Ngày 26-12, nguồn từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, liên quan đến vụ án "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Các bị can trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong đơn vị kinh tế quan trọng, trong đó có dự án Nhà máy nhiệt điện (Nhà máy nhiệt điện) Thái Bình 2.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án nêu trên, vì những động cơ khác nhau mà các bị can đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế cho Nhà nước, thậm chí một số bị can còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng từ khống rút tiền của dự án để ăn chia, chiếm đoạt...
Căn cứ kết quả điều tra vụ án đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của các bị can và sai phạm của những người liên quan.
Cụ thể, đối với bị can Đinh La Thăng, trong quá trình thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, bị can Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVN thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PV Power ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.
Ông Đinh La Thăng
Sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 119 tỉ đồng. Hành vi nêu trên của Đinh La Thăng phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999. Quá trình điều tra, bị can thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 với tư cách là người đứng đầu.
Bị can Trịnh Xuân Thanh : Trong quá trình thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 giữ vai trò là chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, Trịnh Xuân Thanh đã có hành vi chỉ đạo bị can Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn1.312 tỉ đồng. Quyết định sử dụng 1.115 tỉ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 119 tỉ đồng.
Ông Trịnh Xuân Thanh
Bên cạnh đó, bị can Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương cùng bị can Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỉ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng- Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỉ đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị can Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỉ đồng.
Hành vi của Trịnh Xuân Thanh phạm vào các tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" quy định theo khoản 3 Điều 165 và khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999. Quá trình điều tra bị can khai báo không thành khẩn, quanh co, chối tội, sau khi phạm tội bị can đã bỏ trốn gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra là những tình tiết cần xem xét để áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc.
Ngoài Trịnh Xuân Thanh, cáo trạng truy tố các bị can : Phùng Đình Thực (nguyên tổng giám đốc PVN) ; Nguyễn Quốc Khánh (nguyên phó tổng giám đốc PVN) ; Nguyễn Xuân Sơn (nguyên phó tổng giám đốc PVN) ; Vũ Đức Thuận (nguyên tổng giám đốc PVC) ; Nguyễn Anh Minh (phó tổng giám đốc PVC) ; Lương Văn Hòa (Giám đốc ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) ; Bùi Mạnh Hiển (Chánh văn phòng PVC) ; Ninh Văn Quỳnh (kế toán trưởng - Trưởng ban Tài chính - Kế toán PVN) ; Lê Đình Mậu (phó trưởng ban Tài chính kế toán Kiểm toán PVN) ; Vũ Hổng Chương (nguyên trưởng Ban quản lý dự án Nha máy nhiệt điện Thái Bình 2) ; Trần Văn Nguyên (Kế toán trưởng Ban quản lý dự án) ; Nguyễn Ngọc Quý (phó chủ tịch Hội đồng quản trị PVC) ; Nguyễn Mạnh Tiến (phó tổng giám đốc PVC)...
Nguyễn Đức
**************************
Theo báo chí Việt Nam, hôm 26/12/2017, Viện Kiểm Sát Tối Cao đã hoàn tất bản cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng, nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", theo điều 165 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội. Ảnh tư liệu 2/07/2015. Reuters/Kham/Files
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), ông Đinh La Thăng bị truy tố cùng với 21 bị can khác. Với cáo trạng buộc tội trên, ông Đinh La thăng có thể phải đối diện với mức án cao nhất 20 năm tù giam. Trong số các bị can, 9 người bị đề nghị truy tố vì tội Tham ô tài sản, có khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Trang tin Vietnamnet.vn dẫn nội dung cáo trạng cho biết : "Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Các bị can hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng được giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia, trong đó có dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Vì những động cơ khác nhau, các bị can đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế cho Nhà nước. Một số bị can còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng từ khống rút tiền của dự án để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân".
Số tiền thất thoát trong vụ đại án này lên tới cả ngàn tỉ đồng.
Anh Vũ
********************
Thêm dấu hiệu Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng sẽ bị án nặng (CaliToday, 25/12/20217)
Vừa xuất hiện thêm một dấu hiệu cho thấy Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng sẽ bị án nặng chứ không thể nhẹ nhàng "cho có".
