Quốc hội Việt Nam thanh minh tình trạng song tịch của đại biểu (RFA, 27/06/2018)
Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Hạnh Phúc, vào ngày 27 tháng 6, được truyền thông trong nước dẫn phát biểu thanh minh về việc Đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân, đoàn tỉnh Thái Bình, có hai quốc tịch : Việt Nam và Ba Lan.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân. Courtesy of Sputnik
Theo lời ông Nguyễn Hạnh Phúc nói với báo chí trong nước thì Ba Lan có quyết định cho ông Nguyễn Văn Thân thôi quốc tịch nước này theo đơn xin thôi quốc tịch của ông từ tháng 1/2016, trước thời điểm ông Nguyễn Văn Thân ra ứng cử Đại biểu quốc hội khóa 14.
Thông tin ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu quốc hội đoàn Thái Bình có hai quốc tịch được tờ báo tiếng Việt ở Ba Lan, Đàn Chim Việt, đưa ra vào ngày 17/6/2018. Ông được cho là có quốc tịch Ba Lan cũng như làm ăn sinh sống tại quốc gia Đông Âu này.
Đây không phải là trường hợp duy nhất liên quan chuyện Đại biểu quốc hội có hai quốc tịch. Trong đợt bầu cử Đại biểu quốc hội khóa 14, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là Đại biểu quốc hội khóa 13 trúng cử khóa 14 đã không được xác nhận tư cách Đại biểu quốc hội và xin thôi làm Đại biểu quốc hội sau khi bị phát hiện mang 2 quốc tịch Việt Nam và Malta, một đảo quốc nhỏ ở Châu Âu.
***************
Việt Nam có tham khảo Mỹ khi xây dựng Luật An ninh mạng (VOA, 27/06/2018)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (giữa) làm việc với Lãnh đạo Phòng Thương mại Hoa Kỳ. Ảnh : VGP
Trong chuyến công du đến thủ đô Washington, hôm 26/6, Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ tìm cách trấn an các nhà đầu tư Hoa Kỳ giữa lúc Hà Nội bị Mỹ chỉ trích về Luật An ninh mạng do Bộ Công an soạn thảo vừa được quốc hội thông qua.
Từ New York, kinh tế gia Vũ Quang Việt, từng công tác tại Liên Hiệp Quốc, nhận định với VOA rằng lời phân bua của ông Vương Đình Huệ chỉ có tính ngoại giao.
"Những nhà đầu tư họ cũng sẽ biết tự đánh giá như thế nào. Một ông phó thủ tướng, hay cả khi ông thủ tướng nói thì chưa chắc công an họ đã nghe theo, vì việc phân quyền, quyền hành của người nắm chính quyền và luật lệ của Việt Nam không rõ ràng. Việc ông ấy nói gì thì ý nghĩa của nó cũng rất là yếu và không có gì đáng kể".
Trong buổi làm việc với lãnh đạo Phòng Thương mại Mỹ (USCC) và đại diện nhiều tập đoàn lớn như Microsoft, Google, MasterCard, Boeing… ông Vương Đình Huệ khẳng định sẽ đảm bảo không phát sinh giấy phép con cho nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ khi thực thi Luật An ninh mạng, the VnNExpress.
"Khi xây dựng Luật, Việt Nam cũng đã tham khảo từ Mỹ", ông Huệ nói. "Việt Nam phải hướng tới mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng vốn đang rất phức tạp ở nhiều quốc gia".
Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng vào ngày 12/6 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, theo đó, các công ty của Mỹ như Facebook, Google… sẽ được yêu cầu phải "lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam" hay "phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam".
Tiến sĩ Việt tin rằng các công Mỹ sẽ không lưu giữ cơ sở dữ liệu người dùng tại Việt Nam.
"Các công ty này sẽ không bao giờ lưu giữ dữ liệu ở Việt Nam, ngay cả ở Trung Quốc họ cũng chưa chắc đã chịu đặt. Việc đặt ở đâu là tùy theo cách điều hành kỹ thuật đám mây ‘loud technology’ như thế nào. Trong trường hợp đòi phải đặt cơ sở dữ liệu người dùng tại Việt Nam thì các công ty sẽ không làm".
Ngoài ra, quy định này đã gây quan ngại cho các nhà lập pháp, vận động hành lang và ngoại giao Mỹ.
Đại diện thương mại Mỹ Jeremy Gerrish nêu lên "quan ngại của Mỹ về đề án luật an ninh mạng của Việt Nam, bao gồm tác động của các yêu cầu về địa phương hóa và các hạn chế đối với các dịch vụ xuyên biên giới tới sự phát triển và tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam", theo một tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội hôm 6/6.
Ngay khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng với 86% đại biểu tán thành, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng : "Chúng tôi thất vọng về việc thông qua Luật An ninh mạng mới của Việt Nam, trong đó càng thu hẹp tự do biểu đạt trên không gian mạng và áp đặt những hạn chế gây phiền toái đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các doanh nghiệp nước ngoài khác".
Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ chứng kiến thỏa thuân Bamboo Airways mua 20 máy may Boeing của Mỹ hôm 25/6/2018 tại Washington. Photo VietnamNews
Trong một tuyên bố hôm 26/6, người phát ngôn Bộ Tài Chính Hoa Kỳ cho biết trong cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven T. Mnuchin hôm 25/6, hai bên "đã thảo luận về việc thực hiện các hệ thống thanh toán điện tử và các quy tắc an ninh mạng tại Việt Nam".
Theo truyền thông trong nước, ông Huệ đề nghị Bộ Tài chính Mỹ lập kênh đối thoại, trao đổi thông tin với phía Việt Nam về việc đánh giá các quan hệ thương mại và chính sách tỷ giá của Việt Nam ; sớm hoàn tất thủ tục phê duyệt Hiệp định song phương về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập (DTA) ; mở lại kênh cho vay ODA, vay ưu đãi cho Việt Nam...
Tuy nhiên, tiến sĩ Việt nhận định rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump khó có thể tăng thêm vốn ODA cho Việt Nam.
"Tôi nghĩ rất là khó, trừ trường hợp ông Trump thấy có cái lợi gì đó. Nhưng vốn ODA của Mỹ cấp cho Việt Nam năm nay đang giảm đi 50 triệu đôla, tức còn 80 triệu đôla ; năm ngoái có 135 triệu đôla. Thật ra số tiền này cũng nhỏ, không đáng kể so với tổng số ODA mà Việt Nam nhận được".
************************
Bamboo Airways của Việt Nam mua 20 chiếc Boeing : ‘đầy rủi ro và bất thường’ (VOA, 27/06/2018)
Hãng hàng không Bamboo Airways thuộc tập đoàn FLC của Việt Nam vừa ký thỏa thuận mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của Mỹ tại thủ đô Washington, nhưng báo chí Hoa Kỳ trích lời các chuyên gia cho biết đơn đặt hàng ‘hoành tráng’ này rất ‘bất thường’ và ‘đầy rủi ro.’
Máy bay Boeing 787-9 Dreamliner.
Hãng tin Reuters hôm 25/6 cho biết thỏa thuận này trị giá 5,6 tỉ đôla và phía Việt Nam đã đặt cọc vào giữa tháng 6 vừa qua, dự kiến sẽ giao hàng trong thời gian từ tháng 4/2020 cho đến năm 2021.
Tờ Washington Post dẫn lời ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC, cho biết : "Loạt máy bay Boeing 787-9 Dreamliner sẽ gia nhập đội bay của Bamboo Airways để phục vụ các đường bay dài đến thị trường quốc tế".
Ông Quyết còn nói rằng "thỏa thuận với Boeing ngày hôm nay chỉ là bước đầu. Trong tương lai chúng tôi cần đến hơn 100 chiếc máy bay".
Cũng trong dịp ký thỏa thuận này, tập đoàn FLC của ông Quyết còn tổ chức hội thảo quảng bá hệ thống khu nghĩ dưỡng FLC resorts tại khách sạn Trump International Hotel.
Tuy nhiên tờ Washinhton Post trích lời các chuyên gia nhận định rằng Tập đoàn FLC Group đang rất mạo hiểm, một hãng hàng không "ít tên tuổi", còn non trẻ mà lại dám lao vào kinh doanh hàng không với một thỏa thuận ngoạn mục như vậy.
"Đối với một doanh nghiệp vừa ra đời, chưa có hoạt động thử nghiệm nào mà lại đặt hàng mua nhiều máy bay như vậy được xem là điều rất bất thường", tờ báo Mỹ nhận định.
Ông Henry Harteveldt, một nhà phân tích hàng không vũ trụ thương mại thuộc Viện Nghiên cứu Atmosphere Research được tờ Washington Post trích lời nói : "Việc mua 20 chiếc Boeing 787 cho thấy một mức độ tự tin – nhưng một số người sẽ cho rằng đó là sự kiêu ngạo, khoe hầu bao nặng túi". Điều này cho thấy họ sẵn lòng bỏ qua một kế hoạch tài chính cơ bản đối với một hãng hàng không, thông thường các hãng chỉ mua một vài chiếc và đưa vào kinh doanh rồi mới phát triển tiếp dựa vào thị trường. Còn đây là một động thái rất táo bạo, rất nguy hiểm".
Ông Richard Aboulafia, một nhà phân tích hàng không vũ trụ của Tập đoàn Teal, nói với tờ Washington Post rằng ông không tin thị trường hàng không Việt Nam còn chỗ cho thêm một hãng hàng không nữa, vì nước này hiện đã có ba hãng hàng không thường xuyên khai thác rồi.
Thông Tấn Xã Việt Nam trích lời ông Trịnh Văn Quyết nói mục tiêu dài hạn của Bamboo Airways là kết nối Việt Nam với các thị trường chủ đạo tại Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ, trong đó dòng Boeing 787-9 Dreamliner đóng một vai trò quan trọng nhờ hiệu suất hoạt động và tính kinh tế vượt trội.
Cũng trong đầu năm nay, tập đoàn FLC đã chi trả trước 1,5 tỷ đôla trong một hợp đồng trị giá 3 tỷ đôla để mua 24 chiếc máy bay A321 neo của hãng Airbus.