Tuần qua website Thông Luận đã đăng nhiều bài của các tác giả nói về những "thói hư tật xấu" của người Việt như "Người xưa cảnh tỉnh" của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Úc), "Nhớ cụ Tản Đà" của Chu Văn (Úc), "Trở ngại của dân chủ là văn hóa nhân sĩ" (Việt Hoàng), "Không khí xã hội Việt đương thời" và "Nông dân trong mắt tôi" của nhà giáo Thái Hạo... Mục đích cũng là để người Việt chúng ta nhìn lại mình, soi lại mình để cùng nhau tiến bộ và tốt lên chứ không phải để chỉ trích hay dèm pha, đổ lỗi cho nhau. Tất cả chúng ta đều là người Việt nên đều mang trong mình những thói hư tật xấu mà văn hóa và lịch sử để lại. Biết mình xấu chỗ nào để sửa là điều phải làm của những người cầu tiến và văn minh.
Một sự thật buồn là cho đến giờ dân tộc Việt Nam vẫn chưa có được điều mà cả thế giới đã có đó là tự do và dân chủ. Chế độ độc tài cộng sản tại Việt Nam không phải từ trên trời rơi xuống mà là một di sản của lịch sử. Chế độ cộng sản thực ra chỉ là chế độ phong kiến theo Khổng giáo đã được cải biên. Nó phù hợp với văn hóa và tư duy của người Việt Nam nên đã ăn sâu bén rễ vào xã hội cho đến tận bây giờ. Muốn thay đổi ách độc tài toàn trị đó bắt buộc chúng ta phải thay đổi văn hóa và tư duy về chính trị.
Thay đổi nó bằng cách nào ? Câu hỏi này anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nghiên cứu, tìm hiểu, đúc kết, trình bày và giải thích rất nhiều lần trong suốt gần 40 năm qua. Đầy đủ, cụ thể và chi tiết nhất là cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của ông Nguyễn Gia Kiểng. Cuốn sách đó đã giải thích vì sao chúng ta lại là chúng ta như bây giờ và làm thế nào để thoát khỏi hoàn cảnh bi đát hiện nay... Chung qui tất cả vấn để đều nằm ở tâm lý và văn hóa. Thay đổi được tâm lý và văn hóa chúng ta sẽ thay đổi được số phận của dân tộc Việt Nam.
Mặc dù chúng tôi đã nói nhiều về vấn đề này nhưng sự thực là vẫn chưa tạo ra được nhiều thay đổi vì thay đổi văn hóa và tư duy của cả một dân tộc đã được tích lũy, thẩm thấu trong hàng ngàn năm chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Cuộc cách mạng dân chủ mà chúng tôi đề nghị cũng là một cuộc cách mạng văn hóa. Dù rất khó và gian nan nhưng đường nào cũng phải làm nếu không muốn dân tộc Việt Nam bị thua kém so với thế giới tiến bộ. Không phải chỉ mỗi chúng tôi nhận ra điều đó mà rất nhiều người Việt Nam ưu tư với đất nước cũng đã nhận ra được bản chất của vấn đề.
Điều quan trọng cần làm trong lúc này là cùng nhau chia sẻ, lên tiếng và ủng hộ cho việc thay đổi văn hóa và tư duy, trước là cho mình và sau là cho tất cả mọi người. Vượt qua chính mình, đối diện với chính mình là khó nhất. Nỗ lực này không cần hy sinh bản thân hay một cái gì đó quá lớn mà chỉ cần mỗi người trong chúng ta thành thật và dũng cảm với... chính bản thân mình. Chúng ta cần đoạn tuyệt với văn hóa Khổng giáo một lần và mãi mãi để tiếp nhận những giá trị mới của thời đại dựa trên sự thật và lẽ phải.
Người Việt mang cả những thói hư tật xấu của mình khi ra nước ngoài... Một nhà hàng ở Thái Lan cảnh báo người Việt khi lấy quá nhiều đồ ăn nhưng không ăn hết sẽ bị phạt.
