Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/05/2024

Bị lừa đảo 10.000 tỷ đồng, những chiếc bánh to kỷ lục

RFA tổng hợp

Khoảng 10.000 tỷ đồng bị lừa đảo trên không gian mạng trong năm 2023

RFA, 08/05/2024

Tổng số tiền người dân bị lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng trong năm 2023, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.

luadao1

Tội phạm trên không gian mạng ngày một tăng. Ảnh minh họa. AFP

Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an cho truyền thông hay tin trên trong ngày 8/5, đồng thời xác nhận, đó là con số dựa trên những sự việc do người dân đến trình báo cơ quan công an.

Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra liên tục, tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các đối tượng theo Bộ Công an, đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi, sử dụng số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội ảo, nhằm trốn tránh, xóa dấu vết sau khi chiếm đoạt tiền.

Bộ Công an cũng cho biết, trong năm qua đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng.

Trong cùng ngày, theo thống kê của Kaspersky, tại Việt Nam, trong năm 2023, có đến hơn 17 triệu trường hợp lây nhiễm cục bộ, tin tặc xâm nhập máy tính của người dùng, ước tính mỗi ngày có hơn 15.000 mã độc xuất phát từ Việt Nam. Tần suất tấn công mạng cũng tăng lên, đặc biệt nhắm vào các doanh nghiệp, tổ chức ở lĩnh vực tài chính và chứng khoán.

Ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc mảng doanh nghiệp, Kaspersky tại Việt Nam, cho biết trên tờ VnEconomy rằng, chỉ trong quý 1/2024, tần suất của các cuộc tấn công mạng đã gia tăng với các phương thức cực kỳ tinh vi. Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều phần mềm tiên tiến, ứng dụng công nghệ hiện đại, nghiên cứu sâu vào "con mồi" và tìm cách tăng lòng tin. Ngay cả những nhân viên IT trong chính các doanh nghiệp cũng là mục tiêu của các đối tượng lừa đảo.

Ông Khanh cũng nhận định một trong những thách thức lớn mà đa phần các doanh nghiệp Việt đang gặp phải hiện nay là vấn đề trong việc thiếu nhân lực trong việc bảo vệ an ninh mạng. 

************************************

Vì sao người dân phản ứng với những chiếc bánh to kỷ lục ở Việt Nam ?

RFA, 07/05/2024

Chiếc bánh chưng 7 tấn được làm từ 4 tấn gạo nếp, 2,5 tấn đậu xanh, muối, dầu ăn, 15 ngàn chiếc lá dong, 5 tạ lá chuối được luộc liên tục trong vòng 4 ngày ; chiếc bánh dày nặng 3 tấn ; chiếc bánh xèo có đường kính 3 mét được đổ với 30kg bột, 65kg rau, 20kg dừa nạo, 20kg thịt vịt, 10kg đậu xanh, 27kg tôm, 10kg hành lá ; chiếc chả mực nặng 210 kg cần đến 18 chiếc bếp ga, tổng cộng hơn 4.400 lít dầu ăn để chiên…

luadao2

Quá trình chiên chiếc chả mực khổng lồ - Photo : baohanam

Tất cả đều là những kỷ lục được xác lập tại các lễ hội ở một số tỉnh, thành trong nước mà báo chí nhà nước đăng tải những năm qua. Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, từng khẳng định với truyền thông nhà nước rằng, việc dâng chiếc bánh dày nặng 3 tấn mang nặng tính hình thức và gây lãng phí.

Ông Trần Anh Quân, một nhà hoạt động xã hội ở Sài Gòn nói với RFA :

"Theo tôi thì việc làm những món ăn siêu to khổng lồ cũng là một cách quảng bá ẩm thực địa phương. Nhưng nếu lạm dụng thì sẽ là sự lãng phí và quảng cáo lố bịch trong khi dân Việt Nam còn nhiều người đói khổ. Năm nay cũng có hàng chục tỉnh, thành xin gạo cứu đói.

Tôi thấy ở một số nước phát triển như Đài Loan, người ta có kỷ lục là làm những con chip siêu nhỏ làm giàu cho đất nước và tìm kiếm con đường độc lập khỏi Trung Quốc. Việt Nam đang phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc nên cần tìm những kỷ lục ‘nhỏ mà có võ’ thì mới thiết thực cho đất nước".

Tập đoàn TSMC của Đài Loan hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới và đối tác lớn của Apple trong các sản phẩm điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán hiệu suất cao. Với lợi thế về năng lực sản xuất chip điện tử, Đài Loan được coi là đang tạo ra đòn bẩy kinh tế và chính trị trên thế giới. Nhà máy mới nhất trị giá gần 20 tỷ USD ở miền nam Đài Loan sẽ sản xuất những con chip kích cỡ ba nanomét, nhỏ nhất thế giới hiện nay.

