Quy định chỉ được hỏi cung khi có ghi âm, ghi hình (RFA, 14/03/2018)
Cơ quan chức năng Việt Nam gồm Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ quốc phòng vừa ban hành Thông tư liên tịch số 03/2018 về trình tự ; thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh ; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Những qui định này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 18 tháng 3 năm 2018.
Ảnh minh họa một phòng hỏi cung. AFP
Theo đó, cán bộ thực hiện việc hỏi cung hoặc lấy lời khai phải đăng ký với cán bộ chuyên môn tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để được sắp xếp phòng chuyên dụng trong việc ghi âm, ghi hình có âm thanh. Trong tất cả mọi trường hợp phải thực hiện việc hỏi cung trong phòng chuyên dụng này và phải được thông báo cho người bị hỏi cung và ghi vào biên bản.
Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh phải được thực hiện ngay khi bắt đầu cuộc hỏi cung bằng cách nhấn nút bắt đầu. nếu tạm dừng cũng phải nhấn nút tạm dừng và tất cả phải được ghi vào biên bản.
Trong giai đoạn điều tra, kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh sẽ được sử dụng trong trường hợp bị can thay đổi lời khai so với lời khai ban đầu, đồng thời kiểm tra cách làm việc của điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, kiểm tra viên trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai.
Trong giai đoạn truy tố, kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh sẽ được dùng làm cơ sở xác định tính khách quan trong hỏi cung ; đánh giá chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm.
Do đó, nếu không có thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung. Nếu đang hỏi cung mà thiết bị hư hỏng thì phải dừng ngay buổi hỏi cung. Việc này phải được ghi rõ trong biên bản, có xác nhận của cán bộ chuyên môn.
Đây được đánh giá là một bước tiến nhằm hạn chế tình trạng oan, sai, bức cung, nhục hình trong hoạt động tố tụng.
Dự thảo Thông tư này được ban hành và truyền thông trong nước loan tin vào ngày 8 tháng 11 năm 2017.
********************
Ông Phạm Công Út bị xóa tên khỏi đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (VOA, 14/03/2018)
Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh hôm 12/3 ra quyết định xóa tên ông Phạm Công Út khỏi danh sách luật sư của đoàn. Báo chí Việt Nam dẫn thông tin từ Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng đây là biện pháp kỷ luật áp dụng cho việc ông Út không thực hiện được một hợp đồng với khách hàng.
Tin cho hay ông Út trước đây ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng và nhận ngay 1 tỉ đồng. Ngoài số tiền đó, ông còn được nhận 30% giá trị tài sản thu hồi được, nếu thực hiện hợp đồng thành công. Nhưng ông chỉ hoàn trả một phần tiền cho khách hàng vì không có khả năng thực hiện hợp đồng.
Ông Út và khách hàng đã thực hiện hòa giải, tường thuật của các báo cho hay. Trong quá trình này, ông Út không thừa nhận sai phạm nhưng đã trả lại cho thân chủ 500 triệu đồng và đề nghị thân chủ rút đơn khiếu nại, nếu không ông sẽ kiện đòi lại tiền. Thân chủ không đồng ý và yêu cầu ông Út trả nốt số tiền còn thiếu.
Sự việc này bị Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh quy là vi phạm Luật luật sư và các quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam. Dựa vào lý do đó, đoàn đã ra quyết định kỷ luật kể trên.
Trang tin VietnamNet dẫn lời ông Út nói ông "không muốn khiếu nại" và gia đình ông không muốn ông "theo con đường luật sư này từ lâu rồi vì nó nguy hiểm quá, nhiều kẻ thù quá."..
Trên Facebook cá nhân vào tối 12/3, ông Út viết : "Có lẽ tôi là người có nhiều kẻ thù, vì tôi mở ra một nhóm mang tên ‘Hội đồng bào chữa’ […] mà trở thành cái gai trong mắt của những người cầm quyền hay cầm tiền".
Trong những năm gần đây, luật sư Út – sau khi sáng lập nhóm có tên "Hội đồng bào chữa" – đã đứng ra tranh luận, bảo vệ cho nhiều người được coi là bị cáo buộc hay kết án oan ở nhiều nơi.
Hồi tháng 11 năm ngoái, đoàn luật sư tỉnh Phú Yên đã xóa tên luật sư Võ An Đôn sau khi xác định rằng ông Đôn "lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài, bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, đảng, nhà nước Việt Nam".
Bình luận về việc xóa tên luật sư Phạm Công Út, ông Đôn viết trên Facebook cá nhân rằng lại có thêm một người nữa giống ông, còn quyết định xóa tên là "vô nhân đạo", nhằm dằn mặt 14.000 luật sư trên cả nước, với thông điệp "Nếu muốn sống yên thân làm nghề luật sư thì đừng lên tiếng với bất công của xã hội".
Ông Đôn, người từng bào chữa cho nhiều nhà hoạt động và người yếu thế, chất vấn rằng việc tranh chấp tiền thù lao giữa luật sư và khách hàng nếu không thỏa thuận được giữa các bên, cần mang ra tòa giải quyết theo luật, tại sao đoàn luật sư "lại lấy lý do này kỷ luật xóa tên luật sư Út".
Luật sư đã bị xóa tên năm ngoái khẳng định : "Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư chẳng làm được trò trống gì ngoài việc tìm cách tiêu diệt luật sư theo sự chỉ đạo của kẻ có quyền".