Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lạm dụng tình dục lan tràn ở Việt Nam !

RFA, 19/04/2023

Cơ quan Cảnh sát Điều tra huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình hôm 17/4 cho truyền thông Nhà nước biết đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố và bắt tạm giam bị can ông B.C.T. - hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Bình Sơn để điều tra về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

viahe3

Công an bắt tạm giam ông B.C.T. hôm 17/4/2023. Courtesy Công an Hòa Bình

Theo cáo trạng, trước đó, vào đầu tháng tư, sau khi gọi hai học sinh lớp 9 lên phòng làm việc, ông hiệu trưởng đã hỏi em Tr.T.H.N. (15 tuổi) và P.T.T. (15 tuổi) là học sinh lớp 9 trường Bình Sơn về chuyện tình dục và có hành vi dâm ô.

Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên tại trường trung học phổ thông Thường Tín - Hà Nội, hôm 19/4 nhận định :

"Ngành giáo dục liên tục có những chuyện xâm phạm thân thể, tinh thần học sinh từ hàng chục năm nay mà mãi không chấm dứt. Tôi từng này tuổi mà còn bị chúng công khai để làm như thế, thì bản thân em học sinh yếu đuối như thế thì không biết làm cái gì ? Hầu như 100 % các trường bỏ mặc chuyện giáo dục cho học sinh những kỹ năng bảo vệ mình trong nhà trường. Đầu tiên là kỹ năng đối phó với những sai trái trong trường học, như là như kỹ năng chống bắt nạt học đường, bạo lực học đường, kỹ năng đối phó với chuyện khủng bố của giáo viên. Những kỹ năng ấy gần như người ta bỏ mặc hay là chuyện giáo viên xâm hại tình dục học sinh chẳng hạn".

Thầy Khoa cho biết, một phần là do cách hành xử của học sinh và giáo viên dẫn đến chuyện xâm phạm lập đi lập lại. Ông nói tiếp :

"Tôi có nói với các em học sinh là các em phải biết bảo vệ mình trước những sai trái. Nhưng khi chúng tôi nói chuyện đó thì hiệu trưởng còn cho là tôi nói chuyện như thế là không phù hợp với lứa tuổi học sinh".

Trước đó, vào tháng 12 năm 2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã khởi tố và bắt giam ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi". Đến năm 2019, ông Đinh Bằng My bị kết án tám năm tù vì dâm ô bảy nam sinh ở Phú Thọ.

viahe4

Cựu Hiệu trưởng Đinh Bằng My bị Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ hôm 29/10/2019, tuyên 8 năm tù giam vì phạm tội dâm ô và thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi. File photo.

Để tìm hiểu thêm về mặt pháp luật, RFA hôm 19/4 liên lạc một cựu Thẩm phán, Luật sư tại Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an ninh, và được ông giải thích :

"Luật hình sự Việt Nam không quy định ở môi trường nào, chỉ quy định xâm phạm lứa tuổi nào. Ví dụ 13 tuổi trở lại ; trên 13 tuổi cho đến đủ 16 tuổi ; trên 16 tuổi cho đến 18 tuổi và trên 18 tuổi. Vấn đề còn lại đối với thầy cô giáo và học trò, tức là người dưới sự quản lý của mình, hay phụ thuộc vào mình như cha dượng với con riêng của vợ… là tình tiết tăng nặng. Chứ không dành riêng một điều luật, ví dụ người dưới 13 tuổi cho dù đứa bé đó cho phép thì vẫn là hiếp dâm. Còn đủ 13 tuổi cho tới dưới 16 tuổi thì là giao cấu với trẻ em. Luật hiện nay có sự thay đổi, trước đây chủ thể xâm hại có thể là nữ thôi, nhưng bây giờ bất kỳ ai ví dụ một nam bị xâm hại tình dục thì người xâm hại là ai vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

Liên quan trường hợp hiệu trưởng Trường tiểu học và Trung học cơ sở xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình có hành vi dâm ô hai học sinh lớp 9, vị Luật sư nói thêm :

"Nếu dâm ô với một nạn nhân thì khác, còn hai trẻ em thì tình tiết tăng nặng, coi là phạm tội đối với nhiều người. Đây là tình tiết tăng nặng, nó sẽ bù trừ cho những tình tiết giảm nhẹ. Ví dụ ông này có nhiều bằng khen, huy chương gì đó sẽ giảm trừ đi. Vấn đề thứ hai là quá trình điều tra chứng minh ông đã nhiều lần mời hai bé này lên, từ hai lần trở lên gọi là phạm tội nhiều lần đối với nhiều người, đó là tình tiết tăng nặng. Nhưng tình tiết giảm nhẹ không theo luật, chỉ là sáng chế ra một cách tùy tiện ở trong một phiên tòa nào đó".

