.
Năm 2020, một báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) chỉ ra trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam có sự trùng lặp về chủng loại mặt hàng có giá trị xuất nhập khẩu tăng vọt, giữa nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, chủ yếu là máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, máy móc, thiết bị dụng cụ Từ đó, VEPR đặt nghi vấn"Sự tăng trưởng đột ngột của nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ cho cùng một số loại mặt hàng nhiều khả năng chỉ thuần túy là tạm nhập tái xuất chứ không phải do sản xuất trong nước được mở rộng".VEPR cảnh báo Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc nhằm lách lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
Thực tế là, hàng hóa Trung Quốc có một quá trình dài núp dưới C/O (Certificate of Origin) Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan. Năm 2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ kết luận về vụ điều tra chống lẩn tránh thuếchống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ(DOC) đã chính thức quyết định áp thuế cao nhất là 456% lên một số sản phẩm thép được sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc), sau đó đưa sang Việt Nam để gia công đơn giản rồi xuất khẩu sang Mỹ. Chỉ trong 3 năm, từ 2015- 2018,nhập khẩu thép cán nguội từ Việt Nam tăng hàng chục lần mỗi năm, từ 9 triệu USD lên 215 triệu USD, trong khi nhập khẩu thép chống ăn mòn tăng từ 2 triệu USD lên 80 triệu USD.
Trên đây là một ví dụ tiêu biểu hàng hóa Việt Nam thực chất là "hồn Trung, xác Trung, dán mác Việt". Một con số không nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam là bình phong của các doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc. Điều đó phần nào lý giải con số nhập siêu từ hai thị trường này gần tương đương với con số xuất siêu sang Hoa Kỳ. Ví dụ, năm 2022, Việt Namnhập siêu từ Trung Quốc 60,9 tỷ USD và Hàn Quốc là 37,8 tỷ USD. Trong khi đó, xuất siêu sang Hoa kỳ là 94,91 tỷ USD. Năm 2023, con số xuất siêu sang Hoa Kỳ là 83 tỷ USD, giảm 12,6%. Đồng thời nhập siêu từ Trung Quốc và Hàn Quốc là $79 tỷ, cũng giảm tương ứng là 17,6% và 23,3%.
Việt Nam đứng trong top 3 vùng lãnh thổ mà Hoa kỳ có thâm hụt thương mại lớn nhất và quốc gia Đông Nam Á này đang chịu áp đặt 25 lệnh chống bán phá giá và 4 vụ điều tra đang chờ xử lý tại thị trường Hoa Kỳ. Đề nghị của các nghị sĩ, dân biểu Hoa Kỳ là hoàn toàn có căn cứ và việc Hà Nội kêu "oan" thì với những con số của hải quan và bảo vệ biên giới Hoa kỳ (CBP) đưa ra, nỗi oan đó hẳn giống như "nỗi oan thị Màu" mà thôi.
Cơ hội nào cho Việt Nam ?
Hoa Kỳ cùng với EU là hai thị trường xuất khẩu giúp Việt Nam kiếm được nguồn thặng dư thương mại đóng vai trò quyết định sức khỏe và sự phát triển của nền kinh tế gần như phụ thuộc hoàn toàn vào gia công xuất khẩu. Bất kể biến động nào liên quan đến mức cầu của thị trường, thuế quan, các tiêu chuẩn về kỹ thuật, lao động, môi trường của hai thị trường này đều có thể tác động rất lớn tới các ngành sản xuất của Việt Nam.
Đơn cử như trước khi bị áp thuế chống bán phá giá, thép cán của Việt Nam vào thị trường Mỹ đang tăng theo cấp số lần mỗi năm. Bất chấp những lo ngại về ô nhiễm môi trường, hàng loạt các dự án thép được bộ Công thương ồ ạt cấp phép trong giai đoạn này. Tuy vậy, sau khi bị áp mức thuế lên tới hơn 450%, ngành thép của Việt Nam nhanh chóng rơi vào tình trạng thua lỗ và phá sản hàng loạt từ 2020. Trong năm 2023, do nhữngvi phạm Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) của Hoa Kỳ vì sử dụng nguyên liệu bông vải có nguồn gốc từ Tân Cương - Trung Quốc (bị cho là sản phẩm bởi lao động cưỡng bức), doanh nghiệp may mặc của Việt Nam đã thiệt hại nặng,mất ngôi vị hàng đầu vào tay Bangladesh. Điều này có thể tiếp tục xảy ra đối với các doanh nghiệp da giày, đồ gỗ theo như cảnh báo mới đây của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).