Những lời tổng kết của nhà cách mạng dân chủ đầu tiên, cụ Phan Châu Trinh (1872-1926) về những điểm yếu của người Việt gần 100 năm sau vẫn còn đúng. 10 điều bi ai của dân tộc mà cụ Phan Châu Trinh đúc kết đó là :
1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước, thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đọa đày.
2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề, thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.
3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc, thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.
4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có, thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết, thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.
7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo, thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân, thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.
10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là "đầy tớ" của dân, được dân tín nhiệm, thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…
Sau gần 100 năm, chúng ta đã thay đổi được bao nhiêu ? Sự thật buồn là không bao nhiêu. Hãy cùng chúng tôi tham khảo 12 đặc điểm của một người Việt Nam hời hợt qua một tác phẩm ngắn về Khảo luận văn hóa của tác giả Huỳnh Chí Viễn : "Người Việt hời hợt". Barry Huỳnh Chí Viễn là một giáo viên dạy tiếng Anh đang sống và làm việc tại Sài Gòn. Chúng ta thử kiểm điểm xem có đúng như vậy không ? Chúng ta đã thay đổi được bao nhiêu phần rồi ? Và có nên thay đổi không hay mặc kệ, ai nói gì thì nói ? Nên nhớ người Việt không chỉ hời hời hợt trong chính trị mà là trong mọi lĩnh vực. Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho bọn lừa đảo kiếm tiền. Hai vụ lừa đảo trên sàn giao dịch điện tử mới nhất là Coolcat.com và Busstrade... là ví dụ.
Khảo luận văn hóa : "Người Việt hời hợt" của tác giả Huỳnh Chí Viễn.
1. Có hiểu biết nông cạn và sơ sài về một vấn đề
Các bạn trẻ bây giờ hiếm có ai hiểu một cách thấu đáo về một vấn đề nào. Tôi nhiều lần cảm thấy rất bất ngờ vì có những kiến thức tưởng chừng rất phổ thông, rất cơ bản mà các bạn đều không biết hoặc hiểu biết rất sơ sài. Nếu bị bắt buộc phải tìm hiểu thì các bạn trẻ thường làm qua loa cho có, chứ không hề đào sâu vào. Họ thường có khuynh hướng chọn những gì ngắn gọn và sợ đọc dài. Chính vì tính hời hợt qua loa này mà rất nhiều người chỉ cần đọc tiêu đề của một bài báo thôi đã vào phán như mình hiểu hết mọi chuyện.
2. Không có hứng thú hoặc sự tò mò đối với kiến thức mới lạ
Kiến thức là vô hạn nên chúng ta chỉ có thể biết nhiều hoặc biết ít chứ không thể nào biết hết được mọi việc. Tuy nhiên con người chỉ học được và tiến bộ khi có sự tò mò và hứng thú với những điều chưa biết. Khi con người trở nên thờ ơ và không hề có đam mê với kiến thức thì việc học chỉ đơn thuần là nhai lại những gì mà người khác cho mình chứ không có sự tìm tòi học hỏi. Các bạn học sinh sinh viên ngày nay dường như thiếu hẳn niềm đam mê với kiến thức. Tôi thường chia sẻ cách học tiếng Anh của mình lúc trẻ là luôn tò mò với những gì có tiếng Anh mà tôi bắt gặp ở bất cứ nơi đâu : một câu slogan trên bảng quảng cáo, một bao bì sản phẩm, một hướng dẫn bằng tiếng Anh ở nơi công cộng… nhưng hầu như rất ít học viên của tôi chịu để ý đến những điều này. Mỗi ngày tôi đều đọc rất nhiều về nhiều đề tài để tự nâng cao kiến thức của mình mà vẫn thấy mình còn quá nhiều điều chưa biết và muốn tìm hiểu.
3. Lười suy luận, không thích thử thách
Khi phải đối diện với những vấn đề hóc búa cần suy luận nghiêm túc, phần lớn các bạn học viên của tôi thường đưa ra một câu trả lời ngẫu nhiên theo kiểu ăn may rồi chờ câu trả lời của tôi để ghi chép lại. Nhiều bạn luôn chuẩn bị câu trả lời : "Em không biết !" mỗi lẫn được hỏi tới như một phản xạ vô điều kiện bất kể câu hỏi đó dễ hay khó. Nhiều lúc tôi phải nửa đùa nửa thật nói rằng bạn không sợ lương tâm mình cắn rứt khi trả lời tôi rằng "em không biết" một cách nhanh chóng và dứt khoát như thế. Lười suy nghĩ là một thói quen giết chết khả năng tư duy của con người và biến họ thành những kẻ chỉ biết nghe lời người khác bất kể đúng sai.
