Khoảng 10.000 tỷ đồng bị lừa đảo trên không gian mạng trong năm 2023
RFA, 08/05/2024
Tổng số tiền người dân bị lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng trong năm 2023, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.
Tội phạm trên không gian mạng ngày một tăng. Ảnh minh họa. AFP
Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an cho truyền thông hay tin trên trong ngày 8/5, đồng thời xác nhận, đó là con số dựa trên những sự việc do người dân đến trình báo cơ quan công an.
Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra liên tục, tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các đối tượng theo Bộ Công an, đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi, sử dụng số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội ảo, nhằm trốn tránh, xóa dấu vết sau khi chiếm đoạt tiền.
Bộ Công an cũng cho biết, trong năm qua đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng.
Trong cùng ngày, theo thống kê của Kaspersky, tại Việt Nam, trong năm 2023, có đến hơn 17 triệu trường hợp lây nhiễm cục bộ, tin tặc xâm nhập máy tính của người dùng, ước tính mỗi ngày có hơn 15.000 mã độc xuất phát từ Việt Nam. Tần suất tấn công mạng cũng tăng lên, đặc biệt nhắm vào các doanh nghiệp, tổ chức ở lĩnh vực tài chính và chứng khoán.
Ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc mảng doanh nghiệp, Kaspersky tại Việt Nam, cho biết trên tờ VnEconomy rằng, chỉ trong quý 1/2024, tần suất của các cuộc tấn công mạng đã gia tăng với các phương thức cực kỳ tinh vi. Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều phần mềm tiên tiến, ứng dụng công nghệ hiện đại, nghiên cứu sâu vào "con mồi" và tìm cách tăng lòng tin. Ngay cả những nhân viên IT trong chính các doanh nghiệp cũng là mục tiêu của các đối tượng lừa đảo.
Ông Khanh cũng nhận định một trong những thách thức lớn mà đa phần các doanh nghiệp Việt đang gặp phải hiện nay là vấn đề trong việc thiếu nhân lực trong việc bảo vệ an ninh mạng.
************************************
Vì sao người dân phản ứng với những chiếc bánh to kỷ lục ở Việt Nam ?
RFA, 07/05/2024
Chiếc bánh chưng 7 tấn được làm từ 4 tấn gạo nếp, 2,5 tấn đậu xanh, muối, dầu ăn, 15 ngàn chiếc lá dong, 5 tạ lá chuối được luộc liên tục trong vòng 4 ngày ; chiếc bánh dày nặng 3 tấn ; chiếc bánh xèo có đường kính 3 mét được đổ với 30kg bột, 65kg rau, 20kg dừa nạo, 20kg thịt vịt, 10kg đậu xanh, 27kg tôm, 10kg hành lá ; chiếc chả mực nặng 210 kg cần đến 18 chiếc bếp ga, tổng cộng hơn 4.400 lít dầu ăn để chiên…
Quá trình chiên chiếc chả mực khổng lồ - Photo : baohanam
Tất cả đều là những kỷ lục được xác lập tại các lễ hội ở một số tỉnh, thành trong nước mà báo chí nhà nước đăng tải những năm qua. Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, từng khẳng định với truyền thông nhà nước rằng, việc dâng chiếc bánh dày nặng 3 tấn mang nặng tính hình thức và gây lãng phí.
Ông Trần Anh Quân, một nhà hoạt động xã hội ở Sài Gòn nói với RFA :
"Theo tôi thì việc làm những món ăn siêu to khổng lồ cũng là một cách quảng bá ẩm thực địa phương. Nhưng nếu lạm dụng thì sẽ là sự lãng phí và quảng cáo lố bịch trong khi dân Việt Nam còn nhiều người đói khổ. Năm nay cũng có hàng chục tỉnh, thành xin gạo cứu đói.
Tôi thấy ở một số nước phát triển như Đài Loan, người ta có kỷ lục là làm những con chip siêu nhỏ làm giàu cho đất nước và tìm kiếm con đường độc lập khỏi Trung Quốc. Việt Nam đang phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc nên cần tìm những kỷ lục ‘nhỏ mà có võ’ thì mới thiết thực cho đất nước".