Vừa xuất hiện thêm một dấu hiệu cho thấy Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng sẽ bị án nặng chứ không thể nhẹ nhàng "cho có". Ảnh : DatViet
Trong hai ngày 21 và 22 tháng 12 năm 2017 – trùng với thời gian mà Bộ Công an tổ chức khám nhà thượng tá công an kiêm đại gia bất động sản Phan Văn Anh Vũ nhưng lạ bắt hụt, một số trang báo nhà nước mà tiêu biểu là báo Người Lao Động đã "vô tình" đăng tin "Theo cơ quan an ninh điều tra, đáng chú ý, bị can Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú nhưng thái độ khai báo không thành khẩn", và "Trong quá trình điều tra, ông Đinh La Thăng có thái độ khai báo chưa thành khẩn, né tránh trách nhiệm, hợp thức hóa tài liệu không đúng bản chất sự việc để đối phó, gây cản trở hoạt động điều tra".
Theo "truyền thống" của ngành tư pháp (công an, viện kiểm sát và tòa án) ở Việt Nam, thái độ khai báo có "thành khẩn" hay không được xem là tiêu chí quan trọng đầu tiên để xem xét lượng án đối với bị can, bị cáo (nếu có án). Sau tiêu chí này mới là tiêu chí "nhận tội".
Còn theo kinh nghiệm của giới luật sư chuyên bào chữa chpo bị cáo, "thái độ khai báo thành khẩn" sẽ giúp cho bị cáo được tòa án giảm khoảng 20% mức án.
Như vậy, bước đầu cả Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng đều đã mất "lợi thế so sánh" 20% đó.
Hiện tượng cơ quan an ninh điều tra "chủ động" thông tin cho báo chí về "thái độ khai báo không thành khẩn" của Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng đã bổ túc thêm một cơ sở quan trọng mà cho thấy vụ án của "cặp đôi hoàn hảo" này – khả năng nhiều được đưa ra xét xử vào tháng Giêng năm 2018 – đã được "bỏ túi".
Trước đó, đã có một dấu hiệu "bỏ túi" khác : ngày 20/12/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đột ngột thông báo về bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng. Kết luận điều tra này lại được hoàn tất trong một thời gian kỷ lục là 12 ngày kể từ ngày ông Thăng bị bắt là 8/12. Trong khi đó ở Việt Nam, một vụ án từ khâu khởi tố để điều tra cho đến khi cơ quan điều tra có kết luận điều tra kéo dài từ "một lệnh" ("lệnh" tương đương với thời hạn tạm giam từ 3 đến 4 tháng). Nhiều trường hợp kéo dài đến 3 – 4 "lệnh".
Sang ngày 21/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất và chuyển kết luận điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) sang Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 22 bị can.
Trong đó, ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, cùng 11 bị can bị đề nghị truy tố về tội cố ý làm trái, 8 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội tham ô tài sản. Riêng hai bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị PVC và Vũ Đức Thuận, nguyên tổng giám đốc PVC, bị đề nghị truy tố cả 2 tội danh.
Như vậy, hồ sơ truy tố Đinh La Thăng đã được "ghép" cùng vụ Trịnh Xuân Thanh tại tòa trong phiên xử vào tháng Giêng năm 2018 chứ không đợi đến tháng 2/2018 tại phiên tòa xử Hà Văn Thắm. Theo kịch bản này, chính Trịnh Xuân Thanh có thể vừa là bị cáo vừa là nhân chứng : bị cáo trong vụ án của mình, và là nhân chứng chống lại Đinh La Thăng.
Và như vậy, Đinh La Thăng sẽ phải ra tòa không phải một mà ít nhất 2 vụ án : vụ PVC và vụ Ngân hàng Đại Dương. Khi đó, tội của ông Thăng càng nguy ngập hơn.
Chỉ đạo hoàn thành quá gấp gáp kết luận điều tra đối với Đinh La Thăng đã gần như chấm dứt cơ hội can thiệp của "thái thượng hoàng" (nếu có) để thả ông Thăng trong quá trình ông bị tạm giam.
Hiện tượng Bộ Công an thậm chí còn chủ động cung cấp thông tin việc hoàn tất kết luận điều tra và vụ án Thanh – Thăng cho báo chí nhà nước đăng tải càng cho thấy Tổng bí thư Trọng muốn "đặt sự đã rồi" và lập tức trấn áp các phản ứng và can thiệp chạy tội cho Đinh La Thăng.
Nếu không xảy đến một phép màu nào, Đinh La Thăng Việt Nam sẽ biến thành Bạc Hy Lai Trung Quốc.
