Tập Cận Bình yêu cầu Nguyễn Phú Trọng phải kiên định con đường xã hội chủ nghĩa
Một tài liệu của Ban Thư ký Trung Quốc Hợp tác Lan Thương – Mekong, cho biết ở hôm hội đàm chiều 31/10/2022, phía Tập Cận Bình đã đưa ra yêu cầu như vậy với Nguyễn Phú Trọng.
Hai ông Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 31/10. Ảnh : TTXVN.
Tài liệu này cho biết có khá nhiều mẫu câu mệnh lệnh với động từ "phải" được ông Tập Cận Bình đưa ra trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc :
"Phải kiên trì phương châm "16 chữ vàng" và tinh thần "4 tốt", củng cố tình hữu nghị truyền thống, tăng cường trao đổi chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị, kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt thời đại mới không ngừng bước lên tầm cao mới" ;
"Hai Đảng Trung Quốc và Việt Nam phải kiên trì đem lại hạnh phúc cho nhân dân, mưu cầu tiến bộ cho loài người, ra sức thúc đẩy xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, quyết không để bất cứ ai quấy nhiễu nhịp bước tiến lên của chúng ta, quyết không để bất cứ thế lực nào làm lay chuyển nền tảng chế độ cho sự phát triển của chúng ta" ;
"Hai bên phải kiên trì định hướng tiến lên xã hội chủ nghĩa. Đối với sự nghiệp xã hội chủ nghĩa và quan hệ Trung – Việt, kiên trì định hướng chính trị đúng đắn là việc quan trọng hàng đầu.
Tập thể lãnh đạo trung ương của hai Đảng nên tăng cường trao đổi, kịp thời trao đổi ý kiến về quan hệ song phương và các vấn đề quan trọng. Trung ương và cơ quan địa phương của hai Đảng phải quán triệt thực hiện nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai bên, tăng cường giao lưu và tham khảo lẫn nhau, nâng cao hiệu quả hợp tác.
Trong tình hình mới, hai Đảng Trung Quốc và Việt Nam nên tăng cường giao lưu và tham khảo lẫn nhau kinh nghiệm quản lý Đảng và quản lý đất nước, duy trì trao đổi cấp cao và đối thoại chiến lược giữa quân đội hai nước, mở rộng thành quả hợp tác về an ninh hành pháp, bảo vệ tốt an ninh chính trị và ổn định xã hội của mỗi nước" ;
"Hai bên phải củng cố nền móng kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc nguyện cùng Việt Nam đẩy nhanh kết nối chiến lược phát triển, thúc đẩy kết nối hai nước, cùng xây dựng hệ thống chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng ổn định, khuyến khích doanh nghiệp thâm dụng công nghệ có thực lực và chữ tín đến Việt Nam đầu tư, sâu sắc hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực y tế, phát triển xanh, kinh tế số, ứng phó biến đổi khí hậu, v.v.
Hai bên phải nêu cao tình hữu nghị truyền thống. Trong tình hình mới, hai bên phải tăng cường giao lưu nhân dân, giúp thế hệ trẻ của hai nước tăng thêm sự hiểu biết và thân mật với nhau, sâu sắc hợp tác trong lĩnh vực truyền thông, tạo không khí dư luận tốt đẹp cho quan hệ song phương".
Ghi nhận các phát biểu từ Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, tài liệu của Ban Thư ký Trung Quốc Hợp tác Lan Thương – Mekong, viết bằng lời dẫn gián tiếp, và nội dung cho thấy cả hai tổng bí thư đều biết trước kết quả Đại hội XX, chứ không như những gì mà sau này phía Việt Nam cho rằng không biết ai sẽ là tổng bí thư trước Đại hội XX :
"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hết sức cảm ơn Tổng bí thư Tập Cận Bình đã mời tôi là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên cùng đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam sang thăm Trung Quốc ngay sau Đại hội XX Đảng cộng sản Trung Quốc, tôi cũng làm đúng theo lời hứa với đồng chí Tập Cận Bình là sẽ thăm Trung Quốc là nước đầu tiên sau khi được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam" ;
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Việt Nam hết sức quý trọng và coi trọng quan hệ với Trung Quốc, coi hợp tác hữu nghị với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, kiên trì sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung theo phương châm"16 chữ vàng" và tinh thần"4 tốt", kiên định thi hành chính sách một nước Trung Quốc, kiên quyết phản đối hoạt động chia rẽ "Đài Loan độc lập" dưới mọi hình thức, không phát triển bất kỳ quan hệ chính thức nào với Đài Loan"…
Như vậy lo ngại về chuyện Bắc thuộc cho đến lúc này vẫn nguyên vẹn tính thời sự.