Tập đoàn TSMC của Đài Loan hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới và đối tác lớn của Apple trong các sản phẩm điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán hiệu suất cao. Với lợi thế về năng lực sản xuất chip điện tử, Đài Loan được coi là đang tạo ra đòn bẩy kinh tế và chính trị trên thế giới. Nhà máy mới nhất trị giá gần 20 tỷ USD ở miền nam Đài Loan sẽ sản xuất những con chip kích cỡ ba nanomét, nhỏ nhất thế giới hiện nay.
Không chỉ Việt Nam làm những chiếc bánh khổng lồ để giới thiệu đặc sản địa phương, một số nước trên thế giới cũng có những sản phẩm có kích cỡ khác thường để quảng bá tại các hội chợ triển lãm. Cách đây 10 năm, tại một hội chợ triển lãm bang Florida, Mỹ, có chiếc hotdog lớn nhất thế giới nặng 125,5 pounds. Năm 2023, một hãng pizza nổi tiếng của Mỹ đã cho ra lò chiếc pizza có kích thước bằng 9 sân bóng rổ.
Dư luận cho rằng, khi Việt Nam có đến 15 tỉnh đề nghị cấp gạo cứu đói dịp Tết vừa qua như Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Định, Bình Phước, Cao Bằng, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Giang, Kon Tum, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Bình, Sóc Trăng… thì việc làm những chiếc bánh thật to để có tên trong danh sách kỷ lục là điều không thiết thực.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng nêu quan điểm của ông :
"Giới thiệu sản phẩm của địa phương khiến cho người ta chú ý sản phẩm của mình sẽ có ảnh hưởng tốt cho việc tiêu thụ. Đó là điều không lạ trên thế giới. Vấn đề đặt ra là tại sao trên thế giới người ta làm thì ít bị phản ứng mà ở Việt Nam thì người ta lại phản ứng ?
Theo tôi, vì ở Việt Nam rất ít những thành tựu có ý nghĩa nên người ta đưa ra những thành tựu theo kiểu cái gì cũng siêu to. Đó là những kỷ lục dễ đạt. Chẳng qua đó là mặt trái của mặc cảm tự ti. Bởi vì anh kém nên mong đi tìm cái gì đó để khoe, mà cái thành tựu khoe đó lại dễ làm. Chính vì thế mới khiến người ta nghĩ không tốt. Cái tâm lý xã hội đón nhận sự việc theo khía cạnh xấu nhiều hơn tốt".
Ông Quang, một người dân sài Gòn cho rằng, tất cả là do tính háo danh của lãnh đạo một số tỉnh, thành. Ông nói :
"Theo tôi, đây là những việc làm vô bổ. Nó mang tính hình thức và háo danh. Những địa phương đó chỉ muốn có bảng kỷ lục thôi chứ tôi thấy không thực tiễn mà lại lãng phí. Lãng phí cả thực phẩm. Nhưng cái bánh to khác thường như thế đâu phải truyền thống, trong khi quảng cáo cho văn hóa ẩm thực thì phải truyền thống, đặc trưng. Mà đã đặc trưng thì không thể làm cái gì khác thường như thế mà phải làm theo truyền thống".
Ông Quang nói thêm, thay vì làm những cái bánh khổng lồ, nên chăng làm thật nhiều những chiếc bánh kích thước truyền thống đem làm từ thiện, tặng những người có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện, trẻ em khuyết tật, bị bỏ rơi...
Tính háo danh của quan chức từng được Bộ Nội vụ đề cập đến trong việc xét tiêu chuẩn cán bộ vào đầu năm 2024 với quy định : Thứ trưởng, tổng cục trưởng, giám đốc sở... phải đáp ứng tiêu chuẩn không háo danh, không tham vọng quyền lực, không để người thân trục lợi…
Dự thảo của Bộ Nội vụ nhấn mạnh công chức lãnh đạo phải đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, nhân dân, tập thể trên lợi ích cá nhân… ; phải là người có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực ; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị…
Nhiều người cho rằng, ‘háo danh’ là một khái niệm không thể đưa ra để xét duyệt vì nó không rõ ràng. Do đó, không thể có cán bộ háo danh hay không háo danh. Điều đó chỉ thể hiện khi họ có quyền lực trong tay như một số lãnh đạo muốn có tấm bằng kỷ lục chỉ về kích cỡ một món ăn nào đó.
