Lao động Việt tìm công lý tại Đài Loan sau vụ cháy chết chóc (VOA, 25/06/2018)
Hầu hết các lao động Việt Nam bị thương và gia đình có người thân thiệt mạng trong hai vụ hỏa hoạn gần đây tại Đài Loan đã về nước sau khi được giới chủ trả một khoản bồi thường, nhưng gia đình của một nạn nhân người Việt đang tìm công lý tại tòa án, theo hãng tin CNA của Đài Loan.
Vụ hỏa hoạn ký túc xá làm 6 công nhân Việt Nam chết ở thành phố Đào Viên, tháng 12, 2017.
Đó là người thân của anh Nguyễn Văn Trãi, 20 tuổi, người đã qua đời trong một vụ hỏa hoạn ở ký túc xá cùng với 5 lao động Việt khác vào tháng 12 năm ngoái. Sáu công nhân này làm việc cho công ty Sican, một nhà sản xuất phim chống nóng cửa sổ ở Quận Pingzhen, thành phố Đào Viên, Đài Loan.
Ký túc xá nằm ở tầng trên nhà kho của nhà máy và được làm bằng sắt tấm, và theo CNA, đây có thể bị coi là xây cất bất hợp pháp và đầy nguy cơ hỏa hoạn.
Ông Chang Yu-yin, luật sư đại diện pháp lý cho gia đình anh Trãi, được trích lời nói : "Chúng tôi hy vọng rằng các công tố viên sẽ lập hồ sơ vụ án để chống lại chủ công ty.
Gia đình anh Trãi đã nộp đơn kiện ông Chen Hung-ju, chủ sở hữu của công ty Sican và ông Hsieh Chao-yi, người phụ trách chi nhánh của công ty ở Pingzhen, vì tội ngộ sát theo Bộ luật Hình sự Đài Loan, và cho rằng họ coi thường sự an toàn về hỏa hoạn dẫn đến cái chết của anh Trãi.
Vụ việc đang được các công tố viên thành phố Đào Viên điều tra. Nhiều trang tin của Đài Loan đăng lại tin của CNA.
Luật sư Chang yêu cầu các công tố viên xem xét một số tài liệu có chứa thông tin nhưng đã bị các cơ quan hữu quan thu giữ. Ông cho rằng họ có thể dựa vào đó để xác định liệu ký túc xá của công ty có tuân thủ các quy tắc về xây dựng và an toàn cháy nổ hay không.
Anh Nguyễn Văn Chắc, anh trai của anh Nguyễn Văn Trãi, cho biết, anh muốn nói với thẩm phán về tình trạng người em xấu số đã bị buộc phải sống trong ký túc công ty, và buộc người chủ công ty phải có trách nhiệm và mang lại công lý cho người đã khuất.
Sau cái chết của em trai, anh Nguyễn Văn Chác, đồng thời cũng là một công nhân nhà máy ở Đài Loan, đã về nước do cha mẹ ở quê nhà rất lo lắng.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, một linh mục người Việt tại Đài Loan, mãi đến tháng Năm vừa rồi, ký túc xá của anh Nguyễn Văn Chác mới được rời ra bên ngoài khu nhà máy.
Linh mục Hùng, người có văn phòng giúp đỡ các lao động và cô dâu Việt Nam tại Đài Loan, nói anh Nguyễn Văn Chắc sẽ trở lại Đài Loan để phát biểu trước tòa án quận trong một phiên xử.
Ông Liu Nien-yun thuộc Hiệp hội các nạn nhân bị tai nạn nghề nghiệp ở Đài Loan cũng đang cố gắng giúp đỡ các nạn nhân. Ông nói rằng các quan chức lao động địa phương đã đồng ý gặp gia đình nạn nhân.
Một vụ hỏa hoạn tương tự xảy ra tại ký túc ở tầng 4 của nhà máy thuộc công ty Chin Poon, một nhà sản xuất bảng mạch in ở thành phố Đào Viên, vào tháng Tư đã cướp đi sinh mạng của 6 nhân viên cứu hỏa và 2 lao động Thái Lan.
