Tỷ lệ tham nhũng ở Việt Nam là 65% (RFA, 07/03/2017)
Có khoảng 900 triệu người ở 16 nước thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương được cho rằng đã phải trả tiền đút lót để nhận được các dịch vụ công. Nếu tính theo tỷ lệ người dân trong khu vực thí cứ 4 người có hơn 1 người phải trả tiền tham nhũng.
Việt Nam là nước có tỷ lệ tham nhũng cao dựa theo bản đồ do Transparency International cung cấp. Courtesy of transparency.org
Báo cáo mới của Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International) có trụ sở tại Berlin, Đức, công bố như vậy vào ngày 7 tháng 3.
Để có báo cáo này, Transparency International đã hỏi 22.000 người trong khu vực về kinh nghiệm của họ đã trải qua với tham nhũng.
Theo báo cáo, chỉ có 1 trong số 5 người được hỏi cho rằng mức độ tham nhũng đã giảm, trong khi một nửa số người trả lời chính phủ đã không làm tốt công tác chống tham nhũng. 38% những người nghèo nhất được hỏi nói rằng họ đã phải trả tiền tham nhũng. Tỷ lệ này cao hơn so với ở các nhóm người có thu nhập cao hơn.
Cũng theo báo cáo, cảnh sát đứng đầu khu vực công đòi tiền đút lót nhiều nhất. Khoảng dưới 1/3 số người được hỏi nói rằng họ đã phải làm việc với cảnh sát trong vòng 12 tháng qua và phải trả tiền hối lộ.
Theo bản đồ do Transparency International cung cấp, Việt Nam có tỷ lệ tham nhũng là 65%.
**********************
Tổ chức theo dõi chống tham nhũng Minh bạch Quốc tế đặt ở Berlin hôm thứ Ba cho hay khoảng 900 triệu người, tương đương khoảng 1/4 dân số, ở 16 nước Châu Á-Thái Bình Dương phải hối lộ để được tiếp cận các dịch vụ công. Sau khi phỏng vấn 22.000 người trong khoảng thời gian 18 tháng từ tháng 7/2015 đến tháng 1/2017, Minh bạch Quốc tế cho biết cảnh sát là những viên chức hay đòi hối lộ nhất với gần 1/3 số người tham gia khảo sát nói rằng họ phải hối lộ trong năm qua.
Ấn Độ có tỷ lệ hối lộ cao nhất trong số 16 quốc gia ở Châu Á-Thái Bình Dương mà Minh bạch Quốc tế khảo sát. 69% người được phỏng vấn ở Ấn Độ nói họ phải trả tiền hối lộ. Đứng thứ nhì sau Ấn Độ là Việt Nam với khoảng 2/3 số người, tương đương 65%, đã phải hối lộ khi tiếp cận các dịch vụ công.
Cuộc khảo sát cho thấy Trung Quốc có tỉ lệ thấp hơn nhiều với mức 26%, trong khi đó ở Pakistan là 40%.
Trái ngược lại, nước có mức tham nhũng ít nhất là Nhật Bản, chỉ có 0,2% số người được hỏi cho biết họ đã trả tiền hối lộ.
Trong khi ở các nước như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan, những người nghèo thường là mục tiêu của nạn hối lội, lại có xu hướng ngược lại ở những nước như Việt Nam, Myanmar và Campuchia.
Trên toàn khu vực, chỉ có 20% cho biết họ nghĩ rằng số vụ tham nhũng đã giảm đi, trong khi 40% nói rằng tình hình đã tồi tệ hơn. Ở Trung Quốc, gần 3/4 số người được hỏi cho biết tình hình đã xấu đi trong ba năm qua kể từ khi báo cáo gần đây nhất về khu vực được công bố vào năm 2013.