Vấn đề hành xử, giáo dục, nhận thức liên quan tình trạng lạm dụng tình dục ; đặc biệt trong môi trường học đường được giáo dục ra sao ? Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, khi trao đổi với RFA tối 19/4 cho biết :

"Giáo dục giới tính ở phổ thông họ có dạy chứ không phải không, còn thỉnh thoảng xảy ra những vụ lạm dụng tình dục như vậy là một nỗi đau. Ở Việt Nam gần đây mới thỉnh thoảng thấy có báo chí đăng lên cái đó, tôi tin rằng đó là bề nổi của tảng băng thôi. Nó liên quan một phần văn hóa người Việt, nhiều người sợ hãi chuyện đó, thường thường họ che giấu, họ không dám phản ứng. Chẳng hạn như vụ của Dạ Thảo Phương, đã bị lạm dụng từ thời chị ấy còn rất trẻ, nhưng mãi đến bây giờ mấy chục năm sau chị mới dám công khai lên tiếng nói rõ người đã xâm hại chị là ai. Mấy chục năm sống âm thầm như vậy để thấy rằng đó là một khía cạnh của văn hóa Việt Nam".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, như thế cũng có thể tin rằng những gì được biết qua báo chí chỉ là phần ít, còn nạn nhân không dám lên tiếng là phần nhiều hơn. Ông Dũng cho biết ông tin rằng, sự thay đổi không thể một sớm một chiều mà phải cần nhiều thời gian.

Bà Dạ Thảo Phương mà Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng nhắc đến là một Nhà thơ, hiện đang sống tại Cyprus. Hôm 3/4/2022, bà đã đăng trên Facebook rằng bà từng bị ông Lương Ngọc An trong quãng thời gian từ năm 1999 đến năm 2000 đã nhiều lần quấy rối tình dục, bất chấp những phản đối quyết liệt của bà. Sau đó bà cùng với sự làm chứng của nhiều người, đã tố cáo với lãnh đạo Báo Văn nghệ, là cơ quan chủ quản của hai người khi đó, nhưng đã không được giải quyết thỏa đáng.

Nguồn : RFA, 19/04/2023

***********************

Rầm rộ ra quân lấy lại vỉa hè lần này có thành công ?

RFA, 19/04/2023

Sáng 19/4/2023, Ủy ban Nhân dân quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh đã làm lễ ra quân lập lại trật tự đô thị, quyết tâm lấy lại vỉa hè, xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm, lấn chiếm.

viahe1

Buôn bán trên vỉa hè ở Hà Nội. Ảnh minh họa. AFP

Hồi tháng 2/2017, chiến dịch dọn dẹp vỉa hè gây xôn xao công luận khi ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 lúc đó, phát động chiến dịch xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Ông Đoàn Ngọc Hải nổi tiếng với tuyên bố "không lấy lại được vỉa hè sẽ cởi áo từ quan". Chủ trương của ông Hải là dẹp tất cả những gì bị coi là lấn chiếm vỉa hè, xử phạt các quán nhậu bày bàn ghế trên vỉa hè, cho cẩu xe đậu ở nơi cấm, phá dỡ các bệ dắt xe lấn chiếm vỉa hè, dỡ phông bạt vươn ra vỉa hè…

Hành động của ông Hải nhận không ít ý kiến phản đối từ phía người dân nên chỉ mấy tháng sau, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 1 và Quận ủy quận 1 đã ra văn bản yêu cầu ông Hải phải ngưng chiến dịch dọn dẹp vỉa hè do ông dẫn đầu.

Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nêu quan điểm của ông với RFA :

"Trước đây ở quận 1 có một ông phó chủ tịch đi nhắc nhở, dọn dẹp nhưng sau một thời gian vẫn hồi phục lại vì công ăn việc làm cho số người đó chưa giải quyết được và chưa đào tạo nghề cho họ. Nếu muốn giải quyết vấn đề này đòi hỏi một khoảng thời gian và đầu tư, cơ bản giảm bớt số người kiếm ăn ở khu vực phi hình thức, tạo điều kiện cho người ta có trình độ, chuyên môn, và đặc biệt là có số vốn nhất định để người ta có thể kinh doanh, có cửa hàng hoặc chỗ cố định để sản xuất hoặc dịch vụ".