Hầu hết tất cả những người di cư - khoảng 300 người Thái Lan, Việt Nam và Philippines – sống trong ký túc xá tầm 1.322 mét vuông, đã bị chủ công ty chấm dứt hợp đồng và được cấp cho một ít tiền trợ cấp thôi việc.
******************
Việt Nam tạm ngưng nhập máy đào tiền ảo (RFA, 25/06/2018)
Bộ Tài chính đề nghị tạm thời ngưng nhập máy đào tiền ảo nhằm tăng cường quản lý hoạt động liên quan đến bitcoin và các giao dịch tiền ảo.
Tiền điện tử Bitcoin. AFP
Theo báo cáo của Bộ Tài chính trình Chính phủ thì hiện nay máy đào tiền ảo không nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu nên doanh nghiệp được phép làm thủ tục nhập khẩu một cách dễ dàng. Tuy nhiên việc cho phép sử dụng các loại máy này lại rất phức tạp trong việc quản lý bởi tiền điện tử được coi là một phương thức thanh toán bất hợp pháp tại Việt Nam. Việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán bị cấm và bị xử lý theo quy định pháp luật.
Bộ Tài chính lấy ví dụ về vụ lừa 15.000 tỷ đồng xảy ra tại TP.Hồ Chí Minh mới đây chứng minh cho việc sơ suất trong quản lý khi có tới hơn 32.000 người bị cho là đã bị lừa thông qua mô hình đầu tư tiền ảo của công ty Modern Tech. Vì thế bộ này yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp quản lý chặt chẽ với việc nhập khẩu và sử dụng máy đào tiền ảo.
Cho đến nay Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 15.600 máy đào tiền ảo về Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Chỉ riêng năm ngoái, đã có hơn 9.300 máy được nhập khẩu, trong đó Hà Nội nhập 2.300 máy, Tp. Hồ Chí Minh khoảng 7.000 máy, còn lại nhập vào Đà Nẵng.
Trong bốn tháng đầu năm nay cả nước đã nhập khẩu hơn 6.300 máy khai thác bitcoin, trong đó Hà Nội 4.300 máy và Thành phố Hồ Chí Minh 2.009 máy. Trước đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 10 / CT-TTg chỉ đạo việc đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm quản lý tiền ảo. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ sở tín dụng ở Việt Nam không được thực hiện các giao dịch bằng tiền ảo và phải báo cáo ngay lập tức nếu thấy có các hoạt động đáng ngờ. Các công ty, các nhà môi giới và quỹ đầu tư ở Việt Nam cũng bị cấm tham gia vào các hoạt động liên quan đến tiền ảo.
Trong khi đó, giao dịch tiền ảo và đầu tư tiền ảo đang gia tăng, đe dọa cho sự ổn định của thị trường tài chính cũng như trật tự xã hội.
*****************
Đề xuất sửa đổi 9 Luật giúp giảm giấy phép con (RFA, 25/06/2018)
Đã phát hiện 37 vướng mắc gây chậm trễ việc thực hiện dự án của các doanh nghiệp và đề nghị sửa đổi 9 luật và các văn bản dưới luật có liên quan là đề xuất mới đây nhất do Tổ tư vấn kinh tế gửi tới Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 25/6.
Một phiên họp của Tổ tư vấn với Thủ tướng VGP
Các quy định bất cập nằm trong số 9 luật gồm Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Dân sự, Luật Quản lý và hoạt động sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Cụ thể là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định chồng chéo tại Luật Đầu tư, Luật Nhà ở hay việc phát sinh mâu thuẫn trong đấu giá quyền sử dụng đất giữa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai ; xung đột về phạm vi quyền chuyển nhượng dự án bất động sản giữa Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai…
Theo Tổ tư vấn, việc cắt bỏ những điều kiện kinh doanh trên có thể "làm cho một hay một số cơ quan có liên quan mất, hoặc giảm dần quyền lực, tác động bất lợi đến quyền và lợi ích của các cơ quan đó", nhưng mục tiêu quan trọng hợn là tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.