Cựu trung tá Vũ Minh Trí cho biết ông đã làm cho Nhà nước 30 năm và thấy rằng đến 99,99% cán bộ đảng viên đều háo danh, cấp càng cao càng háo danh. Ông nói :
"Tôi đã chứng kiến những vị không còn thiếu gì cả, từ chức vụ tiền bạc… nhưng vẫn tranh của cấp dưới từng cái giấy khen bình xét thi đua hằng năm".
Hơn 10 năm về trước, câu chuyện đầy tai tiếng mang tên "nhà ngoại cảm" quậy đục ngầu xã hội Việt Nam, được kết thúc bằng án tù chung thân [1] dành cho "cậu Thủy" về sự lừa đảo, với số tiền khổng lồ vào lúc bấy giờ - gần 8 tỷ đồng. Theo đó, việc dân chúng rầm rộ rủ nhau đi tìm hài cốt thân nhân của họ, cũng vắng dần rồi mất hẳn. Các "nhà ngoại cảm" không còn tác oai tác quái. Xã hội những tưởng thở phào...
"Cậu Thủy" ngồi giữa chỉ đạo việc đào bới tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại hiện trường giả mà y cùng đồng bọn thực hiện.
Có lẽ, người Việt Nam dễ quên và thích trốn tránh những điều nhục nhã có thật nhưng nhớ dai và mê đắm những chuyện hư cấu giả tạo. "Xá lợi tóc" với ông Thích Trúc Thái Minh là một trong số đó. Câu chuyện rơi vào lãng quên nhanh chóng như sự xuất hiện vô duyên của nó.
Thêm vô đó, dư luận dường như cũng quên câu chuyện hơn 10 năm về trước, với bài báo "Siêu dị nhân xin 2 tỷ để gọi mưa giúp vùng hạn" [2] của Lê Minh Hoàng. Bài báo này cho biết : "...Suốt mấy năm trời cứ tích cóp được đồng nào, anh lại xuống Hà Nội, đến các cơ quan như Viện Vật lý địa cầu, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để tuyên bố khả năng của anh là có thật…". Bài báo cho biết thêm, Lê Minh Hoàng tuyên bố đã "hạn chế" được 8 cơn bão vào năm 2012, giúp dân Mộc Châu "đuổi mưa" và hàng loạt "khả năng siêu phàm" khác. Có cả một lá đơn đánh máy xin tạm ứng 2 tỷ vào ngày 1/3/2013.
Chứng nhận bản quyền bài hát Mời mưa của Lê Minh Hoàng
Không lừa đảo được tiền, câu chuyện trôi vào dĩ vãng. Mới đây, dư luận bỗng xôn xao về việc "hô mưa gọi gió" với "sự tái xuất" của Lê Minh Hoàng - thường trú tại Hà Nội - muốn vô Thành phố Hồ Chí Minh để lập đàn giải hạn, nhằm cầu xin "trời cao đất dày" ban mưa cho người dân tại thành phố mang tên bác.
Ông Nguyễn Hoàng Điệp, được biết là tiến sĩ - Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học - Công nghệ và là giảng viên thỉnh giảng cao cấp của 3 trường đại học, nguyên là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người - báo Lao Động đưa tin vào ngày 14/04/2024, với bút tích và văn bản hẳn hòi, nhằm giới thiệu Lê Minh Hoàng đến Chi cục Thủy lợi Thành phố Hồ Chí Minh [3].
Trong công văn số 242024/CV - CTCS, ông Điệp giới thiệu Lê Minh Hoàng bằng dòng chữ (trích nguyên văn) "...Song vấn đề này chúng tôi CHƯA được kiểm chứng nhưng rất xót xa dằn vặt về việc nạn hạn hán thất bát mùa màng của một số tỉnh phía Nam nên tôi giới thiệu với Quý Cục về anh Lê Minh Hoàng. NẾU quả thực anh Lê Minh Hoàng có khả năng kỳ diệu ấy thì đất nước ta gặp phúc và các tỉnh phía Nam đang gặp hạn hán được cứu nạn. Song một lần nữa chúng tôi xin nhấn mạnh anh Lê Minh Hoàng có khả năng cầu mưa được hay không là chúng tôi CHƯA khẳng định và phủ định...".
