Ông Trần Công Khải, ‘người của Đào Minh Quân’ bị phạt 8 năm tù (Người Việt, 27/06/2019)
Hôm 27/6/2019, ông Trần Công Khải, công chứng viên Văn phòng Công chứng quận 7 và bị các báo nhà nước cáo buộc "là người thuộc tổ chức của ông Đào Minh Quân bị tuyên phạt 8 năm tù và 3 năm quản chế về tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’".
Ông Trần Công Khải tại phiên tòa hôm 27 tháng Sáu. (Hình : Thanh Niên)
Hôm 27/6/2019, ông Trần Công Khải, công chứng viên Văn phòng Công chứng quận 7 và bị các báo nhà nước cáo buộc "là người thuộc tổ chức của ông Đào Minh Quân bị tuyên phạt 8 năm tù và 3 năm quản chế về tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’".
Đây là trường hợp mới nhất bị cáo buộc thuộc "tổ chức Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời" của ông Quân, được đưa ra xét xử tại Việt Nam.
Báo Tuổi Trẻ tường thuật :
"[Ông] Trần Công Khải là người có kiến thức, hiểu biết pháp luật, có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tư pháp, từ 1989-2009 hành nghề luật sư. Trước khi bị bắt, ông Khải là công chứng viên.
Ông Khải biết tổ chức do [ông] Đào Minh Quân cầm đầu nhằm lật đổ Nhà nước nhưng vẫn đăng ký tham gia, lôi kéo người khác cùng tham gia. Ông Khải cùng một số người bàn bạc để thực hiện các hoạt động phá hoại Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra tại Việt Nam và lập danh sách nhiều người tham gia ‘trưng cầu dân ý’ bầu Đào Minh Quân làm tổng thống chế độ đệ tam Việt Nam Cộng Hòa, thực hiện các hoạt động chống phá".
Tờ báo cũng cho biết thêm là tại phiên tòa, ông Khải "thừa nhận mọi hành vi và nói mình nhận thức sai nên mong muốn được hưởng mức án thấp để sớm đoàn tụ với gia đình".
Còn theo báo Thanh Niên, tổ chức Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời "bị Bộ Công an chỉ rõ là tổ chức khủng bố, căn cứ vào pháp luật Việt Nam và quốc tế" nhưng vẫn thu hút được nhiều người tham gia "do [những người này] có tư tưởng bất mãn, lại thường xuyên tiếp xúc với những thông tin xấu độc trên mạng xã hội".
Hồi tháng 1/2019, một thành viên khác cũng của tổ chức nêu trên, ông Phan Văn Bình, 47 tuổi, bị một tòa án tại Nha Trang kết án 14 năm tù với cùng cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền".
Trước đó, hồi tháng 8/2018, hai thành viên khác, ông Nguyen James Han (51 tuổi, quốc tịch Hoa Kỳ và Việt Nam), bà Phan Angel (tên khác là Phan Thị Đào, 62 tuổi, quốc tịch Hoa Kỳ), mỗi người cùng nhận án 14 năm tù. Sau khi chấp hành án, cả hai sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Mười người ở Việt Nam còn lại trong nhóm này bị tuyên từ 5 đến 11 năm tù và bị quản chế tại địa phương từ hai đến ba năm sau đó.
Tuy nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam xếp tổ chức "Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời" vào loại tổ chức "khủng bố" cũng như Việt Tân, không phải người dân Việt Nam nào cũng tin vào thông tin do các báo nhà nước tuyên truyền.
Sau một phiên xử 16 người mà nhà cầm quyền nói thuộc tổ chức của ông Đào Minh Quân với cáo buộc "khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" hồi tháng 12/2017, Luật sư Lê Công Định bình luận trên trang Facebook cá nhân.
"Điều đáng chú ý trong tường thuật của báo chí là hầu hết các bị cáo đều không thừa nhận hành vi bị suy diễn của mình trước tòa. Như vậy, vụ án này có dấu hiệu quy chụp tội danh khủng bố và tạo dựng chứng cứ buộc tội ? Thiếu chứng cứ nên toàn bộ lập luận của bản án chỉ tìm cách gán ghép các bị cáo vào nhóm chính trị của Đào Minh Quân mà thôi. Một bản án quá nặng dựa trên những chứng cứ sơ sài cho thấy chế độ này ngày càng có khuynh hướng gia tăng khủng bố chính công dân mình". (T.K.)