Những năm qua, nhiều chiến dịch lập lại trật tự, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ được các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, nhưng rồi thất bại. Trao đổi với truyền thông Nhà nước, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa lý giải sự thất bại là do sự thiếu quyết tâm của chính quyền ; sự thiếu chấp hành của người dân và thiếu tính toán trong vấn đề an sinh xã hội khi người dân không còn được buôn bán ở vỉa hè.

Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định với RFA :

"Những phong trào rộ lên ra quân rồi đầu voi đuôi chuột đã xảy ra lâu nay. Cũng có cái thành công, có cái thất bại. Nhưng riêng chuyện dọn dẹp vỉa hè, đường phố cho trật tự thì luôn luôn thất bại. Nó phản ánh cái tư duy làm việc, cái phong cách làm việc của cán bộ nhà nước Việt Nam không nhất quán ; không kiên trì và không có đôn đốc đến nơi đến chốn từ cấp trên với cấp dưới.

Khách quan mà nói, bà con mình cũng nghèo phải mưu sinh ở vỉa hè. Bây giờ mà dẹp hoàn toàn thì khác gì đẩy họ vào chỗ chết. Cho nên nó rất khó. Có một số địa phương người ta có những giải pháp, tuy không hoàn toàn nhưng cũng giải quyết được tương đối với điều kiện lãnh đạo địa phương phải thật sự cùng quan điểm với nhau và lo lắng đến đời sống người dân".

Ngày 10/01/2023, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin về tình hình lao động việc làm cả năm 2022. Theo đó, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong năm 2022 là 65,6%. Lao động phi chính thức là những lao động không có hợp đồng cố định, không có bảo hiểm, một trong những hình thức đó là bán hàng vỉa hè. Với số dân mưu sinh vỉa hè lớn như ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chuyện lấy lại vỉa hè cho người đi bộ là chuyện dường như không thể.

viahe2

Buôn bán trên vỉa hè. AFP

Phát biểu tại lễ ra quân dọn dẹp vỉa hè quận 3 hôm 19/4, ông Trần Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND quận này thừa nhận việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán diễn ra nhiều nơi. Ngoài ra, tình trạng dừng đậu xe không đúng quy định, việc xả rác, quảng cáo, rao vặt vẫn phổ biến.

Chị Thủy, một người dân quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, nói với RFA suy nghĩ của chị :

"Cái chuyện dẹp lòng lề đường là đã từ xưa rồi chứ không phải bây giờ mới làm, bởi vì họ muốn lề đường thông thoáng sạch sẽ. Nhưng vì họ không giải quyết từ gốc, tức vấn đề mưu sinh của người dân, mà cứ giải quyết từ ngọn. Đó là lý do cứ dọn chỗ này thì họ chạy qua chỗ khác. Qua chiến dịch thì đâu lại vào đó".

Theo chị Thủy, việc dọn dẹp vỉa hè theo chủ trương của lãnh đạo các quận, huyện nên có có hoạch cụ thể, từng bước. Không nên mở chiến dịch ồ ạt ở khắp nơi khiến dân lao động ‘mất nồi cơm’ mà không có sự chuẩn bị. Nếu làm thì phải thí điểm từ phường lên quận và làm đến nơi đến chốn.

Luật sư Đặng Trọng Dũng thì cho rằng :

"Cái vấn đề lấy lại vỉa hè cho người đi bộ gần như là bất khả thi. Giành giật vỉa hè với người dân là chuyện bất khả thi. Tôi nghĩ, nếu giải quyết vấn đề vỉa hè thì phải có một cuộc hội thảo chuyên về lĩnh vực này và phải làm đến nơi đến chốn. Nếu được như thế thì mới lấy lại vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp được".

Vị luật sư này nói thêm, cách làm đúng của chính quyền là làm sao cho dân ủng hộ. Tránh đối đầu với dân. Ai cũng muốn sống trong một đô thị sạch sẽ, người đi bộ được đi trên vỉa hè, nhưng phải hài hòa với câu chuyện kinh tế vỉa hè của người dân.