Việc bị dán nhãn "nền kinh tế phi thị trường" cùng với profile ngày càng dày về các hành vi gian lận thương mại, hàng hóa Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro pháp lý và bị áp đặt mức thuế rất cao. Mục tiêu gỡ bỏ nhãn "nền kinh tế phi thị trường" đang ngày càng trở nên cấp bách đối với Hà Nội. Với lập luận mà giới lập pháp Hoa Kỳ đưa ra theo Đạo luật Omnibus 1988, có rất ít cơ hội để Việt Nam có thể lách qua khe cửa hẹp. Tuy vậy, năng lực "vận động hành lang" của Hà Nội là không thể xem nhẹ.
Tháng 4/2020, Việt Nam đã có khả năng cao bị Hoa Kỳ đưa vào khung giám sát và thậm chí bị trừng phạt thuế khi phạm cả ba tiêu chí là thặng dư thương mại vượt ngưỡng 20 tỷ USD (năm 2019, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa kỳ là 50,89 tỷ USD) ; Thặng dư tài khoản vãng lai 3,2%GDP (ngưỡng xem xét tối thiểu là 3%) ; Mua ròng ngoại tệ liên tục đạt ngưỡng 8% GDP (ngưỡng xem xét là 2%). Dưới trào tổng thống Donald Trump,Việt Nam đã bị dán nhãn "thao túng tiền tệ" và cái nhãn này đã được chính quyền Joe Biden gỡ bỏ sau những nỗ lực ngoại giao của Hà Nội mặc dù Việt Nam vi phạm cả 3 tiêu chí theo Bộ tài chính Hoa kỳ.
Một ví dụ khác về khả năng "vận động hành lang" của Hà Nội là việc quốc gia cộng sản này bất chấp "bảng thành tích" tồi tệ về vi phạm nhân quyền, đàn áp ngôn luận, ngăn cấm việc thực thi các quyền đã được hiến định trong Hiến Pháp như quyền tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tín ngưỡng, công đoàn độc lập vẫn được bầu vào hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc tháng 10 năm 2022. Trước đó,Việt Nam đã ký kết Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) với Liên Âu tháng Sáu, 2019.
Có lẽ tự tin vào khả năng "vận động hành lang" với những lời hứa không bao giờ được thực hiện, Hà Nội đang ra sức thuyết phục Washington công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trước thời điểm nước Mỹ bước vào kỳ bầu cử đầy kịch tính vào tháng Mười Một tới đây. Nếu chính quyền Joe Biden chấp thuận đề nghị này, thì đó không chỉ là thắng lợi của nhà cầm quyền Việt Nam. Hãy nhìn khả năng này trên bình diện cao hơn, điều gì đã khiến cho chính quyền Hoa Kỳ nhượng bộ những vi phạm về thương mại có hệ thống trong một thời gian dài, khi các cơ quan như CBP thừa biết Việt Nam là "cửa hậu" của Trung Quốc ?
"Việt Nam là một trong những quốc gia bị Trung Quốc lợi dụng để che đậy tội ác của mình" và " Chính phủ Việt Nam, dù cố ý hay vô tình, đã tìm cách lách luật UFLPA, từ đó tự dính líu đến sự đồng lõa với tội ác diệt chủng của Đảng Cộng sản Trung Quốc" theo như lời nhận xét của bà Rushan Abbas - người sáng lập và giám đốc điều hành của Chiến dịch cho người Duy Ngô Nhĩ (Campaign for Uyghurs). Nếu lời đề nghị dỡ bỏ nhãn "kinh tế phi thị trường" bằng "quyết sách chính trị" của ngài chủ tịch Võ Văn Thưởng được chấp thuận, hẳn nhiên đó cũng là một thắng lợi của Trung Quốc. Người chịu thua thiệt là người dân, các doanh nghiệp Mỹ. Điều đó đồng thời cũng là một bước lùi của các định chế đã tạo ra sự hùng mạnh của hợp chủng quốc Hoa Kỳ và nền Dân trị lừng danh mà Alexis de Tocqueville từng ca ngợi.