*******************
Một cựu luật sư Việt Nam bị phạt 8 năm tù vì ‘phá hoại hội nghị APEC’ (VOA, 27/06/2019)
Một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 27/6 xử phạt cựu luật sư Trần Công Khải 8 năm tù vì tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", với cáo buộc "tham gia tổ chức khủng bố Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời", theo tin từ gia đình.
Cựu luật sư Trần Công Khải bị áp giải về nhà giam sau phiên tòa ngày 27/6.
Từ Sài Gòn, anh Trần Minh Quân, con trai của ông Trần Công Khải, nói với VOA rằng bản án đối với cha anh là "không có căn cứ" và gia đình anh không được tham dự phiên tòa hôm 27/6.
"Theo họ nói là ngày mai 28/6 mới xử mà hôm nay 27/6 họ đã xử rồi. Tôi nghĩ họ cáo buộc cha tôi tham gia tồ chức khủng bố là thiếu căn cứ, vì tổ chức đó chưa hẳn là có khủng bố. (Cha tôi) chưa từng gây ra một vụ nào nghiêm trọng cả, và ông chỉ nói lên suy nghĩ của mình thôi".
Hãng tin Reuters, AFP dẫn các tờ báo trong nước trích cáo trạng cho biết ông Khải cùng các nghi can khác lên kế hoạch phá hoại hội nghị APEC ở Đà Nẵng vào năm 2017, nơi các nhà lãnh đạo cấp cao trong đó có Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Việt Nam… tham dự, "nhưng ông Khải chưa kịp thực hiện thì bị lực lượng an ninh phát hiện, bắt giữ".
Anh Quân cho VOA biết cha anh không đến Đà Nẵng và cũng không có ý định đến thành phố nơi diễn ra APEC năm 2017.
Trước khi bị bắt, ông Trần Công Khải, 56 tuổi, là công chứng viên Văn phòng công chứng quận 7 và từng hành nghề luật sư.
Báo SGGP cho biết, ngoài án tù 8 năm, ông Khải còn phải chịu 3 năm quản chế.
Trước đây, chính quyền Việt Nam cũng đã tống giam một số người bị cáo buộc là thành viên của tổ chức "Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời", do ông Đào Minh Quân ở Mỹ lãnh đạo.
Hôm 22/1/2019, ông Phan Văn Bình bị tòa án tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt 14 năm tù về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", cũng với cáo buộc kết nối với tổ chức này.
Vào tháng 8/2018, hai công dân Hoa Kỳ Angel Phan, James Nguyễn và 10 người Việt Nam khác bị phạt mỗi người 14 năm đến 5 năm tù cũng với cáo buộc "lật đổ chính quyền nhân dân".
Vào tháng 1/2018, Bộ Công an Việt Nam ra thông báo liệt tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" có trụ sở ở bang California, Hoa Kỳ, là "tổ chức khủng bố".
*****************
Công chứng viên bị tuyên 8 năm tù vì "trưng cầu dân ý bầu Đào Minh Quân" (RFA, 27/06/2019)
Ông Trần Công Khải (56 tuổi), công chứng viên thuộc Văn phòng công chứng quận 7 vừa bị Tòa án nhân dân, Thành phố Hồ Chí Minh tuyên 8 năm tù giam vào sáng 27/6/2019 với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Ông Trần Công Khải tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/6/2019 - Courtesy of congan.com.vn
Các báo trong nước loan tin vào chiều 27/6, dù trước đó không có phương tiện truyền thông nào đề cập đến việc bắt giữ ông Khải.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua mạng xã hội, ông Trần Công Khải đã bị bà Kelly Triệu, công dân Mỹ lôi kéo, hướng dẫn làm thủ tục tham gia vào tổ chức "Chính phủ Quốc gia VIệt Nam lâm thời" giao nhiệm vụ kêu gọi nhiều người tham gia "trưng cầu dân ý" bầu ông Đào Minh Quân làm Tổng thống trở về Việt Nam lãnh đạo đất nước.
Cáo trạng cũng quy kết ông Khải biết tổ chức do ông Đào Minh Quân dẫn đầu hoạt động nhằm mục đích lật đổ Nhà nước Việt Nam nhưng ông Khải vẫn đăng ký tham gia. Không những thế, ông Khải còn lôi kéo người khác tham gia vào tổ chức.
Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh còn chỉ ra việc ông Khải cùng ba người khác trò chuyện, bàn bạc việc thực hiện các hoạt động phá hoại hội nghị APEC diễn ra tại Việt Nam hồi cuối 2016, đầu năm 2017 và lập danh sách lôi kéo nhiều người tham gia vào hoạt động "phản động, chống phá Nhà nước Việt Nam".
Cơ quan ngôn luận của Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, sau khi bị bắt và tại tòa ông Khải thành khẩn khai báo và tỏ thái độ ăn năn, hối cải, mong được pháp luật khoan hồng.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Việt Nam đã kết án hơn 20 người vì các nhóm tội liên quan đến an ninh quốc gia.
Ân xá Quốc tế hồi tháng 5 công bố bản danh sách 128 tù nhân hiện đang bị chính quyền Việt Nam cầm giữ chỉ vì thực hiện các quyền được ghi trong hiến pháp một cách ôn hòa.
Trong vòng một tuần lễ, 5 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có 4 cựu tù nhân lương tâm bị bắt giữ với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Giới đấu tranh nhân quyền và các tổ chức bảo vệ nhân quyền Việt Nam trong và ngoài nước nói gì về động thái bắt bớ mới nhất của nhà cầm quyền Hà Nội ?
Từ trái qua : Ký giả Trương Minh Đức, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Phạm Văn Trội, ông Nguyễn Bắc Truyển. Photo : RFA
Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do vào sáng ngày 31 tháng 7, từ Hoa Kỳ, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch của PBSOS-Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói rằng nhà cầm quyền Việt Nam có sự tính toán khi trong tuần lễ vừa qua liên tiếp bắt giữ 5 nhà hoạt động nhân quyền, bao gồm ông Lê Đình Lượng cùng 4 thành viên của tổ chức xã hội dân sự độc lập “Hội Anh Em Dân Chủ” là Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Kỹ sư Phạm Văn Trội, Nhà báo tự do Trương Minh Đức và Luật sư Nguyễn Bắc Truyển.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đưa ra nhận định như vừa nêu vì theo ông động thái bắt bớ này của Chính quyền Hà Nội nhằm để đánh đổi với sự cân bằng trong việc trả tự do cho Mục sư Nguyễn Công Chính, người bị tuyên án 11 năm tù vào năm 2010 với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”.
Người sáng lập và điều hành tổ chức PBSOS cho biết hồ sơ Mục sư Nguyễn Công Chính là một trong những hồ sơ đầu tiên được đệ trình hồi tháng 3 trong việc áp dụng Luật Magnisky Toàn cầu đối với giới chức Chính quyền Việt Nam liên can đến tra tấn và Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế chọn hồ sơ Mục sư Nguyễn Công Chính, là hồ sơ đàn áp tiêu biểu trong năm 2017, để thúc đẩy đưa Việt Nam trở lại vào danh sách các “Quốc gia cần đặc biệt quan tâm”, gọi tắt là CPC ; đồng thời Quốc Hội Hoa Kỳ cũng lên tiếng mạnh mẽ và can thiệp trực tiếp cho trường hợp của Mục sư Nguyễn Công Chính và vợ, bà Trần Thị Hồng bị tra tấn.
Dưới các áp lực nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam quyết định trả tự do cho Mục sư Nguyễn Công Chính với điều kiện sống lưu vong cùng gia đình tại Mỹ thay vì một tháng trước đây, nhưng phải kéo dài vì :
“Thay vì trả tự do cho Mục sư Nguyễn Công Chính sớm hơn, cách đây một tháng nhưng họ kéo dài và có thể xem như họ đưa ra hồ sơ này để cân bằng trở lại việc họ bắt bớ những người họ buộc tội về chính trị. Chúng tôi ước đoán rằng khi quốc tế lên án thì Việt Nam nói rằng họ có sự thay đổi và nhượng bộ về nhân quyền, nghĩa là không những trả tự do cho Mục sư Chính mà còn để cho cả gia đình còn được đi định cư tại Hoa Kỳ. Đây là động thái có tính toán từ phía Việt Nam”.