Thực tế cho thấy khi lực lượng chức năng chuyển sang giải tỏa khu khác thì chỉ vài ngày sau, nhiều đoạn vỉa hè vừa giải tỏa xong lại bị người buôn bán nhỏ tái chiếm. Cơ quan chức năng không thể đủ người để ngày nào cũng canh chừng tất cả vỉa hè. Ngay tại quận 1, những chỗ bị đập phá từ năm 2017 vẫn không được xây lại trông càng nhếch nhác, nham nhở hơn trước.

Tại Hà Nội, chính quyền thủ đô cũng đã năm lần phát động chiến dịch "giành lại vỉa hè" ; thậm chí thành lập "Ban chỉ đạo" với nhiệm vụ gọi là xóa bỏ việc lấn vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh trái phép. Vừa qua lại có đề xuất "cho thuê vỉa hè". Mọi giải pháp hầu như đều vấp phải phản ứng tiêu cực từ phía người dân.’

Nhiều người cho rằng, kinh tế vỉa hè đã trở thành nét văn hóa đặc thù của nhiều thành phố lớn tại Việt Nam. Nếu lãnh đạo thành phố tổ chức lấy ý kiến người dân để quy hoạch một cách hợp lý thì vừa giữ được môi trường buôn bán cho dân nghèo, vừa đưa kinh tế vỉa hè thu hút khách du lịch, phát huy nét đẹp văn hóa đô thị.

Nguồn : RFA, 19/04/2023

Published in Việt Nam

Mấy tháng trước có một làn sóng phẫn nộ của công chúng về quyết định của một tòa án kết án 18 tháng tù treo cho một kẻ 78 tuổi lạm dụng tình dục trẻ em ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

abuse1

Sơ đồ lạm dụng tình dục trẻ em ở Việt Nam - Hình Inquier

Sự phản đối quyết liệt đã dẫn đến một động thái chưa từng có của Tòa án Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh : bác bỏ bản án trước đó và thay bằng một bản án tù 3 năm cho kẻ phạm tội Nguyễn Khắc Thủy.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm thấy mức án của Thủy chưa xứng với nỗi đau mà tên này đã gây ra cho nạn nhân và gia đình.

Mối quan tâm của công chúng về vấn đề xâm hại trẻ em đã gia tăng rõ rệt trong thời gian gần đây.

"Thật tốt khi công chúng đã góp phần khám phá nhiều trường hợp lạm dụng tình dục. Công nghệ và các phương tiện truyền thông đang giúp mọi người chụp cảnh và cung cấp bằng chứng cho các cơ quan chức năng để sử dụng", theo bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Thống kê từ Bộ Lao động, thương binh và xã hội, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm bảo vệ trẻ em, cho thấy trong năm tháng đầu năm nay, 570 trong số 700 trường hợp lạm dụng trẻ em được báo cáo có tính chất xâm hại tình dục.

Hoàng Tú Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), cho biết so với hơn 1.000 trường hợp quấy rối tình dục trẻ em được Bộ Lao động, thương binh và xã hội đưa ra hàng năm (và số thực tế có thể cao hơn), số trường hợp được đưa ra toà án vẫn còn thấp ở mức đáng lo ngại.

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung thú nhận rằng một số trường hợp liên quan đến bạo lực và quấy rối trẻ em chưa được giải quyết đúng cách.

Nhiều bản án nhẹ được đưa ra gây sự phẫn nộ của công chúng.

Ví dụ, một tài xế xe đạp Grab ở Hà Nội chỉ bị phạt 200.000 đồng vì tội lạm dụng tình dục bằng lời nói một cháu gái chín tuổi.

Trong một câu chuyện bi thảm khác, một tên tội phạm hiếp dâm trẻ em ở tỉnh Tây Ninh không có dấu hiệu sợ hãi sau khi bị nêu tên, và còn đe dọa sẽ đệ đơn kiện gia đình nạn nhân sau khi bị gia đình hàng xóm này tố cáo các hành vi dâm dục với đứa con gái sáu tuổi của họ. Trong nỗi tuyệt vọng, cha của đứa trẻ đã uống thuốc trừ sâu để tự tử.

Hiện tại có 17 cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm bảo vệ trẻ em, nhưng phần nhiều "gia đình nạn nhân bị cô lập", Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhượng nói với Bộ trưởng Dung trong một phiên chất vấn.