Trong khả năng còn lại, điều Việt Nam nên tập trung là thay đổi hệ thống luật pháp, cơ cấu nền kinh tế chứ không phải nỗ lực "vận động hành lang" để tiếp tục trục lợi thương mại, gây tổn hại cho đối tác. Sự thay đổi cần thiết không chỉ vì yêu cầu đáp ứng 6 tiêu chí theo Đạo luật Omnibus 1988 mà còn để tự giải phóng các nguồn lực vốn bị kìm hãm từ trong tư duy và thể chế lỗi thời, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế.
Theo quan điểm thực dụng, trong khi vừa "vận động hành lang", Hà Nội nên có một sự cam kết từ thượng tầng, nỗ lực cải cách thể chế một cách thực chất. Điều đó không phải là một rủi ro chính trị mà là một quá trình thay đổi để "cá chép hóa rồng". Cơ hội cho Việt Nam vẫn rất lớn nhưng thời gian không chờ đợi và quá nhiều biến số khó đoán ở phía trước.
Tùng Phong (20/02/2024)
******************************
Phần 2
‘Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa’ : Cỗ xe vừa đạp thắng vừa đạp ga
Dưới góc độ Hiến pháp và Thể chế, tồn tại những mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực tiễn, đối lập với các tiêu chí để xem xét Việt Nam có phải một nền kinh tế thực sự tự do hay không.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đang vừa đạp chân phanh, vừa nhấn chân gas cỗ xe kinh tế già nua.
Câu hỏi mang tính kỹ thuật đặt ra là : Đâu là khác biệt giữa "nền kinh tế thị trường" và "nền kinh tế phi thị trường" ? Các căn cứ pháp lý và tiêu chí xem xét hai mô hình này là gì ?
Hôm 28/1 và 29/1, hơn 30 nhà lập pháp Hoa kỳ viện dẫn 6 tiêu chí theo Đạo luật Omnibus 1988, cho rằng Việt Nam không đáp ứng được bất cứ tiêu chí nào và yêu cầu chính phủ Tổng thống Joe Biden không chấp nhận lời đề nghị của Hà Nội.
Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, người viết không thể phân tích được hết 6 tiêu chí của Đạo luật Omnibus trong trường hợp nền kinh tế Việt Nam mà chỉ tập trung nói về sự khác biệt căn bản giữa nền "kinh tế thị trường" và "phi thị trường" dưới góc độ của Hiến Pháp, những mâu thuẫn giữa lý thuyết duy khoa học với thực tiễn ngay trong cơ cấu nền tảng của thể chế chính trị Việt Nam. Đó là vấn đề về quyền sở hữu Đất đai và vai trò của thành phần Kinh tế Nhà nước trong Hiến Pháp 2013, tương ứng với tiêu chí 4 và tiêu chí 5 mà các nhà lập pháp Hoa Kỳ nhắc đến :
Tiêu chí số 4 : Mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ đối với tư liệu sản xuất. Việt Nam vẫn là một nước cộng sản với nền kinh tế tập trung, nhà nước. Mặc dù đã có một số cải cách trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng các tiêu chí để trở thành một nền kinh tế thị trường, vì các doanh nghiệp nhà nước "đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam".
Tiêu chí số 5 : Mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ nguồn lực cũng như các quyết định về giá cả và sản lượng của doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước của mình hơn các đơn vị khác, và điều đó bao gồm việc sử dụng các biện pháp kiểm soát giá, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chủ chốt như "xăng dầu, thép, bê tông, vận tải, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm và thiết bị y tế".