Ngọc Lan
Nguồn : VNTB, 26/11/2022
Người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam nhân dịp Quốc Khánh tiếp tục xác định đảng kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng không giáo điều. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu như vừa nêu khi thăm 'Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh' ở Hà Nội hôm 1/9/2022.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ảnh minh họa chụp trước đây. Reuters
Ông Trọng yêu cầu tiếp tục tập trung nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tuyên truyền, kiên định vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lenin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam nhưng không ‘giáo điều’ với mục đích đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân (!?).
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, khi trả lời RFA hôm 2/9, nhận định :
"Trước tiên phải nói chủ nghĩa xã hội của Đảng cộng sản Việt Nam đang dựa trên nền tảng của triết học Mác-Lênin. Trong khi đó Trung Quốc, Bắc Hàn cũng là cộng sản nhưng đã bỏ triết học Mác-Lênin từ lâu lắm rồi, họ có học thuyết riêng của họ. Quay trở lại vấn đề ông Trọng phát biểu thì phải nói rõ, ông Trọng đang muốn kiên định chủ nghĩa xã hội theo triết học Mác-Lênin, sau này họ mới đưa thêm tư tưởng Hồ Chí Minh mặc dù nó không có gì hết Mà chủ nghĩa xã hội theo triết học Mác-Lênin đã được trả lời qua thực tế là sự sụp đổ của Liên Xô và các quốc gia Đông Âu vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Như vậy là ông Trọng đang kiên định với cái đã tiêu vòng".
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, kiên định chủ nghĩa xã hội theo trường phái triết học Mác-Lênin là một sự kiên định vô nghĩa. Và khi ông Trọng nói kiên định chủ nghĩa xã hội nhưng không giáo điều, thì nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, chính ông Trọng đang rất giáo điều. Bởi vì giáo điều là những cái mà mình tin một cách mù quáng, dù nó đã mất, dù nó không có căn cứ khoa học mà mình vẫn đeo theo. Ông Già nói tiếp :
"Ở đây tôi muốn nhấn mạnh thêm, tức là có lẽ ông Trọng nói riêng và Đảng cộng sản Việt Nam nói chung họ đang lầm lẫn triết học là chính trị học. Bởi vì triết học là nền tảng cho tất cả các khoa học, chứ nó không phải là chính trị học. Chính trị học là một môn về khoa học xã hội, chính vì họ không hiểu rõ, họ mập mờ và có thể họ mù mờ đã làm cho xã hội Việt Nam suốt từ năm 1945, cho đến 1975 và cho tới hiện nay gần nửa thế kỷ, thì cái họ gọi là đi lên chủ nghĩa xã hội không biết là nó đi đâu ?".
Bởi vì theo ông Nguyễn Ngọc Già, căn bản nhất là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không có một tư tưởng, không có một trường phái triết học cụ thể để họ đi theo. Nó làm cho xã hội Việt Nam mãi mãi tụt hậu, không giống bất cứ một quốc gia nào.
Trong bài phát biểu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói thêm rằng kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ và là nền tảng vững chắc của Đảng. Theo ông các đảng viên phải kiên định nhưng tránh giáo điều (!?).
Một người dân ở miền Trung không muốn nêu tên vì lý do an toàn nói với RFA hôm 2/9 :
"Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đâu có còn theo nguyên lý của Marx nữa đâu. Bây giờ người ta chỉ còn giữ lại một cái của chủ nghĩa Marx là ‘một chế độ chuyên chính vô sản’, ‘một chế độ độc trị’, ‘độc đảng’ chứ không phải là họ giữ chủ nghĩa Marx. Không có một ông đảng viên nào, đặc biệt là ở Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, Ban lãnh đạo, chắc kể cả ông Trọng cũng không tin vào chủ nghĩa xã hội, nhưng cứ rao như vậy để củng cố vị trí quyền lực của các ông ấy. Chứ bây giờ không bám vào chủ nghĩa xã hội thì bám vào cái gì ?"
Ông Nguyễn Phú Trọng dù yêu cầu không kiên định máy móc, nhưng ông vẫn tiếp tục khẳng định đường lối của đảng là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan và xu thế phát triển của thời đại...