4. Không có khả năng kết nối và tổng hợp thông tin
Những người hời hợt thường chỉ nhìn thấy những thứ nổi trên bề mặt mà ít khi nào chịu khó đào sâu vào những tầng dưới của một vấn đề. Chính vì vậy họ thường không nhận thức được những ẩn ý bên trong, không thấy được mối liên hệ giữa những vấn đề có liên quan, không áp dụng được những kiến thức cũ đã học vào thực tế và cũng không có khả năng khái quát hóa những điều cụ thể để rút ra một khái niệm chung. Ngược lại, khi học một khái niệm mang tính chất trừu tượng, họ không có khả năng tự mình liên tưởng đến những ví dụ cụ thể liên quan đến khái niệm đó. Nói một cách khác, những người hời hợt học một biết một, học hai biết hai chứ hiếm khi tự mình liên kết hay tổng hợp những kiến thức rời rạc đã học được.
5. Tranh luận theo cảm tính, ít khi thấy được tính logic của vấn đề
Thật đáng buồn là hầu hết các bạn sinh viên, thậm chí thạc sĩ hoặc đã ra đi làm đều không có khả năng trình bày hoặc lý giải vấn đề một cách có logic. Chính vì lười suy nghĩ và lười tra cứu tìm tòi, những luận điểm các bạn đưa ra thường rất ngây ngô, thiếu thực tế và đầy cảm tính như kiểu tư duy của các em học sinh tiểu học. Những lý do đưa ra thường rời rạc chắp vá, kiểu bất chợt nghĩ tới cái gì thì nói cái đó chứ không hề có sự sắp xếp hoặc liên kết chúng với nhau theo một thứ tự hợp lý. Nhiều lúc tôi tự hỏi những năm tháng học đại học đã dạy được cho sinh viên Việt Nam những kỹ năng gì hay thực sự đã giết chết những kỹ năng quan trọng nhất của một sinh viên ?
6. Sợ nói đến những chủ đề "nhạy cảm"
Có rất nhiều bạn "trí thức trẻ" (tạm gọi là thế nếu chỉ dựa vào trình độ học vấn) rất ngại đụng chạm đến những vấn đề nghiêm túc hoặc nhạy cảm như kinh tế, chính trị, lịch sử, khoa học… vì những đề tài này rất nhức đầu. Có người còn rất tự hào khi tuyên bố mình không thích nói về chính trị hoặc quan tâm đến những chuyện "không phải của mình" mà chỉ quan tâm tới những gì liên quan tới công việc hiện tại là đủ. Nếu bạn chú ý nghe những câu chuyện của các cô cậu sinh viên thì mới thấy thế giới quan của họ thực sự nhỏ hẹp một cách đáng lo ngại. Câu chuyện của họ xoay quanh những việc chơi game, cua gái, cua trai, ăn gì, chơi đâu... thì không có gì nghiêm túc cả. Gần đây có một bạn trình độ thạc sĩ hỏi tôi BOT là cái gì, em nghe người ta nói man mán nhưng không hiểu lắm. Tôi hỏi nếu vậy tại sao em không tự mình tìm hiểu. Bạn đó cười cười không nói gì và tôi cũng không chắc là bạn có về tìm hiểu không nữa ?
7. Thích theo những trào lưu mới nổi nhưng không bền
Hễ có trào lưu nào mới, bất kể là có ý nghĩa hay không thì những bạn trẻ đều theo một cách hăng say nhưng chỉ cần vài tuần khi có trend mới hơn thì họ lại chạy theo trend mới. Đây không phải là sự tò mò cầu tiến mà chỉ đơn thuần là sự hời hợt ham vui bên ngoài, cái gì hot, cái gì dễ thì mình theo nhưng nhanh chóng vứt bỏ nó để đi tìm một món đồ chơi mới vui hơn, lạ hơn. Còn cái gì cần phải tốn nhiều thời gian để tìm hiểu thì chắc chắn sẽ không có phần của các bạn. Điều này sẽ giết chết sự kiên nhẫn và lòng đam mê đối với một điều gì đó nghiêm túc, những đức tính rất cần thiết cho sự thành công lâu bền.