Kinh tế nhà nước : Trụ cột hay ung nhọt của nền kinh tế ?
Theo Hiến pháp 2013, các nhà lập pháp Việt Nam đã thể chế hóa nền kinh tế "định hướng xã hội chủ nghĩa" với sự xác định vai trò và ưu thế tuyệt đối của của kinh tế nhà nước.
Khoản 1, Điều 51, Hiến pháp năm 2013 quy định : "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế ;kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo".
Điều này được khẳng định và nói rõ hơn bởi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản khi ông còn là Chủ tịch hội đồng lý luận trung ương.
"...Kinh tế nhà nướcphải phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, là nhân tố mở đường cho sự phát triển kinh tế, là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước giữ những vị trí then chốt ; đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ ; nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội và chấp hành pháp luật.." ("Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển, Nguyễn Phú Trọng").
Trong thực tế, doanh nghiệp nhà nước là khối doanh nghiệp nắm giữ nhiều tài sản, tài nguyên, vốn và ưu đãi chính sách nhất nhưng đóng góp cho nền kinh tế rất hạn chế. Những hạn chế cố hữu này hơn 3 thập kỷ chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa quan liêu sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn không có gì tiến bộ hơn.
Số liệu từ báo cáo của các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (số liệu báo cáo tài chính hợp nhất), tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2019 của 491 doanh nghiệp nhà nước cho thấy :Tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước là 2.992.834 tỷ đồng. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 38% tổng tài sản. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có tổng tài sản là 2.738.533 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản ; các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập còn lại chiếm 8% tổng tài sản.
Mặc dù,các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chỉ chiếm khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động nhưng nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định, đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng lao động mà khối doanh nghiệp này tạo ra chỉ bằng7,3% tòan bộ thị trường lao động. Tức là về mặt an sinh xã hội, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò thứ yếu. Năm 2019, Bộ Tài Chính cho biết nợ của khối doanh nghiệp nhà nước cũng cao nhất trongkhối doanh nghiệp với 1,9 triệu tỷ, chiếm khoảng 55% tổng số nợ phải trả. Hệ số Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu trung bình doanh nghiệp Nhà nước là 1,09 lần.
Những tập đoàn như Điện lực Việt Nam (EVN), Than khoáng sản (TKV), Dầu khí quốc gia (PVN), Vietnam Airlines, SBIC, Vinalines, gang thép Thái Nguyên luôn làm ăn thua lỗ, nhập khẩu những công nghệ lạc hậu của Trung quốc, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí và tham nhũng. Mới đây nhất, truyền thông trong nước cho biết Tập đoàn SBIC với 7 công ty con đã đệ đơn xin phá sản vào đầu năm 2024. Khối nợ khổng lồ từ thời Vinashin – tiền thân của SBIC, hay của EVN, TKV, Vietnam Airlines tất cả các tập đoàn nhà nước khác, cuối cùng chỉ có thể "tái cơ cấu" vào những sắc thuế, phí gián thu qua hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như điện, nước, xăng dầu mà người dân phải gánh chịu.
Sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân là cả một vực thẳm. Trong khi doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi về đất đai, trụ sở, vốn vay, phương tiện sản xuất và cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn toàn hoặc một phần từ ngân sách, được hưởng các ưu đãi về thuế, phí thì kinh tế tư nhân hoàn toàn là con số KHÔNG nếu lấy xuất phát điểm là 1986 – thời điểm nhà nước "cởi trói" cho kinh tế tư nhân và cho phép "kinh tế nhiều thành phần". Chỉ sau hơn 3 thập kỷ phát triển, kinh tế tư nhân mới là khu vực đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế khiđóng góp tới 43% GDP (so với 28,9% GDP của khối doanh nghiệp nhà nước) và tạo 85% công ăn việc làm cho toàn xã hội.
Có thể thấy ngay những ví dụ tiêu biểu trên minh chứng rằng doanh nghiệp nhà nước không những không đảm nhận được vai trò "định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế : vị trí then chốt ; đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ ; nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội và chấp hành pháp luật..".theo định nghĩa của ông Nguyễn Phú Trọng mà thực chất chúng là khối u nhọt, chiếm dụng phần lớn tài nguyên và nguồn lực, khiến nền kinh tế trì trệ và suy nhược, khó lòng có thể chuyển đổi và phát triển bền vững.
Quyền sở hữu đất đai : hòn đá tảng chặn đường phát triển
Hiến pháp Việt Nam dù đã sửa nhiều lần, nhưng có một định đề không thay đổi :
Điều 53,Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định : Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân,do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 : Đất đai thuộc sở hữu toàn dân,do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Ở Việt Nam, xuất phát từ quán tính văn hóa và tư tưởng phong kiến, tính kết thừa của mô hình kinh tế kế hoạch hoá và công hữu của hệ thống Soviet cũ đã tạo ra sự sùng bái giai cấp đối với chế độ công hữu và tư tưởng phân biệt đối xử với sở hữu tư nhân. Di sản tai hại này ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành và hoàn thiện thực chất hệ thống quyền tài sản và quyền tự chủ kinh tế tư nhân trong quá trình xây dựng kinh tế thị trường. Cái giá phải trả của tư tưởng về tính "ưu việt" tự nhiên của sở hữu công là hành vi xâm phạm của công quyền với quyền tư nhân. Không những không rõ ràng, thậm chí nó còn có tính "công lý" nằm ngoài pháp luật và bất chấp luật pháp, cũng như mâu thuẫn đối lập với mọi tư duy duy lý. Có thể thấy được ví dụ minh chứng điển hình trong Điều 51, 53 của Hiến pháp 2013.
Ở đây, chế độ công hữu được xác lập đối với tư liệu sản xuất, đồng thời là hàng hóa quan trọng nhất của nền kinh tế là đất đai và tài nguyên gắn liền với đất đai. Nhà nước là chủ thể sở hữu duy nhất, ẩn dưới danh nghĩa "toàn dân" và đại diện cho "toàn dân". Người dân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu và chịu sự quản lý hoàn toàn từ Nhà nước. Như vậy, bằng việc sử dụng uyển ngữ ẩn dụ không rõ ràng về một chủ thể không hề tồn tại trong lịch sử từ cổ chí kim - "sở hữu toàn dân" – nhà cầm quyền Việt Nam đã loại bỏ quyền tài sản đối với tư liệu sản xuất và tài sản quan trọng nhất của người dân và xã hội : Đất đai.
Giới chức cầm quyền đưa ra lập luận rằng chế độ công hữu "toàn dân" để ngăn chặn những hành vi đầu cơ, tránh việc một nhóm nhỏ có thể nắm giữ quá nhiều đất đai, tài nguyên, dẫn đến tình trạng phân chia giàu nghèo ngày một lớn. Đây là một lập luận ngụy biện.
Bởi việc ngăn chặn đầu cơ phải thực hiện qua các công cụ thuế và hệ thống quản lý nhà nước như việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, định danh bất động sản, minh bạch thông tin qui hoạch, thông tin sở hữu đất đai và đánh thuế lũy tiến bất động sản chứ không phải bằng việc phân chia khái niệm tư hữu hay công hữu. Người càng sở hữu nhiều càng đóng thuế nhiều là điều hợp lý và cần thiết để chống đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất đai.
Lỗ hổng về quyền sở hữu đất đai bất lâu nay là để các cơ cấu quyền lực nhà nước, từ các cấp bộ ngành, chính quyền từ địa phương tới Trung ương đến các công ty, tập đoàn nhà nước đều có thể dễ dàng vẽ ra những dự án, thu hồi đất đai từ người dân với giá rẻ mạt, với mọi lý do an ninh quốc phòng, đến phát triển kinh tế xã hội sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng và hưởng chênh lệnh địa tô khổng lồ. Thực chất là quá trình cướp bóc được hợp pháp hóa. Ở một bình diện cao hơn, quá trình cướp bóc hợp pháp này đã biến đổi cỗ máy nhà nước trở thành một hệ thống phản động chống lại sự phát triển của xã hội và đất nước.
Lỗ hổng thể chế về sở hữu đất đai không chỉ tạo ra sự méo mó của nền kinh tế, biến cả quốc gia thành một quĩ đầu cơ khi cho phép ngân hàng liên tục bơm tiền vào lĩnh vực bất động sản và để những vi phạm về quản lý tài chính trở nên phổ biến. Nó còn khiến cho hơn 80% khiếu kiện xã hội xuất phát từ nguyên nhân đất đai, các ngành nghề sản xuất công nghiệp, giáo dục, khoa học công nghệ không có nguồn lực đầu tư cần thiết và khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam trở thành một vực thẳm ẩn chứa những nguy cơ khó lường về an ninh xã hội.Vụ bạo loạn ở Tây Nguyên vừa qua có thể là một ví dụ điển hình về bức xúc xã hội bùng nổ trong đó xung đột lợi ích về đất đai là nguyên nhân chính yếu. Trước đó, cũng cần nhắc đến các vụ nổ súng của những người nông dân như Đặng Văn Hiến ở Dak Nong hay Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quí ở Tiên Lãng, Hải Phòng.
Khi người dân không có quyền tư hữu đất đai, rất khó có thể phát huy hết hiệu quả sử dụng nguồn tài sản và tư liệu sản xuất lớn nhất này. Đồng thời, chế độ công hữu do Nhà nước nắm quyền kiểm soát tạo ra vô số kẽ hở để giới chức công quyền nhân danh Nhà nước đục khoét, tham nhũng. Trên thực tế, sự giám sát đối với quyền lực nhà nước là rất yếu. Theo tư duy quán tính của thể chế truyền thống công quyền dưới danh nghĩa "toàn dân", việc giám sát quyền lực công rất khó thực hiện, bị coi là không chính đáng, là thách thức quyền lực Nhà nước Thậm chí, có trường hợp người dân khiếu kiện, bảo vệ đất đai của họ, bị coi là "khủng bố" và bị nhóm lợi ích núp dưới danh nghĩa Nhà nước đàn áp, giết hại bất chấp mọi qui định luật pháp như ở Đồng Tâm, Hà Nội.
Ngay cả khi nhà cầm quyền Việt Nam duy trì tư duy và thể chế công hữu "toàn dân", và nhà nước là đại diện duy nhất toàn quyền quản lý đất đai trong suốt hơn nửa thế kỷ, việc để cho giá đất, nhà ở Việt Nam cao tới mức phi lý, khiến cho giấc mơ sở hữu một mái nhà nhỏ của người lao động – giai cấp tiên phong của cách mạng vô sản - trở thành xa vời, đó có phải là minh chứng rõ nhất về thất bại của Thể chế và Hiến pháp hay không ? Trong khi đó, tổng quĩ đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị kinh tế nhà nước hiện đang quản lý và sử dụng khoảng hơn 1512,8 triệu m2 nhưng phần lớn diện tích đất đai quí giá đang bị bỏ hoang hóa, cũng như hàng ngàn dự án phát triển bất động sản trở thành những khu đô thị ma.
Bao giờ con rồng Việt Nam được gỡ "phong ấn" ?
Dưới góc độ của kinh tế thị trường, khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống kinh tế hiện nay của Việt Nam là cơ sở của hệ thống quyền tài sản không rõ ràng. Đặc biệt trong vấn đề quyền tư hữu đất đai và quyền sở hữu trí tuệ. Thiếu vắng hệ thống quyền tài sản (bao gồm cả tài sản hữu hình và tài sản vô hình) và quyền tự chủ tư nhân là một tổn thương nghiêm trọng, khiến cho mọi nỗ lực xây dựng một nền "kinh tế thị trường" trở thành vô nghĩa.
Quyền tài sản và quyền tự chủ tư nhânlà tiền đề không thể thiếu cho hoạt động bình thường của nền kinh tế thị trường. Chính phủ vừa là nhà cung cấp hàng hóa công cộng lớn nhất thị trường, vừa là nhân tố duy trì và bảo vệ các thể chế và trật tự thị trường.Do đó, nền kinh tế thị trường nhất thiết phải là kinh tế pháp quyền. Vì cơ chế mà kinh tế thị trường dựa vào để vận hành không thể là sự may rủi của đầu cơ, cũng không thể là kết quả của kế hoạch hóa, càng không thể là sự võ đoán của cường quyền mà phải là sức mạnh của luật pháp và các khế ước xã hội được tôn trọng.
Bài viết được coi là tâm huyết của giáo sư Nguyễn Phú Trọng khi còn là chủ tịch hội đồng lý luận Trung ương về "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển" trên tờ Tạp chí cộng sản cho thấy tác giả vẫn kiên định trong khung hình của Marx, góp nhặt chút tư tưởng chủ nghĩa can thiệp Keynes và diễn giải theo lập luận của một nhà Sử luận Marxism. Trong khi đó, thế giới Tây Phương bị Marx gắn nhãn "chủ nghĩa tư bản bóc lột" đã tiến hóa và điều chỉnh, ngày càng trở nên văn minh, thịnh vượng với vô số những thành tựu về khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội và tự do cá nhân.
Như phân tích ở trên, dưới góc độ Hiến Pháp và Thể chế, tồn tại những mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực tiễn, đối lập với các tiêu chí để xem xét Việt Nam có phải một nền kinh tế thực sự hay không. Những mâu thuẫn này chính là lực cản lớn nhất kiềm hãm sự phát triển của đất nước và tạo ra vô số những bất công, nhũng lạm trong bộ máy thừa hành.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đang vừa đạp chân phanh, vừa nhấn chân gas cỗ xe kinh tế già nua – với thiết kế khung gầm từ thời Soviet và động cơ công-nông của Trung Quốc - leo lên con dốc khó khăn, trong bối cảnh địa chính trị và toàn cầu hóa đầy thách thức. Một hình ảnh vừa châm biếm, vừa đáng buồn. Suốt nửa thế kỷ trôi qua, những nghịch lý "mâu" thị trường vẫn tiếp tục đâm "thuẫn" xã hội chủ nghĩa. Những định đề"Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện duy nhất, thống nhất quản lý" và "Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo" đã và đang biến đổi một thể chế với lý tưởng ban đầu "do dân và vì dân", trở thành một cỗ máy cường quyền vô nhân xưng. Chừng nào hai định đề này không bị gỡ bỏ, con đường phát triển của đất nước sẽ mãi mãi bị bịt lại và mọi nỗ lực cải cách nửa vời như luật Đất đai sửa đổi 2024 vừa qua chỉ là "con kiến mà leo cành đa".
Giấc mơ "Thăng Long" chỉ có thể thành toàn khi con rồng Việt Nam thực sự được gỡ bỏ phong ấn, đoạn tuyệt với ảo vọng về thứ chủ nghĩa là thiên đường với một thiểu số cầm quyền và là địa ngục với đại đa số người dân. Năm 2024, năm Giáp Thìn theo Âm lịch của người Việt Nam, cũng là thời điểm những nhà lãnh đạo đất nước nên thay đổi, và cần phải thay đổi. Điều thực tế nhất và cũng quan trọng nhất là gỡ bỏ những gông cùm phát triển, bước ra khỏi "echo chamber" để thực sự nghe được tiếng nói của người dân. Chỉ cần làm được điều đó, con cá chép Việt Nam chắc chắn sẽ vươn mình ra biển Đông, hóa thành rồng vàng uy mãnh.
Tùng Phong
Nguồn : VOA, 22/02/2024
Bộ Thương mại Mỹ nói sẽ rà soát tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam ‘theo quy tắc’
Bộ Thương mại Mỹ cho biết rằng họ sẽ xem xét yêu cầu của chính phủ Việt Nam về việc công nhận quốc gia Đông Nam Á là nền kinh tế thị trường theo quy trình phù hợp với các quy tắc quốc tế sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kêu gọi Hoa Kỳ không nên "cứng nhắc" theo quy định trong việc này.
Chủ tịch nước Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở San Francisco , Mỹ, hôm
Chính phủ Việt Nam đã gửi yêu cầu chính thức tới Bộ Thương mại Mỹ về việc xem xét Việt Nam là một nền kinh tế thị trường và Bộ này đã khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh của quốc gia Đông Nam Á.
Việt Nam bị Mỹ định danh là một nền kinh tế phi thị trường kể từ vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên đối với quốc gia Đông Nam Á vào năm 2002, khiến hàng hóa của Việt Nam bị Mỹ áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại khi bán sang Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại Trịnh Anh Tuấn, Bộ Công Thương Việt Nam hôm 8/9 đã nộp hồ sơ đề nghị Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh để công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong khuôn khổ vụ việc rà soát hành chính lần thứ nhất thuế chống bán phá giá đối với mật ong lên Cổng thông tin điện tử về phòng vệ thương mại của Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng việc rà soát hôm 24/10.
"Bộ Thương mại Mỹ sẽ xem xét tình trạng của Việt Nam một cách nhanh chóng nhất có thể, phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ", một người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ cho VOA biết qua email hôm 23/11, nhắc lại những điều mà Bộ này cho biết trong thông cáo đưa ra khi khởi xướng việc rà soát. "Bộ Thương mại (Mỹ) sẽ có 270 ngày để hoàn thành việc đánh giá kể từ ngày bắt đầu 24/10/2023".
Kể từ khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện hôm 10/9, các lãnh đạo Việt Nam đã thúc giục Mỹ sớm công nhận Quy chế thị trường của Việt Nam.
Khi phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở San Francisco hôm 15/11, Chủ tịch Thưởng đã kêu gọi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế trường. Ông Thưởng nói rằng việc này cần được thực hiện "bằng quyết sách chính trị" chứ "không nên theo quy định một cách cứng nhắc".
Trả lời yêu cầu bình luận về lời kêu gọi của ông Thưởng, người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ nói rằng Bộ sẽ làm theo đúng quy định của luật pháp Hoa Kỳ khi rà soát tình trạng của Việt Nam.
"Điều này sẽ đòi hỏi phải đánh giá chuyên sâu thực tế về 6 yếu tố mà luật pháp yêu cầu chúng tôi phải đánh giá để xác định mức độ tham gia của chính phủ (Việt Nam) vào nền kinh tế, dẫn đến hoạt động phi thị trường", người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ nói.
Trong khi 72 quốc gia trên thế giới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì Mỹ xem Việt Nam là nền kinh tế nơi chính phủ có độc quyền hoặc gần như độc quyền về thương mại và nhà nước ấn định giá cả nội địa.
Nói về quy định của Mỹ để công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường, ông Tuấn cho biết đây là "một quy trình xem xét chặt chẽ 6 tiêu chí theo quy định pháp luật về kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh của quốc gia đó". Các yếu tố này, theo ông Tuấn, bao gồm : mức độ chuyển đổi của đồng tiền ; vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động ; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế ; vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân ; mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả ; trong số nhiều yếu tố khác.
Người đứng đầu Cục Phòng vệ Thương mại nói rằng Việt Nam cần tuân theo các quy định pháp luật của Mỹ và cho biết Bộ Công Thương Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham gia quy trình điều tra của Mỹ, theo VietNamNet.
"Bộ Thương mại (Mỹ) đưa ra các quyết định (định danh) nền kinh tế thị trường và phi thị trường thông qua một quy trình công bằng, minh bạch, phù hợp với các quy tắc quốc tế", người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi tiếp Kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Emily Blanchard tại Hà Nội hôm 25/10 đã nói rằng ông đánh giá cao việc Chính phủ Mỹ khởi động việc xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và đề nghị Mỹ sớm hoàn thành quá trình này, theo VietNamNet.
VOA, 24/11/2023