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, người có hơn 30 năm tuổi đảng, đã từ bỏ đảng vào năm 2016, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này, nhận định :
"Ông Trọng nói thì nói thế, lý luận kêu làm thế, ông nói kiên định nhưng không giáo điều nhưng ổng có làm được hay không ? Ông không làm được, việc chỉ đạo trực tiếp thì ông ấy làm kiểu khác. Ông Trọng nói đổi mới nhưng kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, hai cái đó mâu thuẫn với nhau, đã là kiên định một thứ gì đấy thì còn đổi mới gì nữa ? Ông Trọng nói kiên định nhưng không giáo điều, tự ổng nói thế, nhưng những người ngoài, đặc biệt là người hoạt động, tác nghiệp thì người ta ý thức rõ ràng rằng ông Trọng là một tay rất bảo thủ, rất giáo điều".
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nói như ông Trọng chỉ là nói cho qua chuyện, vì khi nói ‘kiên định’ thì bị người khác phê phán nói như thế là ‘giáo điều’ nên ông Trọng phải chối.
Kêu gọi không máy móc, nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại cho rằng ‘đổi mới’ một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ chệch hướng. Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng nói như vậy thì làm sao có thể đổi mới ?
"Thực ra trong ba bốn chục năm vừa rồi, ông Trọng hay nói chung chung là cộng sản đổi mới nhưng những người phản biện cho rằng chẳng đổi mới được gì cả. Ông Trọng nói đổi mới nhưng thật ra ông quay về việc làm cũ mà người ta đã làm. Ví dụ như trước đây người ta buôn bán tự do, rồi họ giải phóng xong ngăn sông cấm chợ bây giờ họ bỏ cái đó đi và nói là đổi mới".
Thực tế cho thấy, không chỉ riêng Việt Nam, các nước đi theo lý tưởng cộng sản và xã hội chủ nghĩa cho đến nay, chưa có nước nào thành công với lý tưởng ‘dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh’ như chính mục tiêu họ đề ra.
Nguồn : RFA, 02/09/2022
Theo tin tổng hợp truyền thông quốc tế và Việt Nam, thì sau nhiều tuần lễ vắng mặt, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày 6/6 tái xuất hiện qua một văn bản chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ họp vào năm tới 2020. Trong văn bản này, đã "kiên định mục tiêu, lý tưởng chủ nghĩa xã hội" và "tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng"là 2 trong số các "quan điểm định hướng" mà ông Trọng nhấn mạnh cần phải "quán triệt".
Tại sao ông Trọng vẫn ‘kiên định chủ nghĩa xã hội’ ?
I - Câu hỏi được nhiều người đặt ra
Là vì sao đến giờ này mà người đứng đầu đảng và nhà nước Việt Nam vẫn"kiên định mục tiêu, lý tưởng chủ nghĩa xã hội" là thế nào ? Bởi vì, ai cũng thấy là chủ nghĩa xã hội đã ở vào giờ Thứ 25 trên phạm vi toàn cầu, việc thực hiện xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam đã hoàn toàn thất bại sau 10 năm thực hiện triệt để(1975-1985) dù cố gắng "Đổi mới" 10 năm sau đó (1985-1995) theo gương "Cải tổ" của Liên Xô vẫn không cứu vãn được ; phải "mở cửa"cho các nước tư bản tràn vào để được cứu nguy, tránh sự sụp đổ như Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
Từ đó, Việt Nam, đã từng bước vượt qua khó khăn, khắc phục những hậu quả nghiêm trọng, toàn diện do xây dựng chủ nghĩa xã hội thất bại thảm hại gây ra. Đồng thời nhờ đó, Việt Nam mới phát triển nhiều mặt để có bộ mặt phồn vinh như hôm nay về kinh tế, đời sống người dân ngày một được cải thiện và nâng cao và nhà cầm quyền đã phải từng bước trao trả cho người dân các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền từng bị tước đoạt nhiều năm trước đó. Mặc dù đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có ngụy biện cách nào, thì người dân ai cũng biết tất cả thực tế này không phải do "chủ nghĩa xã hội" mà có được. Thực tế là nhờ con đường làm ăn "Kinh tế thị trường, theo định hướng tư bản chủ nghĩa" (là thật) dù "đảng ta" có ngụy biện là "Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" (là giả) thì cũng chẳng ai tin. Ngay chính Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam cũng còn hoài nghi đến cuối Thế kỷ này không biết đã có xã hội chủ nghĩa hay chưa mà.