Điều đáng lấy làm lạ và rất đáng lên án, không phải từ tên lừa đảo Lê Minh Hoàng mà từ một vị được gọi là "tiến sĩ" cũng như từng giảng dạy tới 3 trường đại học, với các lý do sau đây :
1. Cả một đoạn văn dài nhưng không hề thấy một dấu phẩy, chứng tỏ ngữ pháp thời học trò của ông "tiến sĩ" Điệp quá bạc phước, vì không được thầy - cô dạy tử tế cách hành văn.
2. Với học vị "tiến sĩ" cùng chuyên môn "nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người", tại sao ông Điệp không "nghiên cứu", không "kiểm chứng" lại cả gan giới thiệu ? Điều này chứng tỏ ông Điệp không có chuyên môn gì cả mà đó chỉ là cái mã hào nhoáng và vô ích - vô nghĩa, với chức danh "Phó Viện trưởng" vốn chỉ là hư danh.
3. Trong đoạn văn nêu trên, ông Điệp dùng những chữ "CHƯA", "NẾU" nhằm để né tránh trách nhiệm với tư cách "tiến sĩ", một khi Lê Minh Hoàng thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo.
"Siêu dị nhân" xin 2 tỷ để gọi mưa giúp vùng hạn
Báo Thanh Niên ra ngày 16/04/2024 cho biết : Đinh Quang Thành với địa vị Giám đốc Hợp tác xã Mỹ Thành thuộc xã Mỹ Thành - huyện Hoài Đức - thành phố Hà Nội, ký tên và đóng dấu bằng văn bản, nhằm xác nhận cho Lê Minh Hoàng đã thành công trong việc "cầu nguyện để bớt thiệt hại cho xã viên" giữa lúc lúa chín - vào tháng 8/2023 - lại gặp gió giựt mạnh (!). Bài báo cho biết thêm, Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức và công an đang làm việc về vụ này. Đồng thời, Lê Minh Hoàng nhanh miệng "xin lỗi" (!).
Lịch sử hơn 10 năm về trước như dẫn chứng trên cho thấy, Lê Minh Hoàng là một kẻ lừa đảo, chẳng qua việc lừa đảo của hắn bất thành. Cho nên, sự việc "hô mưa gọi gió" để giúp cho dân phía Nam, cũng như Thành phố Hồ Chí Minh là câu chuyện hoang đường. Điều rất đáng chê trách ở ông Nguyễn Hoàng Điệp và ông Đinh Quang Thành đã tiếp tay cho kẻ lừa đảo bằng những lập luận vu vơ, hoang tưởng.
Sự việc tưởng mua vui nhưng một khi, không đưa cả ba nhân vật này ra trước tòa, chắc chắn những kẻ lừa đảo sẽ tiếp tục "học tập và làm theo tấm gương" của chúng.
Sự lừa đảo dù bất thành sẽ là cơ hội cho kẻ lừa đảo tiếp tục trong tương lai.
Nam Gia
Nguồn : RFA, 16/04/2024
[1] https://tuoitre.vn/phien-toa-xet-xu-cau-thuy-cui-lua-dao-hai-cot-986299.htm
[2] https://baomoi.com/sieu-di-nhan-xin-2-ty-de-goi-mua-giup-vung-han-c10858...
[3] https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ong-le-minh-hoang-co-tai-cau-mua-th...
[4] https://thanhnien.vn/nguoi-tu-nhan-cau-mua-duoc-cho-tphcm-bat-ngo-nhan-l...
Anh : Hơn 100 trẻ em Việt từng bị buôn người mất tích (BBC, 14/10/2017)
Hơn 150 trẻ dưới vị thành niên gốc Việt đã mất tích khỏi các trung tâm chăm sóc ở Anh Quốc từ năm 2015, và 90 trẻ đã mất tích tạm thời, theo tờ Times.
Một nạn nhân buôn người dưới vị thành niên từng bị bán qua Trung Quốc
Nhiều người lo sợ nguy cơ nhiều trẻ đã bị những kẻ buôn người bắt lại và tiếp tục làm nô lệ lao động.