8. Tin theo những gì hợp ý mình bất kể tính xác thực
Khái niệm tìm hiểu thông tin đa chiều để kiểm chứng tính xác thực của thông tin mình nhận được dường như không hề tồn tại đối với rất nhiều người Việt Nam. Điển hình là trên facebook, rất nhiều người share hoặc viết những status mà chỉ cần đọc sơ qua là biết là fake news nhưng họ share bởi vì họ thích nội dung đó. Khi được nhắc nhở, có nhiều người tìm mọi cách cãi chày cãi cối hoặc công kích cá nhân để bảo vệ sự thiếu hiểu biết của mình. Chia sẻ thông tin là một điều tốt, nhưng chỉ chia sẻ những gì hợp ý mình mà thiếu kiểm chứng tính xác thực hoặc không đọc kỹ để tìm ra những điểm ngụy biện hoặc vô lý chứng tỏ sự hời hợt và lười tư duy của người chia sẻ.
9. Khả năng sử dụng ngôn ngữ kém
Muốn đánh giá khả năng tư duy của một người, hãy quan sát cách họ sử dụng ngôn ngữ nói và viết vì ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất của tư duy. Những người sâu sắc là những người có khuynh hướng sử dụng từ ngữ chính xác, cấu trúc câu gãy gọn và các thức biểu đạt hợp lý. Vì họ chú trọng đến hiệu quả của việc truyền tải thông tin của mình đến người nghe nên khi nói hoặc viết họ sẽ tìm cách để đối phương hiểu được thông điệp một cách rõ ràng, cụ thể và đúng đắn nhất. Họ không nói thừa và cũng không nói thiếu, không dùng những từ ngữ dễ gây hiểu lầm hoặc khó hiểu và điều chỉnh giọng nói của mình về âm lượng cũng như biểu cảm hợp lý. Khi viết họ sẽ chú ý đến cấu trúc câu, lỗi chính tả, cách sử dụng dấu câu, cách viết hoa và hiếm khi viết tắt. Ngược lại những người hời hợt thường không chú ý đến hiệu quả của việc truyền tải thông tin qua kênh nói và viết. Họ thường có khuynh hướng nói tắt nói gọn và hy vọng người nghe phải hiểu những gì mình không nói hoặc nói dài dòng lê thê những điều không quan trọng. Khi buộc phải phát biểu ý kiến, họ thường nói một cách miễn cưỡng, không đầu không đuôi với âm lượng chỉ đủ cho bản thân họ nghe khiến cho người đối thoại phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần, hoặc đặt ra nhiều câu hỏi gợi ý nếu muốn nghe được câu trả lời hoàn chỉnh. Khi viết, những người hời hợt thường viết sai chính tả những từ đơn giản, chấm phẩy hoặc viết hoa tùy tiện và thường hay viết tắt theo thói quen của mình.
10. Kém ngoại ngữ
Để học tốt một ngoại ngữ, bạn không thể hời hợt qua loa vì mỗi ngôn ngữ đều chứa đựng một logic riêng của nó. Học ngôn ngữ không đơn thuần là học thuộc mẫu câu, từ vựng hoặc công thức rồi lặp lại như cái máy mà phải học cách tư duy của ngôn ngữ đó. Tôi dạy tiếng Anh nhiều năm nên hiểu rất rõ sự qua loa và hời hợt trong cách tư duy của người Việt Nam khi học tiếng Anh. Nếu đổ lỗi hết cho chất lượng đào tạo tiếng Anh ở bậc phổ thông và đại học ở Việt Nam quá kém thì cũng không hẳn vì khi có điều kiện học nghiêm túc và hướng dẫn tận tình, đa số người Việt vẫn rất ẩu tả trong các phát âm, dùng thì, sử dụng danh từ theo số ít số nhiều… nói chung là đều là những lỗi rất đơn giản và rất dễ khắc phục nếu chịu chú ý. Có những lỗi rất cơ bản được tôi phân tích kỹ, cho rất nhiều ví dụ cụ thể nhưng sau đó thì các bạn học viên của tôi vẫn sai đúng những lỗi đó hết lần này tới lần khác. Điều này chứng tỏ rằng các bạn vẫn học tiếng Anh bằng tư duy của người Việt nên không có sự tiến bộ cho dù học rất lâu.