Sau đây chúng tôi thử đưa ra câu trả lời tổng quát cho câu hỏi vừa nêu. Theo đó, chúng tôi cho rằng trong tình cảnh lỡ chọn lầm đường (xã hội chủ nghĩa) dẫn đến hậu quả nghiêm trọng toàn diện cho dất nước về đối ngoại cũng như đối nội bao lâu nay.Nhưng vì thể diện và uy tín của tập đoàn muốn tiếp tục nắm giữ độc quyền thống trị trong một chế độ độc tài toàn trị,Ông Trọng và Đảng cộng sản Việt Nam, cần phải tiếp tục chủ trương, chính sách lừa dối nhân dân bằng ngụy biện thêm một thời gian nữa, cho đến khi hoàn tất tiến trình "xoay trục" về đối ngoại cũng như đối nội, mà họ cho rằng theo hướng có lợi cho đảng và đất nước. Do đó, tiến trình xoay trục này cần do họ chủ động, diễn ra tịnh tiến sẽ giúp giai cấp cầm quyền "hạ cánh an toàn", không kết thúc bi thảm như số phận các chế độ độc tài các kiểu trước đây trên thế giới, với hy vọng còn có cơ hội giữ được phần nào tài sản, quyền lợi kế thừa cho con cháu mà các cán bộ đảng viên đã tạo dựng được trong những năm cầm quyền. Nghĩa là, cho đến khi kết thúc quá trình "xoay trục" này, đảng cầm quyền vẫn phải tiếp tục giả danh "Đảng cộng sản Việt Nam", vẫn độc quyền thống trị trong chế độ giả hiệu "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (dù thực tế cũng như thực chất đảng và chế độ này đã chết lâm sàng từ lâu về bản thể…). Đồng thời, dù thực tế đã và đang theo con đường "kinh thế thị trường theo định hướng tư bản chủ nghĩa" song "Đảng ta" vẫn phải chơi trò gian thương "treo đầu dê, bàn thịt chó", ngụy biện rằng "Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".Và vì vậy, để bảo đảm cho tiến trình "Xoay trục"này theo đúng hướng, Ông Trọng mới chỉ đạo cho Đại Hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam, phải "kiên định mục tiêu, lý tưởng chủ nghĩa xã hội" và "tăng cường vai trò lãnh đạo củ a Đảng" để chủ động thực hiện kịch bản "lộng giả thành chân" này.
II - Tiến trình xoay trục đối ngoại cũng như đối nội
1. Xoay trục đối ngoại thế nào ?
Ai cũng thấy là vì những vướng mắc nặng nề của quá khứ trong cuộc chiến cộng sản hóa Miền Nam (1954-1975), cùng với sự thất bại hoàn toàn tham vọng đưa cả nước "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội" sau cuộc chiến, đã đưa Việt Nam đến sự lệ thuộc Trung Quốc nhiều mặt và bị chèn ép đủ điều. Hệ quả này đã khiến các thế hệ lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam không thể thực hiện một chính sách đối ngoại độc lập tự chủ được.
Vì vậy, Việt Nam trên nguyên tắc, từ sau thời kỳ "Mở cửa" dường như đã có nỗ lực thoát dần "vòng Kim cô đỏ" của Trung Quốc bằng cách "đa phương hóa" về đối ngoại. Theo đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao song phương cũng như đa phương với mọi quốc gia và làm ăn với các tổ chức kinh tế quốc tế, trên cơ sở tôn trọng độc lâp chủ quyền của nhau và đôi bên cùng có lợi. Đồng thời, Việt Nam cũng thực hiện chủ trương không liên minh quân sự với nước nào, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam…
Đặc biệt, trong quan hệ với hai cường quốc hàng đầu là Hòa Kỳ và Trung quốc, nhà cầm quyền Việt Nam đã thực hiện "chính sách đối ngoại đi dây", cố gắng giữ thế quân bình để không làm phật ý Bắc Kinh. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dầu cộng sản Hà Nội đã hết sức nhún nhường, tỏ ra thân Trung Quốc hơn Hoa Kỳ, tỏ rõ sự thần phục, nhưng Bắc kinh vẫn ỷ thế mạnh ngày một lấn lướt, ức hiếp Việt Nam, nhất là trên vấn đề tranh chấp chủ quyển hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Chính vì vậy mà dường như đảng và nhà đương quyền Việt Nam đã và đang thực hiện một chính sách "xoay trục đối ngoại" trong quan hệ với Trung quốc và với Hoa Kỳ ?