Trước đó, tại cuộc họp liên quan tới cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh tại các bộ, ngành, Tổ công tác Chính phủ cho biết mới có 9 Bộ có tỷ lệ cắt giảm trên 50% là Công Thương, Giao thông và vận tải, Giáo dục và đào tạo, Lao động, thương binh và xã hội, Tài chính, Tư pháp, Văn hóa, thể thao và du lịch, Xây dựng, Y tế. Riêng Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước chưa đạt 50% nhưng do các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý mang tính đặc thù, việc đơn giản hóa, cắt giảm phải bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước.
Những đoạn video clip mà BBC được xem hôm thứ Sáu cho thấy cảnh sát và các nhân viên cứu thương Đài Loan đã bỏ mặc một người Việt mà không cấp cứu.
Hình trích xuất từ video clip trong dashcam của xe cứu thương đầu tiên tới hiện trường. Ngày ghi trong video clip là 30/8/2016, nhưng BBC được xác nhận đây là các hình ảnh ghi lại trong ngày 31/8/2017
Lao động nhập cư bỏ trốn này đã bị bắn nhiều phát và nằm trong vũng máu suốt nửa tiếng đồng hồ trong lúc nhóm y tế lo chữa trị cho một nhân viên chính phủ bị thương nhẹ.
Nguyễn Quốc Phi, 27 tuổi, sang Đài Loan từ nhiều năm trước theo hợp đồng làm việc trong nhà máy.
Tuy không mang theo vũ khí gì, nhưng ông đã bị một cảnh sát từ Hạt Hsinchu, gần Đài Bắc, bắn chín phát rồi tử vong hôm 31/8/2017 sau khi cảnh sát này và một nhân viên chính phủ tới hiện trường nơi được cho là có xảy ra vụ trộm xe.
Các hình ảnh video do camera gắn trên chiếc xe hơi cứu thương đầu tiên tới hiện trường cho thấy ông Phi đã bị bắn, nằm bên cạnh chiếc xe cảnh sát, nhưng nhân viên cảnh sát nói nhóm cứu thương hãy tránh ra bởi ông ta cảm thấy người bị thương vẫn chưa chịu khuất phục hoàn toàn.
Bỏ mặc không cấp cứu
Người lao động nhập cư không có vũ khí trong tay và bị thương quá nặng, không thể đứng lên. Ông ta bò dưới chiếc xe, trốn dưới đó, rồi bò ra, ném một hòn đá nhưng không nhắm vào ai và cũng không ném mạnh. Ông ta khi đó trông đã rất yếu.
Sau đó, ông ta cố mở cánh cửa xe, có vẻ như để tìm cách vào xe vào tự bảo vệ mình. Vào thời điểm đó, viên cảnh sát bước tới, dùng gậy đẩy ông ta ra rồi khóa cửa xe lại.
Em gái ông Nguyễn Quốc Phi là Nguyễn Thị Thảo mang ảnh anh trai tại cuộc biểu tình ở Đài Bắc hôm 15/9/2017
Người lao động nhập cư sau đó nằm dưới mặt đất. Chiếc xe cứu thương đầu tiên tới nơi đã được khoảng 5 phút, nhưng không làm gì để cấp cứu cho người bị thương.
Thay vào đó, nhóm các nhân viên y tế chữa trị và đưa đi một nhân viên chính phủ bị thương nhẹ, bỏ mặc người lao động nhập cư nằm hấp hối trong vũng máu.
Khi được hỏi vì sao không cấp cứu người nhập cư, một nhân viên y tế họ Chen từ trạm cứu hỏa Hsinchu nói với BBC :
"Viên cảnh sát nói với chúng tôi là không tới gần... Nhỡ ra ông ta (người nhập cư) đột nhiên nổi điên và làm điều gì đó thì sao ? Và bởi ông ta chưa bị còng tay, cho nên chúng tôi không thể làm gì".