11. Trình độ thẩm mỹ thấp
Để cảm nhận được những giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật như văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh hoặc kịch nghệ, người thưởng thức phải có một trình độ văn hóa và một độ tinh tế nhất định. Những người hời hợt không có chiều sâu sẽ không thích những tác phẩm đòi hỏi kiến thức cũng như trình độ để có thể cảm thụ được và thường có khuynh hướng chọn những gì đơn giản dễ dãi chủ yếu là để giải trí là chính. Và chính sự dễ dãi thiếu chiều sâu của những sản phẩm giải trí đó tác động ngược lại khiến cho người xem hoặc người nghe trở nên hời hợt và cảm tính hơn. Nhạc não tình, truyện và phim ngôn tình, các gameshow truyền hình là những thứ giết chết tư duy logic của con người hiệu quả nhất vì nó chỉ đánh vào cảm xúc thuần cảm tính chứ không đòi hỏi suy luận hoặc cảm thụ sâu sắc.
12. Không có tính sáng tạo
Để sáng tạo, con người cần có một nền tảng kiến thức sâu rộng về một hoặc nhiều lĩnh vực cùng với một trí tưởng tượng phong phú. Đồng thời một người sáng tạo là một người có tinh thần cầu toàn và kiên nhẫn rất cao. Đây là những đức tính những người hời hợt thiếu chiều sâu không có vì cái gì phải mất công mất sức mà không mang lại kết quả nhanh chóng cho họ đều khiến họ nản lòng và bỏ cuộc. Sinh viên học sinh Việt Nam học giỏi chủ yếu là học vẹt và rập khuôn chứ sáng tạo thì không thể vì kiến thức các bạn học chỉ là bề nổi và sự sáng tạo thì bị bóp chết từ trong trứng nước (*)
Việt Hoàng
(15/5/2021)
(*) FB. Barry Huỳnh Chí Viễn, 07/10/2019
Quán cà phê Việt Nam miễn phí cho khách hàng nữ không mặc áo ngực (VOA, 27/10/2017)
Một quán cà phê tại Thành phố Hồ Chí Minh đang gây xôn xao trong giới trẻ Việt Nam khi đưa ra chương trình khuyến mãi "No bra, no pay", miễn phí thức uống cho tất cả khách hàng nữ không mặc áo ngực đến quán vào ngày 13/10.
Hình quảng cáo cho chương trình khuyến mãi trên Facebook của quán cà phê MIB.
Chủ quán MIB (Monkey in Black), anh Trần Thanh Tùng, nói với VOA rằng đây là chương trình hưởng ứng cho phong trào "Ngày không áo ngực" ở Anh nhằm nâng cao ý thức của nữ giới trong việc khám bệnh phòng ngừa ung thư vú. Anh Tùng cho biết thêm :
"Tùng kết hợp với Hội Ung thư vú Việt Nam tổ chức chương trình này. Đơn giản là vì đằng sau chương trình này, ý nghĩa quốc tế của nó là nâng cao nhận thức về ung thư vú. Cho nên ‘No Bra Day’ chỉ là để gây tiếng vang, nhưng khi gây tiếng vang mà người ta thực sự chú ý thì người ta biết đằng sau nó là ung thư vú".
Chương trình "thả rông" nhận khuyến mãi của quán MIB nhận được khá nhiều ủng hộ và "share" trên mạng xã hội Facebook, nhưng cũng không ít người lên tiếng phản đối vì sự "mất gốc" văn hóa Việt.