Đó là chính sách đối ngoại hai mặt : bên ngoài Việt Nam vẫn tỏ ra kiên định trong "chính sách đối ngoại đi dây" giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng bên trong, Việt Nam đã và đang kín đáo, thận trọng, ngày càng nghiêng dần về phía Hoa Kỳ qua các hình thức trao đổi quân sự song phương có vẻ bình thường, gia tăng theo một tốc độ vừa phải để không đưa Việt Nam vào thế đối đầu với Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng tỏ ra cảm thông và tìm cách tránh cho Việt Nam rơi vào tình trạng khiêu khích Trung Cộng, dù Hoa Kỳ thực sự cũng cần và cũng muốn Việt Nam nghiêng hẳn về mình, tạo thuận lợi cho chính sách bao vây gián chỉ tham vọng bá quyền và xâm lấn biển đảo các quốc gia trong vùng của Trung quốc, trong đó có Việt Nam. Một số hoạt động trao đổi quân sự, quốc phòng song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong thời gian gần đây mà ai cũng thấy, phải chăng là những dấu hiệu đã thể hiện cụ thể cho chính sách ngọai giao xoay trục này của Việt Nam ?
Tất nhiên, Trung Quốc chắc cũng đoán biết được ý đồ"xoay trục đối ngoại" này của Việt Nam. Nhưng chúng tôi nghĩ, vấn đề là lãnh đạo Việt Nam có đủ khôn ngoan, tránh né được những đòn cản hay trừng phạt của Trung Quốc, để hoàn tất ở cuối quá trình xoay trục một thế dựa vững chắc để "thoát Trung", trong thế chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình dương mà Hoa Kỳ và các cường quốc đồng minh đã và đang thực hiện nhằm bảo vệ cho các quốc gia nhỏ yếu trong vùng, trong đó có Việt Nam, trước tham vọng của bá quyền Trung quốc.
Một số sự kiện mới đây theo chiều hướng này có lợi cho chính sách "xoay trục đối ngoại" của Việt Nam được truyền thông loan tải :
Tại hội thảo nhan đề ‘Diễn đàn Ngoại giao Meridian : Các nước sông Mê Kông’ do Trung tâm Quốc tế Meridian tổ chức hôm 6/6 tại thủ đô Washington D.C.
Ông Mark Clark, quyền phó trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ, Văn phòng Đông Á và Thái Bình Dương sự vụ, phát biểu tại buổi hội thảo, rằng mặc dù 5 nước trong khu vực này chỉ có Thái Lan là nước có quan hệ đồng minh theo hiệp ước với Mỹ, nhưng Việt Nam lại được đánh giá là ‘đối tác ngày càng quan trọng’,
Ông Randall Schriver, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng có nhận định như thế về tầm quan trọng của Việt Nam đối với Mỹ trong chiến lược an ninh mới của Washington trong khu vực.Ông chỉ ra liên tục các chính quyền Mỹ khác nhau đều đã tích cực xây dựng mối quan hệ với Việt Nam và cho rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump ‘đưa quan hệ này lên một mức độ cao hơn nữa’
Ông Jim Webb, cựu thượng nghị sĩ liên bang Hoa Kỳ, Trả lời câu hỏi của VOA rằng Mỹ có sẵn sàng nâng cấp quan hệ‘đối tác toàn diện’ Việt-Mỹ thành ‘đối tác chiến lược’ hay không, nói rằng ‘bất cứ khi nào chúng tôi có thể cải thiện quan hệ với Việt Nam thì chúng tôi nên làm’.
Trả lời câu hỏi cũng của VOA về làm sao Mỹ-Việt có thể mở rộng quan hệ chiến lược mà không chọc giận Trung Quốc, ông Webb lưu ý rằng Việt Nam‘luôn muốn đảm bảo rằng họ nằm ở giữa các cường quốc (tức không ngả về một bên nào)’.
2. Xoay trục đối nội thì sao ?
Để phù hợp với "xoay trục về đối ngoại" đảng và nhà cấm quyền cộng sản Việt Nam cũng đã và đang tìm cách "xoay trục về đối nội" trên hai trục chủ yếu là chính trị và kinh tế theo một tốc độ vừa phải, chủ động và có thể điều tiết được.