Hoàng Tú Anh cho rằng, trong nhiều trường hợp, phải mất nhiều thời gian để kết thúc một vụ án xâm hại trẻ em, và đôi khi cho các bản án được thực hiện, và nhiều trường hợp khác bản án không được thực thi.

Điều này đặt ra câu hỏi về năng lực và vị thế đạo đức của các cơ quan tư pháp và công quyền, bà nói.

"Chúng tôi cần xem xét lại quá trình điều tra. Chỉ khi pháp luật công bằng và rõ ràng thì chúng ta sẽ có được niềm tin của công chúng và giúp các nạn nhân tự tin lên tiếng", Hoàng Tú Anh nói.

abuse2

Những nụ cười trẻ thơ - Ảnh Inquirer

Về hệ thống pháp luật của đất nước, Vijaya Ratnam-Raman, cố vấn pháp lý về quyền trẻ em của Văn phòng UNICEF tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã có luật vững chắc nhưng những luật đó cần được thực hiện hiệu quả.

"Theo luật pháp Việt Nam, trẻ em được định nghĩa là dưới 16 tuổi. Điều này có nghĩa là Luật Trẻ em không áp dụng để bảo vệ cho những người từ 16 tới dưới 18 tuổi. Do đó, số trẻ em bị lạm dụng tình dục nhiều hơn báo cáo", ông nói.

Bà Ninh Thị Hồng nói rằng vấn đề nằm trong sự thiếu hợp tác giữa các cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

Khi một vụ kiện quấy rối tình dục bị phát hiện, phía công an bắt đầu điều tra, trong khi các cơ quan khác có nhiệm vụ giúp đỡ các nạn nhân. Mỗi cơ quan có một nhiệm vụ riêng nhưng họ thiếu sự cộng tác.

"Không ai trong số những cơ quan này có thể giải quyết vấn đề một cách riêng lẻ, nó đòi hỏi một phản ứng đa ngành", Raman nói.

Đặng Hoa Nam, Trưởng phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội, tuyên bố rằng Bộ luôn cố gắng bảo vệ quyền riêng tư của nạn nhân và đó là ưu tiên hàng đầu.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ quyền riêng tư của nạn nhân, Chính phủ đã giao Bộ Lao động, thương binh và xã hội làm việc với các cơ quan tư pháp để thu thập bằng chứng về điều tra, ông nói thêm.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm bảo vệ trẻ em giữa các cơ quan Nhà nước, ông Nam cho biết, theo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã và cấp tỉnh nơi các cuộc tấn công tình dục diễn ra phải chịu trách nhiệm.

Trong trường hợp các ủy ban không thể xử lý vụ việc, cần báo cáo cho các cấp cao hơn hoặc cần được giúp đỡ từ các địa phương khác hoặc các cơ quan chính phủ. Nếu các địa phương hoặc các cơ quan chính phủ không hỗ trợ, họ phải chịu trách nhiệm, ông nói.

Trong khi luật pháp quy định chính quyền xã nên bảo vệ quyền lợi của nạn nhân và gia đình họ, nhiều cộng đồng không có nhân viên xã hội chuyên nghiệp, theo Raman.

"Trong khi vai trò của nhân viên chuyên ngành làm việc về phúc lợi xã hội là rất quan trọng để bảo vệ trẻ em một cách đầy đủ, trình độ chuyên môn vẫn còn thấp rất nhiều so với yêu cầu", ông nói.

Hợp tác công-tư

Trong khi các cơ quan công quyền thất bại trong việc thực hiện các chính sách hoặc đưa ra các giải pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ em, một số cá nhân và tổ chức xã hội đã bước vào.

Nhấn mạnh sự cần thiết của một cách tiếp cận dựa vào cộng đồng để ngăn chặn quấy rối tình dục, Phạm Minh Anh, một giảng viên tại Lớn lên an toàn (Grow Up Safely), một sáng kiến ​​xã hội, nói rằng sự cộng tác chặt chẽ giữa các trường học, gia đình và cộng đồng là rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Tổ chức Lớn lên an toàn được thiết lập bằng nguồn hỗ trợ 10.000 USD từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Sáng kiến ​​này đã giúp nâng cao nhận thức về lạm dụng tình dục trong số gần 1.200 học sinh tiểu học ở vùng cao nguyên phía Bắc, bao gồm tỉnh Hà Giang và Lào Cai, trong hai năm qua.