Chỉ cho tới khi chiếc xe cứu thương thứ hai tới nơi sau đó nửa tiếng, người bị thương mới được cứu chữa. Tuy trông ông gần như không còn sức sống nhưng cảnh sát khi đó vẫn còng tay ông.
Ông Nguyễn Quốc Phi được xác định đã tử vong khi được đưa tới bệnh viện.
Lao động nhập cư bỏ trốn bị coi như tội phạm ?
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Đài Loan nói ông Phi đã tấn công người cảnh sát và viên chức chính phủ khi họ tìm cách chặn việc ông phá hoại và ăn trộm một chiếc xe hơi. Họ nói ông đã đấm vỡ mũi, thâm tím mặt mày viên chức chính phủ, và khi bị viên cảnh sát dùng hơi cay để khống chế ông ta đã chạy tới một cái mương gần đó, rửa mắt và rồi nhặt gạch đá ném về phía hai người đang tìm cách bắt giữ ông.
Cảnh sát nói người lao động nhập cư đã tìm cách vào trong xe tuần tra của cảnh sát, và rằng khi nhân viên cảnh sát bắn chín phát thì đã có sáu viên đạn trúng vào ông Phi.
Cuộc biểu tình diễn ra hôm 15/9 đòi chính quyền Đài Loan phải điều tra đầy đủ vụ lao động nhập cư người Việt bị bắn chết hôm 31/8/2017
Hôm thứ Sáu 15/9, đã có một cuộc biểu tình nữa được tổ chức. Cha của người thiệt mạng, ông Nguyễn Quốc Đông gần đây đã sang Đài Loan, và trong cuộc biểu tình này ông kêu gọi chính phủ và cảnh sát Đài Loan hãy tiến hành điều tra đầy đủ.
"Tôi chỉ có một yêu cầu : Chính quyền Đài Loan cần phải nói rõ điều gì đã xảy ra và tại sao", ông Nguyễn Quốc Đông nói.
Ông và những người có mặt tại cuộc biểu tình, trong đó có các nhóm nhân quyền và các nhóm bảo vệ quyền của người lao đọng, nghi ngờ về câu chuyện của cảnh sát.
"Tôi không tin việc cảnh sát nói con trai tôi tìm cách đánh cắp xe hơi. Con tôi thậm chí còn không biết lái xe", ông nói. "Tôi cho rằng đây là việc sử dụng vũ lực quá mức".
Cơ quan giám sát thuộc chính phủ Đài Loan, Control Yuan đã quyết định tiến hành điều tra xem chuyện gì đã xảy ra.
Các nhà hoạt động và các di dân nói rằng việc lao động nhập cư bỏ trốn liên quan tới những khoản phí 'cắt cổ' mà Việt Nam và Đài Loan để cho các khâu trung gian môi giới thu của người lao động.
Những người phát biểu tại cuộc biểu tình hôm thứ Sáu cũng chỉ trích việc chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật Đài Loan thường đối xử với các lao động bỏ trốn như những tội phạm.
Lao động đến từ Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn trong những người nhập cư bỏ trốn. Họ thường phải trả các khoản nợ trong suốt thời gian một đến một năm rưỡi đầu tiên sang làm hợp đồng tại Đài Loan, các nhà hoạt động nói.
Ông Nguyễn Quốc Phi đã bỏ trốn khỏi chỗ làm từ ba năm trước.
Người cha nói rằng lương của con trai ông rất thấp và bị trừ gần hết.
"Nếu như con trai tôi làm việc bên ngoài, chính quyền có thể dùng quyền lực của mình để làm điều gì đó, nhưng họ không thể đối xử với một người theo cách này. Chúng tôi tới đây để đi tìm công lý", ông Nguyễn Quốc Đông nói.
Cindy Sui
BBC News, Đài Bắc