Bề ngoài bao lâu nay đảng và nhà cầm quyền Việt Nam vẫn khẳng định "đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị" nhưng thực tế ai cũng thấy "đổi mới kinh tế đã và đang đổi mới chính trị". Vì như chúng tôi đã lập luận trong các bài viết trước đây, rằng trong môi trường mật ngọt kinh tế thị trường "vi trùng độc tài" tiêu vong dần (mật ngọt chết ruồi mà) song song với "sinh trùng dân chủ" lớn dần. Sau một quá trình thời gian phù hợp, chế độ độc tài toàn trị sẽ chuyển đổi tịnh tiến qua chế độ dân chủ pháp trị theo quy luật duy vật biện chứng "lượng đổi, chất đổi" như con ngài sau một thời gian biến hóa thành con bướm, hay nước đun sôi đến 100 độ C thì bốc hơi. Chính vì vậy mà ông Tổng Trọng đã nhiều lần cảnh giác cán bộ đảng viên cộng sản về "âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch" và lưu ý hiện tượng "tự diễn biến, tự chuyển hóa" đang diễn ra trong nội bộ đảng ngày một nghiêm trọng. Chúng tôi đánh giá sự cảnh giác này của ông Trọng có tính chiếu lệ, vì hơn ai hết ông phải biết rõ đó là "chiều hướng tất yếu không thể đảo ngược". Kính tế thị trường tất yếu đi đến chế độ dân chủ pháp trị đa nguyên, đa đảng, để rồi coi có đúng vậy không nào ?
Do đó nói gì thì nói, ông Trọng và đảng cầm quyền của ông vẫn đã và đang cố gắng chuyển đổi lý luận từ "lập trường giai cấp với chủ nghĩa xã hội" qua "lập trường dân tộc với chủ nghĩa yêu nước" để tìm sự hậu thuẫn của người dân. Đồng thời chuyển đổi thực tế từ độc tài toàn trị qua hướng dân chủ pháp trị để từng bước đáp ứng đòi hỏi chính đáng của nhân dân và xu thế thời đại. Mặc dầu bề ngoài đảng và nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tỏ ra cứng rắn trong các biện pháp trấn áp các tiếng nói đối lập đấu tranh cho dân chủ, có thể chỉ là để chủ động được tiến trình xoay trục, tránh bất ổn chính trị xáo trộn xã hội thế thôi…
Phải chăng vì thế mà trong bài viết dài gần 7 trang gửi cho các cấp ủy đảng về công tác chuẩn bị đại hội, mà báo chí Việt Nam đồng loạt đăng tin vào ngày 6/6, người đứng đầu nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam đưa ra 6 "quan điểm định hướng".
Ngoài hai quan điểm đầu tiên là "kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc (đang củng cố là thật) gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin (đã tiêu vong là động thái giả để che đậy), tư tưởng Hồ Chí Minh (là trờ về với chủ nghĩa yêu nước trước khi Ông Hồ đến với chủ nghĩa xã hội)" và "tăng cường vai trò của Đảng" (để chủ động được tiến trình xoay trục), ông Nguyễn Phú Trọng nhắc đến việc "phát huy dân chủ rộng rãi, tập hợp cao độ trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân", "chỉnh đốn Đảng", "nâng cao niềm tin" đối với Đảng, "đổi mới công tác nhân sự", tiếp tục phòng chống tham nhũng…
III - Kết luận
Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói thế nhưng không phải thế đâu. Ông chỉ đạo bằng văn bản cho các mục tiêu của Đại hội 13 cùa Đảng cộng sản Việt Nam, trong đó có "kiên định mục tiêu, lý tưởng chủ nghĩa xã hội" chỉ là mục tiêu giả vì "Thời thế thế thời phải thế" thôi. Sự kiên định mục tiêu này ông Tổng cũng chỉ nhắc lại định thức chung "Kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa" (đã là mục tiêu giả). Vì "kinh tế thị trường,(tất yếu) định hướng tư bản chủ nghĩa" (mới là mục tiêu thật mà Đảng đang hướng tới để có cái giai đoạn kinh tế tư bản phát triển trước đã,theo đúng lý luận của Marx, xã hội chủ nghĩa tính sau…).
Tuy nhiên ông Tổng và "Đảng ta" chắc thâm tâm cũng mong người dân thông cảm cho hoàn cảnh chẳng đặng đừng buộc phải "nói lái" không thể"nói thật" được. Vậy chúng ta chỉ còn cách "chờ xem" thực tế sự thật sẽ là thế nào ? Sự thật có phải ông Tổng và các lãnh đạo hàng đầu "Đảng và Nhà nước ta" đã và đang "xoay trục đối ngoại" cũng như"Xoay trục đối nội" theo chiếu hướng có lợi cho đất nước, phù hợp với ý nguyên của quốc dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước hay không ?
Houston, ngày 12-6-2019
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 26/06/2019