Chủ tiệm nail người Việt bị buộc hoàn trả hơn 375.000 bảng Anh vì trồng cần sa
Hai người Việt Nam bị kết án vì điều hành một mạng lưới trang trại cần sa trong những ngôi nhà trên khắp vùng Tây Bắc, Yorkshire và Midlands của Vương quốc Anh vừa bị buộc phải trả lại hơn 375.000 bảng Anh (khoảng 10,65 tỷ đồng) tiền lãi bất chính.
Rất nhiều người Việt bị buôn người sang Anh và bị sử dụng làm nhân công trong các nhà trồng cần sa bất hợp pháp.
Truyền thông Anh cho biết hôm 2/2, Lin Van Dang và Thi Nguyet Nga Ho đã xuất hiện tại Tòa án Preston Crown, gần hai năm kể từ ngày họ bị kết án vì tham gia trong một kế hoạch trồng cần sa quy mô lớn.
Hai người này đã bị bắt cùng với Cam Thi Ho và Ho Qa Dong, sau khi cảnh sát đột kích vào những ngôi nhà và tiệm làm móng ở Blackburn, Darwen và Bolton vào năm 2019.
Vào tháng 10 năm đó, cảnh sát đến một ngôi nhà ở Dormer Street, Bolton, và phát hiện trong một căn phòng ngủ khóa kín một cuốn sổ chứa danh sách trồng cần sa chi tiết được viết bằng tiếng Việt, và giấy tờ liên kết ngôi nhà đó với ngôi nhà ở Darwen của hai bị cáo Van Dang và Thi với bị cáo Ho Qa Dong.
Ngày hôm sau, cảnh sát đã lục soát nhà của Van Dang và Thi Ho khi các bị cáo không có mặt, bốn người khác đã được tìm thấy trong nhà có liên quan đến cuộc điều tra.
Cảnh sát cũng tìm thấy 3.740 bảng Anh tiền mặt, một điện thoại "Burner" (loại điện thoại dùng tạm thời rồi vứt bỏ), liên kết với một số ngôi nhà trồng cần sa và thiết bị của Van Dang và một hóa đơn tiền điện nước trong chiếc Range Rover của Van Dang cho một nhà khác ở Phố Market, Tottington, nơi được phát hiện chứa hàng trăm cây cần sa.
Khi khám xét 5 ngôi nhà có liên kết với dữ liệu điện thoại, cảnh sát đã tìm thấy tổng cộng 1.489 cây cần sa với tổng giá trị ước tính lên tới hàng trăm nghìn bảng Anh.
Tất cả các địa chỉ nhà đều được thuê bằng tên giả, sử dụng giấy tờ giả bao gồm cả hộ chiếu giả.
Cuộc điều tra của cảnh sát Anh cho biết có nhiều kế hoạch thuê các ngôi nhà ở East Lancashire và sử dụng lao động bất hợp pháp để làm nhân viên và sống trong các ngôi nhà trồng cần sa.
Cảnh sát nói cặp Van Dang và Thi Ho hiện đang điều hành các tiệm nail ở Blackburn, có tổng thu nhập kê khai từ năm 2018 đến năm 2020 là 73.317 bảng Anh.
Tuy nhiên, một cuộc kiểm tra tài khoản ngân hàng của họ cho thấy số tiền gửi bằng tiền mặt tổng cộng là 225.889 bảng Anh.
Van Dang bị kết án 4 năm rưỡi tù giam, Cam Thi Ho bị kết án 3 năm và Ho Qa Dang bị kết án 27 tháng.
Thi Ho bị kết án 10 tháng, 12 tháng tù treo và bị cấm đi lại ba tháng.
Tại phiên xét xử hôm 2/2, Tòa án của Anh đã ra lệnh cho Van Dang hoàn trả tổng cộng 321.323,59 bảng Anh và Thi Ho phải hoàn trả 64.875,82 bảng Anh.
Hai người này sẽ phải hoàn trả số tiền trong vòng ba tháng hoặc án tù mặc định ba năm đối với Van Dang và 10 tháng đối với Thi Ho sẽ được áp dụng.
Họ cũng được lệnh phải bồi thường 19.199,16 bảng Anh cho hai nạn nhân là chủ sở hữu ngôi nhà để trang trải các khoản thu nhập bị mất và tân trang lại tài sản đã bị sử dụng để trồng cần sa.
Nguồn : VOA, 03/02/2023
Tại Hoa Kỳ, có thể nói chính người Mỹ gốc Việt đã góp phần lớn trong việc phát triển ngành nail, tức là làm móng tay, móng chân. Riêng tại bang California, có đến 80% số chủ tiệm nail và thợ làm nail là người Mỹ gốc Việt. Là một ngành hái ra tiền, đem về thu nhập hàng tỷ đôla, ngành nail cũng là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 tại Hoa Kỳ.
Riêng tại bang California, có đến 80% số chủ tiệm nail và thợ làm nail là người Mỹ gốc Việt.
Trả lời đặc phái viên RFI Việt ngữ ngày 05/02/2021, tại Quận Cam, luật sư Nguyễn Hoàng Dũng, cố vấn cho các tổ chức của những người làm nail ở Mỹ như Images Luxury Nail Lounge, Pro Nails Association, nhắc lại đóng góp của người Việt cho ngành này tại quê hương thứ hai của họ :
"Người Mỹ gốc Việt có thể nói là những người đã đóng góp cho ngành nail này. Trước đại dịch Covid, người ta ước tính doanh thu của ngành nail lên tới mười mấy tỷ đôla, một con số rất lớn. Riêng California, nơi có cộng đồng Việt Nam đông nhất, những người thợ làm nail lại càng đông hơn nữa. Những người sang Hoa Kỳ sau này thì học nghề nail rất là mau và thu nhập cũng rất là khá. Thường là những người sống ở các bang "xa", tức là ngoài California, lại không có điều kiện để xài tiền, nên làm bao nhiêu là giữ bấy nhiêu. Trong một gia đình có thể có đến 3,4 người làm nail, một năm có thể giữ được vài ba chục ngàn, có khi cả trăm ngàn đô, một nguồn thu nhập rất lớn đối với cộng đồng Việt Nam chúng ta".
Trong những tháng đầu của đại dịch Covid-19, theo nhật báo Người Việt ngày 08/05/2020, người Mỹ gốc Việt nói chung và đặc biệt là những người trong ngành nail, đã rất hăng hái tham gia phong trào yểm trợ những người trên tuyến đầu chống dịch, tặng hàng chục ngàn khẩu trang, dụng cụ che mặt, chất khử trùng và thực phẩm cho các bệnh viện, các trung tâm y tế, các thành phố, và những nhân viên y tế trên toàn quốc. Nhưng vốn đã bị thiệt hại do lệnh đóng cửa các cơ sở thương mại, các tiệm nail càng khốn đốn chỉ vì một tuyên bố của ông thống đốc bang California. Luật sư Nguyễn Hoàng Dũng nhắc lại vụ này :
"Đại dịch ảnh hưởng đến mọi ngành nghề, nhưng riêng ở California, trong một lần phát biểu tại một cuộc họp báo, thống đốc bang lại nói rằng ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên là xuất phát từ một tiệm nail ở bắc California. Thế là mọi người đã sợ lại càng sợ thêm. Mặc dù lúc đó có lệnh đóng cửa tạm thời, nhưng đã có sự đấu tranh của rất nhiều người, trong đó có hiệp hội mà chúng tôi tham gia là Pro Nails Association, vừa ở California, vừa ở các bang khác.
Tại bang California, đã rất nhiều người tuần hành, biểu tình, bởi vì ngành nail có liên hệ mật thiết với ngành làm tóc, mà ngành làm tóc lúc đó được mở, còn ngành làm nail lại không được mở. Thành ra nhiều người cảm thấy không được công bằng. Họ đã kiến nghị, phản đối, biểu tình, nên cuối cùng ông thống đốc lại cho phép mở cửa, nhưng giới hạn rất nhiều, ví dụ như phải có các biện pháp an toàn y tế. Thật ra thì trước đó ngành nail đã áp dụng các biện pháp y tế rồi. Sau khi có dịch Covid thì cũng không có gì thay đổi, chỉ có cái là thay vì các ghế gần nhau thì bây giờ các ghế phải cách xa nhau một tí và thật sự thì cũng không có nhiều khách để ngồi gần như thế. Sau đó, khi dịch lại bùng phát trong khoảng thời gian tháng 10 và 11/2020, ông thống đốc lại ra lệnh đóng cửa".
Đóng rồi mở, mở rồi lại đóng, biết bao tiệm nail đã sống dở chết dở vì đại dịch Covid-19. Trang mạng Spectrum News 1, chuyên về thông tin ở vùng Nam California, ngày 05/02/2021 có nêu trường hợp của Christie Nguyen, chủ một tiệm nail mang tên Studio 18 Nail Bar, ở thành phố Tustin, Quận Cam, California. Đây là tiệm mà cô đã mở cùng với anh em trong gia đình cách đây mấy năm, nhưng không ngờ là sẽ có một ngày đại dịch Covid-19 ập đến nước Mỹ. Từ tháng 03/2020, tức là khi bang California ban hành lệnh phong tỏa "Stay Home Order", cho đến tháng 01/2021, tiệm nail của Christie Nguyen đã phải đóng cửa 85% thời gian. Trường hợp của gia đình Christie Nguyen là tiêu biểu cho tình cảnh của vô số chủ tiệm nail đang lao đao khốn khổ vì tác động của dịch Covid-19. Vấn đề là theo lời luật sư Nguyễn Hoàng Dũng, nhiều chủ tiệm lại không được nhận các trợ cấp của chính phủ :
"Chính phủ Mỹ cũng có những gói hỗ trợ cho mọi người, chứ không riêng ngành nail, cụ thể là gói PPP (payroll protection program), một chương trình để giúp cho các chủ doanh nghiệp vay tiền và trả lương cho nhân viên. Nhưng điểm đặc biệt của ngành nail ở Mỹ và nhất ở Califorrnia, đó là phần lớn, nếu không muốn nói là hầu hết những người làm nail là những người làm khoán (independant contractor) chứ không phải là nhân viên (employee), mà không phải nhân viên thì không có tên trong sổ lương. Cho nên, những người chủ các tiệm nail không được phần trợ cấp đó, nhưng họ vẫn phải trả tiền nhà, tiền thuê mướn, phải trả rất là nhiều thứ. Những tiệm nail ở những khu rất sang trọng, một tiệm có thể phải trả đến 20, 30 ngàn đô một tháng, mà bây giờ lại không được trợ cấp thì rất là kẹt.
Bây giờ thì có giảm xuống một chút, nhưng trong khoảng thời gian tháng 10, 11 và 12, con số những người lây nhiễm bệnh, con số người vào nhà thương và đương nhiên là con số người chết vì Covid lên cao, cho nên thống đốc bang California đã lại quyết định đóng cửa hết mọi thứ. Ông chia các khu vực theo màu, nhưng cách chia này cũng không khoa học, hợp lý, bởi vì một khu vực rất rộng lớn, cùng một khu vực nhưng khúc đầu thì đông dân, khúc sau thì ít dân và dựa trên cơ sở số giường bệnh không đủ thì cũng không khoa học".
Mặc dù vào cuối tháng Giêng, thống đốc bang California Gavin Newsom đã cho mở cửa trở lại các tiệm nail và các tiệm hớt tóc ở bang này, nhưng theo luật sư Nguyễn Hoàng Dũng, tình hình của các chủ tiệm nail vẫn rất khó khăn :
"Có rất nhiều người đã nộp đơn kiện. Thủ tục thưa kiện bên Mỹ hơi phức tạp. Thưa kiện để đòi cái gì ? Một số lớn đã thưa ông thống đốc, đúng hơn là thưa chính quyền bang California, để bắt buộc ông bỏ lệnh cấm hoạt động, để họ có thể tiếp tục mở cửa.
Chúng tôi có cố vấn luật pháp cho một hệ thống tiệm nail Images Luxury Nail Lounge cũng rất nổi tiếng ở cộng đồng và đã bị thiệt hại rất là nhiều. Con số thiệt hại từ hồi dịch bùng phát lên tới cả chục triệu đôla, bởi vì có rất nhiều tiệm, trong đó có những tiệm sang trọng, phải đóng cửa.
Vào ngày ra tòa để xin tòa ra một án lệnh tạm thời yêu cầu thống đốc bỏ lệnh cấm hoạt động, thì ngay hôm đó, ông thống đốc cho mở cửa lại tất cả. Nhưng thiệt hại về tiền bạc rất là quan trọng, bởi vì như chúng tôi đã nói ở trên, rất nhiều chủ tiệm nail không được trợ cấp của chính phủ trong khuôn khổ chương trình PPP. Ngay cả khi có gói trợ cấp này hay trợ cấp kia, nó cũng không đủ để trang trải những nợ nần. Quan trọng hơn nữa là tình hình sau này ra sao ? Hiện nay, nhiều thợ đã bỏ nghề, nhiều tiệm phải đóng cửa, bây giờ được mở lại rồi có khách hay không ? Nhất là khi ông thống đốc đã có tuyên bố ca lây nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng là xuất phát từ một tiệm nail ở Bắc Cali. Sau này, chính quyền của thống đốc Newsom của bang có xác nhận là tuyên bố của ông không có cơ sở. Nói chung là ngành nail đã bị ảnh hưởng rất nhiều, nhiều hơn các ngành nghề khác trong đại dịch Covid-19 này".
Trong khi chờ tình hình sáng sủa trở lại, nhiều chủ tiệm nail phải vật lộn với những tờ bill (hóa đơn), như Christie Nguyen mỗi tháng vẫn phải trả 4.400 đôla tiền thuê nhà, ấy là chưa kể tiền thuế năm nay sắp đến. Theo trang mạng Spectrum News 1, tổng cộng, cô và tiệm nail của gia đình đang thiếu hơn 40.000 đôla tiền nợ và tiền thuê nhà. Cũng may là họ đã xin và nhận được tấm ngân phiếu trợ cấp 10.000 đôla của chính quyền thành phố Tustin để trả hai tháng tiền thuê nhà. Ấy là chưa kể Christie Nguyen lại phải đăng báo tuyển thợ làm nail mới, rồi phải phỏng vấn và đào tạo những người này.
Thanh Phương