Tổ chức chống buôn bán trẻ em ECPAT của Anh Quốc cho biết 28% nạn nhân dưới vị thành niên đều từng mất tích khỏi trung tâm chăm sóc ít nhất một lần, và trẻ em Việt Nam là nhóm hay bỏ trốn nhất.
"Vụ việc này đang diễn ra khắp nơi trên toàn quốc, nhưng nó lại là một vấn đề bị ẩn giấu", Chloe Setter, người đứng đầu ECPACT nói với Reuters.
Cũng theo Reuters, Việt Nam luôn nằm trong ba nước có số lượng nạn nhân cao nhất của tệ nạn nô lệ hiện đại ở Anh Quốc. Số liệu cho thấy hơn một nửa nạn nhân là trẻ dưới vị thành niên.
Nạn nhân thường bị bóc lột lao động ở các trang trại trồng cần sa hay các tiệm làm móng. Một số còn bị lạm dụng tình dục.
Các chuyên gia cho rằng trẻ em Việt Nam thường bỏ trốn vì cảm thấy không an toàn hoặc bị cô độc ở các trung tâm chăm sóc, đặc biệt là vì các em không nói được tiếng Anh.
Người Việt ở Anh bất hợp pháp : 'Tôi hụt hẫng'
Một số có thể đã chủ động liên lạc với kẻ buôn người sau khi được giải cứu vì lo sợ bản thân hay gia đình bị trả đũa vì tin rằng mình bị nợ nần hoặc kẻ buôn người đã ngon ngọt dụ dỗ.
Ủy viên độc lập chống nạn nô lệ của Anh, Kevin Hyland, cho biết có một sự báo động về số vụ mất tích của các nạn nhân buôn người từ Việt Nam.
Ông nhấn mạnh trường hợp của một cậu bé Việt Nam bị buôn bán hai lần sau khi được chăm sóc ở một trung tâm trẻ em.
Sau khi bị bắt tại một trang trại cần sa lần thứ hai, cậu bé được đưa trở lại chăm sóc tại trung tâm, nhưng lại bị buôn bán vào làm nô lệ gia đình và bị lạm dụng tình dục.
Chính phủ Anh nói đang đưa ra một kế hoạch cung cấp một người hỗ trợ chuyên môn hoặc một người giám hộ cho những nạn nhân trẻ em để giúp đỡ và giảm rủi ro bị tái buôn bán.
Một chuyên gia khác kêu gọi thành lập nhà bảo hộ với sự hỗ trợ và giám sát cao.
Hồi tháng Tám, Tổ chức Tội phạm Quốc gia (Ncông an) Anh quốc cho biết nạn nô lệ hiện đại và buôn người ở Anh hiện đang "phổ biến hơn chúng ta nghĩ trước đây rất nhiều".
Ncông an cho biết hiện đang có hơn 300 chiến dịch của cảnh sát, với nhiều chiến dịch ảnh hưởng tới "từng thị trấn và thành phố ở nước Anh".
Theo ước tính của cơ quan này, số nạn nhân lên tới hàng chục ngàn. Con số 10 đến 13 ngàn người được đưa ra trước đây chỉ là "bề mặt của tảng băng chìm".Cơ quan Ncông an nói tình trạng nô lệ hiện đại tăng mạnh là do những băng nhóm quốc tế ngày càng nhận ra số tiền lớn chúng có thể kiếm được từ việc chi phối người trong rất nhiều ngành kinh tế khác nhau, chứ không chỉ có buôn ma túy.
Việt Nam, Albania, Nigeria, Romania và Ba Lan là những nước có nhiều nạn nhân nhất, nhưng cũng có một số nạn nhân từ Anh.
************************
Hàng chục trẻ em Việt biến mất sau khi được giải cứu từ tay buôn người ở Anh (VOA, 13/10/2017)
Hơn 150 trẻ vị thành niên Việt Nam đã biến mất khỏi các trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng trẻở Anh kể từ năm 2015, gây ra lo ngại rằng các em có thể đã rơi trở lại vào tay các chủ nô lệ trẻ em.
Một nhóm thiếu niên Việt Nam đã bị bắt tại Bradford trong một cuộc bố ráp của cảnh sát phát hiện số lượng lớn cần sa trồng lậu tại đây.
Theo Times, chỉ riêng trong mùa hè này, có ít nhất 21 em đã biến mất, trong đó có 12 em ở Rochdale. Trong số này, có một nhóm thiếu niên được cảnh sát giải cứu từ một xe tải buôn người đã biến mất trong vòng 48 giờ sau khi được giao cho trung tâm Rochdale.
Cảnh sát Greater Manchester đã kêu gọi cộng đồng giúp tìm kiếm nhóm trẻ, nhưng cuộc điều tra đã bị xếp lại sau ba tháng. Trung tâm Rochdale cũng chối bỏ trách nhiệm, nói rằng họ chỉ chăm sóc nhóm trẻ em này chưa tới hai ngày và việc xác minh nhóm này có phải là trẻ vị thành niên hay không vẫn chưa hoàn tất.
Số liệu do Times thu thập từ 351 trung tâm cho thấy có 152 trẻ em Việt Nam đã biến mất vĩnh viễn khỏi các trung tâm này kể từ năm 2015.
Mùa hè vừa qua, có hai bé gái, 14 tuổi và 15 tuổi, đã mất tích ở York được tìm thấy một tuần sau tại Bedfordshire và Thames Valley, cách đó hàng trăm dặm.
Times dẫn lời Trung tâm Wolverhampton cho biết, năm ngoái, có 3 trẻ em Việt Nam đã biến mất ngay trong đêm đầu tiên sau khi cảnh sát bố ráp một nhà xưởng và đưa họ vào trung tâm.
Vài năm gần đây, nhiều trẻ em Việt Nam đã bị cảnh sát phát hiện trong các cuộc bố ráp vào các trại trồng cần sa, nơi các em nhập cư và lao động bất hợp pháp.
Tình trạng trồng cần sa lậu ngày càng nhiều ở Anh đã làm gia tăng tệ nạn buôn người từ Việt Nam sang Anh. Các tổ chức tội phạm phát hiện ra rằng trồng cần sa tại chỗ dễ dàng hơn nhập khẩu, nên đã dụ dỗ những người trẻ vào làm vườn và trong các tiệm làm móng tay rửa tiền.
Vẫn theo Times, trẻ em xin tị nạn không có người lớn đi kèm và nạn nhân nô lệ và buôn người thường có nguy cơ mất tích rất cao. Nhiều người trong số này không nói được tiếng Anh, rời gia đình ở quê hương và bị bắt cóc hoặc tìm cách nhập lậu vào Anh để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Khi đến nơi, nếu bị phát hiện, họ sẽ theo lời khuyên của những kẻ buôn người, khai mình dưới 18 tuổi để được đưa vào các trung tâm chăm sóc chứ không phải nơi giam giữ người nhập cư bất hợp pháp.
Ngay cả khi được đưa vào các trung tâm chăm sóc, nhiều trẻ em vẫn chịu ảnh hưởng và áp lực từ những kẻ buôn người để tìm cách quay về với họ. Do đó, nhiều em đã biến mất trong vòng 48 giờ và việc tìm lại chúng rất khó khăn.
Việc hàng loạt trẻ em Việt Nam mất tích khỏi các trung tâm chăm sóc ở Anh đã gây ra những nghi ngờ về cách bảo vệ trẻ em của chính quyền địa phương.
Baroness Butler-Sloss, Chủ tịch nhóm Quốc hội phụ trách về buôn bán người và nô lệ hiện đại, nói những con số này "rất đáng lo ngại". Bà cho rằng Văn phòng Nội vụ Anh cần phải xác định xem có vấn đề gì cụ thể, đặc biệt khiến trẻ em Việt Nam nhanh chóng biến mất sau khi được đưa vào các trung tâm chăm sóc xã hội và "cần phải có một sự sắp xếp đặc biệt" cho các trẻ em này.
Bộ Nội vụ Anh nói họ nhận thức được vấn đề và đang phát triển một hệ thống độc lập để giúp các trung tâm giải quyết nhu cầu của trẻ em là nạn nhân buôn người.
****************
FBI truy tìm một phụ nữ Việt để điều tra về vụ lạm dụng tình dục trẻ em (VOA, 13/10/2017)
Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vừa phát đi một thông báo yêu cầu giúp tìm kiếm một phụ nữ nói tiếng Việt có thể có "thông tin rất quan trọng" liên quan đến việc nhận dạng một nạn nhân trẻ em trong cuộc điều tra về lạm dụng tình dục trẻ em đang diễn ra.
Thông tin chi tiết về người phụ nữ nói tiếng Việt đăng trên trang web của FBI.
Người phụ nữ này được cho gọi tên là "Jane Doe 39".
Các điều tra viên của FBI đã tìm thấy một video của "Jane Doe 39" và chuyển tới Trung tâm Quốc gia về trẻ em bị bóc lột và mất tích (NCMEC). Họ tin rằng video đã được làm trước tháng 4 năm 2016 và sau đó được đưa lên mạng.
Trong đoạn video, người phụ nữ gốc Châu Á có mái tóc đen dài, mặc bộ váy hoa nhiều màu và nói tiếng Việt rằng "Cái này không có thương con được. Cái này không có chơi được".
FBI cho rằng người phụ nữ này ở độ tuổi từ 25 đến 35.
Vào thời điểm này, các nhà điều tra không cho biết Jane Doe có liên quan như thế nào với vụ án được cho là nghiêm trọng đang điều tra. FBI đăng đăng công khai thông tin về người phụ này trên trang Youtube và kêu gọi công chúng trợ giúp tìm cô.
FBI kêu gọi bất cứ ai có thông tin gì về người phụ nữ này có thể liên lạc với văn phòng FBI địa phương hoặc Lãnh sự, Đại sứ quán Mỹ gần nhất.
FBI nhắc nhở công chúng rằng "không có tội danh nào được đưa ra trong trường hợp này và hình ảnh cá nhân được coi là vô tội trừ khi và cho đến khi bị buộc tội tại tòa án".
***********************
12 người gốc Việt bị bắt vì trồng cần sa tại bang Georgia và Texas (VOA, 13/10/2017)
Cảnh sát bang Georgia và Texas của Mỹ vừa bắt giữ 12 người gốc Việt trong 2 vụ trồng cần sa tinh vi và qui mô lớn tại nhà.
Hàng trên từ trái sang : Nam Van Dao, Phi Ngoc Luong, Minh Luong, Thi Thi Phan. Hàng dưới từ trái sang : Bin Van Hoang, Thao Phuong Nguyen, Hang Nguyen, Henry Nguyen. Không có ảnh của Trung Bui. (Ảnh : Lực lượng Bài trừ Ma túy Hạt Hall)
Cảnh sát địa phương cùng với FBI và Lực lượng Bài trừ Ma túy của Vệ binh Quốc gia bang Georgia đã bắt giữ 9 người gốc Việt và truy nã 3 người khác liên quan đến một đường dây ma túy lớn và rất "tinh vi", theo kênh truyền hình Fox News hôm 12/10.
Nhà chức trách đã thu giữ một khối lượng cần sa khổng lồ trị giá gần 7.2 triệu đôla, sau khi phát hiện một cơ sở trồng hơn 500 cây cần sa dưới tầng hầm trong một ngôi nhà ở thành phố Gainesville và hơn 1.500 cây cần sa tại 5 căn nhà khác.
Chín người gốc Việt đã bị bắt liên quan đến đường dây trồng cần sa này bị buộc tội sản xuất, vận chuyển và tàng trữ cần sa.
Năm nghi can bị cảnh sát Quận Hall bắt hôm 18/9 gồm Minh Luong 53 tuổi, Phi Ngoc Luong 25 tuổi, Henry Nguyen 48 tuổi, Hang Nguyen 53 tuổi, và Phuong Thao Nguyen 26 tuổi.
Sau đó vài ngày, 4 nghi can khác bị bắt gồm Trung Bui 47 tuổi, Nam Van Dao 46 tuổi, Thu Thai Phan 50 tuổi, và Binh Van Hoang 52 tuổi.
Cảnh sát ở tiểu bang Georgia cho biết họ cũng đang truy lùng 3 người Việt khác là Vinh To 63 tuổi, Sen Thi Do 46 tuổi, và Dung Nguyen 47 tuổi, những nghi can này sống tại thành phố Flowery Branch, Quận Hall.
Cây cần sa cũng khá dễ trồng - Ảnh minh họa
Cũng liên quan đến ma túy, có 6 người đàn ông khác, trong đó có 3 người gốc Việt, đã bị bắt vì trồng cần sa ở nhà tại thành phố Houston, bang Texas, đài truyền hình ABC loan tin hôm 12/10.
Sau nhiều tháng điều tra, Lực lượng Bài trừ Ma túy Quận Fort Bend (FBCSO), đã bắt giữ 3 người đàn ông gốc Việt là Trong Vo 35 tuổi, James Lai Nguyen 27 tuổi và James Huy Nguyen 37 tuổi. Mỗi nghi phạm sẽ đối mặt với một vài tội danh, trong đó tàng trữ ma túy.
Tờ Fort Ben Herald dẫn lời FBCSO cho biết họ phát hiện ra bốn căn nhà trồng cần sa tọa lạc tại Quận Fort Bend và Quận Harris, thuộc thành phố Houston.
Cơ quan chức năng đã thực hiện các vụ khám xét và thu giữ tang vật vào ngày 28/9, thông cáo báo chỉ của FBCSO cho biết : "Nhân viên điều tra khám phá các vụ trồng cần sa trong những căn nhà phức tạp, cùng một số vũ khí, tiền mặt, và cần sa đã được chế biến tại bốn địa điểm".
Nhân viên điều tra cũng phát hiện tổng cộng 778 cây cần sa được trồng trong nhà, dưới các bóng đèn điện, có cả cân, bơm nước, quạt, cầu dao đổi điện, và các dụng cụ dùng để chế biến, đóng gói, và bán cần sa.
Cảnh sát nói số lượng cần sa bị tịch thu có giá thị trường khoảng 2.3 triệu đôla.
Ngoài ba người gốc Việt này, cảnh sát còn bắt thêm 3 người khác với tội chuyển giao và tàng trữ cần sa ở Quận Harris.
**************************
Ba người Việt ở Houston bị bắt vì trồng cần sa trị giá 2,3 triệu USD (Người Việt, 12/10/2017)
Ba người đàn ông gốc Việt bị bắt vì trồng cần sa có giá thị trường khoảng 2,3 triệu USD, đài truyền hình KHOU ở Texas dẫn lời cảnh sát Fort Bend County cho biết hôm Thứ Năm.
Ba nghi can gốc Việt ở Houston bị bắt vì trồng cần sa. (Hình : Fort Bend County Sheriff's Office)
Ba nghi can, Trọng Võ, 35 tuổi, James Lai Nguyễn, 27 tuổi, và James Huy Nguyễn, 37 tuổi, tất cả đều là cư dân Houston, bị truy tố tội sở hữu cần sa.
Lực Lượng Chống Ma Túy Fort Bend County (FBCSO) tiến hành cuộc điều tra, và phát hiện các căn nhà mà ba nghi can này trồng cần sa ở Fort Bend County và Harris County.
FBCSO nói những căn nhà này tọa lạc tại khu nhà số 600 trên đường Fair Oaks Drive ở khu Stafford, khu nhà số 15000 trên đường Val Vista Drive ở khu vực thành phố Houston thuộc Fort Bend County, khu nhà số 7511 trên đường Marisol Drive ở khu vực thành phố Houston thuộc Fort Bend County, và khu nhà số 15000 trên đường Sierra Valle Drive trong thành phố Houston thuộc Harris County.
Nhiều cơ quan công lực thực hiện các vụ khám xét từ cuối Tháng Chín, bản tin cho biết.
"Nhân viên điều tra khám phá các vụ trồng cần sa trong những căn nhà phức tạp, cùng một số vũ khí, tiền mặt, và cần sa đã được chế biến tại bốn nơi", thông cáo báo chỉ của FBCSO cho biết. "Nhân viên điều tra cũng phát hiện tổng cộng 778 cây cần sa được trồng trong nhà, dưới các bóng đèn điện, có cả cân, bơm nước, quạt, cầu dao đổi điện, và các dụng cụ dùng để chế biến, đóng gói, và bán cần sa".
Ngoài ba người gốc Việt này, cảnh sát còn bắt thêm ba người khác ở Harris County, và ba người này bị truy tố tội chuyển giao và tàng trữ cần sa.
Số lượng cần sa bị tịch thu có giá thị trường khoảng 2,3 triệu USD, theo cảnh sát cho biết. (Đ.D.)