Giáo sư-Tiến sĩ Trần Thị Minh Đức, Trưởng bộ môn Tâm lý học tham vấn, Khoa Tâm lý, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cho rằng cách thức truyền thông điệp trên không phù hợp với xã hội Việt Nam hiện tại. Bà nói :
"Ngay cả khi mình làm việc đấy để quảng cáo cho ung thư vú, thì thiếu gì cách để quảng cáo ? Chìa ngực ra như thế để cho nhiều người đi khám sức khỏe thì tôi không nghĩ đó là cách tối ưu. Vì cách này liên quan đến thuần phong mỹ tục".
TS. Trần Thị Minh Đức cho rằng khoan hãy nói tới chuyện cởi bỏ hẳn áo ngực, chỉ riêng với việc phụ nữ mặc áo hai dây hay trang phục không kín đáo nơi công cộng nhiều khi vẫn còn gặp chỉ trích.
Mặt khác, TS. Minh Đức cũng tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả xã hội thực sự của chương trình khuyến mãi cho phụ nữ "thả rông" này.
Bà nói : "Chị em ở nông thôn, những người đang bị [ung thư vú] thật sự, người ta có thể vì thế mà đi khám không ? Trừ phi bảo rằng cởi như thế sẽ được khám, chữa bệnh miễn phí thì tôi nghĩ ai đấy sẽ nhắm mắt đi bởi vì họ cần chữa bệnh. Nhưng nếu chỉ để quảng cáo được bữa ăn hay bất kỳ cái gì khác thì tôi không nghĩ cái đó có giá trị".
Thời gian gần đây, "thả rông" bắt đầu trở thành chủ đề không còn mới lạ trong giới trẻ Việt Nam. Một số báo Việt Nam nói "thả rông", "no-bra" đang trở thành một xu hướng của giới trẻ và "chưa bao giờ hot đến thế". TS. Minh Đức không thừa nhận điều này. Bà giải thích thêm :
"Để trần ngực như thế thì tôi không nghĩ đó là xu thế. Một số người thì không thể gọi là xu thế ở Việt Nam. Cũng không thể gọi là xu thế của các bạn trẻ, vì tôi dạy ở trường đại học với cả ngàn sinh viên như thế mà tôi không thấy. Nếu là xu thế thì các sinh viên cũng là đại diện, mà tôi lại không thấy".
Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Lê Khanh tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng giới trẻ Việt Nam hiện nay đang chạy theo phong trào của quốc tế một cách không chọn lọc, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về mặt xã hội. Ông nói :
"Hiện nay, xã hội Việt Nam đôi khi còn đi quá hơn cả xả hội Âu Mỹ ở một số lĩnh vực. Chỉ khổ là những lĩnh vực đi sớm hơn lại là những lĩnh vực nhạy cảm và không nên như vậy. Bởi vì dù ở trên góc độ nào đi nữa, tâm thức của một người Á Đông với những đạo lý, ràng buộc về đạo đức thì vẫn có những hạn chế, nhất là đối với phụ nữ. Liên quan đến thân thể người phụ nữ là một vấn đề nhạy cảm".
Chia sẻ với VOA về những phản ứng trái chiều của công luận, chủ quán Trần Thanh Tùng cho biết "điên", "táo bạo" là khẩu hiệu kinh doanh của quán. Anh thừa nhận những ý tưởng này luôn gây ra phản ứng trái chiều, nhưng tiêu điểm của anh là nâng cao nhận thức của người Việt Nam.
Tùng nói : "Slogan của Monkey in Black là ‘Nghĩ điên, làm chất’, có nghĩa là mình sẽ làm những thứ táo bạo, những hoạt động nhằm cho xã hội và mọi người nhận biết một ý thức nào đó. Ví dụ như bên Tùng hay kết hợp với Hội LGBT, bên giới tính thứ ba, tổ chức những chương trình để nâng cao ý thức về đa giới tính, hoặc tổ chức những hoạt động để ghi nhớ ngày cha mẹ… Tùng hay làm những chương trình để nâng cao các mối quan hệ, những vấn đề mà Việt Nam đang có. Cho nên ‘No bra, no pay’ cũng chỉ là một phần trong chuỗi các event mà thôi. Mà những event đó lúc nào cũng có phản ứng hai chiều".
