Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/04/2023

Lạm dụng tình dục học đường và lấy lại vỉa hè

RFA tiếng Việt

Lạm dụng tình dục lan tràn ở Việt Nam !

RFA, 19/04/2023

Cơ quan Cảnh sát Điều tra huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình hôm 17/4 cho truyền thông Nhà nước biết đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố và bắt tạm giam bị can ông B.C.T. - hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Bình Sơn để điều tra về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

viahe3

Công an bắt tạm giam ông B.C.T. hôm 17/4/2023. Courtesy Công an Hòa Bình

Theo cáo trạng, trước đó, vào đầu tháng tư, sau khi gọi hai học sinh lớp 9 lên phòng làm việc, ông hiệu trưởng đã hỏi em Tr.T.H.N. (15 tuổi) và P.T.T. (15 tuổi) là học sinh lớp 9 trường Bình Sơn về chuyện tình dục và có hành vi dâm ô.

Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên tại trường trung học phổ thông Thường Tín - Hà Nội, hôm 19/4 nhận định :

"Ngành giáo dục liên tục có những chuyện xâm phạm thân thể, tinh thần học sinh từ hàng chục năm nay mà mãi không chấm dứt. Tôi từng này tuổi mà còn bị chúng công khai để làm như thế, thì bản thân em học sinh yếu đuối như thế thì không biết làm cái gì ? Hầu như 100 % các trường bỏ mặc chuyện giáo dục cho học sinh những kỹ năng bảo vệ mình trong nhà trường. Đầu tiên là kỹ năng đối phó với những sai trái trong trường học, như là như kỹ năng chống bắt nạt học đường, bạo lực học đường, kỹ năng đối phó với chuyện khủng bố của giáo viên. Những kỹ năng ấy gần như người ta bỏ mặc hay là chuyện giáo viên xâm hại tình dục học sinh chẳng hạn".

Thầy Khoa cho biết, một phần là do cách hành xử của học sinh và giáo viên dẫn đến chuyện xâm phạm lập đi lập lại. Ông nói tiếp :

"Tôi có nói với các em học sinh là các em phải biết bảo vệ mình trước những sai trái. Nhưng khi chúng tôi nói chuyện đó thì hiệu trưởng còn cho là tôi nói chuyện như thế là không phù hợp với lứa tuổi học sinh".

Trước đó, vào tháng 12 năm 2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã khởi tố và bắt giam ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi". Đến năm 2019, ông Đinh Bằng My bị kết án tám năm tù vì dâm ô bảy nam sinh ở Phú Thọ.

viahe4

Cựu Hiệu trưởng Đinh Bằng My bị Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ hôm 29/10/2019, tuyên 8 năm tù giam vì phạm tội dâm ô và thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi. File photo.

Để tìm hiểu thêm về mặt pháp luật, RFA hôm 19/4 liên lạc một cựu Thẩm phán, Luật sư tại Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an ninh, và được ông giải thích :

"Luật hình sự Việt Nam không quy định ở môi trường nào, chỉ quy định xâm phạm lứa tuổi nào. Ví dụ 13 tuổi trở lại ; trên 13 tuổi cho đến đủ 16 tuổi ; trên 16 tuổi cho đến 18 tuổi và trên 18 tuổi. Vấn đề còn lại đối với thầy cô giáo và học trò, tức là người dưới sự quản lý của mình, hay phụ thuộc vào mình như cha dượng với con riêng của vợ… là tình tiết tăng nặng. Chứ không dành riêng một điều luật, ví dụ người dưới 13 tuổi cho dù đứa bé đó cho phép thì vẫn là hiếp dâm. Còn đủ 13 tuổi cho tới dưới 16 tuổi thì là giao cấu với trẻ em. Luật hiện nay có sự thay đổi, trước đây chủ thể xâm hại có thể là nữ thôi, nhưng bây giờ bất kỳ ai ví dụ một nam bị xâm hại tình dục thì người xâm hại là ai vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

Liên quan trường hợp hiệu trưởng Trường tiểu học và Trung học cơ sở xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình có hành vi dâm ô hai học sinh lớp 9, vị Luật sư nói thêm :

"Nếu dâm ô với một nạn nhân thì khác, còn hai trẻ em thì tình tiết tăng nặng, coi là phạm tội đối với nhiều người. Đây là tình tiết tăng nặng, nó sẽ bù trừ cho những tình tiết giảm nhẹ. Ví dụ ông này có nhiều bằng khen, huy chương gì đó sẽ giảm trừ đi. Vấn đề thứ hai là quá trình điều tra chứng minh ông đã nhiều lần mời hai bé này lên, từ hai lần trở lên gọi là phạm tội nhiều lần đối với nhiều người, đó là tình tiết tăng nặng. Nhưng tình tiết giảm nhẹ không theo luật, chỉ là sáng chế ra một cách tùy tiện ở trong một phiên tòa nào đó".

Vấn đề hành xử, giáo dục, nhận thức liên quan tình trạng lạm dụng tình dục ; đặc biệt trong môi trường học đường được giáo dục ra sao ? Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, khi trao đổi với RFA tối 19/4 cho biết :

"Giáo dục giới tính ở phổ thông họ có dạy chứ không phải không, còn thỉnh thoảng xảy ra những vụ lạm dụng tình dục như vậy là một nỗi đau. Ở Việt Nam gần đây mới thỉnh thoảng thấy có báo chí đăng lên cái đó, tôi tin rằng đó là bề nổi của tảng băng thôi. Nó liên quan một phần văn hóa người Việt, nhiều người sợ hãi chuyện đó, thường thường họ che giấu, họ không dám phản ứng. Chẳng hạn như vụ của Dạ Thảo Phương, đã bị lạm dụng từ thời chị ấy còn rất trẻ, nhưng mãi đến bây giờ mấy chục năm sau chị mới dám công khai lên tiếng nói rõ người đã xâm hại chị là ai. Mấy chục năm sống âm thầm như vậy để thấy rằng đó là một khía cạnh của văn hóa Việt Nam".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, như thế cũng có thể tin rằng những gì được biết qua báo chí chỉ là phần ít, còn nạn nhân không dám lên tiếng là phần nhiều hơn. Ông Dũng cho biết ông tin rằng, sự thay đổi không thể một sớm một chiều mà phải cần nhiều thời gian.

Bà Dạ Thảo Phương mà Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng nhắc đến là một Nhà thơ, hiện đang sống tại Cyprus. Hôm 3/4/2022, bà đã đăng trên Facebook rằng bà từng bị ông Lương Ngọc An trong quãng thời gian từ năm 1999 đến năm 2000 đã nhiều lần quấy rối tình dục, bất chấp những phản đối quyết liệt của bà. Sau đó bà cùng với sự làm chứng của nhiều người, đã tố cáo với lãnh đạo Báo Văn nghệ, là cơ quan chủ quản của hai người khi đó, nhưng đã không được giải quyết thỏa đáng.

Nguồn : RFA, 19/04/2023

***********************

Rầm rộ ra quân lấy lại vỉa hè lần này có thành công ?

RFA, 19/04/2023

Sáng 19/4/2023, Ủy ban Nhân dân quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh đã làm lễ ra quân lập lại trật tự đô thị, quyết tâm lấy lại vỉa hè, xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm, lấn chiếm.

viahe1

Buôn bán trên vỉa hè ở Hà Nội. Ảnh minh họa. AFP

Hồi tháng 2/2017, chiến dịch dọn dẹp vỉa hè gây xôn xao công luận khi ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 lúc đó, phát động chiến dịch xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Ông Đoàn Ngọc Hải nổi tiếng với tuyên bố "không lấy lại được vỉa hè sẽ cởi áo từ quan". Chủ trương của ông Hải là dẹp tất cả những gì bị coi là lấn chiếm vỉa hè, xử phạt các quán nhậu bày bàn ghế trên vỉa hè, cho cẩu xe đậu ở nơi cấm, phá dỡ các bệ dắt xe lấn chiếm vỉa hè, dỡ phông bạt vươn ra vỉa hè…

Hành động của ông Hải nhận không ít ý kiến phản đối từ phía người dân nên chỉ mấy tháng sau, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 1 và Quận ủy quận 1 đã ra văn bản yêu cầu ông Hải phải ngưng chiến dịch dọn dẹp vỉa hè do ông dẫn đầu.

Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nêu quan điểm của ông với RFA :

"Trước đây ở quận 1 có một ông phó chủ tịch đi nhắc nhở, dọn dẹp nhưng sau một thời gian vẫn hồi phục lại vì công ăn việc làm cho số người đó chưa giải quyết được và chưa đào tạo nghề cho họ. Nếu muốn giải quyết vấn đề này đòi hỏi một khoảng thời gian và đầu tư, cơ bản giảm bớt số người kiếm ăn ở khu vực phi hình thức, tạo điều kiện cho người ta có trình độ, chuyên môn, và đặc biệt là có số vốn nhất định để người ta có thể kinh doanh, có cửa hàng hoặc chỗ cố định để sản xuất hoặc dịch vụ".

Những năm qua, nhiều chiến dịch lập lại trật tự, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ được các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, nhưng rồi thất bại. Trao đổi với truyền thông Nhà nước, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa lý giải sự thất bại là do sự thiếu quyết tâm của chính quyền ; sự thiếu chấp hành của người dân và thiếu tính toán trong vấn đề an sinh xã hội khi người dân không còn được buôn bán ở vỉa hè.

Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định với RFA :

"Những phong trào rộ lên ra quân rồi đầu voi đuôi chuột đã xảy ra lâu nay. Cũng có cái thành công, có cái thất bại. Nhưng riêng chuyện dọn dẹp vỉa hè, đường phố cho trật tự thì luôn luôn thất bại. Nó phản ánh cái tư duy làm việc, cái phong cách làm việc của cán bộ nhà nước Việt Nam không nhất quán ; không kiên trì và không có đôn đốc đến nơi đến chốn từ cấp trên với cấp dưới.

Khách quan mà nói, bà con mình cũng nghèo phải mưu sinh ở vỉa hè. Bây giờ mà dẹp hoàn toàn thì khác gì đẩy họ vào chỗ chết. Cho nên nó rất khó. Có một số địa phương người ta có những giải pháp, tuy không hoàn toàn nhưng cũng giải quyết được tương đối với điều kiện lãnh đạo địa phương phải thật sự cùng quan điểm với nhau và lo lắng đến đời sống người dân".

Ngày 10/01/2023, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin về tình hình lao động việc làm cả năm 2022. Theo đó, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong năm 2022 là 65,6%. Lao động phi chính thức là những lao động không có hợp đồng cố định, không có bảo hiểm, một trong những hình thức đó là bán hàng vỉa hè. Với số dân mưu sinh vỉa hè lớn như ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chuyện lấy lại vỉa hè cho người đi bộ là chuyện dường như không thể.

viahe2

Buôn bán trên vỉa hè. AFP

Phát biểu tại lễ ra quân dọn dẹp vỉa hè quận 3 hôm 19/4, ông Trần Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND quận này thừa nhận việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán diễn ra nhiều nơi. Ngoài ra, tình trạng dừng đậu xe không đúng quy định, việc xả rác, quảng cáo, rao vặt vẫn phổ biến.

Chị Thủy, một người dân quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, nói với RFA suy nghĩ của chị :

"Cái chuyện dẹp lòng lề đường là đã từ xưa rồi chứ không phải bây giờ mới làm, bởi vì họ muốn lề đường thông thoáng sạch sẽ. Nhưng vì họ không giải quyết từ gốc, tức vấn đề mưu sinh của người dân, mà cứ giải quyết từ ngọn. Đó là lý do cứ dọn chỗ này thì họ chạy qua chỗ khác. Qua chiến dịch thì đâu lại vào đó".

Theo chị Thủy, việc dọn dẹp vỉa hè theo chủ trương của lãnh đạo các quận, huyện nên có có hoạch cụ thể, từng bước. Không nên mở chiến dịch ồ ạt ở khắp nơi khiến dân lao động ‘mất nồi cơm’ mà không có sự chuẩn bị. Nếu làm thì phải thí điểm từ phường lên quận và làm đến nơi đến chốn.

Luật sư Đặng Trọng Dũng thì cho rằng :

"Cái vấn đề lấy lại vỉa hè cho người đi bộ gần như là bất khả thi. Giành giật vỉa hè với người dân là chuyện bất khả thi. Tôi nghĩ, nếu giải quyết vấn đề vỉa hè thì phải có một cuộc hội thảo chuyên về lĩnh vực này và phải làm đến nơi đến chốn. Nếu được như thế thì mới lấy lại vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp được".

Vị luật sư này nói thêm, cách làm đúng của chính quyền là làm sao cho dân ủng hộ. Tránh đối đầu với dân. Ai cũng muốn sống trong một đô thị sạch sẽ, người đi bộ được đi trên vỉa hè, nhưng phải hài hòa với câu chuyện kinh tế vỉa hè của người dân.

Thực tế cho thấy khi lực lượng chức năng chuyển sang giải tỏa khu khác thì chỉ vài ngày sau, nhiều đoạn vỉa hè vừa giải tỏa xong lại bị người buôn bán nhỏ tái chiếm. Cơ quan chức năng không thể đủ người để ngày nào cũng canh chừng tất cả vỉa hè. Ngay tại quận 1, những chỗ bị đập phá từ năm 2017 vẫn không được xây lại trông càng nhếch nhác, nham nhở hơn trước.

Tại Hà Nội, chính quyền thủ đô cũng đã năm lần phát động chiến dịch "giành lại vỉa hè" ; thậm chí thành lập "Ban chỉ đạo" với nhiệm vụ gọi là xóa bỏ việc lấn vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh trái phép. Vừa qua lại có đề xuất "cho thuê vỉa hè". Mọi giải pháp hầu như đều vấp phải phản ứng tiêu cực từ phía người dân.’

Nhiều người cho rằng, kinh tế vỉa hè đã trở thành nét văn hóa đặc thù của nhiều thành phố lớn tại Việt Nam. Nếu lãnh đạo thành phố tổ chức lấy ý kiến người dân để quy hoạch một cách hợp lý thì vừa giữ được môi trường buôn bán cho dân nghèo, vừa đưa kinh tế vỉa hè thu hút khách du lịch, phát huy nét đẹp văn hóa đô thị.

Nguồn : RFA, 19/04/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 291 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)