Cùng quan điểm rằng nhà cầm quyền Việt Nam có sự tính toán trong việc liên tiếp bắt giữ 5 nhà hoạt động nhân quyền với cáo buộc theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, cựu tù nhân lương tâm, nhà hoạt động đấu tranh dân chủ-Bác sĩ Nguyễn Đan Quế từ trong nước nêu lên sự chú ý động thái bắt bớ mới nhất và đông nhất kể từ đầu năm 2017 trong bối cảnh chính trị hiện nay của Việt Nam mà theo ông là rất bấp bênh, nhất là căng thẳng với Trung Quốc tại Biển Đông qua vụ Bắc Kinh cảnh báo không cho Hà Nội tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí ở lô 136-3 Bãi Tư Chính. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nói :
“Bản chất của những người Cộng sản là rất đa nghi. Theo suy luận của tôi thì ở thời điểm này họ tính rằng cần phải có những hành động như thế để ngăn chặn nhiều chuyện, trong đó có những việc như biểu tình chống Trung Quốc ở Biển Đông…Điều đó là có thể và rất nhiều khả năng theo hướng đó”.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế còn nhấn mạnh nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng lạm dụng trong việc sử dụng các điều luật như Điều 88, Điều 258 và Điều 79, là các điều luật bị quốc tế cho là mơ hồ để đàn áp những tiếng nói đối lập và các hoạt động ôn hòa của những người vận động chính quyền xây dựng xã hội dân chủ, tiến bộ, công bằng và văn minh.
5 năm 2007. Photo : AFP
Cũng từ trong nước, cựu tù nhân lương tâm, Luật sư Lê Quốc Quân chia sẻ ông Lê Đình Lượng là một người luôn hăng say tham gia các hoạt động chống lại tiêu cực ở địa phương, như đấu tranh về việc thu thuế nông nghiệp không đúng luật định, phản đối chính quyền phạt vạ người dân trong trường hợp sinh đẻ hơn 2 con hay chính quyền lạm thu trong các vấn đề xã hội hóa về giáo dục và y tế. Luật sư Lê Quốc Quân cho biết các hoạt động như thế thường mang lại kết quả khả quan cho dân chúng trong vùng trong các năm qua.
Tuy nhiên, Luật sư Lê Quốc Quân khẳng định ông Lê Đình Lượng bị bắt với cáo buộc theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam vì cùng với các nạn nhân của thảm họa môi trường khu vực biển Bắc miền Trung, do nhà máy thép Formosa xả thải có độc tố ra biển, tuần hành kêu gọi đóng cửa Formosa cũng như khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Luật sư Lê Quốc Quân nhắc lại Luật sư Nguyễn Văn Đài cùng cộng sự, cô Lê Thu Hà bị bắt giữ hồi trung tuần tháng 12 năm 2015 vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”, theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Thế nhưng, truyền thông nhà nước vào ngày 30 tháng 7 loan tin Cơ quan Điều tra Bộ Công An ra quyết định khởi tố 6 bị can trong vụ án Nguyễn Văn Đài cùng những người khác hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.
Luật sư Lê Quốc Quân lý giải hành động Chính quyền Hà Nội tùy tiện diễn giải các điều luật để truy tố người dân, qua động thái bắt bớ trong tuần trước, để đạt được mục đích của họ :
“Điều 79 là điều có cấu thành tội phạm nặng hơn so với Điều 88 và có mức án cao đến mức tử hình. Cho nên Nhà nước áp dụng Điều 79 đối với nhiều người thì rõ ràng có tính răn đe cao hơn. Thứ hai nữa là họ muốn đưa ra thông điệp cứng rắn rằng tính chất tổ chức sẽ bị triệt hạ và họ sẽ kiên quyết đánh phá vào các tổ chức”.
Tưởng cần nhắc lại, hồi trung tuần tháng 7, tờ Quân đội nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Việt Nam, đăng tải một bài xã luận xác nhận sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự và tập trung vào các biện pháp để ngăn chặn hoạt động lợi dụng xã hội dân sự chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước phản biện rằng Đảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam gia tăng các biện pháp trấn áp những họat động tự do dân chủ của các tổ chức xã hội dân sự độc lập qua bài bài xã luận này và có thể xem động thái bắt bớ 5 nhà hoạt động dân chủ nhân quyền mới nhất là một bằng chứng.
Hòa Ái, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 31/07/2017