Năm 2012, khi Tập Cận Bình khởi động chiến dịch vừa chống tham nhũng vừa thanh trừng phe phái trong đảng, Ủy viên bộ chính trị, Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã bị cách chức, để sau đó đã bước đi tuần tự, "đúng quy trình", bị bắt giam và cuối cùng phải ra tòa nhận án đến chung thân.
5 năm sau đến lượt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng ở Việt Nam.
Nếu chỉ riêng vụ PVC với tội "cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng", ông Đinh La Thăng có thể phải nhận mức án hàng chục năm tù giam. Còn nếu cộng cả hình phạt từ 2 vụ án mà ông Đinh La Thăng phải hầu tòa, mức án chung dành cho ông có lẽ sẽ ngất ngưởng.
Thiền Lâm
*********************
Chính quyền Việt Nam hôm 26/12 ra cáo trạng truy tố ông Trịnh Xuân Thanh và ông Đinh La Thăng trong vụ án "cố ý làm trái quy định" và "tham ô tài sản". Theo đó, ông Thanh sẽ đối mặt với án tử hình trong phiên tòa dự kiến vào tháng 1/2018 và ông Thăng có thể đối mặt với mức án lên đến 20 năm tù.
Truyền thông trong nước hôm 26/12 loan tin, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), và Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), cùng với 20 bị can khác.
Báo Pháp Luật trích cáo trạng nói ông Thăng phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Khoản 3 Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo cáo trạng, ông Thăng có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 với tư cách là người đứng đầu. Ông Thăng bị cho là đã chỉ định PVN thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo công ty con PV Power ký hợp đồng với PVC ‘trái quy định’. Sau đó ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu đôla và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC để ông Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích.
Truyền thông trong nước trích lời Bộ Công An nói rằng ông Đinh Mạnh Thắng, em trai của ông Thăng, cũng đã bị bắt, đã chuyển một vali chứa 14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh.
Về phần ông Thanh, trong quá trình thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thanh giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, đã chỉ đạo cấp dưới chi cho PVC hơn 6,6 triệu đôla và hơn 1.312 tỉ đồng, đồng thời gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 119 tỉ đồng.
Vẫn theo cáo trạng, ông Thanh phạm hai tội : "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và " Tham ô tài sản" quy định theo khoản 3 Điều 165 và khoản 4, Điều 278, Bộ luật Hình sự năm 1999, Báo Pháp Luật cho biết.
Báo chí Việt Nam dẫn lời giới thẩm quyền, nói rằng trong quá trình điều tra, ông Thanh "khai báo không thành khẩn, quanh co, chối tội", và sau khi phạm tội "đã bỏ trốn gây khó khăn, cản trở điều tra" và đó là những tình tiết cần xem xét "để áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc"".
Vào đầu tháng này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố muốn "khẩn trương" đưa ra xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh, mà ông cho là một vụ án "đặc biệt". Đầu năm nay, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuyên bố sẽ "bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh để đưa về nước xét xử". Nhiều chuyên gia cho rằng "bắt cóc" ông Thanh và đưa ông về Việt Nam nằm trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng.
Hãng tin DPA của Đức tường thuật rằng chính phủ Đức và sứ quán Đức đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tiếp theo trong vụ xử ông Trịnh Xuân Thanh, và sẽ đưa ra những quyết định thích hợp cho mối quan hệ song phương với Việt Nam. Cũng theo hãng thông tấn Đức, Việt Nam "đã biết lập trường của chính phủ liên bang Đức đối với một bản án tử hình" trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Trong một email ngày 20/12 vừa qua, Sứ quán Đức khẳng định với VOA-Việt ngữ : "Chúng tôi có kế hoạch quan sát phiên tòa xét xử ông Trịnh Xuân Thanh".
Phiên tòa xử ông Thanh có nhiều khả năng sẽ bắt đầu vào ngày 10/1/2018, theo luật sư người Đức từng làm thủ tục xin tị nạn cho ông Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Schlagenhauf.
Theo chính phủ Đức, ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc từ Berlin và đưa về Việt Nam hôm 23/7, ông được coi là một ‘mắt xích quan trọng’ trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chiến dịch gọi là "đốt lò" của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã gây chấn động sau khi Ủy viên bộ Chính trị Đinh La Thăng bị bắt hôm 8/12.
Ông Trịnh Xuân Thanh được coi là "thuộc hạ thân tín" của ông Đinh La Thăng. Cả 2 từng là lãnh đạo ngành dầu khí và bị Hà Nội cáo buộc tội danh "cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng".