Phó Thủ tướng chỉ đạo điều tra vụ Hải quan đánh tráo tang vật ngà voi (Tin Tức, 05/09/2017)
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa có ý kiến chỉ đạo về việc cán bộ Cục Hải quan thành phố Hà Nội đánh tráo, chiếm đoạt tang vật là ngà voi.
Xét báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về vụ việc cán bộ Cục Hải quan thành phố Hà Nội lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để đánh tráo, chiếm đoạt 156 kg ngà voi đang lưu giữ trong kho tang vật, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội sớm có kết luận điều tra để xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, theo đúng quy định của pháp luật.
Một vụ bắt giữ buôn lậu ngà voi. Ảnh: CAND
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, giám sát kho tang vật, đảm bảo chặt chẽ, an toàn và thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, luân chuyển cán bộ theo đúng quy định.
Trước đó, Tổng cục Hải quan đã ra thông báo liên quan đến nội dung xử lý vi phạm của cán bộ thuộc Cục Hải quan thành phố Hà Nội đánh tráo tang vật ngà voi. Theo Tổng cục Hải quan, trong quá trình thực hiện công tác quản lý Nhà nước về Hải quan, nhiều tang vật vi phạm đã được cơ quan Hải quan thu giữ.
Việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm đã được quy định chặt chẽ tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu. Theo đó, trách nhiệm của người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu đã được quy định cụ thể.
Vừa qua, đã xác định được ông Phạm Minh Hoàng là công chức thuộc Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm được giao nhiệm vụ làm thủ kho hàng tạm giữ, đã thực hiện hành vi tự ý phá niêm phong lô hàng tạm giữ và tráo đổi, bán tang vật là ngà voi và sản phẩm từ ngà voi đang trữ quản tại kho hàng tạm giữ của Cục Hải quan thành phố Hà Nội.
Ngay sau khi vụ việc bị phát hiện, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Phạm Minh Hoàng và báo cáo về Tổng cục Hải quan. Ngày 4/8/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Phạm Minh Hoàng về hành vi "Tham ô tài sản".
TTXVN
********************
Phó thủ tướng : Xử lý nghiêm cán bộ hải quan chiếm đoạt ngà voi (Một Thế Giới, 05/09/2017)
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa có ý kiến chỉ đạo về việc cán bộ Cục Hải quan thành phố Hà Nội đánh tráo, chiếm đoạt tang vật là ngà voi.
Ngà voi bị cảnh sát bắt giữ - ảnh minh họa
Xét báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về vụ việc cán bộ Cục Hải quan thành phố Hà Nội lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để đánh tráo, chiếm đoạt 156kg ngà voi đang lưu giữ trong kho tang vật, Phó thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội sớm có kết luận điều tra để xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, Tổng cục Hải quan đã ra thông báo liên quan đến nội dung về việc xử lý vi phạm cán bộ thuộc Cục Hải quan Thành phố Hà Nội đánh tráo tang vật ngà voi.
Cơ quan chức năng đã xác định được ông Phạm Minh Hoàng là công chức thuộc Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm được giao nhiệm vụ làm thủ kho hàng tạm giữ đã thực hiện hành vi tự ý phá niêm phong lô hàng tạm giữ và tráo đổi, bán tang vật là ngà voi và sản phẩm từ ngà voi đang lưu trữ quản tại kho hàng tạm giữ của Cục Hải quan Thành phố Hà Nội.
Ngay sau khi vụ việc bị phát hiện, Cục Hải quan Thành phố Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Phạm Minh Hoàng và báo cáo về Tổng cục Hải quan.
Ngày 4/8/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Phạm Minh Hoàng về hành vi "Tham ô tài sản".
Hoài Phong
Trung Quốc tuyên bố cấm buôn bán ngà voi (BBC, 31/12/2016)
Kenya hủy 105 tấn ngà voi vào tháng Tư để đối phó nạn buôn lậu
Trung Quốc công bố một lệnh cấm tất cả các hoạt động buôn bán ngà voi và ngưng chế biến ngà vào cuối năm 2017.
Các tổ chức bảo vệ động vật ca ngợi quyết định là "lịch sử" và "thay đổi cục diện" cho tương lai của loài voi.
Quyết định được đưa ra sau một nghị quyết tại Công ước quốc tế buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) tại Nam Phi vào tháng Mười.
Trung Quốc đã ủng hộ nghị quyết của CITES và ủng hộ cho một lệnh cấm, điều gây ngạc nhiên cho các thành viên công ước.
Một số đại biểu cho biết Bắc Kinh thậm chí muốn có một nghị quyết mạnh hơn.
Trung Quốc hiện là thị trường ngà voi lớn nhất trên thế giới với ước tính cho thấy 70% hoạt động buôn bán trên thế giới diễn ra tại đây.
Ngà voi có thể bán tới giá 1.100 USD/kg tại Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc công bố lệnh cấm vào hôm thứ Sáu.
Việc chế biến thương mại và bán ngà voi sẽ ngưng vào 31/03/2017, và tất cả doanh nghiệp đã đăng ký sau đó sẽ bị đóng cửa dần nhằm ngưng toàn bộ hoạt động của thị trường này vào cuối năm nay.
Tổ chức bảo vệ động thực vật WWF hoan nghênh tin mới nhất là gọi đó là một "tuyên bố lịch sử ... báo hiệu sự kết thúc của thị trường ngà voi hợp pháp chủ yếu trên thế giới và là cú hích lớn cho những nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng săn bắn trộm voi ở châu Phi".
Việc gia tăng giết voi nhiều trong bảy năm qua khiến số lượng voi châu Phi giảm tới một phần ba.
****************************
Trung Quốc sẽ cấm kinh doanh ngà voi (RFI, 31/12/2016)
Hơn 500 bộ ngà voi từ Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ tại Hồng Kông, năm 2012. REUTERS/Bobby Yip
Trung Quốc sẽ cấm mọi hình thức kinh doanh và chế biến ngà voi tại nước này từ nay đến cuối năm 2017. Quyết định ngày 30/12/2016 của Bắc Kinh được các nhà bảo vệ voi châu Phi đánh giá là có thể "làm thay đổi tình hình".
Thông cáo của chính phủ Trung Quốc, được AFP trích dẫn, nêu rõ : "Để bảo vệ tốt hơn các loài voi và để đấu tranh chống nạn buôn lậu, Trung Quốc sẽ từng bước ngừng mọi hoạt động kinh doanh và chế biến ngà voi vì mục đích thương mại và đồ vật trang trí".
Theo Tân Hoa Xã, lệnh cấm hoàn toàn trên sẽ liên quan đến "34 doanh nghiệp chế biến ngà voi và 143 trung tâm thương mại, trong đó hàng chục cơ sở sẽ bị đóng cửa từ nay đến tháng 03/2017". Những cơ sở khác sẽ lần lượt được chia thành nhiều đợt khác nhau.
Vẫn theo thông cáo trên, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục cho phép bán đầu giá đồ cổ từ ngà voi có "nguồn gốc chính đáng" và quá trình đấu giá sẽ được "giám sát chặt chẽ".
Thông báo trên của chính phủ là bước tiếp theo của quyết định được Trung Quốc đưa ra hồi tháng 03/2016 nhằm cấm mọi hình thức nhập khẩu ngà voi và các sản phẩm chế biến từ ngà voi được sở hữu sau năm 1975.
Ngà voi là sản phẩm rất được ưa chuộng tại Trung Quốc với giá bán có thể lên đến 1.050 euro/kg vì được cho là thể hiện vị trí xã hội và là một thần dược. Nhu cầu ngày càng tăng tại quốc gia châu Á này khiến hàng chục nghìn con voi châu Phi bị giết hại mỗi năm.
Theo nhiều tổ chức bảo vệ thiên nhiên, hơn 20.000 con voi đã bị giết chết để lấy ngà vào năm 2015. Hiện chỉ còn khoảng 415.000 con voi vẫn sống sót, theo thẩm định của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund).
Tháng 06/2016, Hoa Kỳ, quốc gia tiêu thụ ngà voi bất hợp pháp lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc, cũng thông báo cấm gần như hoàn toàn hoạt động kinh doanh ngà voi có xuất xứ từ châu Phi. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp ngoại lệ như đồ vật trang trí cổ làm từ ngà voi.
Thu Hằng