Không chỉ Việt Nam làm những chiếc bánh khổng lồ để giới thiệu đặc sản địa phương, một số nước trên thế giới cũng có những sản phẩm có kích cỡ khác thường để quảng bá tại các hội chợ triển lãm. Cách đây 10 năm, tại một hội chợ triển lãm bang Florida, Mỹ, có chiếc hotdog lớn nhất thế giới nặng 125,5 pounds. Năm 2023, một hãng pizza nổi tiếng của Mỹ đã cho ra lò chiếc pizza có kích thước bằng 9 sân bóng rổ.

Dư luận cho rằng, khi Việt Nam có đến 15 tỉnh đề nghị cấp gạo cứu đói dịp Tết vừa qua như Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Định, Bình Phước, Cao Bằng, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Giang, Kon Tum, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Bình, Sóc Trăng… thì việc làm những chiếc bánh thật to để có tên trong danh sách kỷ lục là điều không thiết thực.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng nêu quan điểm của ông :

"Giới thiệu sản phẩm của địa phương khiến cho người ta chú ý sản phẩm của mình sẽ có ảnh hưởng tốt cho việc tiêu thụ. Đó là điều không lạ trên thế giới. Vấn đề đặt ra là tại sao trên thế giới người ta làm thì ít bị phản ứng mà ở Việt Nam thì người ta lại phản ứng ?

Theo tôi, vì ở Việt Nam rất ít những thành tựu có ý nghĩa nên người ta đưa ra những thành tựu theo kiểu cái gì cũng siêu to. Đó là những kỷ lục dễ đạt. Chẳng qua đó là mặt trái của mặc cảm tự ti. Bởi vì anh kém nên mong đi tìm cái gì đó để khoe, mà cái thành tựu khoe đó lại dễ làm. Chính vì thế mới khiến người ta nghĩ không tốt. Cái tâm lý xã hội đón nhận sự việc theo khía cạnh xấu nhiều hơn tốt".

Ông Quang, một người dân sài Gòn cho rằng, tất cả là do tính háo danh của lãnh đạo một số tỉnh, thành. Ông nói :

"Theo tôi, đây là những việc làm vô bổ. Nó mang tính hình thức và háo danh. Những địa phương đó chỉ muốn có bảng kỷ lục thôi chứ tôi thấy không thực tiễn mà lại lãng phí. Lãng phí cả thực phẩm. Nhưng cái bánh to khác thường như thế đâu phải truyền thống, trong khi quảng cáo cho văn hóa ẩm thực thì phải truyền thống, đặc trưng. Mà đã đặc trưng thì không thể làm cái gì khác thường như thế mà phải làm theo truyền thống".

Ông Quang nói thêm, thay vì làm những cái bánh khổng lồ, nên chăng làm thật nhiều những chiếc bánh kích thước truyền thống đem làm từ thiện, tặng những người có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện, trẻ em khuyết tật, bị bỏ rơi...

Tính háo danh của quan chức từng được Bộ Nội vụ đề cập đến trong việc xét tiêu chuẩn cán bộ vào đầu năm 2024 với quy định : Thứ trưởng, tổng cục trưởng, giám đốc sở... phải đáp ứng tiêu chuẩn không háo danh, không tham vọng quyền lực, không để người thân trục lợi…

Dự thảo của Bộ Nội vụ nhấn mạnh công chức lãnh đạo phải đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, nhân dân, tập thể trên lợi ích cá nhân… ; phải là người có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực ; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị…

Nhiều người cho rằng, ‘háo danh’ là một khái niệm không thể đưa ra để xét duyệt vì nó không rõ ràng. Do đó, không thể có cán bộ háo danh hay không háo danh. Điều đó chỉ thể hiện khi họ có quyền lực trong tay như một số lãnh đạo muốn có tấm bằng kỷ lục chỉ về kích cỡ một món ăn nào đó.

Cựu trung tá Vũ Minh Trí cho biết ông đã làm cho Nhà nước 30 năm và thấy rằng đến 99,99% cán bộ đảng viên đều háo danh, cấp càng cao càng háo danh. Ông nói :

"Tôi đã chứng kiến những vị không còn thiếu gì cả, từ chức vụ tiền bạc… nhưng vẫn tranh của cấp dưới từng cái giấy khen bình xét thi đua hằng năm".

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 211 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)