Hình thức khuyến mãi "gây sốc" đang ngày càng xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Đi tiên phong và nổi bật là quảng cáo của hãng hàng không VietJet Air với dàn tiếp viên mặc bikini trước đây. Chính quảng cáo gây không ít phản ứng xã hội này đã mang hiệu quả không nhỏ trong việc giúp cho hãng hàng không mới nổi đánh bại các đối thủ "cây đa, cây đề" trong ngành, đưa CEO của hãng trở thành nữ "tỷ phú đôla" đầu tiên của Việt Nam.
Hình thức quảng cáo bikini này gần đây cũng được áp dụng tại một quán trà sữa ở Thành phố Hồ Chí Minh, gây tranh cãi trong công luận.
Chuyên gia Lê Khanh cho rằng những hình thức kinh doanh "gây sốc" đang góp phần làm cho giới trẻ đánh mất giá trị bản thân. Ông nói :
"Đó là thành công về mặt kinh doanh, nhưng lại góp phần vào việc làm cho ý thức giá trị bản thân đi xuống. Hiện nay, nguy cơ của giới trẻ Việt Nam là ý thức giá trị bản thân. Họ a dua, theo phong trào, ‘ai sao tôi vậy’, không cần biết đến hậu quả ảnh hưởng tới tính cách con người. Về chuyên môn, tôi thấy một số trường hợp đưa đến cho tôi tư vấn đã có những hành vi không phù hợp với xã hội, bởi vì bản thân những em đó không quý trọng giá trị bản thân, không có lòng tự trọng, do bị ảnh hưởng bởi những hoạt động bên ngoài. Chúng bắt trước theo và đánh mất cái tôi của mình. Nếu nói theo triết học, đó là một thế hệ vong thân".
Sau khi được hưởng ứng khá mạnh ngày 13/10, quán cà phê MIB cho biết sẽ tiếp tục áp dụng khuyến mãi giảm giá 50% cho khách hàng nữ không mặc áo ngực vào mỗi thứ tư hàng tuần.
Khánh An
*****************
Đại sứ Mỹ Ted Osius thắp hương tại Nghĩa trang Biên Hòa (VOA, 27/10/2017)
Đại sứ Mỹ Ted Osius dẫn đầu đoàn các nhà ngoại giao Hoa Kỳ hôm 24/10 đã đến thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại Nghĩa trang Biên Hòa, còn gọi là Nghĩa trang Bình An, ở tỉnh Bình Dương.
Đại sứ Mỹ Ted Osius và Tổng Lãnh sự Mỹ Mary Tarnowka thắp hương tại Nghĩa trang Biên Hòa, ngày 24/10/2017. (Ảnh : Facebook Mary Tarnowka)
Bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh, người tháp tùng đại sứ Osius trong chuyến thăm nghĩa trang, hôm 27/10 viết trên Facebook :
"Đại sứ Ted Osius và tôi đã thắp hương tại Đài tưởng niệm các binh sĩ hy sinh tại Nghĩa trang Bình An và thăm Căn cứ Không quân Biên Hòa trong tuần này. Thông qua cam kết chung nhằm giải quyết quá khứ một cách cởi mở và trung thực cũng như nỗ lực chung trong việc hòa giải.
Nhà ngoại giao Hoa Kỳ viết tiếp : "Hoa Kỳ và Việt Nam có thể hướng đến tương lai từ quá khứ, tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người".
Ngoài ra, tháp tùng đại sứ Mỹ còn có ông Nguyễn Đạc Thành và ông Nguyễn Huy Khê, đại diện Sáng hội Việt Mỹ, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ giúp trùng tu nghĩa trang.
Trong một thông cáo báo chí hôm 24/10, Sáng hội Việt Mỹ nói dịp này đoàn có cuộc khảo sát tình trạng thực tế của các khu mộ trong nghĩa trang.
Cũng theo thông cáo của Sáng hội Việt Mỹ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chấp nhận nguyện vọng và đề nghị của hội trong việc trùng tu nghĩa trang, đồng ý đưa vấn đề này vào nội dung thảo luận chính thức giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam.