Đại sứ Nhật cảnh báo về dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên (RFA, 28/11/2018)
Các doanh nghiệp Nhật sẽ dừng thi công dự án metro Bến Thành-Suối Tiên nếu Việt Nam không thanh toán tiền cho một số hạng mục đã hoàn thành của dự án này.
Dự án metro Bến Thành-Suối Tiên đang bị chậm tiến độ xây dựng và giải ngân. Courtesy : Ảnh chụp màn hình vietnambiz.vn
Truyền thông trong nước trích dẫn nguồn từ Đại sứ quán Nhật cho biết Đại sứ Umeda Kunio, vào hạ tuần tháng 11, đã gửi thư với nội dung cảnh báo vừa nêu đến Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan trong dự án metro Bến Thành-Suối Tiên.
Trong lá thư gửi đến Chính quyền Việt Nam, Đại sứ Umeda Kunio bày tỏ quan ngại về số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn cho dự án metro Bến Thành-Suối Tiền lên đến hơn 100 triệu đô la Mỹ (USD), tính đến ngày 16/11/18 ; đồng thời nhấn mạnh rằng dự án sẽ buộc phải ngừng thi công nếu vấn đề này không được giải quyết đến cuối tháng 12 tới đây.
Dự án metro Bến Thành-Suối Tiên là một trong những công trình giao thông trọng điểm và quan trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh, được triển khai vào tháng 3 năm 2007 và được khởi công từ tháng 8 năm 2012. Tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên kéo dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Dự án này được thực hiện bằng nguồn vốn ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với tổng mức đầu tư gần 210 triệu Yên, tương đương gần 42 ngàn tỷ đồng, chiếm 88,4%. Vốn từ ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 11, 6% tổng mức đầu tư. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài Chính đã ký kết với JICA 3 hiệp định vay vốn gần 32 ngàn tỷ đồng.
Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư cho rằng nguyên nhân dự án metro Bến Thành-Suối Tiên bị đội vốn là do tăng khối lượng xây dựng vì Việt Nam chưa có các quy chuẩn để xác định chính xác áp dụng trong đường sắt đô thị.
Dự án metro Bến Thành-Suối Tiên được dự kiến hoàn thành và hoạt động trong năm 2018. Tuy nhiên, dự án này vẫn còn bị chậm về tiến độ thi công và tiến độ giải ngân.
*******************
Nhật dọa bỏ ngang thi công dự án Metro ở Sài Gòn (Người Việt, 27/11/2018)
Quá chậm trễ trong việc thanh toán số nợ 100 triệu USD, nhà thầu Nhật dọa nếu đến cuối tháng Mười Hai, 2018, không được giải quyết sẽ ngừng thi công tuyến metro số 1.
Nếu không kịp thanh toán tiền cho nhà thầu, tuyến metro số 1 ở Sài Gòn có thể bị bỏ ngang. (Hình : Thanh Niên)
Truyền thông Việt Nam từ mấy ngày nay đề cập tới một bức thư của Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio gửi cả chính quyền thành phố Sài Gòn lẫn nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cảnh cáo "Áp lực lên các nhà thầu Nhật Bản đã đến mức giới hạn",nên tuyến metro số 1 của thành phố Sài Gòn (Bến Thành-Suối Tiên) đang đứng trước nguy cơ bị dừng thi công vì thiếu tiền.
Đây là dự án ì ạch suốt 12 năm qua kể từ khi được "bấm nút khởi công"dự trù khánh thành và bắt đầu hoạt động từ năm 2016 nhưng đến giờ vẫn còn dở dang, không biết khi nào xong. Nay đối diện với áp lực bỏ cuộc của nhà thầu Nhật Bản.
Theo báo Thanh Niên, vấn đề chậm trễ thanh toán tiền cho các nhà thầu của Nhật khi thi công dự án dường sắt số 1 ở Sài Gòn "đã được đề cập đến nhiều lần trong các cuộc hội đàm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, đang làm phát sinh nhiều vấn đề".Đến nay, thêm một lần nữa, họ phải lên tiếng cảnh cáo.
Dự án metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên được thực hiện bằng vốn vay tín dụng ưu đãi (ODA) của Nhật Bản từ năm 2007. Tuy nhiên, việc chậm phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh khiến dự án chưa được phân bổ ngân sách từ tháng Mười, 2017. Theo tờ Thanh Niên, Đại sứ Umeda Kunio thúc chính quyền Sài Gòn thúc Bộ Chính trịvà Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam "sớm phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh phân bổ ngân sách cho dự án".
Vì những thủ tục hành chính và những quy định kiểm soát đầu tư lằng nhằng rối rắm, quy định chấp thuận đầu tư với những khoản tiền lớn phải qua Quốc hội chấp thuận, một phần là để ngăn chặn tham nhũng, mà rất nhiều dự án đã bị chậm trễ dẫn đến "đội vốn". Năm ngoái, tin cho hay dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên từ 17.000 tỷ đồng (hơn 728 triệu USD) ban đầu bị đội vốn thêm 30.000 tỷ đồng (hơn 1,28 tỷ USD).
Tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên. (Hình : Zing)
Chính quyền Sài Gòn đã từng tạm ứng tiền thanh toán cho nhà thầu nhưng dù vậy vẫn phải được sự đồng ý từ trung ương và cũng không đủ, dẫn đến con số nợ lên khoảng 100 triệu USD.
"Áp lực lên các nhà thầu cũng đã đến mức giới hạn, nếu đến cuối tháng Mười Hai mà các vấn đề này không được giải quyết thì tôi rất lấy làm tiếc về việc dự án sẽ buộc phải ngừng thi công",báo Thanh Niên dẫn nội dung bức thư của Đại sứ Umeda Kunio.
"Việc ‘khát’ vốn ODA, chậm phân bổ vốn cho tuyến metro số 1 đã được thành phố báo cáo các bộ, ngành cấp trung ương từ cách đây hơn một năm nhưng đến giờ này, những khó khăn trên vẫn chưa được giải quyết. Lãnh đạo thành phố nhiều lần nhấn mạnh dự án không thiếu tiền, có sẵn 35.000 tỷ đồng và chỉ chờ các cấp thẩm quyền gật đầu là số vốn này sẵn sàng được sử dụng. Thế nhưng do vướng thủ tục, ‘cái gật đầu’ này chờ mãi vẫn chưa thấy", báo Thanh Niên cho hay.
Tờ báo này dẫn lời ông Lê Xuân Nghĩa, cựu phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhận định thủ tục luôn là nút thắt lớn nhất đối với tất cả các dự án được triển khai tại Việt Nam : "Trước đây, có nhiều dự án chậm trễ như vậy khiến mọi người nghi ngờ có thể do nhà đầu tư nước ngoài nhưng thực tế vấn đề nằm ở cơ chế của nước ta. Thủ tục quá lằng nhằng, rắc rối, chậm chạp khiến các nước không thể chịu nổi".
Ông nghĩa nêu ra hai hệ lụy là "Thứ nhất, về mặt tài chính, dự án càng để lâu thì hiệu quả tài chính càng suy giảm nghiêm trọng. Thứ hai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của không chỉ người dân mà với cả các nhà đầu tư nước ngoài. Dân chúng cảm thấy thành phố không thể có khả năng làm chủ một dự án lớn, còn nhà đầu tư thì e ngại, ‘sợ’ không dám ‘dây vào.’"
Dự án Metro số 1 của Sài Gòn có thể hoàn tất vào năm 2020 nếu tiền bạc được giải ngân kịp thời và đầy đủ. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, không thấy có gì bảo đảm. (TN)
*****************
Bị Đại sứ Nhật cảnh báo vì nợ, Việt Nam nói ‘Tiền có sẵn, chỉ đợi Quốc hội duyệt’ (VOA, 27/11/2018)
Trả lời câu hỏi vì sao lại để xảy ra chuyện Đại sứ Nhật phải gửi thư cảnh cáo dừng thi công dự án metro Bến Thành-Suối Tiên vì tình trạng "chậm thanh toán", một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư (Kế hoạch và đầu tư) giấu tên khẳng định với tờ Zing hôm 27/11 rằng số tiền dành cho dự án "đã có rồi"nhưng vì Quốc hội chưa thông qua nên không thể xuất tiền.
Dự án Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên.
Trước đó, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đã gửi thư tới Thủ tướng Việt Nam, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và các lãnh đạo bộ ngành, cho biết Thành phố Hồ Chí Minh đã "chậm thanh toán"cho các nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn số tiền lên đến hơn 100 triệu đôla (tính đến ngày 16/11). Đây là tuyến đường sắt được thực hiện bằng vốn ODA của Nhật Bản từ năm 2007.
Báo Tuổi Trẻ trích thư của Đại sứ Nhật cho biết dự án được đánh giá là "rất quan trọng"này đã không được chính phủ Việt Nam phân bổ ngân sách từ tháng 10 năm ngoái vì sự chậm trễ trong việc phê duyệt quyết định điều chỉnh đầu tư.
Được biết, tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên được Thủ tướng Việt Nam thông qua vào năm 2006. Sau đó, Việt Nam ký vay vốn ODA của Nhật Bản để thực hiện dự án này vào năm 2007, với tổng mức đầu tư ban đầu là 17.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên đến năm 2009, mức đầu tư này đã được tính toán lại và "đội vốn"lên gần gấp 3 lần, tới 47.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Nhật là gần 42.000 tỉ đồng (88,4%) và phần còn lại là vốn đối ứng của Thành phố Hồ Chí Minh. Việc điều chỉnh này cũng khiến cho dự án phải lùi lại 6 năm, đến năm 2012 mới được chính thức khởi công lại.
Trưởng ban quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Nguyễn Minh Quang, được Việt Nam Mới dẫn lời cho biết với tiến độ thi công năm 2017, cần phải có 5.400 tỉ đồng cho dự án. Tuy nhiên, số tiền vốn ODA mà Trung ương cấp chỉ mới được 2.100 tỉ đồng vào ngày 28/4/2017 và việc giải ngân vẫn chưa được đẩy nhanh dẫn đến chậm tiến độ.
Theo lời lãnh đạo này thì "phía Nhật Bản đặt vấn đề rất nghiêm túc và gay gắt. Vốn họ đã chuẩn bị đủ nhưng chúng ta chưa xử lý việc phân bổ vốn cho dự án", vẫn theo Việt Nam Mới.
Trong khi đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện tuyến Metro số 1 cần phải có số vốn khoảng 28.000 tỉ đồng, nhưng Bộ Kế hoạch và đầu tư mới chỉ bố trí cho 7.500 tỉ đồng, dẫn đến mức thiếu hụt 20.500 tỉ đồng. Thành phố đã tạm ứng 3.273 tỉ đồng kể từ cuối năm 2016 đến nay nhưng vẫn không đủ để chi trả.
Trả lời Zing, một lãnh đạo giấu tên của Bộ Kế hoạch và đầu tư nói rằng vì tính chất quan trọng của dự án và số tiền điều chỉnh tăng vốn đầu tư lên rất lớn nên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị chịu trách nhiệm trình Quốc hội, phải xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình lên Quốc hội.
Ông này cũng khẳng định rằng "chúng tôi đã tính toán kỹ"và "chuẩn bị sẵn tiền cho dự án", "chỉ đợi Quốc hội thông qua thôi".
Trong thư gửi lãnh đạo Việt Nam, Đại sứ Kunio nói "áp lực lên các nhà thầu đã đến mức giới hạn"và cảnh báo "nếu đến cuối tháng 12 mà các vấn đề này không được giải quyết, dự án sẽ buộc phải ngừng thi công".
*****************
Dự kiến công bố kết quả thanh tra các dự án đất đai ở Đà Nẵng (RFA, 27/11/2018)
Thắc mắc liên quan đến nhân vật Phan Văn Anh Vũ hay Vũ Nhôm được một số cử tri tại thành phố Đà Nẵng nêu ra với ông Bí Thư Thành Phố Trương Quang Nghĩa trong cuộc gặp vào ngày 27 tháng 11.
Hình chụp người dân câu cá bên cầu sông Hàn ở thành phố Đà Nẵng hôm 16/2/2011. AFP
Theo tin truyền thông trong nước loan đi cùng ngày thì ông Trương Quang Nghĩa trả lời cử tri rằng kết quả thanh tra toàn diện bán đảo Sơn Trà dự kiến được công bố vào thứ năm ngày 29 tháng 11.
Sau đó là kết quả thanh tra toàn diện dự án Khu Đô Thị Đa Phước hay còn gọi là dự án The Sunrise Bay.
Đối với dự án nhà hàng và bến du thuyền trên sông Hàn thuộc một công ty của Phan Văn Anh Vũ làm chủ đầu tư, thành phố Đà Nẵng quyết định mua lại dự án và sẽ đầu tư để làm công trình công cộng.
Trước đó, vào ngày 6 tháng 12 năm 2017, Chính phủ Việt Nam quyết định tiến hành thanh tra toàn diện các dự án ở bán đảo Sơn Trà và Đa Phước tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian 45 ngày.
Tại bán đảo Sơn Trà, ông Phan Văn Anh Vũ có đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn – Bãi Đa với vốn đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng.
Xét thấy vị trí lô đất nằm trong độ cao trên 100 mét mực nước biển, ảnh hưởng đến công trình quốc phòng nên dự án Ghềnh Bàn – Bãi Đa đang được Sở Tài Nguyên Môi trường thành phố Đà Nẵng xem xét thu hồi theo lệnh của Ủy ban nhân dân thành phố.
Theo lời Bí thư Thành Ủy Đà Nẵng, ông Phan Văn Anh Vũ sẽ ra tòa ít nhất 3 lần với 3 tội danh, trong đó có những sai phạm liên quan đến Đà Nẵng.
******************
Đề xuất bổ sung luật để bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam (RFA, 27/11/2018)
Đại diện 16 tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam vừa đề xuất bổ sung một số quy định để bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam. Thông tấn xã Việt Nam loan tin này hôm 27/11.
Chú Hổ Trắng mẹ 12 tuồi và một chú Hổ Trắng con 9 tuần tuổi tại một sở thú ở Chi Lê hôm 30/10/2018. Hổ Trắng hiện là loài động vật quý hiếm được bảo tồn trong sách đỏ. AFP
Đề xuất này được đưa ra sau khi có những hình ảnh và video lan truyền trên internet gần đây cho thấy những động vật hoang dã trong tình trạng nguy cấp của Việt Nam bị săn bắn và ăn thịt gây bất bình trong dư luận.
TTXVN trích lời ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã, một tổ chức tham gia vào đề suất, cho biết nguyên nhân đưa ra đề suất là vì hoạt động bẫy, săn bắn bất hợp pháp trong các khu rừng ở Việt Nam.
Các tổ chức đề nghị bổ sung các quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vào rừng và lập lán trại trái phép trong rừng đặc dụng vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 157/2013/NĐ-CP về bảo vệ động vật hoang dã.
Các tổ chức cũng đề nghị các khu rừng đặc dụng nên xây dựng phương án cho phép khai thác có kiểm soát một số sản phẩm lâm sản ngoài gỗ không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
Theo TTXVN, các cuộc điều tra cho thấy 5 năm gần đây quần thể động vật hoang dã suy giảm rất lớn, lượng bẫy bắt trái phép phổ biến ở hầu hết các vườn quốc gia, khu bảo tồn. Các loài như Hổ, Sao la, Báo gấm, Cầy mực, Tê tê vàng không còn được nhìn thấy qua bẫy ảnh, có thể mất đi mãi mãi. Rùa cũng là một loại động vật đang bị đánh bắt quá mức.
Các tổ chức bảo tồn thiên nhiên lo ngại mất đa dạng sinh học do việc bẫy, bắt, săn bắn bất hợp pháp động vật hoang dã trong các khu rừng ở Việt Nam. Nếu không dẹp được các hoạt động bẫy bắt động vật hoang dã như hiện nay thì trong một ngày gần đây, Việt Nam sẽ đối diện với việc tuyệt chủng hàng loạt các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Điều đó sẽ thành hiện thực chứ không còn là nguy cơ nữa.
**********************
Nghêu chết hằng loạt ở Nghệ An (RFA, 26/11/2018)
Cũng tin liên quan đến môi trường, trong khoảng thời gian hơn một tuần nay, hàng trăm tấn nghêu ở xã Hoàng Mai, Nghệ An chết chưa rõ nguyên nhân.
Hình minh họa : Phụ nữ cào nghêu ở Gò Công, Tiền Giang. Hình chụp tháng 10 năm 2017. Courtesy : Facebook Đại Đặng
Theo VNEpress, cơ quan chức năng đã lấy mẫu nghêu chết để xét nghiệm nhưng chưa phát hiện dấu hiệu bất thường.
Cho đến ngày 26 tháng 11, nghêu không còn chết nhiều như trước, nhưng xác nghêu chết nhiều bốc mùi hôi thối, người dân phải tự dọn dẹp để làm sạch môi trường.
Theo các hộ dân, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, ở đây xuất hiện tình trạng nghêu chết với số lượng nhiều như vậy. Người dân mong cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và hỗ trợ người dân dọn vệ sinh, đảm bảo môi trường nuôi nghêu trở lại.
Tình trạng môi trường nuôi trồng thủy sản tại nhiều địa phương trên cả nước bị ô nhiễm khiến vật nuôi chết hằng loạt gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho người nuôi thường xảy ra.
Dân Hà Tĩnh cay đắng nhìn nghêu chết trắng bãi (Người Việt, 12/04/2018)
Khoảng 16 tấn nghêu của người dân nuôi ở xã Cẩm Lĩnh và xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên, chết trắng đầm, khiến các gia đình nuôi điêu đứng vì trắng tay, ước tính mỗi nhà thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Nghêu chết trắng bãi bồi ở xã Cẩm Lộc và Cẩm Lĩnh nhiều ngày qua. (Hình : VietNamNet)
Theo báo VietnamNet, hơn tuần nay, người nuôi nghêu ở khu vực Cồn Vạn, bãi bồi Cửa Nhượng, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, ngao ngán trước hiện tượng nghêu đến mùa thu hoạch bỗng chết hàng loạt.
Xã Cẩm Lĩnh có chín gia đình nuôi nghêu với diện tích hơn 10 hécta. Mỗi nhà nuôi 1-2 tấn nghêu giống sắp đến mùa thu hoạch, ước tính tổng thiệt hại khoảng 16 tấn.
Nghêu chết ngâm dưới bùn nhiều ngày, khi tách vỏ ra, ruột nghêu bốc mùi hôi thối. Nhiều nhà dân trong số đó vay tiền ngân hàng đầu tư nghêu giống.
Ngồi thẫn thờ bên đầm nghêu chỉ còn lại đống vỏ, ông Phạm Ngọc Dũng (64 tuổi, trú thôn 2, xã Cẩm Lĩnh) cho biết : "Gia đình tôi đã mất trắng hơn 100 triệu đồng (hơn 4.388 USD). Tôi thả 3,2 tấn nghêu giờ thu hoạch còn lại là đống vỏ".
"Năm ngoái, nghêu của gia đình cũng bị chết, song số lượng ít. Năm nay không rõ vì nguyên nhân gì mà chết nhiều như vậy", ông khóc dở mếu dở, nói.
Nói với báo VnExpress, ông Phạm Văn Minh (64 tuổi, trú xã Cẩm Lĩnh) cho biết, ông mua nghêu giống Bến Tre một tháng trước, đấu thầu một hécta diện tích đầm lầy. Nay toàn bộ số nghêu giống chết sạch, ước tính thiệt hại 64 triệu đồng (hơn 2.808 USD).
Bà Nguyễn Thị Khả (62 tuổi) cho hay, gia đình thiệt hại khoảng 100 triệu đồng (hơn 4.388 USD) khi hơn hai tấn nghêu bị chết. (Hình : VnExpress)
Bà Nguyễn Thị Khả (62 tuổi) cho hay, gia đình thiệt hại khoảng 100 triệu đồng khi hơn hai tấn nghêu bị chết. Tiếc của, bà cào những con nghêu sống còn lại bán gỡ vốn, số nghêu chết đem cho gia súc ăn.
Bà cho biết năm nay nghêu được giá hơn các năm trước, nếu nuôi đạt năng suất sẽ cho thu nhập 100 triệu đồng mỗi hécta. "Cả nhà tôi tiếc hùi hụi, nhưng trời không thương nên đành chịu", bà Khả nói.
Tại xã Cẩm Lộc, diện tích nuôi nghêu nhỏ hơn, nhưng cũng xảy ra hiện tượng tương tự.
Anh Lê Văn Ngọc (thôn Trung Hà, Cẩm Lộc) chia sẻ : "Tôi có một hécta nuôi nghêu, tiền giống đã hơn 50 triệu đồng (hơn 2.194 USD), chưa kể tiền công chăm sóc. Nay tôi cũng mất trắng nghêu chết không rõ nguyên nhân".
Theo người nuôi nghêu, họ mất nhiều thời gian để nhặt nghêu chết đi vứt bỏ và còn phải bỏ tiền thuê nhân công gom nghêu chết.
"Đã chết nghêu rồi còn mất mỗi ngày khoảng một triệu đồng (hơn 43 USD) tiền thuê nhân công cào vỏ nghêu. Trắng tay rồi", một người nuôi nghêu than thở.
Bên cạnh nghêu, ốc xoắn cũng bị chết, nổi trên mặt đầm. (Hình : VnExpress)
Ông Trần Đình Lam, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Cẩm Lĩnh, cho biết hơn một tuần nay ở xã xảy ra hiện tượng nghêu của các nhà dân chết trắng. "Diện tích nghêu chết trên 10 hécta, của chín nhà dân nuôi nghêu. Hiện chính quyền đã lấy mẫu đi kiểm tra", ông nói.
Theo cán bộ khuyến nông xã Cẩm Lộc, kết quả ban đầu cho thấy, hiện tượng nghêu nuôi chết hàng loạt vừa qua là do thời tiết thay đổi, dẫn đến sốc môi trường nước.
Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, chuyên viên Trung Tâm Ứng Dụng Khoa Học Kỹ Thuật và Bảo Vệ Cây Trồng Vật Nuôi huyện Cẩm Xuyên, cho biết trung tâm đã về lấy mẫu gửi Chi Cục Thủy Sản thuộc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh để phân tích, xét nghiệm.
Bên cạnh nghêu, ốc xoắn cũng bị chết, nổi trên mặt đầm. (Tr.N)
******************
Hải sản ở miền Trung chết hàng loạt (CaliToday, 12/04/2018)
Trên dãi biển kéo dài từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị đều xảy ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt một cách bí ẩn. Hiện tượng này đã kéo dài từ trên mười ngày qua. Đi cùng với việc hải sản chết là một số hiện tượng nước biển đổi màu, có mùi hôi tanh, cá chết trôi dạt bờ.
Nghêu chết hàng loạt ở Hà Tĩnh. Ảnh : Tuổi Trẻ
Gần một tuần nay, cả chục hộ dân nuôi nghêu ở hai huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà (Hà Tĩnh) lâm vào cảnh lao đao, khốn đốn khi xảy ra tình trạng nghêu chết hàng loạt. Nhiều người bần thần như kẻ vô hồn trước việc nghêu chuẩn bị thu hoạch thì bỗng nhiên mất trắng. Đa phần trong số họ phải vay mượn ngân hàng để mua nghêu giống, bây giờ lâm vào cảnh nợ nần.
Dù đã một tuần trôi qua, các hộ nuôi nghêu ở hai xã Cẩm Xuyên, Lộc Hà vẫn không rõ nguyên nhân vì sao nghêu chết hàng loạt.
Trả lời báo Thanh Niên, ông Phạm Ngọc Dũng, trú tại xã Cẩm Linh (huyện Cẩm Xuyên) cho biết, để thả được hơn 3 tấn nghêu, gia đình ông phải vay mượn ngân hàng 50 triệu.
"Không hiểu tại sao năm nay ngao chết nhiều như thế này. Mấy ngày nay, vợ chồng tôi ra đây nhặt ngao chết đi đổ mà xót xa quá", ông Dũng nói.
Theo người nuôi nghêu cho biết, tình trạng nghêu chết chỉ diễn ra lẻ tẻ vào giữa vụ, chưa bao giờ lại xảy ra hiện tượng nghêu chết hàng loạt như bây giờ. Theo thống kê, có hộ nuôi nghêu bị thiệt hại lên đến 70 đến 80%.
Nghêu chết, nhưng hàng ngày người dân phải bỏ ra cả triệu đồng để thuê nhân công cào nghêu đem bỏ. Đã khổ nay còn rơi vào cảnh khốn cùng.
Cách đây khoảng mười ngày, tại vùng biển Quảng Trị đã xảy ra hiện tượng cá chết trôi dạt bờ. Chính quyền tỉnh thống kê phải đến hơn 30 tấn cá chết bị sóng đánh vào bờ với chiều dài lên đến hơn 5km. Người dân vô cùng hoang mang, lo lắng khi mà tai ương từ thảm họa môi trường do Tập đoàn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra cách đây hai năm vẫn còn ám ảnh họ.
Để tránh tình trạng hoang mang cho người dân, chính quyền tỉnh Quảng Trị cho biết, sau khi đem các mẫu cá đi xét nghiệm đã không hề phát hiện ra hàm lượng độc tố trong cá. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, cá chết với số lượng khổng lồ là do ngư dân đánh được mẻ lớn, nhưng do lưới bị rách nên sóng đánh dạt vào bờ.
Nước biển đổi màu ở Quảng Bình. Ảnh : Vietnamnet
Không chỉ Hà Tĩnh, Quảng Trị mà cả tỉnh Quảng Bình cũng xảy ra hiện tượng bất thường trên biển. Vào ngày 10/4, tại vùng biển thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch xuất hiện một dải nước màu đỏ kéo dài trên 2km. Chính quyền lại cho xét nghiệm và sau đó cho biết đấy là hiện tượng "tảo nở hoa".
Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đều là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do Tập đoàn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra cách đây hai năm. Cho đến nay, rất nhiều làng biển vẫn chưa thể phục hồi. Các một số vùng biển, như ở Sơn Dương, Nhật Lệ chính quyền vẫn khuyến cáo không nên đánh bắt cá ở tầng đáy, vì hải sản ở đó không an toàn.
Dù thảm họa môi trường đã xảy ra cách đây hai năm, nhưng cho đến nay, rất nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận được tiền đền bù. Chẳng những vậy, việc người dân đòi khiếu kiện Tập đoàn Formosa lại bị chính quyền cộng sản Việt Nam đàn áp một cách tàn bạo. Hàng chục thanh niên ở Hà Tĩnh đã phải vào tù, nhận những bản án hết sức nặng nề hoặc phải bỏ trốn ra nước ngoài để tỵ nạn chỉ vì tham gia vào việc khiếu kiện.
Trong những tháng gần đây, rất nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh tỏ ra vô cùng lo lắng khi ngân hàng liên tục gởi giấy báo nợ, buộc phải trả tiền nếu không sẽ bị siết nhà. Đó là số tiền mà người dân được ngân hàng cho vay ưu đãi để quay trở lại đánh bắt trên biển. Tuy nhiên, hải sản khi đánh bắt về lại chẳng ai mua, hoặc bán không được giá, vì người dân rất sợ phải ăn cá trên biển kể từ khi thảm họa môi trường xảy ra. Rất nhiều hộ dân rơi vào cảnh khốn cùng không tìm được lối thoát.
Từ khi chính quyền cộng sản Việt Nam thông báo cho biết đã nhận đủ 500 triệu Mỹ kim từ Tập đoàn Formosa thì doanh nghiệp này đã vô can trước tình trạng hiện nay của ngư dân miền Trung. Chẳng những vậy, Tập đoàn này còn được chính quyền cộng sản Việt Nam bảo vệ một cách mạnh mẽ, những tin tức liên quan đến tập đoàn này đều được kiểm duyệt một cách kỹ lưỡng, không để lọt bất cứ thông tin xấu nào ra bên ngoài. Tập đoàn này vẫn đặt nhà máy sản xuất gang thép bên bờ biển, mà ở Việt nam, tất cả các doanh nghiệp đặt nhà máy gần sông, biển chỉ là để đổ chất thải độc hại không được trừ khử ra bên ngoài. Việc làm này tuy độc ác, vì nó sẽ ảnh hưởng đến môi trường, giết hại giống nòi dần dần nhưng sẽ giảm thiểu phần thiệt hại về tài chánh cho doanh nghiệp vì đỡ phải tốn tiền để đầu tư vào các thiết bị tiêu khử chất độc.
Người Quan Sát
*********************
Hết Nha Trang, đến Hạ Long biến thành phố Tàu (Người Việt, 12/04/2018)
Đến khu du lịch Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, du khách không khỏi choáng ngợp trước các biển hiệu tiếng Trung Quốc đặt chi chít, khiến nơi này giống như một khu phố bên Trung Quốc.
Biển hiệu cửa hàng này không có một chữ tiếng Việt. (Hình : Thanh Niên)
Theo báo Thanh Niên, lượng khách du lịch Trung Quốc ồ ạt đến Quảng Ninh thời gian gần đây khiến các cửa hàng ở khu du lịch Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, trương nhiều biển hiệu bằng tiếng Trung thay cho tiếng Việt.
Cụ thể, trên các tuyến đường Hạ Long, Vườn Đào, Hậu Cần… có nhiều cửa hàng treo biển hiệu chỉ dùng tiếng Trung Quốc với hai màu vàng-đỏ, màu sắc chủ đạo của nước này, mà không hề bị chính quyền địa phương xử phạt, tháo dỡ.
Đáng chú ý, có những cửa hàng treo biển hiệu tiếng Việt một đằng, tiếng Trung Quốc một kiểu. "Họ quảng cáo tiếng Trung rằng có nước hoa, vòng ngọc bằng… gỗ quý nhưng thực tế bên trong lại không có những loại hàng này", ông Trần Vinh, hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung, cho biết sau khi đọc một số biển hiệu.
Khu du lịch Bãi Cháy với nhiều cửa hàng treo biển tiếng Trung. (Hình : Thanh Niên)
Ngày 10 tháng Tư, nói với báo Thanh Niên, ông Đoàn Ngọc Nam, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân phường Bãi Cháy, xác nhận các cửa hàng treo biển toàn tiếng Trung Quốc là sai quy định và cho rằng "Lực lượng chức năng của phường đang tiến hành rà soát, nhắc nhở các hộ kinh doanh, sau đó sẽ ra quân tháo dỡ biển hiệu sai quy định trong vài ngày tới".
Trong khi đó, ông Bùi Quang Nam, chánh thanh tra Sở Văn Hóa-Thể Thao tỉnh Quảng Ninh, cho biết : "Những biển quảng cáo tại khu du lịch Bãi Cháy hầu hết vi phạm quy định. Hồi đầu năm, thanh tra sở có đi kiểm tra việc này ở thành phố Hạ Long nhưng chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt".
Theo ông Nam, việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định của Luật Quảng Cáo. Biển hiệu phải bảo đảm mỹ quan ; phải viết bằng chữ Việt Nam ; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn và không được lấn át chữ Việt Nam.
Dọc phố Vườn Đào chi chít biển quảng cáo tiếng nước ngoài, trong đó đa phần là tiếng Trung Quốc. (Hình : Thanh Niên)
"Biển quảng cáo không được che kín mặt tiền, mỗi cửa hàng chỉ được đặt một biển chính và một biển phụ. Ngoài ra, biển quảng cáo phải bảo đảm trật tự đô thị, không được treo một cách tùy tiện", ông Nam cho biết.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng : "Một trong những khó khăn hiện nay của lực lượng thanh tra Sở Văn Hóa-Thể Thao là không có người nào biết tiếng Trung Quốc, nên nếu đi kiểm tra những nội dung viết bằng tiếng Trung Quốc phải mời chuyên gia đi cùng".
Hồi đầu tháng Tư, truyền thông Việt Nam đã phản ánh, nhiều du khách trong và ngoài nước đến thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, không khỏi giật mình, cứ tưởng mình đang ở một xứ nào đó chứ không phải Việt Nam, bởi vì các biển hiệu hàng quán, dịch vụ đều bằng ngôn ngữ Nga và Trung Quốc. (Tr.N)