Thông qua các trò chơi hấp dẫn và tương tác, các giảng viên của dự án, chủ yếu là sinh viên đại học, nhẹ nhàng truyền đạt những bài học sâu sắc về tự yêu cơ thể mình, tôn trọng quyền riêng tư và phòng ngừa quấy rối tình dục cho trẻ em.

Bên cạnh những bài học thực tế, họ cũng có một trang Facebook chính thức để cha mẹ có thể dạy con cái của họ ở nhà.

"Đối với trẻ em ở vùng cao nguyên phía Bắc, chúng tôi bắt đầu bằng cách dạy chúng về các bộ phận cơ thể, và cách chăm sóc và yêu thương bản thân. Phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em nên luôn luôn được đề cập cuối cùng", Minh Anh nói.

"Ví dụ, chúng tôi đưa ra một danh sách kiểm tra cho cha mẹ trước khi họ đăng ảnh của con cái của họ trên Internet, và đây là việc quan trọng để bảo vệ trẻ em khỏi bị quấy rối tình dục, mặc dù nó thường bị bỏ quên", cô nói thêm.

Các cơ quan nhà nước cũng tỏ ra quan tâm đến dự án.

Theo Minh Anh, nhóm nghiên cứu đã làm việc với Ủy ban Nhân dân phường Trung Liệt của Hà Nội để thực hiện một chương trình tương tự cho trẻ em trong khu vực.

Những nỗ lực hợp tác đã củng cố niềm tin của họ rằng tác động của quan hệ cộng tác công-tư có thể ngăn chặn tình trạng trẻ em bị lạm dụng.

"Chính phủ có một số cơ chế để bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn là cách sử dụng những cơ chế này một cách hiệu quả. Chúng tôi cần tăng cường hợp tác giữa các trường học, gia đình và cộng đồng để tránh bất kỳ tác hại nào xảy ra với trẻ em của chúng ta", Minh Anh nói.

Đầu tư thực dụng hơn

Chia sẻ cùng một sự thất vọng, Tú Anh đã lấy đường dây nóng bảo vệ trẻ em quốc gia 111 làm ví dụ, nói rằng do quá tải, một trong những người quen của cô đã phải vật lộn để kết nối với một nhà điều hành.

Cô đề nghị đường dây nóng nên được công bố bởi các phương tiện truyền thông trong giờ cao điểm.

Trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ trẻ em thuộc chính phủ cũng nên được công khai để công chúng có thể giám sát hoạt động và hiệu quả của họ, cô nói.

Để cải thiện các nỗ lực bảo vệ trẻ em, các quỹ nên được gây quỹ từ thiện và các tháng hành động nên được đầu tư cụ thể vào trẻ em và những người làm việc trực tiếp về bảo vệ trẻ em.

Raman của UNICEF đã đề xuất Việt Nam nên rót nhiều ngân sách và xây dựng năng lực để ứng phó với tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em.

"Thêm nữa, các chuyên gia bao gồm cả nhân viên xã hội, giáo viên, bác sĩ và y tá cần phải được đào tạo kỹ năng trong giao tiếp với trẻ em và ngân sách nhà nước cần phải được phân bổ để làm cho các biện pháp hiệu quả", ông nói.

"Im lặng cho phép bạo lực tiếp tục. Do đó, những nỗ lực cần được thực hiện để khuyến khích các cộng đồng, gia đình và trẻ em lên tiếng chống lại tất cả bạo lực đối với trẻ em", ông nói thêm.

"Trên toàn thế giới, những gì các quốc gia nhận ra là một khi một đứa trẻ bị lạm dụng tình dục, thiệt hại đã xảy ra. Do đó, nếu bạn đầu tư vào phòng chống bạo lực trẻ em, hãy ngăn chặn nó trước khi nó xảy ra, nó sẽ là việc sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và cũng có lợi cho trẻ em, gia đình và cộng đồng", ông kết luận.

Tháng Sáu, tháng hành động bảo vệ trẻ em quốc gia, hiện đã kết thúc, nhưng tất cả những gì chúng ta thấy là nhiều người cưỡi xe đạp vẫy biểu ngữ về bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, nó đã được chứng minh rằng những nỗ lực này chỉ đơn giản là không nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề này.

Nguyên tác : Child sexual abuse preventions need to go beyond empty slogans, Inquirer, 01/07/2018

Vũ Quốc Ngữ dịch

Nguồn : VNTB, 04/07/2018

Published in Diễn đàn